LỜI TIÊN TRI VỀ BA-BY-LÔN LỚN 2
Sau khi bảy cơn đại nạn đã được bảy vị thiên sứ đổ ra trên đất thì bấy giờ sự phán xét Ba-by-lôn lớn sẽ xãy ra:
(Khải huyền 16: 17-19) Vị thiên sứ thứ bảy trút bát mình trong không khí, thì có tiếng lớn trong đền thờ vang ra, từ ngôi đến mà phán rằng: Xong rồi! Liền có chớp nhoáng, tiếng rầm, sấm vang và động đất dữ dội, động đất lớn lắm đến nỗi từ khi có loài người trên đất chưa hề có như vậy. Thành phố lớn bị chia ra làm ba phần, còn các thành của các dân ngoại đều đổ xuống, và Đức Chúa Trời nhớ đến Ba-by-lôn lớn đặng cho nó uống chén rượu thạnh nộ của Ngài.
Trong khi Ba-by-lôn lớn bị tiêu diệt dưới đất nầy thì trên không trung, nơi đám mây, sẽ có lễ cưới Chiên Con, nghĩa là sự kết hiệp vui mừng giữa Ðấng Christ và Hội thánh của Ngài. Sự vui mừng nầy rất lớn vì sự hớn hở và lời ngợi khen của những kẻ được cứu dâng lên trước mặt Chúa:
(Khải huyền 19: 6-9) Đoạn, tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chân thật của Đức Chúa Trời.
Như vậy theo như lời Kinh thánh thì những Cơ-đốc-nhân bị bỏ lại sẽ phải chịu chung số phận với những người không tin ở trên đất. Sau khi Ba-by-lôn lớn bị hủy diệt hoàn toàn thì lúc bấy giờ Ðức Chúa Jêsus mới tái lâm cách ẩn nhiên ở tại Giê-ru-sa-lem và cai trị trong một ngàn năm bình an.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải để ý là theo Chúa cách thế nào để được cứu và được cất lên trong lần Ðức Chúa Jêsus tái lâm cách ẩn nhiên, vì nếu Cơ-đốc-nhân nào bị bỏ lại trong dịp ấy thì vĩnh viễn không còn có cơ hội được cứu nữa.
Chắc chắn sẽ có nhiều người thắc mắc tại điểm nầy, vì nhiều người cho rằng khi họ đã thực sự thấy Chúa thì chắc chắn là sẽ tin Ngài, không những vậy thôi, còn tin mạnh mẽ hơn cả những Cơ-đốc-nhân của thời kỳ trước khi Chúa tái lâm. Nhưng nói như vậy là không hiểu điều Kinh thánh đã phán. Một người chỉ được cứu khi có đức tin thật nơi Ðức Chúa Trời và nơi ơn cứu rỗi của Ngài qua Ðức Chúa Jêsus Christ:
(Hê-bơ-rơ 11: 6) Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
(Rô-ma 5: 1) Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.
Ngoại trừ những người sống trong thời kỳ Ðức Chúa Jêsus thi hành chức vụ trên đất trong thân thể con người thì mới có cơ hội thấy Đấng Christ bằng mắt thường, còn đối với tất cả những người khác thì đức tin là niềm tin nơi Ðấng không thấy được, theo như định nghĩa về đức tin đã được bày tỏ ra trong thơ tín Hê-bơ-rơ:
(Hê-bơ-rơ 11: 1) Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
Như vậy, theo lời Kinh thánh, thì khi một người đã thấy Ðức Chúa Jêsus Christ mà tin thì đó không còn gọi là đức tin nữa. Ðây là điều mà Kinh thánh đã khẳng định, vì sau khi Ðức Chúa Jêsus đã tái lâm cách hiển nhiên (nghĩa là lúc tất cả mọi người sống trên đất đều có thể thấy Ngài bằng mắt thường) và cai trị trong một ngàn năm bình an thì Kinh thánh không hề ghi lại rằng có thêm những người khác được cứu vào trong hàng ngũ của các thánh đồ vào thời kỳ ấy. Trái lại, Kinh thánh chỉ cho biết rằng vào thời gian cuối của một ngàn năm bình an thì loài người đều tập trung lại, liên kết với nhau để đến tấn công thành Giê-ru-sa-lem, nơi Ðấng Christ cai trị:
(Khải huyền 20: 7-9) Khi hạn ngàn năm mãn rồi, quỉ Sa-tan sẽ được thả, và nó ra khỏi ngục mình đặng dỗ dành dân ở bốn phương trên đất, dân Gót và dân Ma-gót; nó nhóm chúng lại để chiến tranh, đông như cát bờ biển. Chúng nó lên khắp các vùng rộng trên mặt đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có lửa từ trên trời rơi xuống thiêu diệt chúng nó.
Nhiều người, khi đọc đến phần Kinh thánh nầy thì chỉ chú ý đến việc Sa-tan được thả ra và dụ dỗ các dân ở trên đất để chống đối Chúa, nhưng họ quên suy nghĩ đến việc tại sao loài người đã nhìn thấy Ðức Chúa Jêsus rõ ràng bằng mắt trần và đã ở dưới sự cai trị khôn ngoan công bình của Ngài suốt 1000 năm lại nghe theo lời của quỉ Sa-tan để tấn công thành Giê-ru-sa-lem và phản nghịch Ngài. Nguyên nhân là vì loài người, sau khi nhìn thấy Ðức Chúa Jêsus tái lâm, tưởng rằng sẽ có cơ hội để được cứu, nhưng rốt lại không một ai trong số họ có được cơ hội ấy. Vì khi một người đã thấy Chúa rồi mới tin thì đó không thể được kể là đức tin nữa. Ðây là điều mà chính Ðức Chúa Jêsus đã xác định:
(Giăng 20: 29) Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!
Sau khi Ðức Chúa Jêsus đã tái lâm thì lúc bấy giờ cả thế giới không còn một tôn giáo nào nữa. Mọi người đều đi nhà thờ vì biết rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng có thật, khi nhìn thấy Ngài cai trị tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng niềm tin mà họ có qua mắt thấy không được kể là đức tin thật, vì vậy trong thời kỳ 1000 năm bình an không có một người nào nhận được sự tha thứ và ơn cứu rỗi trong danh của Ðức Chúa Jêsus. Ðến cuối thời kỳ ấy, khi người ta biết rằng họ vẫn không được cứu mặc dầu có thờ phượng Ngài, thì lúc bấy giờ sự tuyệt vọng, hối tiếc, giận dữ sẽ tràn ngập tâm trí họ đến nỗi họ nghe theo lời của quỉ Sa-tan mà chống nghịch Chúa, bởi vì nhận biết rằng họ không còn gì để mất, hay đúng hơn nữa là đã mất mọi sự rồi.
Khi cả thế giới nổi loạn chống nghịch lại Ðấng Christ và bị Ngài sai lửa từ trời mà tiêu diệt hết thảy, thì lúc bấy giờ mới có sự phán xét chung thẩm. Ðức Chúa Trời sẽ đoán phạt mọi người, là những người không được cất lên trong lần Ðấng Christ tái lâm cách ẩn nhiên (những người đã được cất lên sẽ không chịu sự phán xét), theo như lời khẳng định của Đức Chúa Jêsus:
(Giăng 5: 24) Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.
Sau đó Chúa sẽ dựng trời mới đất mới cho những người được cứu:
(2Phi-e-rơ 3: 13) Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.
Ðó là sơ lược về trình tự của những sự kiện sẽ xãy ra trong thời kỳ cuối, trước và sau khi Chúa trở lại (xin xem bài CÁC GIAI ÐOẠN CỦA THỜI KỲ CUỐI CÙNG).
Như vậy, theo lời Kinh thánh chúng ta có thể biết được rằng sự sụp đổ của Ba-by-lôn lớn sẽ xãy ra trong khoảng thời gian giữa sự tái lâm ẩn nhiên và hiển nhiên của Ðức Chúa Jêsus Christ. Ngoài ra Kinh thánh cũng cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về Ba-by-lôn lớn và thời kỳ mà thành phố nầy sắp sửa bị hủy diệt. Vì vậy nếu Cơ-đốc nhân biết Ba-by-lôn lớn là biểu tượng của tổ chức nào trong trần gian và cũng biết được khoảng thời gian mà nó suy tàn, lúc nào mà nó sắp sửa bị hủy diệt thì Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ nhờ đó có thể giè giữ trong đức tin và chuẩn bị chính mình sẳn sàng cho ngày Ðức Chúa Jêsus trở lại để đón chúng ta vào trong đám mây mà gặp Ngài.
Muốn biết về thời kỳ quan trọng mà Kinh thánh đã có đề cập đến trong sách Khải huyền đoạn 17 và 18 thì chúng ta cũng cần phải xem xét đến lời tiên tri đã được chép trong đoạn 2 của sách Ða-ni-ên.
Kinh thánh ghi lại rằng trong giấc mơ vua Nê-bu-cát-nết-sa đã nhìn thấy một pho tượng cao lớn đầu bằng vàng, ngực bằng bạc, bụng và vế bằng đồng, hai ống chân và bàn chân bằng sắt. Pho tượng nầy bị một tảng đá không phải do tay người ta đục nên đập vào và làm cho tan nát. Theo như sự giải nghĩa mà Ða-ni-ên nhận được từ nơi Chúa thì đầu bằng vàng của pho tượng chỉ về vua Nê-bu-cát-nết-sa và đế quốc Ba-by-lôn. Những phần còn lại thì chúng ta phải xem xét lịch sữ của vùng châu Âu và Trung Ðông để nhận biết là những đế quốc nào. Sau khi đế quốc Ba-by-lôn sụp đổ thì có đế quốc Ba-tư, rồi đế quốc Hy-lạp, sau đó là đế quốc La-mã, tức là hai chân của pho tượng. Khi Kinh thánh dùng hình bóng hai ống quyển để mô tả về đế quốc La-mã thì điều đó có nguyên nhân đặc biệt, cũng như các loại chất liệu tổng hợp nên pho tượng ấy.
Từ hai ống chân của pho tượng chia ra thành những ngón chân được tạo thành bởi hổn hợp sắt và đất sét. Như vậy điều đó có nghĩa là tàn tích của đế quốc La-mã còn tồn tại lại trong các đế quốc nho nhỏ nối sau. Hai ống chân của pho tượng làm hình bóng cho việc đế quốc La-mã bị chia đôi và từ hai phần lãnh thổ ấy nổi lên những đế quốc khác, tổng cộng là mười, theo như số ngón chân của pho tượng.
(còn tiếp)