ĐỨC TIN (p. 3)

Sau khi đã xem xét qua một cách sơ khởi về định nghĩa của đức tin và biết rằng nếu chỉ tin bằng lời mà không có thái độ vâng phục hoặc thực hành tin kính (sống đạo) cặp theo thì đó chưa được kể là đức tin thật, thì chúng tôi xin được trình bày thêm về các dạng đức tin mà Kinh thánh đã dạy dỗ hầu để mỗi một người trong chúng ta biết đức tin của mình đã có tăng trưởng hay chưa.

Khi nói đến các dạng đức tin thì chúng tôi muốn trình bày trước tiên về đời sống có đức tin ít ỏi. Theo như lời phán dạy của Đức Chúa Jêsus thì người có đức tin ít là người hay lo lắng, bất an:

(Ma-thi-ơ 6: 30) Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!

Sự lo lắng mà Chúa muốn dạy dỗ chúng ta ở đây khác với sự lo lắng cần thiết của một người có trách nhiệm muốn hoàn thành bổn phận của mình. Có nhiều người không biết những khác biệt giữa hai sự lo lắng ấy nên thường phản đối ý tưởng của Kinh thánh mà nói rằng làm sao một người không khỏi lo lắng khi vẫn còn sống trong trần gian nầy và phải mưu cầm cơm ăn áo mặc hàng ngày. Để phân biệt, chúng tôi gọi hai sự lo lắng là cần thiết và không cần thiết.

Sự lo lắng cần thiết là quan tâm, suy nghĩ, ưu tư đến những vấn đề quan trọng cho sự sống (cả thuộc linh và thuộc thể), chẳng hạn như việc Đa-vít lo lắng về linh hồn của ông:

(Thi thiên 13: 2) Tôi phải lo lắng nơi linh hồn tôi, hằng ngày buồn thảm nơi lòng tôi cho đến bao giờ? Kẻ thù nghịch tôi sẽ trổi hơn tôi cho đến chừng nào?

Sứ đồ Phao-lô ngày xưa cũng lo lắng về đức tin của con cái Chúa trong các Hội thánh mà ông đã cậy ơn của Đức Thánh Linh để thành lập:

(2Cô-rinh-tô 11: 28) Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh.

Hoặc như vua Sa-lô-môn lo làm sao để có được sự không ngoan mà dẫn dắt dân sự của Chúa:

(Truyền đạo 7: 25) Ta lại hết lòng chuyên lo cho hiểu biết, xét nét, kiếm tìm sự khôn ngoan và chánh lý muôn vật, lại cho biết rằng gian ác là dại dột, và sự dại dột là điên cuồng.

(2Sữ ký 1: 10) Vậy, xin Chúa ban cho tôi sự khôn ngoan và tri thức, để tôi ra vào trước mặt dân sự nầy; vì ai dễ xét đoán được dân của Chúa rất đông dường kia?

Về phương diện thuộc thể cũng vậy, sự lo lắng cần thiết là quan tâm đến sự đầy đủ những nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống:

(Châm ngôn 31: 10-13) Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được? Giá trị nàng trổi hơn châu ngọc. Lòng người chồng tin cậy nơi nàng, người sẽ chẳng thiếu huê lợi. Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, chớ chẳng hề sự tổn hại. Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi, lạc ý lấy tay mình mà làm công việc.

Đối với sự lo lắng cần thiết thì Chúa muốn tôi con Ngài phải có, vì đó là bổn phận và trách nhiệm. Nhưng nếu Cơ-đốc nhân không biết lo lắng về những điều cần thiết liên quan đến sự sống thuộc linh hay thuộc thể của mình thì như vậy sẽ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, như lời của Chúa đã quở trách dân Y-sơ-ra-ên và các tín đồ vô tâm ngày xưa:

(Ê-sai 32: 10) Trong một năm và mấy ngày nữa, các ngươi là kẻ không lo lắng, sẽ đều run rẩy, vì mùa nho sẽ mất, và mùa gặt cũng không có nữa.

(Giê-rê-mi 16: 12) Còn các ngươi lại làm xấu hơn tổ phụ mình; vì, nầy, các ngươi ai nấy đều theo sự cứng cỏi của lòng ác mình, chẳng lo nghe ta.

(Rô-ma 1: 28) Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng.

Thậm chí Đức Chúa Jêsus còn gọi những kẻ không chịu lo lắng cho bầy chiên mình (hoặc Hội thánh mà mình đang hầu việc) là kẻ chăn thuê:

(Giăng 10: 13) Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên.

Bởi vì việc người chăn lo lắng cho bầy súc vật của mình, hoặc trong phương diện thuộc thể, người tôi tớ Chúa lo lắng cho Hội thánh mà đã được Đức Chúa Trời giao phó, là điều cần phải có:

(Châm ngôn 27: 23) Hãy rán biết cảnh trạng bầy chiên con, và lo săn sóc các đàn bò của con;

(1Phi-e-rơ 5: 2) Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm.

Chính vì sự lo lắng như vậy là cần thiết và quan trọng trong đời sống của tôi con Chúa (tức là biết quan tâm đến trách nhiệm mà mỗi người chúng ta cần phải thực hiện) nên Chúa đã khích lệ Cơ-đốc nhân nên trao những lo lắng đó cho Ngài (chớ không phải là vứt bỏ những lo lắng ấy) để Chúa có thể thêm sức cho mà hoàn tất bổn phận cần phải làm:

(1Phi-e-rơ 5: 7) Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.

Còn đối với những lo lắng không cần thiết thì lời của Chúa phán dạy rằng chúng ta phải từ bỏ, vì nếu cứ giữ lấy chúng thì người đó bị kể là ít đức tin, như câu gốc mà chúng tôi đã trưng dẫn trong Ma-thi-ơ đoạn thứ 6.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *