ĐỨC CHÚA TRỜI TỰ HỮU HẰNG HỮU

ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀI

ĐỨC CHÚA TRỜI TỰ HỮU HẰNG HỮU

Kinh thánh: Sáng thế ký 3: 7-14

Câu gốc: SÁNG THẾ KÝ 3: 14 – Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU. Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: ĐẤNG TỰ HỮU đã sai ta đến cùng các ngươi.

Kính thưa quý Hội thánh, như điều mà tôi đã có đề cập đến khi chúng ta cùng nhau suy gẫm về các lý do cần phải hiểu biết Đức Chúa Trời nhiều hơn thì tất cả chúng ta đều đã biết rằng một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong tình yêu thương thật là khi yêu thương ai thì mình phải cố gắng tìm hiểu rõ ràng về người ấy.

Sự cố gắng tìm hiểu như vậy là một trong những nguyên tắc căn bản của tình yêu thương mà cũng là phản ứng tự nhiên của những người đang yêu nhau. Không có ai nói rằng mình yêu một người nào đó mà lại không bao giờ tìm hiểu xem người đó thích gì, muốn gì hoặc là bản chất tánh tình của người đó ra sao. Ấy là bởi vì trong tình yêu thương thật thì bao gồm luôn cả sự cảm thông, hiểu biết và sự quan tâm đến người mình yêu. Khi một người nói rằng mình yêu một người nào đó mà không bao giờ chịu tìm hiểu về bản tánh và ý thích của người ấy thì tình yêu như vậy chỉ là sự giả tạo, chỉ là bề ngoài mà thôi chớ không hề có sự chân thật trong tấm lòng.

Bởi vậy cho nên khi Cơ-đốc-nhân chúng ta nói rằng mình hết lòng kính yêu Đức Chúa Trời thì phản ứng tự nhiên của tình yêu ấy sẽ làm cho chúng ta cố hết sức để tìm hiểu về Chúa hầu cho có thể sống đẹp lòng Ngài luôn luôn, không phải là chỉ trong đời nầy mà thôi mà còn là suốt cả cõi đời đời nữa.

Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng biết rằng việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời là không dễ dàng, bởi vì Kinh thánh có cho biết là sự cao cả vĩ đại của Chúa vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong…

THI THIÊN 145: 3 – Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi khen thay, sự cao cả của Ngài không thể dò xét được.

Sự không thể dò được trong câu Kinh thánh nầy là có ý nói đến việc khả năng xác thịt của con người không thể hiểu biết được về Đức Chúa Trời. Như chúng ta có thể thấy được qua lịch sử của nhân loại thì từ khi có loài người trên mặt đất cho đến ngày nay thì người ta vẫn có khuynh hướng là tìm kiếm một đấng cao cả để thờ phượng nhưng mà rốt lại thì họ vẫn tiếp tục thất bại luôn trong cố gắng ấy.

Sự bất khả năng như vậy là hậu quả của việc con người cứ dùng trí não giới hạn của họ mà tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa. Họ nghĩ rằng chỉ bằng cách lên núi cao tĩnh tâm hoặc là ngồi chiêm nghiệm dưới gốc cây, hoặc là với vài bằng cấp và học vị do con người ban cho là họ đã có thể hiểu biết được về Đấng Toàn Năng. Thực tế cho thấy là các cách thức như vậy không làm cho con người có thể hiểu biết được về Đức Chúa Trời. Chính bởi lẽ đó mà từ xưa đến nay mặc dầu người ta đã hết sức trong cố gắng của họ nhưng vẫn không thể biết được bao nhiêu về Đấng Tạo Hóa và vì vậy mà phải đành thế vào đó nhiều dạng thần thánh khác nhau do trí não của con người tưởng tượng ra rồi lập thành nhiều dạng tôn giáo như chúng ta thấy ngày hôm nay.

Chúng ta cứ thử suy nghĩ một chút thì sẽ thấy được tại sao con người lại thất bại trong việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời. Kinh thánh cho biết là sự khôn ngoan của Ngài là không thể dò xét được, như đã có chép trong…

Ê-SAI 40: 28 – Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất chẳng mỏi chẳng mệt, sự khôn ngoan của Ngài không thể dò.

Sự khôn ngoan của Đấng tạo dựng nên cả vũ trụ bao la nầy chỉ bằng lời phán không mà thôi là như vậy, nhưng con người lại nghĩ rằng chỉ với chừng một hai chục năm nghiên cứu trong trường lớp là đã có thể đủ hiểu biết về Ngài. Sự suy nghĩ như vậy là khinh thường Chúa và coi thường sự cao cả vĩ đại của Ngài. Chính vì sự suy nghĩ như vậy mà họ tiếp tục thất bại trong việc tìm kiếm Chúa và hiểu biết Ngài. Và cũng vì không chịu thay đổi quan điểm đó cho nên sự thất bại của họ đã kéo dài suốt cả lịch sử của con người, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

Nhưng đối với Cơ-đốc-nhân thì khi chúng ta muốn tìm hiểu về Đức Chúa Trời thì phải nhờ cậy đến sự giải bày của Đức-Thánh-Linh qua lời của Ngài trong Kinh thánh. Chúng ta phải ý thức rằng khả năng và trí não giới hạn của con người sẽ không bao giờ có thể hiểu biết được về Đức Chúa Trời. Nhưng vì tình yêu thương lớn lao của Chúa mà Ngài đã giải bày chính mình Ngài cho chúng ta được biết. Tình yêu lớn lạ đó của Chúa đã được ghi lại trong…

THI THIÊN 138: 6 – Dầu Đức Giê-hô-va cao cả, thì cũng đoái đến những người hèn hạ. Còn kẻ kiêu ngạo, Ngài nhận biết từ xa.

Chữ ĐOÁI ĐẾN trong câu gốc nầy có ý muốn nói đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, khi Chúa đã chọn một dân tộc để qua đó bày tỏ chính mình Ngài cho thế gian, cũng như việc Chúa đã giáng sinh để làm chứng về chính mình Ngài cho con người qua chức vụ của Đức Chúa Jêsus Christ.

Đối với sự vĩ đại tuyệt mỹ tuyệt đối của Đức Chúa Trời thì chúng ta chỉ là những sinh vật nhỏ bé hèn mọn trước mặt Ngài mà thôi, cùng với khả năng hết sức là hạn chế, nhưng vì tình yêu thương lớn lao đối với con dân của Ngài mà Đức Chúa Trời đã ban Đức-Thánh-Linh xuống để soi sáng cho và nhờ đó mà chúng ta mới có thể hiểu biết được về Ngài nhiều hơn.

Vì vậy trước khi đi xa hơn nữa trong chủ để nầy thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh bày tỏ sự nhu mì và hạ mình của chúng ta trước mặt Chúa bằng sự nhận thức đó, tức là tự nhận rằng chúng ta chỉ là những kẻ hèn mọn, thiếu khả năng, chỉ là những bóng mờ vô danh thoáng qua trong trần gian nầy một chút rồi một ngày nào đó cũng phải ra đi. Chỉ bởi một tấm lòng như vậy thì chúng ta mới hy vọng nhận được sự giải bày của Đức-Thánh-Linh, hầu cho sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời cứ được tăng trưởng thêm lên mãi.

Đến đây thì chúng ta đã có thể thấy rằng trong việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời thì hai yếu tố đầu tiên cần phải có là một tấm lòng khiêm nhường hạ mình để được Chúa thương xót và kế đến là phải biết nhờ cậy đến sự soi sáng của Đức-Thánh-Linh, có nghĩa là chúng ta phải cầu nguyện thường xuyên một cách bền đỗ luôn luôn để xin Ngài cứ tiếp tục giải bày cho. Hai yếu tố nầy đã được bày tỏ ra từ xưa, như có chép trong…

THI THIÊN 67: 1-2 – Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng tôi và ban phước cho chúng tôi, soi sáng mặt Ngài trên chúng tôi, để đường lối Chúa được biết trên đất và sự cứu rỗi của Chúa được biết giữa các nước.

Các chữ soi sáng mặt Ngài trên chúng tôi là có ý muốn nói đến sự con dân Chúa được Đức-Thánh-Linh soi sáng và giải bày cho để có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài một cách đầy đủ rõ ràng hơn.

Chúng ta có thể thấy được là trong tất cả các loại ngôn ngữ thì những từ như diện mạo hoặc nhận diện đều có ý nói đến đặc tánh của một người, ấy là vì người ta biết đến nhau nhiều nhất là qua khuôn mặt, cho nên các thời đại sau nầy mới có việc chụp hình để xác nhận danh tánh, chẳng hạn như hình trên thẻ căn cước, trên bằng lái xe hay là trong sổ thông hành.

Chính bởi lẽ đó mà lời cầu nguyện trong các câu Kinh thánh nầy cùng với các chữ soi sáng mặt Ngài giúp cho chúng ta thấy được rằng để có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài dành cho cả thế gian thì Cơ-đốc-nhân chỉ có thể nhờ cậy nơi sự giúp đỡ của chính mình Chúa mà thôi, chớ khả năng của con người thì không thể nào làm được điều đó.

Trước đây khi chúng tôi khích lệ một số anh chị em trong việc hiểu biết về Chúa nhiều hơn thì đã có người cho rằng điều nầy là khó quá, vượt quá khả năng giới hạn của con người. Những anh chị em ấy dường như đã quên lời của sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng chỉ bởi nương nhờ nơi ơn và quyền của Đức-Thánh-Linh thì con dân Chúa có thể làm được những điều tưởng rằng chính mình không làm nỗi. Lời khẳng định ấy rất là quen thuộc với chúng ta vì đã có ghi lại trong…

PHI-LÍP 4: 13 – Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.

Chữ mọi sự trong câu gốc nầy có ý bao gồm luôn cả việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời, bởi vì đó là điều mà chính Chúa muốn Cơ-đốc-nhân phải thực hiện và cũng chính Ngài là Đấng sẽ giải bày cho chúng ta một cách chi tiết thấu đáo.

Thế thì sau khi chúng ta đã suy gẫm qua 7 lý do cần phải hiểu biết về Chúa và đồng thời cũng đã nhận biết hai nguyên tắc chính yếu và quan trọng trong việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời là hạ mình xuống và cầu hỏi Ngài thì bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau trở lại suy gẫm đến đặc tánh đầu tiên của Chúa, đó là sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời toàn năng.

Phần Kinh thánh nền tảng mà chúng ta đã đọc qua khi nãy là lần đầu tiên mà Đức Chúa Trời bày tỏ đặc tánh tự hữu hằng hữu của Ngài cho con người được biết.

Mặc dầu từ thời kỳ A-đam được dựng nên thì con người đã biết là có Đức Chúa Trời, nhưng theo thời gian thì sự hiểu biết đó phai nhạt dần, và dầu là những thế hệ sau đó vẫn còn có người biết đến Chúa và thờ phượng Chúa, nhưng chỉ là một số rất ít người mà thôi. Ngay cả khi Áp-ra-ham được kêu gọi và dòng dõi của ông được chọn lựa làm tuyển dân của Đức Chúa Trời ở giữa thế gian thì số người Y-sơ-ra-ên thật sự biết rõ về Đức Chúa Trời cũng chẳng có bao nhiêu. Bởi vậy cho nên khi Đức Chúa Trời sai bảo Môi-se đến gặp dân sự thì ông ngần ngại vì không biết phải giới thiệu thế nào về Đức Chúa Trời là Đấng mà họ cũng chỉ biết có chút ít mà thôi. Câu chuyện đó đã được ghi lại trong…

SÁNG THẾ KÝ 3: 13 và 14 – Môi-se thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến dân Y-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi đã sai ta đến cùng các ngươi. Nhưng nếu họ hỏi tên Ngài là chi thì tôi nói với họ làm sao? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: ĐẤNG TỰ HỮU đã sai ta đến cùng các ngươi.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên và ngay cả chính Môi-se cũng không biết rõ về Đức Chúa Trời bao nhiêu mặc dầu dân sự có kêu cầu với Chúa vì hoàn cảnh đau khổ của họ tại Ai-cập và mặc dầu Môi-se đã có đức tin mạnh mẽ trong Ngài. Suy nghĩ thêm một chút thì chúng ta sẽ thấy rõ được điều ấy.

Chúng ta biết rằng cha mẹ của Môi-se đều là người tin kính và có đức tin mạnh mẽ. Họ đã nuôi dưỡng ông lớn khôn cũng với đức tin và lòng tin kính ấy, như Kinh thánh đã có cho biết trong…

HÊ-BƠ-RƠ 11: 23-25 – Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua. Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi.

Lời của Chúa cho biết là Môi-se có đức tin, nhưng dầu ông có đức tin lớn mạnh như vậy, tức là sẳn sàng chịu khổ vì danh Chúa, nhưng ông vẫn chưa biết rõ được đặc tánh của Đức Chúa Trời là thế nào. Chính bởi lẽ đó mà ông mới thưa với Chúa rằng: Nhưng nếu họ hỏi tên Ngài là chi thì tôi nói với họ làm sao?

Nếu Môi-se đã biết rõ về Đức Chúa Trời thì ông không cần phải đặt ra câu hỏi câu ấy, vì hỏi như vậy là thừa.

Nếu đã biết rõ về Chúa thì chắc Môi-se cũng không trù trừ gì khi được Đức Chúa Trời sai bảo phải đi đến dân Y-sơ-ra-ên.

Nếu đã biết rõ về Chúa thì Môi-se không cần phải lấy lý do là bị nói lắp, tức là bị tật cà-lăm, để làm cớ từ chối mạng lệnh của Chúa.

Nhưng nhờ lời Kinh thánh mà chúng ta có thể thấy rằng dầu Môi-se đã có đức tin mạnh mẽ nhưng ông vẫn chưa biết rõ về Chúa bao nhiêu, có nghĩa là ông chưa biết rõ về danh tánh cũng như mỹ đức của Ngài, huống chi là đối với Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta ngày hôm nay thì sự hiểu biết của chúng ta về Chúa còn ít hơn nữa.

Thử hỏi là trong thời đại ngày nay thì có bao nhiêu người thật sự có đức tin như Môi-se để có thể từ bỏ những địa vị quan trọng đầy lợi lộc để chịu khổ vì danh Chúa. Nếu có chăng thì đó cũng chỉ là vì hoàn cảnh bắt buộc mà thôi, chớ không phải bởi lòng tự nguyện.

Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân ngày nay chưa có được đức tin mạnh mẽ như Môi-se mà lại còn từ chối việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời thì thử hỏi đến lúc nào thì sẽ được mạnh mẽ đủ để xứng đáng cho Thiên đàng trong tương lai? Chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ đẹp lòng những kẻ có đức tin yếu kém, vì vậy mà Đức Chúa Jêsus đã quở trách các môn đồ khi xưa về điều đó. Ấy là vì trong tiêu chuẩn của Chúa thì việc yếu kém đức tin cũng cầm bằng như là kẻ không tin, như lời của Ngài đã quở trách các môn đồ lúc họ gặp bão trên biển Ga-li-lê, tức là trước khi họ được Đức-Thánh-Linh thăm viếng, như đã có chép trong…

MÁC 4: 40 – Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?

Và trong…

LU-CA 8: 25 – Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Đức tin các ngươi ở đâu? Môn đồ sợ hãi và bỡ ngỡ, nói với nhau rằng: Người nầy là ai, khiến đến gió và nước, mà cũng phải vâng lời người?

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng sự sợ hãi của các môn đồ cũng cầm bằng như chưa có đức tin vậy, mặc dầu họ đã từ bỏ hết mọi sự để theo Đức Chúa Jêsus. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày nay phải cẩn thận, vì sự hèn nhát và sự chẳng tin, tức là sự nghi ngờ, là hai nguyên nhân nguy hiểm làm cản trở việc nhận được sự cứu rỗi trong tương lai, như lời của Chúa đã có cảnh cáo trong…

KHẢI HUYỀN 21: 8 – Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai.

Bởi thế cho nên khi Cơ-đốc-nhân trù trừ nghi ngại rằng mình không có đủ sự khôn ngoan để hiểu biết thêm về Chúa thì phải lập tức cầu nguyện ngay và cầu nguyện thường xuyên để xin Chúa giúp cho mình được khôn ngoan càng thêm trong phương diện thuộc linh, bằng không thì sự nghi ngại như vậy sẽ khiến cho Cơ-đốc-nhân trở thành kẻ trù trừ bất định trong cuộc đời nầy và sẽ chẳng nhận được ơn ban gì từ nơi Chúa, như lời Kinh thánh đã có cho biết trong…

GIA-CƠ 1: 5-8 – Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa, vì ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định.

Cho nên chúng ta thấy rằng sự cầu nguyện là quan trọng lắm và là quan trọng nhất trong việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời. Nếu không cầu nguyện để nhờ Đức-Thánh-Linh soi dẫn cho thì dẫu có bao nhiêu học thức và bằng cấp thì những điều đó cũng chẳng giúp ích gì được hết, bởi vì khả năng riêng của loài người, bất kể người đó là ai, đều không thể hiểu biết được về Đức Chúa Trời.

Chẳng hạn như trong trường hợp của Môi-se thì khi ông đã có một đức tin mạnh mẽ và học được hết cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô trong thời kỳ hoàn kim xưa, tức là sự khôn ngoan mà họ đã dùng để xây nên Kim tự tháp, là kỳ quan của thế giới cho đến bây giờ, mà Môi-se còn chưa biết được nhiều về Đức Chúa Trời thì huống chi là Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy con dân Chúa không nên ỷ vào khả năng riêng của mình để tự tìm hiểu về Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải nhờ cậy nơi quyền năng soi sáng của Đức-Thánh-Linh thì mới hy vọng hiểu biết về Chúa nhiều hơn. Cơ-đốc-nhân cũng đừng tự nghĩ rằng mình đã có đức tin mạnh đủ để không cần phải tìm hiểu thêm về Chúa, vì dẫu đức tin của chúng ta có mạnh mẽ đến đâu thì cũng không thể bằng được với đức tin của Môi-se ngày xưa khi ông được gặp Chúa nơi bụi gai cháy.

Vì vậy, để có thể hiểu biết và có đức tin nơi sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời thì chúng ta phải nhờ vào Kinh thánh, tức là lời phán dạy của Đức-Thánh-Linh, như lời của Đức Chúa Jêsus đã khẳng định trong…

GIĂNG 5: 39 – Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời. Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.

Như chúng ta đã cùng nhau học qua thì sự hiểu biết về Đấng Christ tức là hiểu biết về Đức Chúa Trời, và Kinh thánh là cách duy nhất mà Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho cả nhân loại. Vì vậy, chỉ bởi một mình Kinh thánh thì chúng ta mới có thể hiểu biết được về Đức Chúa Trời mà thôi.

Bởi lẽ đó mà khi Đức Chúa Trời cho biết rằng Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì đây là một trong những lẽ thật quan trọng đầu tiên trong Kinh thánh mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải ghi nhớ để có thể xây dựng đức tin của chính mình trên nền tảng ấy.

Vì vậy khi bất cứ người nào tuyên bố rằng mình tin Chúa thì đều phải tin nơi sự tự hữu hằng hữu của Ngài. Chắc tất cả chúng ta đều có thể nhớ được rằng chủ đề nầy, tức là Chủ đề Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài, là chủ đề trọng tâm trong bước thứ ba của Cơ-đốc-nhân trong tiến trình theo Chúa. Hai bước đầu tiên mà chúng ta đã học qua là nhận biết tội lỗi và ăn năn. Đến bước thứ ba nầy thì chúng ta học đến chữ tin, và mặc dầu chỉ có một chữ mà thôi, nhưng chữ tin lại bao gồm nhiều lẽ thật căn bản rất quan trọng và hết sức cần thiết cho những bước kế tiếp sau. Vì vậy mà chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ cho Chủ đề nầy và khi đã nói đến việc tin Chúa thì tất cả các Cơ-đốc-nhân đều phải tin đến sự tự hữu hằng hữu của Ngài.

Chúng ta cần phải biết rằng sự tự hữu của Chúa là một thực tế và chúng ta tin vào đặc điểm ấy của Ngài là nhờ vào những yếu tố điển hình sau đây:

Thứ nhất, sự tự hữu là điều vượt quá khả năng suy tưởng của con người. Tâm lý chung của nhân loại từ xưa đến nay khi tìm hiểu về một điều gì hoặc một người nào, thì họ đều để ý đến xuất xứ của điều ấy hoặc là của người ấy, bởi thế mà trong dân gian Việt Nam mới có câu uống nước nhớ nguồn, hoặc là ăn trái nhớ kẻ trồng cây, hoặc là lá rụng về cội. Đối với trí não của con người thì mọi sự đều có nguồn gốc. Họ không thể nào tự nghĩ ra được bất cứ một điều gì tự nhiên mà có. Tâm lý đó là nguyên nhân mà người ta không bao giờ nói đến vấn đề tự hữu. Trái lại thì người ta thường cố tình bỏ qua điều đó hoặc là không đả động gì đến.

Mặc dầu con người từ xưa đến nay thường tin vào nhiều thần nhiều thánh nhưng trong các kinh sách cổ xưa của các tôn giáo thì chưa bao giờ thấy đề cập đến sự tự hữu của một vị thần nào mà họ thờ phượng. Khi các vị vua Trung hoa vào thời nhà Đường sai người sang Tây tạng thỉnh kinh để du nhập Phật giáo vào vương quốc của họ thì các kinh sách xưa ấy cũng không hề có chỗ nào đề cập đến sự tự hữu của thần thánh mà họ tôn sùng.

Còn như người Việt Nam chúng ta thì mặc dầu thường tự hào là có 4,000 năm văn hiến nhưng ngoài việc đề cập một chút đến nguồn gốc của dân Việt là từ miền Nam Trung Hoa thì ít có ai đề cập đến lịch sử xa hơn thế nữa, để biết là từ đâu mà có bộ tộc Lạc Việt, Bách Việt. Ngay cả chuyện tích con rồng cháu riêng thì cũng không có ai đi xa hơn thế nữa để cho biết nguồn gốc ban đầu của dân tộc Việt Nam. Ngay cả sự thờ phượng cũng vậy. Ngày hôm nay mặc dầu người ta nhấn mạnh đến việc thờ phượng các vua Hùng, nhưng không có ai đề cập đến việc phải tìm hiểu về cha mẹ của vua Hùng đầu tiên. Ấy là vì họ sợ rằng nếu cứ tìm mãi thì sẽ đụng đến vấn đề tự hữu, là điều mà trí tưởng tượng của con người không thể giải thích được.

Nhưng điều đó không phải chỉ thấy xãy ra đối với người Việt Nam không mà thôi, mà còn đối với các dân tộc khác nữa, chẳng hạn như dân Hy-lạp. Từ những thời kỳ cổ đại xa xưa thì họ đã có thờ 3 vị thần, là thần trời, thần biển và thần chết. Ban đầu thì không có ai ghi lại nguồn gốc của ba vị thần đó, mãi đến thời kỳ sau khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì vì biết được niềm tin của Cơ-đốc-nhân là đặt nơi một Đức Chúa Trời tự hữu hằng hữu cho nên sau đó họ mới thêm thắt ra câu chuyện cổ tích là ba vị thần đó có chung một cha. Nhưng để tránh né việc phải đề cập đến nguồn gốc của vị thần làm cha đó thì họ viết rằng vì tánh nết của ông ta quá hung dữ cho nên đã bị ba vị thần con hợp sức lại giết chết và sau đó họ chia nhau ra ba nơi để cai trị thế giới. Việc giết chết vị thần làm cha đó là cách mà người Hy-lạp và các nhà nghiên cứu về tôn giáo đã đặt ra để tìm cách tránh né việc phải đề cập đến sự tự hữu hằng hữu, bởi vì hễ chết là hết, cần gì phải tìm hiểu xa xôi hơn nữa về nguồn gốc của người đã chết.

Điều đó cho thấy rằng sự tự hữu là điều vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng của con người cho nên họ không muốn nói đến. Kinh thánh cũng đã có đề cập đến tâm lý đó của con người như đã được chép trong…

1CÔ-RINH-TÔ 8: 5 – Thật, người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều chúa).

Chữ XƯNG mà Kinh thánh dùng ở đây là có ý muốn nói đến việc con người tưởng tượng ra những thần thánh khác nhau, nhưng điểm đặc biệt chung là họ đều né tránh việc nói đến nguồn gốc của các thần thánh đó. Ấy là bởi vì với trí tưởng tượng của con người thì họ không thể nào hình dung ra nỗi việc tự nhiên mà có.

Nếu nói rằng thần thánh của họ tự nhiên mà có thì họ không biết làm sao để giải thích nhiều hơn nếu như có người thắc mắc. Vì vậy mà họ bỏ lững hoặc cố tình không đề cập đến nguồn gốc xa hơn của các thần thánh mà họ tưởng tượng ra.

Cũng vì sự tưởng tượng như vậy mà các thần thánh của họ đều có chung những phản ứng như của con người, tức là cũng yêu, cũng ghét, cũng tranh giành quyền lực, cũng sợ hãi khi có kẻ lạ xâm phạm Thiên đình, cũng lấy vợ, lấy chồng, cũng thất tình rồi đi tu, cho nên nếu họ nói rằng các thần thánh ấy tự nhiên mà có thì sẽ rất là vô lý, bởi vì con người thì có mẹ có cha, mà nếu thần thánh cũng giống như con người thì cũng phải có mẹ có cha. Rồi nếu cứ đi xa thêm mãi thì họ đâu biết làm sao để dừng lại. Vì vậy mà đó là một trong những nan đề bất khả giải quyết của các tôn giáo trên thế giới.

Nhưng sự tự hữu không chỉ là nan đề của tôn giáo loài người, mà cũng là nan đề của khoa học nữa. Chúng ta có thể thấy rằng khi các khoa học gia phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thì họ cho rằng thế giới nầy bắt nguồn từ một hổn hợp vật chất và các loại khí đa dạng đã có sẳn, rồi từ đó nở rộng ra mãi để trở thành vũ trụ ngày hôm nay. Còn về con người và loài vật thì họ cho rằng đều đã bắt nguồn từ một đơn bào duy nhất rồi theo sự tiến hóa dần dần mà có đủ chủng loại khác nhau. Nhưng cho đến ngày hôm nay thì họ vẫn không thể trả lời được là tất cả những điều đó từ đâu mà có. Họ cứ cho rằng những điều ấy đã có sẳn rồi và họ chỉ từ đó mà suy diễn thêm ra thôi, cầm bằng như sự tự hữu là điều không cần phải bận tâm, không cần phải nói đến. Ấy là vì trí não và khả năng tưởng tượng của con người không thể hiểu được điều đó mà cũng không thể giải thích được. Bởi lẽ đó mà nếu chúng ta cứ thử tra cứu các loại tự điển khác nhau thì sẽ thấy rằng chúng đều có chung một nhận xét, rằng sự tự hữu là điều vô lý, kỳ cục và thậm chí là hoang đường nữa.

Nhưng ngay từ ngàn xưa thì Kinh thánh đã có ghi lại rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Chỉ bởi điều đó thôi thì cũng giúp cho chúng ta biết được rằng những lời đó không phải đến từ trí não của con người, bởi vì con người không thể tưởng tượng được hoặc nghĩ ra được bất cứ điều nào tự nhiên mà có. Bản tánh chung của nhân loại là điều gì không biết thì sẽ cố tránh để không cần phải đề cập đến. Nhưng khi Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu thì điều đó chỉ có thể đến từ sự soi sáng của Đức Chúa Trời mà thôi chớ không phải là do các trước giả tự nghĩ ra. Nhận biết được điều đó chính là đức tin của chúng ta.

Bởi vậy cho nên Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải phân biệt được thế nào là sự tự hữu và thế nào là việc một điều nào đó đã có sẳn rồi. Ấy là vì sự tự hữu là một thực tế đời đời, còn việc đã có sẳn rồi là quan niệm của khoa học và của các tôn giáo trong thế gian. Hai điều ấy hoàn toàn khác nhau và là căn bản để biện biệt giữa đức tin trong Chúa và quan điểm của người chưa tin.

Vì thì giờ có hạn cho nên tôi xin tạm ngưng ở tại đây, nhưng vì sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời là lẽ thật rất quan trọng không thể trình bày được hết trong một lần với thì giờ ngắn ngủi như chúng ta có sáng hôm nay. Vì vậy tôi xin được hẹn lại với quý Hội thánh lần sau để trình bày thêm nữa về những điểm khác nhau giữa sự tự hữu hằng hữu của Chúa và quan niệm về điều đã có sẳn rồi của người thế gian hầu cho đức tin của chúng ta càng được vững vàng hơn nơi Chúa.

Cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng sốt sắng nhiệt thành của chúng ta trong việc tìm hiểu về Ngài để ban phước cho một cách dồi dào hơn nữa. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ thêm sức cho chúng ta để cứ bền đổ chuyên tâm luôn trong cố gắng nầy. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục giải bày cho chúng ta càng hơn bằng lời của Ngài trong Kinh thánh. A-men.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *