HỘI THÁNH BAPTIST VÀ NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT
Niềm tin nơi Đức Chúa Trời, đặc biệt là tin nơi sự cứu rỗi qua Đức Chúa Jêsus, được chia ra làm hai nhánh chính, là Giáo hội Tin lành (Evangelical/Protestant) và Giáo hội Công giáo (Catholic).
Giáo hội Tin Lành gồm có nhiều giáo hội nhỏ khác nhau, chẳng hạn như Giáo hội Baptist, Giáo hội Tin lành Liên hiệp (CM&A, mà tại Việt Nam được gọi gồm tóm là Hội thánh Tin lành), Giáo hội Giám lý (Methodist), Giáo hội Anh quốc giáo (Anglican, mà tại Mỹ được gọi là Episcopal), Giáo hội Thanh giáo (Puritan) và nhiều giáo hội khác.
Trong tất cả các Giáo hội Tin Lành thì Giáo hội Baptist được xem là có tính độc lập và dân chủ hơn cả.
Hầu hết các Giáo hội Tin Lành đều có một tổ chức trung ương để hướng dẫn công việc tại các Hội thánh địa phương (chẳng hạn như tại Việt Nam thì Hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam có Tổng Liên Hội). Trong một cơ cấu tổ chức như vậy các Hội thánh địa phương đều phải chấp nhận sự hành quyền từ trung ương của Tổng Liên Hội.
Nhưng Giáo hội Baptist thì hoàn toàn không có một tổ chức trung ương nào để chỉ định cho Hội thánh điều cần phải làm. Mặt dầu Giáo hội Baptist có các văn phòng địa hạt (associations) hoặc liên bang (conventions) nhưng chỉ là để kết nối các Hội thánh địa phương với nhau mà thôi chớ không hề có một quyền hành nào đối với các Hội thánh Baptist trong khu vực. Công việc của Hội thánh Baptist địa phương hoàn toàn được điều hành bởi đại diện của Hội thánh và vị mục sư quản nhiệm. Mọi quyết định quan trọng đều do thành viên của chính Hội thánh đó đề nghị và thực hiện, không cần phải thông qua bất cứ một người nào khác hay là một văn phòng trung ương nào đó. Nói theo phương diện thuộc thể thì trong Hội thánh Baptist con cái Chúa thật sự là người có quyền để quyết định các hoạt động và sinh hoạt của Hội thánh mình, chớ không phải tùy thuộc vào các mục sư của một văn phòng trung ương (theo kiểu Tổng Liên Hội tại Việt Nam) hoặc ngay cả chính vị mục sư quản nhiệm của họ. Đó là tinh thần độc lập và tính dân chủ nổi bật của Giáo hội Baptist so với các giáo hội Tin Lành khác.
Tính cách dân chủ và độc lập của Giáo hội Baptist có những ưu khuyết riêng mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày tuần tự trong các phần sau.
Một trong những khuyết điểm nổi bật là việc Giáo hội Baptist thường bị lợi dụng danh tánh một cách sai lạc. Mặc dầu khuynh hướng chung của Giáo hội Baptist là không chấp nhận việc nói tiếng lạ nhưng Giáo hội Ngũ tuần và các nhóm nói tiếng lạ thường lấy tên là Hội thánh Baptist mỗi khi mở ra một điểm nhóm mới. Điều nầy đã tạo ra những nhận xét sai lầm về Giáo hội Baptist và làm cho công việc truyền giảng của Giáo hội Baptist gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi xin đơn cử một câu chuyện thực tế đã xãy ra như sau đối với một Hội thánh Baptist người Việt tại Hoa-kỳ.
Trong khu vực mà chúng tôi đang hầu việc Chúa thì có 12 Hội thánh Baptist, một Hội thánh Tin lành Liên hiệp (vẫn thường tự xưng là Tin Lành chính thống), một Hội thánh Mennonites, một Hội thánh Giám lý (Methodists) và một Hội thánh Ngũ tuần (nói tiếng lạ).
Lúc chúng tôi đi mở Hội thánh mới thì có đến gõ cửa một Hội thánh Mỹ tại Centreville để mướn phòng trống làm điểm nhóm ban đầu, nhưng bị ban chấp hành của Hội thánh ấy từ chối thẳng thừng. Cũng là Giáo hội Baptist với nhau (chỉ khác về ngôn ngữ mà thôi) nên chúng tôi lấy làm ngạc nhiên lắm. Sau một thời gian liên lạc và tìm hiểu thì đây là điều mà chúng tôi biết được từ lời tường thuật của một trong những phụ tá thư ký của Hội thánh Mỹ.
Số là tám năm trước có một mục sư người Việt đến xin Hội thánh Baptist Centreville giúp đỡ để thành lập một điểm nhóm mới cho tín đồ người Việt. Tinh thần truyền giảng của Giáo hội Baptist được kể là mạnh mẽ nhất tại Hoa-kỳ (với số lượng tín đồ đông nhất trong vòng các Giáo hội Tin Lành) nên Hội thánh Baptist Centreville lập tức đồng ý ngay. Ngoài ra họ còn ủng hộ nhiều mặt và cung lương cho vị mục sư người Việt kia để có thể hầu việc Chúa dễ dàng. Nhưng trong tám năm đó Hội thánh Centreville để ý là cứ mỗi một lần số người Việt kia nhóm lại thì họ đều đóng kín cửa, dường như không muốn có người nhìn vào. Sự nghi ngờ đó làm cho vị mục sư quản nhiệm Hội thánh Centrevill phải đặt câu hỏi với người mục sư Việt Nam về vấn đề nói tiếng lạ. Cả hai lần người mục sư ấy bảo đảm với vị mục sư Mỹ là họ giữ tinh thần Baptist thuần túy và không có vấn đề nói tiếng lạ trong giờ nhóm.
Người Mỹ thì thường không có tánh đường đột. Khi muốn nói chuyện hoặc đến thăm ai thì họ đều gọi điện thoại để cho biết trước ngày giờ. Vì vậy, trong những lần Hội thánh Centreville cử đại diện đến thăm nhóm tín hữu người Việt thì đều thấy họ nhóm bình thường như tinh thần của người Baptist.
(còn tiếp)