LỢI ÍCH KHI NHẬN BIẾT TỘI LỖI
LỢI ÍCH KHI NHẬN BIẾT TỘI LỖI
Kinh thánh: Phi-líp 4: 1-7
Câu gốc: PHI-LÍP 4: 5 – Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi.
Kính thưa quý Hội thánh, một trong những đức tính mà Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải có là sự nhu mì. Hai chữ nầy là từ ngữ rất quen thuộc trong dân gian, nhất là trong vòng Cơ-đốc-nhân. Nhưng khi nói đến chữ nhu mì thì người ta thường chỉ nghĩ đến đức tánh đó giống như là sự hiền lành, lễ phép, nhưng thật ra thì chữ nhu mì còn có ý nói đến đức tánh mau chóng nhận biết sự lầm lỗi của mình. Hễ đã làm người trong trần gian thì ai ai cũng có những lần phạm lầm lỗi, ngay cả đối với những người được gọi là thánh nhân trong Kinh thánh, chẳng hạn như Môi-se, Đa-vít hoặc Phi-e-rơ. Nhưng điểm khác biệt giữa những anh hùng đức tin ấy và với mọi người trong thế gian là đức tánh nhu mì của họ khi biết thú nhận ngay lập tức những lầm lỗi mà họ đã phạm. Nhờ đức tánh ấy mà mặc dầu họ cũng có những khuyết điểm giống như bao nhiêu người khác nhưng họ vẫn được Đức Chúa Trời tha thứ và thương yêu, thậm chí còn trọng dụng họ vào những chức vụ quan trọng và lớn lao. Nếu đọc kỹ trong Kinh thánh về cuộc đời của những anh hùng đức tin ấy thì chúng ta đều có thể thấy rằng họ đều là những người có những khuyết điểm lớn, chẳng hạn như Môi-se là người rất dễ nổi nóng, vì ông đã từng giết người và từng đập bể hai bảng đá luật pháp quý trọng mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài, hoặc chẳng hạn như Đa-vít là người đã từng phạm tội tà dâm và giết người, hoặc như Phi-e-rơ là người đã từng chối Chúa và phạm tội giả hình, nhưng tất cả những người ấy đều được Đức Chúa Trời yêu thương và ban cho những đặc ân cao trọng. Đó là nhờ họ đều là những người nhu mì, biết thú nhận tội lỗi mà họ đã từng phạm phải.
Việc phạm tội là diều mà không ai tránh khỏi, nhưng sự khác biệt là ở chỗ cố tình hay vô ý mà thôi. Và một điểm khác biệt lớn lao hơn nữa là kẻ phạm tội có đủ sự nhu mì để nhận biết lầm lỗi của mình hay không, nhất là nhận biết tội lỗi ấy trước mặt Chúa. Chính bởi vì sự nhu mì là một trong những đức tánh quan trọng mà Cơ-đốc-nhân cần phải có cho nên sáng hôm nay chúng ta sẽ cùng suy nghĩ với nhau về Chủ đề Lợi Ích Khi Nhận Biết Tội Lỗi để con dân Chúa được khích lệ bằng lời của Ngài mà xây đắp và phát triển đức tánh nầy càng ngày càng đầy dẫy hơn nữa trong mỗi chúng ta.
Gần 30 năm trước khi tôi mới đến định cư tại Úc-đại-lợi thì một trong những điều gây ấn tượng đầu tiên cho tôi là tánh lịch sự của người dân Úc. Tôi sinh trưởng và lớn lên ở tại Việt Nam nên đã từng quen với cảnh chen lấn xô đẩy tại quê nhà mà chưa từng nghe một lời xin lỗi nào trong những hoàn cảnh như vậy, nhưng khi mới đặt chân đến Úc-đại-lợi thì tôi rất ngạc nhiên vì tánh mau chóng xin lỗi của người dân Úc khi họ suýt chút nữa là va chạm với mình lúc đang đi bộ trong khu shopping hoặc trên các chuyến xe bus. Người Úc da trắng luôn luôn giữ một khoảng cách lịch sự đối với mọi người, ngay cả khi sắp hàng để làm giấy tờ tại các văn phòng, nhà băng hoặc là lúc đứng chờ xe bus. Nếu vì bất ngờ mà họ đi quá gần hoặc đứng quá gần với người khác thì họ lập tức xin lỗi ngay và mỉm cười một cách thân thiện, chớ không phải chờ cho đến khi đã đụng người ta rồi mới xin lỗi. Sự lịch sự và nhã nhặn của họ đã ghi dấu trong tâm trí tôi suốt từ đó đến nay không thể quên được. Và sau khi sống tại Úc-đại-lợi một thời gian thì tôi cũng học theo được thói quen ấy là mau chóng xin lỗi mỗi một khi bất ngờ bước ngang đường đi của người khác hoặc khi đứng che tầm mắt của người ta hoặc khi bất ngờ đụng chạm đến xe mua sắm của những người đang đi shop. Một điểm đặc biệt là thói quen nầy lại làm cho những người ở những nơi khác ngạc nhiên. Chẳng hạn như khi tôi về thăm Việt Nam và nói lời xin lỗi trong những trường hợp như vậy thì lập tức có người hỏi tôi rằng mới về phải không? Chữ về của họ có nghĩa là Việt kiều về thăm quê hương. Điều đó cho thấy rằng ở tại Việt Nam thì mọi người không có thói quen xin lỗi cách mau chóng và tự nhiên như vậy. Chỉ có Việt kiều ở ngoại quốc về mới có mà thôi. Nhưng đó là chuyện đã xãy ra khoảng 20 năm trước nhưng bây giờ thì có lẽ người Việt Nam đã học được nhiều về thói quen ấy. Nhưng thật ra thì không phải chỉ có người Việt Nam thôi đâu mà một số nơi cũng không có thói quen mau chóng xin lỗi giống như vậy, chẳng hạn như lần đầu tiên lúc tôi mới đến Hoa-kỳ và đặt chân xuống phi trường New York. Vì thói quen đã có tại Úc-đại-lợi nên tôi nhường đường cho phụ nữ và trẻ em, và cũng cố gắng giữ khoảng cách lịch sự với mọi người chung quanh, nhưng người dân New York thì lại chen lấn bất kể lịch sự. Nhiều lần tôi đã bị người ta lấn sang một bên để giành đường đi mà khi tôi đã xin lỗi và nhìn họ để chờ phản ứng thì họ lại nghinh tôi một phát rồi bỏ đi thẳng, không hề có lời xin lỗi nào. Khi tôi kể lại về chuyện ấy với những người bạn Úc thì họ cười mà nói rằng dân New York là như vậy đó.
Vừa rồi chỉ là một mẫu chuyện thực tế để cho quý Hội thánh có thể thấy rằng đức tánh nhu mì là rất quan trọng trong mối giao tiếp giữa người với người và sẽ làm cho chúng ta trở nên người dễ thương hơn nếu biết mau chóng xin lỗi trong các tình huống xãy ra thường ngày giữa xã hội. Trong phương diện thuộc linh thì đức tánh nhu mì cũng khiến cho Cơ-đốc-nhân mau chóng nhận biết tội lỗi trước mặt Chúa và tạ tội với Ngài. Sự nhu mì như vậy sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân được ơn trước mặt Chúa vì Ngài là Đấng yêu thích những kẻ nhu mì, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong Thi thiên 25: 9.
THI THIÊN 25: 9 – Ngài sẽ dẫn kẻ hiền từ cách chánh trực, chỉ dạy con đường Ngài cho người nhu mì.
Vì yêu thích những người có đức tánh nhu mì, tức là những người mau chóng nhận biết tội lỗi mà họ đã phạm, nên Đức Chúa Trời cũng sẽ bảo vệ và bênh vực cho những người có đức tánh ấy, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Ê-sai 11: 4.
Ê-SAI 11: 4 – Nhưng Ngài sẽ dùng sự công bình xét đoán kẻ nghèo, và xử lẽ ngay thẳng cho kẻ nhu mì trên đất. Ngài sẽ đánh thế gian bằng cái gậy của miệng Ngài, và lấy hơi thở nơi môi mà giết kẻ ác.
Vì Đức Chúa Trời yêu thích đức tánh ấy nên đó cũng là đòi hỏi của Chúa dành cho mọi người muốn theo Ngài, bởi lẽ đó mà đức tánh ấy là yếu tố cần có để một người có thể thực hiện được bước quan trọng đầu tiên trên con đường theo Chúa, tức là sự nhận biết rằng mình có tội trước mặt Đức Chúa Trời.
Theo tâm lý thông thường của con người thì người ta không dễ dàng thú nhận sự phạm tội của họ nhưng lại thích buộc tội người khác. Bởi thế mà trong bất cứ một xã hội nào thì cũng có luật sư để bào chữa cho tội nhân và có các công tố viên để chứng minh rằng người ta đã phạm tội. Tình trạng đó lại càng tệ hại hơn nữa trong các chế độ độc tài khi người dân bình thường thì bị chụp mũ là kẻ có tội mà không có một luật sự nào đủ lương tâm và công chính để giúp cho kẻ vô tội được trắng án, trong khi đó thì chính quyền và nhân viên công lực lại cướp của ban ngày mà không hề bị xét xử. Xã hội của con người là như vậy, nghĩa là thích phạm tội mà không muốn thú nhận tội lỗi của cá nhân hay phe đảng của họ. Nhưng như điều mà tôi đã từng đề cập với quý Hội thánh trong Chủ đề Con Đường Theo Chúa Của Cơ-đốc-nhân thì trong phương diện thuộc linh sự nhận biết rằng mình có tội trước mặt Đức Chúa Trời lại không phải là điều khó. Vì một người chỉ cần tự vấn lương tâm của mình thì có thể biết được ngay rằng mình có tội hay không, bởi vì tiêu chuẩn thiện lành của Đức Chúa Trời rất là đơn giản để giúp cho con người có thể nhận biết về điều đó một cách tổng quát, như lời Kinh thánh đã được chép trong hai câu Kinh thánh sau đây:
GIA-CƠ 4: 17 – Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.
1GIĂNG 5: 17 – Mọi sự không công bình đều là tội, mà cũng có tội không đến nỗi chết.
Cứ theo nguyên tắc trong hai câu Kinh thánh nầy thì loài người chúng ta thường phạm tội nhiều lắm, chẳng hạn như việc nhặt đồ của người khác làm rơi mà không không trả lại thì đã là tội lỗi rồi, hoặc như thương con trong nhà không đều, hoặc bất tín với người mà mình đã hứa, hoặc không chung thủy với người phối ngẫu, hoặc không làm gương tốt cho con cháu, hoặc đặt ra luật lệ chỉ làm lợi cho bản thân và phe đảng của mình mà thôi. Nếu kể thêm nữa thì danh sách tội lỗi của con người không có bút mực nào ghi cho hết được. Vì vậy mà việc một người nhận biết tội lỗi của mình trước mắt Đức Chúa Trời là điều không khó, chỉ cần người ấy có đủ lương tâm và tánh nhu mì thì sự nhận biết như vậy là điều dễ làm, nhất là khi thú nhận với Đấng biết hết mọi tư tưởng và suy nghĩ trong tấm lòng và đầu óc của con người. Bởi lẽ đó mà sự nhận biết rằng mình có tội là bước đầu tiên bày tỏ đức tin của một người nơi Đức Chúa Trời, là Đấng vô hình thấy rõ hành động và việc làm của mỗi một cá nhân. Đức tin ban đầu đó khi nhận biết rằng mình có tội là lợi ích thứ nhất. Ấy là vì Đức Chúa Trời là Đấng tha thứ và hay ban thưởng cho những người có đức tin nơi Ngài, mặc dầu chỉ mới chớm nở và còn nhỏ nhoi, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Hê-bơ-rơ 11: 6.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 6 – Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
Nhờ yếu tố đức tin như vậy trong bước đầu tiên trên con đường theo Chúa khi nhận biết rằng mình có tội mà một người có thể được tăng trưởng thêm lên mãi trong những bước kế tiếp sau nầy để cuối cùng có thể hưởng được sự sống đời đời, như lời Kinh thánh đã có chép trong 1Phi-e-rơ 1: 8 và 9.
1PHI-E-RƠ 1: 8-9 – Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển, nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình.
Vì vậy, việc nhận biết rằng mình có tội là cách bày tỏ đức tin của chính mình nơi Đức Chúa Trời không thấy được và nhờ đó mà đời sống của một người sẽ bắt đầu nhận được các ơn phước của Chúa dành cho những người có đức tin và phần thưởng sau cùng lớn nhất là sự sống đời đời trong Thiên đàng của Chúa. Kinh thánh đã cho chúng ta thấy rằng ngày xưa những người được Đức Chúa Jêsus chữa lành những căn bệnh nan y đều là những người có đức tin, chẳng hạn như câu chuyện người bị đau bại được chép trong Ma-thi-ơ 9: 2.
MA-THI-Ơ 9: 2 – Nầy, có người đem lại cho Ngài một người đau bại nằm trên giường. Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của các người đó, thì phán cùng người bại rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.
Cũng nhờ đức tin mà người đàn bà bị bệnh mất huyết suốt mười hai năm cũng đã được Chúa chữa lành, như lời Kinh thánh đã được chép trong Ma-thi-ơ 9: 22.
MA-THI-Ơ 9: 22 – Đức Chúa Jêsus xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đàn bà lành bịnh.
Chẳng những thế thôi Kinh thánh còn cho biết rằng những người có đức tin cũng cầu xin được phước của Chúa cho người nhà mình, như điều đã xãy ra đối với người phụ nữ có đứa con gái bị quỉ ám, như có chép trong Ma-thi-ơ 15: 28.
MA-THI-Ơ 15: 28 – Ngài bèn phán rằng: Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.
Tất cả những câu chuyện ấy và những câu chuyện chữa lành khác mà Kinh thánh đã tường thuật lại đều là muốn cho chúng ta biết rằng những người có đức tin sẽ được Đức Chúa Trời ban thưởng cho nhiều lắm, mà việc nhận biết rằng mình có tội là một trong những cách tốt nhất bày tỏ đức tin của cá nhân mình nơi Đức Chúa Trời. Thế thì đối với những người đang đau bệnh thì một trong những cách thức để được Chúa chữa lành là suy xét lại chính mình để thấy rằng nếu mình đã có phạm một tội nào đó trước đây hoặc là trong quá khứ thì phải mau chóng nhận biết tội lỗi ấy trước mặt Chúa và ăn năn ngay hầu cho có thể nhận được sự chữa lành từ nơi Ngài.
Như vậy thì đến đây chúng ta đã có thể thấy rằng đức tánh nhu mì sẽ giúp cho một người mau chóng nhận biết rằng mình có tội trước mặt Đức Chúa Trời, và nhờ sự nhận biết như vậy mà người ấy bày tỏ được đức tin của mình nơi Chúa và sẽ bắt đầu nhận được phước của Ngài như là một sự ban thưởng dành cho những người có đức tin.
Nhưng một điều nữa mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải chú ý là đức tánh nhu mì phải tồn tại trong đời sống của con cái Chúa luôn luôn, chớ không phải chỉ có lúc đầu tiên mới đến với Chúa mà thôi rồi những năm tháng sau lại sinh ra lòng kiêu ngạo và không còn nhận biết rằng mình có tội nữa khi phạm phải những lầm lỗi trong thời gian theo Chúa giữa đời sống nầy. Bởi lẽ đó mà ngay cả sau khi đã tin nhận Chúa và theo Chúa nhiều năm thì Cơ-đốc-nhân cũng phải mau chóng nhận biết những sai phạm của mình để bày tỏ rằng đức tánh nhu mì vẫn còn ở trong chúng ta và còn thêm mạnh mẽ nữa bởi sự thêm sức của Đức-Thánh-Linh, như lời Kinh thánh đã có cho biết trong Gia-cơ 3: 17.
GIA-CƠ 3: 17 – Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.
Lý do mà Đức-Thánh-Linh thêm sức cho đức tánh nhu mì để Cơ-đốc-nhân cứ càng ngày càng dễ thương hơn là vì sự nhu mì là một trong những bông trái của Đức-Thánh-Linh cho nên vì lẽ đó mà Ngài sẽ cứ giúp đỡ cho sự phát triển và tăng cường phẩm chất của đức tánh ấy trong tấm lòng của con cái thật của Đức Chúa Trời luôn luôn và cho đến đời đời. Đức tánh ấy sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân mau chóng nhận biết rằng mình có tội mỗi một khi vô tình phạm lầm lỗi hoặc có thái độ và hành động ngược lại với tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời. Sự nhu mì như vậy sẽ làm cho Cơ-đốc-nhân dễ thương hơn trước mặt Đức Chúa Trời và trong mối giao tiếp với mọi người để từ đó có thể được phước của Đức Chúa Trời nhiều hơn, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong Ê-sai 29: 19.
Ê-SAI 29: 19 – Những người nhu mì cũng sẽ được thêm sự vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, những kẻ nghèo khổ trong loài người sẽ nhân Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên mà mừng rỡ.
Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng đời sống của những người nhu mì, tức là những người biết mau chóng thú nhận lầm lỗi của mình trước mặt Chúa thì sẽ được vui vẻ càng thêm bởi các sự ban cho của Đức Chúa Trời. Còn trong phương diện giao tiếp với con người thì khi Cơ-đốc-nhân có sự nhu mì và biết mau chóng nói lời xin lỗi thì cũng sẽ được người khác ưa thích và đến gần, như lời Kinh thánh đã cho biết trong Châm ngôn 16: 19.
CHÂM NGÔN 16: 19 – Thà khiêm nhượng mà ở với người nhu mì, còn hơn là chia của cướp cùng kẻ kiêu ngạo.
Sự được người khác mến chuộng bởi đức tánh nhu mì là lợi ích thứ hai của việc nhận biết tội lỗi hoặc sự sai lầm của mình. Theo tâm lý thông thường thì người ta không giận lâu những người biết xin lỗi vì sự sai phạm của họ. Ngay tại tòa án của các nước tự do thì khi một phạm nhân biết thú nhận tội lỗi trước mặt quan tòa thì cũng thường được tha bổng hoặc giảm án. Và trong mối giao tiếp bằng hữu thì người ta rất thích làm thân với những người biết xin lỗi và sửa sai những khuyết điểm của họ. Bởi thế mà đức tánh nhu mì được thể hiện qua sự nhận biết tội lỗi sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân rất nhiều trong mọi khía cạnh dầu là trong cõi thuộc linh trước mặt Đức Chúa Trời hoặc là trong cõi thuộc thể đối với loài người. Trong thì giờ có hạn ngày hôm nay thì tôi chỉ xin nói về lợi ích của việc nhận biết tội lỗi trong phương diện thuộc linh mà thôi, bởi vì trong phương diện thuộc thể thì quý Hội thánh có thể liên hệ được với nhiều thực tế trong cuộc sống để có thể thấy được các lợi ích thực tiển của đức tánh nhu mì. Còn trong phương diện thuộc linh thì lời của Chúa đã có khuyên Cơ-đốc-nhân cứ càng ngày càng tấn tới trong sự nhu mì để chuẩn bị cho ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Phi-líp 4: 5.
PHI-LÍP 4: 5 – Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi.
Khi lời của Chúa khuyên dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải bày tỏ đức tánh nhu mì càng ngày càng rõ ràng hơn trước mặt mọi người trong mọi hoàn cảnh thì ấy là vì để làm chứng tốt về Chúa cho người chưa tin và cũng để có thể nhận được sự chở che của Chúa đối với những tai ương sẽ xãy ra trước ngày Đấng Christ tái lâm, như lời Kinh thánh đã có báo trước trong Sô-phô-ni 2: 3.
SÔ-PHÔ-NI 2: 3 – Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu mì của đất, làm theo mạng lịnh của Chúa, hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự công bình, tìm kiếm sự nhu mì, hoặc giả các ngươi sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va.
Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng lời kêu gọi tìm kiếm sự nhu mì lạl là dành cho người nhu mì. Đây là một điểm đặc biệt cần phải để ý. Ấy là vì đức tánh nhu mì là điều mà Đức Chúa Trời ưa thích và muốn thấy trong đời sống của con cái Ngài. Vì thế mà Chúa muốn đức tính ấy càng ngày càng phát triển và bày tỏ rõ ràng hơn ra trước mặt Chúa và trước mặt mọi người bằng lời nói, hành động, việc làm và cả trong tư tưởng nữa. Điều ấy cũng giải thích được cho chúng ta biết vì sao mà khi một người mới đến với Chúa thì cần có đức tánh nhu mì để nhận biết rằng mình là kẻ có tội và sau khi đã tin nhận Chúa nhiều năm rồi thì đức tánh ấy cũng phải tiếp tục tồn tại để chính cá nhân người ấy có thể nhanh chóng nhận biết rằng mình có tội trong những lần vô tình phạm lầm lỗi. Khi lời của Chúa kêu gọi người nhu mì phải tìm kiếm thêm sự nhu mì thì điều đó có nghĩa là sự nhu mì để nhận biết rằng mình có tội khi mới đến với Chúa thì là điều dễ làm hơn là việc nhận biết rằng mình có tội sau khi đã tin nhận Chúa nhiều năm, nhất là sau khi đã có địa vị trong Hội thánh rồi. Vì vậy mà con dân Chúa cần phải tìm kiếm sự nhu mì càng hơn, tức là tăng cường đức tánh nhu mì trong đời sống của chính mình bởi quyền năng của Đức-Thánh-Linh.
Chẳng những thế thôi lời của Chúa trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn còn cho chúng ta biết thêm lợi ích thứ ba của việc nhận biết tội lỗi, ấy là được giấu kín trong ngày thạnh nộ, hay nói một cách khác là được Chúa chở che cho được bình an trong thời kỳ đại nạn trước khi Đấng Christ trở lại. Lời báo trước về những thời kỳ như vậy đã được ghi lại trong 2Ti-mô-thê 3: 1-5.
2TI-MÔ-THÊ 3: 1-5 – Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.
Những sự khó khăn trong thời kỳ trước khi Đức Chúa Jêsus trở lại thì đã được Ngài cho biết lúc Chúa còn thi hành chức vụ ở trên đất và được chép trong Ma-thi-ơ 24: 21.
MA-THI-Ơ 24: 21 – Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.
Và để cho con dân Chúa có thể hết sức chú ý đến ngày đó mà chuẩn bị chính mình thì lời của Chúa còn nhắc nhở thêm về thời kỳ đại nạn trước khi Đấng Christ trở lại trong nhiều chỗ khác nữa suốt cả Kinh thánh, chẳng hạn như trong Công vụ 2: 19-21.
CÔNG VỤ 2: 19-21 – Ta lại sẽ tỏ ra sự lạ lùng ở trên trời, và dấu lạ ở dưới đất, tức là máu, lửa, và luồng khói; Mặt trời sẽ biến nên tối tăm, mặt trăng hóa ra máu, trước ngày lớn và vinh hiển của Chúa chưa đến. Và lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu.
Những tai ương trong thời kỳ trước khi Đấng Christ trở lại là rất đáng sợ và chúng ta có thể thấy được một chút sự khởi đầu của các tai ương ấy khi nhìn vào thực tế của thế giới ngày hôm nay. Trong một thời kỳ như vậy thì lời của Chúa cho biết là những người có đức tánh nhu mì, tức là những người biết mau chóng thú nhận sự yếu đuối phạm tội của mình so với tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời thì họ sẽ được bảo vệ, che chở và giấu kín khỏi những tai vạ đang đổ ra trên cả nhân loại. Chúng ta cần phải cố gắng phát triển đức tánh nhu mì trong đời sống mình để có thể thuộc vào số những người ấy.
Bởi thế cho nên chúng ta có thể thấy được rằng việc nhận biết rằng mình có tội không những là yếu tố đầu tiên, là bước đầu tiên cần phải có trên con đường theo Chúa, mà cũng là yếu tố cần thiết để giúp cho chúng ta có thể nhận được phước của Chúa càng hơn trong đời sống nầy. Ba lợi ích mà tôi vừa trình bày qua chỉ là hình ảnh tổng quát của những lợi ích do đức tánh nhu mì đem lại. Nếu mở rộng thêm ra và đi vào chi tiết thì những lợi ích ấy còn nhiều hơn nữa và thực tiển hơn nữa trong đời sống thường nhật của chúng ta, nhưng sáng hôm nay thì tôi không có đủ thì giờ để kể hết ra đây, cho nên xin hẹn lại với quý Hội thánh trong những lần tới.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục tăng trưởng càng hơn trong đức tánh nhu mì để được đẹp lòng Chúa luôn luôn trong cả đời nầy nầy và trong cả cõi đời đời mai sau. Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước thêm cho con dân Ngài hầu cho chúng ta có thể nhờ đó mà được khích lệ nhiều hơn nữa để làm chứng tốt hơn cho Chúa trong tâm tình nhu mì khiêm nhường của những người thuộc về Đấng Christ. Và cầu xin Đức Chúa Trời dùng quyền năng của Ngài để bảo vệ che chở chúng ta trong những ngày tháng khó khăn sắp sửa xãy đến cho cả thế gian nầy. Amen.