ĐỨC TIN (p. 1) (bổ sung)
Lúc Đức Chúa Jêsus Christ còn đang thi hành chức vụ của Ngài ở trên đất thì Chúa đã từng phán rằng con người cần phải tin nơi đạo của Ngài thì mới có cơ hội được nhận vào Thiên đàng khi Ngài tái lâm:
(Mác 1: 14-15) Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Jêsus đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin lành của Đức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.
Trong lời phán trên thì Đức Chúa Jêsus cho biết rằng sự trở lại của Ngài là gần lắm, và mọi người cần phải biết ăn năn về các tội lỗi mà cá nhân mình đã phạm, kế đến là phải biết tin nơi đạo mà Ngài đã giảng dạy, tức là tin nơi sự chịu chết chuộc tội cho cả loài người của Ngài. Như vậy, hai yếu tố quan trọng mà Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố rằng con người cần phải có để được sự sống đời đời là sự biết ăn năn và có đức tin nơi chính Ngài. Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến đức tin mà thôi, còn về sự ăn năn thì chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Có những yếu tố rất quan trọng cần phải có trong niềm tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là đức tin. Mặc dầu Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại và giáng sinh vào trong trần gian để chịu chết thế cho tội lỗi của con người, nhưng một người muốn đến gần Đức Chúa Trời và được đẹp lòng Ngài thì cần phải có đức tin:
(Hê-bơ-rơ 11: 6) Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
Theo như lời Kinh thánh đã khẳng định ở trên thì ngoài đức tin ra, con người không thể nào được xem là có đời sống đẹp lòng Đấng Tạo Hóa, bất kể người đó có đời sống thiện lành như thế nào theo quan điểm của cá nhân hoặc kiểu mẫu truyền thống của xã hội.
Để nhấn mạnh về tầm quan trọng của đức tin thì chúng ta có thể suy nghĩ ngược lại một chút như thế nầy để hiểu rõ về câu gốc trên. Rằng, nếu loài người tự nghĩ ra một cách sống nào đó, chẳng hạn như một phương pháp tự hoàn thiện chính mình hoặc thực hiện một hành động bác ái theo quan điểm cá nhân, mà vẫn có thể làm đẹp lòng Đấng Tạo Hóa, thì họ đã gián tiếp cho rằng lời của Ngài trong Kinh thánh là không chính xác. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thật và lời của Ngài không bao giờ sai lầm. Khi lời của Ngài phán rằng chỉ có đức tin mới được xem là sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì đức tin là yếu tố duy nhất, không còn có một điều nào khác nữa. Vì vậy, có suy nghĩ về câu gốc trên một cách đảo ngược như thế thì chúng ta mới thấy được rằng quan niệm thờ phượng Thượng Đế của thế gian từ xưa đến này đều hoàn toàn sai lầm và không hữu ích gì cho con người trong cố gắng tìm cách đến gần với Đức Chúa Trời bằng các phong tục cổ truyền hoặc bằng các hình thức theo quan điểm cá nhân.
Thêm nữa, khi chúng ta suy nghĩ về các chữ ‘tin rằng có Đức Chúa Trời’ trong câu gốc trên thì điều đó không có nghĩa là chỉ hiểu đơn thuần trên bề mặt về các chữ ấy, mà phải nhờ đến Kinh thánh để chỉ cho chúng ta biết chữ tin thật sự có ý nghĩa như thế nào. Lời của Chúa được ghi trong Kinh thánh cho biết là sự tin rằng có Đức Chúa Trời, hay còn gọi là đức tin, chỉ có thể có được khi người ta nghe rao giảng về các lời phán của Đức Chúa Jêsus:
(Rô-ma 10: 7) Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.
Cũng theo sự khẳng định của câu gốc trên thì chúng ta có thể hiểu rằng việc loài người thờ phượng Đấng Tạo Hóa mà không bởi sự rao giảng về các lời phán của Đức Chúa Jêsus thì đều là vô ích, và mặc dầu họ tin rằng có một Đấng Cao Cả đang cai quản vũ trụ nầy, thì niềm tin đó vẫn không được kể là đức tin. Nhờ vào câu gốc nầy mà chúng ta mới thấy được sự sai lầm và thiếu hiểu biết lời Chúa của nhiều người, nhất là những người có địa vị trong các giáo hội, khi tuyên bố rằng đạo nào cũng dẫn người ta đến với Đức Chúa Trời, hoặc đạo nào cũng đang thờ phượng Đức Chúa Trời. Theo như ý nghĩa của câu gốc trên thì Allah của đạo Hồi không phải là Đức Chúa Trời, và sự họ thờ phượng đó không thể được xem là đang thờ phượng Chúa, niềm tin của họ không thể được xem bằng với đức tin của Cơ-đốc-nhân, vì họ không bao giờ muốn nghe rao giảng về Đức Chúa Jêsus hoặc lời phán của Ngài. Cũng một thể ấy, niềm tin của dân gian Việt Nam vào một Thượng Đế (hay còn gọi là Ông Trời) cũng không thể gọi là đức tin vì niềm tin đó không xuất phát từ việc nghe lời rao giảng của Đức Chúa Jêsus.
Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải cẩn thận giữ mình trước những luận thuyết rằng đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng thờ Trời. Vì nếu tôi con của Chúa nghĩ như vậy thì hóa ra gián tiếp cho rằng việc Đức Chúa Trời giáng sinh vào trong trần gian để làm người và chịu chết trên thập tự giá là vô ích, vì tất cả con người đều tốt (!) mặc dầu theo các đạo giáo có tín lý khác với lời Kinh thánh. Nếu tôi con Chúa nghĩ rằng đạo nào cũng tốt, vì đều dạy làm lành lánh dữ, và đạo nào cũng thờ Trời, thì chẳng lẽ đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, tín đồ của các tôn giáo không nghe và không tin nơi lời phán của Ngài cũng đều được cứu vào trong Thiên đàng hay sao?
Quan điểm thế giới hòa đồng trong phương diện tôn giáo (co-exist) là một trong các luận thuyết nguy hiểm, đã làm ảnh hưởng đến đức tin của rất nhiều tôi con Chúa trong thời đại ngày nay. Cơ-đốc-nhân chúng ta phải rất cẩn thận với quan điểm ấy.
Trở lại với vấn đề đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì nhiều Cơ-đốc-nhân lại có quan điểm khác, là rất dễ dãi và xem thường ý nghĩa của hai chữ đức tin.
Rất nhiều Cơ-đốc nhân thường tưởng rằng sự cầu nguyện tin Chúa là đã đủ, hoặc chỉ cần tin rằng có Đức Chúa Trời thì xem như là thỏa mãn được điều kiện để được vào Thiên đàng. Vì vậy mới có tín lý rằng hễ tin là được cứu, chớ không hề chịu tìm hiểu xem rằng Cơ-đốc-nhân phải tin như thế nào mới được gọi là đức tin thật. Có lẽ nguyên do vì một số Cơ-đốc nhân dầu có đọc Kinh thánh nhưng ít khi chịu khó suy gẫm kỹ lưỡng những từ ngữ trong lời của Đức Chúa Trời nên cứ lầm tưởng hoặc hiểu không chính xác các tín lý và lẽ thật trong Kinh thánh. Về các tín lý liên quan đến đức tin thì Kinh thánh đã dạy dỗ rất nhiều để Cơ-đốc nhân chúng ta có thể hiểu tỏ tường ý muốn của Chúa hầu có được đời sống đẹp lòng Ngài và nhận được phần thưởng đời đời trong tương lai.
Để suy gẫm và tìm hiểu về đức tin thì chúng ta cần xem lại câu gốc định nghĩa về đức tin có ghi trong thư tín Hê-bơ-rơ:
(Hê-bơ-rơ 11: 1) Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
Lời của Chúa trong câu gốc nầy cho chúng ta biết rõ ràng về những yếu tố quan trọng có liên quan đến đức tin. Thứ nhất là biết chắc và thứ hai là bằng cớ. Mặc dầu đức tin đã được định nghĩa là như vậy, nhưng Cơ-đốc nhân ít khi biết một cách chắc chắn về điều mà chúng ta đang trông mong, thậm chí cũng không xác định được là mình đang trông mong điều gì đang khi theo Chúa giữa thế gian. Nếu đặt câu hỏi với Cơ-đốc nhân rằng anh chị em chúng ta trông mong điều chi từ nơi Chúa, thì đa số có lẽ sẽ trả lời một cách nhanh chóng là muốn được phước. Nhưng thật ra, theo lời Kinh thánh thì phước là phần thưởng chớ không phải là điều chúng ta trông mong.
Căn cứ vào câu Kinh thánh trên thì nếu một Cơ-đốc nhân không biết rõ điều mà mình trông mong thì chắc cũng không có đức tin bao nhiêu trong Chúa. Vì nếu không biết điều mình trông mong thì làm sao có thể biết chắc về điều đó để có thể được gọi là người có đức tin? Và như vậy thì làm sao bày tỏ đức tin ra với mọi người như là một bằng cớ về điều mà loài người chúng ta không thể thấy?
Chỉ cần suy nghĩ một chút về định nghĩa của đức tin thì chúng ta có thể nhận biết là Cơ-đốc nhân đã ở trong tình trạng thiếu đức tin hoặc có đức tin kém cõi đến mức độ nào, vì dẫu đã cầu nguyện tin nhận Chúa, nhóm họp thờ phượng Chúa, thậm chí đang hầu việc Chúa, mà lại không biết rõ điều mình đáng phải trông mong theo sự hướng dẫn của lời Chúa trong Kinh thánh thì làm sao có thể gọi niềm tin như vậy là đức tin trong Đấng Christ được?
Căn cứ vào lời Kinh thánh thì sự trông mong của Cơ-đốc nhân là muốn được cứu rỗi:
(Ca thương 3: 26) Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.
Trong sự mầu nhiệm của lời Đức Chúa Trời thì câu gốc trong Ca thương lại được dùng để giải thích sự định nghĩa về đức tin. Đây là một trong những điều mà chúng tôi vẫn thường cậy ơn Chúa để nhắc nhở Hội thánh rằng khi chúng ta nghiên cứu lời của Đức Chúa Trời thì phải sử dụng toàn bộ quyển Kinh thánh, chớ không phải chỉ dùng vài câu, vài đoạn mà có thể hiểu được ý nghĩa trong các tín lý và lẽ thật. Có nhiều tôi con Chúa suy nghĩ một cách lầm lẫn rằng vì chúng ta đang sống trong thời kỳ ân điển, không phải là thời kỳ luật pháp, nên khi nghiên cứu Kinh thánh chỉ chú trọng đến phần Tân ước mà thôi trong khi đó lại xem thường hoặc bỏ qua lời của Chúa được ghi trong phần Cựu ước. Đó là một sự thiếu sót tai hại làm cho nhiều người đi lạc khỏi con đường chính đáng của niềm tin trong Đấng Christ.
Nhưng lời của Chúa đã nhắc nhở tôi con Ngài rất rõ ràng về nguyên tắc nghiên cứu và suy gẫm lời của Chúa, như có chép trong thư tín Ti-mô-thê:
(2Ti-mô-thê 3: 16) Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.
(còn tiếp)