HIỂU SAI VỀ HAI CHỮ MẤT GỐC
Có một lần về thăm Việt Nam, chúng tôi có nghe được một người tuyên bố như thế nầy: Trẻ em Việt Nam sống tại Mỹ không nói được tiếng Việt là mất gốc. Câu nói có vẻ chỉ trích rất nặng nề. Nhưng theo ý của chúng tôi thì nói như vậy là sai và thiếu suy nghĩ. Chúng tôi sẽ giải thích trong những phần sau.
Nếu cho rằng không nói được tiếng nói nguyên thủy của dân tộc là mất gốc thì có lẽ người Việt sống tại Việt Nam là mất gốc trầm trọng nhất. Vì theo như dòng lịch sữ hơn 4000 năm của dân Việt chúng ta thì người Việt có gốc gác quê quán tận bên đất Việt của nước Trung hoa. Chúng ta ngày hôm nay là người cùng dòng dõi, cùng quê hương với những nhân vật nổi tiếng trong lịch sữ thời Đông Chu liệt quốc của Trung hoa, tức là cùng quê với Việt vương Câu Tiễn, Phạm Lãi, Tây Thi. Vì một phần dân tộc Việt bỏ xứ ra đi lập nghiệp và di chuyển dần dần xuống phía Nam nên đã lập thành quốc gia mới tại vùng đồng bằng Bắc bộ ngày nay mà sau nầy có tên là Việt Nam.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải trở về với Trung quốc. Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là việc căn cứ vào tiếng nói để chỉ trích một người là mất gốc thì hoàn toàn là điều không nên làm. Sự phản đối của chúng tôi không phải bắt nguồn từ tư tưởng hoặc quan niệm riêng của cá nhân, mà là vì chính người xưa của dân Việt chúng ta cũng đã từng tuyên bố về nguyên tắc cần phải thích hợp với văn hóa địa phương của nơi mình đang sống qua câu: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Khi chúng ta đến sống tại một địa phương mới thì một trong những nguyên tắc đầu tiên mà một người muốn có thể hội nhập với văn hóa và nếp sống mới là học nói ngôn ngữ của địa phương ấy. Nếu không nói được ngôn ngữ địa phương thì làm sao có thể giao tiếp và hòa đồng với người đang sống tại đấy? Nếu cần chỉ ra một thí dụ điển hình thì chúng ta có thể thấy rằng người Hoa sống tại Việt Nam hầu như đều có thể nói tiếng Việt một cách lưu loát, thậm chí nhiều con cháu của họ không hề biết nói tiếng Hoa. Chúng tôi là một trong những thí dụ điển hình như vậy. Quê ngoại chúng tôi thuộc tỉnh Quảng Đông, nhưng sang đến thế hệ chúng tôi là thế hệ thứ ba kể từ khi ông của chúng tôi rời khỏi nơi đó, thì trong chúng tôi không ai nói được tiếng Hoa nào hết. Ấy cũng là vì chúng tôi tự xem mình là dân Việt Nam chớ không nghĩ rằng còn có chút dính dáng gì với nguồn gốc Trung Hoa cả.
Dầu vậy nói tiếng của xứ mà mình đang sống hoặc không nói được tiếng của quê hương cũ không phải là lý do để gọi là mất gốc. Nhiều người mặc dầu không nói được tiếng của quê hương nhưng tấm lòng của họ vẫn hướng về nơi đó, vốn được thể hiện qua các phong tục tập quán hoặc món ăn. Chẳng hạn như người Ý-đại-lợi tại Hoa-kỳ. Ông cha họ di dân đến đất nước nầy từ mấy thế kỷ trước, đến thế hệ của họ thì tất cả đã không còn ai nói tiếng Ý ngoại trừ những học sinh gốc Ý chọn học ngôn ngữ ấy như là ngôn ngữ thứ hai trong chương trình học của họ. Vì vậy mà tại Mỹ người ta mới gọi họ là Italian Americans. Điều tương tự như vậy cũng thấy xãy ra đối với các thế hệ sau nầy của người Nhật và người Trung Hoa đang sống tại Hoa-kỳ. Nhưng việc không nói được ngôn ngữ quê hương của ông cha họ không hề cản trở sắc thái văn hóa riêng của dân tộc, vì vậy mà tại Hoa-kỳ người ta thấy món pizza của người Ý rất được ưa chuộng, món mì vàng của người Trung hoa, hoặc món Sushi của người Nhật.
Điều đáng tiếc là người tuyên bố với chúng tôi rằng trẻ em Việt Nam ở tại Mỹ không nói được tiếng Việt là mất gốc lại là một người hầu việc Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng ông nói như vậy có hơi vội vã và không được chính xác với ý nghĩa thật sự của hai chữ mất gốc. Vì nếu cho rằng không nói được ngôn ngữ của quê hương cũ là mất gốc, thì không những người Việt đang sống tại Việt Nam mất gốc (theo như điều mà chúng tôi vừa trình bày ở trên) mà toàn cả thế giới đều mất gốc, vì đã không biết, không nhớ và không chịu tìm học ngôn ngữ của Thiên đàng, là nơi mà từ Đấng ngự tại ấy có loài người chúng ta ngày hôm nay.
Ngoài ra, nếu đã là con dân của Chúa thì chúng ta cần phải nhớ rằng loài người trên cả mặt đất nầy đều thuộc chung một dòng dõi, là hậu tự của A-đam và là anh chị em của nhau trong đại gia đình nhân loại mà Đức Chúa Trời đã dựng. Vì vậy nếu vội vã để chỉ trích rằng người nầy hoặc người kia mất gốc là điều không nên làm. Vả lại, chúng ta là con dân của Chúa cũng cần phải nên cẩn thận trong ngôn ngữ mỗi một khi muốn đoán định hoặc nhận xét về bất cứ điều gì, vì sự khôn ngoan của chúng ta phải được bày tỏ qua các ngôn từ đang sử dụng để làm chứng cho người chưa tin:
(Châm ngôn 10: 19) Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.
Kinh thánh cho biết rằng mặc dầu Đức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói của loài người, nhưng thử hỏi từ đó đến nay có bao nhiêu người thật tâm muốn tìm lại được ngôn ngữ của Thiên đàng, hoặc thật tâm hướng về nơi quê hương mà từ đó mình đã đi ra, như có chép trong thư tín Hê-bơ-rơ rằng:
(Hê-bơ-rơ 11: 15) Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại.
Cũng một thể ấy, căn cứ vào lời Kinh thánh thì sự mất gốc thật sự chỉ xãy ra khi con người không biết sống theo tiêu chuẩn thiện lành của Thượng đế, là những mẫu mực mà con người có được tận sâu trong lương tâm mình vì đã được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời:
(Rô-ma 2: 15) Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.
Thế cho nên, nếu một người biết sống cẩn thận theo các mẫu mực mà Kinh thánh đã dạy dỗ thì dẫu sống bất cứ nơi nào, dẫu có nói được ngôn ngữ của quê hương cũ về phần xác hay không, thì vẫn không thể bị xem là mất gốc được, theo như quan điểm của Kinh thánh:
(Ga-la-ti 5: 22-23) Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ; không có luật pháp nào cấm các sự đó.
Những người biết sống theo mẫu mực của Đức-Thánh-Linh như vậy là những người đang trông đợi ngày trở về quê hương vinh hiển trên trời, nơi Đấng Toàn Năng ngự trị, thì họ không thể bị xem như là người mất gốc được:
(Hê-bơ-rơ 11: 15-16) Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.
Tóm lại, hai chữ mất gốc không thể được sử dụng trong phương diện thuộc thể mà lại càng không thể sử dụng trong phương diện thuộc linh đối với những người đã ăn năn trở lại với Chúa và đang hướng lòng về quê hương tốt hơn ở trên trời. Chúng tôi hy vọng con dân Chúa hiểu được điều nầy để trong khi giao tiếp với nhau giữa các anh chị em trong và ngoài nước thì không có sự hiểu lầm hoặc chỉ trích sai trái giống như vậy.