THÁNH KINH GIẢI LUẬN / 2Sa-mu-ên 11: 3

GƯƠNG ĂN NĂN CỦA ĐA-VÍT

2SA-MU-ÊN 11: 3 – Đa-vít sai hỏi người nữ ấy là ai, thì người ta thưa rằng: Ấy là Bát-Sê-ba, con gái của Ê-li-am, vợ của U-ri, người Hê-tít.

– Đa-vít chưa từng biết gì về Bát-sê-ba trước khi ông nhìn thấy bà lúc đang tắm. Vì vậy sự phạm tội của Đa-vít không phải là cố tình, mà là vì nhất thời bị cám dỗ bởi nhan sắc tuyệt mỹ của bà.
– Sự ngoại tình cùa người ta thường bắt đầu khi họ đã biết nhau nhiều năm, cho nên đó là sự phmạ tội cố ý chớ không phải bất ngờ không có chủ định trước như trong trường hợp của vua Đa-vít.

Trong Chủ đề Con Đường Theo Chúa Của Cơ-đốc-nhân thì chúng ta đã học qua về bước thứ nhất cần phải có là phải nhận biết rằng mình có tội. Và sau khi đã tin nhận Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân còn phải nhận biết rằng con dân của Chúa không được cố tình phạm tội, vì Đức Chúa Jêsus chỉ cầu thay cho những kẻ phạm tội một cách vô tình mà thôi, còn tội phạm một cách cố ý sẽ không bao giờ được tha. Sự nhận biết như vậy là bước thứ nhất trong tiến trình theo Chúa, còn bước thứ hai mà một người đến với Chúa cần phải thực hiện, là bày tỏ tấm lòng ăn năn thật của mình trước mặt Chúa. Chỉ có sự ăn năn như vậy thì mới nhận được sự tha thứ của Ngài, còn bằng không thì người ta vẫn bị kể là kẻ có tội mặc dầu đã gia nhập vào Hội thánh và trở nên thành viên của một Hội thánh địa phương rồi. Vì vậy để chúng ta có thể biết được thế nào là sự ăn năn thật thì đây là chủ đề mà chúng ta sẽ suy gẫm cùng với nhau ngày hôm nay và trong thời gian tới.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời đã ban cho con người quyển Kinh thánh để con dân Chúa có thể dùng Kinh thánh mà học biết về Đấng Toàn Năng, về chương trình cứu chuộc của Ngài trong Đức Chúa Jêsus Christ và nhiều điều cần thiết khác nữa có liên quan đến đời sống của Cơ-đốc-nhân khi còn ở giữa thế gian nầy. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa đã dạy dỗ chúng ta rất cẩn thận về mọi khía cạnh trong đời sống, cả trong phương diện thuộc linh và thuộc thể. Vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân đọc được về câu chuyện của các nhân vật trong Kinh thánh thì chúng ta hiểu ngay lập tức rằng Đức Chúa Trời đã dùng cuộc đời của họ để làm gương mà dạy dỗ chúng ta về những điều cần phải làm và những điều cần nên tránh. Đó là một trong những lý do chính yếu mà Đức Chúa Trời đã cho ghi lại cuộc đời của họ vào trong lời của Ngài. Vì quyển Kinh thánh mà chúng ta đang có trên tay không to dày như nhiều quyển sách khác trong trần gian, cho nên chỉ có những điều thật cần thiết và quan trọng mới được cho ghi lại trong Kinh thánh hầu để con dân Chúa được học hỏi và hiểu biết thêm. Ngoài ra cũng vì quyển Kinh thánh không to dày nhưng lại dạy con người về mọi điều cần thiết cho đức tin để theo Chúa và để được cứu, cho nên Cơ-đốc-nhân mới cần phải nhờ cậy Đức-Thánh-Linh để suy gẫm Kinh thánh một cách cẩn thận, sâu xa và chi tiết thì mới có thể hiểu được những lẽ thật cao sâu mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời đã cho chứa đựng trong lời của Ngài. Nếu Cơ-đốc-nhân chỉ suy gẫm Kinh thánh theo ý nghĩa bề mặt của chữ mà thôi thì sẽ không thể nào thấu suốt hoặc thấy được điều mà Đức Chúa Trời đang dạy dỗ. Đối với các câu chuyện về cuộc đời của các nhân vật trong Kinh thánh thì cũng vậy. Chúng ta không phải chỉ đọc qua cho biết là cuộc đời của họ như thế nào và đã có chuyện gì xãy ra, nhưng mà con dân Chúa phải dò xét, suy gẫm cẩn thận thì mới thấy được những sự dạy dỗ quan trọng mà Đức Chúa Trời đã dùng họ để làm gương cho hậu thế ngày sau.

Như điều mà tôi vẫn thường thưa trình với quý Hội thánh thì không có một chủ đề nào Kinh thánh là nhỏ bé hoặc kém quan trọng. Tất cả các lẽ thật mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ trong Kinh thánh thì rất là bao quát và chi tiết hầu cho con cái Ngài có thể khôn sáng nhờ lời của Chúa và cũng nhờ đó mà Cơ-đốc-nhân có thể làm ánh sáng giữa thế giới tăm tối của trần gian nầy. Trong cùng một cách thức như vậy thì sự ăn năn là một chủ đề lớn mà Cơ-đốc-nhân cần phải dành nhiều thì giờ để suy gẫm một cách chi tiết, vì đó là một việc làm rất quan trọng để một người có thể nhận được sự tha thứ từ nơi Chúa và nhận được sự sống đời đời trong tương lai. Nhưng vì chúng ta đang cùng nhau suy gẫm qua chủ đề Con Đường Theo Chúa Của Cơ-đốc-nhân đến bước thứ hai, là sự ăn năn, cho nên tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm qua về gương ăn năn của vua Đa-vít để có thể biết một cách khái quát thế nào là sự ăn năn thật và ăn năn như thế nào để được đẹp lòng Chúa hầu từ đó có thể nhận được sự tha thứ của Ngài về những tội lỗi mà mình đã phạm. Còn về việc nghiên cứu về sự ăn năn một cách chi tiết hơn cho thật đầy đủ thì tôi xin hẹn lại quý Hội thánh trong một dịp khác.

Từ xưa đến nay thì có rất nhiều người biết về sự phạm tội của vua Đa-vít, ngay cả người chưa tin và người chống đối Cơ-đốc giáo cũng biết nữa. Tội lỗi của vua Đa-vít đã được nhắc nhở trong văn chương và các nền văn học trên cả thế giới, được phổ thành thơ, thành nhạc, được dựng thành phim, được viết thành sách và được nhắc đến ở khắp mọi nơi, không chỉ trong Hội thánh mà còn ngoài xã hội nữa, nhất là khi người ta nói đến tội ngoại tình. Đối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta đều biết rằng vua Đa-vít mặc dầu là người kính sợ Chúa và được Đức Chúa Trời yêu, nhưng ông lại phạm liên tiếp hai tội lỗi rất lớn, đó là tội tà dâm và tội giết người, hay nói một cách khác là Đa-vít vừa cướp vợ người khác mà lại còn giết luôn cả chồng của người ta nữa. Hai tội lỗi đó rất là ghê gớm và đáng trách. Vì vậy mà đã có nhiều người dùng hai tội lỗi đó của Đa-vít để chỉ trích và chê bai niềm tin trong Chúa. Chẳng những vậy thôi họ lại còn lấy cớ đó để cho rằng quyển Kinh thánh không đáng gọi là sách thánh vì đã có ghi lại những chuyện không xứng đáng.

Khi người ở trong thế gian dùng câu chuyện vua Đa-vít phạm tội để chỉ trích niềm tin trong Chúa và chỉ trích luôn cả quyển Kinh thánh thì ấy là vì họ không hiểu được rằng Đức Chúa Trời đã dùng sự phạm tội của Đa-vít để cảnh cáo con dân Chúa về sự nguy hiểm và sức mạng cám dỗ của tội tà dâm, đồng thời Chúa cũng dùng tấm gương của vua Đa-vít để dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về sự ăn năn thật, hầu cho nhờ đó con cái Chúa có thể biết được điều mình cần phải làm sau mỗi một lần phạm tội, hầu để có thể được Đức Chúa Trời tha thứ cho cho. Nhưng vì nhiều Cơ-đốc-nhân không học biết được sự dạy dỗ ấy nên đã có không ít người cứ tưởng rằng họ có thể phạm tội tà dâm và sẽ được Chúa tha thứ cho như Ngài đã tha thứ cho vua Đa-vít vậy. Thậm chí có người còn biện minh như thế nầy, rằng họ dầu có phạm tội ngoại tình nhưng vì không có phạm tội giết người nên chắc sẽ được Chúa tha thứ dễ dàng hơn. Họ lý lẽ rằng vua Đa-vít đã phạm cả hai tội mà còn được Chúa tha thứ thì huống chi là họ chỉ phạm có một tội mà thôi. Vì sự suy nghĩ như vậy mà trong vòng Cơ-đốc-nhân có nhiều người phạm tội tà dâm và tội ngoại tình, nhưng vẫn cứ cho rằng họ đã được Chúa tha thứ rồi. Chẳng những vậy thôi mà ngay cả những người quản trị và chăm sóc Hội thánh cũng giải quyết vấn đề căn cứ trên quan điểm sai lầm ấy. Bởi lẽ đó mà khi chúng ta suy gẫm đến gương ăn năn của vua Đa-vít thì chúng ta cần phải suy nghĩ trước hết đến sự phạm tội của ông.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì tội tà dâm và tội giết người của Đa-vít đều đã được Đức Chúa Trời tha thứ hết. Điều đó đã được bày tỏ ra trong 2Sa-mu-ên 12: 13.

2SA-MU-ÊN 12: 13 – Đa-vít bèn nói cùng Na-than rằng: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va. Na-than đáp cùng Đa-vít rằng: Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu.

Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy được rõ ràng rằng vua Đa-vít đã nhận biết trước mặt Chúa rằng ông là người có tội. Điều ấy phù hợp với bước thứ nhất trong tiến trình theo Chúa mà chúng ta đã học qua, tức là con dân Chúa phải nhận biết rằng mình là kẻ có tội vì cớ những sự yếu đuối lầm lỗi mà mình đã phạm một cách tình cờ sau khi đã trở thành Cơ-đốc-nhân, cũng giống như trường hợp của vua Đa-vít đã phạm tội mặc dầu đã được kể là người của Đức Chúa Trời rồi.

Ngoài ra thì qua câu Kinh thánh nầy chúng ta cũng có thể hiểu được rằng tội lỗi mà vua Đa-vít đã phạm là tội vô tình, không phải là cố ý, nên vì vậy mà ông đã được Chúa tha thứ cho. Chúng ta đều đã biết là tội phạm một cách cố ý sẽ không được tha thứ, nhưng vì Đức Chúa Trời đã xóa tội của Đa-vít nên chúng ta biết được rằng ông đã phạm tội một cách vô tình. Chúng ta cùng nhau xem xét lại các phần Kinh thánh có tường thuật về sự phạm tội của Đa-vít thì sẽ thấy được điều đó.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì Đa-vít chưa từng biết gì về bà Bát-sê-ba trước ngày ông nhìn thấy bà lúc đang tắm. Sự không quen biết nầy đã được Kinh thánh tường thuật lại trong 2Sa-mu-ên 11: 2-3.

2SA-MU-ÊN 11: 2-3 – Một buổi chiều kia, Đa-vít chỗi dậy khỏi giường mình, đi dạo chơi trên nóc đền vua, bèn thấy một người nữ đang tắm; người nữ ấy rất là lịch sự. Đa-vít sai hỏi người nữ ấy là ai, thì người ta thưa rằng: Ấy là Bát-Sê-ba, con gái của Ê-li-am, vợ của U-ri, người Hê-tít.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng rằng vua Đa-vít chẳng hề biết bà Bát-sê-ba là ai, vì vậy mà vua mới hỏi thăm quần thần về người phụ nữ đó. Như vậy là vua Đa-vít đã bị thu hút lập tức bởi sắc đẹp của bà Bát-sê-ba khi bà còn là người xa lạ đối với ông. Đây là một trong những đặc điểm đáng để ý để phân biệt sự phạm tội của vua Đa-vít với tội ngoại tình của Cơ-đốc-nhân trong thời đại ngày nay. Đối với trường hợp của vua Đa-vít thì khởi đầu sự phạm tội của ông là một sự bất ngờ không có chủ ý trước. Ông không hề biết rằng vào giờ đó bà Bát-sê-ba sẽ đi tắm, và ông cũng không nghĩ rằng nóc đền vua là vị trí tốt để ông nhìn trộm một người phụ nữ lúc đang tắm. Mọi chuyện xãy ra để bắt đầu cho sự sa ngã và phạm tội của Đa-vít đều là do tình cờ. Nhưng đối với một số Cơ-đốc-nhân thì sự phạm tội ngoại tình hay phạm tội tà dâm của họ là có chủ ý trước. Bởi lẽ đó mà sự phạm tội của vua Đa-vít là vô tình phạm tội hay còn gọi là tình cờ phạm tội, như lời của Chúa đã có ghi lại trong Ga-la-ti 6: 1 mà chúng ta đã có suy gẫm qua vào ngày Chúa nhật tuần trước. Còn sự phạm tội ngoại tình và tội tà dâm của Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ hiện đại là tội phạm một cách cố ý, nghĩa là có chủ định trước. Chúng ta cùng xem xét đến một vài thí dụ thực tế thì sẽ thấy được điều đó.

Nhưng trước khi đề cập đến các thí dụ thì xin chúng ta cùng nhau suy gẫm đến một vài điều mà Kinh thánh có bày tỏ liên quan đến ý nghĩa của sự kết hiệp vợ chồng để nhờ đó có thể biết được thế nào là tội ngoại tình và thế nào là tội tà dâm theo phương diện thuộc thể. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người thì Chúa cũng đã quyết định rằng trong tất cả mối liên hệ thuộc thể giữa con người với nhau thì sự liên hệ giữa vợ chồng là đặc biệt nhất. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã dựng nên trong cơ thể con người có một dấu tích đặc biệt để xác nhận cho mối quan hệ của vợ chồng mà trong các loài động vật khác không có. Vì vậy mà khi người nam người nữ có lần luyến ái đầu tiên thì dấu tích đó xác nhận rằng họ phải trở nên vợ chồng. Đó là luật pháp của Đức Chúa Trời dành cho cả nhân loại mà đã được bày tỏ ra trong Xuất Ê-díp-tô ký 22: 16.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 22: 16 – Nếu kẻ nào hòa dụ và nằm với một người gái đồng trinh chưa hứa gả cho ai, thì kẻ đó phải nộp tiền sính và cưới nàng làm vợ.

Như vậy theo như luật pháp mà Chúa đã định thì vì cớ người nam kia đã làm mất sự đồng trinh của nàng thì người đó bắt buột phải cưới nàng làm vợ, vì sự luyến ái như vậy là chỉ dành riêng cho vợ chồng mà thôi. Chúng ta có thể thấy được rằng luật pháp của Đức Chúa Trời về sự liên hệ thuộc thể giữa vợ chồng là rất rõ ràng, vì đã có lập lại trong Phục truyền 22: 28-29.

PHỤC TRUYỀN 22: 28-29 – Nếu một người nam gặp một con gái trẻ đồng trinh, chưa hứa gả, bắt nàng nằm cùng, mà người ta gặp tại trận, thì người nam đã nằm cùng con gái trẻ đó phải nạp cho cha nàng năm mươi siếc-lơ bạc, rồi nàng sẽ làm vợ người, bởi vì người có làm nhục nàng. Người còn sống ngày nào, thì chẳng được phép đuổi nàng đi.

Theo luật pháp và sự tạo dựng của Chúa trên cơ thể con người thì người nữ chỉ có một lần đồng trinh mà thôi, cho nên bất cứ người nam nào luyến ái với nàng lần đầu tiên thì được kể là chồng của người nữ đó cho đến suốt đời. Vì đặc điểm nầy trên cơ thể người nữ là do Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên theo chủ ý của Ngài từ ban đầu, cho nên luật pháp nầy là dành cho cả nhân loại chớ không phải chỉ cho một mình dân Y-sơ-ra-ên mà thôi. Khi nói đến đây thì chúng ta có thể biết được rằng loài người và ngay cả Cơ-đốc-nhân, đã phạm tội tà dâm và tội ngoại tình không biết bao nhiêu mà kể. Theo luật pháp của Chúa thì sự luyến ái chỉ được xãy ra giữa vợ chồng với nhau mà thôi, và mối liên hệ đó là đặc biệt, đặc biệt đến nỗi Đức Chúa Trời đã dùng nó làm hình ảnh cho sự liên hệ giữa Đấng Christ và Hội thánh của Ngài. Vì vậy mà khi loài người, nhất là Cơ-đốc-nhân, không biết tuân thủ và tôn trọng luật pháp nầy, thì những người ấy đã chọc giận Đức Chúa Trời bằng sự phạm tội của họ.

Bởi lẽ đó mà những cuộc chung sống ngoài hôn nhân giữa người nam và người nữ đều là phạm tội tà dâm hết thảy. Đặc biệt là điều đó còn đáng trách hơn nữa nếu xãy ra trong vòng Cơ-đốc-nhân. Nhiều thanh niên nam nữ Cơ-đốc đã cho biết là họ đã không nghe được bất cứ lời giải thích nào về tầm quan trọng và sự nguy hiểm của tội lỗi đó trong các Hội thánh địa phương. Có người nhận xét rằng hoặc là những người rao giảng không hiểu không biết gì về luật pháp nầy, hoặc là họ cố tình làm ngơ để che dấu tội lỗi của con cái họ hoặc của chính bản thân họ đã phạm lúc còn là thanh niên. Dầu là với lý do nào đi nữa thì tệ trạng phạm tội tà dâm như vậy đã lan tràn trong khắp các Hội thánh ở mọi nơi, từ Âu sang Á. Ngày hôm nay thậm chí có các bậc cha mẹ là Cơ-đốc-nhân còn khoe rằng con cái của họ đang sống chung ngoài hôn nhân với bạn trai hoặc bạn gái mà không hề cảm thấy hổ thẹn với luật pháp của Chúa. Khi một cặp nam nữ sống chung với nhau cách như vậy mà không có ý định đi đến hôm nhân thì tức là họ đang phạm tội tà dâm. Và nếu các bậc cha mẹ chưa hề một lần nào răn dạy hoặc ngăn cấm thì tức là họ cũng phạm tội đồng lõa trong sự gian dâm ấy. Bởi lẽ đó mà trách nhiệm của các người hầu việc Chúa là phải rao báo tội lỗi nầy cho Hội thánh mà mình đang phục vụ để mọi người được biết, hầu cho con dân Chúa, nhất là các thanh niên nam nữ biết tránh được sự chọc giận Đức Chúa Trời bởi sự luyến ái sai phạm với luật pháp của Ngài. Ngay cả sau khi các cặp thanh niên nam nữ sống chung với nhau có quyết định đi đến hôn nhân thì họ cũng đã phạm tội là đi trước quy định của Chúa trong luật pháp về vợ chồng, nhưng tội đó nhỏ hơn và có thể được Ngài tha thứ cho nếu họ chung sống với nhau suốt đời.

Việc vợ chồng phải chung sống với nhau suốt đời là yêu cầu của Đức Chúa Trời dành cho các cuộc hôn nhân, vì vậy mà luật pháp của Chúa mới cho biết rằng người chồng hoặc người vợ chỉ được phép lập gia đình lần nữa khi người phối ngẫu của mình đã qua đời, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong Rô-ma 7: 1-3.

RÔ-MA 7: 1-3 – Hỡi anh em (vì tôi nói với những kẻ biết luật pháp), vậy anh em há chẳng biết rằng luật pháp chỉ cai trị người ta khi còn sống hay sao? Cho nên, đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì luật pháp buộc phải theo chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết, thì người vợ được thoát khỏi luật pháp đã buộc mình với chồng. Vậy nếu đang lúc chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì phải bị kêu là đàn bà ngoại tình; nhưng nếu chồng chết, thì vợ được buông tha khỏi luật pháp, dầu lấy người khác cũng chẳng phải là đàn bà ngoại tình vậy.

Luật pháp của Chúa trong các câu Kinh thánh nầy áp dụng cho cả người nam và người nữ theo như nguyên tắc bình đẳng mà lời của Chúa đã bày tỏ ra trong 1Cô-rinh-tô 11: 11-12.

1CÔ-RINH-TÔ 11: 11-12 – Song trong Chúa thì chẳng phải đàn bà ngoại đàn ông, cũng chẳng phải đàn ông ngoại đàn bà; vì, như đàn bà đã ra từ đàn ông, thì đàn ông cũng sanh bởi đàn bà, và cả thảy đều ra bởi Đức Chúa Trời.

Bởi vì sự bình đẳng giữa nam và nữ là như vậy nên luật pháp của Chúa về cuộc hôn nhân giữa người nam và người nữ được bày tỏ ra trong Rô-ma 7: 1-3 là rất quan trọng để Cơ-đốc-nhân có thể thấy rằng khi con dân Chúa ly dị nhau rồi đi lập gia đình với người khác thì họ đã phạm tội ngoại tình rồi, vì người phối ngẫu của họ vẫn còn đang sống. Nhưng vấn đề nầy thì tôi sẽ xin giải bày chi tiết hơn trong Chủ đề Cơ-Đốc Nhân và Sự Ly Dị. Còn tại đây thì tôi sẽ dùng luật pháp ấy để giải thích về nguyên nhân vì sao mà vua Đa-vít đã giết U-ri, là chồng của bà Bát-sê-ba.

Khi trở lại với sự phạm tội của vua Đa-vít thì chúng ta có thể thấy rằng việc ông nhìn thấy bà Bát-sê-ba đang tắm và bị cám dỗ vì nhan sắc của bà là chuyện xãy ra hoàn toàn tình cờ, vì ông không có chủ định trước và cũng không biết bà Bát-sê-ba là ai. Nhưng sự phạm tội tà dâm và phạm tội ngoại tình của Cơ-đốc-nhân ngày nay thì hoàn toàn là có chủ định và được thực hiện trong sự cố ý. Đó là điểm rất khác nhau, nhưng nhiều người thì cứ tưởng lầm rằng dầu mình có phạm tội tà dâm nhưng cũng sẽ được tha như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho vua Đa-vít vậy. Chúng ta cùng xem xét đến một vài thí dụ thực tế của đời sống thì sẽ thấy được điều đó.

Chẳng hạn như câu chuyện của một cặp nam nữ sống chung ngoài hôn nhân. Theo như giới y khoa cho biết thì con người luôn luôn có nhu cầu về sinh lý, thậm chí ngay cả những người bị bệnh tâm thần cũng có nữa. Vì vậy mà khi con người trưởng thành thì cả thanh niên nam nữ đều có nhu cầu luyến ái về xác thịt. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa cho biết là con người cần phải có vợ có chồng để giữ như mình được quân bình trong vấn đề tâm sinh lý, như lời của Chúa đã có phán dạy trong 1Cô-rinh-tô 7: 8-9.

1CÔ-RINH-TÔ 7: 8-9 – Vậy, tôi nói với những kẻ chưa cưới gả, và kẻ góa bụa rằng ở được như tôi thì hơn. Song nếu họ chẳng thìn mình được, thì hãy cưới gả; vì thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un đốt.

Trong câu gốc nầy thì lời của Chúa cho thấy rằng những người được ơn giống như Phao-lô để sống độc thân thì không có bao nhiêu, vì đa số nhân loại trên thế giới đều có nhu cầu tâm sinh lý khi đến tuổi trưởng thành, vì vậy hôn nhân là cách giải quyết tốt đẹp nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người kể từ sau khi A-đam phạm tội. Dầu vậy vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng cho nên ơn phước được luyến ái trong hôn nhân phải gắn liền với trách nhiệm và bổn phận mà cả người vợ và người chồng đều phải gánh vác. Nhưng con người thì lại thường thích thỏa mãn tham muốn sắc dục của mình hơn là nhận lấy trách nhiệm và bổn phận đối với một gia đình, nhất là đối với con cái, vì vậy mà mới có tình trạng sống với nhau ngoài hôn nhân trong vòng thanh niên nam nữ và cả những người đã lớn tuổi rồi. Ấy là vì mối quan hệ như vậy thỏa mãn nhu cầu sinh lý của họ nhưng lại không làm nặng gánh trách nhiệm về con cái và gia đình. Bởi lẽ đó nên các con số thống kê cho thấy rằng tình trạng phá thai thì rất cao trong vòng những người sống chung ngoài hôn nhân hơn là trong vòng những người đã lập gia đình với nhau. Vì cớ những người đó đã suy tính để hưởng thụ và thỏa mãn xác thịt khi chung sống ngoài hôn nhân mà không cần phải có trách nhiệm gia đình đối với nhau và đối với con cái cho nên sự phạm tội của họ là cố ý chớ không phải vô tình như trong trường hợp của vua Đa-vít.

Nếu chúng ta xem xét đến một thí dụ khác về tội ngoại tình thì cũng sẽ thấy được sự khác biệt giữa việc Đa-vít phạm tội và tội lỗi của Cơ-đốc-nhân trong thời đại ngày nay. Thực tế cho thấy thì có rất ít trường hợp mà trong đó người ta bị thu hút và cám dỗ bởi sắc đẹp tuyệt thế như trong trường hợp của vua Đa-vít, vì chữ rất lịch sự mà Kinh thánh mô tả về bà Bát-sê-ba có ý muốn nói đến sắc đẹp hiếm có của bà. Trong thực tế thì đa số trường hợp mà người ta phạm tội ngoại tình là vì gặp gỡ nhau thường xuyên lâu ngày, như tại sở làm, hãng xưởng hoặc các mối giao tiếp bè bạn khác. Bởi lẽ đó mà dân gian mới có câu rơm gần lửa lâu ngày sẽ cháy, ý muốn nói đến việc nam nữ gặp nhau thường xuyên sẽ sinh ra tình cảm và nếu một trong hai người hoặc cả hai người đều đã có gia đình rồi thì họ sẽ bị cám dỗ để phạm tội ngoại tình. Trường hợp như vậy xãy ra nhiều lắm trong xã hội loài người, và một điều đáng buồn là trong vòng Cơ-đốc-nhân, ngay cả trong vòng những người rao giảng, cũng đã có nhiều người phạm tội đó giống như người trong thế gian. Lời của Chúa trong Kinh thánh đã khuyên dạy từ ngàn xưa về việc cần phải giữ khoảng cách an toàn giữa nam và nữ trong vòng Cơ-đốc-nhân để tránh tình trạng bị cám dỗ, và để có thể đạt được khoảng cách ấy thì con dân Chúa phải xem người khác phái như là anh chị em thật của mình trong gia đình của Đấng Christ, như lời Kinh thánh đã có dạy dỗ trong 1Ti-mô-thê 5: 1-2.

1TI-MÔ-THÊ 5: 1-2 – Chớ quở nặng người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đàn bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh sạch trọn vẹn.

Lời của Chúa đã dạy dỗ rõ ràng như vậy, nhưng trong vòng những người rao giảng vẫn còn có những câu chào mừng thường xuyên trước mặt Hội thánh chẳng hạn như kính chào quý vị. Thế thì đối với những người ấy thì những người ngồi nghe đó là ai? Là người lạ chăng? Bởi vì không có có một người em người con nào trong gia đình mà lại mời cha mẹ anh chị mình dùng cơm bằng câu nói: Xin mời quý vị dùng bữa. Chỉ có khi giận hờn thì người ta mới dùng danh từ đó đối với người nhà của mình mà thôi. Vậy mà nhiều người rao giảng vẫn dùng lời ấy để chào thăm anh chị em của họ trong đức tin, làm như những người ngồi nghe là kẻ xa lạ, chớ không phải là Cơ-đốc-nhân như mình. Hoặc giả là trong lòng họ không hề xem đó là anh chị em thật của họ trong đức tin. Bởi lẽ đó, vì cớ lời của Chúa đã dạy dỗ rõ ràng trong cách xưng hô thì trong Hội thánh của Chúa Cơ-đốc-nhân phải đối xử và xưng hô với nhau như anh chị em, chớ chẳng phải như người ngoài. Tâm lý chung cho biết là lời nói thường xuyên trên môi miệng sẽ ảnh hưởng đến quan niệm trong tinh thần, bởi lẽ đó mà người ta mới nhấn mạnh đến sự tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền là chữ được dùng để mô tả những kẻ xấu muốn đầu độc người khác, nhưng trong vòng Cơ-đốc-nhân thì đối với tâm lý ấy của con người thì chúng ta phải tập cho quen với cách xưng hô như anh chị em trong cùng một gia đình của Chúa, để nhờ đó mà không bị cám dỗ về người khác phái khi cứ gặp nhau thường xuyên mỗi một tuần lễ. Nhưng cách thức đó cũng chỉ là một trong nhiều phương pháp mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện để tránh sự cám dỗ về mọi khía cạnh, chớ không phải chỉ riêng đối với tội ngoại tình không mà thôi. Và cách tốt nhất vẫn là cầu xin Chúa thêm sức cho để chính mình được đứng vững trước sự cám dỗ. Đó là điều mà vua Đa-vít đã bỏ quên vì Kinh thánh cho biết là ông đã ngủ muộn trên giường cho đến khi gần chiều tối rồi mới trở dậy, như lời Kinh thánh đã được trưng dẫn khi nãy trong 2Sa-mu-ên 11: 2-3.

Theo như các lời mà vua Đa-vít đã viết trong các Thi thiên thì ông là người thường thức dậy rất sớm để cầu nguyện với Chúa và trong suốt cả ngày thì ông cũng thường nhiều lần đến với Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh có chép trong Thi thiên 5: 3

THI THIÊN 5: 3 – Đức Giê-hô-va ôi! Buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi; Buổi sáng tôi sẽ trình bày duyên cớ tôi trước mặt Ngài, và trông đợi.

Chẳng những Đa-vít cầu nguyện với Chúa lúc sáng sớm và trọn cả ngày mà ông vẫn thường dành thì giờ để ngợi khen Chúa và suy gẫm luật pháp của Ngài trong Kinh thánh, như lời của ông đã tự thuật lại trong Thi thiên 35: 28.

THI THIÊN 35: 28 – Vậy, lưỡi tôi sẽ thuật sự công bình Chúa, và trọn ngày ngợi khen Chúa.

Thói quen thường xuyên của vua Đa-vít là như vậy, nhưng trong ngày ông lười biếng và ngủ muộn trên giường cho đến chiều tối thì ông liền bị cám dỗ bởi sắc đẹp của bà Bát-sê-ba và từ đó đi đến chỗ phạm tội ngoại tình. Đây là bài học thuộc linh cho Cơ-đốc-nhân để chúng ta được thức tỉnh, vì một người như vua Đa-vít mà khi chểnh mãng với sự cầu nguyện và suy gẫm lời của Chúa mà còn bị cám dỗ để phạm tội ghê gớm như vậy, thì huống chi là Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta. Nhưng trong thực tế thì có nhiều Cơ-đốc-nhân không chịu sốt sắng trong sự cầu nguyện và học hỏi lời của Chúa, và vì vậy mà tự đẩy mình vào tình trạng yếu đuối rồi phạm tội, nhưng lại biện minh rằng tội của họ cũng sẽ được tha như Chúa đã tha thứ cho vua Đa-vít vậy. Đó chỉ là sự nguỵ biện để lừa dối chính cá nhân mình mà thôi. Sự phạm tội như vậy là cố tình phạm tội: Cố tình vì không chịu cầu nguyện, cố tình vì không chịu học Kinh thánh, cố tình vì biết lựa người để phạm tội ngoại tình, cố tình vì cớ cứ gần gũi thân mật mộc cách quá lố với người khác phái, cố tình vì suy tính rằng nếu mình có phạm tội thì cũng được tha như vua Đa-vít, cố tình vì nghĩ rằng người ta sẽ thông cảm, cố tình vì nghĩ rằng đây là trào lưu của xã hội, cố tình vì vẫn giữ quan điểm của thế gian là trai tài phải có năm thê bảy thiếp, cố tình vì nghĩ rằng mình có số đào hoa, cố tình vì nghĩ rằng hễ ông ăn chả thì bà ăn nem, cố tình vì muốn trả đũa người phối ngẫu, cố tình vì muốn làm cho người ta ghen tức hoặc ganh tỵ. Trong những trường hợp như vậy thì đều là sự cố tình phạm tội và không thể so sánh được với sự sa ngã của vua Đa-vít để rồi tự cho rằng mình sẽ được Đức Chúa Trời tha thứ. Sự suy nghĩ sai lầm như vậy tai hại biết là bao nhiêu. Nhưng tại đây thì xin thưa với quý Hội thánh rằng những bài học trong tấm gương về sự ăn năn của Đa-vít chưa phải là hết, nhưng vì thì giờ có hạn nên tôi xin hẹn lại với quý Hội thánh lần tới.

Câu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục nhắc nhở chúng ta bằng lời của Ngài và các tấm gương của người đi trước trong Kinh thánh hầu cho Cơ-đốc-nhân biết cẩn thận giữ mình khỏi mọi tội lỗi, nhất là tội tà dâm và tội ngoại tình. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho để con dân Chúa có thể được mạnh mẽ mà thắng hơn mọi cơn cám dỗ trên con đường theo Chúa giữa trần gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi sáng cho tấm lòng và con mắt của Cơ-đốc-nhân để con dân Chúa biết điều cần phải làm, điều cần nên tránh và thậm chí biết điều gì không cần phải nhìn xem để chúng ta có thể giữ mình khỏi sự cám dỗ cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *