ĐỨC TIN (p. 2)

Khi trình bày đến đây thì chắc Cơ-đốc nhân chúng ta có thể tuyên bố ngay rằng mình đang trông mong nhận được sự cứu rỗi trong Chúa. Phải, điều đó là thật, vì tất cả Cơ-đốc nhân đều có thể nói được như vậy. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta ít khi sống với đức tin, hay nói một cách khác, là có hành động tương xứng với đức tin của mình. Vì nếu chúng ta đọc lại câu gốc trong 2Phi-e-rơ vừa trưng dẫn ở trên thì có thể thấy một cách rõ ràng rằng Chúa muốn chúng ta phải sống đời nên thánh và thực hành tin kính mỗi một ngày như là bằng chứng của một người có đức tin. Đây là điều mà ít người trong chúng ta chịu khó để thực hiện. Thậm chí có một mục sư mà chúng tôi gặp cách nay gần hai mươi năm, đã từng tuyên bố trong một buổi tu nghiệp mục sư truyền đạo đoàn rằng tôi con của Chúa không cần phải nói đi nói lại vấn đề nên thánh, vì điều đó lỗi thời rồi. Chúng tôi không có cơ hội để hỏi rằng theo quan điểm của người ấy thì điều gì được xem là hợp thời cho Cơ-đốc nhân ngày hôm nay. Nhưng nếu căn cứ trên lời của Chúa thì vấn đề nên thánh phải là một trong những mục tiêu của người có đức tin, có nghĩa là của người có lòng trông mong nhận được sự cứu rỗi trong Đấng Christ.

Cũng một thể ấy, suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại để làm rõ vấn đề, thì nếu Cơ-đốc nhân không chú ý đến vấn đề làm sao để chính mình có thể nên thánh thì người ấy chưa có đức tin thật trong Chúa, vì không hề quan tâm đến việc mình sẽ được cứu hay không, bởi vì sự nên thánh là yếu tố quyết định để một người có thể được cứu vào Thiên đàng, là nơi Đức Chúa Trời ngự trị:

(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

Vì vậy, nếu Cơ-đốc nhân chúng ta suy nghĩ về đức tin một cách sơ sài mà không tìm hiểu cho rõ ràng thì có nguy cơ sẽ phải hối tiếc đời đời trong ngày Đấng Christ trở lại trần gian. Đó là lý do mà chúng tôi muốn trình bày đôi điều về chủ đề đức tin.

Yếu tố thứ hai của đức tin là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. Trong phương diện thuộc linh thì Đức Chúa Trời và linh hồn là những điều mà mắt người không thể nhìn thấy được. Khi Cơ-đốc nhân chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời thực hữu thì đó là bằng cớ của một đời sống có đức tin. Nhưng cũng như yếu tố về sự trông mong, nếu Cơ-đốc nhân chỉ tin rằng có Đức Chúa Trời mà không bày tỏ ra bằng hành động sống đạo của mình, thì đó cũng chưa gọi là đức tin thật. Vì theo lời Kinh thánh, ma quỉ cũng tin rằng có Đức Chúa Trời nhưng nó không hề chịu vâng phục Ngài:

(Gia-cơ 2: 19) Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ.

Nhìn vào đời sống của Cơ-đốc nhân thì chúng ta có thể thấy rằng nhiều người, dầu đi nhà thờ mỗi tuần, tham gia các sinh hoạt của Hội thánh, vẫn không chịu sống vâng phục các mẫu mực trong Kinh thánh. Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa việc chưa thể sống xứng đáng với việc không muốn sống xứng đáng. Ai trong chúng ta cũng có những kiếm khuyết riêng, nên dễ vấp phạm. Dầu vậy khi chúng ta biết ý muốn của Chúa, nhất là trong vấn đề nên thánh, và muốn làm theo nhưng chưa làm nổi thì đó là vì còn yếu đuối, chưa cầu nguyện đủ, chưa có sức mạnh thuộc linh của một đời sống đã trưởng thành trong Chúa. Sự cố gắng mà chưa thành công trong đời thuộc linh khác với việc không muốn làm theo ý Chúa. Có nhiều người xưng mình là Cơ-đốc nhân, là tôi tớ của Chúa, nhưng không hề chú ý, không hề đề cập đến vấn đề cần phải sống nên thánh (nhiều người còn xỏ xiên mỗi lần nghe đề cập đến đề tài nầy). Thậm chí họ còn chạy theo xu hướng của thế gian trong lời nói, trong cử chỉ, trong quan niệm sống, thậm chí du nhập cả đường lối, phương pháp của thế gian vào trong sự thờ phượng Chúa giữa Hội thánh. Những người ấy không nhớ, hoặc chẳng màng quan tâm đến lời Kinh thánh đã dạy dỗ là Cơ-đốc nhân phải có đời sống biện biệt khỏi các xu hướng của thế gian:

(Rô-ma 12: 2) Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Có nhiều người rất phản đối câu gốc trên, biện minh rằng vì còn sống trong thế gian thì làm sao khỏi bị thế gian ảnh hưởng. Nhưng nói như vậy là sai, vì Kinh thánh đã cho chúng ta biết nguyên tắc về sức mạnh của Đức Chúa Trời, là Đấng ở với chúng ta mạnh hơn kẻ ở với họ, có nghĩa là quyền năng của Chúa trong đời sống Cơ-đốc nhân rất lớn, dư sức giúp chúng ta thắng hơn các ảnh hưởng của thế gian, chỉ có điều là Cơ-đốc nhân có chịu nhờ cậy sức của Chúa hay không mà thôi:

(2Sữ ký 32: 7) Khá vững lòng bền chí, chớ sợ, chớ kinh hãi trước mặt vua A-si-ri và đám quân đông đảo theo người; vì có một Đấng ở cùng chúng ta thắng hơn kẻ ở với họ.

(Giê-rê-mi 17: 7) Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình.

Vì vậy, theo định nghĩa của đức tin thì Cơ-đốc nhân phải biết chắc rằng mình sẽ được cứu rỗi và bày tỏ sự biết chắc ấy bằng cách thực hành tin kính và tập tành sống một đời nên thánh. Đó cũng là cách để chúng ta bày tỏ với mọi người về bằng cớ của niềm tin trong Đức Chúa Trời là Đấng mắt thường không thể thấy được. Thêm nữa, dùng mẫu mực của lời Kinh thánh về định nghĩa của đức tin có thể giúp mỗi người chúng ta xác định được đức tin của chính mình đang ở mức độ nào, hầu có thể tỉnh thức mà sửa đổi hoặc hoàn thiện cho ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *