NGÀY NÀO LÀ NGÀY SA-BÁT?
Kinh thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 20: 8-11
Câu gốc: CÔ-LÔ-SE 2: 16-17 – Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.
Trong suốt những năm chức vụ của tôi thì tôi đã được nghe nhiều câu hỏi liên quan đến Đức Chúa Trời, đến Kinh thánh và đến đời sống đạo của Cơ-đốc-nhân. Những thắc mắc như vậy thì nhiều lắm mà tôi chưa có dịp trả lời hết được. Mới tuần trước đây thì có một con cái Chúa nêu thắc mắc với tôi có liên quan đến ngày sa-bát nên hôm nay thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về chủ đề nầy và ao ước có thể thỏa mãn được ít nhiều những thắc mắc của một số anh chị em có liên quan đến ngày sa-bát. Tôi sẽ trình bày bằng các câu gốc trong Kinh thánh và cũng bằng một ít chứng cớ trong sử liệu nữa.
Trong ngôn ngữ của người Do-thái thì chữ sa-bát có nghĩa là nghỉ ngơi, hay nói một cách chính xác hơn là ngày không nên làm việc gì hết. Đức Chúa Trời đã định luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên từ ngàn xưa là họ được phép làm việc trong sáu ngày rồi nghỉ một ngày và sau đó tiếp tục làm việc trở lại. Luật pháp đó đã được Chúa phán dạy và đã được ghi lại trong
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 34: 21 – Trong sáu ngày ngươi hãy làm công việc mình, nhưng qua ngày thứ bảy hãy nghỉ, dẫu mùa cày hay mùa gặt ngươi cũng phải nghỉ vậy.
Bởi lẽ đó ngày thứ bảy là ngày cuối cùng của một chu kỳ bảy ngày mà được bắt đầu bằng ngày làm việc đầu tiên. Chúng ta cần phải để ý là lời của Chúa không hề nói gì đến ngày thứ Bảy trong tuần lễ của cách tính lịch mà chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay, tức là ngày Saturday. Trong tiếng Việt của chúng ta không có chữ nào khác để phân biệt giữa hai ngày đó nên nhiều người cứ tưởng là Đức Chúa Trời đã chỉ định cho con dân Ngài là phải dùng ngày Saturday để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa. Nhưng trong những ngôn ngữ khác thì chữ ngày thứ bảy sa-bát và ngày thứ bảy kế sau ngày thứ Sáu được gọi bằng những danh từ khác nhau. Nhưng để rõ ràng thêm thì chúng ta có thể đọc lại mạng lệnh của Chúa để thấy được điểm ấy.
Ngay từ buổi đầu sáng thế thì Đức Chúa Trời đã quyết định nghỉ ngày thứ bảy sau khi đã tạo dựng nên vũ trụ và con người trong sáu ngày trước đó. Nhưng lúc bấy giờ thì lịch của loài người chưa có nên Đức Chúa Trời đã đếm từ ngày đầu tiên Ngài bắt đầu công cuộc tạo dựng cho đến ngày thứ sáu, sau đó thì Chúa dùng ngày thứ bảy để nghỉ ngơi và ban phước cho ngày ấy để trở nên ngày thánh, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong
SÁNG THẾ KÝ 2: 2-3 – Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.
Như điều mà tôi vừa mới thưa trình khi nãy thì trong ngày đầu tiên mà Đức Chúa Trời bắt đầu công cuộc tạo dựng của Ngài thì loài người chưa có và cũng chưa có một loại lịch nào được thành lập nên ngày đầu tiên đó không thể là ngày Chúa nhật hoặc là ngày Sunday, vì lịch mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay là do con người đặt ra, chớ không phải là căn cứ vào ngày đầu tiên của cuộc sáng tạo. Lúc đó A-đam còn chưa có thì làm sao mà định được đó là ngày nào. Vả lại, theo lời của Chúa trong Kinh thánh thì một ngày của Đức Chúa Trời khác với một ngày của con người, như lời Kinh thánh có chép trong
2PHI-E-RƠ 3: 8 – Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.
Theo như câu Kinh thánh mà chúng ta vừa mới đọc qua thì quý Hội thánh có thể thấy được rằng chữ ngày mà Kinh thánh đã dùng để mô tả thời gian của công cuộc sáng tạo là đơn vị mà Chúa đã chỉ định cho các trước giả viết Kinh thánh để dùng khi viết ra lời của Ngài hầu cho con người có thể hiểu được, chớ không hẳn là một ngày có 24 tiếng như chúng ta có ngày hôm nay. Vì lúc bấy giờ trong cả vũ trụ chỉ có một mình Đức Chúa Trời mà thôi và Ngài là Đấng đời đời nên đơn vị thời gian không hề có nghĩa gì hết đối với Ngài. Chính vì vậy mà Kinh thánh cũng không hề đề cập gì đến tuổi của các thiên sứ. Bởi lẽ đó nên nếu nói rằng Đức Chúa Trời dựng nên sự sáng và sự tối vào ngày Chúa nhật hay là ngày Sunday, rồi Ngài dựng nên khoảng không vào ngày thứ Hai tức là ngày Monday, rồi sau đó Ngài dựng nên đất và biển vào ngày thứ Ba tức là ngày Tuesday, và dựng nên loài người vào ngày thứ Sáu tức là ngày Friday thì điều đó là hoàn toàn vô lý. Không có chỗ nào trong Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã dùng lịch của loài người khi Ngài tạo dựng nên vũ trụ. Vì vậy nếu nói rằng ngày Saturday của thế kỷ 21 nầy là ngày sa-bát từ buổi đầu sáng thế thì hoàn toàn không có căn bản nào trong Kinh thánh cả. Dầu vậy vẫn có một số người cứ khăng khăng cho rằng ngày Saturday là ngày Đức Chúa Trời nghỉ công việc sáng tạo của Ngài. Lập luận như vậy là dựa trên lời truyền khẩu của loài người chớ không phải là trên lời của Chúa.
Vì vậy chúng ta nên xem xét lại một lần nữa lời phán của Đức Chúa Trời khi Ngài ban Mười Điều Răn cho dân Y-sơ-ra-ên, nhất là những lời có liên quan đến ngày sa-bát, như có chép trong
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 20: 8-11 – Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.
Như tôi đã thưa trình với quý Hội thánh khi nãy thì bởi vì trong ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta không có từ ngữ để phân định hai loại ngày thứ bảy cho được rõ ràng nên mới có sự lầm lẫn về chữ ngày thứ bảy trong Kinh thánh. Nhưng mạng lệnh của Chúa là truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc, chớ không phải là nghỉ ngơi vào ngày Saturday, vì không có chỗ nào trong Kinh thánh xác nhận rằng Đức Chúa Trời bắt đầu công cuộc tạo dựng của Ngài vào ngày Chúa nhật. Rõ ràng là Chúa không hề bảo dân Y-sơ-ra-ên phải bắt đầu làm việc vào ngày Sunday rồi nghỉ vào ngày Saturday. Để cho dễ hiểu thì tôi xin được nói thêm như thế nầy: Nếu ngày hôm nay con dân Chúa bắt đầu công việc vào ngày thứ Tư trong tuần lễ thì sau sáu ngày làm việc thì ngày nghỉ sẽ là ngày thứ Ba. Và đó chính là ngày sa-bát và được dùng để thờ phượng Chúa. Bởi lẽ đó nên ngày thứ bảy trong mạng lệnh của Chúa được căn cứ vào ngày đầu tiên khi con dân Chúa bắt đầu làm việc chớ không phải căn cứ vào lịch mà chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay.
Tôi xin được dùng thêm một cách khác nữa để giải thích cho chữ ngày thứ bảy. Khi chúng ta đếm thứ tự thì chữ thứ bảy được viết thường (giống như khi chúng ta đếm thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy) còn khi chúng ta đếm ngày trong tuần lễ thì chúng ta viết hoa (chẳng hạn như Chúa nhật, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy). Vì vậy chúng ta cần phải hiểu rằng Đức Chúa Trời muốn con dân Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi đã làm việc sáu ngày, tức là ngày thứ bảy viết thường, chớ không phải là nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy viết hoa, tức là ngày thứ Bảy trong tuần lễ theo cách tính lịch của chúng ta ngày hôm nay.
Trở lại với Kinh thánh thì chúng ta đã biết rằng Đức Chúa Trời phán bảo con dân của Ngài phải làm việc trong sáu ngày và dùng ngày thứ bảy để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa. Như vậy thì nếu Cơ-đốc-nhân muốn thờ phượng Chúa vào ngày Saturday thì chúng ta phải bắt đầu làm việc vào ngày Chúa nhật để ngày Saturday có thể chính thức trở thành ngày thứ bảy. Nhưng hiện nay trên khắp cả thế giới thì đa số công nhân viên chức, nhất là trường học, thì đều bắt đầu tuần lễ làm việc vào ngày thứ Hai cho nên vì vậy mà ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ bảy sau sáu ngày làm việc của chúng ta. Đó là một trong những lý do mà Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ hiện đại được thờ phượng Chúa vào ngày Chúa nhật. Ngày đó vừa là ngày đầu tiên của tuần lễ mới mà cũng là ngày thứ bảy sau sáu ngày làm việc của đa số nhân loại trên thế giới.
