CHÚA GIÁNG SINH ĐỂ ĐỔI MỚI CON NGƯỜI
CHÚA GIÁNG SINH ĐỂ ĐỔI MỚI CON NGƯỜI
Kinh thánh: Lu-ca 2: 1-21
Câu gốc: 1GIĂNG 4: 9 phần B – Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.
*******
Cứ mỗi một năm, khi mùa Giáng Sinh về thì chúng ta lại thêm một lần nữa được nhắc nhở về tình yêu của Đức Chúa Trời khi Ngài lấy thân xác con người người để sanh vào trong trần gian mà chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại. Đó là ý nghĩa chính yếu và đầu tiên của việc Đức Chúa Trời giáng sinh vào trong trần gian. Ngoài ra việc giáng sinh của Chúa còn có những ý nghĩa khác nữa mà tối hôm nay chúng ta cùng nhau suy nghĩ đến.
Một trong những lý do khác đó là Chúa giáng sinh vào trong trần gian để con người có cơ hội được đổi mới. Đây là điều cần thiết và quan trọng để giúp cho chúng ta tìm được hạnh phúc, bình an và sự thỏa lòng đang khi còn sống trên mặt đất nầy. Sự đổi mới mà Chúa mang đến cho nhân loại có thể được tóm tắt trong ba phương diện và tôi sẽ trình bày để quý Hội thánh và thân hữu có thể thấy được và áp dụng cho chính mình trong năm mới 2020.
Tất cả chúng ta đều biết là đời sống của con người có nhiều đau khổ mà tôi không thể kể hết ra ở đây, nhưng chúng ta đều có thể biết được bằng chính kinh nhgiệm của bản thân mình. Những sự đau khổ như vậy xãy ra là do tấm lòng của con người và dẫu chúng ta có thay đổi hoàn cảnh bên ngoài như thế nào thì sự đau khổ vẫn cứ tiếp tục hiện diện như một thực tế không thể chối cãi được.
Chúng ta có thể lấy thí dụ bằng chính đời sống mình. Người Việt sống tại ngoại quốc như chúng ta đều muốn có hoàn cảnh và đời sống tốt hơn so với tại quê nhà nên chính vì vậy mà chúng ta rời Việt Nam. Nhưng khi đã sang đây và cư ngụ nhiều năm, thì dẫu hoàn cảnh đời sống của chúng ta có thay đổi, có tốt hơn và sung túc hơn, nhưng sự đau khổ vẫn còn, chớ không chấm dứt. Không phải vì cớ hoàn cảnh thay đổi mà sự đau khổ của chúng ta không còn nữa. Sự đau khổ ở đây khác với sự đau khổ lúc còn ở tại quê nhà, nhưng nói chung thì vẫn là sự đau khổ triền miên, không hế chấm dứt.
Nguyên nhân là tại vì chúng ta tưởng rằng khi thay đổi hoàn cảnh thì không còn đau khổ nữa. Hoặc có người hy vọng rằng khi người khác thay đổi thì mình sẽ bớt được sự đau khổ. Nhưng chúng ta không có khả năng để làm người khác thay đổi và cũng không thể hy vọng rằng người khác sẽ thay đổi theo quan điểm của chúng ta. Vấn đề là tự chúng ta phải thay đổi để bớt đau khổ.
Chúng ta có thể lấy thí dụ về việc học sinh đến trướng để minh chứng cho điều nầy. Chương trình học tập tại trường là như nhau cho tất cả các học sinh cùng một cấp, chẳng hạn như cấp lớp Chín, nhưng kết quả học tập của mỗi một em khác nhau là vì chính bản thân của các em, chớ không phải là học trình. Cũng cùng một bài thi cho thầy cô đưa ra thì có em được điểm cao, điểm trung bình hoặc điểm thấp. Các em học sinh không thể nói được rằng thầy cô phải thay đổi giáo án để các em có thứ hạng cao hơn. Vấn đề trọng tâm là các em có chịu thay đổi, có chịu siêng năng hơn để đạt được điểm cao hay không. Các em không thể nói được rằng mình cứ học theo mức độ nầy mà thầy cô phải cho điểm cao hơn các bạn khác siêng năng hơn mình.
Cũng cùng một cách như vậy chúng ta có thể đem áp dụng vào trong thực tế của con người đối với những đau khổ đời thường. Chúng ta không thể hy vọng rằng người khác phải thay đổi để chúng ta bớt đau khổ, hoặc được hạnh phúc hơn. Cũng giống như người nội trợ cứ nêm đồ ăn cùng một cách năm nầy sang năm kia mà mong rằng món ăn của mình được trở nên ngon hơn. Trong thực tế thì cò người nói rằng phải chi thế giới nầy có nhiều người tốt hơn thì tôi sẽ bớt đau khổ, nhưng rốt lại họ vẫn đau khổ triền miên. Ấy là vì xã hội của con người luôn có người tốt kẻ xấu, vấn đề quan trọng là ở chỗ mình quen biết với ai để có thể gặp được người tốt. Hay nói một cách khác, chính cá nhân của mỗi người phải thay đổi để đời sống mình được tốt hơn, vui vẽ hơn và bớt được đau khổ.
Trong đêm Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì các thiên sứ đã đến trần gian và hát vang như thế nầy: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người. Điều đó có nghĩa là sự giáng sinh của Chúa đem đến bình an và ơn phước cho nhân loại. Nhiều người từ xưa đến nay đã chất vấn rằng Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh nhưng nhân loại và thế giới đâu có sự bình an, phước hạnh gì đâu. Nguyên do cũng là vì con người không chịu thay đổi để tốt hơn và tránh việc làm tổn thương nhau.
Vì vậy tôi xin trình bày ba phương diện mà sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus đã làm thay đổi để chúng ta có thể tìm được phước trong mùa Giáng Sinh năm nay và trong Năm Mới 2020 khi biết áp dụng điều đó cho chính mình.
Thứ nhất, Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh để thay đổi giòng lịch sử. Vì vậy mà chúng ta thấy năm tháng được đánh dấu bằng sự ra đời của Đức Chúa Jêsus khi người ta tính ngày tháng bằng dấu mốc trước Thiên Chúa giáng sinh và sau Thiên Chúa giáng sinh, hay còn gọi là trước và sau Công nguyên, có nghĩa là niên lịch của quần chúng trên cả thế giới.
Trước khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì thế giới sử dụng lịch theo dân tộc của mỗi một địa phương và theo triềi đại của từng vị vua, chẳng hạn như việc vua Sa-lô-môn xây cất Đền thờ cho Chúa tại thành Giê-ru-sa-lem, như có ghi trong:
1CÁC VUA 6: 1 – Xảy ra năm bốn trăm tám mươi, sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là năm thứ tư của Sa-lô-môn trị vì trên Y-sơ-ra-ên, nhằm tháng Xíp, nghĩa là tháng thứ hai, thì người cất đền của Đức Giê-hô-va.
Cũng theo cách ấy mà người Trung hoa và Việt Nam tính lịch của mình vào thời xa xưa. Khi vua Linh đế nhà Hán lên ngôi thì người ta gọi niên lịch đó là năm Kiến Ninh thứ nhất. Sau khi Linh đế nhờ các quan binh tướng sĩ, trong đó có Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi dẹp tan được giặc Khăn Vàng thì người ta đổi niên lịch ra thành năm Trung Bình thứ nhất. Cũng một thể ấy, ở tại Việt Nam, trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, khi Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa và lên làm vua thì người ta gọi đó là năm Quan Trung thứ nhất, vì là vương hiệu của Nguyễn Huệ. Trong khi đó thì những người theo chúa Trịnh ở miền Bắc vẫn còn giữ theo lịch của nhà Hậu Lê.
Nhưng sau khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì cả thế giới chỉ còn có một cách tính lịch duy nhất, là trước và sau Công nguyên. Mặc dầu Âm lịch vẫn còn được sử dụng, nhưng không thống nhất giữa các dân tộc nầy và dân tộc kia,chẳng hạn như lịch của người Maya ở Nam Mỹ, lịch Nhật bản, lịch Ả-rập và Âm lịch của các nước vùng Á châu như Việt Nam, trung hoa. Vì vậy mà trên bình diện pháp lý người ta chỉ sử dụng có một loại lịch được tính theo năm mà Đức Chúa Jêsus giáng sinh.
Thứ hai, sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus đã thay đổi phương diện tiếp xúc với Đức Chúa Trời của con người. TRước khi Đức Chúa Jêsus được sinh ra thì con người không thể đến trực tiếp với Đức Chúa Trời, mà phải qua trung gian các thấy tế lễ, chẳng hạn như chức vụ thầy tế lễ của A-rôn, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong:
LÊ-VI KÝ 9: 7 – Đoạn, Môi-se nói cùng A-rôn rằng: Ngươi hãy đến gần bàn thờ dâng của lễ chuộc tội và của lễ thiêu của ngươi đi, để vì ngươi và vì dân sự làm lễ chuộc tội; lại cũng hãy dâng của lễ của dân sự và làm lễ chuộc tội cho họ, y như Đức Giê-hô-va đã phán dặn vậy.
Chúc vụ thầy tế lễ phải thay đổi luôn vì thầy tế lễ sẽ già rồi qua đời. Nhưng Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh để làm chức vụ thầy tế lễ đời đời, bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời:
HÊ-BƠ-RƠ 7: 23-24 – Vả lại, số thầy tế lễ rất nhiều, vì sự chết nên không giữ luôn được chức vụ. Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay.
Bởi vì Đức Chúa Jêsus làm chức thầy tế lễ thượng phẩm đời đời nên chúng ta nhờ Ngài có thể đến với Đức Chúa Trời một cách trực tiếp, vì Đức Chúa Jêsus cũng chính là Đức Chúa Trời:
GIĂNG 14: 6 – Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.
Vì vậy mà Ngài hôm nay chúng ta có thể cầu nguyện trực tiếp với Đức Chúa Trời, miễn là chúng ta phải kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen. Nếu chúng ta không nhân danh Đức Chúa Jêsus để đến với Đức Chúa Trời thì lời cầu nguyện của mình sẽ không được Chúa nghe. Chúng ta nên nhớ điều nầy mà làm cho đầy đủ mỗi khi cầu nguyện.
Phương diện thứ ba mà sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus sẽ làm cho thay đổi, là tấm lòng của con người. Muốn cho đời sống mình bớt đau khổ và được bình an, hớn hở, thỏa lòng luôn thì tấm lòng của mỗi cá nhân chúng ta phải được thay đổi. Có một câu chuyện ngụ ngôn về con cú mèo mà tôi xin kể ra ở đây để minh chứng cho việc tấm lòng của mỗi một cá nhân cần phải thay đổi.
Con cú mèo là loại chim bị người Á châu chúng ta xem là biểu tượng của sự xui xẻo, bởi vì tiếng gáy ban đêm của nó làm những người mê tín dị đoan cho rằng mỗi khi nó gáy là trong làng có người chết. Vì vậy mà họ tìm cách chọi đá để xua đuổi nó đi. Và câu chuyện ngụ ngôn đó được kể như thế nầy. Có một con cú mèo kia nói với một con chim sẻ rằng nó bị người ờ phía Đông hất hủi, chê bai, nên nó sẽ bay sang phía Tây để được người ta quý chuộng hơn . Nhưng con chim sẻ nói rằng: Không phải là vấn đề anh ở đâu để được người ta thương, mà anh phải đổi tiếng gáy đi, vì tiếng gáy của anh làm cho người ta ghét.
Cũng một thể ấy, thế giới có đấy những đau buồn, sầu khổ vì cớ tấm lòng của con người là tội lỗi, giống như Kinh thánh đã khẳng định rằng:
GIÊ-RÊ-MI 17: 9 – Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?
Vì tấm lòng như vậy mà con người làm cho nhau bị đau khổ. Đức Chúa Jêsus giáng sinh là để chúng ta được thay đổi tấm lòng, vì điều đó khả năng của con người không làm được. Chỉ khi nào chúng ta mời Chúa giáng sinh vào trong lòng mình và cứ ở tại đó luôn thì tấm lòng của cá nhân mới thay đổi, mới biết thật sự yêu thương và không làm khổ nhau. Vì vậy mà Kinh thánh có phán dạy là mội chúng ta phải có tấm lòng mới nhờ tin nhận Đức Chúa Jêsus:
Ê=PHÊ-SÔ 4: 23-24 – Phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.
Con người không có khả năng tự thay đổi chính mình. Cá nhân chúng ta biết rằng điều đó là bất khả. Vì vậy mà bất cứ ai chịu tiếp nhận Đức Chúa Jêsus để Ngài giáng sinh vào trong lòng mình thì mới có quyền năng của Chúa để tự thay đổi.
2CÔ-RINH-TÔ 5: 17 – Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.
Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh vào trần gian nầy hơn 2,000 năm trước và vẫn còn chờ đợi chúng ta đến ngày hôm nay. Vấn đề còn lại là tùy thuộc nơi sự quyết định của mỗi một các nhân, rằng chúng ta có muốn thay đổi hay không? Chúa ban cho chúng ta sự tự do để lựa chọn nhưng mỗi người phải nhận lấy kết quả tốt hoặc hậu quả xấu của sự lựa chọn của mình. Chẳng có ai gánh thay cho chúng ta những điều đó.
Vì vậy trong mùa Giáng Sinh năm nay tôi xin được mời gọi quý ông bà anh chị em dạn dĩ thưa với Chúa rằng: Chúa ơi con muốn được đổi mới tấm lòng để hoàn cảnh cuộc đời con được thay đổi. Chúa sẽ giúp đỡ cho đế quý ông bà anh chị em có thể thấy đó là một hiện thực mà bấy lâu nay mình đã mong mõi.
Giống như trường hợp của các em học sinh. Vấn đề là các em có muốn đến trường để học tập hay không. Vì nếu không thì dẫu bị buột đến trường các em vẫn trốn học. Nhưng nếu các em quyết định rằng mình muốn học tập để hữu ích cho tương lai sau nầy thì sẽ được nhiều người trợ giúp. Cha mẹ sẽ giúp cho các em có quần áo chỉnh tề, sách vỡ bút mực đầy đủ. Chính phủ sẽ có xe đưa đón, thầy cô sẽ tập trung để hướng dẫn, dạy dỗ. Vấn đề là các em có muốn học tập hay không.
Cũng một thể ấy, Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh hơn 2,000 năm trước. Ngài đang chờ đợi con người đón Chúa vào lòng. Vấn đề là chúng ta có muốn hay không mà thôi. Cầu xin Chúa ban phước đặc biệt để quý ông bà anh chị em có lòng mong muốn nầy và khi Chúa ngự vào đời sống chúng ta thì Ngài sẽ ban phước dư dật, đầy tràn hơn.
Cầu xin Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong mùa Giáng Sinh nầy và cầu xin tình yêu của Đức Chúa Jêsus cứ đầy dẫy mãi trên đời sống chúng ta trong Năm Mới 2020 và những năm tháng còn lại trên mặt đất nầy. Amen.