KINH THÁNH VÀ GIỚI HỌC GIẢ THẦN HỌC NGÀY NAY
Mặc dầu Đức Chúa Trời ban cho loài người chỉ có một quyển Kinh thánh mà thôi, nhưng lại có rất nhiều bản sao, và cũng từ đó mà có rất nhiều hệ phái khác biệt trong niềm tin về Ngài và về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy là quan điểm sai lầm của một số học giả Kinh thánh.
Sự đóng góp của các học giả vào trong kho tàng kiến thức về Kinh thánh không phải là nhỏ, nhưng sự phá hoại của họ về niềm tin Cơ-đốc cũng rất đáng kể. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các trọng điểm liên quan đến nhận xét kể trên để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể cẩn thận trong việc bảo vệ đức tin của mình đang khi theo Chúa trong trần gian nầy.
Nhờ các học giả mà chúng ta có thể biết được các chi tiết về Kinh thánh nhiều hơn, vì nghề nghiệp chuyên môn của họ là nghiên cứu tất cả các khía cạnh về Kinh thánh, nhưng nhiều người trong số họ không có đức tin đủ mạnh để công bố niềm tin trong Chúa của họ ra cho mọi người biết, ngoài ra phần lớn lại là những người không hề có chút đức tin nào hết nơi Đức Chúa Trời. Đó là điều đã được thể hiện qua các nghiên cứu và bài viết của họ về Kinh thánh.
Chúng tôi sẽ lần lượt đưa ra các chứng cứ để cho quý đọc giả có thể thấy rằng điều mà chúng tôi đang trình bày ở đây không phải phỏng đoán, hoặc bình luận vô căn cứ, hoặc chỉ nghe đồn đãi từ người nầy người kia, nhưng được xuất phát từ các nhận định rõ ràng về các bài viết của các học giả ấy khi họ cho đăng các thành quả nghiên cứu của họ trước công chúng.
IAN WERRETT
Trong bài viết ‘Thế nào mà các ký lục và truyền thống của họ đã tạo nên bản Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ’ (How Did Scribes and the Scribal Tradition Shape the Hebrew Bible), học giả Ian Werrett, chủ nhiệm ban Đời Sống Thuộc Linh của viện đại học Saint Martin tại thành phố Lacey, tiểu bang Washington, Hoa-kỳ, đã nhận định rằng bản Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã được tạo thành bởi những lời truyền miệng của người Do-thái từ xa xưa, sau đó được ghi chép, sao lục lại bởi các ký lục, là những người biết chữ trong một xã hội mà đa số người dân đều thất học. Ông cho rằng sự sao chép của họ rất không chính xác, có nghĩa là không giống từng chữ từng câu. Ông có đưa ra nhiều thí dụ làm bằng chứng về sự bất đồng trong từ ngữ được sử dụng trong các bản Kinh thánh khác nhau được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Ông cho biết thêm rằng, sau đó, khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi lưu đày tại Ba-by-lôn thì sự sao chép của các ký lục lại bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng của người Ba-by-lôn, và những điều đó đã được thêm thắt vào Kinh thánh. Mặc dầu ông không kết luận trực tiếp, nhưng trong bài viết của ông đã cho đọc giả thấy rằng bản Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ không có gì để xác định là thuần túy và được soi dẫn từ Đức Chúa Trời. Trong quan điểm của ông thì Kinh thánh chỉ là một quyển sách tôn giáo được tổng hợp bởi khẩu truyền của người xưa, được sao chép và thay đổi chi tiết tùy theo ý riêng của giới ký lục, rồi lại được thêm vào bởi các niềm tin và tín lý của các tôn giáo ngoại bang. Nói tóm lại là quyển Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ chỉ để đọc cho biết mà thôi chớ hoàn toàn không phải là lời của Đức Chúa Trời khải thị cho thế gian. Từ điểm đó người đọc có thể suy luận rằng nếu bản Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã như vậy, thì các bản Kinh thánh khác được dịch từ bản ấy cũng chẳng có gì đáng tin.
Ở đây chúng tôi không có ý muốn nói về công cuộc nghiên cứu tham khảo của ông như thế nào để rồi từ đó có bài viết trên và quan điểm như vậy. Nhưng chúng tôi muốn đề cập đến những điểm trọng yếu về thần học và niềm tin Cơ-đốc tại đây.
Khi ông nói rằng bản Kinh thánh tiếng Hê-bơ-rơ được sao chép không chuẩn xác, bị thay đổi và sữa chữa theo ý riêng của các ký lục, kế đến lại được thêm thắt các tín lý của tôn giáo ngoại bang vào, thì ông hoàn toàn không có đức tin gì về một Đức Chúa Trời quyền năng. Vì nếu các tác giả ngày nay còn có thể giữ được sự nguyên thủy của các văn phẩm của họ bằng luật bản quyền, bằng kỹ thuật in ấn và kiểm duyệt, mà Đức Chúa Trời lại không thể giữ được sự nguyên thủy của tác phẩm duy nhất mà Ngài đã ban cho thế gian để từ đó nhân loại có thể biết được sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì hóa ra quyền năng của Đức Chúa Trời không bằng nền khoa học kỹ thuật ngày nay của con người?
Nếu mà Đức Chúa Trời không thể giữ được sự nguyên thủy trong tác phẩm của Ngài, thì lấy gì để con người tin rằng Chúa sẽ có quyền năng làm cho người chết sống lại và được sự sống đời đời? Nếu Đức Chúa Trời không thể bảo tồn toàn vẹn các ý tưởng trong Kinh thánh theo chủ định của Ngài, thì lấy gì để con người có thể tin rằng Ngài là Đấng đã tạo dựng cả vũ trụ bao la nầy chỉ bằng lời phán mà thôi?
Khi ông được gọi là học giả Kinh thánh, là chủ nhiệm ban Đời Sống Tâm Linh, là giáo sự giảng dạy và đào tạo các thế hệ mục sư, truyền đạo mới để ra hầu việc Chúa trong các Hội thánh, mà lại không có đức tin chi hết, thì làm sao các sinh viên thần học được ông đào tạo thật sự có đức tin nơi Đức Chúa Trời?
Khi Kinh thánh là nguồn duy nhất để con dân Chúa xây dựng đức tin của họ cho sự sống đời đời trong tương lai, mà lại được các học giả Kinh thánh như giáo sư Werrett cho rằng không thuần túy, bị sao chép lung tung, bị ảnh hưởng bởi tín lý của các tôn giáo ngoại bang, thì còn có nguồn nào để Cơ-đốc-nhân từ đó xây dựng đức tin của họ?
Chính vì lẽ đó mà các mục sư, truyền đạo trẻ ngày nay càng ngày càng đi xa khỏi các tín lý chân thật trong Kinh thánh, bởi vì với họ Kinh thánh có gì đáng tin cậy đâu? Trái lại họ tin cậy nơi sự giải thích cũng như quan điểm của các học giả như vậy, vì ai là người dám tranh biện với các giảng sư có hai ba học vị tiến sĩ và có trình độ hàn lâm kể trên?
Cũng chính vì lẽ đó mà ngày nay, khi các Cơ-đốc-nhân bìnn thường trong Hội thánh thắc mắc về các tín lý trong Kinh thánh thì nhiều mục sư lập tức trưng dẫn rằng vị tiến sĩ nầy nói thế nầy, vị tiến sĩ kia nói thế nọ, chớ chẳng có trưng dẫn Kinh thánh bao nhiêu. Hoặc nếu có, thì cũng trưng dẫn theo quan điểm của các tiến sĩ và học giả ấy, chớ chẳng có bao nhiêu người thật sự ngồi lại để suy gẫm xem là cả quyển Kinh thánh đã phán gì về điều đó.
Nhưng ấy lại là điều mà chúng tôi vẫn thường khích lệ tôi con Chúa để thực hiện khi muốn tìm biết bất cứ một tín lý nào, một mạng lệnh nào mà Chúa đã phán: Ấy là tìm xem trong cả quyển Kinh thánh, từ tất cả các câu gốc có liên hệ, không bỏ sót một câu nào, để xem có sự mâu thuẫn hay không. Nếu có, thì đó không phải là lẽ thật. Vì cả quyển Kinh thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn nên không thể có bất cứ sự mâu thuẫn nào. Ngôn từ có thể khác biệt, nhưng ý tưởng chính trong tất cả mọi tín lý, mạng lệnh đều thống nhất với nhau. Vì thế Kinh thánh mới được gọi là Lẽ Thật của Đức Chúa Trời ban cho loài người.
Chúng ta cần phải biết rằng trong cõi vô hình, ngoài Đức Chúa Trời thì còn có Sa-tan và các quỉ sứ của nó, là những thiên sứ chống đối Đức Chúa Trời từ ban đầu. Vì vậy mà nó luôn luôn cố tình phá hỏng chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người, kể từ ngày A-đam được dựng nên. Bởi vì nó là kẻ quỉ quyệt, nên đã dùng mọi cách để phá hủy niềm tin của con dân Chúa nơi quyển Kinh thánh. Đó là nguyên nhân vì sao mà có nhiều bản sao Kinh thánh khác nhau, cũng giống như việc người Hồi giáo trộm cắp các ý tưởng trong Kinh thánh Cựu ước để viết ra kinh sách của họ và lập thành một tôn giáo chống đối con dân Chúa cho đến ngày nay.
Nếu các học giả có đức tin thì đó phải là điều mà họ công bố trước mọi người để Cơ-đốc-nhân có thể biết được vì sao có nhiều bản sao Kinh thánh như vậy. Và đó cũng là lý do mà khi nghiên cứu các bản sao ấy, chúng ta phải nghiên cứu các ý tưởng trong đó để xem biết điều nào là nguyên thủy từ chương trình của Đức Chúa Trời, chớ không phải chỉ nghiên cứu ý nghĩa của từng chữ để rồi thấy toàn mâu thuẫn, từ đó hủy phá thẩm quyền của Kinh thánh hoặc gieo mối nghi ngờ không chính đáng vào trong tâm trí của con dân Chúa, giống như các học giả đương thời đang làm.
Vì không có đức tin, hoặc chỉ có đức tin chút ít, nên mặc dầu được mệnh danh là học giả Kinh thánh, nhưng những người ấy sợ hãi dư luận của xã hội vô thần ngày nay trên thế giới, nhất là của giới thiên tả tại Hoa-kỳ, hoặc sợ ảnh hưởng đến học vị hoặc nghề nghiệp của họ, nên chỉ công bố các nghiên cứu theo cách mà thế gian đòi hỏi, là phi tôn giáo, chỉ thuần học thuật mà thôi. Nhưng việc làm như vậy chỉ gieo sự hoài nghi vào trong vòng con dân Chúa, hủy phá đức tin của các sinh viên thần học nơi quyển Kinh thánh, và nguy hiểm hơn nữa, là cung cấp vũ khí cho thế gian để có thể chỉ trích Cơ-đốc-giáo, cho rằng niềm tin của chúng ta là loại tôn giáo căn cứ trên những điều mông lung bịa đặt theo ý tưởng cá nhân của các ký lục ngày xưa.
PAUL A. HOLLOWAY