Dầu vậy vẫn có một số người đưa ra những luận cứ khác, và tôi xin được thưa trình thêm với quý Hội thánh như thế nầy. Ấy là trước đây khi tôi trình bày về ngày sa-bát như vừa trình bày với quý Hội thánh sáng hôm nay, thì có người cho biết rằng việc một số anh chị em sử dụng ngày Saturday để làm ngày nghỉ và thờ phượng Chúa là vì chính người Do-thái vẫn sử dụng ngày ấy từ trước đến nay, và họ cho biết rằng cách tính ngày tháng như vậy là chính xác kể từ ngày dân Y-sơ-ra-ên nhận được luật pháp của Chúa về ngày sa-bát sau khi họ rời khỏi xứ Ê-díp-tô. Quả thật là trong Kinh thánh có ghi lại rằng Đức Chúa Trời đã chỉ định cho dân Y-sơ-ra-ên cách tính lịch, khi Ngài cho họ biết rằng tháng nào là tháng đầu tiên trong năm và ngày nào là ngày đầu tiên của tháng ấy, như lời Kinh thánh đã có chép trong
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 12: 2 – Tháng nầy định làm tháng đầu cho các ngươi, tức là tháng Giêng trong quanh năm.
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 40: 2 – Ngày mồng một tháng Giêng, ngươi sẽ dựng Đền tạm.
Nhưng nếu căn cứ vào hai câu gốc trên để nói rằng lịch của dân Y-sơ-ra-ên từ nhiều ngàn năm trước trùng với lịch mà chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay thì điều đó chưa chính xác. Tại điểm nầy thì tôi xin quý Hội thánh hiểu rằng tôi tuyệt đối không hề có ý nghi ngờ gì về lời của Chúa hoặc mức độ chính xác của lịch người Do-thái, nhưng tôi chỉ muốn nói đến việc thiếu trùng hợp giữa lịch mà chúng tôi đang sử dụng với lịch của người Do-thái mà thôi. Theo các tài liệu lịch sử và thực tế ngày hôm nay trong Do-thái giáo cho thấy thì lịch của người Do-thái được tính theo chu kỳ của mặt trăng còn lịch hiện tại mà chúng ta đang dùng là tính theo chu kỳ mặt trời, hay còn gọi là Dương lịch, và chỉ được chính thức sử dụng vào tháng Mười năm 1582. Vì vậy mà mỗi năm thì lịch của người Do-thái ngắn hơn Dương lịch của chúng ta 11 ngày. Nhưng để ngày sa-bát có thể trùng với ngày thứ Bảy trong tuần lễ theo cách tính của Dương lịch, thì người Do-thái đã phải thêm ngày vào trong lịch của họ. Như vậy thì chúng ta thấy có hai vấn đề xãy ra: Thứ nhất là nếu họ tính lịch một cách trung thực theo lời của Chúa đã chỉ định trong Kinh thánh, thì ngày sa-bát chắc chắn sẽ không phải là ngày thứ Bảy trong tuần lễ. Khi nhiều chu kỳ của một năm được lặp đi lặp lại thì hai ngày ấy cũng sẽ có lúc trùng với nhau, nhưng vì lịch của họ ngắn hơn lịch mà cả thế giới đang sử dụng ngày hôm nay 11 ngày thì sự trùng lấp đó sẽ không thể xãy ra thường xuyên mỗi một tuần để có thể lọt đúng vào ngày Saturday. Còn nếu họ cứ khăng khăng cho rằng ngày sa-bát luôn luôn là ngày thứ Bảy, tức là ngày Saturday mỗi tuần của Dương lịch, thì điều đó có nghĩa là họ đã bỏ lời phán của Đức Chúa Trời để làm theo sự thuận lợi của con người. Trong cả hai trường hợp thì việc giữ ngày sa-bát trong vòng người Do-thái và của một số các anh chị em khác vẫn là không phù hợp với lời của Chúa một cách trung thực và chính xác, mà chỉ là nghi thức của hình bóng mà thôi. Thế thì việc các anh chị em ấy chê trách những người không giữ ngày Saturday làm ngày sa-bát đã không đặt căn bản trên lời của Đức Chúa Trời.
Vì vậy khi một số các anh chị em cứ khăng khăng cho rằng sự thờ phượng Chúa vào ngày Saturday mới là trở lại với Kinh thánh thì điều đó chỉ gây nên sự hiểu lầm và phân rẽ trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân mà thôi. Riêng về sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus thì mặc dầu Ngài đã vâng giữ luật pháp ngày sa-bát một cách đầy đủ nhưng đó là vì Chúa muốn làm gương cho người Giu-đa, vì họ là trọng tâm của chức vụ của Ngài trên đất, như chính lời của Chúa đã có phán và đã được ghi lại trong
MA-THI-Ơ 15: 24 – Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.
Người Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Đức Chúa Trời cho nên lúc nào họ cũng được ưu tiên hơn các dân tộc khác, nhất là về việc được nghe Tin lành cứu rỗi trong Đấng Christ. Còn về việc rao giảng Tin lành ra cho muôn dân thì lại là trách nhiệm của các sứ đồ và môn đồ của Ngài, và cũng là trách nhiệm của tất cả các Cơ-đốc-nhân của các thế hệ sau đó cho đến chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy mà trong Tân ước không có chỗ nào cho biết rằng Đức Chúa Trời không bằng lòng hoặc là Ngài quở trách các Cơ-đốc-nhân của Hội thánh đầu tiên khi họ nhóm lại thờ phượng Chúa vào ngày thứ nhất của tuần lễ chớ không phải là ngày thứ bảy sa-bát.
Nhưng nếu nói riêng về ngày sa-bát thì rõ ràng là Đức Chúa Jêsus đã có quở trách dân Giu-đa về những điều có liên quan đến việc họ giữ ngày sa-bát, và đều là những vấn đề tập trung vào sự giả hình của họ khi họ cố hết sức vâng giữ luật pháp về ngày sa-bát mà bỏ quên mục tiêu của sự yêu thương, chẳng hạn như khi Đức Chúa Jêsus chữa lành người đàn bà bị bệnh mất huyết vào ngày sa-bát, như có chép trong
LU-CA 13: 15-16 – Nhưng Chúa đáp rằng: Hỡi kẻ giả hình, mỗi người trong các ngươi, đang ngày Sa-bát, há không mở bò hoặc lừa mình ra khỏi máng cỏ, dắt đi uống nước hay sao? Con gái của Áp-ra-ham nầy, quỉ Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, há chẳng nên mở trói cho nó trong ngày Sa-bát sao?
Việc người Do-thái vâng giữ luật pháp ngày sa-bát một cách cứng nhắc bằng hình thức bên ngoài nhưng lại thiếu lòng yêu thương ở bên trong không những xãy ra trong thời kỳ Tân ước mà cũng đã xãy ra trong thời kỳ Cựu ước nữa, như lời quở trách của Đức Chúa Trời về thái độ và hành động đó của họ như có chép trong
Ê-SAI 1: 13 – Thôi, đừng dâng của lễ chay vô ích cho ta nữa! Ta gớm ghét mùi hương, ngày trăng mới, ngày sa-bát cùng sự rao nhóm hội; ta chẳng khứng chịu tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể.
Chính vì sự cố chấp không chịu sửa đổi khi bị Đức Chúa Trời quở trách về thái độ vâng giữ nghi thức một cách giả hình như vậy của họ về ngày sa-bát mà giới lãnh đạo tôn giáo trong vòng người Giu-đa đã tìm cách giết Đức Chúa Jêsus bởi vì Ngài đã vi phạm đến những nguyên tắc của ngày sa-bát mà họ đã cố tình đề cao. Đó là một trong những lý do mà họ muốn giết Đức Chúa Jêsus, như lời Kinh thánh đã cho biết trong
GIĂNG 5: 18 – Bởi cớ đó, dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là Đấng ban luật pháp ngày sa-bát như là hình bóng về cõi đời đời, nhưng vì sự thiếu hiểu biết của người Giu-đa mà đã khiến họ trở nên cực đoan trong việc tuân thủ hình thức bên ngoài đến nỗi chống đối Chúa và sau nầy đóng đinh Đức Chúa Jêsus lên thập tự giá. Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải phân biệt các luật pháp trong Kinh thánh đâu là luật pháp thực tế cần vâng giữ và đâu là luật pháp hình bóng dùng để thức tỉnh chúng ta trong các phương diện đức tin. Đó là điều mà tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày với quý Hội thánh trong những lần tới. Ngoài ra thì Kinh thánh cũng cho chúng ta biết là các Cơ-đốc-nhân của thời kỳ các sứ đồ đã thờ phượng Chúa vào ngày đầu tiên của tuần lễ mới, tức là ngày Chúa nhật theo cách tính lịch của chúng ta ngày hôm nay, như có chép trong
CÔNG VỤ 20: 7 – Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh. Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nửa đêm.
Theo như câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng mỗi một lần các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ nhóm lại thờ phượng Chúa thì họ đều có lễ bẻ bánh, hay còn gọi là tiệc thánh như các Hội thánh ngày hôm nay vẫn thường làm vào mỗi một Chúa nhật đầu tháng. Đó là trường hợp của các Cơ-đốc-nhân gốc dân ngoại, vì là chức vụ chủ yếu của Phao-lô. Còn về phần các Cơ-đốc-nhân gốc Giu-đa thì họ vẫn nhóm lại thờ phượng Chúa vào ngày sa-bát. Dầu vậy trong Kinh thánh không có chỗ nào ngăn cấm việc nhóm lại thờ phượng Chúa vào ngày đầu tiên của tuần lễ mới. Lời của Chúa chỉ quở trách những người bỏ sự nhóm lại thờ phượng Chúa mà thôi, chớ không hề quy định rằng Cơ-đốc-nhân phải thờ phượng Chúa vào ngày Saturday hoặc Sunday, như lời Kinh thánh có chép trong
HÊ-BƠ-RƠ 10: 25 – Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.
Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài nhóm lại để duy trì và tăng trưởng đức tin giữa vòng những anh chị em cùng một lòng kính yêu Chúa trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân hầu cho có sự hiệp một và gây được tiếng tốt giữa xã hội. Ngoài ra còn là để nương dựa đức tin lẫn nhau mà chống cự lại với các sự cám dỗ của ma quỉ. Nhưng tại đây còn có một đặc điểm khác mà chúng ta cần để ý là dẫu các Cơ-đốc-nhân gốc dân ngoại đã nhóm thờ phượng Chúa vào ngày đầu tiên của tuần lễ mới nhưng không hề có một chỗ nào trong các thư tín của Tân ước lên tiếng quở trách họ, trái lại thì chính Phao-lô đã được Chúa dùng để quở trách những người muốn áp đặt luật pháp ngày sa-bát lên người khác, như có chép trong
CÔ-LÔ-SE 2: 16-17 – Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.
Qua lời Kinh thánh trong câu gốc vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rằng ngày sa-bát chỉ là hình bóng cho cõi đời đời mà thôi, vì khi được cứu rỗi thì Cơ-đốc-nhân sẽ được bước vào thời kỳ sa-bát, tức là được nghỉ ngơi khỏi những lao khổ của cuộc sống trần gian để thờ phượng Đức Chúa Trời suốt cả đời đời, như lời Kinh thánh có chép trong
KHẢI HUYỀN 14: 13 – Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc và việc làm mình theo sau.
Chúng ta đều biết là đời sống con người ở giữa trần gian nầy thì đầy những lao khổ, mệt nhọc, vất vả. Bởi lẽ đó mà theo lời Kinh thánh thì khi Đức Chúa Jêsus tái lâm thì đó là thời điểm Cơ-đốc-nhân được nghỉ ngơi khỏi mọi công việc lao khổ trong trần gian và bắt đầu thời kỳ sa-bát kéo dài đến đời đời, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong
2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 6-7 – Vả, theo sự công bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy điều khổ báo cho những kẻ làm khổ anh em, và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng luật ngày sa-bát chỉ là hình bóng cho những điều sẽ xãy ra trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm mà thôi, chớ không phải là luật pháp thực tế trong thời kỳ ân điển, cũng tương tự như luật pháp về lễ cắt bì và của lễ thiêu. Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân chúng ta cứ an tâm mà thờ phượng Chúa, không cần phải lo lắng rằng ngày đó có phải là ngày sa-bát hay không. Vấn đề quan trọng là tấm lòng của mỗi người chúng ta khi đến trong nhà Ngài để ra mắt Chúa là thể nào, vì như lời Kinh thánh trong Ê-sai 1: 13 mà tôi đã trưng dẫn khi nãy thì Đức Chúa Trời rất không đẹp lòng về việc sự gian ác có mặt trong những lần Cơ-đốc-nhân hội hiệp lại thờ phượng Chúa, thế thì con dân Chúa nên chú ý đến tấm lòng của mình là hơn.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời xem xét và tưởng thưởng cho Cơ-đốc-nhân khi con dân Chúa đến thờ phượng Ngài trong ngày yên nghỉ thánh mỗi một tuần lễ. Cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng kính yêu Chúa của Cơ-đốc-nhân chúng ta trong việc sốt sắng học hỏi và tìm kiếm ý muốn của Chúa trong Kinh thánh. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh giải bày lời của Ngài càng thêm cho Cơ-đốc-nhân để chúng ta có thể an lòng theo Chúa cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Amen.