ÐỨC TIN CỦA GIĂNG BÁP-TÍT (p. 2)
Nhưng trước khi giải thích về những lời mà Giăng Báp-tít sai các môn đồ đến hỏi Ðức Chúa Jêsus thì chúng tôi thấy cũng cần nên đề cập một chút về cách suy diễn lời Kinh thánh của các anh em kia khi cho rằng Giăng Báp-tít nghi ngờ về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus.
Các anh em ấy suy diễn rằng lý do khiến cho Giăng Báp-tít đặt câu hỏi với Chúa là vì ông không thấy Ngài tới thăm viếng ông trong tù, cũng không giải thoát ông ra khỏi nơi đó, nên vì vậy mà ông nghi ngờ Ðức Chúa Jêsus không phải là Ðấng Mê-si.
Có rất nhiều sách vở trong Cơ-đốc-giáo đã dùng cách suy diễn nầy và có lẽ các anh em ấy đọc được từ trong những sách ấy. Nhưng chúng ta cần phải để ý đến một nguyên tắc quan trọng về việc tra cứu tài liệu để giải thích các câu gốc trong Kinh thánh, ấy là chúng ta phải so sánh với những phần khác trong lời của Chúa có liên quan đến vấn đề mà chúng ta đang chú ý. Ðừng bao giờ sử dụng tài liệu mà không trước hết thực hiện nguyên tắc nầy. Thứ nhất là vì chúng ta tôn trọng Kinh thánh và thứ hai là bất cứ sự suy diễn nào cũng phải phù hợp với Kinh thánh. Ðừng bao giờ đọc một sách vở nào đó, thấy hay hay, lại phù hợp với nhận thức của mình bấy lâu nay, rồi thế là đem ra áp dụng vào phương diện thuộc linh. Làm như vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ đi từ lầm lẫn nầy đến lầm lẫn khác, đến một lúc nào đó thì chẳng còn biết lối nào để ra.
Khi các anh em ấy lập luận rằng vì cớ Ðức Chúa Jêsus không đến thăm viếng Giăng Báp-tít hoặc làm phép lạ để đem ông ra khỏi ngục khám nên vì vậy ông mới nghi ngờ Chúa, thì họ đã dùng tư tưởng riêng của cá nhân để diễn giải lời Kinh thánh. Ðối với chúng ta là người bình thường trong cuộc sống, có nhà ở, ăn uống đầy đủ, ngủ trong chăn ấm nệm êm thì việc bị giam trong ngục khám là sự hoạn nạn mà không ai trong chúng ta muốn mình gặp phải, là sự khổ sở mà chúng ta đều muốn được cứu ra sớm chừng nào hay chừng nấy. Nhưng đối với Giăng Báp-tít thì vấn đề lại khác hẳn.
Chắc chúng ta còn nhớ những câu Kinh thánh mô tả về cuộc đời của Giăng Báp-tít. Ông là người trạc tuổi với Ðức Chúa Jêsus (vì cả bà Ê-li-sa-bét và Ma-ri đều cùng mang thai đồng một thời gian với nhau), nhưng Kinh thánh cho biết là khi ông vừa trưởng thành thì đã vào sống trong đồng vắng, mặc áo bằng lông lạc đà và ăn châu chấu với mật ong rừng để chuẩn bị thực hiện công tác dọn đường cho Ðấng Christ:
(Lu-ca 1: 80) Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên.
(Ma-thi-ơ 3: 4) Vả Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn thì ăn những châu chấu và mật ong rừng.
(Mác 1: 6) Giăng mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng.
Như vậy thì cuộc sống của Giăng Báp-tít rất là cực khổ, thiếu thốn, vì nơi đồng vắng không có nhà để đụt mưa, trú nắng, chỉ có các hang đá mà thôi. Mặc dầu đời sống của con người ngày xưa đơn giản hơn ngày nay rất nhiều, nhưng chắc chắn một điều là ở trong những căn nhà ngày đó vẫn tốt hơn là ngủ trong các hang đá với cầm thú, côn trùng. Chúng ta cũng biết là châu chấu không phải mùa nào cũng có, nhất là khi tiết trời trở lạnh vào mùa Ðông thì hầu như chẳng có một con nào ngoài đồng, huống chi là nơi đồng vắng hoang sơ, lưa thưa cây cỏ. Chính Kinh thánh còn cho chúng ta biết điều đó nữa, huống chi là thực tế trong tự nhiên:
(Na-hum 3: 17) Các quan trưởng ngươi như cào cào, các quan tướng ngươi như bầy châu chấu đậu trên hàng rào trong khi trời lạnh, đến chừng mặt trời mọc, nó đi mất, người ta không biết nó ở đâu.
Không hiểu được điều đó mà các anh em kia lại dùng tư tưởng của mình, là người sống trong thế kỷ 21, để suy diễn về tấm lòng và ước muốn của Giăng Báp-tít lúc ở trong ngục khám thì sai trật biết là bao nhiêu. Chính bởi lẽ đó mà chúng tôi vẫn thường nhắc nhở về phương pháp nghiên cứu Kinh thánh là vậy. Ngoài ra, Kinh thánh cũng cho biết rằng người Y-sơ-ra-ên được kể là trưởng thành khi tuổi đạt đến hai mươi:
(Dân số ký 1: 1-3) Ngày mồng một tháng hai, năm thứ hai, sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se ở trong hội mạc, tại đồng vắng Si-na-i, mà rằng: Hãy dựng sổ cả hội dân Y-sơ-ra-ên, theo họ hàng và tông tộc của họ, cứ đếm từng tên của hết thảy nam đinh, từ hai mươi tuổi sắp lên, tức là mọi người trong Y-sơ-ra-ên đi ra trận được; ngươi và A-rôn sẽ kê sổ chúng nó tùy theo đội ngũ của họ.
Vì gần như ngang bằng tuổi với Ðức Chúa Jêsus (Giăng lớn tháng hơn) nên thời gian mà Giăng Báp-tít ở nơi đồng vắng ít nữa cũng lâu đến gần 10 năm, vì Kinh thánh cho biết là khi Ðức Chúa Jêsus được Giăng Báp-tít làm phép báp-tem để bắt đầu chức vụ giảng đạo thì Ngài đã được ba mươi tuổi:
(Lu-ca 3: 23) Khi Đức Chúa Jêsus khởi sự làm chức vụ mình thì Ngài có độ ba mươi tuổi.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, gần 10 năm sống trong đồng vắng, không có một mái nhà trên đầu, ăn uống thiếu thốn, chịu gió mưa, lạnh lẽo, tuyết giá một mình, thì ngục tù đối với Giăng Báp-tít không phải là sự khổ sở quá lớn đến nỗi ông cần được Chúa cứu ra khỏi đó, và khi không được cứu thì sinh ra lòng nghi ngờ chức vụ của Ngài. Trong Kinh thánh không có chỗ nào đề cập đến việc Giăng Báp-tít mong đợi được Ðức Chúa Jêsus cứu ra khỏi ngục khám. Ðiều đó chỉ là sự duy diễn của các anh em dùng tư tưởng riêng của họ để giải thích lời Kinh thánh mà thôi.
Vả lại, chúng ta cũng cần so sánh đời sống của Giăng Báp-tít và Phao-lô để thấy sự suy diễn Kinh thánh của các anh em kia mâu thuẫn với lời của Chúa như thế nào. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì Giăng Báp-tít đã được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh ngay khi còn trong lòng mẹ:
(Lu-ca 1: 15) Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ.
Còn đối với Phao-lô thì ông chỉ được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh sau khi đã trưởng thành:
(Công vụ 13: 9-10) Bấy giờ, Sau-lơ cũng gọi là Phao-lô, đầy dẫy Đức Thánh Linh, đối mặt nhìn người, nói rằng: Hỡi người đầy mọi thứ gian trá và hung ác, con của ma quỉ, thù nghịch cùng cả sự công bình, ngươi cứ làm hư đường thẳng của Chúa không thôi sao?
Không có chỗ nào trong Kinh thánh cho biết là sự đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh của cả Giăng Báp-tít và Phao-lô bị giảm bớt vào những ngày cuối đời của hai ông. Như vậy có nghĩa là hai người, sau khi đã được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh thì cứ tiếp tục ở trong tình trạng ấy cho đến khi qua đời. Và chúng ta đều biết rằng khi Phao-lô và Si-la bị giam trong ngục, khi chân còn bị xiềng trong cùm, thì hai ông vẫn hát ngợi khen Chúa trong sự vui mừng, mặc dầu trước đó đã bị đánh đòn nhiều:
(Công vụ 16: 19-25) Song le các chủ nàng thấy mình chẳng còn trông được lợi lộc nữa, bèn bắt Phao-lô và Si-la, kéo đến nơi công sở, trước mặt các quan, rồi điệu đến các thượng quan, mà thưa rằng: Những người nầy làm rối loạn thành ta; ấy là người Giu-đa, dạy dỗ các thói tục mà chúng ta chẳng nên nhận lấy, hoặc vâng theo, vì chúng ta là người Rô-ma. Đoàn dân cũng nổi lên nghịch cùng hai người, và khi các thượng quan khiến xé áo hai người ra rồi, bèn truyền đánh đòn. Sau khi người ta đánh nhiều đòn rồi, thì bỏ vào ngục, dặn người đề lao phải canh giờ cho nghiêm nhặt. Được lịnh đó, đề lao bỏ hai người vào ngục tối và tra chân vào cùm. Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe.
Chúng ta thử suy nghĩ mà xem, nếu Phao-lô, là một người chỉ được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh sau khi đã trưởng thành, mà còn có thể ngợi khen Chúa trong ngục tù, thì chẳng lẽ Giăng Báp-tít, là người được đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh từ trong lòng mẹ, đã từng chịu cực chịu khổ nơi đồng vắng, lại không thể vui mừng được trong ngục khám, nhưng buồn bã trông chờ được Ðức Chúa Jêsus giải cứu đến nỗi đâm ra thất vọng khi sự mong đợi đó không thành, rồi sinh ra nghi ngờ chức vụ của Ngài? Kinh thánh cho biết là Phao-lô bị đánh nhiều đòn, nhưng ông vẫn hát; riêng về phần Giăng Báp-tít thì Kinh thánh không hề ghi lại rằng ông bị ngược đãi, thì chẳng lẽ tinh thần của ông lại thua sút tinh thần của Phao-lô khi bị giam trong ngục đến nỗi đâm ra nghi ngờ Ðức Chúa Jêsus?
Không những thế thôi, Giăng Báp-tít còn được vua Hê-rốt nể trọng, bằng lòng chịu nghe lời ông nói. Ðến khi phải chém đầu ông thì vua Hê-rốt lấy làm buồn bã. Như vậy có nghĩa là Giăng Báp-tít không hề bị ngược đãi trong tù, như vậy chẳng lẽ ông không thể có tinh thần hơn hẳn tinh thần của Phao-lô?
(Mác 6: 17-) Số là, Hê-rốt đã sai người bắt Giăng, và truyền xiềng lại cầm trong ngục, bởi cớ Hê-rô-đia, vợ Phi-líp em vua, vì vua đã cưới nàng, và Giăng có can vua rằng: Vua không nên lấy vợ em mình. Nhân đó, Hê-rô-đia căm Giăng, muốn giết đi. Nhưng không thể giết, vì Hê-rốt sợ Giăng, biết là một người công bình và thánh. Vua vẫn gìn giữ người, khi nghe lời người rồi, lòng hằng bối rối, mà vua bằng lòng nghe.
Như vậy, mặc dầu Giăng Báp-tít bị bắt giam trong ngục, nhưng hoàn cảnh của ông không xấu hơn là trường hợp của Phao-lô. Cũng từ đó mà chúng ta thấy cách suy diễn của các anh em kia rằng vì Giăng Báp-tít trông đợi được Ðức Chúa Jêsus giải cứu mà không thấy xãy ra nên ông hồ nghi về chức vụ của Ngài, là sai trật so với điều mà Kinh thánh đã bày tỏ. Vả lại, khi Giăng Báp-tít can ngăn vua Hê-rốt đừng làm sai thì ông là người có tấm lòng can đảm. Không phải ai cũng dám can ngăn việc làm của các vị vua ngày xưa, vì rất dễ bị chém đầu. Nếu Giăng Báp-tít đã có thể can vua được thì chắc ông cũng có đủ can đảm để nhận lãnh hậu quả của việc ông làm như điều chúng ta biết đã xãy ra cho ông theo như lời Kinh thánh.
Ðến đây thì chúng ta có thể thấy là sự suy diễn của các anh em kia về câu hỏi của Giăng Báp-tít để từ đó kết luận rằng ông là người có đức tin còn nghi ngờ là hoàn toàn sai trật với Kinh thánh, không có một luận cứ nào đứng vững. Thế thì câu hỏi của Giăng Báp-tít phải được xem xét trong một khía cạnh khác và là điều mà chúng tôi sẽ trình bày kế tiếp đây.
(còn tiếp)