GIÁO HỘI NGHỊ TẠI THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

GIÁO HỘI NGHỊ TẠI THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

(Bài nầy được viết theo lời yêu cầu của một số anh chị em và cũng được dùng để làm thí dụ về việc đọc Kinh thánh và nghiên cứu Kinh thánh)

Giáo hội tại thành Giê-ru-sa-lem được tổ chức nhằm phân xử sự tranh cãi giữa Phao-lô và các Cơ-đốc-nhân mới tin đạo thuộc trong dân Giu-đa (Công vụ 15: 1), có mấy người trong số họ thuộc về dòng Pha-ri-si (Công vụ 15: 5). Vấn đề chính yếu là vì sự giảng dạy của Phao-lô không nhấn mạnh đến sự cắt bì (Ga-la-ti 6: 15), trong khi đó thì những Cơ-đốc-nhân gốc Giu-đa và Pha-ri-si lại cho rằng ai nấy phải chịu cắt bì mới được cứu (Công vụ 15: 1, 5). Ngoài ra hội nghị còn thảo luận về những điều khác nữa, là việc thờ cúng thần tượng, tội tà dâm, việc ăn thú vật chết ngột và ăn huyết. Nhưng trước hết thì chúng ta xem xét về vấn đề phép cắt bì rồi sẽ đến những vấn đề kia.

Theo như luật pháp của Chúa đã cho biết thì phép cắt bì rất quan trọng, vì là giao ước đời đời giữa Đức Giê-hô-va và những người thuộc về Ngài (Sáng thế ký 17: 13). Vì vậy mà nếu một người không chịu phép cắt bì thì không thuộc về tuyển dân của Chúa (Sáng thế ký 17: 14). Chính Đức Chúa Jêsus cũng chịu phép cắt bì sau khi Ngài giáng sinh vào trong trần gian (Lu-ca 2: 21). Ngày xưa, vì Môi-se chậm trễ trong việc cắt bì cho hai con trai của ông mà Đức Chúa Trời muốn giết Môi-se đi (Xuất Ê-díp-tô 4: 24-26). Khi dân Y-sơ-ra-ên vào trong Đất Hứa thì Đức Chúa Trời cũng đã ra lệnh cho Giô-suê phải làm phép cắt bì lần thứ hai cho cả dân sự, để chắc chắn rằng không có ai bị bỏ sót mà không giữ luật pháp nầy về giao ước giữa Đức Chúa Trời và tuyển dân của Ngài (Giô-suê 5: 2-5).

Nhưng đối với Phao-lô, là người cũng đã chịu phép cắt bì (Phi-líp 3: 5), thì sự tái sanh là quan trọng hơn (Ga-la-ti 6: 15). Vì vậy mà ông không nhấn mạnh đến việc phải làm phép cắt bì cho những người ngoại mới trở lại tin Chúa (1Cô-rinh-tô 7: 19). Thậm chi ông còn giảng dạy rằng một người chịu phép cắt bì mà không có đời sống đổi mới theo tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời thì đó chỉ là sự giả hình mà thôi (Ga-la-ti 6: 12-13). Phao-lô đã lên án nặng nề những kẻ như vậy, là những người chỉ giữ luật pháp bề ngoài mà không có sự đổi mới bên trong đời sống họ (Phi-líp 3: 2, Tít 1: 10).

Việc Phao-lô là một người đầy dẫy Đức-Thánh-Linh thì ai cũng biết, nhưng sự giảng dạy của ông thì khác với luật pháp thời Cựu ước nhiều lắm (Cô-lô-se 3: 11), vì vậy mà có sự tranh cãi dữ dội giữa ông và những Cơ-đốc-nhân gốc dân Giu-đa, nhất là những người Pha-ri-si đã trở lại tin Chúa.

Khi đọc Kinh thánh thì chúng ta có thể nhận thấy rằng sự giảng dạy của Phao-lô về sự cứu rỗi và về phép cắt bì đều thống nhất từ đầu đến cuối trong các thư tín của ông gởi cho các Hội thánh (Rô-ma 2: 25, 1Cô-rinh-tô 7: 19, Ga-la-ti 5: 6) và không có một sự phản đối nào trong vòng các Hội thánh của những người ngoại đã trở về với Chúa. Sự tranh cãi về phép cắt bì chỉ xãy ra tại những Hội thánh có người Giu-đa, nhất là có những Cơ-đốc-nhân dòng Pha-ri-si mà thôi.

Điều ấy đã được ghi lại trong Công vụ 15: 1 khi Kinh thánh cho biết rằng sự tranh cãi như vậy chỉ xãy ra khi có những người từ xứ Giu-đê đến. Như thế thì trước khi họ đến không hề có sự phản đối nào về việc Phao-lô giảng dạy rằng Cơ-đốc-nhân từ trong vòng người ngoại không cần phải chịu phép cắt bì, ngay cả những người đã được kêu gọi vào các chức vụ để hầu việc Chúa (1Cô-rinh-tô 7: 18).

Cũng một thể ấy nếu những Cơ-đốc-nhân gốc Giu-đa không đến thì chắc rằng cũng sẽ không có sự tranh cãi về vấn đề ăn huyết, vì đó là một trong những điều mà giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem đã ra quyết định. Đối với tuyển dân của Chúa, dầu là người gốc Giu-đa hay là dân ngoại trở lại tin Chúa, thì vấn đề không được thờ lạy thần tượng và không được phạm tội tà dâm là hoàn toàn tuyệt đối. Hai vấn đề nầy đã được Phao-lô giảng dạy rõ ràng cho những Cơ-đốc-nhân gốc ngoại bang (1Cô-rinh-tô 6: 10, Cô-lô-se 3: 5).

Về vấn đề ăn huyết thì trong các thư tín của Phao-lô không hề đề cập đến. Trái lại Phao-lô giảng dạy rằng Cơ-đốc-nhân được ăn uống tự do, miễn là không ăn của cúng thần tượng thì thôi (1Cô-rinh-tô 10: 20). Phao-lô thậm chí còn từng răn bảo các Cơ-đốc-nhân rằng đừng đoán xét người khác về vấn đề ăn uống (Cô-lô-se 2: 16). Đối với Phao-lô thì việc ăn của cúng liên quan đến lương tâm và đức tin yếu kém của người khác (1Cô-rinh-tô 8: 7). Nhưng đối với việc ăn uống một cách tổng quát thì ông không hề ngăn cấm gì hết (1Cô-rinh-tô 10: 25, 27). Phao-lô cho đó là vấn đề không quan trọng (Rô-ma 14: 17), nhưng chỉ có các Cơ-đốc-nhân gốc Giu-đa và dòng Pha-ri-si mới xem việc ăn huyết là quan trọng mà thôi. Ấy bởi lẽ đó mà giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem đã phải đề cập đến vấn đề ăn huyết.

Để có thể hiểu thêm về vấn đề nầy thì chúng ta cần xem lại câu chuyện đã xãy ra giữa Phao-lô và Phi-e-rơ mà trong đó Phao-lô đã gọi Phi-e-rơ là kẻ giả hình, vốn có chép trong Ga-la-ti 2: 11-14. Chữ Sê-pha mà Phao-lô dùng ở đây là tên do Đức Chúa Jêsus đặt cho Phi-e-rơ (Giăng 1: 42). Phao-lô gọi Sê-pha (hay Phi-e-rơ) là cột trụ vì tại giáo hội nghị ở thành Giê-ru-sa-lem thì chỉ có Phi-e-rơ và Gia-cơ là có tiếng nói quan trọng nhất (Ga-la-ri 2: 9, Công vụ 15: 7, 13-21).

Theo như lời Kinh thánh đã ghi lại thì sự giả hình của Phi-e-rơ liên quan đến vấn đề ăn uống. Ông vẫn thường ăn uống chung với các người ngoại, nhưng khi người của Gia-cơ đến nơi thì Phi-e-rơ sợ nên không dám ăn chung với họ nữa. Việc ăn uống với người ngoại không phải là việc lạ lùng trong vòng người Giu-đa, vì cớ dân ngoại vẫn thường ở giữa dân Y-sơ-ra-ên từ thời các tổ phụ, nhất là khi họ đã vào trong Đất Hứa (Giô-suê 13: 13). Bởi đó chúng ta thử suy nghĩ đến việc tại sao Phi-e-rơ lại sợ hãi như vậy, đến nỗi phạm tội giả hình.

Cả Phao-lô và Phi-e-rơ đều thống nhất với nhau về việc không ăn của cúng thần tượng, nên điều đó không phải là lý do để Phi-e-rơ sợ người của Gia-cơ nhìn thấy ông ngồi ăn với người ngoại và cũng không phải là lý do mà Phao-lô gọi Phi-e-rơ là kẻ giả hình.

Chắc chắn là Phi-e-rơ không phải sợ hãi vì cớ họ là kẻ chưa tin. Chính Đức Chúa Jêsus đã từng ngồi ăn chung với những kẻ thâu thuế cùng kẻ xấu nết (Ma-thi-ơ 9: 11, Mác 2: 15). Vì thế nếu những người ngoại kia chưa tin Chúa và là những kẻ tội lỗi thì cũng không thể làm cho Phi-e-rơ sợ hãi đến nỗi lánh xa họ khi người của Gia-cơ đến. Khi Đức Chúa Jêsus đã có thể ngồi ăn chung với kẻ có tội thì không có lý do gì Phi-e-rơ phải tránh họ vì cớ sợ hãi khi người của Gia-cơ đến.

Nếu không phải vì cớ họ là những người tội lỗi thì việc Phi-e-rơ tránh xa họ phải do một nguyên nhân khác. Nếu những người ngoại ấy ăn những thực phẩm làm từ các loài thú chẳng sạch thì đó cũng không phải là lý do để Phi-e-rơ phải sợ hãi. Ông đã từng được Chúa cho biết là mọi thức ăn làm từ các loại động vật sạch hay chẳng sạch đều có thể ăn được (Công vụ 10: 9-16).

Nếu những người ngoại mà Phi-e-rơ đã từng ngồi ăn chung là người chưa chịu cắt bì, thì đó cũng không phải là lý do để làm cho Phi-e-rơ phải sợ hãi mà tránh xa khi mấy kẻ của Gia-cơ đến. Trước đây cũng đã có những người Giu-đa chất vấn ông về việc ngồi ăn với những kẻ chưa chịu cắt bì và Phi-e-rơ đã biện hộ cho mình một cách mạnh mẽ vì sự hiện thấy mà Chúa đã ban cho ông (Công vụ 11: 1-5) thì bây giờ ông không có lý do gì phải sợ hãi nếu họ thấy ông ngồi ăn chung với người ngoại. Vả lại, chính Gia-cơ cũng đồng ý là phép cắt bì hoàn toàn không quan trọng nữa vào lúc bấy giờ, như giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem đã tuyên bố.

Tại giáo hội nghị ở thành Giê-ru-sa-lem thì Gia-cơ đã tuyên bố là người ngoại trở về với Chúa không cần phải làm phép cắt bì, nhưng phải tránh sự ô uế của thần tượng, tránh việc ăn thú vật chết ngột và tránh ăn huyết. Như vậy, sau khi đã xem xét qua thì chúng ta có thể thấy rằng chỉ còn một lý do duy nhất khiến cho Phi-e-rơ phải tránh xa người ngoại, ấy là vì sợ họ nhìn thấy ông ngồi ăn chung với người ngoại với những thực phẩm có huyết và rồi sẽ về báo lại cho Gia-cơ biết điều đó.

Trong tất cả các Hội thánh mà Phao-lô đã thành lập thì không có một Hội thánh nào bị Phao-lô ngăn cấm về việc ăn uống ngoại trừ việc ăn của cúng thần tượng. Phao-lô đã dạy rằng hễ người ta dọn ra món ăn nào thì cứ ăn hết (1Cô-rinh-tô 10: 27), không cần phải thắc mắc là món đó có ăn được hay không, hoặc nói cách khác, là món đó có phù hợp với luật pháp hay không (1Cô-rinh-tô 10: 25). Phao-lô đã nhấn mạnh rằng sự cứu rỗi của Cơ-đốc-nhân không căn cứ trên việc con dân Chúa ăn gì (Rô-ma 14: 17) và ông cũng từng trách những người lên án anh em mình trong đức tin về vần đề ăn uống (Cô-lô-se 2: 16). Chính vì quan điểm đó mà Phao-lô không hề phản đối việc Phi-e-rơ ngồi ăn với người ngoại mặc dầu trong món ăn của họ có sản phẩm của huyết. Nhưng khi Phi-e-rơ tránh xa họ vì sợ người Gia-đa báo lại cho Gia-cơ về việc ấy thì Phao-lô gọi hành động đó là sự giả hình.

Phao-lô là một người đầy dẫy Đức-Thánh-Linh và sự tranh cãi dữ dội của ông với các Cơ-đốc-nhân gốc Giu-đa và Cơ-đốc-nhân dòng Pha-ri-si là về luật pháp của Cựu ước. Không có họ thì các Hội thánh không có sự tranh cãi như vậy. Chỉ khi nào có Cơ-đốc-nhân người Giu-đa và dòng Pha-ri-si thì sự đó mới xãy ra. Vì vậy mà Phao-lô đã từng giũ áo tuyên bố rằng ông sẽ chỉ đi giảng đạo giữa vòng người ngoại mà thôi, để tránh sự giả hình và tranh cãi với người Giu-đa cùng các kẻ thuộc dòng Pha-ri-si (Công vụ 18: 5-6). Chính Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giăng cũng thấy được điều đó cho nên họ đã đồng ý để Phao-lô làm việc hoàn toàn với người ngoại (Ga-la-ti 2: 8-9).

Như thế chúng ta có thể thấy rằng những người Giu-đa và kẻ thuộc dòng Pha-ri-si, mặc dầu đã tin Chúa rồi nhưng vẫn muốn ràng buột mọi người bằng những luật pháp hình thức, chớ không chú ý đến sự đổi mới trong tấm lòng và những luật pháp thuộc linh. Việc không phân biệt được sự khác nhau giữa các dạng luật pháp làm cho Cơ-đốc-nhân có sự tranh cãi và chia rẽ cho đến ngày nay, chẳng hạn như việc cố giữ luật cấm ăn huyết nhưng lại bỏ qua những luật pháp khác liên quan đến sự ly dị (Rô-ma 7: 2), tội ngoại tình (Giê-rê-mi 3: 1), tội lấy danh Chúa ra nói chơi, tội hút thuốc lá, tội uống rượu, tội cho vay, tội giả ngộ tầm phào và tội nói hoặc nghe chuyện tục tỉu.

Bởi lẽ đó, để tránh sự xung đột trong các Hội thánh có lẫn người ngoại và người Giu-đa cùng dòng Phe-ri-si mới trở lại đạo mà giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem đã quyết định rằng Cơ-đốc-nhân gốc người ngoại không cần phải chịu phép cắt bì, phải tránh sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và cấm ăn huyết (Công vụ 15: 19-20). Nhưng đó không phải là luật pháp dành cho tất cả các Hội thánh, nhất là những Hội thánh chỉ toàn là người ngoại trở về đạo và không có người Giu-đa nào.

Lý do mà giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem cấm các Cơ-đốc-nhân trong các Hội thánh có người Giu-đa không được ăn huyết là vì muốn ổn định trật tự nội bộ để không có sự tranh cãi và chia rẽ. Vì vậy mà các sứ đồ, nhất là Gia-cơ, đã quyết định bãi bỏ phép cắt bì, mặc dầu đã được Kinh thánh xác nhận là luật pháp đời đời dành cho con dân của Chúa. Luật pháp về sự cắt bì đã bị Cơ-đốc-nhân gốc dân ngoại chống đối và chính Phao-lô cũng không muốn ép buột họ phải giữ (Ga-la-ti 2: 3). Nhưng khi nhượng bộ ý muốn của Cơ-đốc-nhân gốc nhân ngoại về vấn đề cắt bì thì Gia-cơ cũng muốn họ nhượng bộ lại người Giu-đa và dòng Phe-ri-si về việc ăn huyết, hầu cho hai bên được thỏa mãn. Chính vì vậy mà giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem dặn dò là Cơ-đốc-nhân gốc dân ngoại trong các Hội thánh có người Giu-đa và dòng Phe-ri-si thì không được ăn huyết. Nhiều người không hiểu được cách giải quyết ấy của các sứ đồ nên tưởng rằng luật cấm ăn huyết là áp dụng cho mọi Hội thánh và vẫn còn cho đến ngày nay.

Bằng chứng về sự giới hạn của luật cấm ăn huyết là việc bức thư của giáo hội nghị chỉ được đem đến tại thành An-ti-ốt và các xứ Sy-rivà Si-li-si mà thôi (Công vụ 15: 22-23). Nhưng lúc bấy giờ thì Tin Lành đã được rao truyền ở nhiều nơi khác và các Hội thánh dân ngoại đã có tại các xứ Ga-la-ti, xứ Đa-ma-ti (2Ti-mô-thê 4: 10), xứ A-si (Khải huyền 1: 4), xứ Ma-xê-đoan, xứ A-chai (1Tê-sa-lô-ni-ca 1: 7), xứ Bông, xứ Cáp-ba-đốc và xứ Bi-thi-ni (1Phi-e-rơ 1: 1). Không có chỗ nào trong Kinh thánh ghi lại rằng luật pháp do giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem đề ra là luật pháp áp dụng cho tất cả các Hội thánh ở những khu vực khác.

Ngoài ra bằng chứng lịch sử cho thấy là các tín đồ Tin Lành tại Anh quốc đã ăn sản phẩm của huyết từ mấy trăm năm trước. Đó là món black pudding (được làm bằng huyết của heo, bò, cừu) hoặc còn được gọi là xúc xích huyết (blood sausage). Món ăn nầy đã được truyền lại từ những thời rất là xa xưa, khi dân chúng muốn giữ lại huyết của súc vật bị làm thịt. Ngày hôm nay thì món xúc xích nầy đã được sử dụng tại rất nhiều nước trên thế giới như Ái-nhĩ-lan, Đại hàn, Pháp, Hòa lan, Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, Ba-lan và Canada. Dân chúng tại các quốc gia trên đa số là người Tin Lành và người Công giáo, nhưng không hề nghe họ phản đối việc ăn xúc xích huyết bao giờ.

Cũng có vài anh chị em ủng hộ luật cấm ăn huyết vì cho rằng huyết rất dơ và dễ có mầm bệnh. Nhưng lập luận như vậy là sử dụng quan điểm của cá nhân chớ không phải căn cứ vào những điều đã được ghi chép trong Kinh thánh. Nếu lấy quan điểm cá nhân để đoán định rằng Cơ-đốc-nhân phải ăn những thức ăn nào thì việc ăn mắm của Cơ-đốc-nhân Việt Nam sẽ bị các Cơ-đốc-nhân Tây phương chê bai, hoặc việc ăn mắm bò hóc của Cơ-đốc-nhân Cam-bốt sẽ bị chê bai bởi những Cơ-đốc-nhân không ăn nổi món ấy.

Vì vậy, việc phân biệt được đâu là luật pháp thuộc linh và đâu là luật hình bóng rất quan trọng để Cơ-đốc-nhân có thể biết được điều cần phải làm, điều cần nên tránh đang khi theo Chúa giữa trần gian nầy. Ngoài ra thì Cơ-đốc-nhân cũng cần nên biết đến bốn dạng luật pháp khác trong Kinh thánh, đó là luật pháp tổng quát, luật pháp địa phương, luật pháp giai đoạn và luật pháp tuyển chọn.

(còn tiếp)

CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

SÁNG THẾ KÝ 17: 13 – Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.

SÁNG THẾ KÝ 17: 14 – Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ 4: 24-26 – Vả, đang khi đi đường, Đức Giê-hô-va hiện ra trước mặt Môi-se nơi nhà quán, và kiếm thế giết người đi. Sê-phô-ra lấy con dao bằng đá, cắt dương bì của con mình, và quăng dưới chân Môi-se, mà nói rằng: Thật, chàng là huyết lang cho tôi! Đức Giê-hô-va tha chồng; nàng bèn nói rằng: Huyết lang! Là vì cớ phép cắt bì.

GIÔ-SUÊ 5: 2-5 – Trong lúc đó Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Hãy sắm sửa dao bằng đá lửa, và làm phép cắt bì lần thứ nhì cho dân Y-sơ-ra-ên. Vậy, Giô-suê sắm sửa dao bằng đá lửa, và làm phép cắt bì cho dân Y-sơ-ra-ên tại trên gò A-ra-lốt. Nầy là cớ Giô-suê làm phép cắt bì cho họ: Các người nam trong dân chúng đã ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là các chiến sĩ, đều đã chết dọc đường trong đồng vắng, sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vả, hết thảy dân chúng mà đã ra khỏi xứ Ê-díp-tô đều có chịu phép cắt bì; nhưng sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô người ta không có làm phép cắt bì cho một ai trong những người sanh ra dọc đường tại nơi đồng vắng.

GIÔ-SUÊ 13: 13 – Nhưng dân Y-sơ-ra-ên không đuổi đi dân Ghê-su-rít và dân Ma-ca-thít. Ấy vậy, dân Ghê-su-rít và dân Ma-ca-thít còn ở giữa dân Y-sơ-ra-ên cho đến ngày nay.

GIÊ-RÊ-MI 3: 1 – Người ta nói rằng: Nếu người kia bỏ vợ mình, và nếu khi ly dị rồi vợ lấy chồng khác, thì người chồng trước có lẽ nào còn trở lại cùng đàn bà đó sao? Nếu vậy thì trong đất há chẳng bị ô uế lắm sao? Vả, ngươi đã hành dâm với nhiều người yêu, còn toan trở lại cùng ta sao? Đức Giê-hô-va phán vậy.

MA-THI-Ơ 9: 11 – Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?

MÁC 2: 15 – Đức Chúa Jêsus đang ngồi ăn tại nhà Lê-vi, có nhiều người thâu thuế và kẻ có tội đồng bàn với Ngài và môn đồ Ngài; vì trong bọn đó có nhiều kẻ theo Ngài rồi.

LU-CA 2: 21 – Đến ngày thứ tám, là ngày phải làm phép cắt bì cho con trẻ, thì họ đặt tên là JÊSUS, là tên thiên sứ đã đặt cho, trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ.

GIĂNG 1: 42 – Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Jêsus. Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ).

CÔNG VỤ 10: 9-16 – Bữa sau, trong lúc ba người ấy đang đi đường và đã đến gần thành, vừa nhằm giờ thứ sáu Phi-e-rơ leo lên mái nhà để cầu nguyện. Người đói và thèm ăn; khi người ta đang dọn cho ăn, thì người bị ngất trí đi. Người thấy trời mở ra, và có vật chi giống như một bức khăn lớn níu bốn chéo lên, giáng xuống và sa đến đất, thấy trong đó có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời. Lại có tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn. Song Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ. Tiếng đó lại phán cùng người lần thứ hai rằng: Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy. Lời đó lặp lại ba lần; rồi vật ấy liền bị thâu lên trên trời.

CÔNG VỤ 15: 1 – Vả, có mấy người từ xứ Giu-đê đến, dạy các anh em rằng: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu rỗi.

CÔNG VỤ 15: 5 – Nhưng có mấy kẻ về đảng Pha-ri-si đã tin đạo, đứng dậy nói rằng phải làm phép cắt bì cho những người ngoại, và truyền họ phải tuân theo luật pháp Môi-se.

CÔNG VỤ 15: 19-20 – Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời; song khá viết thơ dặn họ kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và huyết.

CÔNG VỤ 15: 22-23 – Kế đó, các sứ đồ và trưởng lão cùng cả Hội thánh bèn quyết định sai những người được chọn ở nơi mình đi với Phao-lô và Ba-na-ba đến thành An-ti-ốt. Ấy là Giu-đe, cũng gọi là Ba-sa-ba, và Si-la, là hai người đứng đầu trong hàng anh em; rồi giao cho hai người bức thơ như sau nầy: Các sứ đồ, trưởng lão và anh em gởi lời chào thăm anh em trong những người ngoại tại thành An-ti-ốt, trong xứ Sy-ri và xứ Si-li-si.

CÔNG VỤ 18: 5-6 – Khi Si-la và Ti-mô-thê từ xứ Ma-xê-đoan đến, thì Phao-lô hết lòng chuyên lo về sự giảng dạy, làm chứng với người Giu-đa rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ. Nhưng, vì chúng chống cự và khinh dể người, nên người giũ áo mình mà nói rằng: Ước gì máu các ngươi đổ lại trên đầu các ngươi! Còn ta thì tinh sạch; từ đây, ta sẽ đi đến cùng người ngoại.

RÔ-MA 2: 25 – Thật thế, nếu ngươi làm theo luật pháp, thì phép cắt bì có ích; còn nếu ngươi phạm luật pháp, thì dầu chịu cắt bì cũng như không.

RÔ-MA 7: 2 – Cho nên, đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì luật pháp buộc phải theo chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết, thì người vợ được thoát khỏi luật pháp đã buộc mình với chồng.

RÔ-MA 14: 17 – Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy.

1CÔ-RINH-TÔ 1: 1-2 – Phao-lô, theo ý Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Sốt-then, anh em chúng ta, gởi cho Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ, được gọi làm thánh đồ, lại cho mọi người bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta.

1CÔ-RINH-TÔ 6: 10 – Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu.

1CÔ-RINH-TÔ 7: 18 – Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì.

1CÔ-RINH-TÔ 7: 19 – Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

1CÔ-RINH-TÔ 8: 7 – Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng; thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 20 – Chắc là không; nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ, chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 25 – Phàm vật gì bán ở hàng thịt, hãy ăn, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi về việc đó.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 27 – Nếu có người chẳng tin mời anh em, và anh em muốn đi, thì không cứ họ dọn ra đồ gì, hãy ăn đi hết thảy, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi hết.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 28 – Song nếu có ai nói với anh em rằng: Cái nầy đã dâng làm của cúng, thì chớ ăn, vì cớ người đã bảo trước mình, lại vì cớ lương tâm.

GA-LA-TI 2: 3 – Dầu Tít, kẻ cùng đi với tôi, là người Gờ-réc, cũng không bị ép phải cắt bì.

GA-LA-TI 2: 7-8 – Trái lại, họ thấy sự giảng Tin lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ vậy, vì Đấng đã cảm động trong Phi-e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại.

GA-LA-TI 2: 9 – Và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, Giăng, là những người được tôn như cột trụ, trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì.

GA-LA-TI 2: 11-14 – Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: Nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa?

GA-LA-TI 5: 6 – Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy.

GA-LA-TI 6: 12-13 – Hết thảy những kẻ muốn cho mình đẹp lòng người theo phần xác, ép anh em chịu cắt bì, hầu cho họ khỏi vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bắt bớ đó thôi. Vì chính những kẻ đó đã chịu cắt bì, không vâng giữ luật pháp đâu; nhưng họ muốn anh em chịu cắt bì, hầu để khoe mình trong phần xác của anh em.

GA-LA-TI 6: 15 – Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới.

PHI-LÍP 3: 2 – Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng kẻ làm công gian ác; hãy coi chừng phép cắt bì giả.

PHI-LÍP 3: 5 – Tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si.

CÔ-LÔ-SE 2: 16 – Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát.

CÔ-LÔ-SE 3: 5 – Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng.

CÔ-LÔ-SE 3: 11 – Tại đây không còn phân biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 7 – Đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai.

2TI-MÔ-THÊ 4: 10 – Vì Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy, và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca. Cơ-rết-xen đi trong xứ Ga-la-ti, còn Tít thì đi xứ Đa-ma-ti rồi.

TÍT 1: 10 – Vả, có nhiều người nhất là trong những người chịu cắt bì, chẳng chịu vâng phục, hay nói hư không và phỉnh dỗ, đáng phải bịt miệng họ đi.

1PHI-E-RƠ 1: 1 – Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho những người kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, là những người được chọn.

KHẢI HUYỀN 1: 4 – Giăng gởi cho bảy Hội thánh ở xứ A-si: nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ, VÀ CÒN ĐẾN, cùng từ nơi bảy vì thần ở trước ngôi Ngài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *