NHÌN BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI
Kinh thánh: Giăng 17: 1-26
Câu gốc: GIĂNG 17: 3 – Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến.
Lời của Đức Chúa Jêsus Christ trong câu gốc nầy cho biết về một trong những bí quyết giúp cho con người có thể nhận được sự sống đời đời, đó là nhìn biết Đức Chúa Trời.
Cũng theo lời phán nầy của Đức Chúa Jêsus Christ thì sự nhìn biết như vậy gồm có các yếu tố sau: Thứ nhất là nhìn biết Chúa có một và thật. Thứ hai là nhìn biết Đức Chúa Jêsus là Đấng đến từ Đức Chúa Trời.
Cơ-đốc-nhân trong mọi thời đại thường dùng câu gốc nầy để xác định rằng mình đã được cứu rỗi và sẽ hưởng được sự sống đời đời trong tương lai.
Nhưng nghĩ theo quan điểm cá nhân và theo nghĩa bề mặt của chữ là một chuyện, mà nghiên cứu sâu xa lời Kinh thánh để biết ý nghĩa rõ ràng trong lời của Chúa lại là một chuyện khác.
Việc nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đến từ Đức Chúa Trời thì tất cả các Cơ-đốc-nhân đều thống nhất với nhau về điều đó cho nên chúng ta không cần mở rộng thêm ở tại đây.
Như vậy trong lời phán nầy của Đức Chúa Jêsus thì còn lại hai trọng điểm chính mà chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất là sự nhìn biết Chúa và thứ hai là Đức Chúa Trời có một và thật.
Như chúng ta đã biết thì Kinh thánh là lời của Đức-Thánh-Linh và khi tra cứu đối chiếu câu Kinh thánh trong Giăng 17: 3 với các câu Kinh thánh khác thì chúng ta có thể biết được Đức-Thánh-Linh đã giải thích chữ NHÌN BIẾT có ý nghĩa như thế nào.
Trước nhất thì chúng ta cùng xem một câu Kinh thánh trong…
1GIĂNG 4: 7 – Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau, vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời.
Theo như câu Kinh thánh nầy cho biết thì sự nhìn biết Đức Chúa Trời có nghĩa là phải có tình yêu thương. Vì vậy khi một người nói rằng mình sẽ nhận được sự sống đời đời trong tương lai vì mình có sự nhìn biết Đức Chúa Trời thì người đó phải có tình yêu thương.
Ngược lại, nếu người nào không có tình yêu thương thì có nghĩa là người đó chưa nhìn biết Đức Chúa Trời và cũng có nghĩa là trong tương lai không thể nhận được sự sống đời đời mặc dầu đã cầu nguyện tin Chúa rồi. Chúng ta có thấy được ý nghĩa trong lời của Chúa tại điểm nầy hay không?
Để cho dễ hiểu và dễ nhớ thì tôi xin có công thức như sau từ câu Kinh thánh trên:
Được tái sanh/sanh từ Đức Chúa Trời Þ có tình yêu thương Þ có sự nhìn biết Chúa Þ được hưởng sự sống đời đời trong tương lai.
Nhưng nếu nói rằng cá nhân mình có tình yêu thương thì ai cũng có thể nói được. Nhưng để bày tỏ tình yêu thương ra bằng hành động thì đó lại là chuyện khác.
Tình yêu thương không phải chỉ là làm việc công đức và bố thí, bởi vì người ngoại cũng làm được điều đó, mà có khi họ còn bố thí dồi dào rời rộng hơn Cơ-đốc-nhân nữa.
Nhưng điểm đáng chú ý ở đây là sự yêu thương theo Lẽ thật của Chúa, chớ không phải là yêu thương theo bản tánh hay ý riêng của mình, hoặc yêu thương theo xu hướng chung của đám đông hoặc yêu thương theo sự diễn giải của con người.
Chính vì vậy mà lời của Chúa trong câu Kinh thánh trên cho biết rằng hễ ai yêu, tức là có tình yêu thương thật, thì người đó là người được sanh từ Đức Chúa Trời, hay còn gọi một cách khác là được tái sanh trong Chúa. Chính vì được tái sanh trong Chúa mà một người mới có thể yêu thương theo Lẽ thật của Chúa, còn những người chưa được tái sanh thì yêu theo quan điểm hoặc ý thích của cá nhân họ, hoặc là yêu theo xu hướng của thế gian.
Theo như lời của Chúa trong Kinh thánh thì sự yêu thương bởi Lẽ thật hay còn gọi là sự yêu thương của Lẽ thật sẽ giúp cho một người nhận được sự cứu rỗi trong tương lai, như đã được chép trong…
2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 9-10 – Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả, dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi.
Như vậy chúng ta có thể thấy là câu Kinh thánh nầy thống nhất với ý tưởng trong 1Giăng 4: 7 và cũng ủng hộ, bổ sung cho Giăng 17: 3. Điều đó có nghĩa là khi một người có sự yêu thương theo Lẽ thật thì người đó nhìn biết Đức Chúa Trời và sẽ hưởng được sự sống đời đời trong tương lai. Chúng ta đọc lại cả 3 câu gốc ấy thì sẽ thấy được ý tưởng rõ ràng là như vậy.
Thế thì từ đó chúng ta có thể hiểu được rằng nếu một người chỉ biết yêu thương theo cảm tính, yêu thương một cách tính toán, hoặc yêu thương theo quan điểm và xu hướng của cuộc đời thì người đó không có sự nhìn biết Đức Chúa Trời và không thể hưởng được sự sống đời đời trong tương lai. Đến đây thì chúng ta có thấy được sự liên hệ quan trọng như vậy trong lời của Chúa qua 3 câu Kinh thánh trên hay không?
Chẳng những thế thôi lời của Chúa trong Kinh thánh còn nhấn mạnh và xác định rằng đức tin của sự thông hiểu lẽ thật sẽ dẫn Cơ-đốc-nhân đến tình yêu thương thật, như đã có chép trong…
TÍT 1: 1 – Ta, Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật, là sự sanh lòng nhân đức.
Theo như câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy rằng đức tin cần phải có sự thông hiểu lẽ thật thì như vậy mới sanh ra lòng nhân đức, là căn bản chủ yếu của tình yêu thương.
Khi lời Kinh thánh đề cập đến tình yêu thương thì đó là tình yêu thương theo quan điểm của Đức Chúa Trời, đặt căn bản trên Lẽ thật của Kinh thánh, chớ không phải là bất cứ loại tình yêu thương nào của thế gian.
Như vậy đến đây thì chúng ta có thể hiểu được rằng nếu một người chỉ có đức tin mà chưa thông hiểu được Lẽ thật, thì người đó chưa có lòng nhân đức thật, hay nói một cách khác là chưa biết yêu thương theo Lẽ thật của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh.
Đức tin mà chưa có sự thông hiểu Lẽ thật là đức tin ít, đức tin còn là con đỏ, chưa phải là đức tin của bậc thành nhân. Mà đức tin còn là con đỏ thì dễ bị người ta dẫn dụ, lừa dối và làm cho lầm lạc. Nhưng đó lại là một chủ đề khác.
Còn ở tại đây, để chắc chắn với chúng ta là sự yêu thương theo Lẽ thật hay yêu thương trong Lẽ thật là quan trọng và cần thiết, thì lời của Chúa đã cho biết thêm là chỉ có như vậy thì Cơ-đốc-nhân mới yêu thương thật lòng, hay còn gọi là yêu thương thật thà, như đã có chép trong…
1PHI-E-RƠ 1: 2 – Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng.
Lời của Chúa ở đây cho biết là Lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh giúp cho Cơ-đốc-nhân có một tấm lòng trong sạch.
Hoặc nói một cách khác thì việc biết và làm theo Lẽ thật sẽ khiến cho Cơ-đốc-nhân có thể tập tành được một đời sống nên thánh theo ý của Chúa, và từ đó mới có thể yêu thương một cách thành thật, chớ không phải là yêu thương vì lợi ích cho cá nhân hoặc yêu thương một cách mù quáng.
Chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta có thể kể ra những thí dụ điển hình về việc yêu thương để có lợi cho cá nhân, để được địa vị, hoặc yêu thương một cách mù quáng mà thế gian thường gọi là đam mê. Đam mê đến nỗi không còn biết phải trái hoặc đúng sai.
Trong thực tế thì nhiều khi Cơ-đốc-nhân bị dẫn dụ để yêu thương và tha thứ trong sự mù quáng, đến nỗi người ta nhục mạ Đức Chúa Trời mình mà cũng không hề biết giận dữ, cứ xem Ngài như là Đấng xa lạ chẳng có liên hệ gì với mình. Sự yêu thương và tha thứ như vậy không phải là yêu thương theo Lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Đến đây thì chúng ta có thể liên hệ các câu Kinh thánh đã trưng dẫn như trên theo ý nghĩa thế nầy: Hễ Cơ-đốc-nhân có đức tin thì phải cố gắng thông hiểu Lẽ thật trong Kinh thánh hầu cho có thể có được tình yêu thương thật để nhờ đó được xem là nhìn biết Đức Chúa Trời và để có thể nhận được sự sống đời đời đời trong tương lai, chớ không phải là trưng dẫn câu Kinh thánh trong Giăng 17: 3 một cách thuộc lòng và kể đó như là yếu tố sẽ giúp cho mình được sống tại Thiên đàng trong tương lai.
Lời của Chúa đã cho biết những dạng tội lỗi khác nhau xuất phát từ việc không có tình yêu thuơng thật, như đã có chép trong…
1CÔ-RINH-TÔ 6: 10 – Chớ tự dối mình: Phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu.
KHẢI HUYỀN 21: 8 – Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai.
Cho nên đức tin suông kiểu đi theo một tôn giáo không thể giúp cho một người nhận được sự cứu rỗi, mà Cơ-đốc-nhân cần phải thông hiểu Lẽ thật để yêu thương theo ý muốn của Chúa thì mới có thể nhận được sự sống đời đời trong tương lai.
Nhưng yêu thương theo Lẽ thật là yêu thương như thế nào?
Lời của Chúa đã có cho biết rất nhiều điều làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và không làm đẹp lòng Ngài. Căn cứ vào những điều đó để yêu thương thì sẽ được kể là yêu thương theo Lẽ thật của Chúa, tức là yêu thương theo sự hướng dẫn của Đức-Thánh-Linh, bởi vì Đức-Thánh-Linh là Thần Lẽ thật, mà Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời Ngôi Ba.
Chúng ta có thể cùng xem xét sơ qua đến những thí dụ điển hình về việc không có tình yêu thương thật. Những thí dụ nầy đều là những đề tài quan trọng cần được suy gẫm một cách chi tiết, nhưng ở tại đây thì tôi chỉ xin trình bày một cách khái quát mà thôi.
Thí dụ thứ nhất về việc không có tình yêu thương thật là việc bỏ vợ. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì người nào bỏ vợ mà không phải vì cớ ngoại tình thì người đó đã không yêu thương theo Lẽ thật, bởi vì Đức Chúa Trời yêu thương rất ghét hành động đó:
MA-LA-CHI 2: 16 – Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.
LU-CA 16: 18 – Ai bỏ vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm, ai cưới đàn bà bị chồng để, thì cũng phạm tội tà dâm.
Lời của Chúa đã khẳng định rằng những người ly dị vợ không phải vì cớ ngoại tình rồi sau đó đi lấy vợ khác thì đó là những kẻ phạm tội tà dâm. Tội lỗi đó là một trong những tội làm cho người ta không nhận được sự sống đời, theo như hai câu Kinh thánh vừa trưng dẫn trong 1Cô-rinh-tô 6: 10 và Khải huyền 21: 8.
Thêm vào đó nữa thì hễ người nào lấy chồng hoặc lấy vợ khác mà người phối ngẫu trước đó còn sống (mặc dầu có ngoại tình hay không) thì cũng là người không có tình yêu thương và bị kể như là đã phạm tội tà dâm:
RÔ-MA 7: 2-3 – Cho nên, đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì luật pháp buộc phải theo chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết, thì người vợ được thoát khỏi luật pháp đã buộc mình với chồng. Vậy nếu đang lúc chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì phải bị kêu là đàn bà ngoại tình; nhưng nếu chồng chết, thì vợ được buông tha khỏi luật pháp, dầu lấy người khác cũng chẳng phải là đàn bà ngoại tình vậy.
Luật pháp nầy có nghĩa là khi người phối ngẫu còn sống, dẫu rằng đã ly thân hay ly dị, thì người kia không được phép lập gia đình lần nữa cho đến khi người phối ngẫu đã qua đời.
Luật pháp nầy được áp dụng cả cho người nam lẫn người nữ, bởi vì trong Chúa thì không phân biệt ai hết, như lời Kinh thánh đã có khẳng định trong…
1CÔ-RINH-TÔ 11: 11-12 – Song trong Chúa thì chẳng phải đàn bà ngoại đàn ông, cũng chẳng phải đàn ông ngoại đàn bà, vì như đàn bà đã ra từ đàn ông, thì đàn ông cũng sanh bởi đàn bà, và cả thảy đều ra bởi Đức Chúa Trời.
Chẳng những thế thôi, khi một người bỏ vợ hoặc bỏ chồng mà đi ăn ở với người khác thì sau đó cũng không được trở lại để ăn ở với người phối ngẫu lần trước. Đó không phải là một sự hòa thuận mà bị kể là sự dâm loạn, là điều ô uế, như lời của Chúa đã khẳng định trong…
GIÊ-RÊ-MI 3: 1 – Người ta nói rằng: Nếu người kia bỏ vợ mình, và nếu khi ly dị rồi vợ lấy chồng khác, thì người chồng trước có lẽ nào còn trở lại cùng đàn bà đó sao? Nếu vậy thì trong đất há chẳng bị ô uế lắm sao? Vả, ngươi đã hành dâm với nhiều người yêu, còn toan trở lại cùng ta sao? Đức Giê-hô-va phán vậy.
Trong câu Kinh thánh nầy cũng cho biết là những kẻ đã từng ăn ở với người khác ngoài hôn nhân, chẳng hạn kiểu boyfriend, girlfriend rồi sau đó đi lập gia đình thì cũng bị kể như là đã phạm tội tà dâm. Bởi vì Đức Chúa Trời chỉ kể sự luyến ái là dành riêng cho vợ chồng mà thôi, tức là sau khi đã chính thức bước vào hôn nhân. Lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh không cho phép nam nữ có sự luyến ái trước hôn nhân.
Chúng ta đọc về câu chuyện của ông Giô-sép và bà Ma-ri thì sẽ thấy được gương mẫu trong Kinh thánh mà lời của Chúa đã dạy dỗ chúng ta.
Cơ-đốc-nhân cần phải biết và có lẽ đều đã biết hết rồi, ấy là sự luyến ái nam nữ không được Chúa cho phép trong bất cứ mối liên hệ nào khác ngoại trừ mối liên hệ trong hôn nhân.
Cũng cần nên nói thêm ở tại đây là đối với những tội lỗi vừa nêu trên thì nếu người nào không biết luật pháp Chúa mà đã phạm phải trong quá khứ thì khi thật lòng ăn năn sẽ được Chúa tha thứ cho và được kể là người vô tội. Ấy là vì người đó đã phạm trong lúc không biết, hay còn được gọi là tội vô tình. Chính vua Đa-vít đã cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho ông những lần phạm tội như vậy, như đã được chép trong…
THI THIÊN 19: 12 – Ai biết được các sự sai lầm mình?Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết.
Nhưng nếu một người đã biết mạng lệnh và điều răn của Chúa về một điều nào đó mà lại cố tình phạm đến tội ấy, thì vấn đề sẽ khác hẳn. Kinh thánh gọi đó là sự cố tình phạm tội.
Như vậy theo như những lời Kinh thánh mà chúng ta đã xem xét qua thì có thể hiểu rằng người bỏ vợ là người không có tình yêu thương thật và là người chưa nhìn biết Đức Chúa Trời.
Để có thể nhớ lại các lời của Chúa đã được trưng dẫn thì chúng ta có công thức nầy:
Sau khi được tái sanh (1Giăng 4: 7) Þ thì có tình yêu thương thật (1Giăng 4: 7) Þ có sự nhìn biết Chúa Þ sẽ hưởng được sự sống đời đời trong tương lai (Giăng 17: 3).
Sự bỏ vợ, bỏ chồng để đi lấy người khác đang khi người phối ngẫu trước đó vẫn còn đang sống, hoặc tình trạng sống chung ngoài hôn nhân với nhiều người thì bị Kinh thánh gọi là tình dục buông tuồng. Ấy là vì chiều theo sự tham mê của xác thịt và bản ngã mà người ta mới làm điều đó, và lời Kinh thánh đã khẳng định rằng những người như vậy là những người chẳng nhìn biết Đức Chúa Trời, như đã có chép trong…
1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 5 – Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: Tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời.
Nếu Cơ-đốc-nhân mà lại có đời sống tình cảm luông tuồng như người ngoại đạo thì làm sao có thể hưởng được sự sống đời đời? Bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết đó là những kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời.
Thí dụ thứ hai về việc không có tình yêu thương thật là sự bè đảng và tranh cạnh. Đây là tình trạng thường thấy xãy ra rất nhiều trong các Hội thánh.
RÔ-MA 16: 17 – Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi.
Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho thấy rằng sự bè đảng là việc làm gương xấu cho con cái Chúa trong Hội thánh. Tại sao đó lại là gương xấu thì trong câu gốc tiếp theo lời của Chúa cũng đã giải thích cho chúng ta về điều đó:
RÔ-MA 16: 18 – Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà.
Lời của Chúa cho biết là những kẻ bè đảng là những kẻ hầu việc cho tư dục của cá nhân họ chớ không phải cho sự lợi ích của anh chị em trong Chúa hoặc là cho lợi ích của Hội thánh Đức Chúa Trời.
Sự bè đảng trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân đã có từ thời các sứ đồ và kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay, như đã có chép trong…
1CÔ-RINH-TÔ 3: 4 – Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao?
Các chữ LÀ NGƯỜI CŨNG NHƯ KẺ KHÁC trong câu gốc nầy có ý nói rằng Cơ-đốc-nhân khi phạm tội bè đảng thì hành xử cũng giống người chưa tin mặc dầu ngoài mặt thì tự xưng mình là con cái hoặc là tôi tớ của Chúa.
Cơ-đốc-nhân nhìn thấy sự tệ hại đó nhiều lắm trong các Hội thánh nhưng không tiện để nói ra. Lý do là vì sợ hãi quyền lực của những người có địa vị trong Hội thánh, hoặc là sợ bị chụp mũ là thiếu tình yêu thương, hoặc là sợ bị phê phán là dám đoán xét người khác, hoặc là sợ bị chê bai rằng ngu dại vì bêu xấu chuyện Hội thánh để cho người ngoại biết.
Chúng ta có thể thấy được điều đó khi nhận biết rằng dầu Đức Chúa Trời chỉ ban cho loài người có một quyển Kinh thánh mà thôi nhưng lại có nhiều giáo hội, nhiều hệ phái, nhiều tư tưởng, nhiều giáo điều và nghi thức. Chúng ta có bao giờ tự hỏi rằng chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại bị phân rẽ ra như vậy hay sao?
Chúng ta biết rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, vậy mà trong vòng Cơ-đốc-nhân lại có người nói rằng đường nào cũng dẫn đến Thiên đàng hoặc tin Chúa thế nào cũng vẫn được cứu.
Nói như vậy có nghĩa là chưa nhìn biết Đức Chúa Trời, bởi vì trong câu gốc nền tảng của chúng ta trong Giăng 17: 3 thì lời của Chúa cho biết rằng sự sống đời đời là nhìn biết Đức Chúa Trời có MỘT và THẬT.
Nhưng nhiều người lại dùng câu gốc đó để bênh vực cho giáo hội hoặc hệ phái của họ để cho rằng phải tin Chúa và nhóm họp với họ thì như vậy mới đúng, còn nếu không thì toàn là tà giáo cả. Ý của họ muốn nói là người nào nếu không thuộc về giáo hội hoặc hệ phái ấy thì sẽ không nhận được sự sống đời đời.
Những người có quan điểm như vậy chưa bao giờ ngồi xuống để cầu hỏi Đức-Thánh-Linh và để suy nghĩ cho thật sâu xa là lời của Chúa có ý nghĩa như thế nào. Họ đi theo giáo hội ấy bởi vì gần nhà, hoặc vì theo gia đình, hoặc là vì theo bạn bè. Họ nghe giảng mà không hề suy xét, không hề tra cứu, không hề tìm hiểu để biết xem là những lời ấy có phải đến từ Đức-Thánh-Linh hay không, hay là từ sự suy diễn của loài người, từ quan điểm của cá nhân, từ sự học thức và bằng cấp do con người ban cho, từ khả năng ăn nói, từ nghệ thuật hùng biện bẩm sinh hay là thật sự đến từ Đức Chúa Trời.
Những người có tánh bè đảng như vậy thường trưng dẫn đơn thuần một vài câu Kinh thánh mà họ chỉ hiểu nghĩa theo bề mặt của chữ và xem đó như là bằng chứng hùng hồn của đức tin họ, chớ không hề làm như các tín đồ của Hội thánh đầu tiên đã làm khi xưa, như có chép trong…
CÔNG VỤ 17: 11 – Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.
Những tín đồ tại Hội thánh Bê-rê đã dùng lời của Chúa trong Kinh thánh để xét xem lời giảng mà họ nghe có thật đúng là đến từ Chúa hay không, hay là đến từ khả năng diễn thuyết của con người. Mà những người giảng dạy đó là ai? Là Phao-lô, là người đã được Chúa đem lên đến từng trời thứ ba để thấy Thiên đàng từ đàng xa, là người đã được Đức-Thánh-Linh xử dụng để viết ra phần lớn Kinh thánh Tân ước.
Một người như Phao-lô mà còn bị các tín đồ tại thành Bê-rê xét nét bằng lời của Chúa, trong khi đó thì nhiều Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay lại chưa từng làm như vậy bao giờ để chiêm nghiệm thử xem sự rao giảng vẫn đang thịnh hành trong các Hội thánh thời bây giờ là thế nào. Đó là sự rao giảng của việc trưng dẫn một hai câu Kinh thánh rồi sau đó cứ thao thao bất tuyệt diễn giải về tư tưởng riêng hoặc là lời của người nổi tiếng nầy, của hiền triết kia, hoặc là những chuyện thị phi trong xã hội mà người nghe chẳng nhận lãnh được bao nhiêu về Lẽ thật của Chúa. Thậm chí ngay trên tòa giảng mà còn nói chuyện tiếu lâm, giỡn cợt cứ y như lúc tại bàn tiệc, mặc dầu mạng lệnh của Chúa đã có nghiêm cấm về điều đó, như đã có chép trong…
Ê-PHÊ-SÔ 5: 4 – Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.
Vấn đề rao giảng như vậy thì chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu đến trong một dịp khác, nhưng trở lại với đề tài chính tại đây thì chúng ta hiểu rằng muốn thật sự trở thành người nhìn biết Đức Chúa Trời thì Cơ-đốc-nhân trước hết phải được tái sanh, rồi sau đó mới có tình yêu thương thật như là bằng chứng của việc chính cá nhân mình nhìn biết Đức Chúa Trời.
(còn tiếp)