LÀM SAO CẢM TẠ CHÚA LÚC KHÓ KHĂN?
LÀM SAO CẢM TẠ CHÚA LÚC KHÓ KHĂN?
Kinh thánh: 2Cô-rinh-tô 11: 16-29
Câu gốc: PHI-LÍP 4: 4-5 – Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi.
Bước vào mùa Cảm tạ trong tháng Mười Một mỗi năm thì Cơ-đốc-nhân chúng ta thường nghe rất nhiều bài giảng về đề tài Cảm tạ. Ấy là vì chúng ta đang sống tại Hoa-kỳ và đất nước nầy đã có mùa Cảm tạ từ khi mới lập quốc. Vì ảnh hưởng của Hoa-kỳ trên thế giới nên sau nầy mới có nhiều nước chọn tháng Mười Một để cũng có lễ cảm tạ như tại Hoa-kỳ, nhưng thật ra thì từ những thế kỷ trước thì không có như vậy. Ngay cả Canada là nước lân cận với Hoa-kỳ nhưng cũng không có ngày lễ Cảm tạ vào tháng Mười Một, chỉ những thập niên sau nầy mới có mà thôi. Tôi nhớ lại là lúc còn ở tại Việt Nam thì lễ cảm tạ mà Hội thánh nơi tôi đi nhóm vẫn thường tổ chức mỗi năm là vào tháng Bảy, ấy là vì kỷ niệm ngày cung hiến nhà thờ, chớ không phải là sự cảm tạ chung về mọi điều mà Đức Chúa Trời đã ban cho trong năm. Còn ở tại Hoa-kỳ thì ngày lễ Cảm tạ là truyền thống từ thời kỳ lập quốc. Lúc bấy giờ thì những tín đồ Tin lành chạy trốn khỏi sự bắt bớ tại châu Âu đã tìm đến vùng đất mới để có thể sống tự do mà thờ phượng Chúa. Nhưng lúc ban đầu thì điều kiện sống rất khó khăn, canh nông và công cụ còn thô sơ và Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ còn chưa quen với tình trạng đất đai đồng thời hạt giống cho vụ mùa cũng bị hạn chế vì hành trình trên biển cho nên khi gieo trồng xuống cho vụ mùa đầu tiên thì họ rất lo lắng là không biết đến lúc thu hoạch thì có đủ để sống còn qua mùa Đông lạnh giá hay không. Vì vậy mà họ đã khẩn thiết cầu nguyện với Chúa để xin Ngài ban cho vụ mùa được thu hoạch đầy đủ. Khi Đức Chúa Trời đã nhậm lời và thực phẩm được đầy ắp trong kho thì các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ đã dâng lời tạ ơn Chúa bằng những hoa quả tốt nhất đã thu hoạch được. Vì thế mà cho đến ngày nay thì lễ Tạ ơn hay lễ Cảm tạ là sự kiện không thể thiếu được trong những tuần lễ cuối năm tại Hoa-kỳ, tức là thời gian thu hoạch ngũ cốc trước khi mùa Đông đến. Cũng bởi lẽ đó mà hình ảnh của lễ Cảm tạ tại Hoa-kỳ bao giờ cũng có trình bày các loại thực phẩm chín vàng được thu hoạch vào cuối vụ mùa. Ở các nước khác thì không có truyền thống nầy, ngay cả khi tôi còn sống tại Úc đại lợi thì mặc dầu Úc cũng là quốc gia mới thành lập so với các quốc gia khác trên thế giới nhưng họ vẫn không có lễ cảm tạ vào cuối năm. Ấy là vì lúc đó là mùa Hè chớ không phải là mùa Thu như ở tại vùng Bắc bán cầu và cũng vì lúc ban đầu Úc đại lợi đã được Anh quốc dùng làm nơi lưu đày biệt xứ cho các tử tội cho nên những người đầu tiên đặt chân đến Úc không có cớ để cảm tạ Chúa.
Như quý Hội thánh có thể thấy được, thì tại Hoa-kỳ, đây là thời điểm xôn xao náo nhiệt nhất trong năm, vì có lễ Cảm tạ và ngay tháng Mười Hai sau đó thì lại có lễ Giáng sinh, cho nên người dân rất là vui vẽ, háo hức và các Hội thánh đều rao giảng Chủ đề Cảm tạ trong thời gian nầy. Quả thật là chúng ta đều có cớ lớn để cảm tạ ơn Chúa vì đã được Ngài thương xót ở cùng trong suốt một năm để được bình an, mạnh khỏe, đầy đủ và còn sống động cho đến ngày hôm nay. Bởi lẽ đó mà mấy năm trước tôi có khích lệ quý Hội thánh là mỗi gia đình nên có một danh sách của những điều đặc biệt cần cảm tạ Chúa và chúng ta có để đọc lên trong giờ thờ phượng để cùng hòa lòng cảm tạ Chúa trong mùa Tạ Ơn. Năm nay chúng ta cũng nên làm như vậy và Chúa nhật tuần sau thì tôi hy vọng là mỗi một gia đình sẽ có người đại diện để đứng lên đọc danh sách những điều cần tạ ơn Chúa của gia đình mình. Có được như vậy thì sẽ vui lắm và sẽ khích lệ nhiều cho tinh thần cũng như tấm lòng tạ ơn Chúa của chúng ta. Việc hát Thánh ca để tạ ơn Chúa là đương nhiên rồi, vì mỗi tuần chúng ta đều có hát ngợi khen Chúa, nhưng vào mùa lễ thì chúng ta nên thực hiện cho phong phú hơn, nhiều hơn, bằng tất cả các hình thức như đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, tốp ca, hợp ca và nhất là gia đình ca thì chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng lắm về sự ngợi khen Ngài của chúng ta và năm tới chúng ta chắc còn được phước nhiều hơn nữa trong Chúa. Tất cả chúng ta đều đã biết là việc ca hát ngợi khen Chúa là công tác mà chúng ta không những làm trong đời nầy mà còn thực hiện suốt cả cõi đời đời với các thiên sứ thánh nữa, cho nên ngày hôm nay tất cả con dân Chúa cần phải thực tập và ca hát nhiều hơn. Đó là chuyện đáng phải làm và trong Hội thánh chúng ta thì mọi người đều đã hát. Đó là điều mà tôi vẫn thường khích lệ Hội thánh luôn luôn, bởi vì trong Hội thánh của Chúa thì không nên có người chỉ biết ngồi nghe và thưởng thức, ấy là vì lời ca tiếng hát của chúng ta là dâng cho Đức Chúa Trời, chỉ một mình Ngài là Đấng thưởng thức và lắng nghe mà thôi, còn tất cả con dân Chúa đều nên hát, không miễn trừ một ai. Cơ-đốc-nhân ca hát không phải là biểu diễn để cho loài người xem, bất kể người đó quan trọng đến đâu. Chúng ta ca hát là ca hát cho Chúa và những nguyên tắc quan trọng về sự ngợi khen Chúa thì tôi đã có trình bày trong phần đầu của Chủ đề Cơ-đốc-nhân và SỰ CẢM TẠ vào mùa lễ năm trước, chắc quý Hội thánh còn nhớ.
Nhưng trong mùa lễ cảm tạ năm nay thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về một trong những thắc mắc đã có trong vòng một số Cơ-đốc-nhân có liên quan đến vấn đề tạ ơn Chúa. Ấy là có một số anh chị em cảm thấy khó lòng mà tạ ơn Chúa khi đời sống của họ còn nhiều khó khăn hoặc đầy những khổ đau, đặc biệt là trong thời kỳ bệnh dịch vẫn còn và những hạn chế để phòng chống dịch vẫn còn được thi hành ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi lẽ đó mà có người nói thế nầy: Các anh chị em ở Mỹ thì giàu có đầy đủ rồi cho nên nói đến việc tạ ơn Chúa là điều đương nhiên, còn những người như chúng tôi, khi đời sống còn thiếu thốn chật vật, cơm ăn không đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, còn phải bươn chãi vật vã mỗi một ngày, lại còn thêm bệnh dịch nữa, thì làm sao tạ ơn Chúa được? Chính vì những thắc mắc như vậy mà tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về lời của Chúa có liên quan đến sự tạ ơn để chúng ta có thể biết rằng Đức Chúa Trời đã hiểu thấu hết mọi hoàn cảnh và Ngài cũng đã dạy dỗ về điều đó trong Kinh thánh rồi.
Trước hết thì chúng ta cần phải biết rằng sự tạ ơn Chúa là tùy thuộc ở tấm lòng chớ không phải là hoàn cảnh bên ngoài. Nói cho đúng hơn thì là tùy thuộc vào đức tin của mỗi một người chớ không phải là tùy thuộc vào việc mình có điều nầy hay điều khác trong tay, hoặc là có nhiều hay có ít. Nói như vậy thì tôi không có ý bảo rằng các anh chị em không tạ ơn Chúa được trong lúc khó khăn là không có đức tin. Tôi không hề có ý như vậy. Khi quý anh chị em có thắc mắc rằng làm sao có thể tạ ơn Chúa được trong lúc khó khăn thì tôi biết rằng quý anh chị em có đức tin, mà lại là đức tin mạnh mẽ nữa, bởi vì quý anh chị em có ý muốn tạ ơn Chúa mặc dầu đang trong hoàn cảnh bất như ý. Nhiều người khác có thể vì sự khó khăn mà đã thối lui rồi, nhưng đối với anh chị em vẫn còn muốn tạ ơn Chúa thì đó là điều đáng quý và đáng trân trọng. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng ao ước muốn tạ ơn Chúa của quý anh chị em trong lúc phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống để ban ơn cho. Nhưng có lẽ quý anh chị em chưa đọc qua những phần Kinh thánh mà Đức Chúa Trời đã có dạy dỗ về các nan đề trong việc tạ ơn nên chưa biết đó thôi. Vì vậy mà tôi xin được cùng với quý Hội thánh và quý anh chị em ở xa suy gẫm về Chủ đề nầy để chúng ta có thể khích lệ nhau trong sự tạ ơn Chúa và để có thể cảm thông với nhau hoàn toàn.
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng không phải bất cứ con dân Chúa nào khi được giàu có sung túc cũng biết tạ ơn Chúa, chẳng hạn như trong trường hợp các con của Gióp. Họ là những người nam nữ trẻ tuổi thuộc về gia đình giàu có, vì Gióp là người giàu có nhất Đông phương, nhưng trong những lần yến tiệc thì họ vẫn có thể phạm tội như thường, tức là quên tạ ơn Chúa để chỉ chú ý đến niềm vui của cá nhân mà thôi. Chính vì vậy mà sau mỗi lần yến tiệc thì Gióp luôn luôn nhắc nhở các con của ông dâng của lễ chuộc tội với Chúa. Điều đó đã được ghi lại trong Gióp 1: 4 và 5.
GIÓP 1: 4-5 – Các con trai người hay đi dự tiệc, đãi thay phiên nhau trong nhà của mỗi người, và sai mời ba chị em gái mình ăn uống chung với mình. Xảy khi các ngày tiệc yến xong rồi, Gióp sai người đi dọn các con cái mình cho thanh sạch, thức dậy sớm, dâng của lễ thiêu tùy số chúng nó, vì người nói rằng: Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối Đức Chúa Trời chăng. Gióp hằng làm như vậy.
Việc giàu có và dễ thường phạm tội với Chúa như trong trường hợp các con của Gióp chỉ là một trong số những câu chuyện khác tương tự được ghi lại trong Kinh thánh, chẳng hạn như việc dân Y-sơ-ra-ên khi đã an cư lạc nghiệp trong xứ Ca-na-an rồi thì cũng quên tạ ơn Chúa, mà trái lại còn đi thờ lạy thần tượng nữa. Nếu trưng dẫn hết các câu chuyện ấy ra ở đây thì chúng ta không có đủ thì giờ, nhưng quý Hội thánh có thể xem thêm tại nhà. Nhưng Kinh thánh cũng cho biết là có những người khó khăn nghèo khổ nhưng lại sống đẹp lòng Chúa và biết cảm tạ Ngài, chẳng hạn như lúc dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời dạy dỗ sửa phạt, như có chép trong Ê-sai 26: 16.
Ê-SAI 26: 16 – Hỡi Đức Giê-hô-va, họ đã tìm kiếm Ngài trong lúc ngặt nghèo, kêu cầu Ngài khi Ngài sửa phạt họ.
Trong thời kỳ của Phao-lô thì các Cơ-đốc-nhân nghèo khó ở tại xứ Ma-xê-đoan cũng đã nêu được gương sáng khi tấm lòng vui mừng của họ được bày tỏ ra qua sự dâng hiến như một của lễ cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã thăm viếng họ. Điều đó đã được ghi lại trong 2Cô-rinh-tô 8: 1 và 2.
2CÔ-RINH-TÔ 8: 1-2 – Hỡi anh em, chúng tôi muốn anh em biết ơn Đức Chúa Trời đã làm cho các Hội thánh ở xứ Ma-xê-đoan. Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình.
Khi một người có hành động thiết thực đẹp lòng Chúa giống như người Ma-xê-đoan đã làm thì điều đó chỉ có thể xãy ra được bởi sự vui mừng biết ơn Chúa mà thôi. Bởi lẽ đó mà chúng ta biết được rằng các Cơ-đốc-nhân tại xứ Ma-xê-đoan mặc dầu nghèo khó nhưng đều có tấm lòng biết tạ ơn Chúa và bày tỏ tấm lòng ấy ra hành động bên ngoài. Bởi lẽ đó mà lúc nãy tôi mới thưa trình cùng với quý Hội thánh rằng không phải là hễ được giàu có đầy đủ rồi mới có thể tạ ơn Chúa mà hễ cứ còn khó khăn thiếu thốn thì không thể tạ ơn Ngài. Thực tế thường cho chúng ta thấy điều ngược lại là người giàu thì mau quên Chúa, còn người nghèo khổ khó khăn thì vẫn thường tìm kiếm Chúa và biết tạ ơn Ngài về mọi điều mà Chúa ban cho, bất kể là lớn hay nhỏ. Cũng bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng người nghèo thiếu thì dễ đạt đến ơn cứu rỗi của Chúa, còn người giàu có thì theo Chúa còn khó hơn là con lạc đà chui qua lỗ kim nữa, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong Lu-ca 6: 20.
LU-CA 6: 20 – Đức Chúa Jêsus bèn ngước mắt ngó môn đồ, mà phán rằng: Phước cho các ngươi nghèo khó, vì nước Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi!
Và một câu nữa trong Ma-thi-ơ 19: 24.
MA-THI-Ơ 19: 24 – Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời.
Khi lời của Chúa cho biết về người nghèo và người giàu như vậy thì là để cho Cơ-đốc-nhân được thức tỉnh và được khích lệ, chớ không hề có ý nói rằng tất cả những người giàu có đều hụt mất ơn cứu rỗi của Chúa hoặc là tất cả những người nghèo thiếu đều được vào nước Thiên đàng. Tôi phải nhắc nhở đến điều nầy là vì từ xưa đến nay thì trong Hội thánh chung vẫn có tình trạng hay mích lòng mỗi khi nghe rao giảng về người nghèo người giàu như vậy. Có người giàu thì tưởng là diễn giả đang nói về cá nhân mình không được vào Thiên đàng cho nên sinh ra giận hờn rồi bỏ nhóm, cũng có người nghèo tưởng là diễn giả đang nói về cá nhân mình là vì ít đức tin nên bị Chúa cho nghèo nên rồi cũng tự ái mà bỏ đi nhóm. Cơ-đốc-nhân chúng ta phải tránh tình trạng đó và nghe lời của Chúa một cách cẩn thận, suy gẫm sâu xa để khỏi sa vào sự cám dỗ của bản ngã hoặc của ma quỉ mà làm những điều thiệt hại cho chính mình. Lời của Chúa là dạy dỗ một cách tổng quát chớ không phải là chỉ thẳng vào một cá nhân nào, cho nên Cơ-đốc-nhân chớ vội mích lòng khi nghe lời Chúa phán bảo quá đúng đối với trường hợp của mình. Trong những trường như vậy thì chúng ta nên thưa với Chúa rằng: Thưa Chúa, con đang ở trong tình trạng ấy hoặc là con đang ở trong hoàn cảnh ấy thì phải làm sao? Bằng cách cầu nguyện như vậy thì Đức-Thánh-Linh sẽ soi sáng cho để từng người biết ứng xử thế nào cho đẹp lòng Chúa, chớ không phải là mích lòng rồi phản ứng ngay bằng cách bỏ nhóm. Chúng ta cần phải biết là mỗi một cá nhân có một cuộc đời khác nhau, không ai giống ai, cho dầu là hoàn cảnh bên ngoài dường như tương tự nhau, cho nên Cơ-đốc-nhân không nên vội vã phản ứng theo cảm tính của mình, mà phải cầu nguyện và kiên nhẫn đợi Chúa soi dẫn cho.
Để giúp cho quý Hội thánh thấy được rằng Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải từ bỏ việc phản ứng nhất thời theo cảm tính hầu cho chúng ta có thể tạ ơn Chúa ngay cả trong lúc khó khăn thì tôi xin được thưa trình thế nầy: Không phải tất cả những người nghèo đều là bị Chúa trách phạt, mà cũng không phải là tất cả những đau bệnh xãy ra là vì mình sống không đẹp lòng Chúa. Kinh thánh cho biết là có những trường hợp thì Chúa cho phép đau bệnh xãy ra trong đời sống của những người kính yêu Chúa, chẳng hạn như trong trường hợp của Phao-lô và tiên tri Ê-li-sê, hoặc là người được Chúa yêu lại bị nghèo khó, chẳng hạn như trường hợp của La-xa-rơ. Những điều nầy thì tôi đã có đề cập đến trong một số các bài giảng trước đây cho nên tôi chỉ xin trưng dẫn vài câu Kinh thánh để cho quý Hội thánh thấy đó là điều mà lời của Chúa có đề cập đến. Về trường hợp của tiên tri Ê-li-sê thì Kinh thánh đã có ghi lại trong 2Các Vua 13: 14.
2CÁC VUA 13: 14 – Ê-li-sê đau bịnh, tại bịnh ấy mà người phải chết. Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên, đến thăm người, khóc trước mặt người mà nói rằng: Hỡi cha tôi! Cha tôi! Xe và lính kỵ của Y-sơ-ra-ên!
Còn trường hợp của Phao-lô thì cũng đã có ghi lại trong 2Cô-rinh-tô 12: 7.
2CÔ-RINH-TÔ 12: 7 – Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi và làm cho tôi đừng kiêu ngạo.
Và trường hợp của La-xa-rơ thì cũng đã được ghi lại trong Giăng 11: 1-3.
GIĂNG 11: 1-3 – Có một người đau, tên là La-xa-rơ, ở Bê-tha-ni, là làng của Ma-ri và chị người là Ma-thê. Ma-ri là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc mình lau chân Ngài. Chính anh người là La-xa-rơ đang đau. Vậy, hai chị em sai người đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh.
Chúng ta có thể thấy là trong cả ba trường hợp thì những người yêu kính Chúa đều bị đau bệnh và bị nghèo khó cho đến khi chết. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta không nên suy nghĩ kiểu quơ đũa cả nắm như người thế gian là hễ ai bị bệnh hoặc bị nghèo đều là bị Chúa quở trách sửa phạt. Chúng ta cần phải hiểu là mọi điều xãy đến cho đời sống cá nhân thì đều nằm trong ý muốn của Chúa và chương trình của Ngài, ngay cả đối với người ngoại và ngay cả khi những điều ấy là hậu quả của những chọn lựa sai lầm mà mỗi người đã thực hiện, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng tể trị vũ trụ và con người một cách tuyệt đối 100%, bởi thế cho nên chúng ta cần phải có lời của Chúa để biết ứng xử đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống mà mình đang gặp phải. Lời Kinh thánh cho biết là những điều xãy ra cho Cơ-đốc-nhân đều là nằm trong ý muốn của Chúa và vì Ngài muốn những điều đó đem lại lợi ích cho chúng ta, như lời của Chúa đã khẳng định trong câu Kinh thánh quen thuộc trong Rô-ma 8: 28.
RÔ-MA 8: 28 – Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.
Một trong những thí dụ điển hình về chương trình của Chúa cho mỗi một đời sống cá nhân là trường hợp của Phao-lô, như có chép trong Phi-líp 4: 12.
PHI-LÍP 4: 12 – Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được.
Trong phần Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay thì cả Hội thánh chúng ta đã đọc qua về những kinh nghiệm hay còn gọi là những phần đời khác nhau mà Phao-lô đã trãi qua. Đức Chúa Trời cho phép những điều đó xãy ra với đời sống của ông là vì muốn Phao-lô được từng trãi để cảm thông với mọi người mà ông phải gặp để rao giảng Tin Lành. Bởi lẽ đó mà Phao-lô đã có thể kêu gọi một cách dạn dĩ rằng con dân Chúa hãy lợi dụng hoàn cảnh của mình để cảm thông với kẻ khác, như đã được chép trong Rô-ma 12: 15.
RÔ-MA 12: 15 – Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.
Sự cảm thông mà Đức-Thánh-Linh đã cảm động Phao-lô để kêu gọi con dân Chúa cần phải có là sự cảm thông từ lòng qua lòng, từ kinh nghiệm của bản thân đối với hoàn cảnh của người khác, chớ không phải chỉ là lời cảm thông suông trên môi miệng không mà thôi trong khi tấm lòng thì chưa bao giờ từng trãi với nỗi đau như người khác đang phải đối diện. Chính bởi lẽ đó mà khi Đức Chúa Trời muốn xử dụng Phao-lô thì Ngài đã đem ông vào mọi hoàn cảnh khác nhau của đời sống để từ đó ông có thể cảm thông với mọi người khi thi hành chức vụ. Chính Đức Chúa Jêsus đã nêu gương mẫu đầu tiên về sự cảm thông như vậy khi Ngài giáng sinh vào trong trần gian làm người nghèo khó để tỏ bày tấm lòng cảm thông của Đức Chúa Trời với mọi nỗi niềm của con người.
Vì vậy đối với những anh chị em đang trong cảnh nghèo khó khốn đốn giữa mùa lễ Cảm tạ nầy thì tôi xin được phép khích lệ rằng Đức Chúa Trời có chương trình của Ngài khi để quý anh chị em phải ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Có thể Ngài sẽ xử dụng anh chị em để cảm thông với những người khác trong thời gian tới. Biết đâu quý anh chị em sẽ trở thành công cụ hữu ích cho công việc Chúa ngày sau vì cớ anh chị em đã được tôi luyện trong lò lửa thử thách. Bởi lẽ đó mà trong mùa lễ Cảm tạ năm nay tôi xin được hiệp một lòng cùng với quý anh chị em để tạ ơn Chúa về việc Ngài đã dùng mọi hoàn cảnh của đời sống để tôi luyện chúng ta hầu cho chúng ta có thể an ủi và cảm thông với những người khó khăn, đau bệnh, bất hạnh trong đời sống nầy, ngay cả đối với những người đang đối diện với sự chết.
Khi tôi đang đứng tại đất Hoa-kỳ nầy mà nói với quý anh chị em đang ở trong hoàn cảnh khó khăn cách như vậy thì không phải là tôi chỉ hiệp một bằng lời không mà thôi, nhưng là bằng kinh nghiệm của bản thân để chúng ta cùng tạ ơn Chúa, bởi vì chính mình tôi cũng đã từng ở trong những hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn giống như quý anh chị em đang phải đối diện. Đây là một trong những lý do mà tôi vẫn tạ ơn Chúa trong bao nhiêu năm nay, bởi vì Ngài đã cho tôi từng trãi qua những phần đời khổ đau và cả sự chết nữa để có thể cảm thông với những người khác trong đời sống nầy. Vì vậy tôi xin được tường thuật lại để quý anh chị em biết là tôi cùng cảm thông với con dân Chúa bằng lòng qua lòng, chớ không phải bằng môi miệng suông, hầu cho sự tạ ơn của chúng ta được đẹp lòng Chúa và khích lệ các anh chị em khác trong đức tin. Tôi cũng tin rằng nhiều người trong vòng quý Hội thánh cũng đã có những kinh nghiệm khó khăn và từng trãi như tôi, cho nên tôi xin phép được dùng những phần đời mà tôi đã trãi qua để làm đại diện cho hoàn cảnh chung mà nhiều con cái Chúa đã có, để chúng ta cùng hiệp chung một lòng mà tạ ơn Chúa về mọi điều mà Ngài đã cho phép xãy ra trên đời sống chúng ta.
Đối với những anh chị em nghèo thiếu khó khăn ngày hôm nay thì tôi xin được có lời an ủi rằng chúng tôi cũng đã từng chịu đói như quý anh chị em, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ vững đức tin cho đến khi được Chúa giải cứu. Sự đói khổ rồi cũng sẽ qua, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng hay thương xót con dân Ngài, vì vậy xin quý anh chị em cứ vững lòng mà theo Chúa và tạ ơn Ngài. Tôi nói điều đó một cách dạn dĩ là vì chúng tôi cũng đã từng thiếu ăn đến nỗi gầy gò và già nua trước tuổi. Chắc nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ những tháng ngày sau năm 1975, khi cả miền Nam phải chịu đói, nhất là ở tại Saigon và phải ăn độn bằng đủ thứ rau củ để đỡ lòng. Lúc đó thì gạo nấu phải đong từng lon, còn thịt cá thì mỗi tháng chỉ được mua nữa ký mà thôi, nhưng mà phải có sổ hộ khẩu mới mua được. Lúc đó đứa em của tôi mới chỉ hơn hai tuổi mà thôi, nhưng vì đói quá mà em biết lo lắm, cho nên mỗi một lần nghe tới kỳ được mua gạo hay mua thịt là em chạy đi lấy cái tờ hộ khẩu rồi ra trước cửa đứng đợi để cùng với mẹ tôi hoặc chị tôi đi mua. Buổi tối vì đói quá nên tôi không ngủ được, và khi nghe cả nhà người nầy người kia trở mình là tôi biết không phải một mình tôi mà cả nhà đều đói nên không ai ngủ được cả. Cơn đói như vậy không phải là tạm thời và ngắn ngày đâu mà kéo dài rất lâu, đến nỗi gia đình tôi đều phải bán hết tủ giường bàn ghế, chỉ giữ lại những thứ thật cần thiết mà thôi. Cha tôi là một giáo sư và là một thương gia bình thường không liên hệ cũng không làm việc với chính quyền miền Nam nhưng vẫn bị Cộng sản tịch thu hết vốn liếng cơ sở đến nỗi cha tôi buồn quá mà chết. Tôi kể lại như vậy như là câu chuyện đại diện cho nỗi khổ của hàng triệu người miền Nam sau năm 1975. Mẹ tôi lúc đó phải tảo tần nuôi năm đứa con nên bà ốm yếu, chắc chiu lại. Đó cũng là tình trạng của nhiều người phụ nữ miền Nam lúc bấy giờ. Dầu rằng cả gia đình chúng tôi đều cố gắng nhưng vẫn đói khổ. Tôi nhớ lại lúc học thi năm 12 thì mỗi ngày mỗi người trong gia đình chúng tôi chỉ có 2 chén xôi mà thôi, trưa một chén, chiều một chén, đến nỗi tôi ngồi học bài thi mà mắt cứ nổ đom đóm là vì đói quá. Đến khi trở thành sinh viên và vào nội trú rồi thì cũng còn đói. Lúc đó sinh viên chúng tôi nói vui vui với nhau là bữa ăn của sinh viên chỉ có kẽm gai và gạch thẻ mà thôi. Ấy là vì quanh năm suốt tháng trường chỉ cung cấp có canh rau muống và tờ hủ kho lĩnh lãng nước, nhìn cứ như là gạch thẻ với kẽm gai. Chắc các bạn sinh viên cùng thời với tôi đều nhớ những chuyện ấy. Vì đời sống cực khổ khó khăn như vậy, mà tôi lại là người đau bệnh quanh năm, cho nên hình chụp của tôi hơn 30 năm trước nhìn già hơn bây giờ. Đó là lời nhận xét của quý Hội thánh ở tại đây. Tôi nhớ có em tráng niên còn nói như thế nầy: Con nhìn thấy hình của mục sư hồi ba mươi năm trước mà tự nhiên con phát giùng mình nổi gai ốc hết trơn, cứ tưởng là hình của ba mục sư. Nhìn tấm hình của tôi chụp vào năm 1989 thì quý Hội thánh có thể thấy được điều đó.
Tôi xin được kể hơi nhiều một chút như vậy là để an ủi quý anh chị em đang trong hoàn cảnh khó khăn, rằng nỗi niềm của chúng ta trong những trường hợp bất như ý đều đã được Chúa biết hết rồi và khi đúng với thời kỳ thời điểm mà Chúa đã định thì Ngài sẽ đem chúng ta ra khỏi. Chẳng những thế thôi Chúa còn ban cho chúng ta nhiều ơn phước hơn nữa để bù lại với những tháng ngày chúng ta nhịn nhục chịu đựng vì danh Ngài. Đức Chúa Trời không bao giờ để cho chúng ta phải chịu thiệt thòi hoặc không có phần thưởng gì khi chúng ta lấy đức tin mà tiếp nhận mọi điều Chúa cho phép xãy ra trên đờisống mình, miễn là điều đó không phải là do sự lầm lỗi của cá nhân tự tạo ra mà thôi.
Năm tới nữa thì tôi sẽ bước vào tuổi sáu mươi và khi nhìn lại những phần đời mà tôi đã được Chúa cho phép trãi qua thì tôi nhận biết rằng ấy là vì Ngài muốn cho tôi được kinhh nghiệm để có thể cảm thông với người khác bằng tấm lòng chớ không phải bằng môi miệng suông không mà thôi. Dầu vậy thì tôi cũng biết rằng Đức Chúa Trời sẽ xử công bằng cho con dân Chúa đối với những điều mà chúng ta vì danh Ngài nhịn nhục để chịu khổ, như lời của Chúa đã có cho biết trong 2Tê-sa-lô-ni-ca 1: 6.
2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 6 – Vả, theo sự công bình của Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài sẽ lấy điều khổ báo cho những kẻ làm khổ anh em.
Nhiều người cũng từng ở trong hoàn cảnh giống như tôi thì sinh ra lòng căm thù, nhất là những người chưa tin, nhưng cũng có nhiều người cố gắng lãng quên để sống với thực tại. Nhưng riêng tôi thì tôi không thù hận cũng sẽ không bao giờ quên, vì vậy mà tôi biết điều cần phải làm cũng như biết được người cần phải tránh, và tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi trong đức tin, vì biết rằng một ngày kia tôi sẽ được nhìn xem Đức Chúa Trời phán xét loài người và phán xét cho trường hợp của tôi. Vì vậy mà tôi xin lại được một lần nữa khích lệ quý anh chị em đang chịu đựng cảnh nghèo khó trong mùa lễ năm nay rằng hãy cùng con dân Chúa khắp mọi nơi tạ ơn Ngài, vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, nhân từ và cũng là Đấng công bình nữa. Ngài sẽ phân xử và thưởng cho quý anh chị em một cách xứng đáng với đức tin nhịn nhục bấy lâu nay của mọi người.
Buổi sáng hôm nay thì tôi chỉ xin được phép cùng với quý Hội thánh ở đây bày tỏ lòng cảm thông như vừa trình bày để có thể an ủi quý anh chị em ở xa đang phải chịu hoàn cảnh nghèo khó hầu cho chúng ta được hiệp một để tạ ơn Chúa mặc dầu có thể là đang sống cách nhau nữa vòng trái đất, còn về những phần đời còn lại như việc bị đau bệnh hoặc phải đối diện với sự chết thì tôi xin được hẹn lại lần sau vì thì giờ sáng hôm nay là có hạn.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thêm sức cho con dân Chúa để chúng ta có thể vì danh vinh hiển của Ngài mà nhịn nhục chịu đựng mọi hoàn cảnh Chúa cho phép xãy ra. Cầu xin Đức Chúa Trời soi dẫn cho con dân Chúa để chúng ta biết lợi dụng mọi tình huống, mọi hoàn cảnh mà sống đúng với đường lối của Chúa để làm chứng tốt về danh Ngài cho người chưa tin. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh đem tấm lòng của mọi con dân Chúa gần lại với nhau trong lời tạ ơn để mùa lễ năm nay nhiều người có thể chứng kiến được sự vui mừng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh là như thế nào. Amen.