ĐỨC CHÚA TRỜI YÊN LẶNG (p. 3)
THÁNH KINH TỔNG QUÁT
PHẦN THỨ NHẤT – ĐỨC CHÚA TRỜI
ĐỨC CHÚA TRỜI YÊN LẶNG
Khi chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời từng yên lặng với dân Y-sơ-ra-ên và Ngài cũng đã từng yên lặng với chính Ngài, thì chắc chắn một điều là Đức Chúa Trời cũng nhiều khi yên lặng với Cơ-đốc nhân trong thời kỳ ân điển. Sự yên lặng của Chúa đối với loài người là một thực tế mà ai nấy trong chúng ta đều dễ dàng nhận biết. Chẳng những Đức Chúa Trời yên lặng với tôi con Ngài và nhiều khi ngay cả với những kẻ phạm tội gian ác hơn hết Chúa cũng yên lặng. Kinh thánh cho biết vì sự yên lặng ấy mà loài người tưởng rằng không có Đức Chúa Trời và họ cứ tiếp tục phạm tội, không hề suy nghĩ đến hậu quả của ngày sau:
(Truyền đạo 8: 11) Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác.
Bởi vì Đức Chúa Trời yên lặng, không trừng phạt lập tức những kẻ phạm tội nên họ cứ tưởng rằng hễ trốn tránh được luật pháp của loài người thì xem như đã thành công trong mưu toan tội ác của họ. Một điều đáng nói là nhiều khi Cơ-đốc nhân cũng không hiểu được sự yên lặng nầy của Đức Chúa Trời nên có nhiều người sau khi đã tin Chúa, nhìn thấy tội ác đầy dẫy ngoài xã hội mà không có công lý, nhìn thấy hiện trạng yếu đuối lầm lỗi của con dân Chúa trong Hội thánh mà không có sự trừng phạt của Chúa thì họ đâm ra nghi ngờ đức tin nơi Đức Chúa Trời của chính mình. Lâu dần sự hồ nghi đó cứ lớn mãi đến độ có người chối bỏ Chúa vì tưởng rằng niềm tin trong Đấng Christ cũng giống như bao nhiêu tôn giáo khác, là sản phẩm của trí tưởng tượng chớ Đức Chúa Trời không có thật.
Trường hợp trên không phải chỉ xãy ra đối với một vài người, mà là cho nhiều người, thậm chí trong số họ có những người đã dâng mình hầu việc Chúa hoặc đã ở trong chức vụ lâu năm. Chính vì thiếu đức tin hoặc không có đức tin bởi vì sự yên lặng của Đức Chúa Trời nên những người như vậy không còn bước theo con đường chính đáng của Kinh thánh trong việc hướng dẫn con dân Chúa thờ phượng Ngài. Có thể ban đầu họ có đức tin nhưng khi thấy Đức Chúa Trời cứ tiếp tục yên lặng ngay cả với những trường hợp quan trọng hơn hết, ngay cả khi người ta phỉ báng Đấng Tạo Hóa, ngay cả khi tôi con Chúa cầu nguyện thiết tha nhiều năm mà vẫn không được trả lời, nên có người, mặc dầu bề ngoài vẫn còn mang lấy danh hiệu và chức vụ của mình, nhưng bên trong đức tin đã chết từ lâu rồi. Đó là những người không còn tôn trọng mẫu mực trong Kinh thánh nữa, những người không tin rằng Kinh thánh thống nhất từ đầu chí cuối, những người không còn nhờ Đức Thánh Linh soi sáng để hiểu biết đường lối và ý tưởng trong lời của Đức Chúa Trời, những người tưởng rằng với kiến thức và bằng cấp của thế gian vẫn có thể giảng dạy được lời của Chúa, những người nghĩ rằng bằng khả năng và phương pháp của loài người vẫn có thể giúp cho các hàng băng ghế trong Hội thánh được đầy chật. Ngay cả đối với những người hầu việc Ngài như vậy, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục yên lặng và để cho họ được thành công lớn trong đời nầy, được vang danh, được nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ, được trở thành mẫu mực của thế hệ kế tiếp, được trở thành tấm gương mà nhiều người nô nức bắt chước theo để hầu việc Đấng Christ cách như vậy. Đức Chúa Trời yên lặng đối với họ vì Chúa có lý do của Ngài.
Còn về phần chúng ta thì có thể tự hỏi vì sao Đức Chúa Trời cứ tiếp tục yên lặng với trần gian, cứ tiếp tục yên lặng với Cơ-đốc nhân, với những tôi tớ thánh của Chúa như lời Kinh thánh đã bày tỏ:
(Thi thiên 70: 5) Còn tôi bị khốn cùng và thiếu thốn; Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy mau mau đến cùng tôi: Chúa là sự giúp đỡ tôi, Đấng giải cứu tôi; Đức Giê-hô-va ôi! Chớ chậm trễ.
Khi Đa-vít dùng chữ chậm trễ để kêu cầu cùng Chúa thì điều đó cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã từng yên lặng với ông rất lâu, và mặc dầu ông nài xin Chúa tha thiết nhiều năm thì vẫn chưa thấy Chúa giải cứu.
Nếu đối với Đa-vít là người đẹp lòng Đức Chúa Trời mà Ngài còn yên lặng lâu như vậy thì huống chi những Cơ-đốc nhân bình thường như chúng ta ngày nay. Dầu vậy Kinh thánh đã cho chúng ta biết một trong những lý do mà Đức Chúa Trời yên lặng, để nhờ đó cho chúng ta có lòng bình an trong Ngài và cứ tiếp tục chờ đợi cho đến khi thời gian thuận hiệp cho sự trả lời của Đức Giê-hô-va:
(2Phi-e-rơ 3: 9) Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.
Câu Kinh thánh trên nhắc nhở cho chúng ta biết là Đức Chúa Trời không quên lời Ngài đã hứa về việc Chúa sẽ tái lâm để cứu Hội thánh của Ngài trên đất. Việc Chúa chưa trở lại là bởi lòng yêu thương của Ngài để tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội có thì giờ để ăn năn. Không những là cho những kẻ gian ác trong đời nầy mà cho cả những Cơ-đốc nhân phạm tội trong Hội thánh. Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng là Chúa Tình Yêu. Ngài muốn cho mọi người được cứu nên yên lặng ngay cả đối với những kẻ phỉ báng Ngài vì cớ thương xót họ. Ngài không trừng phạt lập tức để họ có thì giờ mà ăn năn. Với những Cơ-đốc nhân yếu đuối, lầm lỗi ở trong Hội thánh cũng vậy.
Cũng một thể ấy, Chúa có hứa là Ngài sẽ không bao giờ để con cái Ngài trên đất nầy cảm thấy sự cô đơn của kẻ mồ côi, nhưng Chúa sẽ nhanh chóng đến để tiếp cứu, để trả lời cho điều Cơ-đốc nhân nài xin tha thiết với Ngài:
(Giăng 14: 18) Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.
Dầu vậy sự trả lời của Chúa sẽ được thực hiện theo thì giờ của Chúa chớ không theo thì giờ của chúng ta:
(Thi thiên 75: 2) Khi ta đến thì giờ đã định, thì sẽ đoán xét cách ngay thẳng.
(Khải huyền 22: 12) Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.
Khi hiểu được sự yên lặng của Chúa thì Cơ-đốc nhân chúng ta phải nhận biết rằng đó cũng là vì lợi ích của con dân Chúa mà thôi. Vì vậy hoặc là chúng ta phải biết cầu nguyện tha thiết hơn để bày tỏ rằng điều mà chúng ta đang nài xin là nhu cầu cấp thiết để được Chúa trả lời:
(Hê-bơ-rơ 4: 16) Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.
(Phi-líp 4: 19) Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Hoặc là phải xem xét lại chính mình mỗi khi Đức Chúa Trời yên lặng về sự cầu xin của chúng ta, vì biết rằng điều đó mang lại lợi ích đời đời cho con dân Ngài, hầu có thể chịu đựng mọi hoàn cảnh mà Chúa cho phép xãy ra trong đời sống mình, theo như gương của Phao-lô:
(2Cô-rinh-tô 12: 10) Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
Hoặc là chúng ta cần phải ăn năn những lầm lỗi kín dấu từ trước đến nay để được Đức Chúa Trời thương xót qua cơ hội, thì giờ mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta bởi sự yên lặng của Ngài:
(Khải huyền 2: 5) Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó.
Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta càng hiểu biết về Chúa hơn nữa, không những về các mỹ đức của Ngài, mà cả về sự yên lặng đặc biệt của Chúa để ai nấy trong chúng ta có lòng bình an, giữ vẹn được đức tin, bước đi cách vững vàng trong đường lối Ngài cho đến khi gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt trong sự vinh hiển lạ lùng của Thiên đàng. A-men.