Khải huyền 17: 5
(Khải huyền 17: 5) Trên trán nó có ghi một tên, là: SỰ MẦU NHIỆM, BA-BY-LÔN LỚN, LÀ MẸ KẺ TÀ DÂM VÀ SỰ ĐÁNG GỚM GHÊ TRONG THẾ GIAN.
GHI TRÊN TRÁN
Khi Kinh thánh dùng chữ ‘được ghi trên trán’ thì điều đó có nghĩa là đặc điểm của cá nhân đó được bày tỏ rõ ràng để người khác có thể nhận biết được. Chính Kinh thánh đã cho chúng ta biết như vậy khi mô tả về mảnh thẻ vàng được buột trên trán của A-rôn:
(Xuất Ê-díp-tô ký 28: 38) Ngươi cũng hãy làm một cái thẻ bằng vàng ròng, trên đó khắc như người ta khắc con dấu, rằng: THÁNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA. Rồi lấy một sợi dây màu tím buộc thẻ đó để trên đằng trước cái mũ. Thẻ đó sẽ ở trên trán A-rôn; A-rôn gánh tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên phạm trong khi họ dâng của lễ thánh; thẻ đó sẽ ở nơi trán A-rôn luôn luôn, để dân sự được đẹp ý Đức Giê-hô-va.
Trên tấm thẻ vàng của A-rôn có ghi chữ Thánh cho Đức Giê-hô-va thì điều đó có nghĩa là chức vụ của A-rôn lúc nào cũng phải được giữ gìn sao cho thánh sạch để xứng đáng ra mắt Chúa khi tiến hành các cuộc tế lễ thờ phượng Ngài.
Cũng cùng một cách như vậy nhưng theo phương diện tương phản thì trên trán người đại dâm phụ có ghi chữ để mô tả đặc điểm của y thị. Trước khi suy nghĩ đến những chữ ấy thì chúng tôi thấy nên đề cập qua sự khác nhau giữa tấm thẻ vàng trên trán của A-rôn và hàng chữ được ghi trên trán người đại dâm phụ.
Tấm thể vàng là vật ngoại thân, được buột lên trán của A-rôn, để làm hình bóng chỉ ra rằng chính con người của A-rôn không phải lúc nào cũng thánh khiết đủ để xứng đáng trước mặt Chúa, nhưng vì chức vụ quan trọng là thầy tế lễ thượng phẩm cho cả dân sự nên A-rôn phải luôn giữ mình cho thánh sạch, và tấm thẻ vàng là vật nhắc nhở A-rôn về trách nhiệm ấy cho cá nhân ông.
Trái lại, hàng chữ trên trán của người đại dâm phụ không phải là vật ngoại thân, nhưng lại được ghi (hoặc được dịch là khắc) lên trán của người đàn bà ấy. Điều đó cho thấy rằng những đặc điểm mà lời Kinh thánh cho biết qua các chữ được ghi khắc là bản chất hiển nhiên của người phụ nữ đó.
Ngoài ra, theo như Kinh thánh cho biết và theo như lịch sữ loài người còn ghi lại thì những người tôi mọi hoặc thuộc quyền sỡ hữu của người khác thì thường bị đóng ấn trên trán. Ngay cả những kẻ phạm tội mà không bị án từ hình cũng bị khắc dấu trên trán để giúp cho mọi người nhận biết họ là kẻ như thế nào. Điều nầy đã được Kinh thánh ghi lại trong cả Cựu ước lẫn Tân ước:
(Khải huyền 7: 3) Chớ làm hại đất, biển và cây cối, cho đến chừng nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta.
(Khải huyền 14: 1) Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con và danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình.
(Khải huyền 22: 4) Chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa.
(Khải huyền 9: 4) Có lời truyền cho chúng nó chớ làm hại loài cỏ ở đất, thứ xanh và cây cối nào, nhưng chỉ làm hại những người không có ấn Đức Chúa Trời ở trên trán.
(Khải huyền 13: 16) Nó cũng khiến mọi người, nhỏ và lớn, giàu và nghèo, tự chủ và tôi mọi, đều chịu ghi dấu hoặc trên tay hữu, hoặc trên trán.
(Thi thiên 7: 16) Sự khuấy khỏa nó đã làm sẽ đổ lại trên đầu nó. Và sự hung hăng nó giáng trên trán nó.
Bây giờ thì chúng ta xem xét đến ý nghĩa của những chữ đã được ghi trên trán của người đại dâm phụ. Như điều mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên, những chữ ghi trên trán là để bày tỏ đặc điểm của kẻ ấy cho mọi người khác đều biết. Vì vậy nếu Cơ-đốc nhân không cố gắng tìm hiểu cho bằng được ý nghĩa của các chữ ấy và nhờ đó có cách thức để giữ mình thì ấy là một phần lỗi của chúng ta, vì không chú ý đến sự bày tỏ từ trước của Đức Chúa Trời.
MẦU NHIỆM
Khi Kinh thánh dùng chữ mầu nhiệm thì điều đó có nghĩa là liên quan đến những sự việc trong cõi thuộc linh, chẳng hạn như các câu gốc sau:
(1Ti-mô-thê 3: 9) Nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.
(Ê-phê-sô 6: 19) Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin lành,
Ngoài ra chữ mầu nhiệm cũng có nghĩa là không phải dễ dàng để có thể hiểu được như hiểu những điều thuộc về phương diện thể chất. Vì vậy người ta không thể dùng trí não bình thường của con người để hiểu những sự mầu nhiệm. Chỉ bởi ơn ban của Chúa thì Cơ-đốc nhân mới có thể hiểu được những sự mầu nhiệm của cõi thuộc linh:
(Ma-thi-ơ 13: 11) Ngài đáp rằng: bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước Thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.
(Khải huyền 17: 7) Thiên sứ bảo tôi rằng: Sao ngươi lấy làm lạ? Ta sẽ cắt nghĩa cho ngươi sự mầu nhiệm của người đàn bà cùng của con thú chở nó, là con thú có bảy đầu và mười sừng.
Chính vì lẽ đó các sứ đồ ngày xưa được kể như là những người thấu hiểu các lẽ mầu nhiệm của cõi thuộc linh, mà Phao-lô gọi là những người đầy tớ quản trị các sự ấy:
(1Cô-rinh-tô 4: 1) Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.
Vai trò nầy cũng phải là một trong những đặc điểm của các tôi tớ Chúa ngày nay, và cả đối với con cái Chúa nữa:
(Cô-lô-se 2: 1-2-3) Vả, tôi muốn anh em biết dường nào tôi hết sức chiến tranh cho anh em, cho những người ở Lao-đi-xê, và cho những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác, hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ, mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng.
Bởi lời của Chúa trong Kinh thánh đã phán như vậy nên Cơ-đốc nhân có thể hiểu được hình bóng về Ba-by-lôn lớn trong thời kỳ cuối cùng hầu cho chúng ta có thể đứng vững trong đức tin và không để ai lừa dối chính mình trong thời kỳ sau rốt nầy:
(Mác 13: 5) Đức Chúa Jêsus khởi phán rằng: Hãy giữ mình kẻo có ai lừa dối các ngươi chăng.
Vì vậy theo như lời Kinh thánh thì chữ mầu nhiệm được gji khắc trên trán của người đàn bà tà dâm xuất hiện trong thời kỳ cuối cùng là hình bóng về sự lừa dối thuộc linh mà ma quỉ sử dụng để dẫn dụ con dân Chúa đi sai lạc khỏi con đường chính đáng của Đấng Christ. Ngay từ thời mà sứ đồ Phao-lô còn sống thì sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đã xuất hiện rồi, như có chép trong các câu Kinh thánh sau:
(2Tê-sa-lô-ni-ca 2: 7) Vì đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi; song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi.
(2Cô-rinh-tô 11: 13) Vì mấy người như vậy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, mạo chức sứ đồ của Đấng Christ.
(2Tê-sa-lô-ni-ca 2: 3-4) Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời.
MẸ KẺ TÀ DÂM
Khi ghi thánh dùng chữ mẹ của kẻ tà dâm thì có ý muốn nói rằng Ba-by-lôn lớn và căn nguyên, là nguồi gốc mà từ đó dẫn đến việc con dân Chúa phạm tội thờ lạy thần tượng.
Chữ tà dâm ở đây không có ý nói về sự tà dâm thuộc thể, mà là muốn ngụ ý đến sự tà dâm thuộc linh, vì phía trước các chữ nầy đã có ghi là sự mầu nhiệm, tức là những vấn đề liên quan đến thuộc linh, như điều mà chúng tôi đã giải bày trong các phần trước.
Sự tà dâm thuộc linh tức là sự thờ lạy thần tượng, và tội lỗi nầy chỉ thấy xãy ra trong đời sống của những người thờ phượng Chúa, hay tưởng rằng họ đang thờ phượng Chúa.
(Ê-xê-chi-ên 6: 9) Những kẻ trong các ngươi được thoát ấy sẽ nhớ đến ta trong các nước mà chúng nó bị bắt đến, thể nào ta đã buồn rầu trong lòng, vì lòng tà dâm của chúng nó đã lìa bỏ ta, và mắt chúng nó hành dâm theo thần tượng mình. Bấy giờ chúng nó tự oán hận mình, vì cớ mọi sự dữ chúng nó đã làm bởi những việc gớm ghiếc của mình.
(Ê-xê-chi-ên 23: 37) Chúng nó đã phạm tội tà dâm, và có máu nơi tay; chúng nó đã phạm tội tà dâm với những thần tượng mình; rất đổi những con cái chúng nó đã sanh cho ta, chúng nó cũng khiến qua trên lửa đặng cho thiêu nuốt hết!
Vì vậy hình ảng người đại dâm phụ nầy được Kinh thánh dùng làm hình bóng để chỉ về một đoàn thể, hoặc một giáo hội tưởng như là đang thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng thực chất là đang thờ lạy thần tượng và dẫn dụ những con dân Chúa khác thờ lạy thần tượng giống như họ.
Lời của Chúa khẳng định rằng những kẻ phạm tội tà dâm thuộc linh như vậy, tức là thờ lạy thần tượng dưới danh nghĩa là đang thờ phượng Đức Chúa Trời, sẽ không được hưởng sự cứu rỗi:
(1Cô-rinh-tô 6: 10) Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu.
(Khải huyền 22: 15) Những loài chó, những thuật sĩ, những kẻ tà dâm, những kẻ giết người, những kẻ thờ hình tượng, và những kẻ ưa thích cùng làm sự giả dối đều ở ngoài hết thảy.
Chúng ta hãy cùng nhau xem qua một số hình thức phạm tội tà dâm thuộc linh để từ đó có thể thấy được bản chất và thói quan của Ba-by-lôn lớn là như thế nào, rồi từ đó có thể liên tưởng đến giáo hội tưởng rằng đang thờ phượng Chúa mà thực sự đang phạm tội tà dâm thuộc linh:
(Rô-ma 2: 22) Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà dâm, mà ngươi phạm tội tà dâm! Ngươi gớm ghét hình tượng mà cướp lấy đồ vật của hình tượng!
(Gia-cơ 4: 4) Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy.
(Khải huyền 2: 20-21-22) Nhưng điều ta trách ngươi, ấy là ngươi còn dung cho Giê-sa-bên, người nữ ấy xưng mình là tiên tri, dạy dỗ và phỉnh phờ tôi tớ ta, đặng rủ chúng nó phạm tà dâm, và ăn thịt cúng thần tượng. Ta đã cho nó thì giờ để ăn năn, mà nó chẳng muốn ăn năn điều tà dâm nó! Nầy, ta quăng nó trên giường đau đớn, và phàm kẻ nào phạm tội tà dâm với nó, mà không ăn năn việc làm của nó, thì ta cũng quăng vào tai nạn lớn.