NHẬN LẤY SỰ GIÁNG SINH CỦA CHÚA
Câu gốc: GIĂNG 14: 23 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.
Kính thưa quý Hội thánh, sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus đã xãy ra cách nay hơn 2,000 năm và đó là một trong hai sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử của con người. Sự kiện quan trọng thứ nhất thì đã xãy ra rồi, còn sự kiện quan trọng thứ hai thì chưa xãy ra. Đó là sự trở lại của Chúa và chúng ta đã có suy gẫm qua những lời tiên tri về ngày đó trong Chủ đề Khi Nào Đức Chúa Jêsus Trở Lại. Nhưng tối hôm nay thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm về sự giáng sinh của Chúa và cách thế nào để Cơ-đốc-nhân có thể thật sự nhận được sự giáng sinh của Ngài vào trong đời sống mình. Đây là điều cần phải biết vì theo thực tế cho thấy thì không phải là tất cả các Cơ-đốc-nhân sau khi cầu nguyện tin nhận Chúa thì đều có đức tin mạnh mẽ như nhau. Có người thì được Chúa thăm viếng liền sau khi tin nhận Chúa và trở nên mạnh mẽ bền bĩ trong đức tin, nhưng cũng có người mặc dầu đã tin Chúa hàng mấy mươi năm rồi nhưng vẫn còn yếu đuối hoặc chưa từng kinh nghiệm được sự ở cùng của Chúa trong đời sống mình. Vì vậy mà việc tìm biết cách thế nào để được Chúa giáng sinh vào trong chính đời sống của cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng để Cơ-đốc-nhân có thể bắt đầu hành trình đức tin theo Chúa cho đến khi nhận được sự sống đời đời trong Thiên đàng của Ngài. Bởi lẽ đó những anh chị em nào đã biết rằng mình mạnh mẽ rồi trong Chúa thì chúng ta cứ tiếp tục trung tín và bền bĩ trong đức tin, còn quý anh chị em nào vẫn thắc mắc về hiện trạng thuộc linh của mình từ ngày tin Chúa đến hôm nay thì lời của Chúa sẽ giúp anh chị em kinh nghiệm được sự thay đổi tươi mới cho những năm tháng tương lai.
Sự kiện Đức Chúa Jêsus giáng sinh là một thực tế trong lịch sử của con người và ngày tháng mà thế giới đang sử dụng ngày hôm nay là bằng chứng rõ ràng nhất về điều đó. Như chúng ta đều đã biết thì tất cả những sự kiện đã xãy ra trong quá khứ mà Kinh thánh có ghi lại đều được Đức Chúa Trời dùng để làm hình bóng cho những sự sẽ tới trong tương lai, nhất là để dạy dỗ cho con dân Chúa về những khía cạnh khác nhau trong phương diện thuộc linh. Câu chuyện về sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus cũng là một bài học thuộc linh quý báu cho Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay.
Như điều mà chúng ta đã suy gẫm qua trong Chủ đề Thế Nào Là Đức Tin Thật thì quý Hội thánh đều đã biết rằng không phải bất cứ người nào đã cầu nguyện tin Chúa đều thật sự có đức tin trong Ngài. Mặc dầu đề cập đến điều nầy thì có thể làm cho nhiều người mích lòng nhưng đó là một thực tế. Như lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán thì chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân chấp nhận để đối diện với sự thật hay còn gọi là lẽ thật thì đời sống của cá nhân mới hy vọng được thay đổi, mới hy vọng có được sự tự do thật, tức là thoát khỏi những ràng buột của tội lỗi, bằng không thì sự ảo tưởng hoặc thái độ cố tình chối bỏ sự thật chỉ tiếp tục lừa dối chính mình mà thôi. Nguyên tắc đó đã được Đức Chúa Jêsus tuyên phán và đã được ghi lại trong (Giăng 8: 32).
Chữ lẽ thật ở đây bao gồm lời của Chúa trong Kinh thánh và những thực tế trong đời sống con người, còn chữ buông tha thì Chúa có ý muốn nói đến sự tự do thật mà Cơ-đốc-nhân sẽ có được sau khi thông hiểu các lẽ thật trong Kinh thánh. Vì nhờ sự thông hiểu như vậy mà Cơ-đốc-nhân biết được điều cần phải làm và điều cần nên tránh trong đời sống nầy. Với sự thêm sức của Chúa thì nhờ đó Cơ-đốc-nhân sẽ không còn bị ràng buột bởi tội lỗi nữa. Còn nếu chưa được buông tha thì gánh nặng tội lỗi cùng với sự hồ nghi vẫn sẽ cứ tiếp tục tồn tại trong tiềm thức của Cơ-đốc-nhân mặc dầu bề ngoài thì cố giữ vẽ như là đã được tái sanh.
Nếu nói theo phương diện tổng quát của cuộc sống nhân loại thì người ta thường có khuynh hướng che dấu sự thật, từ những thực tế trong đời sống cá nhân cho đến tình trạng trong gia đình hoặc các mối giao tiếp trong xã hội, nhất là trong chính trường. Một thực tế điển hình về việc che dấu sự thật là cách mà những kẻ cầm quyền độc tài thường dùng xảo ngôn để tuyên truyền những điều bịa đặt hầu cho có thể giam cầm người dân trong ảo tưởng tự do mà ủng hộ sự thống trị của họ. Đó là trong phương diện chính trị và xã hội, còn trong phương diện cá nhân thì người ta cũng thường hay tự dối với chính lòng mình để tạo cảm giác là mình đã tốt đủ, hoặc đã hay đủ rồi nên không cần cố gắng thêm gì nữa. Nhưng sự tự lường gạt như vậy rất nguy hiểm cho cá nhân, cho đoàn thể hay nguy hiểm cho cả một quốc gia. Đối với cá nhân thì chỉ khi nào người ta chấp nhận đối diện với thực tế thì lúc đó đời sống của họ mới hy vọng được thay đổi, hay nói một cách rõ ràng hơn là chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân nhìn nhận rằng chưa thật sự kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình thì lúc đó mới hy vọng được Ngài ở cùng và mới kinh nghiệm được sự tái sanh.
Tôi xin đưa ra thí dụ điển hình như thế nầy để minh họa cho điều vừa mới đề cập đến. Chỉ khi nào một học sinh thú nhận rằng em chưa có đủ kiến thức thì lúc bấy giờ mới hy vọng có sự cố gắng học tập. Còn những học sinh nào ỷ y rằng mình đã biết hết rồi thì sẽ lơ là với trường học sách vở. Cũng một thể ấy, chỉ khi nào một người nội trợ nhận biết rằng mình chưa nấu ăn giỏi thì lúc bấy giờ mới hy vọng là có sự cố gắng tìm tòi học hỏi thêm để có thể nấu ăn ngon hơn. Nhưng nếu người nội trợ đó cho rằng mình đã nấu ăn đủ ngon rồi thì suốt bao nhiêu năm dài thì tài nấu ăn cũng chỉ ở mức độ đó mà thôi, không thể phát triển được hơn nữa. Đây là nguyên tắc có thể áp dụng cho hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống, từ giáo dục, sức khỏe, thương trường cho đến sự giao tiếp hàng ngày và ngay cả việc dạy dỗ con cháu ở tại nhà cũng vậy. Nói tóm lại là chỉ khi nào một người nhận thấy rằng mình còn khiếm khuyết thì cá nhân người đó mới hy vọng được tiến bộ trong tương lai, bằng không thì cuộc đời chỉ dậm chân tại chỗ cho đến khi qua đời mà thôi.
Vì vậy trong phương diện thuộc linh thì nguyên tắc ấy cũng được áp dụng một cách triệt để, giống như các lời mà Chúa đã dùng để dạy dỗ con dân Ngài về lòng kiêu ngạo, như có chép trong (Châm ngôn 26: 16).
Theo ý tưởng trong hai câu gốc nầy thì khi một người tự cao kiêu ngạo cho rằng mình đã hay rồi, giỏi rồi thì họ sẽ trở nên ỷ y và bởi lẽ đó mà bị người khác lừa gạt hoặc bị ma quỉ cám dỗ để phạm tội. Như vậy thì sự kiêu ngạo tự mãn là nguyên nhân làm cho người ta bị sa ngã. Cũng một thể ấy, khi áp dụng các câu gốc nầy vào trong phương diện thuộc linh thì lời của Chúa có ý cho biết rằng nếu Cơ-đốc-nhân cứ tự phụ cho rằng mình đã có Chúa ngự trong tấm lòng rồi mà không dùng lời Kinh thánh để xét xem rằng đời sống mình có phù hợp với các tiêu chuẩn và mẫu mực mà Ngài đã dạy dỗ hay không, thì sự kiêu hãnh thuộc linh như vậy chỉ lừa dối cá nhân mình mà thôi, như lời cảnh cáo đã được ghi lại trong (1Cô-rinh-tô 10: 12).
Nếu đọc kỹ cả Kinh thánh thì chúng ta có thể thấy rằng lời của Chúa chẳng những cảnh cáo mà thôi theo như ý tưởng trong câu gốc nầy, nhưng Ngài còn cho ghi lại một số các thí dụ điển hình để Cơ-đốc-nhân có thể tự xét lại đời sống mình, hầu cho con dân của Chúa có thể thức tỉnh mà tìm mọi cách để được Đức Chúa Trời thật sự ngự trị trong đời sống cá nhân. Cách mà Kinh thánh đã dạy dỗ để xét lại đời sống của mỗi một cá nhân trong phương diện thuộc linh là việc biết cầm giữ lời nói của mình sao cho xứng hiệp với các mẫu mực trong Kinh thánh, như điều đã được ghi lại trong (Gia-cơ 1: 26).
Như câu Kinh thánh nầy đã bày tỏ thì chúng ta có thể thấy rằng chỉ bằng lời nói thôi thì Cơ-đốc-nhân có thể tự kiểm tra chính mình hoặc bày tỏ cho người khác thấy rằng đức tin của mình ở trong Chúa là thật hay không. Thực tế trong đời sống cho thấy thì nhiều khi Cơ-đốc-nhân đã tin Chúa lâu năm nhưng lời nói vẫn chưa bày tỏ được sự đổi mới trong tâm thần như điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi con dân Ngài phải có. Cơ-đốc-nhân có thể còn nói chuyện như người thế gian, tức là vẫn còn tiếp tục dùng những từ ngữ bất khiết mà người đời thường dùng, còn riêng về hành động thì thậm chí đứng trước mặt Đức Chúa Trời trong nhà của Ngài mà vẫn không có được thái độ cung kính hoặc lời nói nghiêm trang chừng mực của một kẻ tôi tớ. Thế thì làm sao con dân Chúa có thể làm chứng cho người chưa tin rằng chúng ta đang thờ phượng một Đức Chúa Trời đáng kính và cao cả hơn mọi thần tượng trong thế gian? Vì nếu Đức Chúa Trời là Đấng Đáng Kính Sợ như lời mà Kinh thánh đã có ghi lại trong 2Cô-rinh-tô 5: 11 thì thái độ và lời nói cung kính của Cơ-đốc-nhân trước mặt Ngài ở đâu? Và nếu ngay trong nhà của Chúa mà lời nói và cung cách của Cơ-đốc-nhân còn chưa xứng hiệp, thì lúc ở tại nhà riêng hoặc lúc giao tiếp với bạn bè chưa tin thì lời nói và cung cách còn khác xa thế nào nữa? Xin chúng ta cùng đọc câu Kinh thánh trong (2Cô-rinh-tô 5: 11) để được nhắc nhở về việc Cơ-đốc-nhân cần phải bày tỏ lòng cung kính của mình trước mặt Chúa để làm chứng cho người chưa tin là thế nào.
Bởi lẽ đó mà tối hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh về cách thế nào Cơ-đốc-nhân có thể thật sự được Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong tấm lòng mình và từ đó thay đổi chúng ta hoàn toàn để được xứng đáng cho Thiên đàng của Ngài trong tương lai.
Trong câu chuyện thuật lại về sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus thì Kinh thánh có đề cập đến đời sống của ông Si-mê-ôn là người trông đợi sự yên ủi của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong (Lu-ca 2: 25).
Vào thời gian mà Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì người La-mã đang đô hộ đất nước Giu-đa và dân sự của Chúa mong mỏi được giải cứu khỏi sự thống trị của Rô-ma. Ông Si-mê-ôn là một trong những người như vậy, nhưng sự trông đợi của ông thì thuần túy về mặt thuộc linh hơn là trong phương diện thuộc thể. Bởi lẽ đó mà ông rất vui mừng khi được Đức-Thánh-Linh cho biết rằng con trẻ mà ông được bồng ẳm trên tay trong Đền thờ là Đấng Mê-si và ông đã ca ngợi Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi mà Ngài đang thực hiện cho cả thế gian chớ không phải chỉ cho một mình dân Y-sơ-ra-ên, như lời Kinh thánh đã có chép trong (Lu-ca 2: 27-32).
Theo như Kinh thánh cho biết thì những người có đức tin thật trong Chúa đều trông đợi sự giải cứu từ nơi Ngài. Vì lẽ đó mà lòng trông đợi hay trông mong là một trong những yếu tố quan trọng của đức tin thật, như lời Kinh thánh trong Hê-bơ-rơ 11: 1 đã bày tỏ mà chúng ta đã có suy gẫm qua trong Chủ đề Thế Nào Là Đức Tin Thật. Hay nói một cách khác thì nếu Cơ-đốc-nhân theo Chúa mà không có lòng trông mong được sự giải cứu khỏi tội lỗi và khỏi trần gian tăm tối nầy thì người đó còn thiếu yếu tố của một đức tin thật trong đời sống mình.
Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ đến tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ để có thể liên hệ với bài học thuộc linh về việc làm sao nhận được sự giáng sinh của Chúa. Theo lịch sử cho biết thì sự cai trị của Đế quốc La-mã trên các thuộc địa của họ rất là hà khắc, nhất là việc bắt người ta làm nô lệ và việc đánh thuế nặng nề các dân tộc bị trị để cung cấp và thỏa mãn sự xa hoa của giới quý tộc. La-mã lại có một quân đội thiện chiến nên họ thường dùng hình thức tàn sát để răn đe và ngăn cản các cuộc nổi loạn. Chính vì những lý do đó mà các dân tộc trong Đế quốc La-mã đều rên siết dưới sự thống trị tàn bạo của Rô-ma, trong đó có dân Y-sơ-ra-ên. Họ mong đợi được Đức Chúa Trời giải cứu nên vì thế mà sau nầy họ có ý muốn tôn Đức Chúa Jêsus lên làm vua để đánh đổ chính quyền La-mã, như lời Kinh thánh có cho biết trong (Giăng 6: 15).
Dân Y-sơ-ra-ên có ý mong đợi được Đức Chúa Trời giải cứu họ trong phương diện thuộc thể, tức là được thoát khỏi ách thống trị của La-mã, nhưng ý định và chương trình của Đức Chúa Trời là giải cứu loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi để được hưởng vương quốc Thiên đàng trong tương lai. Chính vì lý do đó mà Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh vào trong trần gian như chúng ta đã biết. Cũng chính vì lòng mong đợi trong phương diện thuộc linh như vậy mà ông Si-mê-ôn mới được Đức-Thánh-Linh bày tỏ về thân thế của con trẻ Jêsus. Chắc chắn là khi còn là hài nhi thì Đức Chúa Jêsus đã được nhiều người bồng ẳm nhưng chỉ có một vài người như ông Si-mê-ôn và bà An-ne mới được Kinh thánh ghi chép về việc bồng ẳm hài nhi Jêsus mà thôi. Điều đó cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời có ý muốn dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về sự quan trọng của lòng trông mong đối với đức tin thật. Sự trông mong như vậy mới được phần thưởng, giống như phần thưởng đã ban cho ông Si-mê-ôn là được Kinh thánh tường thuật lại việc được chính tay bồng ẳm hài nhi Jêsus.
Khi liên hệ câu chuyện ấy vào trong phương diện thuộc linh thì chúng ta có thể hiểu rằng khi một người cầu nguyện tin nhận Chúa và có tấm lòng trông đợi được Ngài giải cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi thì người ấy sẽ được kể là có đức tin thật và sẽ được Chúa đến gần, giống như hình ảnh ông Si-mê-ôn được bồng ẳm hài nhi Jêsus trong tay. Đó cũng là điều làm hình bóng cho việc được Đức Chúa Jêsus ngự vào đời sống mình. Khi nói một cách chi tiết thì chúng ta có thể hiểu như thế nầy: Chỉ khi nào một người cảm thấy chán ngán, đau khổ vì bị tội lỗi cầm buộc, khiến cho mình phải làm những điều mình không muốn làm, thì lúc bấy giờ người ấy mới có lòng mong đợi được sự giải cứu từ nơi Chúa. Sự trông đợi thiết tha như vậy sẽ làm cho người đó biết kêu cầu, biết nài xin và biết ngửa trông sự thương xót từ nơi Chúa. Sự trông mong khẩn thiết như vậy sẽ được Đức Chúa Jêsus thăm viếng và trả lời, vì Ngài là Đấng Nhân Từ Hay Thương Xót, như lời Ngài đã phán dạy và đã được ghi lại trong (Ma-thi-ơ 11: 28).
Sự mệt mõi và gánh nặng nầy có ý muốn nói đến sự mệt mõi vì muốn làm điều lành mà không làm được và về việc gánh nặng của tội lỗi lúc nào cũng đè nặng lên lương tâm của người ấy. Bởi lẽ đó khi một người đến với Chúa để cầu xin Ngài giáng sinh vào trong tâm linh của mình thì người ấy sẽ được yên nghĩ vì từ đó về sau sẽ sống bằng sức Chúa chớ không phải bởi sức riêng của mình nữa. Đó là điều mà sứ đồ Phao-lô đã từng kinh nghiệm và ông đã có đề cập đến trong (Rô-ma 7: 21-25).
Chính vì Phao-lô nhận biết thực tế của đời sống ông là như vậy nên Phao-lô mới trở nên người thánh của Đức Chúa Trời và đã làm những công việc hữu ích cho Ngài trong vòng người chưa tin. Theo như các câu gốc vừa được trưng dẫn thì Phao-lô dẫu thích luật pháp của Đức Chúa Trời và biết rằng những mạng lệnh và điều răn của Chúa là ích lợi cho đời sống của cá nhân ông, nhưng ông không có khả năng để thực hiện những điều đó. Ấy là lý do mà ông đã ta thán và kêu lên những lời như vậy. Gánh nặng và sự mệt mõi của Phao-lô là thích luật pháp của Chúa nhưng đồng thời cũng biết rằng ý chí của bản thân không đủ mạnh để thực hiện được điều mà mình muốn làm để đẹp lòng Chúa. Chính vì vậy mà ông có lòng trông mong được giải cứu khỏi bản ngã và nhờ đó mới được Đức Chúa Trời thăm viếng và được Đức Chúa Jêsus hiện ra để phán với ông lúc trên đường đi đến thành Đa-mách.
Đây là bài học thuộc linh mà chúng ta cần phải để ý. Nếu Cơ-đốc-nhân không cảm thấy thích luật pháp của Đức Chúa Trời thì chắc chắn sẽ không cảm thấy mệt mõi và có gánh nặng về việc cần phải thực hiện những mẫu mực mà Đức Chúa Trời đã truyền phán trong Kinh thánh. Bởi vì có thất bại trong cố gắng làm theo điều mà Chúa đã dạy dỗ thì mới có kinh nghiệm mệt mõi và biết được gánh nặng của tội lỗi để trông đợi sự giải cứu của Chúa. Còn nếu cứ làm ngơ với luật pháp của Kinh thánh và cứ tiếp tục sống theo bản ngã xác thịt thì có gì đâu để mệt mõi hoặc cảm thấy gánh nặng. Hễ cá nhân thích gì làm nấy thì làm sao Cơ-đốc-nhân có sự vật vã, đau đớn trong nội tâm như trong trường hợp của Phao-lô để được Đức Chúa Trời thăm viếng và giải cứu? Ngoài ra nếu không có người đề cập thường xuyên với con dân Chúa về các điều răn và mẫu mực của Đức Chúa Trời thì làm sao Cơ-đốc-nhân được nhắc nhở để thức tỉnh về hiện trạng của chính mình? Thực tế cho thấy thì nhiều Cơ-đốc-nhân ngày nay rất ít khi muốn nghe về điều răn và các mẫu mực sống đạo, thậm chí có người còn bực mình khi cứ phải nghe về việc phải sống thế nào để đẹp lòng Chúa, dường như là việc sống đẹp lòng Chúa không phải là trọng tâm theo Chúa của một số Cơ-đốc-nhân. Điều mà nhiều Cơ-đốc-nhân thường muốn nghe là Chúa sẽ ban phước cho mình điều gì, chớ không hề muốn nghe rằng mình cần phải làm điều gì cho Chúa. Nếu con cái Chúa không cẩn thận thì Cơ-đốc-nhân có thể sẽ theo Chúa giống kiểu người thế gian thờ lạy thần tượng của họ, tức là làm một vài điều nào đó về hình thức bên ngoài rồi mong Đức Chúa Trời phải ban phước lại cho mình thật nhiều, cứ như là Đức Chúa Trời nợ con người chớ không phải con người là tôi tớ của Đấng Tạo Hóa.
Trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta tối hôm nay thì quý Hội thánh đã có thể thấy rằng vì ông Si-mê-ôn đã trông đợi sự yên ủi của Chúa mà bởi đó được gần gũi với Chúa qua việc được bồng ẳm hài nhi Jêsus. Cũng một thể ấy, vì Phao-lô đã trông mong được Chúa giải cứu khỏi sự ràng buộc của bản ngã mà ông được Đấng Christ thăm viếng và biến đổi. Cũng cùng một cách như vậy, chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân thật sự mong ước được Đức Chúa Trời giải cứu mình khỏi những yếu đuối của xác thịt thì lúc bấy giờ con dân Chúa mới được Ngài thăm viếng. Bằng không thì Cơ-đốc-nhân sẽ tiếp tục bị sự tự mãn của mình lừa dối cho đến hết đời mà thôi. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân không chịu nghe về những điều răn và mực thước cần phải thực hiện đang khi còn sống giữa trần gian nầy thì làm sao con dân Chúa ý thức được mức độ thuộc linh thật sự trong đời sống mình? Những điều răn và mẫu mực ấy là thước đo thuộc linh về sự phát triển trong đời sống cá nhân của mỗi một người theo Chúa. Nếu không có thước đo ấy thì làm sao Cơ-đốc-nhân biết mình đã trưởng thành đến đâu trong Đấng Christ? Cũng vì lý do cần phải nghe về mẫu mực sống đạo để có thể nhận biết mức độ tội lỗi còn vấn vương lại bao nhiêu trong đời sống của con dân Chúa cùng mức độ trưởng thành của mỗi người mà sứ đồ Giăng đã cảnh cáo các Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên về sự tự mãn trong đời thuộc linh của họ như lời đã được ghi lại trong (1Giăng 1: 8).
Những lời vừa được trưng dẫn không phải là dành cho người chưa tin, mà là cho các Cơ-đốc-nhân đã cầu nguyện tin Chúa rồi, vì Giăng đã gọi họ bằng những từ ngữ anh em, như trong câu thứ 4 và chữ chúng ta trong câu gốc nầy. Điều đó có nghĩa là Giăng muốn các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ phải nhận biết rằng dẫu họ đã tin Chúa rồi nhưng trong vòng họ vẫn còn có những người yếu đuối và vẫn còn phạm tội, hầu cho bởi đó mà biết nhờ cậy nơi Chúa luôn luôn để đứng vững và đắc thắng, cũng như biết tìm kiếm sự ở cùng của Chúa mỗi một ngày đang khi còn sinh hoạt giữa thế gian đầy sự cám dỗ của ma quỉ. Ấy đó cũng là lý do mà Đức Chúa Trời muốn những người hầu việc Ngài một cách gương mẫu như Phi-e-rơ phải nhắc nhở về lẽ thật và điều răn của Chúa cho con cái Ngài không thôi, để họ nhận biết được thực tế của đời sống mình mà tỉnh thức, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong (1Phi-e-rơ 1: 12).
Theo lời của Phi-e-rơ cho biết trong câu gốc nầy thì các Cơ-đốc-nhân thời xưa đã biết rõ ràng và chắc chắn về lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh mà ông còn phải nhắc nhở họ không thôi về ý muốn của Đức Chúa Trời, huống chi là Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay. Sự nhắc nhở chẳng thôi về các mẫu mực trong Kinh thánh là nguyên tắc cần phải được thực hiện thường xuyên trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân để con dân Chúa được tỉnh thức. Sự nhắc nhở như vậy phải có trong bài giảng ngày Chúa nhật, phải có lúc học Kinh thánh, lúc cầu nguyện tại nhà thờ và tại nhà riêng. Điều đó có nghĩa là sự nhắc nhở như vậy phải diễn ra liên tục không dứt. Nhưng trong thời đại ngày nay khi Cơ-đốc-nhân còn chưa biết rõ ràng và trọn vẹn về tất cả những điều mà Chúa đòi hỏi con cái Ngài phải có hoặc phải thực hiện mà nhiều người đã nhanh chóng từ chối không chịu nghe lẽ thật để chỉ muốn nghe chuyện vui cười mà thôi. Thế thì đến khi Đức Chúa Jêsus trở lại thì những người đó sẽ ra sao?
Vì vậy mà chúng ta cần phải nhớ như thế nầy: Ấy là Cơ-đốc-nhân phải chịu khó lắng nghe về các mẫu mực trong Kinh thánh một cách thường xuyên để biết rõ ràng chắc chắn về mọi điều mình cần phải làm và tất cả những điều mình cần phải tránh theo ý Đức Chúa Trời. Sau khi đã chịu lắng nghe và ghi nhớ thì phải cố gắng làm theo. Chỉ có như vậy thì Cơ-đốc-nhân mới có thể đo lường được mức độ thuộc linh của chính mình, bằng không thì sẽ cứ tiếp tục tự ru ngủ là mình đã hội đủ điều kiện để vào được Thiên đàng rồi. Sự tự ru ngủ như vậy chỉ làm cho những người tự mãn sẽ phải hối tiếc một cách cay đắng đời đời mà thôi. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân biết càng nhiều về ý muốn của Chúa và cố gắng để làm theo thì sẽ nhận biết rằng bản ngã và xác thịt không thể thỏa mãn được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Lúc bấy giờ thì Cơ-đốc-nhân mới kinh nghiệm được sự mệt mõi và gánh nặng của việc cố gắng sống đẹp lòng Chúa mà chính mình không làm nổi. Chỉ có như vậy mới giúp cho Cơ-đốc-nhân nảy sinh lòng trông mong được Đức Chúa Trời giúp đỡ và giải cứu. Vì Chúa là Đấng Nhân Từ Hay Thương Xót nên đối với những người có lòng trông mong như vậy thì Chúa sẽ đến, thăm viếng và giáng sinh vào trong tấm lòng của người đó, như Ngài đã từng làm đối với Phao-lô, Phi-e-rơ và các thánh đồ khác trước đây. Lúc bấy giờ thì Cơ-đốc-nhân mới có thể kinh nghiệm được sự sung mãn trong sức mới mà Chúa ban cho để đắc thắng cám dỗ, đắc thắng chính mình mà sống một đời vâng phục trọn vẹn và đẹp lòng Chúa luôn luôn, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong (Ê-sai 40: 29-31).
Theo phương diện thuộc linh thì sự ban cho của Đức Chúa Trời để có sức lực sung mãn mà bay cao như chim ưng, để chạy không mệt nhọc và đi không mòn mõi thì chỉ được dành cho những người có lòng trông mong nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời mà thôi, có nghĩa là chỉ những người có sự trông mong được Chúa giải cứu khỏi gánh nặng của bản ngã yếu đuối thì mới nhận được ơn phước ấy, tức là được sự ở cùng của Chúa và có sức lực của Ngài để sống một đời đắc thắng. Như trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta còn có thể thấy rằng Chúa chỉ ban sức lực cho người nhọc nhằn biết cố gắng sống đẹp lòng Chúa và chỉ thêm lực lượng cho người không đủ sức thắng hơn bản ngã của chính mình. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân không chịu nghe lẽ thật và các mực thước trong Kinh thánh cũng như không cố gắng hết sức để làm theo thì đến chừng nào mới ý thức được sự yếu đuối của mình để biết trông đợi sự giải cứu của Chúa? Nếu Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục từ chối nghe về lẽ thật thì chừng nào mới biết hết được ý muốn của Đức Chúa Trời để làm theo hầu còn lại đời đời trong Thiên đàng của Ngài?
Ý của Chúa là muốn Cơ-đốc-nhân kinh nghiệm được sự mệt mõi thuộc linh khi cố gắng sống đẹp lòng Chúa để nhờ đó có lòng trông mong được Chúa cứu giúp và ở cùng, như lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 11: 28. Nhưng trái lại thì Cơ-đốc-nhân không muốn mệt mõi về sự cố gắng trong tâm linh như vậy, mà cứ muốn thoải mái theo Chúa bằng ý riêng của mình. Bởi thế mà nhiều Cơ-đốc-nhân ngày nay chỉ muốn nghe điều êm tai, những chuyện vui cười khi suy gẫm lời của Chúa, chớ chưa từng kinh nghiệm được sự đau đớn tột cùng của tấm lòng bị lời của Chúa đâm vào như thanh gươm hai lưỡi để nhờ đó mà ăn năn thống hối để xin Chúa chữa lành và thêm sức cho. Chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân kinh nghiệm được sự đau đớn, vật vã như thế thì mới nhận được sự giáng sinh của Chúa vào tấm lòng của mình mà thôi.
Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho con dân Ngài biết siêng năng lắng nghe ý muốn Chúa không thôi để cố gắng làm theo hầu ý thức được gánh nặng và sự mệt mõi khi tranh chiến với bản ngã. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho con dân Chúa biết thay đổi cách tìm cầu Ngài để khỏi lạc lối trong trần gian nầy. Và cầu xin Đức Chúa Trời một lần nữa dùng lời của Ngài đâm thấu vào tấm lòng của Cơ-đốc-nhân để nhiều con dân Chúa nhờ đó có thể nhận được sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus trong mùa sao sáng năm nay. Amen.
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ ĐƯỢC TRƯNG DẪN:
CHÂM NGÔN 16: 18 – Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.
MA-THI-Ơ 11: 28 – Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
LU-CA 2: 27-32 – Vậy người cảm bởi Đức Thánh Linh vào đền thờ, lúc có cha mẹ đem con trẻ là Jêsus đến, để làm trọn cho Ngài các thường lệ mà luật pháp đã định, thì người bồng ẵm con trẻ, mà ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.
GIĂNG 8: 32 – Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.
RÔ-MA 7: 21-24 – Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?
RÔ-MA 12: 16 – Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan.
1CÔ-RINH-TÔ 10: 12 – Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.
2CÔ-RINH-TÔ 5: 11 – Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin; Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình.
GIA-CƠ 1: 26 – Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích.