NHẬN BIẾT TIÊN TRI GIẢ

THÁNH KINH TỔNG QUÁT

PHẦN THỨ NĂM – CON NGƯỜI

V. CƠ-ĐỐC NHÂN SỐNG ĐẠO

NHẬN BIẾT THẬT GIẢ

Tất cả mọi người đều biết rằng thế gian nầy đầy dẫy sự gian dối, nhất là trong thời đại ngày nay. Khi khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc thì sự gian dối của con người càng tinh vi hơn, khó nhận biết hơn. Vì vậy hầu như ai cũng từng ít nhất một lần bị người khác lừa dối. Điều đó dường như trở thành sự không thể tránh khỏi.

Nhưng khi Đức Chúa Jêsus dạy dỗ và báo trước về thời kỳ cuối cùng thì Ngài đã truyền phán cho con dân Chúa rằng chớ để một người nào lừa dối chúng ta:

(Mác 13: 5) Đức Chúa Jêsus khởi phán rằng: Hãy giữ mình kẻo có ai lừa dối các ngươi chăng.

Chúng ta có thể thấy được rằng khi bắt đầu báo trước về thời kỳ cuối cùng thì điều mà Đức Chúa Jêsus phán dặn đầu tiên là đừng để bị lừa dối, như vậy thì điều đó rất là quan trọng.

Nguyên nhân cũng là vì đức tin của chúng ta. Khi Cơ-đốc-nhân bị người khác lừa dối thì sự sống thuộc linh của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Ai trong chúng ta cũng nhớ rằng tội lỗi đầu tiên xãy ra trong vườn Địa đàng là bởi Ê-va bị ma quỉ lừa dối. Vì vậy để Cơ-đốc-nhân có thể giữ vững đức tin của mình trong thời kỳ sau rốt hầu nhờ đó được đón lên không trung gặp Đấng Christ trong sự vinh hiển trong ngày Chúa tái lâm thì chúng ta phải nhận biết được sự thật giả trong đời sống nầy, cả trong phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể.

Trong câu gốc vừa trưng dẫn ở trên thì chúng ta thấy có chữ HÃY trong lời của Chúa. Điều đó có nghĩa đây là một mạng lệnh mà Cơ-đốc-nhân phải thực hiện, không được bỏ qua.

Kế đến, chữ AI ở trong câu gốc trên cho chúng ta hiểu được rằng đừng để cho bất cứ một người nào, dầu là người trong gia đình, tại Hội thánh hay ngoài xã hội lừa dối mình. Ở đây chúng tôi không có ý nói rằng chúng ta nghi ngờ người nhà của mình, nhưng Đức Chúa Jêsus đã cảnh cáo rằng Cơ-đốc-nhân có thể có kẻ thù là chính người thân của mình trong gia đình:

(Ma-thi-ơ 10: 35-36) Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.

Điều ấy xãy ra cũng vì đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời và nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Chắc chúng ta đều ít nữa đã có những lần nghe biết về sự bắt bớ mà nhiều anh chị em chúng ta trong đức tin phải chịu dưới tay người nhà của họ. Nhưng chúng tôi sẽ trình bày về điều đó trong một bài viết khác.

Nhưng việc tránh bị lừa dối bởi người khác là điều khó, mà nếu nói đến việc không bao giờ bị lừa dối thì lại càng khó hơn nữa, nhất là trong phương diện thuộc linh. Nhận diện sự thật ở bên ngoài đã khó, nhưng để nhận diện sự dối trá bên trong thì dường như là điều bất khả thi.

Bởi lẽ đó mà có nhiều Cơ-đốc-nhân đành phải đầu hàng trước việc cần phải nhận biết sự giả dối bên trong tấm lòng của kẻ khác. Những người ấy thường biện minh rằng tấm lòng của loài người chỉ có Chúa biết, thậm chí còn trưng dẫn lời Kinh thánh về việc chớ đoán xét người khác, hoặc tỏ ra mình có tình yêu thương khi bỏ qua việc bị người khác lừa dối. Khi làm như vậy Cơ-đốc-nhân đã trực tiếp từ chối thực hiện mạng lệnh của Chúa đã phán về việc đừng để cho ai lừa dối mình.

(Xin xem thêm các bài viết về SỰ ĐOÁN XÉT và YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT)

Nhưng có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn, ấy là Chúa không bao giờ phán dạy Cơ-đốc-nhân điều cần phải làm mà chúng ta không thể thực hiện được. Dầu là thoạt nghe qua thì có nhiều mạng lệnh của Chúa dường như khó quá đối với khả năng của con người, nhưng theo kinh nghiệm của Phao-lô thì không có điều nào mà con dân Chúa không thể làm được nếu chúng ta biết nhờ cậy nơi sức lực của Chúa:

(Phi-líp 4: 13) Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.

Cũng một thể ấy, khi Chúa phán dạy Cơ-đốc-nhân đừng để người khác lừa dối mình thì Ngài cũng đã ban cho chúng ta phương pháp để có thể thực hiện mạng lệnh ấy một cách thành công.

Nhưng trước khi trình bày về phương pháp mà Chúa đã có cho ghi lại trong Kinh thánh thì trước hết chúng tôi muốn xác định và làm vững lòng quý anh chị em về việc cần phải nhận biết sự thật giả trong mọi sự vật của đời sống, nhất là trong tấm lòng của mọi người mà Cơ-đốc-nhân giao tiếp hàng ngày.

Một trong những câu nói được lan truyền rộng rãi trong vòng Cơ-đốc-nhân là chớ đoán xét ai. Đó là một trong những mạng lệnh của Chúa có ghi lại trong Kinh thánh mà chúng ta phải làm theo. Nhưng chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng về sự khác nhau giữa việc đoán xét một người và nhận định về người đó để phân biệt thật giả (nhất là trong những trường hợp cần phải nhận định sự thật giả trong lời nói, hành động, chức vụ và sự được kêu gọi của một số người trong Hội thánh).

Sự nhận định thật giả trong đời sống người khác là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm, vì đó là mạng lệnh mà Đức Chúa Jêsus đã có phán (như đã trưng dẫn ở trên) và cũng để chuẩn bị Cơ-đốc-nhân cho ngày mà chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ phản nghịch Chúa:

(1Cô-rinh-tô 6: 3) Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!

Về việc đoán xét các thiên sứ thì chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn trong phần cuối của bài viết nầy.

Điều thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập đến trước khi trình bày chi tiết hơn về mạng lệnh đừng để bị lừa dối là tầm quan trọng của mạng lệnh ấy trong thời đại mà chúng ta đang sống đây.

Chúng ta biết rằng hiện nay là thời kỳ cuối cùng (xin xem thêm bài viết về THỜI KỲ CUỐI CÙNG) và lời của Chúa trong Kinh thánh đã có báo trước về việc xuất hiện của rất nhiều giáo sư giả và tiên tri giả:

(2Phi-e-rơ 2: 1) Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha.

Như lời Kinh thánh ở trên cho biết thì những kẻ giả dối đó sẽ dẫn dụ nhiều Cơ-đốc-nhân phạm tội và làm cho Hội thánh bị mang tiếng giữa vòng người ngoại. Chính vì vậy mà lời của Chúa đã phán dặn rằng Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải nhận diện họ để không bị lừa dối, để không bị hãm hại và nhất là để bảo vệ danh tiếng của Hội thánh giữa thế gian:

(Ma-thi-ơ 7: 15) Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé.

(1Giăng 4: 1) Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ.

Khi lời của Chúa cho phép chúng ta thử các thần (nghĩa là thần linh trong đời sống của con người) thì điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân được phép nhận xét về đời thuộc linh của người đối diện, nhất là đối với những kẻ mạo nhận là tiên tri và là kẻ đang hầu việc Chúa ngày nay. Nhưng làm điều đó phải thật cẩn thận và phải dùng Kinh thánh làm mực thước để được soi dẫn, chớ không phải là làm theo quan điểm riêng và cảm tính cá nhân.

Để bắt đầu tìm hiểu về mạng lệnh của Chúa phán bảo Cơ-đốc-nhân là đừng để ai lừa dối mình thì chính Đức Chúa Jêsus đã dạy cho chúng ta một công thức rất hữu hiệu để thực hiện mạng lệnh trên:

(Ma-thi-ơ 12: 33) Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.

(Lu-ca 6: 44) Vì hễ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay là hái trái nho nơi chòm kinh cước.

Đức Chúa Trời không khi nào phán bảo chúng ta làm bất cứ điều gì mà không có sự hướng dẫn về phương pháp để thực hiện. Đồng thời Chúa cũng sẳn sàng để ban khả năng cho những người thật sự muốn làm theo mạng lệnh của Ngài.

Qua lời Kinh thánh của hai câu gốc vừa trưng dẫn ở trên thì chúng ta có được cách thức tốt nhất để nhận định về đời sống của mọi người hầu có thể phân biệt được sự thật giả trong mọi phương diện của đời sống họ, cả trong lãnh vực thuộc linh lẫn thuộc thể.

Để trình bày rõ ràng hơn về phương pháp trên thì chúng tôi xin được cùng quý anh chị em nghiên cứu các lời hướng dẫn trong Kinh thánh để có thể nhận diện được sự thật giả trong những trường hợp sau đây: tiên tri, giáo sư, người hầu việc Chúa và Cơ-đốc-nhân.

NHẬN BIẾT TIÊN TRI GIẢ

Để có thể nhận biết sự thật giả trong đời sống của một người tự xưng là tiên tri của Đức Chúa Trời thì chúng ta cần phải xem xét qua các khía cạnh sau đây của đời sống người đó:

– Chức vụ tiên tri
– Sự được kêu gọi vào chức vụ tiên tri
– Động lực và mục tiêu của người tiên tri
– Sứ điệp của người tiên tri
– Sự ứng nghiệm trong sứ điệp của người tiên tri
– Văn từ và lời nói của người tiên tri
– Thể hình của người tiên tri
– Cuộc sống của người tiên tri

Lời Kinh thánh hành động trong đời sống Cơ-đốc-nhân dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong trường hợp cần phải nhận biết sự thật giả về một người nào đó và chức vụ của họ thì lời Kinh thánh có thể được ví von như một cây thước đo, một chuẩn mực tuyệt hảo mà nếu được con dân Chúa sử dụng đúng đắn thì có thể nhận biết về người khác một cách hết sức chính xác.

Trước nhất thì chúng ta cùng nhau suy gẫm lời của Chúa chỉ dạy chúng ta về chức vụ tiên tri.

Sự nói tiên tri và sự được kêu gọi để thi hành chức vụ tiên tri là có giới hạn. Điều đó có nghĩa là chức vụ tiên tri không phải là sự kêu gọi suốt đời. Kinh thánh đã xác nhận rõ ràng về phương diện nầy của chức vụ tiên tri:

(Dân số ký 11: 25) Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống trong mây, phán cùng Môi-se; Ngài lấy Thần cảm người và ban cho bảy mươi người trưởng lão. Vừa khi Thần ở trên bảy mươi người trưởng lão, bèn được cảm động nói tiên tri, nhưng không cứ nói mãi.

Các chữ KHÔNG CỨ NÓI MÃI cho chúng ta thấy rằng sự nói tiên tri của họ có giới hạn chớ không phải là công việc được thực hiện suốt đời. Một trong những thí dụ điển hình về điều đó là trường hợp nói tiên tri của Sau-lơ:

(1Sa-mu-ên 10: 10-11) Khi Sau-lơ đến Ghi-bê-a, có một đoàn tiên tri đến đón người. Thần của Đức Giê-hô-va cảm động người, người nói tiên tri giữa chúng. Khi những kẻ vốn quen biết Sau-lơ trước, thấy người nói tiên tri với các đấng tiên tri, thì hỏi nhau rằng: Con trai của Kích đã xảy ra làm sao? Sau-lơ cũng vào số các tiên tri ư?

Vì chỉ là chức vụ có giới hạn nên chúng ta có thể thấy rằng sau khi Sau-lơ được ơn nói tiên tri thì sự đó không kéo dài lâu. Sự ngắn dài trong chức vụ tiên tri của một người tùy thuộc vào chương trình của Chúa. Chẳng hạn như trong chức vụ của Ê-sai thì ông nói tiên tri qua bốn đời vua của vương quốc Giu-đa:

(Ê-sai 1: 1) Về đời Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia, là các vua nước Giu-đa, thì Ê-sai, con trai A-mốt, có sự hiện thấy về nước Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem.

Về phần A-ghê thì chức vụ tiên tri của ông chỉ kéo dài từ ngày 1 tháng Sáu cho đến ngày 24 tháng Chín của năm thứ hai thuộc vương triều vua Đa-ri-út mà thôi:

(A-ghê 1: 1) Năm thứ hai đời vua Đa-ri-út, ngày mồng một tháng sáu, có lời của Đức Giê-hô-va cậy đấng tiên tri A-ghê phán cho Xô-rô-ba-bên, con trai Sa-la-thi-ên, quan trấn thủ xứ Giu-đê, và cho Giê-hô-sua, con trai Giô-xa-đác, thầy tế lễ cả, mà rằng…

(A-ghê 2: 10) Ngày hai mươi bốn tháng chín về năm thứ hai của Đa-ri-út, có lời của Đức Giê-hô-va phán ra bởi đấng tiên tri A-ghê, mà rằng…

Đó là thời gian ngắn dài khác nhau của chức vụ tiên tri, còn đối với lịch sử con người thì chức vụ tiên tri đã kết thúc sau khi sứ đồ Giăng được Chúa cho thấy khải tượng về thời kỳ cuối cùng và ngày Chúa trở lại (vốn được chép trong sách Khải huyền).

Chúng ta có thể thấy điều nầy khi đọc từ đầu đến cuối quyển Kinh thánh. Người được Kinh thánh cho biết giữ chức vụ tiên tri đầu tiên là Áp-ra-ham:

(Sáng thế ký 20: 7) Bây giờ, hãy giao đàn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống. Còn như không giao lại, thì phải biết rằng ngươi và hết thảy ai thuộc về ngươi quả hẳn sẽ chết.

Ít có người để ý về điều nầy trong đời sống của Áp-ra-ham. Nhưng nếu chú ý thì chúng ta có thể nhận thấy rằng ông là người tiên tri đầu tiên được đề cập đến trong sách đầu tiên của Kinh thánh. Và trong sách Sáng thế ký thì Đức Chúa Trời đã cho ghi chép lại sự bắt đầu của trời đất:

(Sáng thế ký 1: 1) Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.

Còn về sứ đồ Giăng thì ông là người tiên tri cuối cùng được ghi trong Kinh thánh. Sự Đức Chúa Jêsus hiện ra với Giăng và cho ông thấy khải tượng về thời kỳ cuối cùng và ngày Chúa tái lâm để ghi lại thành sách Khải huyền chứng tỏ về chức vụ tiên tri của Giăng, theo như lời khẳng định của Kinh thánh:

(Dân số ký 12: 6) Ngài phán cùng hai người rằng: Hãy nghe rõ lời ta. Nếu trong các ngươi có một tiên tri nào, ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra cùng người trong sự hiện thấy, và nói với người trong cơn chiêm bao.

Phương pháp đó đã được Đức Chúa Trời dùng trong trường hợp của tiên tri Đa-ni-ên:

(Đa-ni-ên 7: 1) Năm đầu đời vua Bên-xát-sa, nước Ba-by-lôn, Đa-ni-ên đang nằm trên giường, thì thấy chiêm bao, và những sự hiện thấy trong đầu mình. Người bèn viết chiêm bao đó ra, và thuật lại đại lược các sự ấy.

Chính vì vậy mà sứ đồ Giăng được sự mặc thị của Chúa, cũng tương tự như khải thị mà Chúa ban cho tiên tri Đa-ni-ên để báo trước về những sự sẽ xãy đến ngày sau:

(Khải huyền 1: 1) Sự mặc thị của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài.

(Đa-ni-ên 7: 2) Vậy, Đa-ni-ên nói rằng: Đang đêm, ta nhìn xem trong sự hiện thấy, và, nầy, có bốn hướng gió trên trời xô xát trên biển lớn.

(Khải huyền 4: 1-2) Kế đó, tôi nhìn xem, nầy, một cái cửa mở ra trên trời; và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rầm như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến. Tức thì tôi bị Thánh Linh cảm hóa; thấy một ngôi đặt tại trên trời, trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó.

Vì sứ đồ Giăng là tiên tri cuối cùng trong lịch sử con người nên sách Khải huyền mà ông được Chúa soi dẫn để viết ra đã đề cập đến sự kết thúc của trời đất cũ mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng để Ngài lập nên trời mới đất mới:

(Khải huyền 21: 1) Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa.

Như vậy chúng ta có thể thấy được sự hoàn tất của Kinh thánh khi Đức Chúa Trời lập tiên tri đầu tiên của Ngài trong sách Sáng thế ký sau khi tạo dựng nên trời đất và kêu gọi người tiên tri cuối cùng của Ngài trong sách Khải huyền để báo về sự kết thúc của trời đất đó. Điều ấy cũng có nghĩa là sau khi sứ đồ Giăng qua đời thì chức vụ tiên tri không còn có nữa, vì điều cần phải báo trước cho con dân Chúa đã được thực hiện hết rồi.

Một điều đáng chú ý khác nữa là cả Kinh thánh đều được xem là sách tiên tri, vì sách Sáng thế ký có ghi lại các lời tiên tri của Chúa và tất cả các sách cùng các thư tín sau đó cũng đều có lời báo trước của Chúa về điều sẽ xãy ra trong tương lai, vì thế khi Chúa răn đe rằng không một ai được thêm điều gì nữa vào sách tiên tri của Ngài thì ấy không chỉ có nghĩa là riêng sách Khải huyền mà thôi, nhưng là toàn bộ quyển Kinh thánh:

(Khải huyền 22: 18-19) Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy.

Khi Đức Chúa Trời đã ngăn cấm việc không được thêm bất cứ điều nào nữa vào các lời tiên tri đã có sẳn thì như vậy có nghĩa là chức vụ tiên tri không còn cần thiết cho các thế hệ sau đó. Cũng chính vì lý do ấy mà lời của Chúa đã khẳng định ngay trong thời kỳ của Phao-lô rằng ơn nói tiên tri sẽ chấm dứt:

(1Cô-rinh-tô 13: 8) Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.

Chữ SẼ THÔI trong câu gốc trên có nghĩa là điều đó sẽ xãy ra trong những năm tháng sau khi lời thư Cô-rinh-tô được ghi lại. Sự chấm dứt như vậy về chức vụ tiên tri được công bố trong thư tín của Phao-lô đã thực sự xãy ra vào cuối đời của sứ đồ Giăng.

Thế cho nên chúng ta có thể biết rằng tất cả những người tự nhận họ là tiên tri của Chúa trong các thời đại sau đó và nhất là trong thời gian chúng ta đang sống đây đều là các tiên tri giả mạo mà thôi.

Riêng về hai người tiên tri được đề cập đến trong sách Khải huyền thì Kinh thánh đã mô tả rất rõ về họ nên không thể có sự lầm lẫn giữa họ và những kẻ mạo nhận là tiên tri ngày hôm nay.

(Khải huyền 11: 3-4) Ta sẽ cho hai người làm chứng ta mặc áo bao gai đi nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. Hai người làm chứng ấy tức là hai cây ô-li-ve và hai chân đèn đứng trước mặt Chúa của thế gian.

Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi chỉ trình bày sơ lược một chút về hai người tiên tri ấy. Phần chi tiết hơn xin xem trong chuỗi bài viết về THỜI KỲ CUỐI CÙNG.

Hai người tiên tri vừa đề cập đến ở trên là hai người chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, theo như lời giải thích của Kinh thánh trong sách Xa-cha-ri:

(Xa-cha-ri 4: 3) Ở kề bên lại có hai cây ô-li-ve, một cây ở bên hữu cái chậu, và một cây ở bên tả.

(Xa-cha-ri 4: 11-12 & 14) Ta bèn đáp lại cùng người rằng: Hai nhánh ô-li-ve ở bên hữu và bên tả chân đèn là gì? Ta lại cất tiếng nói cùng người lần thứ hai mà rằng: Hai nhánh ô-li-ve ở kề bên hai ống vòi vàng, có dầu vàng chảy ra, là gì? Người bèn nói rằng: Ấy là hai người chịu xức dầu, đứng bên Chúa của cả đất.

Cũng theo lời Kinh thánh thì cây ô-li-ve chính là Đức Chúa Jêsus, còn các cây ô-li-ve nhỏ hơn (có khi được mô tả là các nhánh) là dân Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Ngài:

(Thi thiên 52: 8) Còn tôi khác nào cây ô-li-ve xanh tươi trong nhà Đức Chúa Trời; Tôi nhờ cậy nơi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đến đời đời vô cùng.

(Giê-rê-mi 11: 16) Xưa Đức Giê-hô-va vốn xưng nó là cây ô-li-ve xanh, trái tươi tốt đáng ưa! Nay có tiếng lớn inh ỏi, Ngài đốt lửa nơi cây ấy, những nhánh nó bị gãy.

Về phần Cơ-đốc-nhân chúng ta, vì vốn thuộc dòng dõi dân ngoại mà nay trở về đầu phục và tin nhận Chúa, nên được Kinh thánh gọi là các nhánh ô-li-ve hoang:

(Rô-ma 11: 17-18) Ví bằng có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve, thì chớ khoe mình hơn các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình, thì hãy biết rằng ấy chẳng phải là ngươi chịu đựng cái rễ, bèn là cái rễ chịu đựng ngươi.

Kinh thánh mô tả hai người tiên tri đó là hai cây ô-li-ve ngay từ thời của Xa-cha-ri thì họ phải là người từ trong dân Y-sơ-ra-ên, chớ không thể từ dòng dõi ngoại bang được.

Ngoài ra Kinh thánh còn cho biết thêm là họ cũng được mô tả như là hai chân đèn trước mặt Chúa. Theo như sự giải thích trong sách Khải huyền thì chữ chân đèn là hình bóng được dùng để mô tả Hội thánh của dân Giu-đa:

(Khải huyền 1: 19-20) Vậy hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến, tức là sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội thánh vậy.

Vì thế, theo như lời Kinh thánh thì chúng ta có thể hiểu được rằng hai người tiên tri xuất hiện ngắn ngủi trong thời kỳ hoạn nạn trước khi Đức Chúa Jêsus tái lâm phải là người thuộc trong dòng dõi dân Y-sơ-ra-ên, chớ không thể là người thuộc về dòng dõi dân ngoại. Nói một cách khác, trong phương diện nhỏ bé hơn, thì tất cả các kẻ tự xưng là tiên tri trong vòng dân Việt Nam đều là những kẻ giả mạo đó thôi.

Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau suy xét đến sự được kêu gọi của họ qua ánh sáng của Kinh thánh.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *