ÐƯỢC ÐỨC CHÚA TRỜI THƯƠNG XÓT
Một trong những mỹ đức của Ðức Chúa Trời mà Cơ-đốc-nhân thường ghi nhớ và nhắc đi nhắc lại cho chính mình cũng như làm chứng cho người chưa biết Chúa là lòng nhân từ thương xót của Ðức Giê-hô-va. Ðây là điều mà Kinh thánh cũng đã đề cập đến thường xuyên, như có chép trong Thi ca của vua Ða-vít:
(1Sữ ký 16: 34) Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là nhân từ; Sự thương xót Ngài còn đến đời đời.
Trong lịch sữ Kinh thánh cho thấy Ðức Chúa Trời đã từng tỏ lòng thương xót của Ngài đối với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 24: 27), đối với Lót (Sáng thế ký 19: 16), đối với dân Y-sơ-ra-ên, từng hô danh Ngài là Ðấng thương xót khi đi ngang qua trước mặt Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 34: 6). Khi giáng sanh vào trong trần gian Ngài đã từng thương xót những kẻ bệnh hoạn, đui mù, tàn tật (Ma-thi-ơ 14: 14).
Vì vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta phải kể mình là những người may mắn hơn hết vì được biết, được chọn để trở thành con cái, dân sự của Ðức Chúa Trời hay thương xót. Nhưng có hai vấn đề quan trọng mà chúng ta thường lầm lẫn là nghĩ rằng việc được Chúa thương xót là điều Cơ-đốc-nhân đương nhiên nhận được và ít thường suy nghĩ về việc làm thế nào để mỗi chúng ta xứng đáng với lòng thương xót của Chúa.
Trong vấn đề thứ nhất, là khi Cơ-đốc-nhân cho rằng việc được Chúa thương xót là điều đương nhiên bất kể mình yếu đuối, phạm tội bao nhiêu lần. Vì suy nghĩ như vậy nên có người thí dụ rằng đời sống của con người giống như cây bút chì mà tình yêu của Chúa qua Ðấng Christ giống như cục gôm. Khi cây bút chì viết sai thì cục gôm sẽ tẩy xóa đi không còn lại dấu vết gì. Chúng tôi thiết tưởng họ còn suy nghĩ thêm rằng trong đời thuộc thể cục gôm có thể mòn rồi một ngày nào đó sẽ hết; nhưng trong cõi thuộc linh thì cục gôm của tình yêu Ðấng Christ sẽ không bao giờ mòn, không bao giờ hết, vì thế nên con người cứ tiếp tục phạm tội và Ðức Chúa Trời sẽ cứ tiếp tục tha thứ họ qua tình yêu của Ðấng Christ.
Quả thật tình yêu của Ðức Chúa Trời là bao la, vô giới hạn, không bao giờ cạn tắt, như câu Kinh thánh vừa trưng dẫn, nhưng cũng không thể vì lẽ đó mà con người cứ tiếp tục phạm tội, không bao giờ cố gắng sửa sai hoặc thay đổi để sống tốt hơn.
Chúng ta thử xem xét lời của Chúa đã ghi lại trong Kinh thánh để biết những sự dạy dỗ về vấn đề nầy như thế nào. Rõ ràng rằng Ðức Chúa Trời đã chọn giòng dõi của Áp-ra-ham để làm tuyển dân của Ngài và Chúa yêu thương họ. Ðức Chúa Trời đã bày tỏ lòng thương xót của Ngài khi dân Y-sơ-ra-ên khổ nhọc dưới ách nô lệ tại Ai-cập. Chúa đã làm phép lạ để cứu họ ra được tự do. Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên cứ tiếp tục cứng cõi, không chịu vâng phục Chúa thì Ngài phán hỏi họ rằng:
(Xuất Ê-díp-tô ký 16: 28) Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Các ngươi chẳng chịu vâng giữ điều răn và luật pháp ta cho đến chừng nào?
Câu hỏi nầy không phải để hỏi riêng Môi-se, mà qua Môi-se Ðức Chúa Trời hỏi cả đoàn dân Y-sơ-ra-ên về việc họ cứ bất tuân mạng lệnh của Ngài. Nếu sự thương xót của Chúa là điều đương nhiên dân Y-sơ-ra-ên nhận được một cách vô điều kiện vì đã là tuyển dân của Chúa thì Ngài phán hỏi họ bằng câu Kinh thánh trên để làm chi? Ngài cứ tiếp tục thương xót họ chẳng thôi thì đã đủ rồi!
Nếu sự nhân từ thương xót của Ðức Chúa Trời là điều đương nhiên con dân Chúa nhận được bất kể đời sống họ như thế nào thì Ngài không cần phải trách móc họ qua câu Kinh thánh sau:
(Dân số ký 12: 27) Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Dân nầy khinh ta và không tin ta cho đến chừng nào, mặc dầu các phép lạ ta làm giữa chúng nó?
(Dân số ký 14: 27) Ta sẽ chịu hội chúng hung dữ nầy hay lằm bằm cùng ta cho đến chừng nào? Ta đã nghe lời lằm bằm của dân Y-sơ-ra-ên oán trách ta.
Khi Ðức Chúa Trời phán rằng dân Y-sơ-ra-ên khinh Ngài thì điều đó có nghĩa là trong quan niệm của họ, vì Ðức Chúa Trời là Ðấng yêu thương và nhân từ, nên trách nhiệm của Ngài là cứ phải thương xót, còn họ thì không cần phải cố gắng sống đẹp lòng Ngài. Khi suy nghĩ như vậy thì họ đã gián tiếp tự đặt địa vị của họ cao hơn Chúa (vì họ không cần phải vâng phục Chúa, còn Ngài thì có trách nhiệm là cứ phải làm điều con người muốn, là cho họ được hưởng sự thương xót). Với quan niệm như vậy thì thử hỏi ai là chủ, ai là Chúa? Chúng ta hẳn biết câu trả lời là như thế nào. Vì vậy mà Ðức Chúa Trời đã phán rằng dân Y-sơ-ra-ên khinh dễ Ngài.
Nếu sự nhân từ thương xót của Ðức Chúa Trời là vô điều kiện, là điều mà con dân Chúa đương nhiên nhận được bất kể đời sống của họ phạm tội như thế nào hoặc yếu đuối ra sao, thì Ðức Chúa Trời hẳn đã không trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên như điều đã được ghi lại trong Kinh thánh:
(Dân số ký 14: 33) Con cái các ngươi sẽ chăn chiên nơi đồng vắng trong bốn mươi năm, và sẽ mang hình phạt vì tội thông dâm của các ngươi, cho đến chừng nào thây của các ngươi đã ngã rạp hết trong đồng vắng.
Ðọc đến đây hẳn có một vài người phản đối và biện minh rằng những sự việc trên chỉ xãy ra trong thời kỳ Cựu ước, là thời kỳ của luật pháp khắc khe, cứng rắn; nhưng trong thời Tân ước thì sự thương xót của Chúa lớn lao hơn. Nếu nói như vậy thì chúng ta phải xem xét đến những câu Kinh thánh khác có ghi trong các sách tin lành, khi Ðức Chúa Jêsus lên tiếng trách những người ít đức tin và chẳng tin, trong đó có cả môn đồ Ngài và những người Pha-ri-si:
(Ma-thi-ơ 17: 17) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ nhịn nhục các ngươi cho đến khi nào? Hãy đem con đến đây cho ta.
Sự quở trách của Ðức Chúa Jêsus không phải chỉ cho riêng cho ma quỉ hoặc người Pha-ri-si, mà trong các câu gốc sau đó Kinh thánh cũng cho chúng ta thấy sự ít đức tin của các môn đồ đến nổi không thể cậy ơn của Chúa để đuổi quỉ được:
(Ma-thi-ơ 17: 19-20) Môn đồ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi riêng rằng: Vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỉ ấy được? Ngài đáp rằng: Ấy là tại các ngươi ít đức tin: vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được.
Người Pha-ri-si dẫu giả hình nhưng vẫn thuộc về tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy nếu quả sự thương xót của Chúa là vô điều kiện, là điều đương nhiên con dân của Ngài đều nhận được thì Ðức Chúa Jêsus quở trách họ làm chi?
Nhưng vấn đề nầy không ngừng lại tại đây. Không phải chỉ những kẻ giả hình như dòng Pha-ri-si không nhận được sự thương xót của Chúa, mà ngay đến cả các Cơ-đốc-nhân thuộc Hội thánh Ðầu tiên, nếu không cẩn thận giữ mình cho xứng đáng, mà cứ tiếp tục khinh lờn địa vị đã có của mình trong Ðấng Christ, tự nghĩ rằng mình đã tin Chúa và chắc đương nhiên nhận được sự thương xót của Ngài thì thật kẻ đó còn lầm lẫn lắm, như điều đã được chép trong câu Kinh thánh sau:
(Hê-bơ-rơ 12: 16-17) Hãy coi chừng, cho trong anh em chớ có ai gian dâm, cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng. Thật vậy, anh em biết rằng đến sau, người muốn cha mình chúc phước cho, thì lại bị bỏ; vì dẫu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi.
Theo như ý nghĩa của câu Kinh thánh trên thì nếu một Cơ-đốc-nhân (là người được gọi là anh em) mà phạm tội tà dâm (trong phương diện thuộc linh hay trong phương diện thuộc thể) thì là người khinh lờn địa vị làm con cái Ðức Chúa Trời (giống như Ê-sau khinh thường địa vị phước hạnh của người con trưởng trong gia đình) và sẽ có nguy cơ bị từ bỏ khỏi ân điển của Ðấng Christ (giống như Ê-sau mất quyền trưởng nam). Không phải là vô lý mà Ðức Chúa Trời cho ghi câu chuyện của Ê-sau khinh quyền trưởng nam vào trong Kinh thánh. Cũng không phải là vô lý khi trong thư tín Hê-bơ-rơ câu chuyện nầy được nhắc lại và nhấn mạnh rằng dẫu Ê-sau có khóc lóc cầu xin cũng không thể thay đổi được sự mất quyền con trưởng. Ðiều nầy có nghĩa rằng mặc dầu sự thương xót của Chúa là bao la, nhưng nếu Cơ-đốc-nhân không cẩn thận để sống đẹp lòng Chúa thì sẽ đánh mất sự thương xót ấy, chỉ còn lại hình phạt mà thôi. Ðây là tín lý quan trọng cho cả mọi người, dầu là sống trong thời kỳ Cựu ước hay trong thời đại Tân ước, dầu là tuyển dân Y-sơ-ra-ên thuộc thể hay là Cơ-đốc-nhân thuộc linh, và vì thế mà tín lý nầy đã được lời của Chúa nhấn mạnh trong các câu trong đoạn 10 của thư Hê-bơ-rơ rằng:
(Hê-bơ-rơ 10: 26-27) Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.
Chúng ta biết lẽ thật đã được bày tỏ ra trong thời kỳ Tân ước, sau khi Ðức Chúa Jêsus đã dâng sự sống Ngài làm của lễ đền tội cho cả nhân loại và thực hiện trọn vẹn chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời trên thập tự giá, mà lời của Chúa được chép trong thư tín gởi cho người Hê-bơ-rơ (là thư được viết ra sau khi Ðức Chúa Jêsus đã thăng thiên về trời) lại nhấn mạnh đến việc không còn có tế lễ nào có thể chuộc tội cho người cố tình phạm tội, khinh lờn sự thương xót của Chúa, thì hẳn đó là điều mà mỗi Cơ-đốc-nhân chúng ta phải cảnh giác. Chúng ta cần phải biết rằng sự thương xót của Chúa đòi hỏi Cơ-đốc-nhân phải hết sức cố gắng cậy ơn Chúa để tránh tái phạm những tội lỗi cũ và trở nên người mới trong Chúa, bước theo đường công bình của sự nên thánh thật, bằng không thì sẽ không còn được thương xót và dẫu có khóc lóc nài xin trong ngày cuối cùng khi phải đối diện với sự phán xét của Chúa thì cũng không thể thay đổi được án phạt đã định cho kẻ khinh lờn ơn thương xót của Chúa trong những ngày còn sống nơi trần gian nầy.
NHỮNG CÂU KINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN