Kinh thánh hàng ngày
(Đa-ni-ên 9: 17 phần A) Cho nên bây giờ, hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi, xin đoái nghe lời khấn nguyện nài xin của kẻ tôi tớ Ngài!
Đây là lời của tiên tri Đa-ni-ên cầu nguyện với Đức Chúa Trời cho thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ của Ngài, vốn bị quân Ba-by-lôn hủy phá, được xây dựng trở lại. Ông cầu nguyện tha thiết với Chúa và ao ước được Ngài lắng nghe để sớm cho dân sự được trở về nguyên quán của họ.
Sự được Đức Chúa Trời lắng nghe mỗi khi Cơ-đốc nhân cầu nguyện là đều ao ước của tất cả các con dân Chúa, không miễn trừ một ai. Sự cầu nguyện là cố gắng thuộc linh mạnh mẽ nhất của người theo Chúa, vì như chúng ta từng kinh nghiệm, đây là công việc ngược với xác thịt và bản ngã của con người nên rất khó để thực hiện. Trong thực tế chúng ta có thể thấy rất nhiều tôi con Chúa sốt sắng làm các công tác khác, ngay cả việc không từ nan những điều khó khăn, nhọc nhằn hơn hết. Nhưng đối với sự cầu nguyện thì trong thời đại ngày nay ít có anh hùng thuộc linh trong phương diện nầy. Điều đó có nghĩa là ít có Cơ-đốc nhân chịu khó dành nhiều thì giờ để ở riêng với Chúa trong sự cầu nguyện và tương giao với Ngài.
Chính vì khó khăn như vậy nên mỗi khi Cơ-đốc nhân cầu nguyện thì chúng ta đều ao ước được Chúa lắng nghe và sớm trả lời, nhưng thông thường thì chúng ta chỉ kinh nghiệm được sự yên lặng của Đức Chúa Trời. Ngay cả những lúc Chúa trả lời cho sự cầu nguyện của con dân Chúa thì cũng là một thời gian dài sau đó, chớ ít khi xãy ra ngay lập tức.
Trong câu gốc vừa trưng dẫn ở trên thì Kinh thánh cho chúng ta thấy hai trong những yếu tố mà Đa-ni-ên đã bày tỏ để nhờ đó chúng ta biết cách thế nào để lời cầu nguyện của mình được Chúa lắng nghe. Thứ nhất là nài xin. Thông thường thì Cơ-đốc nhân chúng ta cầu nguyện với Chúa rất là qua loa, làm cho có lệ, để lương tâm khỏi cáo trách rằng mình không có cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện với tinh thần như vậy thường là hành động rất ngắn ngủi, sơ sài, không tập trung. Miệng chúng ta có thể đang cầu nguyện nhưng tinh thần thì lại đang suy nghĩ về vấn đề khác. Và thường thì Cơ-đốc nhân chỉ dành một vài phút trong ngày để cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà thôi. Sự tương giao với Chúa ngắn ngủi như vậy không thể nào bày tỏ được một tấm lòng nài xin tha thiết. Vì vậy mà lời cầu nguyện của Cơ-đốc nhân thiếu hiệu quả. Không phải là Chúa không nghe biết sự cầu nguyện của chúng ta. Ngài là Đấng biết hết mọi sự, ngay cả những tư tưởng trong đầu khi chưa bật ra thành tiếng thì Chúa cũng đã biết trước hết rồi. Nhưng khi chúng tôi dùng chữ Chúa không nghe là có ý muốn nói rằng lời cầu nguyện của Cơ-đốc nhân không đủ tha thiết để được Đức Chúa Trời ban cho.
Yếu tố thứ hai để lời cầu nguyện của Cơ-đốc nhân chúng ta được Chúa lắng nghe là việc người cầu nguyện phải có đời sống tương xứng, mà Đa-ni-ên đã dùng chữ tôi tớ trong câu gốc nầy để bày tỏ ý tưởng ấy. Theo nghĩa thông thường mà chúng ta đều có thể hiểu được, thì tôi tớ là người phải vâng phục chủ hoàn toàn, không được cãi trả. Trong cõi thuộc linh thì người tôi tớ của Đức Chúa Trời phải vâng phục càng trọn vẹn hơn nữa, vì Chủ của chúng ta là Đấng Toàn Năng. Nhưng trong thực tế đời sống thì chúng ta có thể thấy là tôi con Chúa (nhất là trong thế hệ hiện nay) thường vẫn cải trả với ý muốn và nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, không phải là chỉ trong một vài phương diện, mà là hầu hết những điều Chúa đã phán dạy. Nếu ngồi lại để đếm thì sự bất tuân nầy không có đủ giấy mực để viết ra hết. Chínnh vì hai lý do trên mà lời cầu nguyện của Cơ-đốc nhân ít khi được Chúa trả lời.
Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta thấy được yếu điểm nầy trong sự cầu nguyện để nhờ đó có thể thay đổi, để thực hiện tốt hơn, hầu sự nài xin của chúng ta được Đức Chúa Trời lắng nghe và trả lời mau chóng. Amen.