LỄ VƯỢT QUA VÀ BỮA ĂN TỐI CUỐI CÙNG

Trong tất cả các kỳ lễ của dân Y-sơ-ra-ên thì Lễ Vượt Qua là quan trọng và lớn nhất. Kỳ lễ nầy kéo dài trong vòng tám ngày và trong những ngày đó dân Y-sơ-ra-ên không dùng bất cứ một loại thực phẩm nào có men. Khi dùng bánh không men (matzah) thì họ được nhắc nhở về ý nghĩa của lễ Vượt Qua, lúc Đức Chúa Trời giải cứu dân sự Ngài khỏi vòng nô lệ tại Ê-díp-tô và họ phải rời khỏi nơi đó vội vã đến nỗi không thể chuẩn bị bữa ăn thông thường (tức là ủ men để làm bánh).

Nhưng Lễ Vượt Qua lại mang đến nhiều niềm vui lớn cho dân Y-sơ-ra-ên như để đền bù cho việc ăn loại bánh khô, cứng, không mùi vị. Đêm đầu tiên của Lễ Vượt Qua được gọi là đêm sum họp (Seder, còn được dịch là phục vụ/service) khi cả gia đình, luôn cả cháu và sui gia, đều tụ họp lại để mừng ngày dân tộc được tự do. Niềm vui trong đêm đó cũng có phần lớn lao như niềm vui đêm Giáng sinh của Cơ-đốc giáo, nhưng khác biệt ở chỗ có rất nhiều nghi thức và mất nhiều thì giờ để thực hiện. Cũng trong hoàn cảnh như vậy, vào thời gian Đức Chúa Jêsus trước khi chịu đóng đinh, được tiến hành bằng hình thức của bữa ăn tối giữa Chúa với các sứ đồ, mà Cơ-đốc nhân chúng ta thường gọi là Bữa tiệc cuối cùng.

Đức Chúa Jêsus đã dùng một phần nghi lễ chính thức của bữa ăn đêm đầu tiên trong Lễ Vượt Qua (như bánh và chén) để giúp cho môn đồ ghi nhớ những sự dạy dỗ quan trọng của Ngài về sự cứu rỗi, mà mãi về sau nầy, mỗi lần dự tiệc ấy, mặc dầu không còn thấy Ngài bằng mắt thường nữa, họ vẫn nhớ và ghi khắc trong lòng.

Đêm đầu tiên của Lễ Vượt Qua thường kéo dài bốn tiếng đồng hồ và tập trung vào bữa ăn tối vội vã, vốn được ghi lại trong quyển Haggadah (chuyện kể) của người Do-thái, mà họ thường đọc lại mỗi năm trong dịp nầy để nhắc nhở về điều đã xãy ra khi Đức Chúa Trời cứu dân sự của Ngài khỏi Ai-cập và dẫn họ đi đến Đất hứa. Các trẻ em cũng có một bản thảo riêng cho lứa tuổi nhi đồng với hình vẽ về 10 tai vạ mà Chúa đã làm ra tại Ê-díp-tô cùng với cảnh đạo quân của Pha-ra-ôn bị chìm đắm trong biển Hồng hải.

Ngày hôm nay bữa ăn đầu tiên của Lễ Vượt Qua mà người Do-thái thực hiện mỗi năm có đôi chút khác biệt. Trong đêm hôm đó các loại chén dĩa muỗng nĩa quý nhất trong gia đình được đem ra để sắp đặt trên bàn. Người gia trưởng sẽ ngồi ở chiếc ghế đầu bàn và trước mặt, trên bàn, là ba mảnh bánh không men gói trong vải lụa. Nguyên chiếc bàn ăn dài chỉ được soi sáng bởi hai ngọn đèn cầy truyền thống tượng trưng cho sự thiếu thốn và đơn giản của kiếp sống nô lệ ngày xưa. Chính giữa bàn là một dĩa đựng rau đắng, ngoài ra còn có thêm hai vật mà chỉ được thêm vào sau thời kỳ của Đức Chúa Jêsus, đó là một quả trứng bị đốt cháy tượng trưng cho Đền thờ bị thiêu hủy, và ống xương chân trước (shankbone) của chiên con, tượng trưng cho phần còn lại của bữa ăn và được dùng để bôi máu chiên con lên mày cửa vào đêm Vượt qua, đêm cuối cùng mà thiên sứ của Đức Chúa Trời hành hại các con đầu lòng của người Ê-díp-tô.

Bữa ăn tối đầu tiên của Lễ Vượt Qua còn có thêm rượu chát đỏ, là biểu tượng của sự vui mừng mà mỗi một người nam trưởng thành trong gia đình (mười tám hoặc hai mươi mốt tuổi) đều phải uống bốn chén (là loại ly nhỏ, như ly tiệc thánh, chớ không giống như chén ăn cơm của người Việt). Đến đây thì chúng tôi phải dừng lại để nhắc với các Cơ-đốc nhân ngày nay rằng chớ vội mừng vì có cơ hội viện dẫn, chẳng hạn như: ‘Thấy chưa, người Do-thái được uống rượu trong đêm Lễ Vượt Qua thì tại sao Cơ-đốc nhân lại không được uống?’ Nhưng chúng ta cần nên nhớ là Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Ngài không uống trái nho (tức là rượu đỏ) đó nữa cho đến khi uống với chúng ta trong Tiệc cưới của Chiên Con và Hội thánh.

(Ma-thi-ơ 26: 29) Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta.

Vậy thì Cơ-đốc nhân chúng ta cũng nên chờ đợi đến ngày ấy để cùng vui với Ngài (xin xem lại bài viết về CƠ ĐỐC NHÂN VÀ RƯỢU).

Trong bữa ăn, sau khi đã chúc phước đợt đầu và chén rượu đầu tiên được uống hết thì đứa trẻ nào nhỏ tuổi nhất sẽ cất tiếng hỏi câu hỏi truyền thống của Lễ Vượt Qua, rằng ‘Tại sao đêm nay lại đặc biệt hơn tất cả những đêm khác trong năm?’ thì lập tức mọi người đều sẽ trả lời là ‘Vì tổ phụ chúng ta từng làm nô lệ tại đất Ê-díp-tô, và Đức Giê-hô-va đã nghe lời kêu khóc của họ, Ngài bèn đến giải cứu họ khỏi vòng nô lệ’. Truyền thống từ xưa đến nay của người Do-thái trong đêm Lễ Vượt Qua là không bao giờ được nhắc đến tên của Môi-se để có thể dâng trọn vẹn sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời và tránh tình trạng phạm tội thờ lạy thần tượng khi có người lầm tưởng rằng Môi-se là cứu tinh của dân tộc.

Sau đó còn có một số nghi thức khác kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, chẳng hạn như hát Thi thiên 113 và 114 (được gọi là tiểu thi ca ngợi khen, là chữ Hallel trong tiếng Do-thái). Khi mọi người đã bắt đầu đói bụng nhiều thì ly rượu thứ hai được đem ra uống và sau đó tất cả những người có mặt phải ăn rau đắng nhún trong charoseth (một loại chất chấm làm bằng các thứ đậu, trái táo và rượu có vị ngọt). Khi ăn mọi người phải giả vờ đau đớn, rên la để làm hình bóng về sự đau khổ của tổ phụ họ khi còn là nô lệ. Chất đắng của rau và chất ngọt của nước chấm tượng trưng cho sự khổ nhọc vì kiếp nô lệ tại Ai-cập và của niềm hy vọng được vào sống tự do trong Đất hứa. Mọi người đều phải đọc lại chuyện kể Haggadah về sự kiện ấy. Sau đó người khách đặc biệt nhất trong bữa ăn sẽ được trao cho miếng bánh nhúng trong chất chấm ngọt kể trên. Trong đêm dự Lễ Vượt Qua cuối cùng Đức Chúa Jêsus đã trao một miếng bánh như vậy cho Giu-đa:

(Giăng 13: 26-28) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ấy là kẻ mà ta trao cho miếng bánh ta sẽ nhúng đây. Đoạn, Ngài nhúng một miếng, rồi lấy cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con trai của Si-môn. Liền khi Giu-đa đã lấy miếng bánh, thì quỉ Sa-tan vào lòng người. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng người rằng: Sự ngươi làm hãy làm mau đi. Nhưng các người ngồi đồng bàn đó chẳng ai hiểu vì sao Ngài phán cùng người như vậy.

Sau đó tất cả mọi người đều đi rửa tay trước khi ăn thịt chiên con và bánh không men. Có một số học giả Kinh thánh cho rằng đây có lẽ là lúc mà Đức Chúa Jêsus rửa chân cho các môn đồ. Về bánh không men thì phần chính giữa chiếc bánh là quan trọng nhất, thường dùng để tượng trưng cho chiên con đã làm thịt cho Lễ Vượt Qua mà ngày hôm nay nhiều gia đình người Do-thái không dùng nữa. Từ lúc bắt đầu bữa tối người gia trưởng đã bẻ lấy phần chính giữa của miếng bánh và đem đi dấu. Bây giờ thì các trẻ em trong nhà phải đi tìm và khi tìm được rồi thì đem bán lại cho người cha, và phần bánh đó được đem phân phát cho tất cả mọi người trong nhà. Kể từ sau bữa ăn thì tối hôm đó không một ai được ăn thêm bất cứ loại thực phẩm nào nữa. Bấy giờ thì đợt rượu thứ ba được đem ra uống. Ly rượu nầy được gọi là chén phước lành mà sứ đồ Phao-lô có ghi lại trong thư tín của ông:

(1Cô-rinh-tô 10: 16) Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?

Đêm Lễ Vượt Qua được tiếp tục với nhiều bài thánh ca truyền thống khác, nhất là Thi thiên 136 (the great Hallel) và chấm dứt với đợt rượu thứ tư cùng lời cầu nguyện xin Chúa trừng phạt dân tộc nào dám khinh bỉ Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.

Kinh thánh cũng đã ghi lại về sự ca hát ngợi khen của Đức Chúa Jêsus trong đêm Lễ Vượt Qua và sau đó thì Ngài cùng với các sứ đồ đi lên núi Ô-li-ve nơi có vườn Ghết-sê-ma-nê dọc theo triền núi:

(Ma-thi-ơ 26: 30) Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve.

Đêm ấy Đức Chúa Jêsus là Chiên Con của Lễ Vượt Qua và vì tình yêu Ngài đối với thế gian mà cơn giận của Đức Chúa Trời (đối với những kẻ phạm tội và khinh bỉ Ngài) được đổ xuống trên Đức Chúa Jêsus để loài người nhờ đó mà được thoát khỏi sự đoán phạt. Cảm tạ ơn Đức Chúa Trời về tình yêu của Ngài qua Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyện xin đêm Lễ Vượt Qua ngày xưa được ghi khắc trong tâm khảm tôi con Ngài luôn luôn để mỗi Cơ-đốc nhân có thể sống xứng đáng với tình yêu và sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá. A-men.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *