ĐỨC CHÚA TRỜI YÊN LẶNG (p. 2)
THÁNH KINH TỔNG QUÁT
PHẦN THỨ NHẤT – ĐỨC CHÚA TRỜI
ĐỨC CHÚA TRỜI YÊN LẶNG
Không những Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân Y-sơ-ra-ên ngày họ còn đang làm nô lệ tại Ê-díp-tô mà Kinh thánh còn ghi lại để cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời yên lặng cả đối với chính Ngài.
Cơ-đốc nhân chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời hiện thân thành người. Ngài giáng sinh vào trong trần gian để làm của lễ chuộc tội cho cả nhân loại. Lúc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá thì Ngài có kêu lên những lời nầy để cho thấy rằng trong giờ phút đau đớn hơn hết chính Đức Chúa Trời cũng yên lặng với chính Ngài:
(Ma-thi-ơ 27: 46) Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?
Giống như trường hợp đã xãy ra đối với dân Y-sơ-ra-ên thì chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời phải có lý do để yên lặng với chính Ngài. Kinh thánh cho biết vì Đức Chúa Trời yêu thương cả thế gian mà Ngài đã đến để thực hiện chương trình cứu rỗi đã định trước:
(Giăng 3: 16) Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
(Ga-la-ti 4: 4-5) Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài.
Trước khi trình bày thêm về sự yên lặng của Đức Chúa Trời, chúng tôi dừng lại một chút tại đây để nói thêm về chữ Con hoặc Con Một trong câu Kinh thánh trên. Vì có thể một vài đọc giả của chúng tôi là người chưa tin Chúa nên các bạn sẽ thắc mắc về chữ Con mà Kinh thánh dùng để chỉ về Đức Chúa Jêsus, nhất là khi chúng tôi cho biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa.
Chữ Con hoặc Con Một là cách sử dụng từ ngữ trong văn hóa Hê-bơ-rơ (là ngôn ngữ được dùng để viết ra Tân ước) để cho biết rằng Đức Chúa Jêsus ra từ Đức Chúa Trời (giống như con sanh bởi cha), nhưng không theo cách hiểu thông thường của người Việt. Vì vậy chính Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Ngài và Đức Chúa Trời chỉ là một mà thôi:
(Giăng 10: 30) Ta với Cha là một.
Việc Đức Chúa Trời giáng sinh thành người trong trần gian và đồng thời cũng tiếp tục ngự trị tại Thiên đàng là một phần trong quyền năng nhiệm mầu của Đấng đã dựng nên cả vũ trụ chỉ bằng lời phán mà thôi. Chúng tôi sẽ có dịp trình bày thêm về Ngài trong những dịp khác để chúng ta có thể thấy được Đức Chúa Trời là Đấng đáng được thờ phượng và cung kính như thế nào.
Bây giờ thì chúng ta có thể trở lại với sự yên lặng của Đức Chúa Trời. Vì lợi ích của con người, tức là để cho chương trình cứu chuộc loài người của Ngài được thực hiện một cách trọn vẹn không bị gián đoạn mà Đức Chúa Trời đã yên lặng với chính Đức Chúa Jêsus trong giờ phút đau đớn hơn hết trên thập tự giá.
Đây là lý do thứ hai mà Đức Chúa Trời yên lặng. Vì vậy trong đời sống của con dân Chúa, nhiều lúc Cơ-đốc nhân phải đối diện với sự yên lặng của Chúa mặc dầu chúng ta đã cầu nguyện tha thiết, hết lòng, thậm chí đổ nước mắt hàng đêm như trường hợp của Đa-vít để xin Chúa giải cứu khỏi những khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật hoặc tất cả những điều bất như ý khác, nhưng vẫn không nghe thấy Đức Chúa Trời trả lời. Những lúc như vậy không phải là Đức Chúa Trời quên chúng ta, hoặc Ngài không nghe lời thở than của chúng ta, hoặc Ngài giận chúng ta, nhưng ấy là vì lợi ích lâu dài hoặc vì lợi ích đời đời của chúng ta mà Đức Chúa Trời yên lặng, hầu cho chúng ta được tôi luyện trong thử thách, trong hoạn nạn, như vàng được thử trong lửa:
(Gióp 23: 10) Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng.
(Châm ngôn 17: 3) Nồi dót để luyện bạc, lò để luyện vàng; Nhưng Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người.
Không phải vì sợ vàng tan chảy mà người thợ không dùng lửa để trừ hết các cáu cặn trong vàng bạc, thì cũng một thể ấy, không phải vì cớ con dân Chúa than van hoặc cảm thấy khổ sở mà Đức Chúa Trời không tôi luyện Cơ-đốc nhân để được xứng đáng hơn ngày hôm qua và xứng đáng cho Thiên đàng mai sau, theo như lời Kinh thánh đã bày tỏ:
(Ê-sai 48: 10) Nầy, ta luyện ngươi, nhưng không phải như luyện bạc; ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn.
Nhiều con cái Chúa đã hiểu được phương pháp nầy của Chúa, nên thay vì họ than thở thì trái lại họ vui mừng, cảm tạ ơn Chúa vì sự quan tâm của Đức Chúa Trời dành cho sự sống đời đời của từng con cái Ngài, như trường hợp mà sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm:
(2Cô-rinh-tô 12: 7-9) Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.
Vì vậy, khi Cơ-đốc nhân có phải đối diện với sự yên lặng của Chúa mặc dầu đã cầu nguyện tha thiết với Ngài nhiều năm tháng, thì phải suy nghĩ xem rằng hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời cho phép đang xãy ra dạy dỗ chính mình về điều gì trong đời thuộc linh, hầu có thể nhờ đó mà được lợi ích, hơn là than van, lằm bằm, để rồi rốt lại chẳng thể thay đổi được hoàn cảnh mà nhiều khi còn mắc tội thêm với Chúa vì những phản ứng không đẹp lòng Ngài.
(còn tiếp)