THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Rô-ma 6: 14-15
ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ LUẬT PHÁP CỦA NGÀI
Kinh thánh: Rô-ma 6: 12-19
Câu gốc: RÔ-MA 6: 14-15 – Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển. Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!
Kính thưa quý Hội thánh, hôm nay nhân ngày lễ Phụ thân chúng ta cùng nhau chúc mừng cho các bậc làm cha trong các gia đình vì đang nhận được thêm một năm mới nữa trong Chúa. Theo Kinh thánh cho biết thì người cha là người chủ gia đình nhỏ của mình cho nên chúng ta cầu nguyện cho họ được Đức Chúa Trời ban thêm cho sự khôn ngoan, hiểu biết, kiên nhẫn và tấm lòng bao dung để biết dẫn dắt gia đình một cách tốt đẹp trọn vẹn trên con đường đức tin cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Cũng nhân ngày lễ Phụ thân thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh nghiên cứu về Chủ đề ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ LUẬT PHÁP CỦA NGÀI để khích lệ tất cả con dân Chúa biết sống mẫu mực để làm vinh hiển cho Cha Thiên Thượng của chúng ta nơi Thiên đàng.
Kính thưa quý Hội thánh, khi Đức Chúa Jêsus cho biết là con đường đến Thiên đàng ít có người đi và cánh cửa dẫn đến sự sống đời đời ít có người tìm được thì nguyên nhân cũng là vì Cơ-đốc-nhân nhiều khi không phân biệt được điều cần nên làm và điều cần phải tránh trong đời sống nầy nên không đi được trọn vẹn trên con đường của Chúa. Sự mập mờ khó phân biệt được giữa hai điều đó xãy ra là vì mặc dầu theo Chúa nhiều năm nhưng vẫn có những Cơ-đốc-nhân không nắm vững được các lẽ thật quan trọng trong Kinh thánh và cũng vì thường nghe nhiều người rao giảng rằng tin Chúa là được cứu và con dân Chúa không cần phải làm điều gì cả vì ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời là nhưng không. Họ quảng bá điều đó rất hùng hồn và cho biết rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải vâng giữ luật pháp vì đã được tự do trong Đấng Christ rồi, cho nên Cơ-đốc-nhân chỉ cần làm theo sự hướng dẫn của Đức-Thánh-Linh mà thôi. Nhưng nếu chúng ta để ý một cách cẩn thận những sự diễn giải như vậy thì sẽ thấy có nhiều mâu thuẫn trong đó. Mặc dầu những người ấy tuyên bố rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải sống theo luật pháp nữa thì mặt khác họ lại bảo Cơ-đốc-nhân phải đi nhà thờ, phải dâng hiến, phải tham gia các công tác trong Hội thánh và phải chấp nhận quyết định của những người ở trong địa vị lãnh đạo. Nhưng nếu đã nói là Cơ-đốc-nhân không còn thuộc dưới luật pháp nữa thì tại sao họ lại bảo Cơ-đốc-nhân phải làm những điều đó? Thành ra khi suy nghĩ cho kỹ thì chúng ta mới thấy được rằng những người đó khuyên bảo con dân Chúa không cần phải làm theo luật pháp của Kinh thánh nhưng mặt khác thì lại phải thực hiện những loại luật pháp làm lợi cho địa vị lãnh đạo của họ, nhất là luật pháp về việc đi nhà thờ và dâng phần mười.
Như điều mà tôi đã từng thưa trình với quý Hội thánh trước đây thì khi chúng ta nghe người khác giải thích về lời của Chúa mà thấy điều đó có sự mâu thuẫn với những lẽ thật khác trong Kinh thánh thì chúng ta phải lập tức suy xét và tìm hiểu thêm, chớ đừng vội tin ngay. Bởi vì nguyên tắc mà lời của Chúa đã có dạy dỗ trong Kinh thánh là chúng ta phải biết chắc thì mới tin và mới làm theo. Nguyên tắc đó bắt nguồn từ định nghĩa của đức tin thật mà đã có bày tỏ ra trong Hê-bơ-rơ 11: 1 mà tất cả chúng ta đều đã biết. Nhưng theo thực tế cho thấy thì Cơ-đốc-nhân thường tin theo điều mà mình thấy thích nghe hơn là tin theo điều mà mình thấy đúng. Tôi sẽ trình bày thêm về điều nầy trong thời gian tới.
Trở lại với hiện trạng của Hội thánh chung ngày hôm nay đối với luật pháp của Đức Chúa Trời thì một trong những điều mà chúng ta có thể thấy được trong thực tế là việc Cơ-đốc-nhân ngày nay rất ít muốn nghe nhắc nhở đến luật pháp của Chúa. Chỉ riêng đối với Chủ đề của bài giảng ngày hôm nay thì cũng đã có nhiều người không muốn nghe. Nếu chúng ta để ý, thì hầu như tất cả các sự rao giảng của Hội thánh chung ngày hôm nay là nói về tình yêu thương, sự tha thứ, sự chữa bệnh và tất cả các loại ơn phước mà Cơ-đốc-nhân có thể nhận được từ nơi Chúa, nhưng trong khi đó thì lại có rất ít bài giảng nói về luật pháp của Ngài. Một trong những lý do khiến cho Cơ-đốc-nhân không muốn nghe về luật pháp của Đức Chúa Trời là vì đa số con dân Chúa đều được dạy dỗ rằng sau khi đã tin nhận Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân là người sống trên luật pháp và hễ đã có đức tin thì con dân Chúa không cần phải sống theo luật pháp nữa. Những sự rao giảng và cách biện minh như vậy đã được nhiều người tin đến vì họ thấy rằng điều đó đã có đề cập đến trong Kinh thánh, chẳng hạn như các câu gốc sau đây:
RÔ-MA 6: 14 – Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển.
GA-LA-TI 5: 18 – Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.
GA-LA-TI 3: 11 – Vả lại chẳng hề có ai cậy luật pháp mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó là rõ ràng lắm, vì người công bình sẽ sống bởi đức tin.
Ba câu Kinh thánh nầy và một số các câu Kinh thánh tương tự khác đã được nhiều người sử dụng sai để diễn giải cho Cơ-đốc-nhân rằng con dân Chúa trong thời kỳ ân điển không cần để ý đến luật pháp mà cũng không cần phải sống theo luật pháp của Kinh thánh. Đối với những người nêu lên quan điểm như vậy thì Cơ-đốc-nhân chỉ cần có đức tin là được cứu chớ không cần phải sống theo luật pháp và mẫu mực trong Kinh thánh. Tại điểm nầy thì tôi thấy cần phải xác định với quý Hội thánh một cách chắc chắn rằng sự được cứu bởi đức tin là lẽ thật quan trọng trong Kinh thánh và hoàn toàn chính xác theo như sự chỉ định của Chúa. Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ Cơ-đốc-nhân hiểu chữ tin như thế nào. Theo thực tế cho thấy thì nhiều Cơ-đốc-nhân chỉ hiểu về ý nghĩa của chữ tin một cách rất là đơn giản và thường là theo nghĩa bề mặt của chữ chớ không phải là theo sự giải thích của Kinh thánh. Khi sử dụng lời của Chúa để nghiên cứu về chữ tin thì đó là một chủ đề rộng lớn và bao quát, phải cần có rất nhiều thời gian mới có thể suy gẫm hết được. Chính vì vậy mà tôi đã trình bày với quý Hội thánh nhiều chủ đề khác nhau trong các bài giảng đã qua cốt là để chuẩn bị trước cho việc nghiên cứu về ý nghĩa thật sự của đức tin là như thế nào, và đó cũng là bước thứ ba trong tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân.
Nhưng khi những người kia diễn giải rằng Cơ-đốc-nhân chỉ cần có đức tin mà không cần phải sống theo luặt pháp của Chúa thì ý của họ là muốn nói đến việc con cái Chúa cần phải đi nhà thờ vào ngày Chúa nhật để dâng hiến chớ không hề muốn nhắc đến sự sống đạo và về việc cần phải có một đời sống thánh khiết để được cứu trong tương lai. Chính bởi lẽ đó mà khi họ chỉ nói về đức tin mà bỏ qua các luật pháp trong Kinh thánh thì sự diễn giải của họ đã có một mâu thuẫn rất lớn. Như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì sự mâu thuẫn lớn của họ là ở chỗ một mặt thì họ nói rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải làm theo luật pháp nhưng mặt khác thì họ lại bảo con dân Chúa phải đi nhà thờ, phải dâng hiến, phải đóng góp và phải giữ điều nầy điều kia theo sự rao giảng của họ. Chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu thật sự điều mà họ nói là đúng, tức là Cơ-đốc-nhân chỉ cần có đức tin là được cứu chớ không cần phải sống theo luật pháp thì con dân Chúa đâu cần phải đi nhà thờ, đâu cần phải dâng hiến, đâu cần phải nộp phần mười, vì tất cả những điều đó cũng là luật pháp chớ đâu phải là chuyện muốn làm hay không cũng được. Điều mâu thuẫn trong sự rao giảng của họ là Cơ-đốc-nhân không cần phải giữ luật pháp theo như Kinh thánh dạy dỗ mà chỉ cần giữ những luật pháp làm lợi cho địa vị lãnh đạo của họ mà thôi, chẳng hạn phải như đi nhà thờ cho đầy đủ để họ có thể khoe mình là chức vụ của họ thành công, hoặc Cơ-đốc-nhân phải dâng hiến và nộp phần mười đầy đủ để lương hướng của họ được bảo đảm, hoặc là con dân Chúa phải phục vụ để họ có thể tự hào là những người lãnh đạo giỏi có thể điều khiển được người khác. Trong khi đó thì những luật pháp về việc cần phải có một đời sống thánh khiết và mẫu mực để có thể xứng đáng là con cái của Đức Chúa Trời thì họ lại không hề đả động đến. Hoặc là nếu có nói đến thì đó chỉ là sự thánh khiết theo quan điểm của họ hoặc giống như quan điểm của những người thờ lạy thần tượng chớ không phải là theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như việc chỉ cần có tờ giấy ly dị là có quyền đi lấy người khác, hoặc là không ăn cháo huyết nhưng lại có thể ăn thịt bò tái chanh, ăn hột vịt lộn và nghêu hào ướp đá lạnh. Chẳng những thế thôi họ lại còn thích thú để uống nước trái cây lên men đựng trong chai giống như chai rượu champagne để có thể tưởng tượng là họ đang uống rượu nhưng lại biện minh là đang uống nước trái cây. Họ làm theo cách giả hình của người ngoại, giống như cách dùng tờ hủ mì căng để làm thịt heo quay hầu cho đang khi ăn chay thì cứ nghĩ là mình đang ăn thịt. Chính những người đó là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về việc Cơ-đốc-nhân không cần phải sống theo luật pháp của Kinh thánh nhưng phải sống theo những luật pháp làm lợi cho họ hoặc là thuận tiện theo quan điểm riêng của họ. Chính vì hiện trạng đó trong Hội thánh chung ngày nay mà tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về luật pháp của Đức Chúa Trời để có thể nhận biết vì sao mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều phải sống và làm theo luật pháp của Chúa đã chỉ định mặc dầu mình đã có đức tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Đức Chúa Jêsus rồi.
Trước hết thì chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ đến ý nghĩa thật sự trong lời của Chúa khi Cơ-đốc-nhân được nhắc nhở rằng chúng ta chẳng thuộc dưới luật pháp nhưng thuộc dưới ân điển. Câu Kinh thánh trong Rô-ma 6: 14 cần phải được suy gẫm chung với câu thứ 15 và tôi xin được đọc cả hai câu lần nữa để quý Hội thánh cùng theo dõi.
RÔ-MA 6: 14-15 – Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển. Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!
Hai câu Kinh thánh nầy cũng cần được suy gẫm với câu gốc trong 1Giăng 3: 4.
1GIĂNG 3: 4 – Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.
Rõ ràng là trong các câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã cho biết rằng sau khi Cơ-đốc-nhân đã tin Chúa rồi thì không nên cứ cố tình phạm tội mãi, và sự phạm tội tức là làm ngược lại với luật pháp của Chúa trong Kinh thánh. Chúng ta đều biết rằng sự yếu đuối lầm lỡ mà phạm tội thì hoàn toàn khác với sự cố ý phạm tội. Sự lầm lỡ về một tội nào đó thì có thể xãy ra một lần, nhưng không phải là cứ xãy ra thường xuyên hết ngày nầy đến tháng khác. Sự phạm tội lập đi lập lại như vậy là cố tình chớ không còn là sự lầm lỡ nữa. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho sự lầm lỡ phạm tội như trong trường hợp của vua Đa-vít nhưng Ngài sẽ không tha thứ cho sự cứ cố tình phạm tội của những người cứ miệt mài trong tội lỗi. Theo lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh thì khi con dân Ngài không cố ý phạm tội thì đã được kể là người trọn vẹn rồi, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Thi thiên 19: 13.
THI THIÊN 19: 13 – Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội. Nguyện tội ấy không cai trị tôi thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng.
Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng người không cố ý phạm tội là người được kể là không chỗ trách được hay còn gọi là người trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời. Đó là tiêu chuẩn của Chúa dành cho con cái Ngài, chớ không cần phải là người hoàn toàn không phạm lầm lỗi nào cả. Nhiều khi Cơ-đốc-nhân không thấy được ý nghĩa chính xác trong lẽ thật nầy nên cứ tưởng rằng người trọn vẹn là người không hề phạm một tội nào hết, kể cả tội lớn lẫn tội nhỏ và bởi đó mà thấy tiêu chuẩn của Chúa là khó thực hiện quá. Chính vì sự lầm lẫn như vậy mà đa số Cơ-đốc-nhân cứ thích nghe sự diễn giải của những người nói rằng con dân Chúa không cần phải sống theo luật pháp. Hiểu lẽ thật của Chúa một cách lầm lẫn như vậy là nguyên nhân làm cho nhiều người sa vào mưu chước của ma quỉ và sự dẫn dụ của những người kia để từ chối sống đạo và không chịu vâng phục luật pháp của Chúa trong Kinh thánh.
Nếu chúng ta đọc kỹ lại Kinh thánh thì sẽ thấy rằng những anh hùng đức tin nổi tiếng ngày xưa đều có những lần phạm lầm lỗi trong đời sống của họ, từ Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp cho đến Môi-se, Đa-vít và Phi-e-rơ. Chính vì cứ tưởng rằng tiêu chuẩn của Chúa là khó quá nên nhiều Cơ-đốc-nhân thích nghe sự rao giảng của quan điểm cá nhân hơn là sự rao giảng căn cứ trên lời của Đức Chúa Trời. Chính vì tình trạng đó mà chúng ta cần phải để ý và ghi nhớ nguyên tắc quan trọng nầy: Ấy là ân điển nhưng không của Chúa chỉ áp dụng cho tân tín hữu mà thôi. Khi một người mới đến với Chúa để cầu nguyện tin nhận Ngài thì người đó chưa từng làm một điều gì hết cho Chúa, nhưng vì tình yêu thương lớn lao của Chúa dành cho con người nên Ngài sẳn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi mà người đó đã phạm trong quá khứ. Đó chính là ân điển nhưng không, tức là sự tha thứ của Chúa chỉ vì người đó tin nhận Ngài mà thôi. Nhưng sau khi đã tin nhận Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân phải sống theo mẫu mực trong luật pháp của Chúa để báo đáp ơn tha thứ của Ngài, bằng không thì kẻ đó sẽ bị kể là vô ơn trước mặt Chúa, tức là không biết dùng đời sống mình để tạ ơn Chúa về sự tha thứ của Ngài mà mình đã nhận được. Mưu chuớc của ma quỉ là lợi dụng một số người để diễn giải sai lạc về các chữ ân điển nhưng không và đem điều đó áp dụng cho những Cơ-đốc-nhân đã tin Chúa nhiều năm rồi để con dân Chúa không chú ý đến sự sống đạo và tiêu chuẩn thánh khiết mà Đức Chúa Trời đã đòi hỏi như là điều kiện để được vào Thiên đàng trong tương lai. Điều nầy thì tôi sẽ xin được trình bày chi tiết hơn trong một lần khác với Chủ đề Thế Nào Là Ân Điển Nhưng Không.
Trở lại với vấn đề Cơ-đốc-nhân thuộc dưới ân điển chớ không thuộc dưới luật pháp thì tôi xin được nhắc nhở lại một lần nữa là chúng ta cần phải hiểu rằng điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân sau khi đã tin Chúa rồi, và khi đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời rồi thì không còn bị ràng buộc bởi việc phải làm theo luật pháp vì sợ hãi hình phạt, nhưng mà phải sống theo luật để báo đáp lại ân điển nhưng không của Chúa khi Ngài đã tha thứ tội lỗi trong quá khứ của chúng ta. Điều đó giống như là sự báo ơn, báo hiếu cho Cha Thiên Thượng của chúng ta và để làm chứng tốt về Ngài trước mặt cả thiên hạ.
Đối với chương trình của Đức Chúa Trời thì loài người phải vâng phục và làm theo luật pháp của Chúa đã chỉ định, vì nếu không làm theo thì sẽ bị kể là kẻ có tội và phải chịu hình phạt. Ấy là vì Đức Chúa Trời là Đấng Chủ tể của cả vũ trụ nên con người bắt buộc phải vâng phục Ngài. Nhưng khi một người tin nhận Chúa và trở thành Cơ-đốc-nhân rồi thì người ấy không còn là người ngoại nữa mà là con cái của Đức Chúa Trời. Bấy giờ thì Cơ-đốc-nhân không còn phải vì sợ hãi hình phạt mà bắt buộc phải làm theo luật pháp nữa, nhưng con dân của Chúa sẽ tự nguyện sống theo luật pháp để báo đáp ân điển của Chúa và để chứng tỏ rằng mình xứng đáng được kể là con cái của Ngài.
Tôi xin đưa ra một thí dụ sau đây để quý Hội thánh có thể hiểu được điều tôi vừa mới trình bày. Thí dụ như trong một vương quốc thì người dân phải vâng theo luật pháp mà nhà vua đã ban hành, bằng không thì họ sẽ bị kể là kẻ có tội, sẽ bị đánh phạt, bị giam giữ hoặc phải bị tử hình. Nhưng các con cái của vua, tức là các hoàng tử và công chúa, thì không cần phải sợ hãi luật pháp, bởi vì nếu họ có phạm luật pháp thì các quan tòa cũng không dám kể tội cho họ và nếu họ có phạm tội nặng nề hơn nữa thì cũng không ai dám xử họ bằng tội tử hình ngoại trừ một mình vua cha mà thôi. Nhưng không phải vì thế mà các hoàng tử công chúa cứ thoải mái phạm luật pháp và sống bất cần luật pháp. Nếu họ cứ phạm tội và vi phạm luật pháp mà vua cha đã ban hành thì thần dân trong nước sẽ chê cười hoàng gia, sẽ đàm tiếu là vua cha không biết dạy con, hay nặng hơn nữa là các hoàng tử công chúa là những đứa con không được dạy dỗ tốt. Dân gian còn có một từ ngữ khác để chỉ về tình trạng không được dạy dỗ mà tôi thì không dám dùng ở đây. Như vậy là khi phạm luật pháp thì các con của vua sẽ là tội đồ lớn nhất trong vương quốc. Chính bởi lẽ đó mà mặc dầu các hoàng tử và công chúa không cần phải sợ hãi luật pháp nhưng họ vẫn phải tuân thủ luật pháp để mang lại danh tiếng tốt cho vua cha, cho chính họ và làm gương mẫu cho mọi thần dân trong vương quốc. Trong thực tế thì chúng ta có thể thấy rằng nếu con cái trong các dòng hoàng gia của Anh quốc, Nhật bản hoặc Đan mạch mà sống trái với luật pháp hoặc làm tai tiếng cho gia đình họ thì báo chí sẽ bơi móc, dân chúng sẽ chê cười và thế giới sẽ đàm tiếu, lên án. Vì thế mà các dòng hoàng gia đều cố gắng giữ cho con cái của họ lúc nào cũng phải là hình ảnh tốt và gương mẫu đẹp trước mắt mọi người, dầu là người trong nước hay là thế giới bên ngoài.
Đối với vương quốc Thiên đàng thì cũng như vậy. Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều được kể là con cái của Đức Chúa Trời, tức là những hoàng tử và công chúa tương lai trong vương quốc của Đức Giê-hô-va và của Đấng Christ. Bởi vì là con của Chúa nên chúng ta không còn phải sợ hãi luật pháp nữa, tức là không còn ở dưới luật pháp giống như những ngày chưa tin, mà chúng ta ở trên luật pháp. Bởi vì là con cái của Đức Chúa Trời, là hoàng tử và là công chúa của Thiên đàng nên sự cứu của chúng ta là bởi đức tin, chớ không phải bởi luật pháp. Nhưng vì sự vinh hiển của Vua cha, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân, là Đức Chúa Trời chí cao và vì để làm gương cho người ngoại mà Cơ-đốc-nhân cần phải sống theo mẫu mực của luật pháp trong Kinh thánh. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa cho biết là bổn phận của Cơ-đốc-nhân là phải làm vững bền luật pháp, như câu Kinh thánh đã được ghi lại trong Rô-ma 3: 31.
RÔ-MA 3: 31 – Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.
Chữ LÀM VỮNG BỀN LUẬT PHÁP trong câu Kinh thánh nầy có ý nói rằng Cơ-đốc-nhân chính là những người làm cho luật pháp của Vua Cha được tôn trọng và được noi theo trong vòng người chưa tin. Các chữ làm vững bền luật pháp có thể được hiểu như thế nầy: Trong bất cứ một đoàn thể nào, dầu là gia đình, câu lạc bộ, hãng xưởng, công ty hay là trong một quốc gia, thì đều có nội qui và luật pháp. Những điều đó sẽ giúp cho đoàn thể và quốc gia hoạt động một cách hòa hợp, suông sẽ và công bình. Bởi thế cho nên chúng ta có thể thấy rằng đoàn thể nào hoặc quốc gia nào có nội qui và luật pháp rõ ràng hẳn hoi và mọi người cùng tuân thủ thì công ty đó sẽ thành đạt và quốc gia đó sẽ phát triển văn minh. Còn đoàn thể nào hoặc quốc gia nào không có nội qui hoặc luật pháp rõ ràng, hoặc nếu có mà không được coi trọng hoặc không được tuân thủ làm theo thì đoàn thể đó, quốc gia đó sẽ không phát triển, hoặc bị chậm tiến, lạc hậu, thất bại và bị diệt vong. Lịch sử của thế giới trong nghành thương mại cũng như trong chính trị đã cho thấy điều đó. Vì thế mà những công nhân mới khi được nhận vào làm việc trong một công ty đều phải học biết về nội qui và bị bắt buộc phải tuân theo, bằng không thì sẽ bị đuổi việc. Trong các quốc gia thì cũng như vậy, ngay cả trong các quốc gia độc tài thì người ta cũng nhấn mạnh đến luật pháp và bắt buộc người dân phải tuân thủ. Chính vì thế mà mới có tòa án và trại giam để tuyên án và xử phạt những kẻ phạm pháp.
Nhưng có một điều đáng để ý mà tôi muốn nhấn mạnh tại đây: Ấy là trong các quốc gia văn minh và phát triển thì tỷ lệ những người biết tôn trọng luật pháp bao giờ cũng nhiều hơn là trong các quốc gia chậm tiến. Chẳng hạn như tại Hoa-kỳ thì dầu là ở nông thôn hay thành thị thì vẫn không có vấn đề chạy xe lộn xộn hoặc chạy xe bất kể luật giao thông. Nếu có chăng thì chỉ là trường hợp của một số cá nhân mà thôi. Nhưng tại các quốc gia chậm tiến thì dầu có luật lệ giao thông thì thường cũng không rõ ràng và tỷ lệ người tuân theo cũng rất là ít, thậm chí trong các nước độc tài thì nhiều khi cảnh sát giao thông lại chính là những kẻ cướp đường ban ngày, chặn xe của dân chúng mà phạt vạ bất kể luật pháp để lấy tiền bỏ túi riêng, để làm giàu cho họ và chia cho cấp trên. Chính vì vậy mà mới có tình trạng hối lộ hàng chục cây vàng để được làm cảnh sát giao thông. Những tình trạng như vậy làm cho người dân nghi ngờ chính quyền, không còn tin cậy nơi luật pháp nữa và phạm luật nhiều hơn, nhất là những kẻ con ông cháu cha, tức là những kẻ thuộc về gia đình bà con của những kẻ quyền thế độc tài. Tình trạng đó được gọi là không vững bền luật pháp, vì người dân thì bị bắt buộc phải tuân theo, nếu không thì bị chụp mũ, bị cướp đoạt tài sản, bị tử hình, còn kẻ quyền thế và con cái của họ hoặc thành viên trong các đảng phái đang cầm quyền thì được ưu tiên phá luật hoặc sống theo luật rừng, mạnh được yếu thua, mà chẳng ai dám lên tiếng phê bình hoặc chẳng hề bị xét xử. Tình trạng không tôn trọng luật pháp hoặc không vững bền luật pháp như vậy chỉ có thể xãy ra trong thế giới của con người chớ không thể nào xãy ra trong vương quốc thuộc linh của Đức Chúa Trời.
Đối với vương quốc của Đức Chúa Trời, là Vua trên muôn vua Chúa trên muôn chúa thì con cái của Ngài, dầu rằng đã được cứu bởi đức tin, thì vẫn phải sống theo luật pháp để làm vinh hiển cho Vua Cha và để làm gương cho người ngoại, hầu cho họ biết rằng đó là luật pháp đời đời của Đấng không bao giờ thay đổi đang cai quản cả vũ trụ nầy. Sống mẫu mực như vậy tức là làm vững bền luật pháp của Đức Chúa Trời. Đó chính là ý nghĩa thật sự của các câu gốc trong Rô-ma 6: 14-15 và trong Rô-ma 3: 31. Nếu Cơ-đốc-nhân nào đã là con cái của Đức Chúa Trời mà lại không sống mẫu mực theo các tiêu chuẩn trong luật pháp của Chúa thì người đó sẽ bị kể là kẻ giả hình, giống như trường hợp lầm lỡ của Phi-e-rơ lúc ở tại thành An-ti-ốt mà Phao-lô đã có trách ông trong Ga-la-ti 2: 11-14.
Cũng chính vì nhiều Cơ-đốc-nhân không hiểu rằng tại sao mình phải sống theo luật pháp của Chúa mặc dầu đã có đức tin rồi nên ma quỉ đã lợi dụng một số người rao giảng chỉ hiểu lời của Chúa theo bề mặt của chữ mà thôi để dẫn dắt Cơ-đốc-nhân đi sai lạc theo con đường của những con cái hư hỏng không được dạy dỗ và không biết làm vinh hiển cho cha mẹ mình, tức là việc Cơ-đốc-nhân không biết làm vinh hiển Chúa khi cứ sống theo tiêu chuẩn của người thế gian và cứ từ chối sống theo mẫu mực của Kinh thánh. Vết xe đổ đó thì người Giu-đa đã phạm khi xưa và ngày nay thì Cơ-đốc-nhân lại tiếp tục làm như vậy khiến cho danh của Chúa bị nói phạm trong vòng người ngoại như đã có chép trong Rô-ma 2: 24.
RÔ-MA 2: 24 – Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép.
Khi người ta chê bai đàm tiếu những con cái dòng dõi hoàng gia trên đất khi thấy họ sống phóng túng bê tha, hoặc khi dân chúng trong các nước độc tài bực tức khi thấy chính quyền và đảng phái của họ sống trên luật pháp thì cũng vậy, người ngoại sẽ khinh dễ những người tự xưng là Cơ-đốc-nhân mà không sống mẫu mực theo lời của Chúa trong Kinh thánh hoặc sẽ nói phạm đến danh của Đức Chúa Trời khi thấy những người mệnh danh là con cái của Ngài lại sống không xứng đáng với tiêu chuẩn của Thiên đàng. Chính vì có nhiều Cơ-đốc-nhân cứ từ chối nghe lẽ thật của Chúa cho nên ma quỉ đã lợi dụng một số người rao giảng để dụ dỗ con dân Chúa làm ngơ với luật pháp của Ngài, từ đó làm cho niềm tin trong Chúa bị người ngoại khinh dễ, thậm chí làm cho họ nói lời phạm thượng đến Đức Chúa Trời. Kế hoạch của ma quỉ đã được thành công bởi việc Cơ-đốc-nhân chỉ thích nghe những lời êm tai hoặc thuận theo ý tưởng và quan điểm của mình mà thôi. Bởi vậy cho nên khi Cơ-đốc-nhân nào không chịu nghe và không chịu sống theo luật pháp của Chúa thì họ đã trực tiếp bôi nhọ thanh danh của gia đình Đấng Christ, đã làm cho danh vinh hiển của Đức Chúa Trời bị nói phạm bởi người chưa tin, đã tiếp tay cho ma quỉ để chống nghịch với Chúa. Như vậy thì những Cơ-đốc-nhân từ chối sống theo mẫu mực của Kinh thánh làm sao có thể xứng đáng để làm hoàng từ và công chúa của vương quốc Thiên đàng trong tương lai?
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng đời đời của chúng ta tiếp tục nhắc nhở cho con dân Chúa biết sống xứng đáng với mẫu mực của Kinh thánh để làm vinh hiển Chúa và để làm chứng tốt cho người chưa tin. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục mở mắt thuộc linh của con dân Ngài để chúng ta có thể thấy được sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa mà vui lòng làm theo. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho Cơ-đốc-nhân trong cố gắng đạt đến sự trọn vẹn theo luật pháp của Chúa để chúng ta được xứng đáng là con cái của dòng dõi hoàng gia trên trời. Amen.