HÌNH BÓNG VỀ CỦA LỄ CHAY (p. 1)
Mùa Xuân là mùa đổi mới. Ðây là hiện tượng tự nhiên mà tất cả chúng ta đều biết. Mùa Xuân là lúc mà vạn vật thay đổi, hồi sinh. Vì vậy trong những ngày đầu năm mới Cơ-đốc-nhân chúng ta thường chuyện trò, nhắc nhở, khích lệ nhau về những hy vọng, những ước ao của đời sống mình cho những ngày tương lai. Kinh thánh cũng có dạy dỗ chúng ta về sự sống mới mà Ðức Chúa Trời muốn con dân Ngài cần phải có sau khi trở lại với Ngài.
Trong Kinh thánh Chúa đã dùng nhiều cách, nhiều phương pháp để dạy dỗ chúng ta. Ngài thường dùng phương pháp so sánh (mà chúng tôi đã có đề cập đến trong bài viết CUNG KÍNH TRƯỚC MẶT CHÚA) hoặc dùng các thí dụ để làm hình bóng. Khi chúng ta đọc các sách của Cựu ước và đem so sánh với những điều được Chúa dạy dỗ trong Tân ước thì sẽ thấy rằng những nghi lễ ngày xưa mà dân Y-sơ-ra-ên cần phải làm khi thờ phượng Chúa đều có ý nghĩa hình bóng cho đời sống của Cơ-đốc-nhân sau nầy. Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ để chúng ta có thể thấy được điều đó.
Trong sách Lê-vi ký đoạn 2 có ghi lại một số các nghi thức và yêu cầu mà dân Y-sơ-ra-ên cần phải làm để dâng của lễ chay cho Ðức Chúa Trời:
(Lê-vi ký 2: 11-16) Hễ của lễ chay các ngươi dâng cho Đức Giê-hô-va, thì chớ dâng với men; vì các ngươi chớ dùng men hay mật xông với của lễ chi dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Các ngươi được dâng những vật đó cho Đức Giê-hô-va như của lễ đầu mùa; nhưng chẳng nên đốt trên bàn thờ như của lễ có mùi thơm. Phải nêm muối các của lễ chay; chớ nên dâng lên thiếu muối; vì muối là dấu hiệu về sự giao ước của Đức Chúa Trời đã lập cùng ngươi; trên các lễ vật ngươi phải dâng muối. Nếu ngươi dùng hoa quả đầu mùa đặng làm của lễ chay tế Đức Giê-hô-va, thì phải bằng gié lúa rang, hột lúa mới tán ra, đổ dầu vào và thêm nhũ hương. Ấy là của lễ chay. Đoạn, thầy tế lễ lấy một phần hột tán ra với dầu và hết thảy nhũ hương mà xông làm kỷ niệm. Ấy là của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va.
Trong phần Kinh thánh trên thì chúng ta thấy có những điều bị ngăn cấm và những điều khác được yêu cầu cần phải có khi dân Y-sơ-ra-ên dâng của lễ chay cho Chúa. Một trong những điều bị ngăn cấm là men. Trong tất cả các của lễ dâng lên cho Ðức Giê-hô-va đều không được có men, chỉ riêng của lễ bằng bánh dâng đưa qua đưa lại trước mặt Ðức Chúa Trời tại bàn thờ thì mới được pha men mà thôi:
(Lê-vi ký 23: 17) Các ngươi hãy từ nhà mình đem đến hai ổ bánh đặng làm của lễ dâng đưa qua đưa lại; bánh đó làm bằng hai phần mười bột lọc hấp có pha men: ấy là của đầu mùa dâng cho Đức Giê-hô-va.
Bình thường trong sinh hoạt hằng thì người Y-sơ-ra-ên vẫn dùng men trong việc nhồi bột hấp bánh, nhưng khi dâng của lễ thì men bị cấm dùng. Ðức Chúa Trời dùng men để làm hình bóng về đạo (có khi được dùng để mô tả đạo tốt, cũng có khi được dùng để chỉ về đạo xấu) hoặc là về thói tục của dân ngoại bang, hoặc là tư tưởng, đường lối của người thế gian, để nhắc nhở con dân Ngài giữ vẹn tấm lòng của họ khi theo Chúa. Trong Tân ước Ðức Chúa Jêsus đã dùng men để làm hình bóng chỉ về đạo lý sai lầm của người Pha-ri-si:
(Ma-thi-ơ 16: 6) Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.
(Ma-thi-ơ 16: 12) Bấy giờ môn đồ mới hiểu rằng Ngài chẳng bảo giữ mình về men làm bánh, nhưng về đạo của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.
Ngài cũng dùng men để chỉ về thái độ giả hình của họ:
(Lu-ca 12: 1) Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau, Đức Chúa Jêsus mới trước hết phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình.
Ngoài ra chữ men cũng được dùng để chỉ về khuynh hướng của con người:
(Mác 8: 15) Ngài răn môn đồ rằng: Hãy giữ mình cẩn thận về men người Pha-ri-si, và men đảng Hê-rốt.
Chức năng của men là làm thay đổi tố chất trong bột và khi người ta thêm dù là một chút men thì cũng đủ làm cả đống bột dậy lên. Ðây là điều mà Ðức Chúa Jêsus đã nhắc nhở các môn đồ của Ngài khi xưa:
(Ma-thi-ơ 13: 33) Ngài lấy ví dụ khác nữa mà phán rằng: Nước thiên đàng giống như men mà người đàn bà kia lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào bột dậy cả lên.
Trong câu Kinh thánh trên thì Ðức Chúa Jêsus dùng men để làm hình bóng về đạo của Ngài hầu cho thấy rằng khi một người nào được nghe đạo, hiểu biết và vâng lời làm theo thì đời sống sẽ được thay đổi, giống như là bột nhờ men vậy. Nhưng khi chữ men được dùng để chỉ về đạo lý sai lầm, tư tưởng của thế gian thì tác dụng cũng tương tự như thế trong đời sống con người, nhưng với chiều hướng ngược lại, có nghĩa là xấu hơn, tệ hơn trước:
(1Cô-rinh-tô 5: 6-8) Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao? Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.
Ở đây lời Kinh thánh được ghi lại có đề cập đến đời sống của Cơ-đốc-nhân như là bánh không men được dâng lên cho Ðức Chúa Trời. Ðiều đó tương xứng với lễ nghi làm hình bóng trong thời Cựu ước về nghi thức dâng của lễ chay không men để có thể làm đẹp lòng Chúa. Thế cho nên ngày nay Cơ-đốc-nhân chúng ta phải có một đời sống được rửa sạch khỏi những đạo lý, những tư tưởng và quan niệm của thế gian để xứng đáng với tình yêu của Chúa. Muốn được như vậy thì chúng ta cần suy gẫm, nghiên cứu Kinh thánh cách sâu nhiệm hơn nữa, vì đó là bí quyết thanh tẩy đời sống của người theo Chúa:
(Thi thiên 119: 9) Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa.
Nếu một người trẻ với đời sống thiếu từng trãi, chưa nhơ bợn nhiều mà còn cần phải có lời của Chúa để được trong sạch thì huống chi là những anh em đã cao tuổi đời lại càng phải chuyên chú vào lời Kinh thánh nhiều hơn nữa. Ðáng tiếc là tinh thần ấy vẫn còn thiếu vắng nhiều lắm trong nếp sinh hoạt của những người lâu năm trong Chúa, vì cứ tưởng mình đã hiểu lời Chúa đủ rồi.
Theo như lễ nghi được ghi lại trong sách Lê-vi ký đoạn 2 thì trong khi men bị cấm không cho pha vào của lễ chay thì muối lại là thứ được yêu cầu cần phải có. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì chất mặn của muối là sự sống của Chúa bên trong mỗi một Cơ-đốc-nhân. Khi Ðức Chúa Jêsus phán bảo rằng tôi con của Chúa phải là muối của đất thì điều đó có nghĩa là nhờ sự sống của Ngài ở bên trong chúng ta mà Cơ-đốc-nhân có thể làm chứng cho thế gian về sự khác biệt giữa mẫu mực đạo đức của Thiên đàng và tiêu chuẩn thiện lành của con người mà bấy lâu nay họ không nhận ra.
Trước khi có Chúa làm Chủ đời sống thì chúng ta không khác gì người thế gian. Tự mỗi chúng ta không thể trở thành muối được, nhưng khi chúng ta đầu phục Ðấng Christ và mời Ngài làm Chủ đời sống mình thì bấy giờ chúng ta được Chúa kể là muối của đất:
(Ma-thi-ơ 5: 13) Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân.
Vì chất mặn của muối được kể là sự sống của Ðấng Christ nên lời Kinh thánh trong Cựu ước cho biết là giao ước mà Ðức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham để chọn dòng dõi của ông trở nên tuyển dân của Chúa mà từ đó Ðấng Christ giáng sinh vào trong thế gian là giao ước bằng muối:
(2Sữ ký 13: 5) Bởi sự giao ước bằng muối, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã ban nước Y-sơ-ra-ên cho Đa-vít và cho các con trai người đến đời đời, các ngươi há chẳng biết sao?
Như vậy khi lễ nghi trong luật pháp của thời kỳ Cựu ước đòi hỏi các của lễ dâng lên cho Ðức Giê-hô-va phải có muối thì điều đó là hình bóng để chỉ về đời sống Cơ-đốc-nhân phải thật sự có Ngài mới có thể đẹp lòng Ðức Chúa Trời:
(2Cô-rinh-tô 5: 18) Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta.
Trái lại, cũng theo lời của Chúa, thì nếu Cơ-đốc-nhân nào không có sự sống của Ðấng Christ trong chính mình, thì người đó là muối mất mặn, hoặc muối không mặn, sẽ trở nên vô dụng cho cả Ðức Chúa Trời và loài người. Nhưng làm sao biết được rằng Ðấng Christ đang ở trong đời sống mình? Có rất nhiều người tự đánh lừa chính họ và người khác khi tuyên bố rằng đã được ở trong Ðấng Christ và Ngài ở trong họ, nhưng đời sống thì hoàn toàn thiếu mẫu mực của Kinh thánh. Lời của Chúa cho biết là chúng ta có thể xác nhận được rằng Chúa có ở trong chúng ta hay không là nhờ sự bày tỏ của Ðức-Thánh-Linh:
(1Giăng 4: 13) Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta.
Có nhiều người tuyên bố rằng họ được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh vì tưởng rằng không ai có thể kiểm chứng được. Dầu vậy lời Kinh thánh đã bày tỏ rõ ràng về đặc điểm của một người được ban cho có Ðức-Thánh-Linh trong đời sống họ:
(Giăng 16: 13) Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.
Thế thì, theo như lời Kinh thánh, Cơ-đốc-nhân có Ðức-Thánh-Linh khi hiểu biết lẽ thật của Ðức Chúa Trời trong lời của Ngài và qua đó biết mình đang ở trong Ðấng Christ, có sự sống của Chúa để làm muối của đất đồng thời là của lễ đẹp lòng Ðức Giê-hô-va.
(còn tiếp)