LÀM THEO ĐỂ ĐƯỢC PHƯỚC

Thông thường thì Cơ-đốc nhân đến với Chúa để cầu nguyện, để nài xin cho những nhu cầu cấp thiết trong đời sống mình cần được Chúa giúp đỡ và ban phước cho. Đó là điều đương nhiên và vẫn được Kinh thánh khích lệ con dân Chúa thực hiện:

(Giê-rê-mi 33: 3) Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.

Nhưng sự cầu nguyện của chúng ta thường chỉ là một chiều mà thôi, nghĩa là khi Cơ-đốc-nhân cầu nguyện với Chúa thì chỉ biết thưa trình với Ngài, trình bày nhu cầu và mong ước của cá nhân nhưng lại ít khi chịu dành thì giờ để lắng nghe lời đáp của Chúa trong vấn đề đang cầu xin hoặc tiếng phán của Ngài về những phương diện khác của đời sống, hoặc có khi muốn nghe mà không nghe được. Ấy là vì Cơ-đốc nhân bị cuộc sống chung quanh làm cho chúng ta không nghe rõ tiếng của Đức Chúa Trời, hoặc là vì tấm lòng chúng ta đầy những bối rối, âu lo, toan tính, nên không có đủ sự tỉnh lặng cần thiết để có thể nghe được tiếng phán của Chúa.

Đức Chúa Trời thực hiện điều gì cũng trong sự khôn ngoan và có lý do. Khi tạo dựng nên con người thì Chúa ban cho chúng ta hai lỗ tai và một cái miệng, vì Ngài muốn chúng ta chú ý lắng nghe nhiều hơn là nói, nhất là biết lắng nghe tiếng phán của Chúa. Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã nhấn mạnh đến việc cần phải lắng nghe trong lời phán dạy của Ngài cho các môn đồ và đoàn dân đông:

(Mác 4: 23) Nếu ai có tai mà nghe, hãy nghe!

(Gia-cơ 1: 19) Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận.

Biết lắng nghe là một nghệ thuật. Những người thành công trong đời nầy đều là những người biết lắng nghe hoặc có được khả năng bẩm sinh là nghe tốt hơn những người khác. Mặc dầu Cơ-đốc nhân có biết lời phán của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, nhưng rất ít người thật sự tìm hiểu sâu xa các các câu gốc để qua đó có thể nghe được tiếng của Chúa phán với chính mình. Trái lại khuynh hướng thông thường của con người, ngay cả của Cơ-đốc nhân, là mau nói và mau giận. Đó là một thực tế mà chúng ta có thể thấy xãy ra hàng ngày.

Trong Kinh thánh đã có ghi lại rất nhiều lời phán của Đức Chúa Trời cho con dân Ngài, nhấn mạnh đế vấn đề cần phải nghe tiếng phán của Chúa, hoặc qua các câu gốc, hoặc qua sự cầu nguyện tương giao với Chúa. Nhưng như chúng tôi đã vừa đề cập đến ở trên, rất ít Cơ-đốc nhân chịu dành nhiều thì giờ để suy gẫm Kinh thánh cho thật sâu xa, cho đến khi thật sự nghe được tiếng phán của Chúa cho chính mình. Còn về phần cầu nguyện tương giao với Chúa, thì Cơ-đốc nhân thường là tập trung vào việc nài xin sao cho được những điều mình mang mong ước xãy ra, chớ ít khi chịu yên lặng để chờ đợi cho đến lúc nghe được tiếng phán của Chúa. Vì vậy sự cầu nguyện của Cơ-đốc nhân thường là ngắn ngủi và sau khi trình bày hết những điều mình đang cần Chúa ban cho thì kết thúc ngay, đến nỗi tưởng chừng như con dân Chúa chẳng cần nghe một lời nào từ phía Ngài.

Nhưng nếu việc biết lắng nghe lời Chúa là quan trọng, thì việc làm theo lời của Chúa còn quan trọng hơn nữa. Dầu rằng Cơ-đốc nhân đi nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật và nhiều khi rất chăm chú vào bài giảng, nhưng tỷ lệ của những điều nhớ được rất ít, huống chi là làm theo. Hoặc có khi Cơ-đốc nhân biết được điều cân phải làm, nhưng lại từ chối không chịu thực hiện điều đó.

Chúng ta thử lấy dân Y-sơ-ra-ên để làm thí dụ về vấn đề nầy, vì Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng được kể là dân sự của Chúa trong phương diện thuộc linh. Mặc dầu Đức Chúa Trời đã chọn dòng dõi của Áp-ra-ham để làm tuyển dân của Ngài, nhưng không phải vì thế mà sau đó họ muốn sống thế nào cũng được. Đức Chúa Trời đã ban hành các luật lệ và phép tắt để họ phải vâng theo, và qua đó bày tỏ được rằng họ thật sự lả tuyển dân của Ngài:

(Giê-rê-mi 11: 4) Hãy nghe tiếng ta, noi theo điều ta dạy mà làm. Vậy thì các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi.

Người xưa có nói Quốc có quốc pháp, gia có gia huy, nghĩa là trong mọi cộng đồng, dù lớn như là một quốc gia, hoặc nhỏ hơn, như trong một gia đình, thì đều phải có kỷ cương, nguyên tắc. Không phải vì cớ là thành viên của gia đình mà một người con muốn sống thế nào cũng được theo ý riêng mình. Cũng một thể ấy, vì dân Y-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời chọn lựa nên họ cần phải sống theo luật pháp và phép tắt mà Ngài đã đặt ra để qua đó thế gian nhận biết rằng họ thuộc về Đấng Tạo Hóa và cũng nhờ đó mà họ có thể vinh danh Ngài giữa vòng các dân tộc sống chung quanh.

Nếu đối với dân Y-sơ-ra-ên đã là như vậy thì đối với Cơ-đốc-nhân cũng không khác chi. Mặc dầu chúng ta đã tin nhận Chúa và được kể là con cái của Đức Chúa Trời, nhưng không phải vì thế mà muốn sống thế nào theo ý cá nhân cũng được. Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jêsus, đã có những điều răn và mực thước mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm theo để có thể chứng tỏ rằng chúng ta được biện biệt khỏi thế gian và thuộc về Đức Chúa Trời. Cơ-đốc-nhân chúng ta được cứu qua ân điển trong Đức Chúa Jêsus, có nghĩa là không phải được cứu bởi việc làm, nhưng chính sự sống đạo theo mẫu mực của Kinh thánh là bằng chứng cho mọi người thấy rằng Cơ-đốc-nhân thật sự đầu phục Chúa hoàn toàn, theo như lời cầu nguyện đầu tiên của ngày mỗi người chúng ta quỳ gối tin nhận Chúa:

‘Lạy Đức Chúa Jêsus Christ, con nhận biết con là người có tội. Con xin ăn năn những tội lỗi mà con đã phạm. Xin Chúa tha thứ con và tiếp nhận con làm con cái Chúa. Từ nay con xin đầu phục Chúa và tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa và là Chủ của đời sống con. Con thành tâm cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.

Trên đây là những lời tiêu biểu mỗi Cơ-đốc-nhân đã thực hiện trong ngày cầu nguyện tin Chúa. Nhưng trong thực tế thì có rất ít người thật sự để Chúa làm Chủ đời sống họ.Việc bất tuân hoặc không làm theo điều Chúa đã dạy trong Kinh thánh là bằng chứng điển hình hơn hết về đức tin của mỗi người được kể là Cơ-đốc-nhân. Kinh thánh cho biết là khi chúng ta trở lại với Chúa thì điều đó có nghĩa là từ bấy giờ trở đi chúng ta không còn làm tôi mọi của ma quỉ và tội lỗi nữa, mà làm tôi mọi của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, và Ngài là Chủ chúng ta:

(Rô-ma 6: 22) Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.

(1Cô-rinh-tô 7: 22) Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đang tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ.

Ai nấy đều biết rằng kẻ tôi mọi không có quyền cãi trả với chủ, mà phải phục tùng và vâng lời hoàn toàn. Nhưng mặc dầu Cơ-đốc-nhân, trong ngày cầu nguyện tin nhận Chúa, đã tuyên bố rằng từ bấy giờ trở đi Chúa là Chủ của họ, nhưng sau đó thì có rất nhiều người cứ từ chối vâng phục và không chịu làm theo lời của Chúa trong Kinh thánh.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *