THÁNH KINH GIÁI LUẬN / Ê-phê-sô 6: 14

ĐỨNG VỮNG TRONG ĐỜI THUỘC LINH

Câu gốc: Ê-PHÊ-SÔ 6: 14 – Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình.

– Đây là một trong những mạng lệnh của Chúa dành cho Cơ-đốc-nhân.
– Con dân Chúa phải là những người mạnh mẽ trong đời thuộc linh. Một Cơ-đốc-nhân yếu đuối không bao giờ được đẹp lòng Đức Chúa Trời.
– Hiểu biết Lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Cơ-đốc-nhân được đứng vững.
– Một đời sống công bình là phương cách hiệu quả nhất để có thể đương cự lại sự tấn công của ma quỉ.

Như điều mà tôi đã từng trình bày với quý Hội thánh trước đây, thì Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta muốn mỗi một Cơ-đốc-nhân phải đứng vững trong đời thuộc linh. Vì vậy mà trong Kinh thánh có nhiều câu gốc nhắc nhở con dân Chúa về điều nầy. Sự nhắc nhở như vậy không phải là một lời khuyên hay một sự gợi ý, mà là một mạng lệnh Cơ-đốc-nhân cần phải làm. Tất cả chúng ta đều biết rằng khi nói về lời khuyên và sự gợi ý thì chúng ta có muốn làm theo hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mình, nhưng khi đó là một mạng lệnh của Chúa thì Cơ-đốc-nhân không thể nào từ chối được. Vì nếu đã là mạng lệnh của Đức Chúa Trời, tức là mạng lệnh của Vua và của Đấng làm Chủ đời sống chúng ta, thì cần phải cố hết sức để vâng lời và làm theo. Vì nếu Cơ-đốc-nhân từ chối không làm theo mạng lệnh của Chúa thì hành động đó sẽ bị kể như là một sự bất tuân, là sự thiếu vâng lời. Nói một cách khác thì khi Cơ-đốc-nhân biết vâng phục để làm theo các mạng lệnh của Chúa thì chúng ta sẽ được đẹp lòng Chúa và nhờ đó mà được Ngài ban thưởng cho. Còn nếu Cơ-đốc-nhân không chịu làm theo thì chắc chắn là chúng ta không thể nào đẹp lòng Chúa được và như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến việc nhận được ơn phước từ nơi Ngài. Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân biết được điều nào là mạng lệnh của Chúa và biết cố hết sức để thực hiện thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy đời sống mình được may mắn và được ban phước nhiều hơn, như lời Kinh thánh đã có khẳng định về điều ấy và có chép trong (Giô-suê 1: 8).

GIÔ-SUÊ 1: 8 – Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.

Vì vậy khi chúng ta đọc đến câu Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay thì mạng lệnh đầu tiên mà Chúa muốn con cái Ngài phải làm là Hãy Đứng Vững Trong Đời Thuộc Linh. Mặc dầu trong câu gốc nầy thì lời của Chúa chỉ ghi một cách ngắn gọn là hãy đứng vững, nhưng chúng ta biết được ngay lập tức là Chúa muốn chúng ta đứng vững trong đời thuộc linh. Ấy là bởi vì trong đời thuộc thể thì sức khỏe của chúng ta khác nhau và vì tuổi tác khác biệt mà sự đi đứng của mỗi người cũng có thể khác nhau. Chẳng hạn như những em bé mới đầy năm thì chắc chắn là nhiều em đi không vững cho nên cần phải được cha mẹ nâng đỡ, nhưng khi đã lớn hơn một chút, nhất là khi đã trưởng thành rồi thì có thể đi đứng vững vàng, thậm chí có khả năng chạy nhảy và chơi thể thao một cách dễ dàng. Nhưng đối với các người lớn tuổi và khi cơ thể đã bị suy yếu thì bước đi của họ cũng không còn vững nữa, bởi lẽ đó mà những người lớn tuổi cần phải nhờ đến gậy chống hoặc nhờ con cháu dìu đi, bằng không thì sẽ bị té ngã. Đó là về phương diện thuộc thể, vì vậy mà đối với mạng lệnh hãy đứng vững trong câu gốc nầy thì chúng ta biết ngay rằng Đức Chúa Trời đang truyền phán về phương diện thuộc linh. Vì trong cõi thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân không có tình trạng già yếu và đi không nổi, mà chỉ có tình trạng còn là con đỏ nên không đứng vững nỗi trong phương diện đức tin mà thôi. Tình trạng con đỏ như vậy đã được Kinh thánh đề cập đến và có ghi lại trong (1Cô-rinh-tô 3: 1).

1CÔ-RINH-TÔ 3: 1 – Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì trong phương diện thuộc linh chỉ có hai tinh trạng thể chất, đó là tình trạng con đỏ của những người mới tin nhận Chúa và tình trạng trưởng thành của những Cơ-đốc-nhân đã thấu hiểu lời Kinh thánh. Khi nói đến đây thì chúng ta cần phải biết thêm một điều nữa là trong phương diện thuộc linh thì việc tin Chúa lâu năm vẫn chưa được kể là đã trưởng thành trong đức tin, vì như điều đã xãy ra trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên thì có nhiều Cơ-đốc-nhân đã tin Chúa và theo Chúa nhiều năm nhưng vẫn bị kể là con đỏ trong đức tin, như lời Kinh thánh vừa được trưng dẫn khi nãy trong 1Cô-rinh-tô 3: 1 và như trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay. Vì vậy tôi chỉ xin đọc lại từ câu thứ 11 cho đến câu 14 để chúng ta cùng suy gẫm với nhau.

HÊ-BƠ-RƠ 5: 11-14 – Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói, và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình, vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.

Trong các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng lời Kinh thánh đã cho biết là có nhiều Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ dầu rằng đã tin Chúa lâu năm rồi nhưng vẫn còn là con đỏ trong đời thuộc linh vì họ chưa thông hiểu Kinh thánh, cho nên bởi lẽ đó mà cần phải có người tiếp tục giảng dạy những điều sơ học cho họ. Và trong câu Kinh thánh nầy cũng cho thấy một trong những nguyên nhân mà các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ không thể trưởng thành được trong phương diện thuộc linh. Đó là họ không chịu khó suy gẫm và thực hành sự dạy dỗ của Kinh thánh, mà lời của Chúa gọi là luyện tập để phân biệt điều lành và điều dữ.

Tình trạng con đỏ lâu năm trong phương diện thuộc linh là điều không thể chấp nhận được trong đời sống của Cơ-đốc-nhân. Ấy là vì tình trạng con đỏ sẽ làm cho Cơ-đốc-nhân dễ dàng bị dẫn dụ bởi những lý thuyết sai lầm của các loại đạo giả, mà Kinh thánh gọi là đạo lạc, như điều đã được chép trong (Ê-phê-sô 4: 14).

Ê-PHÊ-SÔ 4: 14 – Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.

Trong đời sống thuộc thể và trong xã hội loài người thì chúng ta thường thấy có nhiều trẻ em bị người ta dụ dỗ và bắt cóc, bởi vì các em còn nhỏ bé chưa đủ khôn ngoan để phân biệt người xấu và người tốt. Cũng một thể ấy, khi Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục ở trong tình trạng là con đỏ trong phương diện thuộc linh thì con dân Chúa sẽ dễ dàng bị người ta dẫn dụ mà theo họ chớ không phải là theo Chúa, mặc dầu bề mặt vì vẫn cứ tưởng như là mình đang tin theo Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ.

Tất cả chúng ta đều biết rằng ma quỉ là kẻ chống nghịch lại với Đức Chúa Trời và nó thường dùng nhiều cách để làm cho Cơ-đốc-nhân hụt mất phần thưởng cứu rỗi của Chúa. Một trong những cách nham hiểm nhất của nó là làm cho Cơ-đốc-nhân tưởng rằng mình đang theo Chúa mà thật ra là đang theo đường lối của loài người. Sa-tan không bao giờ trực tiếp bảo Cơ-đốc-nhân từ bỏ Chúa. Nó biết nếu nó nói như vậy thì tất cả các Cơ-đốc-nhân đều phản đối 100% và sẽ không bao giờ nghe nó nữa. Vì vậy mà nó tìm cách làm cho Cơ-đốc-nhân đi sai lạc khỏi con đường chính đáng mà Đức Chúa Trời đã chỉ định để rồi cuối cùng con dân của Chúa phải mất phần thưởng đời đời của mình. Đây là điều mà lời của Chúa đã có nhắc nhở từ xưa, như có chép trong (Châm ngôn 14: 12).

CHÂM NGÔN 14: 12 – Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.

Mưu chước của ma quỉ là làm cho người tin lẫn người chưa tin đều bị lầm lẫn giữa cái tốt và cái đúng, cho nên vì vậy mà người chưa tin vẫn thường từ chối đầu phục Chúa vì nghĩ rằng họ cũng đang đi trên một con đường tốt trong phương diện tâm linh. Thậm chí ngay cả Cơ-đốc-nhân cũng vẫn bị lầm lẫn về mưu chước của ma quỉ mà tuyên bố rằng đạo nào cũng tốt, cũng dạy làm lành lánh dữ nên mình không nên nói rằng đạo nầy đúng đạo kia sai. Việc con dân Chúa bị ma quỉ lừa dối cách như vậy giữa điều tốt và điều đúng đã được Đức Chúa Trời biết trước từ buổi ban đầu, vì vậy mà đối với dân Y-sơ-ra-ên thì Chúa đã từng phán dạy họ bằng Đức-Thánh-Linh qua lời của các đấng tiên tri, như điều đã được chép trong (Ê-sai 30: 21).

Ê-SAI 30: 21 – Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!

Và khi Đức Chúa Jêsus thi hành chức vụ của Ngài ở trên đất thì Chúa cũng đã từng phán bảo rõ ràng cho con dân Ngài biết về con đường chính đáng và đúng đắn của Đức Chúa Trời là con đường nào, như lời của Ngài đã được ghi lại trong (Giăng 14: 6).

GIĂNG 14: 6 – Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là Đường đi, Lẽ thật, và Sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.

Chính Đức Chúa Jêsus đã phán bảo rằng Ngài là Con đường duy nhất mà chỉ bởi đó con người mới đến được với Đức Chúa Trời và nhận được sự cứu rỗi mà thôi. Nhưng ma quỉ thì cũng cố gắng lừa gạt con dân Chúa ngay cả trong sự nhận biết như vậy, bằng cách làm cho Cơ-đốc-nhân tưởng rằng mình đang đi trên con đường của Đức Chúa Jêsus mà quên không kiểm tra lại rằng có đúng như vậy hay không. Chúng ta thử cùng nhau nhớ lại các chữ quan trọng trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì sẽ thấy được điều đó. Ấy là trong câu thứ 14 của Hê-bơ-rơ đoạn 5 thì lời của Chúa cho biết rằng Cơ-đốc-nhân trưởng thành là người hay suy nghiệm lời Kinh thánh để phân biệt điều lành và điều dữ, như đã được chép trong (Hê-bơ-rơ 5: 14).

HÊ-BƠ-RƠ 5: 14 – Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.

Khi Kinh thánh đề cập đến đền điều lành và điều dữ thì lời của Chúa có ý muốn nói đến điều đúng và điều sai đặt căn bản theo luật pháp của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, chớ không phải là theo quan điểm thiện ác của thế gian. Con đường đúng đắn đặt trên căn bản luật pháp của Đức Chúa Trời đã được đề cập đến trong (Thi thiên 119: 33).

THI THIÊN 119: 33 – Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa, thì tôi sẽ giữ lấy cho đến cuối cùng.

Lời Kinh thánh trong câu gốc nầy cho thấy rằng con đường chánh đáng và đúng đắn mà Cơ-đốc-nhân đáng phải theo là con đường được đặt căn bản trên luật lệ của Chúa về điều đúng và điều sai, tức là điều nên làm và điều nên tránh, chớ không phải là con đường giống theo quan điểm thiện ác của con người. Một thí dụ dễ thấy nhất về sự khác nhau giữa con đường đúng đắn của Đức Chúa Trời và con đường thiện ác của người thế gian là việc báo hiếu cho mẹ cha đã qua đời. Đối với người thế gian thì việc cúng giổ là điều tốt, nhưng đối với luật pháp của Đức Chúa Trời thì đó lại là sự thờ lạy hình tượng. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết Kinh thánh để phân biệt được điều đúng sai và nhờ đó mà có thể đứng vững trong đời thuộc linh theo như mạng lệnh của Chúa đã truyền phán.

Những sự dẫn dụ của ma quỉ để làm cho Cơ-đốc-nhân đi con đường sai lầm mà vẫn cứ tưởng rằng mình đang theo Chúa thì không phải chỉ xãy ra trong thời đại ngày nay nhưng đã xãy ra từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên, từ lúc mà các sứ đồ của Đức Chúa Jêsus vẫn còn đang sống và đang giảng dạy cho con dân Chúa. Điều đó đã được Kinh thánh đề cập đến trong (2Tê-sa-lô-ni-ca 2: 7).

2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 7 – Vì đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi; song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi.

Theo như lời của Chúa trong phần Kinh thánh nầy thì công việc và mưu chước của ma quỉ để dẫn dụ Cơ-đốc-nhân là làm cho con cái Chúa tưởng rằng mình đang theo Chúa mà thật ra là đang theo quan điểm của loài người, tức là không dựa vào căn bản của Kinh thánh. Một trong những bằng chứng về điều đó đã được lời của Chúa bày tỏ tiếp theo trong câu thứ 9 và thứ 10 (2Tê-sa-lô-ni-ca 2: 9-10).

2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 9-10 – Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả; dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi.

Trong hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy được thí dụ điển hình về sự dẫn dụ của ma quỉ đối với Cơ-đốc-nhân. Ấy là nó làm cho Cơ-đốc-nhân tưởng rằng mình đang sống trong sự yêu thương, nhưng thật ra đó lại là sự yêu thương không theo lẽ thật trong Kinh thánh. Lời của Chúa trong câu thứ 10 khẳng định rằng chỉ có sự yêu thương của lẽ thật, tức là yêu thương theo lẽ thật trong lời của Chúa thì mới giúp cho Cơ-đốc-nhân được cứu rỗi mà thôi, ngoài ra thì dầu có yêu thương mà không theo lẽ thật của Chúa thì điều đó chẳng giúp ích chi hết cho chúng ta trong đời thuộc linh. Tôi xin được đưa ra một vài thí dụ về tình yêu thương của một số người Mỹ theo chủ nghĩa nhân đạo của thời kỳ hiện đại để minh họa cho sự khác nhau giữa hai cách yêu thương mà Kinh thánh có đề cập đến. Chúng ta biết rằng ở đâu cũng có chuột, vấn đề là có ít hay nhiều mà thôi. Và con chuột thì rất phá phách vì cớ nó thuộc loại gậm nhấm và phải nhai cắn đủ mọi thứ để bào mòn bớt mấy cái răng cửa của nó. Răng cửa của chuột thì khác với răng cửa của con người. Khi người ta trưởng thành thì bốn cái răng cửa không phát triển nữa. Chúng chỉ chờ lúc già yếu rồi rụng mất mà thôi. Còn trong loài chuột thì bốn cái răng cửa của nó sẽ cứ tiếp tục mọc dài suốt đời. Vì vậy mà nó phải gậm nhắm luôn luôn như là cách để bào mòn sự mọc dài của bốn cái răng cửa đó. Vì vậy mà nếu có chuột trong nhà thì nó sẽ cắn đồ đạt dần dần hư hết. Chính bởi lẽ đó mà người ta phải diệt chuột để bảo vệ đồ đạt và cấu trúc trong nhà. Đây là chuyện rất bình thường không có gì đáng để nói nhiều. Nhưng với quan điểm nhân bản ngày hôm nay thì nhiều người Mỹ bẫy chuột mà không muốn giết chết chúng. Họ lấy lý do nhân đạo và bảo vệ sự quân bình môi trường trong giới động vật cho nên chỉ bẫy chuột bằng những loại bẫy không làm cho chuột đau đớn. Sau đó thì họ đem thả chúng tại một chỗ khác để bày tỏ lòng nhân đạo của họ. Chúng ta thử suy nghĩ về điều đó mà xem, nếy bắt chuột tại chỗ nầy rồi thả ra tại chỗ khác thì là một việc làm vô ích. Chẳng lẽ nó không biết chạy về hang ổ cũ của nó. Còn nếu nơi thả quá xa mà nó không về lại được chỗ cũ thì chắc chắn nó sẽ tìm một căn nhà khác để làm ổ. Thế thì lòng yêu thương của họ hóa ra lại làm hại cho người khác, thậm chí còn làm hại cả môi trường nữa. Theo các chuyên gia sinh vật học thì các loại gậm nhấm như chuột sinh sản rất nhiều. Chỉ cần vài thế hệ thì một cặp chuột có thể sinh ra đến hàng trăm ngàn con và chúng sẽ tàn phá môi trường mà chúng trú ngụ. Nhưng không phải chỉ có loài chuột mới tàn phá như vậy mà thôi, đối với một số loài khác thì cũng giống như thế. Chẳng hạn như tại tiểu bang Florida thì có một vài người thả trăn gió mà họ nuôi làm cảnh vào thiên nhiên vì nghĩ rằng nhốt nó trong chuồng tội quá. Nhưng việc làm của họ đã làm hại cho khu vực đầm lầy của tiểu bang vì hiện nay theo ước tính của các chuyên gia động vật học thì có hơn 200,000 con trăn gió loại Miến điện đang tàn sát các loài động vật khác tại các đầm lầy của tiển bang Florida, đến nỗi chính phủ đã phải treo giải thưởng là 200 đô-la cho việc bắt hoặc giết được một con trăn gió, còn đối với cá sấu thì là 50 đô. Tại Úc-đại-lợi thì có tình trạng khủng hoảng vì có quá nhiều thỏ sau khi một số người thả cho chúng vào trong thiên nhiên. Thỏ ở tại Úc đông như kiến và phá hại mùa màng mỗi năm lên đến hàng tỷ đô-la, cũng như làm cạn kiệt môi trường sống cho các loài thú khác. Cho đến ngày hôm nay thì chính phủ Úc vẫn chưa giải quyết được nạn thỏ rừng.

Đó chỉ là một vài thí dụ để minh họa về sự khác nhau giữa việc yêu thương theo quan điểm của con người và yêu thương theo căn bản lẽ thật trong Kinh thánh. Chỉ có yêu thương theo Lẽ thật thì mới đẹp lòng Đức Chúa Trời mà thôi, và đó mới chính là con đường đúng đắn để theo Chúa, chớ không phải là sự suy nghĩ đơn giản của nhiều người rằng hễ yêu thương thì đã làm trọn luật pháp rồi, bất kể rằng sự yêu thương đó là theo quan điểm của con người, chẳng hạn như việc phóng sanh và ăn kiêng. Chính vì vậy mà chúng ta thấy Kinh thánh cho biết rằng dẫu Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nhưng Ngài không bao giờ dung túng cho tội lỗi. Ngài vẫn tạo ra hỏa ngục để trừng phạt kẻ có tội đời đời đời tại đó.

Bởi vậy cho nên đối với mạng lệnh Hãy đứng vững trong đời thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân cần phải học biết nhiều về Kinh thánh để nhờ đó có thể vâng lời Chúa và thực hiện mạng lệnh nầy một cách thành công. Như khi nãy tôi có đề cập đến thì nếu Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục ở mãi trong tình trạng con đỏ thuộc linh thì không thể nào đứng vững được, nhất là khi bị ma quỉ dẫn dụ hoặc tấn công. Chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân trưởng thành trong Chúa thì lúc đó sự đứng vững mới là điều chắc chắn và chúng ta mới có thể cự địch lại ma quỉ trong chiến trận thuộc linh một cách hữu hiệu để đạt được thắng lợi mà Chúa muốn, như điều mà Kinh thánh đã có đề cập đến trong (Ê-phê-sô 6: 13).

Ê-PHÊ-SÔ 6: 13 – Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng.

Trở lại với phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì quý Hội thánh đã có thể thấy được bí quyết mà lời của Chúa đã dạy dỗ để nhờ đó Cơ-đốc-nhân có thể trưởng thành trong đức tin và thực hiện được mạng lệnh Hãy đứng vững trong đời thuộc linh, ấy là Cơ-đốc-nhân phải thường thường dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và điều dữ. Bí quyết nầy cho thấy rằng Cơ-đốc-nhân không phải chỉ theo Chúa bằng việc đến nhà thờ nghe giảng rồi sau đó về nhà tiếp tục sống cuộc đời như bao nhiêu người khác trong trần gian. Việc nghe lời của Chúa trong Kinh thánh là cần thiết, nhưng để có thể thực hiện được bí quyết mà lời của Chúa đã bày tỏ để được trưởng thành trong đức tin thì Cơ-đốc-nhân cần phải suy gẫm sâu xa thêm và phải áp dụng những điều mà Chúa đã dạy dỗ vào đời sống mình mỗi một ngày.

Theo thực tế cho thấy thì thông thường Cơ-đốc-nhân chỉ nghe lời của Chúa rồi dừng lại tại đấy mà ít khi làm theo. Hoặc nếu có làm theo thì chỉ thực hiện những điều mà mình thấy dễ dàng mà thôi. Như vậy thì Cơ-đốc-nhân chưa đạt được đến mức độ mà lời của Chúa đã gọi là luyện tập như trong Hê-bơ-rơ 5: 14 có đề cập đến. Sự luyện tập là chữ có ý nói đến một hành động được làm đi làm lại mỗi ngày cho đến độ quen thuộc, nhuần nhuyễn và trở thành một thói quen, trở thành một phần đời của mình không thể bỏ được.

Chúng ta thử suy nghĩ đến thí dụ sau đây thì có thể hiểu được chữ dụng tâm tư luyện tập mà Kinh thánh đã nói đến là như thế nào. Trong cuộc sống hàng ngày thì tất cả mọi người đều thích hoặc đều hãnh diện nếu mình có một thân hình đẹp. Chính vì vậy mà người ta hay phô trương hoặc chỉ dẫn người khác cách làm sao để có một thân thể đẹp hoặc tráng kiện. Những điều đó thường thu hút được nhiều người xem trên các mạng xã hội. Nhưng chúng ta cũng biết rằng nếu không chịu khó và kiên trì tập luyện thì không ai có được một thân hình đẹp giống như vậy. Nhưng khi một người đã chịu tập luyện rồi thì cũng không phải một sáng một chiều mà đạt được kết quả mong muốn. Người đó phải tập nhiều năm một cách thường xuyên và bền bĩ thì mới có thể đạt được. Ngay cả khi đã đạt được rồi thì cũng phải tiếp tục tập luyện nữa để giữ cho cơ thể mình ở mức độ đó, bằng không thì kết quả sẽ chẳng tồn tại lâu và cơ thể sẽ trở lại trạng thái như trước. Chính vì vậy mà Phao-lô đã được Chúa soi dẫn để dùng hình ảnh của các vận động viên thể thao để bày tỏ sự kiên trì tập luyện trong phương diện thuộc linh, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong (1Cô-rinh-tô 9: 25).

1CÔ-RINH-TÔ 9: 25 – Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.

Vì vậy Cơ-đốc-nhân phải cố gắng lắm trong sự luyện tập thuộc linh về các mạng lệnh của Chúa trong Kinh thánh hầu có thể trưởng thành mà đứng vững trên chân của mình. Nhưng tại điểm nầy thì lại có thêm những điều đáng đề cập đến nữa. Ấy là Cơ-đốc-nhân thường chỉ thích nghe mà ít khi muốn làm theo. Thí dụ như nếu Cơ-đốc-nhân được hỏi rằng có cầu nguyện hay không, thì chắc chắn là tất cả các Cơ-đốc-nhân đều nói có. Nhưng nếu hỏi thêm một câu nữa là có cầu nguyện mỗi ngày hay không, thì lập tức con số người nói có sẽ sụt giãm ngay, không còn ở mức 100% nữa. Về việc suy gẫm Kinh thánh cũng vậy. Thông thường thì Cơ-đốc-nhân chỉ có nghe bài giảng ngày Chúa nhật không mà thôi, còn những ngày khác trong tuần lễ thì ít khi đọc Kinh thánh lắm. Nếu tất cả các các Cơ-đốc-nhân đều tham gia các lớp học Kinh thánh thì tốt lắm, nhưng chúng ta biết là trong một Hội thánh thì không bao giờ số người học Kinh thánh có thể bằng được với số người đi nhóm ngày Chúa nhật, chớ đừng nói đến là bằng 100% nhân số của cả Hội thánh. Để cho dễ hiểu thì các con số sẽ như thế nầy. Thí dụ Hội thánh có một trăm người, thì số người đi nóm ngày Chúa nhật có thể là từ 80 đến 90, nhưng số người học Kinh thánh thì nhiều lắm là có thể chỉ đến 40 hoặc 50 mà thôi, nhiều khi còn ít hơn thế nữa. Với tình trạng chung như vậy thì sẽ có bao nhiêu Cơ-đốc-nhân thực hiện được mạng lệnh của Chúa để trưởng thành và để có thể đứng vững trong đời thuộc linh?

Thêm một điều nữa cần phải đề cập đến ở đây, ấy là ngay cả khi Cơ-đốc-nhân chịu đi nhóm để nghe giảng và chịu tham gia các lớp học Kinh thánh thì cũng chưa hẳn là hoàn toàn nắm vững được điều mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong lời của Ngài. Thí dụ như sáng hôm nay, mặc dầu câu gốc nền tảng của chúng ta là ở trong Ê-phê-sô 6: 14-17, vì là để cho trọn nghĩa mới dùng luôn cả 4 câu, nhưng thật ra thì chúng ta mới suy gẫm đến 3 chữ mà thôi, là hãy đứng vững. Nhưng chắc là quý Hội thánh còn nhớ là đã có lần có một con cái Chúa cho biết là trong một lớp học Kinh thánh kia thì người hướng dẫn tuyên bố rằng trong tháng nầy chúng ta sẽ học thơ 1Cô-rinh-tô, rồi tháng sau học 2Cô-rinh-tô. Thử hỏi trong một tháng mà học hết thơ 1Cô-rinh-tô thì Cơ-đốc-nhân học được bao nhiêu điều sâu xa trong đó? Tôi thì chưa bao giờ dám tuyên bố với quý Hội thánh rằng trong một tháng mà tôi có thể giải bày cặn kẽ kỹ lưỡng với quý Hội thánh về mọi lẽ thật trong thư Giu-đe, vốn chỉ có một đoạn mà thôi. Tôi đã từng thưa trình với quý Hội thánh rằng vì Kinh thánh là lời của Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối nên một đời người không thể học hết được tất cả mọi lẽ thật có ẩn chứa trong đó, nhưng vì việc theo Chúa của chúng ta là đời đời và tiến trình nên thánh của Cơ-đốc-nhân cũng là đời đời nên chúng ta phải suy gẫm lời của Chúa một cách kỹ lưỡng để bày tỏ lòng trân trọng của mình đối với lời của Đấng Toàn Năng và những điều mà mình đã học hiểu được thì phải áp dụng ngay, phải thực hành liền thì như vậy mới có thể đẹp lòng Chúa và mỗi ngày được trưởng thành trong đức tin. Bởi lẽ đó mà Chúa mới cho biết là lời của Ngài còn lại đời đời, tức là lời Kinh thánh vẫn còn được sử dụng trong cõi đời đời để cho Cơ-đốc-nhân được tiếp tục học hiểu thêm về Chúa ngay cả sau khi đã vào Thiên đàng rồi. Còn nếu Cơ-đốc-nhân chỉ suy gẫm lời của Chúa lớt phớt trên bề mặt mà thôi, hoặc cho rằng mình đã học Kinh thánh đủ rồi thì điều đó sẽ bị xem như là sự coi thường lời của Đấng Toàn Năng. Chúng ta thử nghĩ mà xem, lời của Đấng đã tạo dựng nên cả vũ trụ bao nầy mà khoa học không thể khám phá ra hết được nhưng Cơ-đốc-nhân thì chỉ cần vài ba năm hoặc vài ba mảnh bằng là có thể hiểu hết được thì chúng ta là ai và Đức Chúa Trời là Đấng thế nào? Một vài danh tác của con người mà người ta đọc còn chưa hiểu hết, thì Cơ-đốc-nhân không nên nói rằng mình đã học Kinh thánh đủ rồi hoặc hiểu hết các lẽ thật trong Kinh thánh rồi.

Nhưng đó là về phần Cơ-đốc-nhân bình thường, còn về phần người rao giảng thì lời của Chúa cũng đã nhắc nhở rằng chúng ta phải luôn luôn đặt trọng tâm của sự rao giảng của mình là giúp cho con cái Chúa hiểu biết về Lẽ thật nhiều hơn, chớ không phải là rao giảng để thỏa mãn tâm lý của người nghe hoặc để trình bày quan điểm riêng của cá nhân về cách thế nào để theo Chúa. Trọng tâm về việc Cơ-đốc-nhân cần phải hiểu biết lẽ thật là ý muốn của Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong (1Ti-mô-thê 2: 4).

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Vì sự hiểu biết lẽ thật là ý muốn của Chúa và hễ ai làm theo ý muốn Ngài thì được còn lại đời đời nên sứ đồ Phao-lô đã hết sức giảng dạy về lẽ thật chẳng thôi cho con dân Chúa, như lời của ông đã đề cập đến điều đó và đã được ghi lại trong (2Phi-e-rơ 1: 12).

2PHI-E-RƠ 1: 12 – Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi.

Sự cố sức rao giảng một cách bền bĩ, thường xuyên và kiên trì của Phi-e-rơ như vậy đáng phải là tấm gương cho mọi người hầu việc Chúa trong mọi thời đại. Người nghe có thể vì tâm lý cá nhân mà chỉ muốn nghe điều êm tai và hợp với sở thích, nhưng người hầu việc Chúa thì phải rao giảng đúng theo ý muốn của Chúa hầu có thể xứng đáng là tôi tớ trung thành và biết vâng lời Ngài. Chỉ có sự rao giảng như vậy mới giúp cho con cái Chúa hiểu biết nhiều về lẽ thật. Chỉ có sự rao giảng như vậy mới giúp cho con cái Chúa trưởng thành để đứng vững trong đời thuộc linh theo như mạng lệnh của Chúa đã truyền phán trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay. Chỉ có làm như vậy thì người giảng lẫn người nghe mới có thể đẹp lòng Đức Chúa Trời và Hội thánh của Ngài ở trên đất sẽ nhờ đó mà được phước, được bảo vệ và được cất lên trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.

Cơ-đốc-nhân thường chỉ có một hoặc hai lần được học hỏi lời của Chúa trong những lần nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày Chúa nhật và trong các lớp học Kinh thánh mà thôi, bởi lẽ đó mà con dân Chúa cần phải cố gắng lợi dụng thì giờ và những cơ hội như vậy để trau dồi thêm cho mình sự hiểu biết Kinh thánh càng rõ ràng, sâu xa, chi tiết và chắc chắn hơn để có thể trưởng thành mà đứng vững trong đời thuộc linh, chớ đừng để phí uổng những cơ hội như vậy cho những chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện râu ông nầy cắm càm bà kia hoặc những chuyện phiếm thường được bàn tán trong xã hội loài người. Sự hiểu biết rõ ràng về các mạng lệnh của Chúa và làm theo là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện để được đẹp lòng Chúa, để bày tỏ lòng kính yêu Chúa và để chúng ta được phước trong cuộc đời nầy cũng như trong đời sau, như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã có nhắc nhở và đã được ghi lại trong (Giăng 15: 10).

GIĂNG 15: 10 – Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục nhắc nhở con dân Chúa bằng lời của Ngài trong Kinh thánh để Cơ-đốc-nhân có thể được thức tỉnh mà tìm mọi cách để được lớn lên trong đức tin. Cầu xin Đức-Thánh-Linh giải bày lời của Chúa một cách sâu xa hơn nữa cho những Cơ-đốc-nhân có lòng tìm kiếm và suy gẫm các mạng lệnh của Chúa trong Kinh thánh để làm theo. Và cũng cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục dẫn dắt Cơ-đốc-nhân đi đúng con đường lẽ thật của Ngài cho đến khi con dân Chúa được hội tụ đông đủ trong tiệc cưới Chiên Con trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Amen.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *