GẮNG SỨC LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA
Kinh thánh: 2Cô-rinh-tô 5: 1-10
Câu gốc: THI THIÊN 105: 6 – Hãy nhớ lại những việc lạ lùng Ngài đã làm, các dấu kỳ và đoán ngữ mà miệng Ngài đã phán.
Trong mùa lễ Giáng sinh của những ngày cuối năm thì chúng ta tiếp tục suy gẫm về các đề tài Tình yêu để chuẩn bị tấm lòng mình mừng ngày Chúa Giáng sinh. Trước khi cùng nhau suy gẫm đến việc Cố hết sức để làm đẹp lòng Chúa theo như Chủ đề sáng hôm nay để điều đó có thể xem như là một của lễ tạ ơn Chúa trong mùa Giáng sinh thì tôi xin được thưa trình cùng với quý Hội thánh về quan điểm của một số người có liên quan đến ngày tháng mà Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh vào trong trần gian để rồi tứ đó chúng ta có thể liên hệ đến sự hết lòng của Cơ-đốc-nhân trong mọi hoàn cảnh mọi cơ hội mà Chúa ban cho trong đời sống nầy.
Trong cả quyển Kinh thánh thì chúng ta không tìm thấy có bất cứ chỗ nào có ghi lại chính xác ngày Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong trần gian. Đêm 24 tháng Chạp mà chúng ta dùng để làm lễ mừng Chúa giáng sinh là do Giáo hội Công giáo lựa chọn ra chớ không có căn bản trong Kinh thánh. Đây là điều mà tôi đã có trình bày trong Chủ đề Đức Chúa Jêsus Đã Giáng Sinh Khi Nào? vào mùa lễ năm trước, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Chính vì việc không có một ai biết chắc rằng Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh vào ngày nào tháng nào cho nên từ xưa đến nay đã có nhiều người chủ trương rằng không nên mừng lễ Giáng sinh vào tối 24 tháng Mười Hai, bởi vì làm như vậy là bắt chước theo Giáo hội Công giáo vì ngày đó thì không có gì là chính xác cả.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng việc mừng Chúa giáng sinh là cốt để nhắc nhở đến tình yêu tuyệt diệu của Chúa và đồng thời cũng để bày tỏ tấm lòng trân trọng của chúng ta đối với Đức Chúa Trời, chớ không phải là chỉ chú ý đến ngày tháng không mà thôi. Việc Chúa từ bỏ Thiên đành vinh hiển thánh khiết của Ngài để giáng sinh vào trong trần gian tăm tối và ô uế vì tội lỗi của con người là hành động tuyệt vời của tình yêu Chúa và chúng ta cần phải bày tỏ tấm lòng trân trọng của mình đối với tình yêu ấy. Bởi lẽ đó mà đối với những người không chấp nhận mừng Chúa giáng sinh vào đêm 24 tháng Mười Hai thì họ phải quyết định chọn một ngày nào khác để có thể bày tỏ tấm lòng biết ơn Chúa của họ mỗi năm, chớ không phải là không dùng ngày 24 tháng Mười Hai thì rồi suốt cả năm họ không có một ngày nào đặc biệt nào để nhớ đến sự giáng sinh của Chúa. Tôi có biết những người như vậy. Họ từ chối không ăn mừng ngày lễ Giáng sinh mỗi năm và suốt cả chục năm nay chưa một lần nào dành ra một ngày đặc biệt để bày tỏ tấm lòng trân trọng của họ đối với sự giáng sinh của Chúa mặc dầu vẫn còn tự xưng là Cơ-đốc-nhân. Thành ra việc họ từ chối tham gia mừng lễ giáng sinh đã làm cho họ giống như những người chưa tin, mà lại là người chưa tin một cách cực đoan, bởi vì ít nữa thì những người chưa tin khác ở trong thế gian cũng còn mừng ngày lễ Giáng sinh theo hình thức bên ngoài, còn những người kia thì đến hình thức cũng không có.
Ngoài ra thì trong vòng Cơ-đốc-nhân cũng có những anh chị em ý kiến rằng trong Kinh thánh đâu có chỗ nào đề cập đến lễ giáng sinh đâu, trong lịch sử của Hội thánh đầu tiên cũng chưa từng nhắc đến ngày ấy, thì tại sao chúng ta ngày hôm nay phải mừng lễ giáng sinh. Đó là câu hỏi mà tôi cũng đã từng nghe qua và sáng hôm nay tôi xin được thưa trình với quý Hội thánh về sự trả lời cho câu hỏi ấy để chúng ta có thể vui mừng tự tin mà tiến hành lễ Giáng sinh mỗi năm, đồng thời cũng để cho chúng ta có thể giải thích với người khác nếu họ có cùng một thắc mắc như vậy.
Rõ ràng là trong cả Kinh thánh thì không có chỗ nào đề cập đến việc phải mừng ngày Đức Chúa Jêsus giáng sinh. Ngay cả trong thư tín của Phao-lô và của các sứ đồ khác thì cũng không hề nhắc đến lễ giáng sinh, nhưng như vậy thì không có nghĩa là chúng ta không có ngày lễ ấy. Như tôi đã từng thưa trình và luôn luôn lặp đi lặp lại, là mỗi khi suy gẫm lời của Chúa để tìm hiểu một vấn đề nào đó có liên quan đến phương diện thuộc linh, dù lớn hay nhỏ, thì chúng ta cũng phải tra cứu kỹ lưỡng trong cả Kinh thánh để có thể tìm được câu trả lời, chớ không phải là chỉ căn cứ vào bề mặt của chữ của chỉ một câu mà thôi. Vì nếu chúng ta cố tìm chữ giáng sinh trong cả bản dịch Kinh thánh truyền thống thì sẽ không bao giờ tìm ra chữ ấy, mà ngay cả trong các bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Anh cũng không có chữ Christmas nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần có lễ giáng sinh mỗi năm.
Trước khi trình bày xa hơn về việc mừng lễ Giáng sinh thì tôi cũng xin đính chánh trước là tôi không hề có ý bênh vực cho người Công giáo. Họ có cả một Giáo hội để làm công việc đó, không cần đến tôi. Vả lại, chúng ta biết rằng người Công giáo có nhiều tín lý rất khác biệt với lẽ thật trong Kinh thánh, chẳng hạn như việc thờ lạy và cầu nguyện với bà Ma-ri, việc xưng tội với loài người, việc bánh tiệc thánh là thân thể thật của Chúa, việc các Giáo hoàng thay phiên nhau giữ chìa khóa nước Thiên đàng và nhiều điều khác nữa. Hai bên có tín lý khác biệt như vậy cho nên tôi không hề có ý định bênh vực cho ngày lễ Giáng sinh như là sự chọn lựa đúng đắn của Giáo hội Công giáo, mà tôi chỉ muốn trình bày về mạng lệnh của Chúa có liên quan đến ngày Giáng sinh và việc Cơ-đốc-nhân cần phải có một ngày bày tỏ lòng trân trọng của mình đối với việc Đức Chúa Trời đã vào trong trần gian nầy vì cớ mỗi một người chúng ta.
Như tất cả chúng ta đều đã biết thì vấn đề quan trọng nhất đối với Cơ-đốc-nhân là làm theo ý muốn của Chúa và ý muốn của Ngài thì thường được bày tỏ qua các mạng lệnh mà con dân Chúa cần phải làm, chẳng hạn như các mạng lệnh có những chữ HÃY ĐỪNG PHẢI CHỚ. Vì vậy mà tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm đến mạng lệnh nầy, là mạng lệnh mà đã được bày tỏ ra trong câu Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay, đó là câu gốc trong Thi thiên 105: 6.
THI THIÊN 105: 6 – Hãy nhớ lại những việc lạ lùng Ngài đã làm, các dấu kỳ và đoán ngữ mà miệng Ngài đã phán.
Như quý Hội thánh có thể thấy được trong câu gốc nầy thì đây là một mạng lệnh mà Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài cần phải thực hiện, bởi vì nó được bắt đầu bằng chữ HÃY.
Chúng ta biết rằng những điều lạ lùng mà Chúa đã từng làm cho con dân Ngài suốt trong lịch sử qua các thời đại thì nhiều lắm và không bao giờ có thể kể hết ra được. Đó là nói đến chiều dài của lịch sử con người từ khi A-đam được dựng nên, còn nếu chỉ nói đến thời kỳ ân điển, nghĩa là từ khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh, thì cũng không thể nào kể hết ra được những điều lạ lùng mà Chúa đã làm, như lời của sứ đồ Giăng đã khẳng định trong tin lành của ông, đoạn 21 câu 25.
GIĂNG 21: 25 – Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm. Ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy.
Nếu các việc lạ lùng mà Đức Chúa Jêsus đã làm là nhiều như vậy thì làm sao chúng ta có thể nhớ hết được để trân trọng từng việc một? Vả lại công việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã làm ra trong đời sống của từng người thì lại rất đa dạng và rất nhiều, ai trong vòng Cơ-đốc-nhân có thể đếm hết được, chớ đừng nói đến việc kể ra chi tiết từng điều một để có thể nhớ lại toàn bộ, theo như mạng lệnh của Chúa trong Thi thiên 105: 6. Mà nếu đã là mạng lệnh thì Cơ-đốc-nhân không thể không làm theo, nhưng làm theo thì làm sao mà nhớ hết tất cả cho được? Vả lại loài người chúng ta chỉ có 365 ngày trong một năm, giả sử như mỗi ngày chúng ta nhớ một việc mà Chúa đã làm thì suốt cả năm cũng không nhớ hết. Mà nếu lấy một đời người là 80 năm, tức là hơn 29,000 ngày để nhớ, thì chắc chắn cũng sẽ không đủ và ai sẽ là người làm công việc nhớ đến từng điều một mỗi ngày suốt 80 năm?
Ngoài ra thì chúng ta cũng biết rằng Cơ-đốc-nhân cần phải hiệp nhất trong cùng một tâm tình khi thực hiện bất cứ điều gì cho Chúa thì như vậy mới được đẹp lòng Ngài và mới được Chúa ở cùng trong công việc mà chúng ta cùng nhau thực hiện. Nhưng như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì những công việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã thực hiện trên đời sống của con dân Ngài thì nhiều lắm và đa dạng lắm, nhưng nếu như chúng ta không thể thống nhất cùng với nhau để nhớ lại từng điều thì làm sao có sự hiệp một được? Thí dụ chẳng hạn như Chúa nhật hôm nay Hội thánh của chúng ta nhớ đến tình yêu của Chúa khi ban cho Hội thánh có thể nhóm họp online một cách trung tính trong suốt gần hai năm qua, mà một Hội thánh khác tại Việt Nam lại đang tạ ơn Chúa vì có nhiều người đã thoát được bệnh ghiền ma túy và đã đứng vững trong đức tin suốt một năm dài, thì như vậy chúng ta đâu có thống nhất với nhau trong việc nhớ đến những điều mà Chúa đã thực hiện vì con dân Ngài. Tạ ơn Chúa về ân điển nầy hoặc là ơn phước kia đều rất tốt, rất chính đáng và đều được đẹp lòng Chúa cả, nhưng nếu nói về nội dung và chi tiết của từng điều một thì chúng ta sẽ không được thống nhất với nhau. Chính bởi lẽ đó mà ít nữa là trong một năm thì toàn thể con dân Chúa trên cả thế giới phải có một ngày đồng một lòng hiệp một ý mà tạ ơn Chúa về công việc lạ lùng mà Chúa đã thực hiện, nhất là đối với tình yêu tuyệt diệu mà Chúa đã làm vì cớ chúng ta.
Thật ra thì mỗi một năm chúng ta đều có những ngày như vậy, chẳng hạn như việc toàn bộ Cơ-đốc-nhân nhớ đến sự chết của Đức Chúa Jêsus vì cớ tội lỗi của chúng ta. Việc tưởng nhớ và kỷ niệm ngày đặc biệt ấy là phù hợp với mạng lệnh của Chúa trong Kinh thánh, như có chép trong 2Ti-mô-thê 2: 8.
2TI-MÔ-THÊ 2: 8 – Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin lành của ta.
Mạng lệnh hãy nhớ đến sự chết và sự sống lại của Chúa đã được toàn bộ Cơ-đốc-nhân trên thế giới thực hiện mỗi năm bằng Lễ thương khó và Lễ phục sinh. Việc chọn ngày trong năm để tiến hành hai ngày lễ ấy là điều có thể thực hiện được và đã được quy định rồi, vì người ta có thể dùng lịch của người Do-thái và các dấu mốc ngày tháng mà Kinh thánh đã bày tỏ để ước định được là vào ngày nào trong năm mà Đức Chúa Jêsus đã chịu thương khó và Chúa đã sống lại vào ngày thứ mấy trong tuần lễ. Bởi lẽ đó mà mặc dầu trong cả Kinh thánh cũng không hề đề cập gì đến lễ Phục sinh nhưng Cơ-đốc-nhân vẫn có lễ ấy mỗi một năm và việc chọn ngày tháng trong năm để tiến hành lễ ấy thì cũng ít có ai phản đối, cả người Tin lành và người Công giáo đều chấp nhận nhng ngày tháng đã quy định để thực hiện lễ ấy một cách thống nhất với nhau. Chỉ có ngày tháng của lễ Giáng sinh là có nhiều người chống đối hơn mà thôi.
Nhưng chúng ta cần phải biết rằng khi con dân Chúa đã có ngày lễ Thương khó và ngày lễ Phục sinh để thực hiện mạng lệnh của Chúa có ghi trong Kinh thánh, thì chúng ta cũng cần phải có ngày lễ Giáng sinh để nhớ lại công việc lạ lùng nhất mà Đức Chúa Trời đã thực hiện vì con người, theo như nội dung của mạng lệnh mà Chúa đã có truyền phán trong Thi thiên 105: 6. Vì nếu Cơ-đốc-nhân không thể nhớ hết từng việc một mà Đức Chúa Trời đã làm cho con cái Ngài thì ít nữa chúng ta cũng phải có một ngày để nhớ đến một cách tổng quát những công việc lạ lùng mà Chúa thực hiện.
Trong tất cả những phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm ra vì cớ con người, như chữa lành các tật bệnh nan y, như việc giải cứu khỏi những nguy hiểm của đời sống, như việc thay đổi một người từ kẻ ác trở nên thiện lành, từ sầu muộn trở nên vui mừng hớn hở, thì tất cả những điều đó đều có thể tóm gọn lại trong Đức Chúa Jêsus. Vì nhờ sự đến của Ngài mà thế giới có được một thời đại mới, là thời kỳ ân điển, là thời kỳ mọi người từ mọi dân tộc đều có thể đến được với Chúa bởi tấm lòng ăn năn nhận biết tội lỗi để từ đó được trở nên con cái của Ngài. Trước đây thì chỉ có dân Y-sơ-ra-ên được gọi là tuyển dân của Chúa, còn sau khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì mọi người thuộc mọi dân tộc trên thế gian đều có thể trở nên con cái của Ngài.
Vả lại, sự giáng sinh của Chúa là một phép lạ lớn nhất từ xưa đến nay đã xãy ra giữa vòng con người, là chính Đức Chúa Trời mang thân xác con người vào trong trần gian bởi một nữ đồng trinh. Vì vậy khi lời của Chúa truyền phán rằng con dân Chúa phải nhớ đến những việc lạ lùng mà Ngài đã làm, thì việc nhớ đến một trong những phép lạ lớn nhất mà Chúa đã thực hiện, là Ngôi Lời đã trở nên xác thịt để ở giữa chúng ta, thì đó là một việc làm chính đáng, có ý nghĩa và chắc chắn là được đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì gồm tóm tất cả mọi phép lạ mà Ngài đã thực hiện vào trong chính đời sống của Đức Chúa Jêsus và sự giáng sinh của Ngài. Bởi vậy cho nên khi nãy tôi mới nói rằng những người phản đối ngày Giáng sinh vào đêm 24 tháng Chạp đã nhơn điều ấy để trở nên thiếu sót trong việc không làm theo mạng lệnh của Chúa đã truyền phán trong Thi thiên 105: 6 là phải nhớ đến các công việc lạ lùng của Chúa. Tôi không chú ý lắm đến việc họ không ăn mừng ngày 24 tháng Mười Hai, nhưng thử hỏi trong suốt cả năm thì họ có chọn một ngày nào đó để làm thành ngày đặc biệt mà nhớ đến công việc lạ lùng nhất mà Đức Chúa Trời đã thực hiện vì cớ con người hay không?
Những người mà tôi biết thì chỉ có phản đối, chỉ trích Cơ-đốc-nhân là tại sao phải ăn mừng ngày Chúa giáng sinh vào đêm 24 tháng Chạp, trong khi đó thì chính họ suốt mười mấy năm nay lại không hề có một ngày đặc biệt nào để nhớ đến sự giáng sinh của Chúa. Có thể họ biện minh rằng họ có nhớ và chỉ nhớ trong tấm lòng mà thôi, chớ không cần bày tỏ ra bên ngoài như bao nhiêu người khác, nhưng thử hỏi sự nhớ như vậy của họ có khác gì là việc nhớ để tạ ơn Chúa trước khi dùng bữa, hoặc nhiều khi còn dành ít thì giờ hơn là nhớ đến một ký ức của ngày xưa, hoặc như nhớ phải ký check trả bills mỗi tuần lễ. Sự nhớ như vậy thì có gì là đặc biệt đâu, trong khi đó thì sự giáng sinh của Chúa là đặc biệt vô cùng, là tuyệt diệu, là đáng trân trọng một cách vui mừng và cần phải được bày tỏ ra bên ngoài. Thành ra những người ấy vì cớ chỉ chú ý để phản đối ngày tháng mà trở nên thiếu sót trong việc thực hiện mạng lệnh của Chúa.
Thật ra thì tôi cũng có nghe những người khác nữa biện minh rằng khi Cơ-đốc-nhân nhớ đến sự giáng sinh của Chúa thì đâu cần phải làm rùm beng lên, chẳng hạn như là có cây giáng sinh, có treo đèn, có bữa ăn nữa đêm, có quà của ông già Nô-ên hay là những cách thức tương tự. Tất cả những điều đó thì họ cho rằng không những là hình thức mà còn mang tính cách của thế gian và của sự mê tín nữa, chẳng hạn như huyền thoại ông già Nô-ên cỡi xe tuần lộc để phát quà cho trẻ em qua đường ống khói lò sưởi. Điều họ nói quả là không sai và tôi không hề có ý muốn bênh việc cho những hình thức đó, nhưng chúng ta cần phải biết là đối với người ngoại thì nhờ những cách thức trang trí như vậy mà cả thế giới ngày hôm nay biết đó là ngày mà con dân Chúa nhớ đến sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu như tất cả con dân Chúa chỉ nhớ đến ngày Giáng sinh một cách thầm lặng, hoặc ngay cả khi cùng nhau chọn một ngày đặc biệt trong năm để mừng Chúa giáng sinh bằng việc tổ chức một buổi ca nhạc thánh thờ phượng và truyền giảng thật lớn, thì điều đó cũng giống như các chiến dịch rao giảng tin lành thường niên của Hội thánh chung trong một năm. Mặc dầu nội dung có thể khác, chẳng hạn như việc các ca đoàn trong các buổi thờ phượng truyền giảng như vậy ngợi khen Chúa hoàn toàn bằng những ca khúc giáng sinh, thì điều đó cũng không làm cho thế giới và loài người chú ý bao nhiêu, ngoại trừ những người được mời, còn những người khác thì vẫn tiếp tục công việc thường ngày của họ, như vậy thì làm sao lễ Giáng sinh trở thành một sự kiện đáng chú ý cho cả thế giới được, như vậy thì làm sao mà mọi người dầu ít hay nhiều đều có thể biết được đó là ngày Giáng sinh?
Chúng ta thử so sánh thì sẽ thấy được điều đó, chẳng hạn như ngày Phật đản của giáo hội Phật giáo. Tỷ lệ của những người biết đến ngày ấy thì đâu có nhiều bằng việc người ta biết đến ngày lễ Giáng sinh. Ngay cả tại Việt Nam là quốc gia có hơn 90% dân chúng theo Phật giáo thì ngày Phật đản cũng không tưng bừng náo nhiệt bằng ngày Giáng sinh. Đó là một thực tế không ai chối cãi được.
Nhưng có lẽ sẽ có người biện minh rằng vì Phật giáo trang nghiêm và hướng về nội tâm nhiều hơn cho nên ngày Phật đản không rần rộ như ngày Giáng sinh, nhưng đó chỉ là lý lẽ mà thôi, vì thật ra thì Cơ-đốc-nhân của chúng ta còn hướng lòng vể Chúa nhiều hơn gấp mấy lần nữa, vì chúng ta có cả một mùa lễ suốt một tháng để chuẩn bị cả về phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể, cả về nội dung lẫn hình thức, chẳng hạn như việc tập hát của chúng tôi cho ngày lễ Giáng sinh lúc còn là thanh niên, thì có năm bắt đầu từ tháng Chín để có thể ngợi khen Chúa cho được hoàn mỹ. Nhưng khi nói về vấn đề nội tâm giống như sự biện minh của người Phật giáo thì chúng ta lấy gì để làm thước đo mà so sánh giữa người nầy với người khác, chỉ có người trong cuộc là biết được mức độ thành tâm của tấm lòng mình là bao nhiêu. Nhưng sự kiện ở bên ngoài thì cho chúng ta thấy được là dấu ấn của ngày Giáng sinh trên sinh hoạt của thế giới là lớn nhất so với các niềm tin khác.
Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể nhớ lại lời của Chúa cho biết là mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời như trong Rô-ma 8: 28 có đề cập đến, thì cũng vậy, sự tưng bừng náo nhiệt, việc có hoa có đèn, việc có cây giáng sinh và việc cả thế giới nhận biết ngày Chúa sinh ra đời là cơ hội giúp cho Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể rao giảng về Chúa thuận lợi hơn và dễ dàng hơn trong thời gian nầy mà thôi. Vì vậy vấn đề quan trọng là Cơ-đốc-nhân chúng ta bày tỏ tấm lòng của mình như thế nào trong mùa lễ Giáng sinh để được đẹp lòng Chúa, còn hình thức bên ngoài thì chỉ là chuyện nhỏ, có để vui thêm mà thôi, miễn là mình đừng để những điều đó làm xao lãng việc chúng ta tập trung nhớ đến tình yêu của Chúa và những công việc lạ lùng mà Ngài đã thực hiện cho loài người chúng ta.
Ngoài ra thì chúng ta cũng nên để ý đến một ý kiến khác của những người phản đối việc mừng Chúa giáng sinh vào ngày 24 tháng Mười Hai. Những người đó cho biết rằng ngày tháng mà giáo hội Công giáo đã chọn để ăn mừng ngày Giáng sinh là căn cứ vào ngày lễ hội thờ thần mặt trời của những dân tộc thờ lạy thần tượng tại vùng Bắc Âu vào thế ký thứ 3 và thứ 4. Điều nầy thì tôi cũng đã có đề cập đến trong Chủ đề ĐỨC CHÚA JÊSUS ĐÃ GIÁNG SINH KHI NÀO vào năm trước cho nên sáng hôm nay tôi chỉ xin nhắc lại một cách ngắn gọn là chúng ta đừng để cho sự quan trọng hóa của ngày tháng làm cho mình xao lãng đi việc cần phải làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời là phải nhớ đến các việc làm lạ lùng của Ngài, vì vậy mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải có một ngày đặc biệt trong năm để nhớ đến sự giáng sinh lạ lùng của Chúa. Bây giờ nếu phải chọn ngày một ngày khác thì ai trong vòng Cơ-đốc-nhân sẽ biết chính xác ngày đó là ngày nào để chọn, và ai sẽ là người làm công việc vận động thuyết phục cả thế giới để có thể chuyển lễ Giáng sinh vào một ngày khác? Nếu chúng ta không thể làm được điều đó thì tại sao lại không dùng cơ hội đang có sẳn để thực hiện mạng lệnh của Chúa là nhớ đến các việc lạ lùng của Ngài, nhất là sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus.
Mặc dầu theo lịch sử thì sự chọn lựa ngày cho lễ giáng sinh của giáo hội Công giáo là dựa vào sự thờ lạy thần tượng của các dân tộc dã man vùng Bắc Âu ngày xưa, nhưng đó đâu phải là lý do hoàn toàn nổi bật đến nỗi chúng ta không dùng ngày 24 để mừng Chúa giáng sinh. Mặc dầu giáo hội Công giáo có nhiều tín lý sai biệt với Lẽ thật trong Kinh thánh nhưng việc chúng ta dùng ngày 24 tháng Mười Hai để mừng Chúa giáng sinh đâu phải là làm theo các giáo lý ấy.
Chúng ta cần phải biết rằng Đức Chúa Trời đã sử dụng nhiều người nhiều cách để làm công việc Ngài, trong đó có cả những người thờ lạy thần tượng và những người không xứng đáng với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa, nhưng dầu vậy thì Chúa vẫn dùng họ khi Chúa muốn, vì Ngài là Đấng có quyền sai khiến mọi loài. Chẳng hạn như khi Đức Chúa Trời sử dụng vua Nê-bu-cát-nết-sa là một người tàn bạo để trừng phạt con dân Chúa và loại trừ sự thờ lạy thần tượng ra khỏi thói quen của dân Y-sơ-ra-ên, hoặc chẳng hạn như Đức Chúa Trời đã dùng vua Si-ru, là một vị vua tàn bạo khác để xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ của Ngài. Đâu phải vì vua Si-ru là người thờ lạy thần tượng mà bạc vàng của ông cung cấp cho hoặc chiếu chỉ của ông ra lệnh cho việc xây sửa Đền thờ của Chúa làm cho nơi ấy không còn xứng đáng để dân Y-sơ-ra-ên đến thờ phượng Ngài? Trong cả vũ trụ nầy thì mọi người mọi vật đều thuộc về Chúa, Ngài muốn sử dụng ai thì tùy ý, ai trong chúng ta dám nói rằng vì Chúa dùng người nầy người kia mà điều đó hoặc ngày tháng đó không xứng đáng cho chúng ta sử dụng để thờ phượng Chúa và tạ ơn Ngài? Chúng ta là ai mà dám đoán xét công việc của Chúa, hoặc việc Ngài sử dụng người nầy mà không sử dụng người kia?
Bởi lẽ đó mà chúng ta thấy rằng vấn đề quan trọng vẫn là tấm lòng của Cơ-đốc-nhân đối với Chúa trong mùa Giáng sinh, còn ngày tháng và hình thức bên ngoài thì chỉ là cơ hội dịp tiện để chúng ta nhớ đến Chúa mà thôi. Nếu vì cứ xét nét ngày nầy ngày kia cho thật vừa lòng mình mà bỏ mất dịp tiện để thực hiện mạng lệnh của Chúa thì hóa ra Cơ-đốc-nhân vì quá coi trọng ngày tháng mà bỏ qua lời phán của Đấng toàn năng, hoặc là vì muốn thỏa mãn cái tôi của mình trong việc đúng sai mà bỏ qua việc phải có một ngày đặc biệt để tạ ơn Chúa đã giáng sinh. Đây cũng là điều mà tôi đã có trình bày chi tiết vào mùa lễ năm trước.
Vì vậy mà trong dịp tiện nầy, tức là mùa Giáng sinh mà cả thế giới ăn mừng thì chúng ta nên nhơn cơ hội nầy mà bày tỏ tấm lòng trân trọng của mình đối với tình yêu giáng thế của Đức Chúa Trời. Vì có sự giáng sinh của Chúa mà chúng ta mới được như ngày hôm nay. Vì sự giáng sinh của Chúa mà chúng ta mới có cơ hội biết chính xác hơn về Đấng Tạo Hóa và được làm con cái của Ngài. Vì vậy mà chúng ta phải cố sức làm đẹp lòng Chúa trong mùa Giáng sinh năm nay cũng như trong mọi thời gian, mọi cơ hội mà chúng ta có trong tương lai. Đó là điều mà Đức Chúa Trời muốn thấy trong Cơ-đốc-nhân và đã được Phao-lô ghi lại trong 2Cô-rinh-tô 5: 9.
2CÔ-RINH-TÔ 5: 9 – Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa.
Các chữ ‘Dầu ở trong thân thể nầy dầu ra khỏi’ cho chúng ta thấy rằng việc hết sức làm đẹp lòng Chúa là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện luôn luôn trong mọi hoàn cảnh, trong mọi cơ hội của đời sống nầy và của cả cõi đời đời mai sau, mà mùa Giáng sinh năm nay là một trong những cơ hội ấy.
Chúng ta biết rằng không có một người nào biết được tương lai trước mặt sẽ ra sao hoặc sẽ có điều gì xãy đến để có thể chuẩn bị trước. Đối với tình hình hiện tại trên cả thế giới thì tương lai càng bấp bênh mờ mịt hơn nữa. Chúng ta có thể thấy vì sự tham quyền mà các chính phủ càng ngày càng dối trá với quần chúng nhiều hơn và người ta vì tham lợi mà không từ bất cứ một thủ đoạn nào để thoả mãn lòng tham của họ, chẳng hạn như việc làm thức ăn giả bán cho người tiêu dùng. Trong xã hội thì tội ác ngày càng nhiều mà trong thiên nhiên cũng có những biến đổi lạ thường. Còn người ta thì đổi trắng thay đen, những lối sống bệnh hoạn bất thường thì xem là bình thường, là điều cần nên khoe khoang ra và muốn mọi người làm theo. Còn lối sống bình thường gương mẫu thì lại cho là lỗi thời, là đáng ghét, là không theo thời thế. Chúng ta có thể đọc biết về những điều đó trên báo chí hàng ngày. Vì vậy mà trong một thời buổi nhiểu nhương hổn loạn như hiện nay thì khi Cơ-đốc-nhân chúng ta có cơ hội để tỏ bày lòng kính yêu trân trọng đối với Chúa và đối với sự giáng sinh lạ lùng của Ngài thì chúng ta phải cố hết sức làm đẹp lòng Chúa, vì không biết năm tới đây Cơ-đốc-nhân chúng ta có còn được cơ hội giống như năm nay hay không. Đó là đối với tình hình bên ngoài, còn đối với từng đời sống cá nhân thì chúng ta cũng không biết được ngày mai sẽ ra thể nào. Chúng ta có thể thấy rằng loài người hiện tại phạm tội bằng đủ mọi cách tinh vi, ngay cả trong giới trí thức nữa. Ngày xưa thì người ta xem những người trí thức là gương mẫu của xã hội, còn ngày hôm nay thì người ta nhơn sự học thức để phạm tội tinh vi hơn, chẳng hạn như các khoa học gia cấy tạo vi trùng ở bên trong phòng thí nghiệm rồi đem ra làm tiêm nhiễm quần chúng để giới cầm quyền dễ dàng điều khiển và thao túng người dân. Chẳng hạn như việc người ta dùng kiến thức điện toán để trộm cắp các thông tin cá nhân, các tài khoản ngân hàng, để lừa đảo, và các quốc gia hiện nay dùng hàng ngàn kỹ sư điện toán để tấn công và trộm cắp lẫn nhau các tài liệu quốc phòng và các bí mật quân sự. Ngày xưa thì những kẻ phạm tội đa số là ít học, nghèo khó, còn ngày hôm nay thì những kẻ phạm tội lại là những người có kiến thức, có bằng cấp cao, có tay nghề chuyên môn trong những nghành kỹ thuật cao chẳng hạn như điện toán, vi trùng, không gian. Ngay cả các chánh án cũng tham nhũng một cách trắng trợn vô cùng, chuyện không nói có, chuyện có nói không, kẻ tội phạm thì được tự do, còn nạn nhân thì bị bịt miệng và cầm tù.
Trong một thời thế như vậy thì tấm lòng của chúng ta đối với Chúa càng phải hết sức trọn thành hơn nữa để giữa sự tối tăm dày đặc của trần gian thì đời sống của chúng ta có thể như ngọn lửa, như ánh sáng, dầu nhỏ bé cách mấy vẫn cố gắng chiếu sáng để được đẹp lòng Chúa như điều mà Ngài muốn chúng ta phải có, như là muối của đất, là ánh sáng của thế gian. Và mùa giáng sinh năm nay là một trong những cơ hội mà chúng ta đang có để bày tỏ tấm lòng cố gắng hết sức của mình để kính yêu Ngài, để ghi nhớ, để trân trọng tình yêu giáng sinh.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng thêm sức cho con dân Chúa được đứng vững trong đức tin giữa thời kỳ hổn loạn nầy để chúng ta tiếp tục vì danh Ngài mà làm chứng tốt cho mọi người. Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót và ban phước đặc biệt cho chúng ta trong mùa Giáng sinh năm nay và trong năm mới trước mặt khi chúng ta biết cố gắng hết sức để làm đẹp lòng Chúa trong mọi lúc ở mọi nơi. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi sáng cho con dân Chúa càng thêm để chúng ta biết lợi dụng mọi cơ hội còn có mà bày tỏ lòng trân trọng kính yêu của mình đối với Chúa cho đến ngày được diện kiến mặt đối mặt với Đấng đã giáng sinh. Amen.