NGHE VÀ THẤY
THÁNH KINH ĐỀ MỤC
Nhân mùa Phục sinh năm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến Chủ đề NGHE VÀ THẤY.
Nếu chúng ta nhận xét kỹ lưỡng thì sẽ thấy có những điểm tương đồng và những điểm khác nhau trong hai phương diện thuộc linh và thuộc thể.
Một thí dụ điển hình là đức tin. Theo định nghĩa của Kinh thánh thì đức tin trong Chúa có nghĩa là không thấy mà tin. Điều đó có nghĩa là chỉ nghe mà thôi cũng đủ để tin.
Nhưng trong phương diện thuộc thể thì cần phải thấy mới tin, còn nếu chỉ nghe không thôi mà lập tức tin ngay thì có thể dễ bị lầm lẫn.
Lời của Chúa cho chúng ta thấy rõ ràng sự khác nhau như vậy trong phương diện thuộc thể và thuộc linh.
Trong phương diện thuộc linh thì không thấy Chúa mà tin nhận Ngài thì sẽ được phước.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
GIĂNG 20: 27-29 – 27 Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! 28 Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! 29 Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!
Còn trong phương diện thuộc thể thì phải thấy mới tin. Đó là sự cẩn thận.
LU-CA 6: 43-44 – 43 Cây sanh trái xấu không phải là cây tốt, cây sanh trái tốt không phải là cây xấu, 44 vì hễ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay là hái trái nho nơi chòm kinh cước.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời bày tỏ qua chức vụ của Đức Chúa Jêsus Christ đã cho chúng ta hiểu được rõ ràng về cả hai phương diện nầy.
Lời của Chúa từ ngàn xưa đã xác nhận cho thế gian biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương.
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 34: 5-7 – 5 Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng gần bên Môi-se và hô danh Giê-hô-va. Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, 7 ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời.
Mặc dầu rằng lời của Chúa là đáng tin cậy hơn hết mọi lời nói trong thế gian, nhưng mà Chúa cũng bày tỏ tình yêu của Ngài ra bằng hành động nữa.
RÔ-MA 5: 8 – Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
Sự chịu chết của Chúa là một thức tế và sự sống lại của Chúa cũng là một thức tế của lịch sử.
Như chúng ta đã biết thì bằng chứng của sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ là chúng ta không có phần mộ của Ngài để đi hành hương giống như bao nhiêu tôn giáo khác.
MÁC 16: 6 – Song người nói cùng họ rằng: Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài.
Bằng chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ cũng được bày tỏ qua sự đổi mới trong đời sống của chúng ta.
2CÔ-RINH-TÔ 4: 16 – Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn.
Nhưng những điều chúng ta thấy đó đều là nhờ bởi đức tin mà chúng ta có nơi Đức Chúa Trời.
Còn người trong thế gian thì ngược lại. Họ đòi hỏi phải thấy Chúa thì họ mới tin. Trong khi đó thì họ lại rất tin vào lời tuyên truyền dối trá của các chính trị gia mà lại không nhận thấy rằng các chính trị gia ấy không bao giờ hành động đúng với lời mà họ đã nói.
Bởi đó chúng ta có thể nhận biết được rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta tin Chúa khi không thấy Ngài nhưng chúng ta lại không tin các chính trị gia nói mà lại không làm đúng theo lời họ nói.
Sự khác biệt giữa con cái của Đức Chúa Trời và những kẻ thuộc về thế gian là như vậy. Đó là sự khác biệt của việc nghe và thấy trong phương diện thuộc linh và thuộc thể.
(còn tiếp)