LÀM SAO ĐỂ CÓ SỰ HIỆP MỘT?

LÀM SAO ĐỂ CÓ SỰ HIỆP MỘT?

Kinh thánh: 1Cô-rinh-tô 12: 12-20

Câu gốc: 1CÔ-RINH-TÔ 12: 13 – Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân, và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.

Tất cả chúng ta đều biết rằng sự hiệp một là điều rất quan trọng đối với tập thể của con người, dầu rằng đó là một gia đình, một tổ chức, một đoàn thể, một xã hội, một quốc gia, một dân tộc hoặc là đối với một Hội thánh hay là một cộng đồng chung của Cơ-đốc-nhân. Trong thế gian nầy thì người ta thường dùng những chữ như thống nhất, độc lập để mô tả về sự hiệp nhất giữa người nầy với người khác trong một quốc gia hay là trong cùng một xu hướng chính trị. Còn trong Hội thánh thì chúng ta thường dùng chữ hiệp một để mô tả về tình trạng có chung một tấm lòng, một quan điểm và một đường lối mà thôi. Dầu rằng tất cả chúng ta đều biết là sự hiệp một rất quan trọng trong mọi bình diện của đời người, nhất là trong Hội thánh của Chúa, nhưng vấn đề là làm sao để có thể đạt được đến sự hiệp một thật. Tôi tin rằng đây là thắc mắc mà rất nhiều Cơ-đốc-nhân đã có, bởi vì chính cá nhân tôi cũng đã có thắc mắc như vậy kể từ thời còn là thanh niên trong Hội thánh. Đối với những người đã tin Chúa lâu năm và là thành viên trong một Hội thánh địa phương, thì nan đề chung mà nhiều người vẫn nhìn thấy là thực trạng chia rẽ trong Hội thánh. Nếu nhìn từ bên ngoài vào thì các Hội thánh địa phương đều dường như có sự vui vẻ hòa hiệp với nhau, nhưng khi đi sâu vào nội bộ thì chắc chắn sẽ thấy được tình trạng phe đảng, bè phái ngấm ngầm trong từng Hội thánh. Ban thanh niên thì có nhóm nầy nhóm kia không thống nhất với nhau, ban phụ nữ hay ban nam giới thì cũng vậy, và hễ Hội thánh càng lớn càng đông chừng nào thì tình trạng bè nhóm lại càng nhiều chừng nấy. Tình trạng đó thì lại càng nghiêm trọng hơn nữa trong các ban trị sự, chấp sự, đến nỗi các Cơ-đốc-nhân bình thường vẫn hay nghe về các cuộc tranh luận, cãi vả nhau dữ dội trong các buổi họp của ban trị sự địa phương. Ngay cả đến các ban trị sự ở những cấp bậc cao hơn, chẳng hạn như địa hạt, giáo hạt thì cũng vẫn có tình trạng đó. Đây là một thực tế mà nhiều người biết nhưng không bao giờ muốn nhắc đến hầu cho có thể giữ được thanh danh của Hội thánh. Ngay cả trong vòng những người hầu việc Chúa cũng có tình trạng chia rẽ, bè phái để tranh giành ảnh hưởng và quyền lực trong Hội thánh. Nhưng sự yên lặng và che dấu của Cơ-đốc-nhân đối với tình trạng như vậy chẳng giúp ích được gì cho Hội thánh chung mà còn tiếp tục làm cho nó kéo dài thêm mãi. Có người biện minh rằng những việc không tốt thì nói đến làm chi, tội gì phải vạch áo cho người xem lưng. Câu ngạn ngữ đó thì ai cũng biết, nhưng Cơ-đốc-nhân cũng cần phải biết rằng hễ có bệnh thì cần phải chữa, còn nếu để kéo dài lâu ngày thì bệnh tình càng trầm trọng thêm mà thôi. Bởi vậy cho nên sáng hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về Chủ đề HIỆP MỘT để nhờ lời Kinh thánh chúng ta có thể biết được phương pháp thế nào để có sự hiệp một trong vòng con dân Chúa.

Trước đây thì tôi đã có trình bày về Chủ đề nầy trong các lớp học Kinh thánh trường Chúa nhật nhưng vì có một số quý con cái Chúa vắng mặt cho nên tôi sẽ trình bày thêm một lần nữa, lần nầy thì chi tiết hơn một chút để chúng ta có thể nắm vững được phương pháp mà lời của Chúa trong Kinh thánh đã có dạy dỗ về việc làm thế nào để có được sự hiệp một. Đối với các Hội thánh nhỏ và ít người thì thường không có nan đề về việc phe phái, bè đảng, chẳng hạn như Hội thánh của chúng ta tại đây. Nhưng nói như vậy thì không có nghĩa là chúng ta hài lòng với một số ít người theo Chúa. Niềm tin trong Chúa cần phải được rao giảng và làm chứng cho mọi người và càng có nhiều người tin Chúa thì càng tốt, vì đó là ý muốn của Chúa và mạng lệnh của Ngài là chúng ta phải truyền giảng cho đến ngày Đấng Christ trở lại. Nhưng ý của tôi muốn nói là Hội thánh nhỏ thì có một ưu điểm lớn là có thể hòa hiệp với nhau dễ dàng hơn là trong một Hội thánh quá đông. Đã có một số anh chị em ở xa đã từng tâm tình với tôi về tâm trạng cô đơn của họ khi đi nhóm tại các Hội thánh lớn. Nhưng đó lại là vấn đề về cách tổ chức và nhiều khía cạnh khác trong phương diện hoạt động của một Hội thánh cho nên đó không phải là điều mà tôi muốn suy gẫm cùng với quý Hội thánh sáng hôm nay. Trong Chủ đề về sự hiệp một thì tôi chỉ muốn chúng ta suy gẫm qua về cách thức mà lời của Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh đối với từng cá nhân của mỗi một con dân Chúa mà thôi.

Thông thường thì khi nhắc đến chữ hiệp một thì người ta hay nghĩ đến đám đông và các phương pháp làm sao cho một đám đông có thể thống nhất được với nhau, nhưng lời của Chúa thì lại dạy dỗ về sự hiệp một cho mỗi một cá nhân, bởi vì nguyên tắc của sự hiệp một là bắt đầu từ đó, có nghĩa là bắt đầu từ đời sống của từng người. Chính bởi lẽ đó mà phương pháp của Chúa hoàn toàn trái ngược với quan điểm của con người. Tôi xin đưa ra một thí dụ thế nầy để quý Hội thánh có thể thấy được điều đó: Chẳng hạn như trong một đoàn thể, một quốc gia thì khi những kẻ lãnh đạo muốn có sự hiệp một, hay nói theo cách của loài người, là có sự đoàn kết, thì họ thường tìm kiếm những ý tưởng, những chương trình, những mục tiêu, những lý tưởng phù hợp với quan điểm chung của đám đông, hay nói một cách chính xác hơn, là phù hợp với quan điểm của đại đa số để rồi từ đó thuyết phục, tuyên truyền hoặc lôi kéo hoặc bắt buộc tất cả mọi người phải noi theo, nhất là đối với những thành phần thiểu số không có cùng chung quan điểm ấy. Bởi thế sự hiệp một hay đoàn kết của con người là không bao giờ trọn vẹn được và luôn luôn có sự chống đối ngấm ngầm của những người bị bắt buộc phải làm theo. Còn đối với phương pháp của Đức Chúa Trời thì sự hiệp một là hoàn toàn 100% và bắt đầu từ mỗi một cá nhân trong sự tự nguyện chớ không hề có sụ bắt buộc hoặc có sự lôi kéo thành phần thiểu số phải tham gia. Nói một cách khác thì phương pháp hiệp một của Chúa là sự tự do lựa chọn của mỗi một cá nhân rằng mình có muốn ở trong sự hiệp một ấy hay không mà thôi. Cho nên sự hiệp một trong Chúa được phản ảnh bởi tấm lòng chớ không phải bởi hình thức bên ngoài giống như người thế gian. Bởi lẽ đó mà sự hiệp một trong Chúa có thể xãy ra giữa hai người ở cách nhau nữa vòng trái đất chớ không cần phải ở chung một chỗ hoặc ở gần với nhau. Các kẻ lãnh đạo đời nầy, dầu là ngoài xã hội hay trong các tổ chức tôn giáo thì đều muốn có sự đoàn kết hoặc sự hiệp một mà họ thấy được mặc dầu hành động hiệp một đó có thể che dấu một tấm lòng chống đối ở bên trong để nhờ khỏi bị bắt bớ hoặc bị chỉ trích. Còn đối với Đức Chúa Trời thì sự hiệp một của con dân Chúa phải là trọn vẹn và phải xuất phát từ tấm lòng mặc dầu không ở gần với nhau hoặc chưa từng tiếp xúc với nhau để cùng bày tỏ sự hiệp một đó. Vì vậy mà chúng ta cần phải biết rằng sự hiệp một trong Chúa là sự hiệp một vô hình để có thể phân biệt với sự hiệp một hữu hình của người thế gian. Tôi sẽ xin được trình bày chi tiết hơn trong những phần sau để quý Hội thánh có thể thấy được điều đó.

Vì sự hiệp một trong Chúa là sự hiệp một vô hình cho nên lời Kinh thánh mới cho biết rằng sự hiệp một như vậy có được là do Cơ-đốc-nhân được báp-têm bởi Đức-Thánh-Linh, như lời của Chúa đã có bày tỏ trong 1Cô-rinh-tô 12: 13.

1CÔ-RINH-TÔ 12: 13 – Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân, và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.

Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể để ý đến các chữ được gạnh dưới. Các chữ ấy cho chúng ta biết rằng sự hiệp một của con dân Chúa chỉ có thể xãy ra bởi việc được báp-têm bởi Đức-Thánh-Linh mà thôi và sau đó cũng được sống bởi quyền phép Ngài. Các chữ chịu uống chung một Đức-Thánh-Linh đã bày tỏ cho chúng ta thấy về điều ấy. Tất cả chúng ta đều biết rằng con người nếu không ăn không uống thì sẽ phải chết vì đói hoặc chết vì khát. Bởi thế cho nên khi lời của Chúa cho biết là Cơ-đốc-nhân chịu uống chung một Đức-Thánh-Linh thì điều đó có nghĩa là con dân Chúa được sống động trong đời thuộc linh và có sự hiệp một vô hình là nhờ bởi quyền năng của Ngài. Cũng nhờ lời của Chúa mà chúng ta biết rằng việc được báp-têm bởi Đức-Thánh-Linh là có ý muốn nói đến một đời sống được tái sanh, theo như lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán và đã có ghi lại trong Giăng 3: 5.

GIĂNG 3: 5 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.

Như vậy thì nhờ lời của Chúa trong các câu gốc vừa được trưng dẫn thì chúng ta biết rằng sự hiệp một trong vòng Cơ-đốc-nhân chỉ có thể xãy ra đối với những người đã được tái sanh trong Chúa. Bởi thế cho nên khi nhiều người kêu gọi cần phải có sự hiệp một trong Hội thánh để Hội thánh được phát triển hoặc để làm điều nầy, thực hiện điều kia mà nếu không nhấn mạnh đến sự tái sanh trong đời sống của mỗi một con dân Chúa thì sự kêu gọi hiệp một chỉ là vô ích mà thôi, hoặc nếu có sự hiệp một thì đó cũng chỉ là sự đoàn kết giống như của người thế gian để xây dựng một tổ chức hoặc để thực thi một chủ nghĩa chính trị. Sự hiệp một hoặc đoàn kết như vậy chỉ là vì lợi lộc cho cá nhân chớ không phải là cho lợi ích của một đoàn thể hay một quốc gia. Sự kêu gọi đoàn kết trong các quốc gia độc tài cho chúng ta thấy rõ được điều đó.

Nhưng sự hiệp một trong Chúa lại hoàn toàn khác hẳn. Sự hiệp một trong Chúa không phải là vì quyền lợi của cá nhân mà là vì danh vinh hiển của Đức Chúa Trời và vinh quang của Đấng Christ, như lời Kinh thánh đã có bày tỏ ra trong lời cầu nguyện của Đức Chúa Jêsus và đã được ghi lại trong Giăng 17: 11.

GIĂNG 17: 11 – Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở thế gian, và Con về cùng Cha. Lạy Cha thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha, là danh mà Cha đã ban cho Con, để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy.

Khi chúng ta để ý đến các chữ được gạch dưới thì sẽ thấy được nhiều ý nghĩa trong lời cầu nguyện của Đức Chúa Jêsus, mà một trong những ý nghĩa đó là thế nầy: Ấy là Đức Chúa Jêsus cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục gìn giữ con dân Chúa được ở trong danh Ngài sau khi chính Đức Chúa Jêsus đã về trời. Việc ở trong danh Chúa có nghĩa là Cơ-đốc-nhân không những được mang danh Chúa, được bình an trong Chúa mà còn là biết sống vì danh Chúa nữa. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, nếu con dân Chúa chỉ biết mang danh Chúa, được gọi là Cơ-đốc-nhân, mà lại không biết sống vì danh Chúa thì việc mang danh ấy chỉ đem lại lời chê bai của thế gian về niềm tin trong Chúa mà thôi. Khi Cơ-đốc-nhân làm cho danh Đức Chúa Trời bị nói phạm bởi người ngoại thì làm sao Chúa có thể gìn giữ và ban phước cho chúng ta được? Nếu Ngài cứ tiếp tục ban phước và gìn giữ Cơ-đốc-nhân cách như vậy thì chẳng khác gì là dung túng cho con dân Chúa tiếp tục bôi nhọ danh thánh của Ngài. Vì vậy khi Đức Chúa Jêsus cầu nguyện rằng xin Cha thánh gìn giữ họ trong danh Cha thì điều đó có nghĩa là xin giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân biết tiếp tục sống vì danh Chúa luôn luôn.

Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân biết sống vì danh vinh hiển của Chúa thì lúc đó mới có sự hiệp một trong vòng Cơ-đốc-nhân mà thôi, bởi vì nguyên tắc chính yếu trong cả cõi thuộc linh là bất cứ ai hoặc sống hoặc chết đều phải vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã làm gương về điều đó theo như lời Ngài đã phán và đã có ghi lại trong Giăng 13: 31.

GIĂNG 13: 31 – Khi Giu-đa đã ra rồi, Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hiện bây giờ Con người được vinh hiển, và Đức Chúa Trời được vinh hiển nơi Con người.

Trong câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của các chữ được gạch dưới, là Đức Chúa Trời được vinh hiển qua chức vụ và sự chết của Đức Chúa Jêsus. Mặc dầu Đức Chúa Jêsus giáng sanh vào trong trần gian là để chết đền tội cho cả nhân loại, nhưng mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chúa vẫn là để làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời theo ý muốn của Ngài. Bởi lẽ đó mà sự hiệp một thật của Cơ-đốc-nhân là biết sống vì danh Đức Chúa Trời cũng như Đấng Christ đã vì danh Ngài, và việc Đức Chúa Jêsus sống trong chúng ta cũng là để giúp cho con dân Chúa biết sống vì danh vinh hiển của Đức Chúa Trời luôn luôn, như lời cầu nguyện của Đức Chúa Jêsus đã có ghi lại trong Giăng 17: 23.

GIĂNG 17: 23 – Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương họ cũng như Cha đã yêu thương Con.

Các chữ được gạch dưới trong câu gốc nầy cho chúng ta thấy được điều mà Kinh thánh đã bày tỏ và là điều mà tôi mới vừa đề cập qua, ấy là Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ để Ngài có thể làm vinh hiển Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Jêsus ngày hôm nay cũng ở trong đời sống của con dân Ngài để Cơ-đốc-nhân tiếp tục làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Nói một cách chính xác thì sống để làm vinh hiển Chúa là mục tiêu của sự hiệp một mà Cơ-đốc-nhân cần phải có, chớ không phải là một điều nào khác. Đó chính là sự hiệp một thật, sự hiệp một vô hình chớ không phải là sự hiệp một hữu hình mà Cơ-đốc-nhân vẫn thường được nghe kêu gọi từ trước đến nay. Sự hiệp một hữu hình dầu là dưới bất cứ lý do hoặc mục tiêu nào thì cũng đều có ẩn chứa tư dục ở bên trong, tức là sự kêu gọi hiệp một để làm lợi cho một thành phần hoặc một cá nhân nào đó.

Sự hiệp một hữu hình mà đã được kêu gọi từ trước đến nay thì có thể là vì đồng lương, vì địa vị quyền thế, vì danh vọng, chớ không thật là vì vinh hiển Đức Chúa Trời, cho nên sự hiệp một hữu hình trong Hội thánh từ trước đến nay đều không được hoàn toàn, không được trọn vẹn. Thực tế đã xãy ra cho thấy là người ta kêu gọi sự hiệp một đa số là vì quyền lợi cá nhân, bởi thế cho nên khi hai giáo hội hoậc hai Hội thánh hiệp nhất lại để trở thành một thì lập tức có sự tranh cãi căng thẳng xãy ra rằng ai sẽ làm Hội trưởng và ai sẽ làm thủ quỹ, bởi vì một chức vụ thì được danh tiếng và quyền lực, còn một chức vụ thì được cầm nắm tiền bạc trong tay. Rồi từ đó sanh ra bè phái, tranh giành ảnh hưởng, tranh giành lá phiếu, và khi đã có quyền lực rồi thì liền xãy ra những vụ trục xuất khỏi Hội thánh, mà người thế gian hay dùng chữ là thanh trừng, để triệt hạ, để trả thù hoặc là để củng cố địa vị. Thậm chí có khi họ còn nhờ cậy đến thế lực bên ngoài để thị uy với con dân Chúa, nhất là với những người chống đối. Những thực tế điển hình như vậy thì nhiều người biết lắm và xãy ra khắp mọi nơi mọi chỗ, ngay cả trong lịch sữ thế giới cũng đã có ghi lại những vụ tương tự như vậy nhưng lớn lao hơn nhiều và mức thiệt hại khủng khiếp lắm, nhất là việc danh Chúa bị người ngoại chê cười không biết bao nhiêu mà kể.

Nguyên nhân có những tệ nạn như vậy xãy ra là vì Hội thánh hữu hình không biết làm theo điều mà Đức Chúa Trời đã phán dạy trong Kinh thánh. Mọi vấn đề cần thiết trong phương diện thuộc linh thì Đức Chúa Trời đều đã có bày tỏ trong lời của Ngài, nhưng Cơ-đốc-nhân thì ít học theo lắm. Bởi thế cho nên khi chúng ta biết được mục tiêu chính yếu giúp cho sự hiệp một vô hình được xãy ra và được trọn vẹn là phải sống vì vinh hiển Đức Chúa Trời thì Cơ-đốc-nhân phải cố gắng làm theo để nhờ đó được đẹp lòng Chúa và được phước của Ngài luôn luôn. Nhưng sự suy gẫm của chúng ta về Chủ đề Hiệp một không dừng lại ở đây, ấy là bởi vì chúng ta chỉ mới học biết được về mục tiêu của sự hiệp một mà thôi, chớ những phần quan trọng khác để có thể thực hiện được sự hiệp một thì chưa suy gẫm đến. Bởi thế mà tôi xin được tiếp tục để quý Hội thánh có thể biết được là lời của Chúa đã dạy dỗ rỏ ràng như thế nào về vấn đề nầy.

Như chúng ta vừa học biết qua thì để có được sự hiệp một toàn vẹn và đẹp lòng Chúa thì trước hết chúng ta phải đặt mục tiêu của sự hiệp một là làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Kế đến chúng ta cũng biết rằng mục tiêu đó chỉ có thể thực hiện được khi Cơ-đốc-nhân được tái sanh mà thôi. Một người chưa được tái sanh thì có thể sẽ bị cám dỗ để lợi dụng danh nghĩa của sự hiệp một mà mưu cầu quyền lợi cho cá nhân mình. Chúng ta đều biết là ma quỉ luôn luôn tìm mọi cách để cám dỗ con dân Chúa, vì vậy mà một người chưa thật sự tái sanh có thể sẽ bị sa ngã trong mọi tình huống, ngay cả trong những trường hợp có mục tiêu chính đáng. Bởi vậy cho nên ngay cả khi một Hội thánh có quyết định hiệp một vì danh vinh hiển của Chúa mà nhiều người trong Hội thánh ấy chưa được tái sanh thì sự kêu gọi hiệp một như vậy cũng không thành công hoặc có thể sẽ dẫn đến những kết quả hoàn toàn trái ngược với ý định ban đầu. Vì vậy sự tái sanh của đời sống cá nhân là yêu cầu tiên quyết cho việc bảo đảm sự hiệp một thật được xãy ra và được thành công theo ý Đức Chúa Trời. Cũng từ đó thì chúng ta có thể thấy rằng nếu một Hội thánh muốn thật sự được hiệp một thì trước hết phải nhắc nhở con dân Chúa về tầm quan trọng cần phải được tái sanh.

Đối với Cơ-đốc-nhân thì sự tái sanh không phải là một đề tài mới mẽ gì. Tất cả con dân Chúa đều biết đến lời phán của Đức Chúa Jêsus rằng một người cần phải được tái sanh mới có thể nhận được sự sống đời đời, như có chép trong Giăng 3: 3.

GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.

Cơ-đốc-nhân cũng biết được đời sống của một người được tái sanh là như thế nào, chẳng hạn như trong trường hợp của Phao-lô. Đó là một trong những thí dụ điển hình vẫn thường được rao giảng trong Hội thánh, nhưng vấn đề quan trọng cần phải đề cập đến là làm sao để được tái sanh. Nhiều người cứ tưởng rằng hễ đã cầu nguyện tin nhận Chúa thì Cơ-đốc-nhân đã được tái sanh rồi, nhưng bằng chứng thực tế trong đời sống thì lại cho thấy những điều hoàn toàn ngược lại với quan điểm ấy. Có nhiều người đã tin Chúa lâu năm và trở thành những người quan trọng trong các Hội thánh địa phương, thậm chí đã ở trong chức vụ hầu việc Chúa rồi, nhưng đời sống của họ vẫn chưa có sự thay đổi hoặc không có dấu hiệu của sự tái sanh. Nói như vậy thì có thể sẽ bị lên án là đoán xét kẻ khác và vì vậy mà nhiều người không dám bày tỏ sự nhận xét của mình đối với những gương xấu trong Hội thánh. Nhưng ngay cả khi không dám nói lên thành lời thì thực trạng của Hội thánh chung về việc có nhiều người chưa được tái sanh thì vẫn là điều mà ai cũng có thể thấy được. Thấy mà không dám nói chính là một trong những nguyên nhân làm cho Hội thánh hữu hình cứ tiếp tục kéo dài tình trạng nữa đạo nữa đời cho đến ngày hôm nay, tức là trên danh nghĩa thì là Cơ-đốc-nhân mà trong thực tế thì lại tiếp tục sống với quan điểm và thói quen của người chưa tin. Tôi đề cập đến thực trạng ấy để giúp cho quý Hội thánh thấy rằng điều đó không phải là chỉ xãy ra trong thời kỳ hiện đại mà đã có trong Hội thánh từ những ngày đầu tiên, khi các sứ đồ của Đức Chúa Jêsus vẫn còn đang sống và đang dạy dỗ trong các Hội thánh. Điều đó đã được ghi lại trong Phi-líp 3: 17-19.

PHI-LÍP 3: 17-19 – Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi. Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch với thập tự giá của Đấng Christ. Sự cuối cùng của họ là hư mất. Họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.

Đây là lời của Phao-lô nói về những tín đồ tại Hội thánh Phi-líp. Mặc dầu họ đã tin Chúa và đã trở thành Cơ-đốc-nhân rồi, nhưng cách ăn ở của họ lại giống với những kẻ chưa tin, tức là những người thờ lạy thần tượng và chống đối lại niềm tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Chẳng những vậy thôi tình trạng mà Phao-lô mô tả rằng họ lấy bụng mình làm Chúa mình thì cũng giống như việc có nhiều người cứ tiếp tục tranh giành quyền lợi và các chức vụ trong Hội thánh, lập phe phái bè đảng để được tôn lên những vị trí quan trọng để điều khiển và cai trị Hội thánh theo ý riêng trong khi ngoài miệng thì lúc nào cũng nói là làm cho Chúa, làm vì Chúa, mà thật ra là để họ được hưởng lợi, được vinh thân phì gia. Chúng ta có thể thấy rằng tệ nạn đó thì đã kéo dài từ thời kỳ các sứ đồ cho đến ngày hôm nay nhưng Cơ-đốc-nhân thì vẫn tiếp tục che dấu, nói là để giữ thanh danh cho Hội thánh mà thật ra là vì sợ những kẻ đó lên án mình là đoán xét người khác. Thành ra có nhiều người trong Hội thánh cứ tự an ủi chính mình rằng: Thôi kệ, ai mà chẳng có sai lầm, mình nói làm chi, có Chúa biết là được rồi. Hoặc một câu nói khác, mặc dầu có vẽ thuộc linh nhưng lại là cách để trốn lánh thực tại và tránh né việc phải đụng chạm với những người còn tánh xác thịt trong Hội thánh, chẳng hạn như câu: Thôi, cứ nhìn xem Chúa mà đi, còn ai làm gì thì làm, họ sẽ trả lời với Chúa ngày sau. Thái độ và phản ứng như vậy của nhiều Cơ-đốc-nhân, tức là việc thấy điều trái tai gay mắt mà lại không dám nói đã làm cho những người có tánh xác thịt càng bạo dạn hơn nữa để lũng đoạn và thao túng trong Hội thánh của Chúa, xem niềm tin trong Chúa cứ như là cơ hội để họ đạt đến đỉnh cao của danh vọng và quyền thế. Chính vì những người như vậy mà sự hiệp một trong Hội thánh chung không đạt được kết quả như điều mà Chúa mong muốn, tức là hiệp một trong cùng một mức độ đức tin và cùng một mức độ hiểu biết về Đức Chúa Jêsus Christ và về đường lối của Đức Chúa Trời, như lời của Chúa đã bày tỏ ra trong Ê-phê-sô 4: 13.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 13 – Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.

Các chữ được gạch dưới trong câu gốc nầy cho chúng ta thấy được ý muốn của Đức Chúa Trời trong sự hiệp một của Cơ-đốc-nhân, ấy là để cho con dân Chúa được trưởng thành trong Đấng Christ. Trong phương diện thuộc linh thì chỉ có những Cơ-đốc-nhân trưởng thành mới có thể làm vinh hiển Chúa mà thôi, còn những đời sống còn là con trẻ trong đức tin thì không thể làm được điều đó, theo như lời của Chúa đã cho biết tiếp theo trong Ê-phê-sô 4: 14.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 14 – Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.

Ý muốn của Chúa là như vậy cho nên Cơ-đốc-nhân cần phải chăm chú nhiều hơn vào việc học hiểu lời của Chúa và các lẽ thật trong Kinh thánh. Đừng bao giờ nói rằng học bao nhiêu đó đủ rồi giống như nhiều người đã từng tuyên bố. Nhưng khi học lời của Chúa thì không phải chỉ học lớt phớt ở trên bề mặt, mà là phải học cặn kẽ, suy gẫm sâu xa và tìm kiếm ý nghĩa trong lời của Chúa một cách cẩn trọng thì như vậy mới giúp cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng. Còn đối với những người nhận biết rằng mình vẫn còn chưa thông hiểu Kinh thánh, tức là vẫn còn là con trẻ trong đức tin, thì lời của Chúa có khuyên dạy là những anh chị em ấy phải yêu mến và học hỏi lời của Chúa nhiều hơn nữa để nhờ đó mà sớm được trưởng thành trong đức tin để có thể hiệp một với những người trưởng thành khác trong Hội thánh và để có thể nhận lấy sự cứu rỗi đời đời trong tương lai, như lời của Chúa đã khuyên dạy trong 1Phi-e-rơ 2: 1-2.

1PHI-E-RƠ 2: 1-2 – Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.

Sự từ bỏ mọi điều độc ác là có ý muốn nói đến sự tái sanh ở trong đời sống của một người. Về chủ đề nầy thì tôi sẽ xin được cùng với quý Hội thánh nghiên cứu một cách chi tiết hơn trong một dịp khác, nhưng sáng hôm nay để trả lời cho câu hỏi là làm sao để có sự hiệp một thì chúng ta đã biết là Cơ-đốc-nhân cần phải được tái sanh và muốn có sự tái sanh trong đời sống mình thì Cơ-đốc-nhân phải quyết định rằng từ nay mình sẽ sống theo ý muốn của Chúa chớ không còn sống theo ý muốn của cá nhân nữa. Quyết định như vậy là khởi đầu của sự tái sanh và vì quyết định ấy mà Đức-Thánh-Linh sẽ ngự đến để giúp cho từng người có thể giữ vững và thực hiện được quyết định ấy cho đến cuối cùng. Cho nên chúng ta có thể thấy rằng trong câu gốc vừa được trưng dẫn trong 1Phi-e-rơ 2: 2 thì sự tái sanh và sự ham thích nghiên cứu lời của Chúa có mối liên hệ với nhau, tức là sau khi đã quyết định sống theo ý muốn Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân cần phải bày tỏ quyết định ấy ra bằng hành động là từ lúc đó trở đi thì phải yêu mến Kinh thánh và suy gẫm lời của Chúa cẩn thận chi tiết hơn nữa. Những đời sống có sự quyết định và hành động như vậy sẽ có sự hiệp một trong việc làm theo ý muốn Chúa để Ngài được vinh hiển, và sự hiệp một như vậy có thể xãy ra giữa hai người sống cách nhau nữa vòng trái đất và chưa hề có một lần nào tiếp xúc trực tiếp với nhau. Sự hiệp một như vậy được lời của Chúa gọi là sự hiệp một trong tâm tình và sẽ đem lại nhiều ích lợi quý báu cho cá nhân của những người như vậy, sẽ đem lại nhiều ơn phước cho gia đình của họ, của Hội thánh mà họ đang nhóm họp và của chính địa phương mà họ đang sống, theo như lời hứa của Chúa đã có ghi lại trong

2CÔ-RINH-TÔ 13: 11 – Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ. Khá theo đến sự trọn lành, hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời của sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.

Trong lần tới thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến lợi ích của sự hiệp một mà câu gốc nầy đã bày tỏ để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể được khích lệ càng thêm nữa trong sự hiệp một tâm tình để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, Cha yêu dấu của chúng ta.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng kính yêu Ngài của chúng ta và tâm tình muốn hiệp một để làm vinh hiển Chúa mà ban phước cho chúng ta mỗi ngày càng thêm để khích lệ con dân Chúa trong cố gắng nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời gia ơn để càng ngày càng có nhiều anh chị em đồng một tâm tình trong việc suy gẫm lời của Chúa một cách chi tiết hầu cho có thêm nhiều người trưởng thành trong vòng Cơ-đốc-nhân. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục dẫn dắt chúng ta trong Lẽ thật của Ngài để cho con dân Chúa có thể biết được điều đáng nên làm điều cần phải tránh mà làm gương tốt giữa thế gian nầy cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *