ÐỨC TIN CỦA GIĂNG BÁP-TÍT (p. 1)
Cuộc đời của Giăng Báp-tít thì Cơ-đốc-nhân nào cũng có thể biết và ghi nhớ, vì các sự kiện liên quan đến ông không nhiều, nhưng bốn sách Tin Lành (là các sách mà ông được nhắc đến) lại được Cơ-đốc-nhân đọc nhiều nhất. Nhưng có một sự kiện mà trong đó Giăng chỉ hỏi một lời qua các môn đồ của ông lại được một số người dùng để biện minh cho lòng tin còn nghi ngờ của họ. Chúng ta sẽ cùng nhau xem qua các phần Kinh thánh có liên hệ để nhận biết có phải Giăng là người có đức tin nghi ngờ nơi Ðấng Christ hay không.
Trong sách Tin lành Ma-thi-ơ đoạn 11 và sách Tin lành Lu-ca đoạn 7 thì Kinh thánh có ghi lại rằng Giăng Báp-tít đã sai các môn đồ của ông đến hỏi Ðức Chúa Jêsus về chức vụ của Ngài:
(Ma-thi-ơ 11: 2-3) Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?
(Lu-ca 7: 19-20) Người bèn gọi hai môn đồ mình, sai đến thưa cùng Chúa rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác? Hai người đã đến cùng Đức Chúa Jêsus, thưa rằng: Giăng Báp-tít sai chúng tôi đến hỏi thầy: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?
Như chúng tôi vừa đề cập đến ở trên thì có một vài người dùng các câu Kinh thánh nầy để chỉ ra rằng Giăng Báp-tít là người nghi ngờ, vì không biết chắc Ðức Chúa Jêsus có phải là Ðấng Christ hay không. Rồi từ điểm nầy họ lập luận rằng nếu Giăng Báp-tít mà còn có lòng nghi ngờ thì ngày hôm nay họ theo Chúa với tấm lòng nghi ngờ là chuyện đương nhiên! Khi lập luận như vậy các anh em ấy cũng có ý muốn nói rằng dẫu Cơ-đốc-nhân có đức tin nhưng nhiều khi vẫn còn nghi ngờ và điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến sự cứu rỗi mai sau.
Cách suy luận của các anh em ấy không chính xác với Kinh thánh và rất mâu thuẫn với những điều đã được bày tỏ qua Lời Hằng Sống. Lời của Chúa cho biết là đức tin thật không có sự nghi ngờ, và nếu Cơ-đốc-nhân theo Chúa mà còn nghi ngờ thì chẳng nhận được bất cứ điều gì từ nơi Ngài:
(Gia-cơ 1: 6-7) Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa.
Nếu trong đời nầy một người theo Chúa với tấm lòng nghi ngờ không thể lãnh được bất cứ điều gì từ nơi Chúa, thì chẳng lẽ trong đời sau có thể nhận được sự sống đời đời? Sự nghi ngờ đã ngăn cản người đó không lãnh được những điều chóng qua trong đời nầy, chẳng lẽ lại có thể lãnh được sự sống đời đời trong tương lai? Thế thì sự sống đời đời hóa ra còn kém giá trị hơn những sự vật chóng qua của trần gian nầy hay sao?
Vì vậy, theo như điều mà chúng tôi đã từng nhiều lần đề cập đến và trình bày, ấy là tôi con Chúa cứ sử dụng Kinh thánh theo nghĩa bề mặt để giải thích các tín lý và lẽ đạo trong Kinh thánh, đến nỗi vướng mắc hết mâu thuẫn nầy đến mâu thuẫn khác, không sao gỡ rối được.
Kinh thánh đã cho chúng ta thấy về đức tin của Áp-ra-ham, vốn là đức tin không hề hồ nghi chút nào, và nhờ đó mà ông được kể là công bình:
(Rô-ma 4: 20-22) Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được. Cho nên đức tin của người được kể cho là công bình.
Qua các câu Kinh thánh trên thì chúng ta thấy được điều mà Kinh thánh đã bày tỏ: Ấy là đức tin không nghi ngờ thì được kể là công bình. Ðiều đó cũng có nghĩa là đức tin còn nghi ngờ không thể được kể là công bình. Còn các anh em ấy ngày nay lại lập luận bằng tư tưởng riêng rằng theo Chúa với đức tin còn nghi ngờ vẫn được cứu như thường. Vậy thì hóa ra là người không công bình vẫn vào được Thiên đàng? Sự mâu thuẫn lớn là nằm ở chỗ nầy. Dầu vậy, vì cố tình biện minh và bênh vực cho tư tưởng riêng của mình, các anh em ấy đã trưng dẫn câu hỏi của Giăng Báp-tít để cho thấy rằng một người đạo đức tin kính như ông mà còn nghi ngờ thì huống chi là những người bình thường như họ. Và nếu Giăng Báp-tít được cứu vào trong Thiên đàng (vì đó là điều chắc chắn) thì họ cũng sẽ được cứu với đức tin còn nghi ngờ.
Lập luận như vậy là nghiên cứu Kinh thánh theo cách bổ sung mà chúng tôi đã có dịp trình bày với các con cái Chúa tại Hội thánh địa phương. Phương pháp nầy là dùng Kinh thánh để bổ sung cho tư tưởng và lý luận mà mình đã có, để tăng sức thuyết phục đối với người khác rằng có Kinh thánh hậu thuẫn. Phần lớn sự giải nghĩa Kinh thánh ngày nay là dùng phương pháp nầy. Nhưng nếu đem so sánh với các phần khác của Kinh thánh thì chúng ta sẽ thấy đầy những mâu thuẫn rất tai hại cho đức tin của người theo Chúa. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày thêm những thí dụ về cách giả nghĩa Kinh thánh kiểu nầy trong những bài viết tới.
Trở lại với câu hỏi của Giăng Báp-tít thì chúng ta cần phải xem xét cẩn thận không những phần Kinh thánh ấy mà cả những câu gốc khác có liên hệ. Khi các anh em kia cho rằng Giăng Báp-tít nghi ngờ không biết Ðức Chúa Jêsus có phải là Ðấng Mê-si hay không thì họ đã quên những phần Kinh thánh ghi lại rằng Giăng Báp-tít đã từng nhận biết Ðức Chúa Jêsus ngay khi còn trong lòng mẹ:
(Lu-ca 1: 39-44) Trong những ngày đó, Ma-ri chờ dậy, lật đật đi trong miền núi, đến một thành về xứ Giu-đa, vào nhà Xa-cha-ri mà chào Ê-li-sa-bét. Vả, Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Ma-ri chào, con nhỏ ở trong lòng liền nhảy nhót; và Ê-li-sa-bét được đầy Đức Thánh Linh, bèn cất tiếng kêu rằng: Ngươi có phước trong đám đàn bà, thai trong lòng ngươi cũng được phước. Nhơn đâu ta được sự vẻ vang nầy, là mẹ Chúa ta đến thăm ta? Bởi vì tai ta mới nghe tiếng ngươi chào, thì con nhỏ ở trong lòng ta liền nhảy mừng.
Kinh thánh cho biết là bà Ê-li-sa-bét và Ma-ri là bà con, nên hai người có ngôi thứ ngang hàng nhau, nhưng khi bà Ê-li-sa-bét nói rằng mẹ Chúa ta đến thăm ta và còn cho biết là thai nhi trong lòng bà nhảy nhót thì điều đó có nghĩa là Giăng Báp-tít ngay từ trong lòng mẹ đã được Ðức-Thánh-Linh giúp cho để nhận biết Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si, vì Kinh thánh cho biết rằng Giăng Báp-tít được cảm động bởi Ðức-Thánh-Linh từ khi còn trong lòng mẹ:
(Lu-ca 1: 13-15) Nhưng thiên sứ nói cùng người rằng: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng. Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều kẻ sẽ mừng rỡ về sự sanh người ra. Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ.
Chính ông Si-mê-ôn và bà An-ne khi được cảm động bởi Ðức-Thánh-Linh cũng đã có cùng một nhận thức như vậy:
(Lu-ca 2: 25-32) Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si-mê-ôn, trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên người. Đức Thánh Linh đã bảo trước cho người biết mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa. Vậy người cảm bởi Đức Thánh Linh vào đền thờ, lúc có cha mẹ đem con trẻ là Jêsus đến, để làm trọn cho Ngài các thường lệ mà luật pháp đã định, thì người bồng ẵm con trẻ, mà ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.
(Lu-ca 2: 36-38) Lại có bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Một lúc ấy, người cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem.
Chúng tôi cần phải trưng dẫn đầy đủ và chi tiết như trên để chúng ta có thể thấy rằng với sự cảm động của cùng một Ðức-Thánh-Linh về con trẻ Jêsus thì sự nhận biết của Giăng Báp-tít lúc còn trong bụng mẹ phải tương tự như sự nhận biết của ông Si-mê-ôn và bà An-ne.
Chẳng những vậy thôi, Giăng Báp-tít còn nhận biết Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ, Ðấng phải đến, khi ông gặp Ngài và lúc ông làm báp-tem cho Ngài tại sông Giô-đanh:
(Giăng 1: 29-) Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta. Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép báp-têm bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bò câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời.
Cả bốn sách Tin Lành đều có ghi về việc Ðức Chúa Jêsus Christ chịu phép báp-tem và được Ðức-Thánh-Linh giáng xuống như hình chim bồ câu đậu trên Ngài. Thế thì làm sao Giăng Báp-tít có thể lầm lẫn về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus được. Kinh thánh còn cho biết thêm là Giăng Báp-tít cũng có làm chứng về Ðức Chúa Jêsus cho các môn đồ của ông, trong số đó có Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ:
(Giăng 1: 35-37, 40) Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình; nhìn Đức Chúa Jêsus đi ngang qua, bèn nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời! Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Đức Chúa Jêsus… Trong hai người đã nghe điều Giăng nói và đi theo Đức Chúa Jêsus đó, một là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ.
Nếu Giăng Báp-tít đã không thể lầm lẫn về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus thì câu hỏi mà ông sai các môn đồ đến hỏi Ngài phải có một ý nghĩa khác hơn điều mà các anh em kia suy diễn ra. Vì vậy chúng ta cần phải để ý đến những chữ đã được dùng trong câu hỏi ấy.
(còn tiếp)