GẮNG SỨC ÐẸP LÒNG CHÚA

Cơ-đốc-nhân chúng ta thờ phượng Ðức Chúa Trời toàn năng, là Ðấng Sống, Chân Thật và đầy vinh hiển. Sự vĩ đại cao cả của Chúa được mô tả trong Kinh thánh, được bày tỏ qua vũ trụ và được kinh nghiệm bởi mỗi tấm lòng của con cái Ngài. Vì đang thờ phượng Ðấng đáng tôn trọng như vậy nên Cơ-đốc-nhân chúng ta sốt sắng truyền giảng, mong muốn nhiều người cùng chúng ta tôn vinh Ngài, giống như tinh thần của câu Kinh thánh được ghi lại trong Thi thiên của Ða-vít:

(Thi thiên 34: 3) Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài.

Cơ-đốc-nhân chúng ta luôn luôn muốn bày tỏ lòng tôn trọng Ðức Chúa Trời, và nếu được hỏi rằng chúng ta có yêu Chúa hay không thì chắc chắn là 100% con cái Chúa trả lời rằng có. Dầu vậy, lời nói của chúng ta ít khi được bày tỏ ra bằng hành động. Cơ-đốc-nhân yêu Chúa nhưng đáng tiếc là trong sinh hoạt hằng ngày của đời sống chúng ta rất ít khi cố gắng hết sức để được đẹp lòng Chúa.

Khi chúng ta xem xét hoạt động và cách hành xử của người thế gian thì có một điều mà Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể thấy được rõ ràng là con người rất thường cố gắng để làm đẹp lòng nhau. Nếu cần phải đưa ra các thí dụ về điều đó thì chúng ta sẽ có rất nhiều, chẳng hạn như: Khi một người thanh niên đang yêu thì sẽ cố hết sức để làm vừa lòng người yêu của mình. Khi một người con hiếu thảo với cha mẹ thì sẽ cố hết sức để làm cha mẹ vui lòng. Khi một người công nhân quý mến chủ thì sẽ cố hết sức để làm việc, sẳn sàng đi sớm về trễ để làm chủ được hài lòng. Kinh thánh cho biết là ngày xưa những người phải làm nô lệ tạm thời để trả nợ, nếu yêu mến chủ thì có thể tự nguyện để làm nô lệ suốt đời:

(Phục truyền 15: 16) Nhưng nếu kẻ tôi mọi ngươi nói rằng: Tôi không muốn đi ra khỏi nhà chủ (vì nó mến ngươi và gia quyến ngươi, lấy làm thỏa lòng phục dịch ngươi), thì bấy giờ, ngươi phải lấy một cái dùi, để tai người kề cửa mà xỏ, vậy người sẽ làm tôi tớ ngươi luôn luôn. Ngươi cũng phải làm như vậy cho tớ gái mình.

Kinh thánh cũng cho chúng thấy một thí dụ khác về người lính, khi được tuyển lựa vào đội ngũ, thì hết lòng tận tụy để làm đẹp lòng người đã chiêu mộ mình:

(2Ti-mô-thê 2: 4) Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình.

Vì vậy, từ xưa đến nay chúng ta thấy có những người lính sẳn sàng quên nhà cửa, vợ con, để suốt đời chinh chiến vì kẻ mà họ ngưỡng mộ, khâm phục. Nhưng trong phương diện thuộc linh, nhiều khi Cơ-đốc-nhân chúng ta đối với Ðức Chúa Trời còn thua cả người thế gian đối với nhau. Mặc dầu nói ra thì không được khích lệ, nhưng đó là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận.

Vì vậy Kinh thánh mới dùng hình thức so sánh để nhắc nhở con dân Chúa ngày xưa về việc họ thiếu sự cố gắng để làm đẹp lòng Chúa, chẳng hạn như khi dâng của lễ:

(Ma-la-chi 1: 8) Khi các ngươi dâng một con vật mù làm của lễ, điều đó há chẳng phải là dữ sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc đau, điều đó há chẳng phải là dữ sao? Thử dâng nó cho quan trấn thủ ngươi, thì người há đẹp lòng và vui nhận cho ngươi sao? Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vậy.

Ðó là tâm lý vẫn thường có trong nếp sống của Cơ-đốc-nhân. Khi khuyên một người anh chị em đi nhóm ngày Chúa nhật thì chúng ta có thể nghe câu trả lời rằng chừng nào rổi rãnh tôi sẽ đi. Khi trả lời như vậy thì họ đã đặt việc ra mắt Chúa để thờ phượng Ngài xuống hàng thứ yếu. Nếu một người công nhân nói với chủ hãng rằng để rổi rãnh rồi mới tới làm việc thì chắc anh chẳng bao giờ thấy được đồng lương ra làm sao, nhưng bị đuổi việc là điều chắc chắn. Nếu một học sinh nói với thầy cô giáo hoặc hiệu trưởng của trường rằng để rổi rãnh rồi mới đến học tập thì chắc chẳng bao giờ em học sinh ấy lên được lớp cao hơn, nhưng bị đuổi học là điều chắc chắn. Vậy mà đối với Ðức Chúa Trời thì nhiều Cơ-đốc-nhân cư xử y như vậy.

Có nhiều Cơ-đốc-nhân ít khi đi thờ phượng Chúa đúng giờ. Họ viện dẫn rằng nhà thờ có lúc nào nhóm đúng giờ đâu mà phải đi đúng giờ. Nhưng thật ra việc chúng ta đi đúng giờ là vì Chúa chớ không phải vì thời khóa biểu. Vì nếu không hiểu thì suy nghĩ cách như vậy chẳng khác gì nói rằng người ta chạy xe cẩn thận cũng bị tai nạn hoài, vậy tôi đâu cần lái xe cẩn thận làm chi.

Nếu Cơ-đốc-nhân biết áp dụng phương pháp so sánh mà Ðức Chúa Trời và Ðức Chúa Jêsus đã dùng trong cả Cựu ước và Tân ước để dạy dỗ chúng ta thì chắc sẽ thấy được yếu điểm trong nếp sinh hoạt cũng như đời sống đạo của chính mình (khi so sánh với người thế gian) hầu có thể sửa đổi lại, trở nên tốt hơn để đẹp lòng Ðức Chúa Trời.

Vì vậy để gắng sức đẹp lòng Chúa thì Cơ-đốc-nhân cần phải cố gắng hết mực trong mọi việc mà mình thực hiện, theo tinh thần của Kinh thánh đã bày tỏ:

(1Cô-rinh-tô 10: 31) Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.

Khi một người công nhân bước vào hãng để làm việc thì phải suy nghĩ rằng Ðức Chúa Trời đang quan sát để thấy sự cố gắng của mình ngày hôm nay. Cơ-đốc-nhân không thể bị chê bai là một công nhân vụng về hoặc là kẻ lường giờ công của chủ:

(Cô-lô-se 3: 23) Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.

Khi một học sinh bước vào trường thì phải nhớ rằng việc học tập của mình là cốt để có thứ hạng cao hầu Ðức Chúa Trời được khen ngợi và sáng danh. Cơ-đốc-nhân không thể bị chê bai là một học sinh lười biếng và có thứ hạng cuối lớp:

(Châm ngôn 23: 12) Hãy chuyên lòng về sự khuyên dạy, và lắng tai nghe các lời tri thức.

(Châm ngôn 19: 2) Lòng thiếu tri thức ấy chẳng phải một điều hay; vả kẻ nào vội bước bị vấp phạm.

Khi một tôi tớ Chúa ngồi xuống để soạn bài giảng thì phải nhớ rằng đây là những lời mà Ðức Chúa Trời sẽ nghe, để chú tâm làm hài lòng Ngài trước khi làm hài lòng Hội thánh, ngay cả trong trường hợp truyền giảng cho người chưa biết Chúa:

(Ga-la-ti 1: 10) Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

Khi một thương nhân buôn bán giữa thị trường thì phải nhớ là Ðức Chúa Trời đang xem xét hoạt động của mình có được chính đáng, xứng hiệp hay không. Cơ-đốc-nhân không thể bị chê bai là một thương gia lừa đảo, gian lận được:

(Châm ngôn 11: 1) Cây cân giả lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; Nhưng trái cân đúng được đẹp lòng Ngài.

Trên đây chỉ là những thí dụ mà chúng tôi cậy ơn Chúa để nhắc nhở chúng ta là Cơ-đốc-nhân đang sống giữa đời biết cố gắng làm đẹp lòng Ðấng đã yêu thương và đã vì chúng ta chịu chết trên thập tự giá. Cầu xin Chúa thêm sức và khích lệ mỗi chúng ta khi biết tìm mọi cách làm vui lòng Ngài. A-men.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *