ĐỨC CHÚA TRỜI TỰ HỮU HẰNG HỮU 2

Kính thưa quý Hội thánh, trong cố gắng tiếp tục tìm hiểu về ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀI thì Chủ đề của chúng ta ngày hôm nay là…

ĐỨC CHÚA TRỜI TỰ HỮU HẰNG HỮU phần thứ 2

Phần Kinh thánh chủ đề của chúng ta là trong…

1Sử ký 16: 7-36

và câu gốc nền tảng của chúng ta là trong…

GIA-CƠ 1: 17 – Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.

Kính thưa quý Hội thánh, lần trước thì chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm đến yếu tố đầu tiên của sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời, và đó là điều vượt quá sự suy tưởng của con người, thì hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học biết đến hai yếu tố kế tiếp, là sự không bao giờ thay đổi của Chúa và quyền năng vô hạn của Ngài. Cả ba yếu tố nầy là những lẽ thật căn bản hết sức quan trọng để giúp cho chúng ta áp dụng vào mọi vấn đề khi cố gắng tìm hiểu về Đức Chúa Trời và cũng để có thể giải thích được mọi lời của Chúa đã được ghi lại trong Kinh thánh.

Nhưng trước hết thì tôi xin được giải đáp một thắc mắc nhỏ có liên quan đến bài giảng lần trước. Vấn đề là như thế nầy:

Theo khuynh hướng chung của con người trong thời kỳ hiện đại thì nhiều người cho rằng họ cần phải biết rõ ràng về một điều nào đó trước rồi sau đó thì mới tin. Khuynh hướng ấy rất là phổ biến, nhất là trong giới trẻ và được bắt nguồn từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Với mức độ phát triển vượt bậc của khoa học ngày hôm nay thì người ta xem xét điều gì cũng bằng tâm trí thăm dò và tìm hiểu trước rồi sau đó mới tin.

Bởi vậy cho nên sau khi tôi trình bày phần đầu tiên của chủ đề Đức Chúa Trời tự hữu hằng hữu thì đã có người thắc mắc rằng tại sao tôi không nói đến sự tự hữu hằng hữu là gì mà chỉ có đề cập đến các yếu tố giúp cho Cơ-đốc-nhân tin nơi đặc điểm ấy của Đức Chúa Trời mà thôi. Vì vậy mà tôi xin có câu trả lời ở đây.

Chắc quý Hội thánh còn nhớ là khi tôi đề cập đến yếu tố thứ nhất về sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời thì đã có nói rằng sự tự hữu của Chúa vượt ra ngoài khả năng suy tưởng của con người. Chính yếu tố đầu tiên đó là căn bản để phân biệt ra giữa người tin và người không tin.

Chúng ta cần phải nhớ là đối với niềm tin trong Đức Chúa Trời thì đức tin phải đến trước rồi sau đó mới có được sự hiểu biết đầy đủ. Nguyên tắc nầy đi ngược lại hoàn toàn với khuynh hướng của con người mà tôi mới vừa đề cập đến khi nãy, là người ta thường đòi hỏi rằng phải hiểu trước rồi sau đó mới tin.

Nguyên nhân có sự khác biệt như vậy là vì Đức Chúa Trời là Đấng vĩ đại cao cả vô cùng cho nên trí não của con người không thể nào hiểu biết được về Ngài và về chương trình của Chúa dành cho con người. Như tôi đã có trình bày qua nhiều lần từ trước đến nay, rằng con dân Chúa chỉ có thể hiểu biết được về Ngài và hiểu biết được Kinh thánh qua sự soi dẫn của Đức-Thánh-Linh mà thôi. Ngoài ra thì không còn có cách nào khác. Mà muốn được Đức-Thánh-Linh soi dẫn cho thì trước hết chúng ta phải có lòng tin thật sự nơi Ngài.

Nguyên tắc tin trước rồi sau đó mới có thể hiểu biết thêm đã được Đức Chúa Jêsus nhấn mạnh khi giải thích cho các môn đồ biết nguyên nhân vì sao mà Ngài đã dùng nhiều thí dụ để giảng dạy cho đoàn dân đông và lời giải thích ấy đã được ghi lại trong…

MA-THI-Ơ 13: 10-13 – Môn đồ bèn đến gần Ngài mà hỏi rằng: Sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy? Ngài đáp rằng: Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước Thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết. Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa. Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng, vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết.

Trong các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng đối với các môn đồ thì Đức Chúa Jêsus đã giải thích cho họ rõ ràng về ý nghĩa của các thí dụ và Ngài cũng đã cho họ biết rằng đó là những sự mầu nhiệm của nước Thiên đàng. Ấy là vì các môn đồ đã có đức tin nơi Chúa, mặc dầu chưa được hoàn toàn mạnh mẽ theo như ý của Chúa muốn nhưng ít nữa thì họ cũng đã tin. Còn đối với đoàn dân đông thì họ chỉ đi theo Đức Chúa Jêsus để xem phép lạ hoặc là để được ăn no mà thôi, chứ chưa thật sự có lòng tin, cho nên Ngài không muốn cho họ được hiểu. Điều đó đã được chính Đức Chúa Jêsus cho biết và đã có ghi lại trong…

GIĂNG 12: 17 và 18 – Đoàn dân ở cùng Ngài khi Ngài kêu La-xa-rơ ra khỏi mộ và khiến từ kẻ chết sống lại, đều làm chứng về Ngài. Ấy cũng tại điều đó mà đoàn dân đi đón Ngài, vì có nghe rằng Ngài đã làm phép lạ ấy.

Và một câu khác trong…

GIĂNG 6: 26 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no.

Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus mới cho biết nguyên tắc về sự ban cho của Đức Chúa Trời, là sẽ cho thêm kẻ nào đã có đức tin, thì họ sẽ được hiểu biết nhiều thêm về Chúa để đức tin của người đó được mạnh mẽ càng hơn. Còn đối với kẻ nào không có đức tin nơi Chúa, thì Chúa lại cất luôn điều họ đã có nữa, tức là làm cho vốn liếng kiến thức mà họ đã cậy nhờ nơi khả năng xác thịt để có được cũng trở nên vô ích trong sự tìm hiểu về Đức Chúa Trời. Đó là điều mà tôi đã có trình bày qua trong lần trước khi chúng ta suy gẫm đến phần thứ nhất của Chủ đề nầy.

Bởi vậy cho nên khi chúng ta suy gẫm và học biết về sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời thì trước hết Cơ-đốc-nhân phải có lòng tin thật sự nơi đặc điểm ấy của Chúa rồi sau đó mới có thể hiểu biết nhiều thêm. Chính vì vậy mà tôi mới trình bày cùng với quý Hội thánh về các yếu tố cần thiết cho sự phát triển lòng tin nơi sự tự hữu hằng hữu của Chúa rồi sau đó chúng ta mới cùng nhau tìm hiểu thêm là đặc tính ấy của Chúa là như thế nào.

Cũng bởi lẽ đó mà nếu có một người nào chưa thật sự có đức tin nơi Chúa thì những điều mà chúng ta đang học đây sẽ làm cho người ấy càng cảm thấy bối rối và khó khăn hơn mà thôi. Vì vậy mà chữ TIN mới trở thành bước quan trọng thứ ba của Cơ-đốc-nhân trong tiến trình theo Chúa, bởi vì nếu không có đức tin thật thì một người dầu đã gia nhập vào Hội thánh lâu năm thì đời sống vẫn chưa thay đổi và vẫn chưa hiểu biết được bao nhiêu về Đức Chúa Trời. Điều đó cho chúng ta thấy rằng đức tin là quan trọng lắm trong việc tìm hiểu về Chúa và khi chúng ta biết chuyên cần chuyên tâm trong cố gắng nầy thì Chúa sẽ ban cho thêm đức tin mà chúng ta đang có để được vững mạnh trưởng thành hơn, cứ y theo nguyên tắc mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết trong Ma-thi-ơ 13: 12 mà đã có trưng dẫn khi nãy.

Ngoài ra thì nguyên tắc tin trước rồi mới hiểu biết sau cũng là cách thức mà Chúa muốn dùng để hạ thấp nguy cơ kiêu ngạo trong đời sống của con người. Vì nếu hiểu biết trước rồi sau đó mới tin thì con người sẽ có thể sinh lòng kiêu ngạo về khả năng đó của họ, vì nghĩ rằng chỉ cần một chút cố gắng của xác thịt và với năng lực cá nhân thì họ cũng đã có thể hiểu biết về Chúa rồi. Sự kiêu ngạo như vậy chắc chắn là không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng nếu bởi đức tin và bởi sự soi dẫn của Đức-Thánh-Linh mà con người mới có thể hiểu biết được về Chúa thì điều đó sẽ giúp cho những người đến gần Chúa ý thức được sự bất năng của họ để từ đó biết cảm tạ Chúa nhiều hơn, biết dâng vinh hiển cho Ngài và biết khiêm nhường hạ mình nhiều hơn nữa.

Vì vậy mà chúng ta cần phải tin trước bằng đức tin thật rồi sau đó mới được Đức-Thánh-Linh bày tỏ rõ ràng hơn về chính mình Đức Chúa Trời. Đó là nguyên tắc chủ yếu trong việc tìm hiểu về Đấng Toàn Năng mà Kinh thánh đã có bày tỏ qua trong…

2CÔ-RINH-TÔ 5: 7 – Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy.

Bởi lẽ đó mà khi định nghĩa về đức tin thì lời của Chúa mới cho biết rằng đức tin phải đến trước rồi sau đó mới có thể hiểu thấu được những sự mầu nhiệm của cõi vô hình. Đọc lại định nghĩa của đức tin trong Hê-bơ-rơ 11: 1 thì chúng ta sẽ thấy được ý tưởng đó rõ ràng là như thế nào.

HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Khi chúng ta để ý đến phần thứ hai trong câu gốc nầy thì sẽ thấy rằng đức tin của cá nhân là bằng chứng về điều mà mắt chúng ta chưa thấy được, và đức tin như vậy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết Đức Chúa Trời đang khi còn sống trên đất nầy, rồi từ đó sẽ giúp chúng ta được tận mắt thấy Ngài trong tương lai.

Vì vậy mà khi nghiên cứu về sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời thì Cơ-đốc-nhân cần phải tin về đặc điểm ấy của Chúa qua những yếu tố mà chúng ta sẽ lần lượt học qua cùng với nhau.

Yếu tố thứ nhất mà chúng ta đã suy gẫm đến trong lần trước là sự tự hữu hằng hữu của Chúa vượt ra ngoài sự suy tưởng của con người.

Còn bây giờ thì chúng ta sẽ suy gẫm tiếp đến yếu tố thứ hai, đó là sự thống nhất, không bao giờ thay đổi của Chúa.

Sự thống nhất nầy là đặc điểm hết sức nổi bật giữa niềm tin trong Đức Chúa Trời đối với các tôn giáo khác của trần gian.

Nhưng trước khi đi xa hơn nữa thì tôi thấy cần phải đính chánh rằng những điều mà tôi sắp sửa trình bày ở đây hoàn toàn không có ý đả kích đến bất cứ một tôn giáo nào. Đức Chúa Trời đã ban cho con người sự tự do để lựa chọn điều mà mỗi một cá nhân muốn thực hiện hoặc muốn tin theo, cho nên tôi cũng không muốn chỉ trích hoặc phán đoán bất cứ niềm tin của ai. Những điều mà tôi trình bày sau đây là chỉ muốn cho con dân Chúa thấy được sự khác nhau giữa niềm tin nơi Đức Chúa Trời và niềm tin vào các thần thánh do con người đặt ra mà thôi, hầu cho Cơ-đốc-nhân có thể vững lòng theo Chúa và tránh được việc hâm hẫm, nữa đạo nữa đời, hoặc là vừa tin Chúa vừa tin dị đoan, hoặc là đã tin Chúa mà vẫn còn thắp nhanh và thờ cúng như những ngày chưa tin.

Trở lại với chủ đề của chúng ta thì sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời là nguồn gốc của mỹ đức không bao giờ thay đổi của Ngài. Ấy là bởi vì sự tồn tại của Đức Chúa Trời không hề bị phụ thuộc vào bất cứ một điều nào hết, cho nên cũng chính bởi đặc điểm đó mà Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, có nghĩa là thần tánh và mỹ đức của Ngài như thế nào thì cũng sẽ như thế ấy cho đến đời đời. Lẽ thật quan trọng nầy đã được lời của Chúa bày tỏ ra trong…

THI THIÊN 102: 26 và 27 – Trời đất sẽ bị hư hoại, song Chúa hằng còn. Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống. Chúa sẽ đổi trời đất như cái áo và nó bị biến thay. Song Chúa không hề biến cải, các năm Chúa không hề cùng.

Chữ không hề biến cải ở đây có nghĩa là không bao giờ thay đổi và đặc tánh ấy của Chúa là kết quả của sự tự hữu hằng hữu của Ngài. Bởi vì Chúa là Đấng tự hữu, có nghĩa là tự nhiên mà có, không phải là được tạo ra bởi một đấng nào khác và không phải bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, cho nên bởi lẽ đó mà Chúa không cần phải thay đổi để phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau ở bên ngoài giống như là con người chúng ta.

Để có thể hiểu được điều đó thì tôi xin dùng một vài thí dụ đơn giản như thế nầy: Chẳng hạn như cơ thể của chúng ta đây, vốn có sức chịu đựng rất giới hạn, cho nên nếu nóng quá hoặc lạnh quá thì con người sẽ phải chết. Vì vậy mà để cho con người có thể sống được thoải mái thì vào mùa Đông người ta cần phải được sưởi ấm, còn vào mùa Hè nóng bức thì người ta cần phải có cách thức nào đó để làm cho mát mẽ, dễ chịu hầu cho nhờ đó mà có thể sinh tồn. Chính bởi lẽ ấy mà sự sống và các sinh hoạt của con người cũng phải thay đổi theo thời tiết và hoàn cảnh bên ngoài.

Tôi nhớ lại thời gian lúc còn sống ở Úc đại lợi thì có năm nhiệt độ vào mùa Hè lên đến 44 hoặc 45 độ C, tức là nóng hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng đó lại là cái nóng khô chớ không phải là nóng ẩm ướt như đất nước chúng ta. Những lúc như vậy thì chính phủ Úc đại lợi luôn luôn cảnh giác dân chúng trong nước là phải giữ cho nhiệt độ trong nhà được mát mẽ, những người già yếu và trẻ em phải tránh đi ra đường để không bị trúng nắng. Dầu vậy thì năm nào cũng có người tử vong vì bị nóng bức. Còn ở tại Hoa-kỳ đây thì năm nào cũng có người chết vì bị cóng lạnh, nhất là tại những thành phố phía Bắc như New York, Chicago.

Bản chất tánh tình của con người cũng bị ảnh hưởng theo cùng một cách như vậy, có nghĩa là thường bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài hoặc là các yếu tố bên trong cơ thể, chẳng hạn như khi bị đau khổ, bệnh hoạn hoặc đói khát thì người ta khó có thể vui được, hoặc nếu có thì chỉ là tạm thời hoặc là sự giả tạo bên ngoài mà thôi. Điều đó thì ai cũng biết và cũng từng kinh nghiệm qua.

Chính nhờ những thí dụ như vậy mà chúng ta thấy rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu, có nghĩa là tự nhiên mà có và không phải bị phụ thuộc vào bất cứ một điều gì cho nên thần tánh của Chúa là không bao giờ thay đổi hoặc nói một cách khác, thì Chúa không hề bị điều gì ảnh hưởng để cần phải thay đổi cả. Sự không bao giờ thay đổi của Chúa đã được cho biết qua các câu Kinh thánh sau đây, chẳng hạn như trong…

MA-LA-CHI 3: 6 – Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi; bởi cớ đó, các ngươi là con trai Gia-cốp, chẳng bị diệt vong.

và một câu khác trong…

GIA-CƠ 1: 17 – Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.

Các câu Kinh thánh nầy bày tỏ về thần tánh không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời, còn về Đức Chúa Jêsus Christ thì cũng như vậy, như lời của Kinh thánh đã có chép trong…

HÊ-BƠ-RƠ 13: 8 – Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.

Và một câu nữa trong…

2CÔ-RINH-TÔ 1: 19 – Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ, mà chúng tôi, tức là tôi với Sin-vanh và Ti-mô-thê, đã giảng ra trong anh em, chẳng phải là vừa phải vừa chăng đâu; nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi.

Các chữ chỉ có phải không mà thôi có nghĩa là Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng chân thật đúng đắn một cách trọn vẹn, không bao giờ thay đổi.

Cũng chính vì năng lực của sự tự hữu hằng hữu ấy mà Đức Chúa Trời cũng không bao giờ nói dối, cũng như không hề hối cải về những điều Ngài đã làm và sẽ còn làm trong tương lai. Thần tánh và mỹ đức đó của Ngài đã được ghi lại trong…

DÂN SỐ KÝ 23: 19 – Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?

Chúng ta có thể thấy rằng người ta nói dối là vì sợ hãi, chẳng hạn như sợ chết, sợ đau, sợ thất bại hoặc là sợ làm người khác mích lòng, sợ bị mang tiếng, sợ bị chê bai, sợ bị khi dễ và đủ các sự sợ hãi khác nữa. Tâm lý nói dối vì sợ trong bản tánh của con người đã được lời của Chúa đề cập đến trong Kinh thánh, như có chép trong…

Ê-SAI 57: 11 – Vậy thì ngươi kiêng ai, ngươi sợ ai, nên mới nói dối, nên mới không nhớ đến ta, và không lo đến sự đó? Có phải tại lâu nay ta làm thinh mãi, nên ngươi không kính sợ ta chăng?

Qua câu nầy thì lời của Chúa cho biết rằng vì sự sợ hãi mà con người thường hay nói dối. Còn đối với Đức Chúa Trời thì vì Ngài là Đấng tự hữu hằng hữu đầy quyền năng cho nên Ngài không hề sợ hãi bất cứ điều gì để cần phải nói dối. Cũng bởi lẽ đó mà Kinh thánh là quyển sách chân thật nhất trong trần gian vì đó là lời của Đức Chúa Trời truyền dạy cho con người, là lời của Đấng không hề nói dối và cũng không bao giờ thay đổi.

Như vậy thì qua các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn và nhiều câu khác nữa bày tỏ về những đặc tánh của Chúa bắt nguồn từ sự tự hữu hằng hữu của Ngài thì nhờ đó mà chúng ta nhận biết được rằng Đức Chúa Trời chính là Đấng cao cả hơn hết trong cả vũ trụ. Cho nên khi chúng ta thờ phượng Chúa và kính sợ Ngài thì điều đó là hợp lẽ và thuận lý hơn hết.

Nhưng đối với các thần thánh trong các tôn giáo của con người thì chúng ta có thể thấy rằng sự thay đổi và mâu thuẫn là nhiều lắm. Chẳng hạn như đối với người Phật giáo thì cho đến ngày nay họ vẫn không dứt khoát được là giữa ông trời và Phật Thích Ca thì đấng nào là lớn hơn. Nếu nói rằng Phật Thích ca là lớn hơn thì tại sao họ lại gọi ông trời là Ngọc hoàng thượng đế? Chữ thượng đế có nghĩa là vua tối cao và cho thấy rằng ông trời là lớn nhất, nghĩa là đấng tối thượng, nhưng bàn thờ trời của họ thì luôn luôn nhỏ hơn bàn thờ Phật và ít được quan tâm hơn.

Ngoài ra thì các tín lý của Phật giáo cũng thay đổi theo từng khu vực, hoặc là thay đổi theo quốc gia và theo thời đại, chẳng hạn như Phật giáo tại Ấn độ, tại Trung quốc, tại Nhật bản và tại Việt Nam đều khác nhau. Chỉ với tín lý ăn chay để tránh sát sanh không mà thôi thì cũng đã có nhiều quan điểm khác biệt, đến nỗi ngay cả chính người Phật giáo cũng không biết đâu là chính xác. Chúng ta cứ thử hỏi thăm họ về vấn đề đó thì sẽ thấy là các câu trả lời rất khác nhau. Có người thì nói rằng ăn con nào mà có huyết đỏ thì không được nhưng ăn con mà có huyết trắng thì được, chẳng hạn như không được ăn cá mà được ăn cua. Có người thì nói rằng không được ăn con gà mà được ăn trứng gà mặc dầu cái trứng đó có trống, có nghĩa là có sự sống và có thể ấp để sinh ra gà con. Có người thì nói là ăn chay để tránh sát sinh, nhưng mà họ cũng nhận biết rằng cây cỏ, rau quả cũng có sự sống, chẳng hạn như dây bầu dây bí thì đều có bông đực, bông cái và cũng cần phải thụ phấn để sinh ra trái. Bởi vậy cho nên có người thì nói rằng họ ăn chay là vì con heo con gà biết kêu ra tiếng khi bị đau, bị giết, còn cây cối rau cải không biết kêu đau nên ăn được.

Sự khác biệt và mâu thuẫn như vậy xãy ra là vì họ không thể trưng dẫn được một kinh sách nào làm nguồn gốc chính thức giống như là quyển Kinh thánh của chúng ta. Mỗi một hệ phái trong Phật giáo đều có kinh sách riêng, không giống như Cơ-đốc giáo là chỉ có một quyển Kinh thánh mà thôi.

Khi chúng ta nghiên cứu và suy gẫm lời của Chúa thì có thể thấy rằng sự thống nhất và không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ra xuyên suốt trong cả quyển Kinh thánh từ đầu đến cuối mà không có một sự mâu thuẫn nào. Như tôi đã có lần trình bày cùng với quý Hội thánh thì những sự mâu thuẫn mà người ta có đề cập đến và cho rằng đó là sự sai trật của Kinh thánh thì tất cả đều là do họ đã giải thích sai lời của Chúa khi không hiểu hoặc không biết được các lẽ thật căn bản cần phải áp dụng cho những vấn đề khác nhau trong cả Kinh thánh là như thế nào, chẳng hạn như về luật pháp hoặc là về tình yêu thương.

Thí dụ như là về luật pháp thì có tất cả là bảy loại: Luật tổng quát, luật địa phương, luật giai đoạn, luật hình bóng, luật lương tâm, luật hình sự và luật tuyển chọn. Cơ-đốc-nhân cần phải biết luật pháp nào thì mình phải tuân theo và luật pháp nào thì chỉ cần biết đến không mà thôi. Còn về tình yêu thương thì Cơ-đốc-nhân cũng phải biết phân biệt đâu là yêu thương theo lẽ thật và đâu là yêu thương mù quáng hoặc là yêu thương theo ý riêng để rồi nhờ đó mà biết sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Cũng một thể ấy, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu cho nên lời của Ngài rất chân thật và được bày tỏ rõ ràng trong Kinh thánh, chẳng hạn như các câu chuyện phạm tội của những thánh nhân trong lịch sử, chẳng hạn như câu chuyện về vua Đa-vít. Mặc dầu Đa-vít được Đức Chúa Trời yêu thương và lựa chọn để làm vua trên tuyển dân của Ngài, nhưng khi Đa-vít phạm tội tà dâm và tội giết người thì Kinh thánh đều ghi lại một cách trung thực rõ ràng, không giống như cách thức ghi chép sách vở lịch sử của con người trong trần gian. Chúng ta có thể thấy rằng khi loài người tôn sùng hoặc thần tượng hóa một nhân vật nào mà họ ngưỡng mộ, chẳng hạn như một lãnh tụ chính trị, một lãnh tự tôn giáo, một người đứng đầu đảng phải, hoặc là một thi sĩ, nhạc sĩ hay là bất cứ ai thì họ đều tìm cách đánh bóng cá nhân của người đó lên và che dấu những khuyết điểm khác, thậm chí đi đến chỗ giết người để bịt miệng, hoặc là bỏ tù những người dám phanh phui sự thật, hầu cho người khác không biết được về những phương diện xấu xa của thần tượng mà họ tôn sùng.

Vì vậy mà chúng ta có thể thấy rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu cho nên Ngài rất là chân thật, không hề nói dối mà cũng không bao giờ thay đổi và bởi đó mà Kinh thánh cũng rất là đúng đắng và trung thực.

Chính bởi lẽ đó mà sự hiểu biết về Đức Chúa Trời cùng với những thần tánh và mỹ đức của Ngài là rất quan trọng để từ đó chúng ta có thể hiểu được những lẽ thật mầu nhiệm trong Kinh thánh mà bước theo Chúa một cách hết lòng, bền đỗ và trung tín cho đến cuối cùng. Còn nếu như không hiểu biết được về Chúa và chương trình của Ngài thì sự theo Chúa của Cơ-đốc-nhân sẽ cứ còn vướng víu những thắc mắc, nghi ngại, hoang mang hoặc do dự và bởi đó mà không thể đạt đến mức độ đức tin thật cần phải có, bởi vì theo như lời của Chúa cho biết thì đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, chớ không phải là biết một cách lờ mờ, mơ hồ như trường hợp của nhiều người từ xưa đến nay đã mắc phải.

Nói một cách khác thì khi chúng ta nghiên cứu Kinh thánh và thấy rằng lời của Chúa là chính xác và thống nhất từ đầu chí cuối thì nhờ đó chúng ta nhận biết thần tánh không bao giờ thay đổi của Ngài và tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu. Mối liên hệ như vậy, tức là mối liên hệ giữa sự chân thật và sự tự hữu hằng hữu của Chúa đã được bày tỏ ra trong…

Thi thiên 119: 160 – Sự tổng cộng lời của Chúa là chân thật, các mạng lịnh công bình của Chúa còn đời đời.

Và một câu nữa trong…

1GIĂNG 5: 20 – Nhưng chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật, và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời.

Như vậy thì khi chúng ta nhận biết rằng Kinh thánh là chân thật và thống nhất thì nhờ đó chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu.

Còn như ngược lại, tức là khi một người nói rằng Kinh thánh có sự mâu thuẫn thì người đó chưa thật sự tin nơi sự chân thật không bao giờ thay đổi của Chúa. Điều đó cũng có nghĩa là người đó ngụ ý nói rằng lời của Chúa có sự sai lầm và từ đó cũng chứng tỏ rằng người ấy chưa thật sự có đức tin nơi sự tự hữu hằng hữu của Ngài.

Đến đây thì chúng ta đã có thể nhận biết rằng yếu tố chân thật và không bao giờ thay đổi được bày tỏ qua Kinh thánh chứng minh rằng Đức Chúa Trời là Đấng tự nhiên mà có và Ngài hằng có đời đời. Yếu tố nầy là yếu tố thứ hai giúp cho chúng ta hiểu được về sự tự hữu hằng hữu của Chúa.

Còn yếu tố thứ ba là quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời. Để có thể nhận biết được yếu tố nầy thì chúng ta cứ nhìn vào đời sống con người thì có thể hiểu ra ngay. Loài người chúng ta vì có khả năng giới hạn cho nên không thể tự mình sinh vào đời sống nầy mà phải cần đến cha mẹ. Cũng một thể ấy, vì loài người chúng ta có một thân thể bị giới hạn bởi ngoại vật và hoàn cảnh, có một khả năng bị giới hạn bởi sức khỏe và tuổi tác, có một bộ não bị giới hoạn bởi cơ hội và kinh nghiệm cho nên loài người chúng ta không thể nào sống mãi mãi trên đất nầy được, nhưng trái lại thì rất dễ bị tổn thương và sớm muộn gì thì cũng phải chết.

Còn như Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng cả vũ trụ và thế gian nầy chỉ bằng lời phán của Ngài không mà thôi thì quyền năng đó là yếu tố quan trọng bày tỏ rằng Ngài phải là Đấng tự hữu hằng hữu, nghĩa là Đấng sống đời đời vô cùng mà không hề bị lệ thuộc hoặc bị giới hạn bởi bất cứ điều gì hoặc là bất cứ hoàn cảnh nào. Nhiều câu gốc trong Kinh thánh đã cho biết về điều đó, chẳng hạn như có chép trong…

PHỤC TRUYỀN 32: 39 – Bây giờ, hãy xem ta là Đức Chúa Trời. Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác. Ta khiến cho chết và cho sống lại, làm cho bị thương và chữa cho lành, chẳng có ai giải cứu khỏi tay ta được.

Ê-SAI 43: 10 – Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa.

Bởi vậy cho nên những phép đã được thực hiện và đã được ghi lại trong Kinh thánh đều là nhằm để chứng minh về quyền năng tuyệt đối không giới hạn của Đấng tự nhiên mà có và hằng có cho đến đời đời.

Chính đời sống của chúng ta đây cũng là bằng chứng về quyền năng của Chúa. Ấy là bởi vì con người không thể tự thay đổi được bản tánh xác thịt vốn hay xu hướng về tội lỗi của chính mình. Và mặc dầu thế giới ngày nay đã phát triển vượt bậc, nhưng sự văn minh của xã hội, sự học thức cao xa của trường lớp, sự phát minh không ngừng nghỉ của khoa học vẫn không giúp cho con người được tốt hơn, mà chỉ khiến cho con người phạm tội càng tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, chỉ làm cho tội ác càng thêm nhiều hơn, thế giới càng sa đọa hơn mà thôi. Đọc tin tức mỗi ngày thì chúng ta có thể thấy được điều đó, rằng những kẻ phạm tội không chỉ là những người bần cùng thất học, mà còn là những kẻ có bằng cấp cao, có địa vị quan trọng trong xã hội hoặc là đang lãnh đạo một quốc gia, một dân tộc. Báo chí, phim ảnh thì đầy dẫy sự dối trá, âm nhạc kịch nghệ thì đầy dẫy sự sa đọa phóng túng, trường lớp thì đầy sự tuyên truyền hoặc đầu độc, tẩy não trẻ em, còn trong chính trường và trong khoa học thì đầy sự tham nhũng, tham quyền, tham lợi, dối trá bất kể danh dự hoặc tự trọng.

Nhưng trong một thế giới hổn loạn và đầy dẫy tội ác như vậy mà Cơ-đốc-nhân được thay đổi để trở nên một người hiền lành, chân thật, nhất là biết sống thánh khiết theo tiêu chuẩn của Chúa thì điều đó chỉ có thể đến từ quyền năng thay đổi của Đức Chúa Trời mà thôi, qua sự làm việc của Đức-Thánh-Linh.

Quyền năng thay đổi đó chỉ có một mình Đức Chúa Trời là làm được mà thôi, còn các cố gắng của con người thì chỉ đưa đến sự giả tạo ở bên ngoài nhưng bên trong thì vẫn y như cũ và chỉ giúp cho người ta giỏi che dấu con người thật của họ với đủ mọi thứ gian ác, chở chẳng có chút thay đổi nào.

Sự bất năng của con người và quyền năng tuyệt đối của Chúa đã được đề cập đến trong Kinh thánh, chẳng hạn như trong…

GIÊ-RÊ-MI 13: 23 – Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.

Và một câu nữa trong…

2CÔ-RINH-TÔ 5: 17 – Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.

Sự thay đổi thật trong đời sống và trong tâm thần mà Cơ-đốc-nhân kinh nghiệm được là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Và điều đó chứng minh cho sự tự hữu hằng hữu của Ngài. Bởi vì chỉ có Đấng tự nhiên mà có, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì thì mới có quyền năng để tạo dựng nên muôn vật một cách đẹp đẽ lạ lùng và mới có quyền năng để thay đổi được bản chất của con người mà thôi.

Quyền năng đó của Chúa chính là nguồn sự sống cho muôn vật và cho loài người chúng ta, cả trong phương diện thuộc thể và thuộc linh. Chính Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên mọi vật, mọi loài và sự sống của cả vũ trụ nầy đều bắt nguồn từ nơi Chúa, theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus trong…

GIĂNG 1: 1-3 – Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.

Chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Jêsus là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, bởi vậy cho nên khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên muôn loài bằng lời phán của Ngài thì điều đó có nghĩa là cả vũ trụ và thế gian đều được tạo dựng nên bởi Đức Chúa Jêsus Christ.

Như vậy thì đến đây tôi xin được tổng kết lại ba yếu tố giúp cho chúng ta hiểu được rằng Đức Chúa Trời là Đấng tự nhiên mà có và hằng có đời đời, đó là sự tự hữu hằng hữu của Chúa vượt quá sự suy tưởng của con người, rằng sự tự hữu hằng hữu của Chúa được bày tỏ qua mỹ đức không bao giờ thay đổi của Ngài, và sự tự hữu hằng hữu của Chúa là nguồn sự sống của muôn vật muôn loài trong cả vũ trụ nầy, nhất là đối với loài người chúng ta.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta được biết để đức tin của con dân Chúa cứ mỗi ngày càng được mạnh mẽ thêm. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ ban thưởng cho tấm lòng chuyên tâm của chúng ta trong sự tìm biết về Ngài và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cho con mắt thuộc linh của chúng ta trong việc hiểu biết rõ ràng ý muốn của Chúa và chương trình của Ngài dành cho cả nhân loại và cho chính mỗi người chúng ta đây. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *