HỌC BIẾT VỀ ĐỨC THÁNH LINH 2

HỌC BIẾT VỀ ĐỨC THÁNH LINH 2

Kinh thánh: Công vụ 19: 1-7

Câu gốc: GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Như điều mà tôi đã thưa trình trước đây thì hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm một cách chi tiết đến câu gốc trong Giăng 16: 13 mà tôi vừa mới đọc qua khi nãy cho Hội thánh chúng ta cùng nghe. Câu gốc nầy thì chúng ta có thể chia ra làm 4 phần để dễ dàng tìm hiểu ý nghĩa của từng phần cho được chính xác. Bốn phần thứ ấy là:

1. Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến…
2. thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật…
3. vì Ngài không nói tự mình…
4. nhưng nói mọi điều mình đã nghe và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Trong phần thứ nhất thì chúng ta biết rằng đây là lời dự ngôn hoặc còn gọi là lời báo trước mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy về sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh, có nghĩa là điều sẽ xãy ra trong tuơng lai, bởi vì lúc bấy giờ Đức-Thánh-Linh còn chưa được ban xuống. Điều ấy đã được lời của Chúa xác nhận trong Giăng 7: 39.

GIĂNG 7: 39 – Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.

Theo như lời Kinh thánh trong câu gốc nầy thì sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh chỉ có thể xãy ra sau khi Đức Chúa Jêsus được vinh hiển. Như tất cả chúng ta đã biết thì sự Đức Chúa Jêsus được vinh hiển là khi Ngài từ cõi chết sống lại và thăng thiên về trời. Lúc bấy giờ thì Đức-Thánh-Linh mới được ban xuống. Cũng theo như Kinh thánh cho biết thì Đức-Thánh-Linh đã được ban xuống rồi, tức là sự giáng lâm của Ngài vào ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên, nghĩa là 50 ngày sau khi Đức Chúa Jêsus sống lại. Điều ấy cũng đã được ghi lại trong Công vụ 2: 1-4.

CÔNG VỤ 2: 1-4 – Đến ngày lễ Ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.

Sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên đã xãy ra đúng theo như lời báo trước của Đức Chúa Jêsus. Thực tế nầy là điều mà Kinh thánh đã xác nhận trong sách Công vụ các sứ đồ cũng như trong các thư tín của Phao-lô và Phi-e-rơ. Nhưng khi Cơ-đốc-nhân chỉ nhớ đến thực tế ấy mà không tìm hiểu thêm chi tiết hơn nữa về sự đến của Đức-Thánh-Linh thì đó cũng là một trong những lý do mà nhiều người không thấy được ý nghĩa chính yếu của lời Chúa trong câu gốc nầy, giống như trường hợp của em tráng niên mà tôi đã có đề cập đến trong câu chuyện tuần trước.

Nhưng sự đến của Đức-Thánh-Linh trong thời điểm đó là đến với các môn đồ và sứ đồ của Chúa, là những người đang sống. Điều đó có nghĩa là mặc dầu Đức-Thánh-Linh đã đến rồi và đã có mặt trong trần gian, nhưng chắc chắn là Ngài chưa đến với những người chưa được sanh ra. Bởi lẽ đó mà chữ đến trong Giăng 16: 13 cần phải được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là theo phương diện tổng quát, tức là Đức-Thánh-Linh đã đến trong trần gian và đã đến trong đời sống của các môn đồ và sứ đồ lúc bấy giờ. Nghĩa thứ hai là theo phương diện cá nhân, tức là Đức-Thánh-Linh đến trong từng đời sống của những người tin nhận Ngài trong các thế hệ sau đó, theo như câu gốc trong Giăng 7: 39 mà tôi đã trưng dẫn khi nãy. Trong câu gốc ấy thì lời của Chúa cho biết là người nào tin đến Đức Chúa Jêsus Christ thì sẽ nhận được Đức-Thánh-Linh. Nhưng nếu người đó chưa được sanh ra thì làm sao Đức-Thánh-Linh có thể đến trong đời sống của người đó được? Chẳng hạn như khi Đức-Thánh-Linh giáng lâm trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên thì Ngài chỉ đến với các sứ đồ và môn đồ đang sống trong thời điểm đó, tức là đang sống trong thế kỷ thứ nhất, nhưng Ngài vẫn chưa đến trong đời sống của những người mà mãi đến thế kỷ thứ 20 hoặc 21 mới được sanh ra như chúng ta đây. Bởi thế cho nên chữ đến trong Giăng 16: 13 phải được áp dụng luôn luôn trong từng thời đại, đối với từng đời sống tin nhận Ngài chớ không phải chỉ suy nghĩ về chữ ĐẾN chỉ một lần mà thôi, tức là sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên. Nếu Cơ-đốc-nhân chỉ suy nghĩ về chữ ĐẾN chỉ trong một lần mà thôi theo ý nghĩa tổng quát thì sẽ không thấy được ý nghĩa thật sự và chính yếu của câu gốc trong Giăng 16: 13. Vì vậy khi suy gẫm câu gốc nầy thì chúng ta phải chú ý về chữ ĐẾN của Đức-Thánh-Linh theo ý nghĩa cá nhân, tức là sự ngự đến của Ngài trong đời sống của những người đã cầu nguyện tin nhận Chúa.

Đến đây thì chúng ta cần phải suy gẫm đến chữ tin, bởi vì chắc chắn một điều là không phải Cơ-đốc-nhân nào cũng nhận được Đức-Thánh-Linh sau khi đã cầu nguyện tin nhận Chúa. Điều nầy là một thực tế và đã được Kinh thánh xác nhận. Trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên thì có một số Cơ-đốc-nhân, mặc dầu đã tin Chúa rồi, nhưng vẫn chưa nhận được Đức-Thánh-Linh cho đến khi họ được Phi-e-rơ và Giăng đặt tay cầu nguyện cho, như trong trường hợp của các Cơ-đốc-nhân tại Sa-ma-ri mà lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong Công vụ 8: 14-17.

CÔNG VỤ 8: 14-17 – Các sứ đồ vẫn ở tại thành Giê-ru-sa-lem, nghe tin xứ Sa-ma-ri đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, bèn sai Phi-e-rơ và Giăng đến đó. Hai người tới nơi, cầu nguyện cho các môn đồ mới, để cho được nhận lấy Đức Thánh Linh. Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên một ai trong bọn đó; họ chỉ nhân danh Đức Chúa Jêsus mà chịu phép báp-têm thôi. Phi-e-rơ và Giăng bèn đặt tay trên các môn đồ, thì đều được nhận lấy Đức Thánh Linh.

Trường hợp của họ không phải là trường hợp duy nhất mà Kinh thánh có đề cập đến trong việc tin nhận Chúa rồi mà vẫn chưa có Đức-Thánh-Linh. Một trường hợp khác là của các Cơ-đốc-nhân tại thành Ê-phê-sô. Mặc dầu các Cơ-đốc-nhân tại đấy đã tin Chúa rồi nhưng họ vẫn chưa nhận được Đức-Thánh-Linh cho đến khi chịu phép báp-têm trong danh Đức Chúa Jêsus Christ và được Phao-lô đặt tay cầu nguyện cho, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong Công vụ 19: 1-7.

CÔNG VỤ 19: 1-7 – Trong khi A-bô-lô ở thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã đi khắp những miền trên, rồi xuống thành Ê-phê-sô, gặp một vài người môn đồ ở đó. Người hỏi rằng: Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng! Trả lời rằng: Chúng tôi cũng chưa nghe có Đức Thánh Linh nào. Người lại hỏi: Vậy thì anh em đã chịu phép báp-têm nào? Trả lời rằng: Phép báp-têm của Giăng. Phao-lô bèn nói rằng: Giăng đã làm phép báp-têm về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Jêsus. Chúng nghe bấy nhiêu lời, bèn chịu phép báp-têm nhân danh Đức Chúa Jêsus. Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri. Cộng hết thảy độ mười hai người.

Trong cả hai trường hợp đó thì các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ dầu rằng đã tin Chúa rồi nhưng vẫn chưa nhận được Đức-Thánh-Linh cho đến khi được Phi-e-rơ và được Phao-lô đặt tay cầu nguyện cho. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Cơ-đốc-nhân cần phải được một người nào đó đặt tay cầu nguyện cho thì mới nhận được Đức-Thánh-Linh. Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ để cho quyền phép của Ngài bị phụ thuộc vào con người, bất kể người đó là ai. Vì vậy mà trong Kinh thánh đã cho biết rằng có những người không hề được ai đặt tay cầu nguyện cho nhưng vẫn nhận được Đức-Thánh-Linh như thường, thậm chí còn có thể nhận được Đức-Thánh-Linh một cách đầy dẫy ngay từ khi còn trong lòng mẹ, chẳng hạn như trong trường hợp của Bết-sa-lê-ên trong Xuất Ê-díp-tô ký 31: 3 và của Giăng Báp-tít trong Lu-ca 1: 15. Tôi xin đọc cả hai câu Kinh thánh ấy để quý Hội thánh cùng cùng theo dõi:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 31: 3 – Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ,

LU-CA 1: 15 – Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa, không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ.

Tất cả các trường hợp mà Kinh thánh đã cho biết về việc được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh bằng những cách khác nhau như vậy đều là để cho chúng ta biết được hai điểm căn bản quan trọng: Thứ nhất là không phải Cơ-đốc-nhân nào sau khi đã tin nhận Chúa rồi cũng nhận được Đức-Thánh-Linh, thứ hai là không cần phải đặt tay mới có Đức-Thánh-Linh. Chính Phi-e-rơ cũng đã xác nhận điều đó khi ông quở trách thuật sĩ Si-môn, như đã có tường thuật lại trong Công vụ 8: 18-20.

CÔNG VỤ 8: 18-20 – Si-môn thấy bởi các sứ đồ đặt tay lên thì có ban Đức Thánh Linh xuống, bèn lấy bạc dâng cho, mà nói rằng: Cũng hãy cho tôi quyền phép ấy, để tôi đặt tay trên ai thì nấy được nhận lấy Đức Thánh Linh. Nhưng Phi-e-rơ trả lời rằng: Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời!

Chúng ta biết là người đặt tay để cầu nguyện cho người khác được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh thì chính người đặt tay đó cũng phải được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh nữa, và sự được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh như vậy chính là điều mà thuật sĩ Si-môn muốn có để rồi sau đó đặt tay cầu nguyện cho người khác. Chúng ta cần phải biết rằng việc đặt tay cầu nguyện cho người khác để được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh không phải giống như cách truyền công lực trong các phim chưởng, tức là muốn truyền cho ai cũng được. Sự đầy dẫy Đức-Thánh-Linh là điều thuộc về ý muốn của Đức Chúa Trời và chỉ thuộc về một mình Ngài mà thôi, bởi lẽ đó mà Kinh thánh mới dùng chữ ban Đức-Thánh-Linh, nghĩa là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Đó là điều mà thuật sĩ Si-môn không hiểu được. Ngoài ra thì theo lời Kinh thánh chúng ta cũng biết rằng động cơ của lòng mong muốn được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh của thuật sĩ Si-môn cũng hoàn toàn sai cho nên Si-môn bị Phi-e-rơ từ chối và còn bị quở trách nặng nề hơn. Như vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng việc một người có nhận được Đức-Thánh-Linh hay không là tùy ở sự ban cho của Đức Chúa Trời và tùy thuộc vào việc người đó có xứng đáng hay không, chớ không phải là do được người nào đặt tay cầu nguyện cho. Trong câu chuyện đã xãy ra giữa Phi-e-rơ và thuật sĩ Si-môn thì dầu rằng Phi-e-rơ là người có thể cầu nguyện cho người khác được có Đức-Thánh-Linh nhưng khi thuật sĩ Si-môn là người không xứng đáng thì giả sử như Phi-e-rơ chịu đặt tay cầu nguyện cho thì sự cầu nguyện như vậy cũng sẽ trở nên vô ích. Đó chính là lý do mà Phi-e-rơ đã quở trách Si-môn. Bởi vì theo nguyên tắc mà Kinh thánh cho biết qua những câu gốc vừa được trưng dẫn thì chỉ có người được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh đặt tay cầu nguyện cho một người xứng đáng thì người đó mới được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh mà thôi. Thêm vào đó nữa thì chúng ta cũng cần phải biết rằng một người được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh cũng phải hết sức cẩn thận về việc mình đặt tay để cầu nguyện cho một người nào đó. Bởi vì nếu không biết rõ về người ấy thì sự đặt tay của mình cũng bị xem như là dự phần vào tội lỗi của người ấy, theo như lời Phao-lô đã khuyên dạy Ti-mô-thê và đã có chép trong 1Ti-mô-thê 5: 22.

1TI-MÔ-THÊ 5: 22 – Đừng vội vàng đặt tay trên ai, chớ hề nhúng vào tội lỗi kẻ khác. Hãy giữ mình cho thanh sạch.

Nói tóm lại việc được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh không phải là tùy thuộc vào việc có được người khác đặt tay cầu nguyện cho hay không, mà là tùy thuộc nơi sự ban cho của Chúa. Chính Đức Chúa Trời là Đấng quyết định ai là người xứng đáng để nhận được sự ban cho Đức-Thánh-Linh. Lẽ thật ấy đã được lời của Chúa xác nhận trong Hê-bơ-rơ 2: 4.

HÊ-BƠ-RƠ 2: 4 – Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó.

Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta cần phải để ý đến các chữ LẠI DÙNG SỰ BAN CHO CỦA ĐỨC THÁNH LINH MÀ NGÀi ĐÃ THEO Ý MUỐN MÌNH BAN PHÁT RA. Rõ ràng là lời của Chúa cho biết rằng việc Đức-Thánh-Linh đến trong đời sống của Cơ-đốc-nhân là do sự ban phát của Đức Chúa Trời theo ý muốn của Ngài. Bởi lẽ đó mà chúng ta hiểu rằng Cơ-đốc-nhân có nhận được Đức-Thánh-Linh hay không là tùy thuộc vào đức tin của cá nhân mình trước mặt Đức Chúa Trời, có nghĩa là người ấy có đức tin đủ và xứng đáng hay không để nhận được Đức-Thánh-Linh, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Ga-la-ti 3: 14.

GA-LA-TI 3: 14 – Hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho.

Chúng ta có thể thấy là trong câu gốc nầy thì lời Kinh thánh cho biết là Cơ-đốc-nhân phải có đức tin thật mới nhận lãnh được Đức-Thánh-Linh theo như lời của Chúa đã hứa. Và như điều mà tôi vẫn thường thưa trình cùng với quý Hội thánh trong nhiều năm qua thì không phải là tất cả mọi người đã cầu nguyện tin nhận Chúa đều là người có đức tin thật trong Ngài, chẳng hạn như trong trường hợp của vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra. Kinh thánh cho biết rằng họ đều là Cơ-đốc-nhân, đều là thành viên của Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, nhưng lại thông đồng với nhau để nói dối Đức-Thánh-Linh. Câu chuyện đó đã được ghi lại trong Công vụ các sứ đồ 5: 1-11 mà quý Hội thánh có thể đọc được trong Kinh thánh. Tôi chỉ xin đọc từ câu thứ nhất đến câu thứ 3 để quý Hội thánh có thể theo dõi:

CÔNG VỤ 5: 1-3 – Nhưng có một người tên là A-na-nia, thuận với vợ là Sa-phi-ra, bán gia sản mình, và đồng mưu với vợ, giữ lại một phần tiền giá bán; rồi mới đem phần còn lại đặt dưới chân các sứ đồ. Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó?

Rõ ràng là trong các câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã cho biết là mặc dầu cả hai người A-na-nia và Sa-phi-ra đều là thành viên của Hội thánh đầu tiên tại thành Giê-ru-sa-lem, nhưng tấm lòng của họ thì đầy dẫy Sa-tan chớ không có sự đầy dẫy Đức-Thánh-Linh. Như vậy đến đây thì chúng ta có thể biết rằng theo phương diện cá nhân thì Đức-Thánh-Linh là Thần Lẽ Thật chỉ đến trong đời sống của một Cơ-đốc-nhân khi người ấy có đức tin thật nơi Chúa. tức là có đức tin của sự vâng lời, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Công vụ 5: 32.

CÔNG VỤ 5: 32 – Còn chúng ta đây là kẻ làm chứng mọi việc đó, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài vậy.

Chúng ta có thể thấy rằng lời của Chúa ở đây đã cho biết là Đức Chúa Trời chỉ ban Đức-Thánh-Linh cho những người biết vâng lời Ngài mà thôi. Thế thì qua các phần Kinh thánh vừa được trưng dẫn và qua câu gốc nầy thì quý Hội thánh có thể hiểu được ý nghĩa chính thức của phần thứ nhất trong câu gốc Giăng 16: 13, mà tôi xin được phép kết nối như thế nầy để cho dễ hỉểu: Khi nào Thần Lẽ Thật sẽ đến trong đời sống của một người có đức tin vâng phục… Sự kết nối như vậy là dùng phần thứ nhất của Giăng 16: 13 và phần thứ hai của Công vụ 5: 32 để làm rõ nghĩa trong lời của Chúa. Như vậy đến đây thì chúng ta đã có thể hiểu được ý nghĩa và nguyên tắc trong việc được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh. Hiểu được như vậy là nhờ cách dùng lời Kinh thánh để giải thích cho Kinh thánh. Đây là phương pháp học Kinh thánh cần phải có và cũng là nguyên tắc quan trọng thứ hai trong việc suy gẫm và tìm hiểu lời của Chúa. Trước đây thì chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm đến nguyên tắc thứ nhất là không hề có sự mâu thuẫn nào hết trong lời của Chúa. Nguyên tắc ấy đã được tôi trình bày qua trong phần đầu của Chủ đề CÁC NGUYÊN TẮC CĂN BẢN TRONG KINH THÁNH. Nguyên tắc thứ hai nầy thì tôi sẽ trình bày thêm hoặc sẽ nhắc nhở trở lại trong những thì giờ chúng ta học Kinh thánh với nhau. Còn bây giờ thì chúng ta tiếp tục suy gẫm chữ ĐẾN trong Giăng 16: 13.

Để cho dễ nhớ thì tôi xin được nhắc lại như thế nầy: Đức Chúa Jêsus đã báo trước rằng Đức-Thánh-Linh là Thần Lẽ Thật sẽ đến và Ngài đã thật sự đến rồi trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên. Nhưng sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh trong ngày ấy là chỉ đến với những người đang sống và là môn đồ thật của Chúa lúc bấy giờ mà thôi. Đó là nói theo phương diện tổng quát. Còn trong phương diện cá nhân thì Đức-Thánh-Linh vẫn chưa đến đối với những người chưa được sanh ra và chưa tin nhận Chúa. Bởi lẽ đó mà chữ ĐẾN là yếu tố quan trọng để chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa trong câu gốc Giăng 16: 13. Và khi hiểu được như vậy thì chúng ta phải biết rằng chữ ĐẾN trong câu gốc nầy cần phải áp dụng vào từng trường hợp một của Cơ-đốc-nhân cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm, chớ không phải là áp dụng một cách tổng quát là Đức-Thánh-Linh đã đến rồi và bởi đó mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có Đức-Thánh-Linh. Như điều mà tôi đã từng trình bày nhiều lần với quý Hội thánh thì việc áp dụng chữ ĐẾN trong câu gốc nầy chi riêng cho sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh mà thôi thì đó mới chỉ là vấn đề thực tế của lịch sử, chớ chưa phải là nội dung chính yếu trong lời của Chúa. Nếu Cơ-đốc-nhân học Kinh thánh mà chỉ hiểu tới đó mà thôi, thì cách thức đó được gọi là học hiểu trên bề mặt của chữ chớ không phải là đào sâu để tìm hiểu nội dung chính trong lời của Đức Chúa Trời. Học hiểu theo bề mặt của chữ là lối học văn tự và sẽ dẫn đến việc hầu việc Chúa cũng theo văn tự chớ không phải là theo ý nghĩa sâu xa của Kinh thánh. Học như vậy và hầu việc Chúa như vậy chẳng giúp gì được bao nhiêu cho sự tăng trưởng đời thuộc linh của Cơ-đốc-nhân, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Ro-ma 7: 6.

RÔ-MA 7: 6 – Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự.

Hầu việc Chúa theo cách mới của Đức-Thánh-Linh là hiểu lời của Chúa sâu xa theo ý nghĩa và nội dung chính thức của từng câu gốc bằng cách dùng Kinh thánh giải thích cho Kinh thánh, tức là lời của Đức-Thánh-Linh; còn hầu việc Chúa theo cách cũ của văn tự là chỉ hiểu Kinh thánh theo bề mặt của chữ mà thôi bằng quan điểm của con người và ý tưởng của cá nhân, chẳng hạn như việc Phi-e-rơ là người duy nhất giữ chìa khóa nước Thiên đàng. Hai cách thức hầu việc Chúa khác nhau thì tôi sẽ xin trình bày cùng với quý Hội thánh trong một lần khác, còn ở đây thì chúng ta hiểu rằng sự đến của Đức-Thánh-Linh là dài hạn và được áp dụng cho từng đời sống cá nhân một, chớ không phải chỉ hiểu chữ đến theo ý nghĩa tổng quát mà thôi.

Như vậy thì Đức-Thánh-Linh đã đến với các sứ đồ, các môn đồ và Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, còn hiện nay thì Ngài cũng đã đến và đang đến với một số Cơ-đốc-nhân đang sống thong thời đại của chúng ta, là đến với những người có đức tin vâng phục, và Ngài sẽ tiếp tục đến với Cơ-đốc-nhân trong các thế hệ sau nữa cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm thì thôi.

Sau khi đã hiểu chữ ĐẾN là như vậy thì chúng ta suy gẫm thêm đến điều kiện để Đức-Thánh-Linh có thể đến trong đời sống của Cơ-đốc-nhân. Điều kiện đó thì tôi vừa mới đề cập đến khi nãy, ấy là Cơ-đốc-nhân phải có đức tin vâng phục. Nhưng đó không phải là điều kiện duy nhất. Điều kiện thứ hai để Cơ-đốc-nhân có thể được Đức-Thánh-Linh ngự đến trong đời sống mình là phải loại bỏ tánh xác thịt, như lời của Chúa đã phán dạy trong 1Cô-rinh-tô 2: 14.

1CÔ-RINH-TÔ 2: 14 – Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.

Thế thì theo như câu gốc vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể hiểu thêm được phần thứ nhất của câu gốc trong Giăng 16: 13 như thế nầy: Khi nào Thần Lẽ Thật sẽ đến trong đời sống của một người có đức tin vâng phục và biết từ bỏ bản tánh xác thịt của mình… Ý nghĩa như vậy hoàn toàn phù hợp với lời của Chúa đã được ghi lại trong Rô-ma 8: 9.

RÔ-MA 8: 9 – Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh. Song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.

Theo như ý nghĩa trong câu gốc nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng Cơ-đốc-nhân còn có tánh xác thịt thì không có Đức-Thánh-Linh và Ngài chỉ đến với những người biết cố gắng từ bỏ bản ngã của mình, tức là biết từ bỏ bản tánh xác thịt của những ngày chưa tin để bước theo Chúa. Sự từ bỏ bản tách xác thịt, hay còn gọi là từ bỏ bản ngã cách như vậy, đã được Đức Chúa Jêsus gọi là việc vác thập tự giá mà theo Ngài, như lời của Chúa đã phán và đã có ghi lại trong Lu-ca 9: 23.

LU-CA 9: 23 – Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.

Như vậy thì Cơ-đốc-nhân chỉ có thể nhận được Đức-Thánh-Linh khi biết vâng phục các mẫu mực và điều răn mà Đức Chúa Trời đã có phán dạy trong Kinh thánh và đồng thời cũng phải biết tập tành từ bỏ bản ngã và ý muốn riêng của mình mỗi ngày để sống theo ý muốn của Chúa. Một Cơ-đốc-nhân như vậy mới có thể được Đức-Thánh-Linh ngự đến trong đời sống mình.

Thế thì đến đây chúng ta đã có thể hiểu được rằng lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Đức-Thánh-Linh sẽ đến là lời Ngài đã hứa cho các môn đồ, sứ đồ khi xưa và cũng hứa cho Cơ-đốc-nhân của mọi thời đại sau đó nữa kể cả thời đại mà chúng ta đang sống hiện nay. Như vậy thì phần thứ nhất trong Giăng 16: 13 đã được chúng ta suy gẫm và tìm hiểu qua, nhưng trước khi bước sang phần thứ hai là sự nối tiếp của lời mà Đức Chúa Jêsus đã hứa rằng Đức-Thánh-Linh sẽ dẫn con dân Chúa vào mọi lẽ thật thì chúng ta cần phải suy gẫm thêm về hai điều kiện để được Đức-Thánh-Linh ngự đến trong đời sống mình, đó là sống vâng phục và biết từ bỏ mình. Mới nghe sơ qua thì hai điều kiện nầy là dễ nhớ và rất đơn giản, nhưng trong thực tế thì rất khó để thực hiện, vì vậy mà chúng ta cần phải tìm hiểu thêm và suy gẫm cẩn thận để biết được lý do vì sao mà hai điều ấy lại khó và cách thế nàp để chúng ta có thể thực hiện hầu cho thỏa mãn được điều kiện của Đức Chúa Trời trước khi nhận được sự ban cho Đức-Thánh-Linh một cách đầy dẫy từ nơi Ngài.

Vì thì giờ mỗi buổi sáng Chúa nhật cùa chúng ta là có hạn cho nên tôi xin được hẹn lại với quý Hội thánh tuần sau để cùng nhau tiếp tục suy gẫm về hai điều kiện mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Với những điều mà tôi vừa mới trình bày qua cùng với phương pháp dùng lời Kinh thánh để giải bày Kinh thánh thì trong tuần lễ nầy quý Hội thánh có thể tìm hiểu thêm về sự vâng phục và sự từ bỏ mình hầu cho khi trở lại cùng nhau suy gẫm Kinh thánh thì chúng ta có thể thấu đáo hơn nữa những điều mà Đức Chúa Trời đã có định ý dạy dỗ chúng ta trong lời của Ngài.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng trân trọng của chúng ta đối với lời của Ngài trong Kinh thánh để ban thêm cho con dân Chúa sự đầy dẫy Đức-Thánh-Linh càng hơn. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức để Cơ-đốc-nhân có thể biết thỏa mãn mọi yêu cầu của Chúa hầu cho con dân Ngài có thể bền đỗ trong đức tin cho đến cuối cùng. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh ở trong lòng chúng ta tiếp tục giải bày lời của Ngài một cách sâu nhiệm hơn nữa hầu cho con dân Chúa được học hiểu và được tăng trưởng đức tin lên mãi cho xứng đáng với Thiên đàng mai sau. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *