ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀI

‘Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men’. (2Phi-e-rơ 3: 18)

Chúng tôi dùng câu gốc trên đây để làm nền tảng cho chủ đề nầy vì lời của Chúa có truyền dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải tấn tới trong sự thông biết Chúa.

Sự hiểu biết về chính mình Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng nhưng chỉ có một số ít con dân Chúa là hiểu được như vậy. Chẳng những thế thôi đa số Cơ-đốc-nhân cũng chưa đạt được đến mức độ hiểu biết mà Chúa muốn chúng ta phải có.

Có tình trạng như vậy là vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời chưa bao giờ được xem là trọng tâm trong cuộc đời của Cơ-đốc-nhân. Lý do chủ yếu cũng là vì điều nầy không được nhấn mạnh trong sinh hoạt tin kính của con cái Chúa và cũng ít khi được đề cập đến trong các bài giảng của người hầu việc Chúa.

Nhiều người tưởng rằng chỉ có những người hết sức đặc biệt mới có thể hiểu biết được về Chúa, hoặc là nghĩ rằng Cơ-đốc-nhân cần phải có những khả năng siêu phàm hoặc có sự khôn sáng hơn hẳn những người khác thì mới có thể hiểu biết được về Chúa. Thông thường nhất là người ta nghĩ rằng chỉ có những người chuyên môn về thần học thì mới có thể hiểu biết được về Ngài.

Nhưng nếu chúng ta để ý một cách cẩn thận câu gốc vừa được trưng dẫn trong 2Phi-e-rơ 3: 18 thì sẽ thấy rằng mạng lệnh về sự hiểu biết Chúa là dành cho tất cả các Cơ-đốc-nhân chớ không miễn trừ một ai. Mạng lệnh ấy trong lời của Chúa không hề giới hạn việc hiểu biết về Chúa cho riêng một thành phần nào đó không mà thôi.

Nguyên nhân cũng là vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là sự ban cho của Đức-Thánh-Linh, có nghĩa là Ngài sẽ ban cho Cơ-đốc-nhân có được ân tứ ấy, chớ không phải là tùy thuộc vào khả năng của con người. Vì vậy bất cứ Cơ-đốc-nhân nào, dầu là học thức hay bình dân, thì cũng đều có thể hiểu được về Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài nếu biết hết lòng cầu nguyện Đức-Thánh-Linh soi sáng cho.

Nguyên tắc về việc được Đức-Thánh-Linh soi sáng để hiểu biết về các vấn đề thuộc linh là điều mà Cơ-đốc-nhân nào cũng biết, nhưng ít có người thật sự tin tưởng hoặc áp dụng nguyên tắc ấy cho cá nhân mình, mà lại thường nghĩ rằng là một ai đó đặc biệt hơn sẽ có được sự ban cho ấy.

Vì vậy mà vấn đề nầy thường bị xao lãng, bỏ quên hoặc là ít được biết đến. Nếu được hỏi đến vấn đề nào là quan trọng nhất trong sự suy nghĩ của con dân Chúa thì đa số đều cho rằng đó là tình yêu thương chớ không phải là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời.

Tại sao lại có quan niệm như vậy là điều rất là dễ hiểu và chúng tôi xin được trình bày thêm ở phần sau.

Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết rằng tình yêu thương là rất quan trọng, còn quan trọng hơn cả đức tin nữa, theo như lời của Chúa đã có ghi lại trong 1Cô-rinh-tô 13: 13.

1CÔ-RINH-TÔ 13: 13 – Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Căn cứ vào các Lẽ thật trong Kinh thánh thì chúng ta biết rằng đức tin là quan trọng vì nhờ đức tin mà một người được cứu rỗi. Nhưng nếu chỉ có đức tin mà không có tình yêu thương đối với người khác thì người đó chưa làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời. Điều ấy đã được khẳng định trong các câu Kinh thánh sau đây:

GA-LA-TI 5: 14 – Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

RÔ-MA 13: 8 – Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp.

RÔ-MA 13: 10 – Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp.

Những nguyên tắc quan trọng như vậy về tình yêu thương thì Cơ-đốc-nhân nào cũng biết, bởi lẽ mà từ xưa đến nay Hội thánh chung và cộng đồng Cơ-đốc-nhân vẫn thường nhấn mạnh về tình yêu thương. Cũng từ đó mà có nhiều Cơ-đốc-nhân cứ tưởng rằng hễ đã có tình yêu thương với nhau là đủ rồi, còn những vấn đề khác thì đều là thứ yếu. Ấy là vì lời của Chúa cho biết là tình yêu thương còn quan trọng hơn cả đức tin để được cứu nữa.

Nhưng nếu nói riêng về tình yêu thương thì việc biết về tầm quan trọng của tình yêu thương và việc yêu thương như thế nào thì lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Chúng tôi không hề có ý định làm giảm giá trị của tình yêu thương, nhưng thấy rằng cần phải đề cập đến điều nầy. Ấy là vì trong thực tế có nhiều người yêu thương theo quan điểm của mình hoặc theo quan điểm của người thế gian mà vẫn tưởng rằng đã làm đẹp lòng Đức Chúa Trời rồi, trong khi đó thì lời của Chúa lại cho biết là Cơ-đốc-nhân phải yêu thương theo Lẽ thật chớ không phải là yêu thương vì có lợi cho cá nhân hoặc là yêu thương một cách mù quáng, như lời của Chúa đã có dạy bảo trong các câu Kinh thánh sau đây:

1GIĂNG 3: 18 – Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.

TÍT 1: 1 – Ta, Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật, là sự sanh lòng nhân đức,

2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 9-10 – Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả; dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi.

Chúng tôi sẽ trình bày thêm về việc yêu thương theo Lẽ thật là như thế nào và tầm quan trọng đặc biệt của tình yêu thương cách như vậy.

Nhưng trong Chủ đề chính là Đức Chúa Trời và Chương Trình của Ngài thì chúng tôi muốn trình bày cùng con dân Chúa rằng mặc dầu hành động của tình yêu thương là quan trọng hơn đức tin suông mà không có việc làm, nhưng còn có một điều khác lớn hơn và quan trọng hơn cả hành động của tình yêu thương nữa, đó là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, hiểu biết về ý muốn của Ngài cũng như hiểu biết về đường lối mà Chúa dành cho cả nhân loại.

Ấy là vì nhờ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời mà Cơ-đốc-nhân mới có thể có được tình yêu thương thật, tức là có được hành động yêu thương đúng theo tiêu chuẩn và qui định trong Lẽ thật của Chúa, chớ không phải là yêu thương theo cảm tính cá nhân hoặc yêu thương theo quan điểm của thế gian và xã hội loài người.

Điều nầy đã được lời của Chúa bày tỏ rõ ràng trong Cô-lô-se 1: 4 và 9-10.

CÔ-LÔ-SE 1: 4, 9-10 – Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em nơi Đức Chúa Jêsus Christ và về sự yêu thương của anh em đối với mọi thánh đồ… Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy S HIỂU BIẾT VỀ Ý MUỐN CỦA NGÀI, với mọi thứ khôn ngoan và HIỂU BIẾT THIÊNG LIÊNG nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, CÀNG THÊM LÊN TRONG SỰ HIỂU BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI.

Khi Phao-lô viết rằng từ ngày ông và những người cộng sự NHẬN ĐƯỢC TIN ĐÓ, thì điều ấy có nghĩa là từ ngày họ nhận được tin rằng các Cơ-đốc-nhân tại Cô-lô-se có đức tin và có tình yêu thương.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu các Cơ-đốc-nhân tại Cô-lô-se đã có đức tin và tình yêu thương đối với nhau, nhưng Phao-lô vẫn cầu nguyện không thôi cho họ để họ có được sự hiểu biết về ý muốn của Đức Chúa Trời, nhất là hiểu biết về chính Ngài và chương trình của Ngài dành cho con người.

Có ba đặc điểm mà chúng tôi muốn đề cập đến tại đây để cho quý anh chị em có thể thấy được nội dung chính trong các câu gốc vừa trưng dẫn.

Thứ nhất, là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời không phải là điều tự nhiên có được sau khi Cơ-đốc-nhân đã có đức tin và tình yêu thương. Hoặc nói một cách khác thì dẫu Cơ-đốc-nhân đã có đức tin và tình yêu thương, thì hai điều đó vẫn chưa giúp được cho con dân Chúa có các sự hiểu biết thiêng liêng, vẫn chưa hiểu biết nhiều về ý muốn của Đức Chúa Trời, vẫn chưa có sự khôn ngoan thuộc linh đáng phải có và vẫn chưa có sự hiểu biết về chính mình Đức Chúa Trời.

Thứ hai, là Phao-lô phải cầu nguyện thường xuyên với Chúa để xin cho các Cơ-đốc-nhân tại Cô-lô-se có sự hiểu biết về Ngài. Nếu điều nầy không phải là vấn đề quan trọng thì Phao-lô đã không cầu nguyện thường xuyên cho họ cách như vậy. Chúng ta biết rằng Phao-lô là người rất bận rộn với công việc Chúa vì phải quan tâm đến nhiều Hội thánh, cho nên chỉ những vấn đề nào thật cấp thiết và quan trọng thì ông mới cầu nguyện thường xuyên như vậy mà thôi.

Thứ ba, ấy là chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân có đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Chúa cùng với sự khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng đầy trọn thì lúc đó con dân Chúa mới thực sự sống đẹp lòng Chúa theo tiêu chuẩn của Ngài, tức là đẹp lòng Chúa mọi đường, chớ không phải chỉ là sống đẹp lòng Chúa trong một vài phương diện.

Vì nếu Cơ-đốc-nhân chỉ cần có đức tin và tình yêu thương là đã đủ để sống đẹp lòng Chúa mọi đường thì Phao-lô đã không được Đức-Thánh-Linh cảm động để cầu nguyện không thôi cho các Cơ-đốc-nhân tại Cô-lô-se để họ có được sự hiểu biết về chính mình Đức Chúa Trời và điều nầy đã không được ghi vào trong Kinh thánh.

Như vậy thì lời của Chúa cho chúng ta thấy rằng sự khôn ngoan và sự hiểu biết thiêng liêng, nhất là hiểu biết về ý muốn của Đức Chúa Trời và về chính mình Ngài thì còn cần thiết và quan trọng hơn cả đức tin và tình yêu thương nữa.

Như chúng tôi đã đề cập đến khi nãy thì chúng tôi không có ý muốn làm giảm giá trị của đức tin hoặc của tình yêu thương, nhưng Cơ-đốc-nhân phải hiểu như thế nầy: Theo tiêu chuẩn của Chúa thì một người cần phải có đức tin để đến gần Đức Chúa Trời hầu nhận được sự cứu rỗi. Sau đó thì người ấy phải có tình yêu thương để có thể làm trọn luật pháp và để được đẹp lòng Chúa. Nhưng để có thể sống đẹp lòng Chúa một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn thì người ấy phải có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Như vậy tức là đời sống của Cơ-đốc-nhân phải có sự tăng trưởng ở ba bậc, là đức tin, tình yêu thương và sự hiểu biết về chính Đức Chúa Trời.

Sự hiểu biết như vậy tức là sự hiểu biết đầy trọn của bậc thành nhân trong đời thuộc linh, như lời của Chúa đã xác định trong Cô-lô-se và trong Ê-phê-sô.

CÔ-LÔ-SE 3: 10 – Mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 13 – Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.

Bởi lẽ ấy mà chúng ta có thể nói rằng đức tin là quan trọng, nhưng tình yêu thương còn quan trọng hơn và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là quan trọng nhất.

Nhưng có thể sẽ có Cơ-đốc-nhân hỏi rằng tại sao mình phải hiểu biết về chính Đức Chúa Trời? Chắc cũng có người sẽ nói rằng: Làm sao con người có thể hiểu biết về Chúa được? Những người đó nghĩ rằng chỉ khi nào gặp Chúa rồi mới có thể biết được về Ngài, còn lúc đang sống trong thế gian nầy thì nếu đã không thấy được Ngài thì làm sao mà hiểu biết Ngài được?

Nhưng chúng ta có thể thấy được rõ ràng qua lời của Chúa trong 2Phi-e-rơ 3: 18 rằng Phao-lô ao ước con dân Chúa càng ngày càng hiểu biết về Chúa nhiều hơn đang khi còn sống trong thế giới nầy.

2PHI-E-RƠ 3: 18 – Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.

Chữ TẤN TỚI trong câu gốc nầy có nghĩa rằng Cơ-đốc-nhân mặc dầu đã có một số hiểu biết về Chúa kể từ ngày cầu nguyện tin nhận Chúa nhưng sự hiểu biết đó cần phải được tăng trưởng nhiều thêm theo năm tháng chớ không phải chỉ dừng lại một chỗ như lúc mới tin.

Ngoài ra chúng ta đều biết rằng khi lời của Chúa được bắt đầu bằng chữ HÃY thì đó là một lời khuyên quan trọng hoặc là một mạng lệnh mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm theo. Trong câu gốc vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng là ý của Chúa là muốn con dân Ngài phải hiểu biết về chính mình Ngài nhiều hơn.

Ngoài ra thì chúng ta cũng có thể thấy rằng câu gốc vừa được trưng dẫn cho thấy là Cơ-đốc-nhân phải có sự hiểu biết về Chúa nhiều hơn đang khi còn sống trong trần gian nầy chớ không phải là đợi đến khi qua đời rồi mới bắt đầu hiểu biết thêm về Chúa.

Nhưng theo quan điểm thông thường chung trong vòng Cơ-đốc-nhân thì sự hiểu biết về Chúa có nghĩa là cần phải đi nhà thờ, cần phải đọc Kinh thánh, cần phải cầu nguyện, dâng hiến, phục vụ, làm chứng, truyền giảng, nhất là phải biết hiệp một và yêu thương người khác. Những sự hiểu biết như vậy là tốt, nhưng đó mới chỉ là những hiểu biết căn bản về lễ nghi và những điều cần phải làm. Sự hiểu biết như vậy được xem như là sự hiểu biết sơ đẳng mà thôi.

Chúng ta cứ thử để ý thì sẽ thấy rằng trong các tôn giáo khác thì người ta cũng biết là cần phải đi đến chùa miễu để thờ lạy thần tượng của họ, cũng biết là cần phải làm việc thiện, phải dâng hiến, phải phục vụ, phải làm công quả để tích đức và nhất là cũng phải biết chinh phục người khác để gia nhập vào tôn giáo của họ mà thờ lạy các thần tượng ấy.

Chính vì sự hiểu biết như vậy là thông thường và sơ đẳng cho nên lời của Chúa trong Kinh thánh mới cho biết là chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân đạt đến sự hiểu biết cần thiết về chính mình Đức Chúa Trời thì lúc đó người ấy mới được kể là kẻ thành nhân, hay còn được gọi là người trưởng thành trong Chúa.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 13 – Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.

Đọc lại câu gốc nầy một cách kỹ lưỡng thì chúng ta có thể thấy rằng sự hiểu biết về Đấng Christ sẽ khiến cho Cơ-đốc-nhân trở nên bậc trưởng thành trong Chúa. Sự hiểu biết như vậy là sâu nhiệm hơn là sự hiểu biết rằng bổn phận của Cơ-đốc-nhân là phải đi nhà thờ, phải đọc Kinh thánh, phải cầu nguyện, phải dâng hiến, phải chứng đạo và truyền giảng.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Jêsus Christ là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, vì vậy mà Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời, như lời Chúa đã phán trong Giăng 10: 30. Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân có sự hiểu biết về Đấng Christ thì điều đó cũng được xem là có sự hiểu biết về chính Đức Chúa Trời và nhờ đó mà được xem như là người đã trưởng thành trong đời thuộc linh.

Cũng chính vì vậy mà trong Cô-lô-se 1: 4, 9-10 thì Phao-lô đã cho biết là chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân có đủ các sự hiểu biết thiêng liêng, tức là hiểu biết về ý muốn Chúa và nhất là hiểu biết về chính mình Ngài thì lúc đó con dân Chúa mới có thể thật sự sống đẹp lòng Chúa mọi đường. Tôi xin đọc lại các câu gốc trong Cô-lô-se đoạn 1 để quý Hội thánh có thể thấy rõ được nội dung quan trọng mà lời của Chúa muốn bày tỏ.

CÔ-LÔ-SE 1: 4, 9-10 – Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em nơi Đức Chúa Jêsus Christ và về sự yêu thương của anh em đối với mọi thánh đồ… Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời.

Chúng ta thử suy nghĩ một thí dụ về trẻ em và người trưởng thành thì sẽ thấy được điều đó. Trẻ em mặc dầu ngây thơ và hồn nhiên, nhưng khó có thể làm vui lòng cha mẹ một cách hoàn toàn, bởi vì các em chưa biết được điều các em cần phải làm và điều cần nên tránh, vì vậy mà có khi bị cha mẹ la rầy hoặc phải bị răn đe. Nhưng đối với một người trưởng thành hiểu biết mà lại có lòng thành tâm báo hiếu thì người đó sẽ hiểu được điều mình cần phải làm và điều cần nên tránh hầu cho có thể được đẹp lòng cha mẹ trong mọi phương diện.

Chính bởi lý do ấy mà Phao-lô mới bày tỏ rằng ông vẫn cầu nguyện không thôi cho các Cơ-đốc-nhân tại Cô-lô-sẽ để họ có được sự hiểu biết thiêng liêng một cách đầy đủ hầu cho có thể sống đẹp lòng Chúa mọi đường, mà sự hiểu biết thiêng liêng quan trọng hơn hết là hiểu biết về chính mình Đức Chúa Trời.

Nói một cách ngắn gọn cho dễ hiểu thì sự hiểu biết về chính mình Đức Chúa Trời là tột đỉnh của tình yêu thương, bởi vì nguyên tắc chính yếu trong tình yêu thương thật là hễ đã yêu ai thì phải hiểu biết trọn vẹn về người đó. Cũng bởi nguyên tắc ấy mà Phao-lô đã được Đức-Thánh-Linh soi sáng để viết thư cho Cơ-đốc-nhân tại Ê-phê-sô để nhắc nhở rằng sau khi họ đã có tình yêu thương đối với nhau thì phải biết tìm hiểu về chính mình Đức Chúa Trời, vì đó là trọng tâm và tội đỉnh của tình yêu thương.Tôi xin đọc các câu Kinh thánh trong Ê-phê-sô 1: 15-17 để quý Hội thánh có thể thấy được điều đó.

Ê-PHÊ-SÔ 1: 15-17 – Vậy nên, sau khi tôi có nghe đức tin anh em hướng về Đức Chúa Jêsus và tình yêu thương đối với các thánh đồ, thì tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện. Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài.

Lời của Chúa trong câu gốc nầy cũng tương tự như trong Cô-lô-se 1: 4, 9-10, và chúng ta có thể thấy được rõ ràng rằng sau khi các Cơ-đốc-nhân tại thành Ê-phê-sô đã có được đức tin và tình yêu thương đối với nhau thì họ cần phải có sự nhận biết Chúa. Bởi lẽ đó mà Phao-lô đã nhắc đến họ thường xuyên trong khi cầu nguyện để Đức Chúa Trời có thể ban cho họ sự khôn sáng thiêng liêng hầu có thể tìm hiểu về chính mình Ngài. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng có đức tin và có tình yêu thương với nhau chưa phải là đã đủ, mà Cơ-đốc-nhân còn cần phải có thêm sự hiểu biết về chính mình Đức Chúa Trời, vì đó là tội đỉnh của tình yêu thương. Thứ bậc như vậy rất phù hợp với lời của Chúa trong 2Phi-e-rơ 1: 5-8.

2PHI-E-RƠ 1: 5-8 – Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu.

Chúng ta có thể thấy được rằng trong câu gốc nầy thì đức tin là sự khởi đầu, rồi từ đó mới dần dần tiến đến mức độ có tình yêu thương anh em. Nhưng đạt đến đó thì chưa phải là đã đủ, mà còn phải thêm lên bằng lòng yêu mến Đức Chúa Trời, như lời của Đức Chúa Jêsus đã có phán dạy trong Ma-thi-ơ 22: 37.

MA-THI- 22: 37 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

Nhờ lời của Chúa đã phán dạy như vậy mà chúng ta mới hiểu được rằng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là tột đỉnh của tình yêu thương. Điều đó có nghĩa là hễ Cơ-đốc-nhân nói rằng mình kính yêu Chúa thì chắc chắn là phải hết sức tìm hiểu về Ngài, vì không có lẽ nào chúng ta nói rằng mình yêu Chúa mà chỉ hiểu biết về Ngài một cách sơ đẳng hoặc lơ là với việc tìm hiểu thêm về chính mình Đức Chúa Trời.

Theo như lời Kinh thánh định nghĩa về tình yêu thương thật thì tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ, như đã có chép trong 1Cô-rinh-tô 13: 8. Lý do mà tình yêu thương thật không bị hư mất, hoặc nói một cách chính xác hơn là không bị tàn phai theo năm tháng, là vì tình yêu thương thật là yêu thương hoàn toàn chính con người mà mình yêu, yêu từ dáng vóc bên ngoài cho đến tánh tình và bản chất bên trong, yêu từ ưu điểm đến cả khuyết điểm nữa. Tình yêu thương như vậy thì không bao giờ tàn phai theo năm tháng, còn tình yêu thương mà chỉ yêu theo dáng vóc hoặc nhan sắc bên ngoài không mà thôi thì sẽ phai nhạt dần theo thời gian khi dáng vẻ bên ngoài ấy không còn nữa. Cũng cùng một cách như vậy, để lòng kính yêu Đức Chúa Trời của chúng ta được tồn tại đời đời thì Cơ-đốc-nhân phải tìm hiểu thật tỏ tường về chính mình Chúa, về những mỹ đức và bản tánh của Ngài hầu cho sự hiểu biết như vậy làm tăng thêm lòng kính yêu của chúng ta đối với Chúa. Trong đức tin thì chúng tôi có thể quả quyết một cách chắn chắn rằng hễ ai càng hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều chừng nào thì càng thêm lên lòng kính yêu Chúa chừng nấy. Gương các thánh đồ ngày xưa đã cho chúng ta thấy được điều đó. Vì vậy mà sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là tột đỉnh của tình yêu thương.

Chúng ta có thể lấy thập tự giá để làm thí dụ mà hình dung thế nầy về sự hiểu biết về Chúa qua các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn: Vì thập tự giá là biểu tượng của tình yêu, cho nên đức tin là điểm bắt đầu, tức là gốc hoặc là chân của cây thập tự, kế đến thì có chiều ngang, tức là biểu tượng của lòng yêu thương đối với người khác. Nhưng nếu chỉ có chiều ngang không mà thôi thì đó chưa phải là thập tự giá. Vì vậy mà lời của Chúa mới cho biết là dầu đã có tình yêu thương anh em thì vẫn chưa đủ, mà cần phải có lòng yêu mến Đức Chúa Trời nữa, tức là chiều dọc của thập tự, là chiều từ đất lên trời. Thập tự giá phải có hai chiều và hễ chiều dọc cao bao nhiêu thì chiều ngang cũng phải được nâng lên một cách tương xứng bấy nhiêu để tạo thành hình thập tự. Vì vậy khi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được nhiều thêm lên chừng nào thì tình yêu thương người khác của Cơ-đốc-nhân cũng được nâng lên cao chừng nấy.

Vì vậy mà chúng ta có thể hiểu rằng sự cố gắng tìm hiểu càng thêm về Đức Chúa Trời là hành động bày tỏ tấm lòng kính yêu của chúng ta đối với Ngài, và sự tìm hiểu về Chúa như vậy là động cơ để phát triển thêm tình yêu thương anh em.

Nói tóm lại là hễ hiểu biết về Chúa nhiều chừng nào thì lòng yêu thương anh em của Cơ-đốc-nhân càng được thêm lên chừng nấy.

Sau khi đã nhận biết rằng sự tìm hiểu về Đức Chúa Trời là tột đỉnh của tình yêu thương vì bày tỏ được lòng kính yêu của chúng ta đối với Ngài, thì chúng tôi xin lượt kê những lý do chính yếu mà Cơ-đốc-nhân cần phải tìm hiểu về Đức Chúa Trời:

Thứ nhất là vì đó là phản ứng tự nhiên của con cái có lòng hiếu kính đối với cha mẹ, mà Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng của chúng ta.

CHÂM NGÔN 23: 26 – Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha.

Lý do thứ hai là để bày tỏ lòng kính yêu thật sự đối với Đức Chúa Trời. Hễ ai chú tâm đến tình yêu thương thì đương nhiên phải hiểu biết về Đức Chúa Trời, vì Ngài là Tình yêu thương. Như điều mà chúng tôi đã có đề cập đến trước đây thì khi mình nói rằng yêu thương ai thì chúng ta phải hiểu biết rõ ràng về người đó. Trong phương diện thuộc linh cũng vậy, hễ Cơ-đốc-nhân có lòng kính yêu Đức Chúa Trời thì mình phải hiểu biết rõ ràng về Ngài.

Ê-SAI 43: 10 – Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa.

GIĂNG 16: 3 – Họ sẽ làm điều đó, vì không biết Cha, cũng không biết ta nữa.

Lý do thứ ba khiến cho Cơ-đốc-nhân hết lòng tìm hiểu về Đức Chúa Trời vì ấy là sự cảm động của Đức-Thánh-Linh trong đời sống mình. Hễ ai có Đức-Thánh-Linh ngự trị bên trong đời sống mình thì người đó có được sự thối thúc để muốn hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn.

MA-THI-Ơ 11: 27 – Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha.

GIĂNG 8: 19 – Chúng thưa cùng Ngài rằng: Cha của thầy ở đâu? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi chẳng biết ta, và cũng chẳng biết Cha ta. Nếu các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta nữa.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 13 – Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.

2PHI-E-RƠ 1: 8 – Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu.

Lý do thứ tư của sự hết lòng tìm hiểu về Chúa là vì chúng ta muốn noi theo gương của Đức Chúa Jêsus.

1CÔ-RINH-TÔ 11: 1 – Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

GIĂNG 10: 15 – Cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 1 – Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài;

Lý do thứ năm là vì muốn được phước đầy dẫy trong Chúa.

GIĂNG 17: 3 – Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến.

2PHI-E-RƠ 1: 2 – Nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta!

Lý do thứ sáu là để nhờ đó có thể hiểu được đường lối của Đức Chúa Trời cho nhân loại và cho chính cá nhân mình.

GIÊ-RÊ-MI 5: 4 – Tôi bèn nói: Đó thật là kẻ nghèo hèn, ngu muội, vì không biết đường lối của Đức Giê-hô-va, luật pháp của Đức Chúa Trời mình.

THI THIÊN 25: 10 – Các đường lối Đức Giê-hô-va đều là nhân từ và chân thật. Cho kẻ nào giữ gìn giao ước và chứng cớ của Ngài.

Lý do thứ bảy là dùng sự hiểu biết về Chúa làm để làm vững mạnh thêm cho cá nhân trong phương diện thuộc linh hầu có thể thắng hơn được sự cám dỗ của Sa-tan và những đam mê của thế gian.

Ê-SAI 5: 13 – Vậy nên, dân ta phải bắt làm phu tù, vì không hiểu biết; kẻ sang nó chịu đói, chúng dân nó chịu khát.

Sau khi đã biết được 7 lý do chính yếu mà Cơ-đốc-nhân cần phải hiểu biết về Chúa thì chúng ta có thể kết luận rằng nếu một người tuyên bố rằng mình đã tin nhận Chúa mà không cố hết sức để tìm hiểu về Đấng là Chủ tể và là Cha thiên thượng của đời sống mình thì người đó chưa có đức tin mạnh mẽ đủ trong Chúa.

Nhưng khi Cơ-đốc-nhân chúng ta cố hết sức tìm hiểu về chính mình Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài thì sau đây là những điều mà Kinh thánh đã bày tỏ và cũng là những lẽ thật căn bản trong Kinh thánh:

Trước hết Cơ-đốc-nhân cần phải biết và tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nghĩa là Đấng tự nhiên mà có và Ngài tồn tại đời đời.

Thông thường thì khi người ta nghĩ về một người hay một sự vật nào đó thì họ nghĩ đến xuất xứ hay nguồn gốc của người ấy hoặc của sự vật ấy.

Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì Ngài là Đấng tự nhiên mà có, không phải được tạo dựng bởi bất cứ một ai khác. Ngài là Đấng có từ ban đầu, nghĩa là khi chưa có bất cứ một điều gì tồn tại cả.

Khi nghĩ về Đức Chúa Trời hiện hữu trong sự trống không tuyệt đối như vậy thì trí não của con người khó có thể hình dung ra được. Chính bởi lẽ đó mà Kinh thánh mới cho biết rằng đức tin của Cơ-đốc-nhân phải là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy hoặc chẳng có thể tượng tượng ra được (Hê-bơ-rơ 11: 1).

Sự hướng thượng của con người từ xưa đến nay là tìm kiếm để thợ phượng đấng cao cả hơn hết, vì vậy nếu Đức Chúa Trời được tạo dựng bởi một đấng nào đó thì chắc rằng Cơ-đốc-nhân cũng phải tìm kiếm đấng ấy để thờ phượng thì mới xứng đáng. Nhưng vì thực tế thì Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu, tức là Đấng tự nhiên mà có, thì khi Cơ-đốc-nhân thờ phượng Ngài thì đó là điều phải lẽ hơn hết, xứng đáng hơn hết.

Ê-SAI 43: 10 – Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa.

Ê-SAI 45: 5 – Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa. Dầu ngươi không biết ta, ta sẽ thắt lưng ngươi, hầu cho từ phía mặt trời mọc đến phía mặt trời lặn họ được biết rằng không có Đức Chúa Trời nào khác ngoài ta. Ta là Đức Giê-hô-va, không có đấng nào khác.

Ê-SAI 45: 18 – Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *