NGUỒN GỐC CỦA TỘI LỖI VÀ SỰ ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI

– Dân gian Việt Nam có câu ‘Đời là bể khổ’ để nhận định về thế giới mà con người đang sống. Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại cho đến ngày hôm nay, khắp mọi nơi trên thế giới đều có đau khổ. Sự đau khổ của con người không chỉ giới hạn trong phương diện thuộc thể của một vài khía cạnh, mà là bao gồm cả sự đau khổ về thân xác, tinh thần, và đau khổ trong tất cả các phương diện khác của đời sống con người.

– Giống như khi một bệnh nhân cần được chữa trị thì người bác sĩ phải tìm xem nguyên nhân căn bệnh của người đó như thế nào, thì cũng cùng một cách như vậy, muốn con người bớt được sự đau khổ trong trần gian nầy thì trước hết phải tìm biết nguyên nhân gây ra những đau khổ ấy.

– Theo như Kinh thánh cho biết thì sự đau khổ của con người bắt nguồn từ tội lỗi. Khi nói đến đây thì nhiều người có thể nghĩ rằng bài viết nầy đang trình bày tín lý của một tôn giáo. Nhưng thực tế thì nội dung của nó còn bao hàm nhiều điều hơn nữa và chúng tôi sẽ đề cập đến những thực tế trong cuộc sống thường nhật để minh chứng về điều đó.

– Con người sống trong thế gian nầy đau khổ là vì hành động tội lỗi đối với Đức Chúa Trời và đối với nhau. Khi con người không biết tôn kính Thượng đế thì việc họ phạm tội với người nầy hoặc người khác là điều đương nhiên. Nếu các bạn đọc kiên nhẫn một chút thì chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về nguyên nhân sự đau khổ của con người và lý do vì sao mà con người phạm tội.

– Nói một cách lượt giản thì con người đau khổ là vì tội lỗi và nguyên nhân dẫn con người đến chỗ phạm tội là vì lòng tham trong mọi phương diện, nhất là tham lam tiền bạc. Theo như Kinh thánh cho biết thì tội lỗi đầu tiên mà con người phạm phải là sự tham lam.

– Khi Đức Chúa Trời dựng nên nguời đầu tiên là A-đam và đặt vào trong vườn Địa đàng, thì tội lỗi chưa có. Nhưng sau đó ma quỉ (là kẻ từng là thiên sứ của Chúa nhưng nó chống nghịch với Ngài và trở thành ma quỉ) đến cám dỗ Ê-va và A-đam để ăn trái cấm, thì từ đó tội lỗi mới bắt đầu xuất hiện trong vòng loài người.

– Sự ăn trái cấm của A-đam và Ê-va bắt nguồn từ lòng tham lam. Kinh thánh đã ghi lại sự kiện đó như sau:

SÁNG THẾ KÝ 3: 1-6 – Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.

– Khi chúng ta để ý câu thứ 6 thì sẽ thấy lòng tham của Ê-va được bày tỏ ra ở đây,
– Thứ nhất là lòng tham muốn ăn ngon, thứ hai là lòng tham cái đẹp, thứ ba là lòng tham về sự quí giá và thứ tư là lòng tham về sự hiểu biết,
– Về ba loại tham lam đầu thì nhiều người có thể hiểu được, nhưng đối với lòng tham thứ tư thì một số người cho rằng đó không phải là lòng tham, vì thấy nó có vẻ chánh đáng, vì là sự ham muốn được khôn ngoan, hiểu biết,
– Nhưng nếu suy xét cho cẩn thận thì chúng ta thấy rằng dầu muốn được khôn ngoan thì cũng phải thực hiện cách chánh đáng, chớ không thể dùng cách bất hợp pháp (tức là không được cho phép),
– Một trong những thí dụ điển hình về điều nầy là việc một người đi đến trường để học tập và sau đó thi để lấy bằng cấp. Còn một người khác thì không đến trường học nhưng chờ cho tới lúc đi thi thì copy bài của người khác để có được mảnh bằng. Nếu cả hai người cùng đậu đợt thi ấy thì đều được có bằng cấp như nhau, nhưng một bên thì đạt được nhờ cách thức đúng đắn, nhưng bên kia thì đạt được bởi việc làm bất hợp pháp (copy),
– Trong trường hợp của A-đam và Ê-va thì cũng như vậy. Nếu hai ông bà muốn có sự khôn ngoan thì có thể cầu xin trực tiếp với Đức Chúa Trời, vì Ngài là Cội Nguồn của Sự Khôn Ngoan, là Đấng ban sự khôn ngoan cho con người (1Các Vua 5: 12), nhưng đàng nầy ông bà lại chọn việc ăn trái cấm để được khôn ngoan, là điều mà Đức Chúa Trời không cho phép (nghĩa là bất hợp pháp),
– Sự bất tuân mạng lệnh (luật pháp) của Đức Chúa Trời làm cho ý muốn được mở trí khôn của hai ông bà trở thành hành động tham lam,

– Chính ma quỉ là kẻ đã cám dỗ để Ê-va trở thành người tham lam, và từ đó đến nay nguyên nhân của tội lỗi và sự đau khổ của con người đều bắt nguồn từ sự tham lam. Lòng ham muốn của con người được chia ra làm nhiều loại như sau: Tham quyền, tham danh vọng, địa vị, tham sắc, tham ăn uống, và tham lam tiền bạc. Trong các loại tham lam như vậy thì sự tham tiền là lớn hơn cả, vì vậy được Kinh thánh gọi là cội rể của mọi điều ác:

1TI-MÔ-THÊ 6: 10 – Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.

– Để tóm lược cho dễ nhớ trước khi đi xa vào chi tiết về sự đau khổ của loài người thì chúng ta có thể nhờ Kinh thánh mà biết được rằng có hai nguồn gốc dẫn đến việc con người phạm tội để từ đó bị đau khổ: Thứ nhất là do sự cám dỗ của Sa-tan và thứ hai là do lòng tham của con người. Trong hai điều đó thì Sa-tan là nguyên nhân chính yếu, vì nếu nó không cám dỗ thì con người không có lòng tham.

– Bây giờ thì chúng ta sẽ lần lượt xem xét về xuất xứ của Sa-tan (cũng thường được gọi là ma quỉ) và vì sao mà nó và con người đều có lòng tham.

(Xin đọc thêm bài viết về XUẤT XỨ CỦA SA-TAN VÀ ÂM MƯU CỦA MA QUỈ)

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *