GIU-ÐA ÍCH-CA-RI-ỐT GIỮ TÚI BẠC

Tất cả các Cơ-đốc-nhân, ngay cả đến người ngoại, đều biết rằng Giu-đa Ích-ca-ri-ố là kẻ phản bội Ðức Chúa Jêsus. Ngoài ra người ta cũng biết Giu-đa là người giữ túi bạc của tập thể các sứ đồ theo Ðức Chúa Jêsus (giống như là một người thủ quỹ). Dầu vậy vẫn có thắc mắc rằng không biết vai trò đó của Giu-đa có thật sự ghi trong Kinh thánh hay không. Vì vậy chúng ta sẽ cùng xem xét các phần Kinh thánh liên hệ để biết chắc hơn về việc nầy.

Kinh thánh cho biết rằng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ giữ túi bạc:

(Giăng 12: 6) Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong.

Có vài người cho rằng túi bạc nầy là của riêng Giu-đa, vì Ðức Chúa Jêsus, trước đêm mà Ngài chịu thương khó, đã từng phán rằng ai có túi bạc thì phải đem theo mình phòng thân vì thời kỳ bắt bớ người theo Ngài đã bắt đầu, khởi từ Ngài trở đi:

(Lu-ca 22: 36) Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua.

Những người nầy cho rằng thời bấy giờ ai cũng có túi bạc, và việc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt giữ túi bạc thì đó là tài sản riêng của ông. Nhưng cách suy diễn như vậy không phù hợp với lời Kinh thánh, vì như trong câu gốc vừa trưng dẫn ở trên (Giăng 12: 6) thì nếu túi bạc mà Giu-đa đang giữ là của riêng ông, thì Kinh thánh không thể dùng chữ trộm cắp để mô tả việc Giu-đa lấy tiền từ bên trong túi ấy. Nếu là tài sản của Giu-đa thì ông có quyền tiêu xài như thế nào tùy ý, đâu cần phải trộm cắp của chính mình.

Có người lại cho rằng túi bạc mà Giu-đa Ích-ca-ri-ốt giữ là túi bạc của người khác (căn cứ theo chữ người ta trong Giăng 12: 6), không phải là tài sản riêng của Giu-đa, mà cũng không phải là túi bạc của đoàn sứ đồ theo Ðức Chúa Jêsus.

Sự lập luận như vậy không có đủ lý lẽ để đứng vững. Chúng ta thử đặt những câu hỏi thế nầy để xem xét vấn đề: Nếu túi bạc đó không phải là ngân quỹ của đoàn sứ đồ thì là của ai? Kinh thánh không hề cho biết gì về nghề nghiệp đời thường của Giu-đa thì làm sao trả lời câu hỏi nầy? Nhưng nếu Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã đi theo Ðức Chúa Jêsus và được chính Ngài lựa chọn làm sứ đồ, tức là một trong mười hai người thân cận nhất trong chức vụ của Chúa và theo Ngài đi khắp mọi nơi, thì tại sao Giu-đa lại nhận phận sự giữ túi bạc cho người nào đó, nhóm nào đó mà không phải là sứ đồ? Giu-đa đi theo Ðức Chúa Jêsus từ nơi nầy sang nơi khác, và nếu ông giữ túi bạc của ai đó, thì đến lúc cần làm sao họ có thể gặp để mà lấy tiền ra sử dụng? Chẳng lẽ có một ai đó gởi túi bạc cho Giu-đa rồi đi theo ông mỗi ngày để khi cần có thể lấy được ngay? Vậy thì tại sao người đó không tự giữ lấy túi bạc của mình mà lại giao cho Giu-đa giữ giùm làm gì? Như vậy chúng ta có thể thấy được rằng nếu túi bạc mà Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đang giữ không phải là của đoàn sứ đồ thì lập tức lời Kinh thánh sẽ tạo nên nhiều thắc mắc và rối loạn mà không có cách chi giải thích được.

Nhưng lại có một lập luận khác nói rằng túi bạc đó không phải là tiền của đoàn sứ đồ đi theo Ðức Chúa Jêsus. Lập luận nầy căn cứ trên câu gốc có chép trong Ma-thi-ơ 10: 9 khi Ðức Chúa Jêsus sai các sứ đồ và môn đồ đi giảng đạo trong các thành của dân Y-sơ-ra-ên:

(Ma-thi-ơ 10: 9) Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi. (Sự sai đi nầy cũng được ghi lại trong Mác 6 và Lu-ca 10)

Căn cứ vào câu Kinh thánh trên có người nói rằng lúc bấy giờ Ðức Chúa Jêsus và các sứ đồ không hề có tiền bạc hoặc ngân quỹ gì cả, cho nên túi tiền mà Giu-đa giữ không phải là của đoàn sứ đồ.

Nhưng nếu chỉ căn cứ vào có một câu Kinh thánh nầy để tuyên bố như vậy thì lập luận trên cũng không có đủ chứng cớ để đứng vững. Thứ nhất, khi Ðức Chúa Jêsus phán bảo các sứ đồ và môn đồ đừng đem tiền bạc theo lúc đi giảng đạo thì đây chỉ là lệnh truyền ngắn hạn, nhằm giúp các môn đồ học tập để có thể tự làm chứng sau nầy, tức là sau khi Chúa đã thăng thiên. Chúng ta nên để ý là Ðức Chúa Jêsus sai họ đi ra từng đôi và Ngài không đi theo họ. Trước đây các sứ đồ và môn đồ chưa từng làm việc nầy vì chưa biết đạo Tin lành của Ðức Chúa Jêsus. Nay đã biết và đã theo Chúa một thời gian thì họ cần phải thử làm công việc chứng đạo mà họ mới học biết từ Ngài.

Chính vì vậy mà cũng trong đoạn 6 sách Mác và đoạn 10 sách Lu-ca cũng có ghi lại việc các môn đồ trở về và vui mừng báo cáo công việc mà họ mới vừa thử làm đó.

(Lu-ca 10: 17) Bảy mươi môn đồ trở về cách vui vẻ, thưa rằng: Lạy Chúa, vì danh Chúa, các quỉ cũng phục chúng tôi.

Thứ hai, khi chúng ta xem xét đến câu chuyện Ðức Chúa Jêsus hóa bánh ra nhiều cho đoàn dân đông thì sẽ thấy lập luận rằng đoàn sứ đồ không có túi bạc chung (giao cho Giu-đa giữ) không đủ chứng cớ để thuyết phục. Trong đoạn thứ 6 của sách Mác, khi đoàn dân đông nghe Chúa giảng dạy đến chiều tối thì các sứ đồ có đề nghị với Chúa là cho dân chúng đi vào các làng mạc chung quanh để mua đồ ăn, nhưng Ðức Chúa Jêsus lại bảo rằng chính các môn đồ phải lo miếng ăn cho họ. Nhưng các sứ đồ ngạc nhiên về lời phán nầy, và vì thấy đoàn dân quá đông nên đã hỏi Ðức Chúa Jêsus rằng phải chi trả bao nhiêu tiền mới đủ cho họ:

(Mác 6: 37) Ngài đáp rằng: Chính các ngươi phải cho họ ăn. Môn đồ thưa rằng: Chúng tôi sẽ đi mua đến hai trăm đơ-ni-ê bánh để cho họ ăn hay sao?

Chúng ta để ý câu hỏi của các môn đồ. Nếu họ không có ngân quỹ hoặc tiền bạc gì hết thì chắc họ sẽ hỏi rằng ‘làm sao kiếm đâu ra đủ bánh cho đoàn dân đông thế kia?’. Nhưng trái lại họ đưa ra mức độ tiền bạc cần phải chi trả để mua đủ thức ăn cho dân chúng. Như vậy có nghĩa rằng đoàn sứ đồ có túi tiền chung và bởi thế họ mới thắc mắc như trên.

Ðể minh chứng thêm cho yếu tố nầy, Kinh thánh đã có ghi lại về việc Ðức Chúa Jêsus và môn đồ sử dụng tiền bạc cho các nhu cầu hằng ngày:

(Giăng 4: 8) Vì môn đồ Ngài đã đi ra phố đặng mua đồ ăn.

Chính Ðức Chúa Jêsus cũng đã từng hỏi Phi-líp về việc dùng tiền bạc để mua đồ ăn cho đoàn dân đông:

(Giăng 6: 5) Đức Chúa Jêsus ngước mắt lên, thấy một đoàn dân đông đến cùng mình, bèn phán với Phi-líp rằng: Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?

Bởi lẽ đó nên khi Ðức Chúa Jêsus phán trước về việc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt sẽ phản Ngài thì các môn đồ lại tưởng Chúa bảo Giu-đa xuất tiền để mua vật dụng chuẩn bị cho ngày lễ hoặc xuất tiền để bố thí kẻ nghèo:

(Giăng 13: 29) Có kẻ tưởng rằng tại Giu-đa có túi bạc, nên Đức Chúa Jêsus biểu người: Hãy mua đồ chúng ta cần dùng về kỳ lễ; hay là: Hãy bố thí cho kẻ nghèo.

Theo như câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên, nếu túi bạc đó là của Giu-đa hoặc là ông giữ cho một người nào khác thì làm sao Ðức Chúa Jêsus lại có thể sai bảo ông chi xuất cho Ngài và cho các môn đồ khác được?

Vì vậy theo như lời Kinh thánh trong các sách Tin lành thì chúng ta có thể hiểu được rằng chữ người ta trong Giăng 12: 6 có nghĩa là tiền đó không phải của Giu-đa, để xác định rằng ông chỉ là người giữ mà thôi. Hoặc chính Giu-đa cũng có dâng tiền vào quỹ ấy, nhưng vì là tiền đã dâng nên cũng không thể xem đó là tiền riêng của Giu-đa. Chữ người ta được bảng Kinh thánh (tiếng Việt) sử dụng để diễn tả hành động (người nầy, người khác dâng tiền vào) chớ không phải dùng để xác định quyền sở hữu (rằng túi bạc là của người nào đó).

Chúng ta có thể so sánh với các bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Anh để thấy được điểm nầy rõ ràng hơn:

(John 12: 6) This he said, not that he cared for the poor, but because he was a thief, and had the money box; and he used to take what was put in it. (Bảng New King James)

(John 12: 6) He did not say this because he cared about the poor but because he was a thief; as keeper of the money bag, he used to help himself to what was put into it. (Bảng New International)

Vì vậy khi muốn giải thích bất cứ một vấn đề nào trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân chúng ta phải cẩn thận xem xét và so sánh hết tất cả những câu có đề cập đến vấn đề ấy, chớ không phải chỉ trưng dẫn hoặc căn cứ trên một vài câu mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *