ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ YÊU THƯƠNG

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN
ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀI

Kính thưa quý Hội thánh, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục suy gẫm lời của Chúa theo Chủ đề Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài.

Chắc quý Hội thánh còn nhớ là đề tài nầy thuộc về bước thứ ba trong Chủ đề lớn là Con Đường Theo Chúa Của Cơ-đốc-nhân.

Để cho quý Hội thánh có thể nhớ lại được thì tôi xin tóm tắt như thế nầy: Tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân gồm có 10 bước, mà chúng ta đã cùng nhau học qua ba 2 bước đầu tiên là nhận biết tội lỗi và ăn năn. Hiện tại thì chúng ta đang học đến bước thứ ba là TIN.

Như tôi đã có trình bày trước đây thì chữ TIN mặc dầu ngắn ngũi nhưng lại có một tầm quan trọng rất lớn và rất bao quát, vì vậy mà chúng ta mới có Chủ đề Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài để giúp cho con dân Chúa có thể biết về Chúa nhiều hơn và nhờ đó mà có được đức tin nơi Ngài một cách mạnh mẽ, vững vàng hơn để chuẩn bị cho những bước kế tiếp sau trong tiến trình theo Chúa.

Vì vậy trong Chủ đề có liên quan đến chữ Tin thì hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu đến mỹ đức yêu thương của Chúa.

Phần Kinh thánh chủ đề của chúng ta là trong 1Giăng 4: 7-21

Và câu gốc nền tảng của chúng ta là trong…

1GIĂNG 4: 8 – Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.

Kính thưa quý Hội thánh, lời của Chúa trong câu gốc nầy đã khẳng định một cách rõ ràng cho chúng ta và cho cả thế giới loài người biết rằng Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Mỹ đức nầy của Chúa là tuyệt diệu, quý báu và rất quan trọng để nhờ đó chúng ta có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn, để có thể kính yêu Ngài hết lòng và cố gắng sống theo như ý muốn của Chúa ngay tại trong đời nầy và trong cả cõi đời đời mai sau.

Như lời của Chúa vừa cho biết thì bất cứ ai không biết yêu thì người đó cũng không thể biết được về Đức Chúa Trời. Ấy là bởi vì những đặc điểm của một tình yêu thương thật cũng là những đặc tánh của Đức Chúa Trời, và nhờ hiểu được như vậy mà chúng ta có thể tìm biết về Chúa nhiều hơn qua các đặc điểm của tình yêu thương mà chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến trong thì giờ nầy.

Đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của tình yêu thương là phải có đối tượng để mình yêu. Nói như vậy thì chắc rằng tất cả chúng ta ở đây đều có thể hiểu được điều đó. Bởi vì nếu một người nói rằng mình có tánh hay yêu thương người khác mà lại không có bất cứ ai để làm đối tượng hầu có thể bày tỏ tình yêu thương ấy thì lời nói như vậy chẳng khác gì là một sự lừa gạt.

Bởi vậy cho nên ngay từ ban đầu thì Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên những đối tượng để Ngài có thể bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với họ.

Như điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua thì vì Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu, là Đấng có trước hết muôn vật, cho nên ngay từ ban đầu thì chỉ có một mình Ngài mà thôi. Ngay cả đến một tế bào nhỏ xíu hoặc một mảy bụi hay là không khí cũng không có nữa. Chung quanh Ngài hoàn toàn trống không, như lời Kinh thánh đã có chép trong…

CÔ-LÔ-SE 1: 17 – Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.

Chữ muôn vật ở đây là bao gồm tất cả mọi điều và mọi loài trong cả cõi vô hình lẫn hữu hình. Cũng từ đó mà chúng ta có thể hiểu được rằng các chữ Ngài có trước muôn vật có nghĩa là ngay từ ban đầu thì chỉ có một mình Đức Chúa Trời mà thôi, ngoài ra không còn có một ai hoặc một vật nào khác, ngay cả ánh sáng như ngày hôm nay cũng chưa có nữa mà chỉ có ánh sáng của sự vinh hiển Chúa mà thôi. Lúc bấy giờ thì tất cả đều là trống không.

Nhưng vì thần tánh của Đức Chúa Trời là yêu thương cho nên Chúa đã tạo dựng nên những đối tượng để Ngài yêu, đó chính là các thiên sứ.

Trong Kinh thánh không hề mô tả gì về việc Đức Chúa Trời tạo dựng các thiên sứ, ấy là vì quyển Kinh thánh được viết ra cho loài người chúng ta, chớ không phải là cho thiên sứ. Nhưng dầu vậy thì chúng ta cũng có thể biết được rằng các thiên sứ đã được tạo dựng nên trước loài người, tức là trước khi A-đam được tạo dựng nên. Chúng ta biết được như vậy cũng là nhờ vào sự giải bày của Kinh thánh.

Theo như lời của Chúa cho biết thì con rắn đã cám dỗ bà Ê-va trong vườn Địa đàng chính là ma quỉ, như lời Kinh thánh đã được chép trong…

KHẢI HUYỀN 12: 9 – Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ. Nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.

Như vậy nhờ lời của Chúa ở đây mà chúng ta biết được là Sa-tan đã phản nghịch Chúa từ trước cho nên khi A-đam và Ê-va được tạo dựng nên và khi hai người còn ở trong vườn Địa đàng thì nó đã đến cám dỗ ông bà để ăn trái cấm.

Khi biết rằng Sa-tan đã phản nghịch Chúa trước khi A-đam được dựng nên thì từ đó chúng ta cũng biết rằng các thiên sứ đã được dựng nên từ trước đó nữa. Chúng ta biết được như vậy là vì Sa-tan được kể là một trong các thiên sứ và sau đó thì nó đã cùng những kẻ theo nó phản nghịch lại Đức Chúa Trời.

Địa vị và sự phản nghịch của Sa-tan đã được lời của Chúa cho biết trong…

Ê-SAI 14: 12-15 – Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao. Nhưng ngươi phải xuống nơi Âm phủ, sa vào nơi vực thẳm!

Mặc dầu theo như sách Ê-sai thì những lời nầy là lời tiên tri dành cho Ba-by-lôn nhưng chúng ta cần phải biết rằng Đức Chúa Trời đã dùng những sự mắt thấy được để dạy dỗ chúng ta về những điều mắt không thấy được trong cõi vô hình. Cho nên cũng chính vì vậy mà Chúa đã dùng Ba-by-lôn để làm hình bóng mà cho chúng ta biết về những điều đã xãy ra trước khi A-đam được dựng nên.

Mặc dầu Kinh thánh chỉ bắt đầu bằng sự sáng tạo trái đất và con người, nhưng khi suy nghĩ cẩn thận đến những điều mà Đức Chúa Trời đã khải thị cho các trước giả Kinh thánh để viết ra thì chúng ta có thể biết được những điều đã xãy ra trước khi loài người được dựng nên. Tôi sẽ xin trình bày lần lượt về những điều đó để chúng ta có thể biết được một cách trình tự về những điều đã xãy ra từ lúc ban đầu khi loài người chưa được dựng nên.

Theo như điều mà tôi đã vừa đề cập đến khi nãy thì vì mỹ đức yêu thương mà từ ban đầu Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài. Họ được lời của Chúa gọi là các sao mai, như đã có chép trong…

GIÓP 38: 7 – Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng.

Kinh thánh đã dùng chữ các sao mai để mô tả về thiên sứ như là con trai của Đức Chúa Trời, và khi chính Đức Chúa Jêsus, là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, và vì Ngài cũng là Con của Đức Chúa Trời, nên cũng đã tự nhận Ngài là Sao Mai, nhưng mà là chữ Sao Mai được viết hoa, như có chép trong…

KHẢI HUYỀN 22: 16 – Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ ta đến làm chứng về những sự đó cho các ngươi trước mặt các Hội thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là Sao Mai sáng chói.

Vì Đức Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời và cũng được gọi là Sao Mai, cho nên việc Chúa đến để ngự vào trong đời sống của những Cơ-đốc-nhân thật lòng tin Ngài thì Kinh thánh cũng gọi đó là sự ngự đến của Sao Mai, như đã được chép trong…

2PHI-E-RƠ 1: 9 – Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn nữa, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và Sao Mai mọc trong lòng anh em.

Các chữ Sao Mai mọc trong lòng anh em hoàn toàn tương xứng với một câu Kinh thánh khác có đề cập đến việc Đức Chúa Jêsus ngự trong lòng của các Cơ-đốc-nhân có đức tin thật, như đã có chép trong…

Ê-PHÊ-SÔ 3: 17 – đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em.

Chẳng những thế thôi, Kinh thánh còn cho biết rằng mỗi một Cơ-đốc-nhân biết bền đỗ trong đức tin thật cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu và sẽ được ban cho một ngôi sao mai, như lời của Chúa đã được chép trong…

KHẢI HUYỀN 2: 26-28 – Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước. Kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha ta. Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai.

Từ trước đến nay thì ít có người dùng các câu Kinh thánh nầy để liên hệ với chữ sao mai trong các câu Kinh thánh khác. Ấy là bởi vì họ tưởng lầm rằng những lời hứa nầy của Chúa là chỉ dành riêng cho tín đồ ở tại Hội thánh Thi-a-ti-rơ mà thôi.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng Đức Chúa Trời là Đấng công bằng và là Đấng không bao giờ thay đổi, cho nên phần thưởng của Chúa dành cho các Cơ-đốc-nhân trung tín với Ngài đều là như nhau. Chúng ta thấy trong câu 26 lời của Chúa có đề cập đến các chữ GIỮ VIỆC CỦA TA ĐẾN CUỐI CÙNG thì điều đó có nghĩa là trung tín với niềm tin trong Chúa qua mọi thử thách cho đến khi qua đời. Sự trung tín trong thử thách như vậy cũng đã được đề cập đến trong lời hứa của Chúa về việc sẽ được đồng trị với Ngài, cũng giống như trong câu 26 nầy là được BAN CHO QUYỀN TRỊ CÁC NƯỚC. Lời phán hứa ấy của Chúa đã được ghi lại trong…

2TI-MÔ-THÊ 2: 12 – Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta.

Như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng khi Cơ-đốc-nhân biết trung tín với Chúa cho đến cuối cùng thì sẽ được sự sống đời đời và mỗi người sẽ được ban cho một ngôi sao mai.

Nhưng trong thực tế của tự nhiên thì chỉ một ngôi sao mai mà thôi, chớ không phải là có hàng ngàn hàng triệu ngôi sao mai. Vậy thì chữ ngôi sao mai trong lời hứa của Chúa là muốn nói đến địa vị thuộc linh chớ không phải là một hành tinh thuộc thể. Điều đó có nghĩa là mỗi một Cơ-đốc-nhân khi nhận được sự sống đời đời thì sẽ được kể là một ngôi sao mai của Chúa, chớ không phải là trong tương lai mỗi người được cứu sẽ sống tại một hành tinh riêng biệt gọi là ngôi sao mai.

Như vậy theo các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì địa vị làm con Đức Chúa Trời trong cõi đời đời thì được gọi là sao mai, có nghĩa là từ Đức Chúa Jêsus cho đến các thiên sứ cho đến các Cơ-đốc-nhân thật được cứu rỗi trong tương lai thì đều được gọi là sao mai. Ý nghĩa nầy tương xứng với địa vị của Đức Chúa Jêsus đối với các Cơ-đốc-nhân thật, theo như lời của Chúa đã cho biết trong…

RÔ-MA 8: 29 – Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.

Khi lời của Chúa kể rằng Đức Chúa Jêsus là Con cả ở giữa nhiều anh em thì ấy là vì muốn chúng ta biết rằng tất cả các con cái của Đức Chúa Trời đều được gọi là sao mai, mà Đức Chúa Jêsus là Sao Mai lớn nhất, là sao mai sáng chói, như đã được trưng dẫn trong Khải huyền 22: 16.

Trong thực tế thì Đức Chúa Jêsus là Cứu Chúa của chúng ta, loài người chúng ta, ngay cả các thánh đồ, cũng không thể nào ngang bằng được với Ngài như anh em, nhưng vì tất cả các con cái của Chúa đều được kể là sao mai, nghĩa là từ Đức Chúa Jêsus cho đến các thiên sứ và Cơ-đốc-nhân thật, cho nên chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới kể Đức Chúa Jêsus là Con Cả trong gia đình của Chúa, và Cơ-đốc-nhân cùng các thiên sứ đều là em của Ngài theo như địa vị chung của chữ sao mai.

Như vậy đến đây thì chúng ta hiểu được ý nghĩa của chữ sao mai. Chữ đó có nghĩa là con trai của Đức Chúa Trời. Thế thì khi lời của Chúa trong sách tiên tri Ê-sai 14: 12 gọi Sa-tan là sao mai thì điều đó có nghĩa là Sa-tan cũng là một trong những thiên sứ của Đức Chúa Trời vốn được tạo dựng từ ban đầu, nhưng sau đó thì nó phản nghịch lại với Chúa.

Đến đây thì tôi xin nhắc lại một thắc mắc mà một số người đã hỏi khi chúng ta làm chứng cho họ về niềm tin trong Đức Chúa Trời. Họ hỏi như thế nầy:

– Nếu Đức Chúa Trời của các anh là Đấng tạo dựng nên mọi sự thì tại sao Ngài lại tạo dựng ma quỉ làm chi để làm cho loài người bị đau khổ?

Đối với câu hỏi ấy thì tôi chắc chắn rằng nhiều anh chị em chúng ta ở trong Hội thánh đây có thể trả lời được một cách mau chóng. Nhưng dầu vậy thì tôi vẫn xin được lập lại câu trả lời để những anh chị em khác được biết.

Câu hỏi vừa được đề cập đến đã được người ngoại nêu ra bởi vì họ không biết chi về Đức Chúa Trời. Nhưng như chúng ta đây đã biết thì vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương cho nên Ngài không bao giờ tạo ra một điều gì xấu xa có hại cho loài người cả. Đây là một trong những lẽ thật căn bản mà Cơ-đốc-nhân chúng phải nhớ. Sau nầy tôi sẽ trình bày thêm một cách chi tiết hơn về sự sáng tạo của Chúa. Nhưng tại đây thì tôi chỉ xin giải thích rằng từ ban đầu Đức Chúa Trời đã tạo nên các thiên sứ trong sự tốt đẹp vinh hiển, trong đó có cả Sa-tan, chớ không hề tạo ra ma quỉ. Chính Chúa cũng đã ban cho các thiên sứ có quyền năng để có thể làm được những điều lạ lùng, như lời của Chúa đã cho biết trong…

HÊ-BƠ-RƠ 1: 7 – Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, và tôi tớ Ngài như ngọn lửa.

Chữ GIÓ và LỬA mà Kinh thánh có đề cập đến ở đây là muốn nói đến khả năng lớn lao của hai dạng thể ấy để mô tả về quyền năng của các thiên sứ. Sau nầy khi suy gẫm thêm nữa về các sự kiện có liên quan đến các thiên sứ thì chúng ta sẽ biết thêm về khả năng của họ.

Nhưng ở đây khi lời Kinh thánh có nhắc đến các thiên sứ như là tôi tớ của Chúa thì chúng ta cần phải hiểu rằng đó là từ ngữ dùng để mô tả tâm tình của họ chớ không phải là địa vị mà họ có trước mặt Đức Chúa Trời.

Rất nhiều người đã lầm lẫn về các từ ngữ nầy để giải thích rằng Cơ-đốc-nhân mới là con cái của Chúa, còn các thiên sứ thì chỉ là tôi tớ của Đức Chúa Trời và là người giúp việc của các Cơ-đốc-nhân. Họ giải thích như vậy là vì đã trưng dẫn câu gốc trong…

HÊ-BƠ-RƠ 1: 14 – Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?

Họ đã dùng câu Kinh thánh nầy để nói rằng các thiên sứ chỉ là những đầy tớ trong Thiên đàng mà thôi, chớ không phải là con Đức Chúa Trời. Với quan điểm của họ thì thiên sứ không những là đầy tớ của Đức Chúa Trời mà cũng là đầy tớ của con người nữa, tức là làm đầy tớ cho những người được cứu. Trước lập luận như vậy thì tôi có hai câu hỏi để nêu ra trước khi giải thích thêm về các từ ngữ ấy.

Câu hỏi thứ nhất, là có ai trong chúng ta muốn làm đầy tớ đời đời hay không?

Đối với câu hỏi nầy thì chắc sẽ có một ai đó nhanh chóng trả lời rằng có tôi, rằng tôi mà được làm tôi tớ Đức Chúa Trời đến đời đời thì là một vinh dự lớn lao. Trả lời như vậy là đúng nhưng mà mới giải quyết có phân nữa vấn đề thôi. Nữa phần còn lại là có ai trong chúng ta muốn làm đầy tớ cho loài người đến đời đời hay không?

Ngay cả đối với Phao-lô, là người có tấm lòng yêu thương lớn lao và đã từng tuyên bố rằng vì tấm lòng yêu thương mà ông kể mình như là tôi tớ của những người được cứu, nhưng cũng không phải vì cớ đó mà ông muốn làm tôi tớ luôn luôn cho họ trong đời nầy và suốt cả cõi đời đời. Ấy là bởi vì chính Phao-lô cũng đã có lúc tự xưng là cha của những người được ông dẫn về với Chúa. Tâm tình với hai chiều hướng như vậy của Phao-lô đã được ghi lại trong…

2CÔ-RINH-TÔ 4: 5 – Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa, và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em.

Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng vì tình yêu thương mà Phao-lô tự xưng là tôi tớ của các Cơ-đốc-nhân tại thành Cô-rinh-tô. Đó là về tâm tình khiêm nhường của Phao-lô, nhưng mặc khác thì ông cũng tự xem là cha phần thuộc linh của các tín đồ ấy, như đã có chép trong…

1CÔ-RINH-TÔ 4: 14-15 – Tôi viết những điều nầy, chẳng phải để làm cho anh em hổ ngươi đâu, nhưng để khuyên bảo anh em, cũng như con cái yêu dấu của tôi vậy. Bởi chưng, dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha; vì tôi đã dùng Tin lành mà sanh anh em ra trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Khi Phao-lô viết 2 câu nầy thì điều đó cho thấy rằng dầu là vì tình yêu thương mà ông xưng mình là tôi tớ của những người được cứu, nhưng không phải lúc nào ông cũng là tôi tớ, mà có lúc lại như là một người cha đối với con và sẳn sàng dùng roi đòn để dạy dỗ. Ấy là bởi vì ông có quyền đó, như đã có ghi lại trong…

1CÔ-RINH-TÔ 4: 21 – Anh em muốn điều gì hơn: Muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì?

Chúng ta có thể thấy rằng cũng cùng là một thư tín cho người Cô-rinh-tô mà có lúc Phao-lô tự xưng là tôi tớ, có lúc ông lại tự xưng là cha đối với con. Điều đó có nghĩa là chính Phao-lô cũng không hề nghĩ rằng ông sẽ là tôi tớ cho họ suốt cuộc đời nầy, thế thì chẳng lẽ các thiên sứ lại muốn làm tôi tớ cho con người đời đời, dẫu đó là những người được cứu?

Chúng ta cứ thử nghĩ để xem mình có đủ xứng đáng để người nào đó làm đầy tớ cho chúng ta đời đời hay không, huống chi là đối với các thiên sứ vẫn hằng thấy mặt Đức Chúa Trời tại Thiên đàng?

Những người giải thích như vậy về việc các thiên sứ làm đầy tớ cho con người đến đời đời cho thấy rằng họ đã quá tự cao về bản thân của họ trong cõi thuộc linh. Người Hồi giáo cũng suy nghĩ như vậy về thiên đàng của họ, vì họ cho rằng khi vào đó thì họ sẽ có 24 trinh nữ hầu hạ phục dịch họ đời đời. Họ làm thiên đàng thành ra như thế gian, là nơi có sự phân biệt giai cấp, tức là nơi có người chỉ ngồi hưởng phước và người khác phải hầu hạ họ suốt đời. Chính bản thân họ thì không muốn làm đầy tớ ai, nhưng trái lại thì họ lại cho rằng các thiên sứ sẽ làm đầy tớ cho họ đời đời. Suy nghĩ như vậy thì tình yêu thương ở đâu, sự nhu mì, khiêm nhường ở đâu?

Những người giải thích như vậy không phải là không hiểu biết Kinh thánh đâu, trái lại thì họ lại còn cho rằng họ biết nhiều hơn người khác nữa.

Nếu họ nhận rằng chưa hiểu biết Kinh thánh thì họ đâu có giải thích như vậy, mà chắc sẽ lắng nghe lời giải thích nơi người khác. Nhưng vì họ cho rằng họ đã hiểu biết Kinh thánh nhiều và sự giải thích như vậy là thích hợp với quan điểm của họ, cho nên họ mới nói rằng các thiên sứ là đầy tớ trong Thiên đàng, không những là đầy tớ của Chúa mà còn làm đầy tớ luôn cho cả con người nữa. Suy nghĩ và giải thích như vậy là hoàn toàn sai.

Chúng ta cần phải để ý là khi nhấn mạnh rằng tình yêu thương phải là trọng tâm trong đời sống của Cơ-đốc-nhân thì ngay cả khi suy gẫm Kinh thánh chúng ta cũng phải lấy điều đó làm căn bản để học biết về Đức Chúa Trời và sự tạo dựng của Ngài.

Vì vậy khi liên hệ đến tình yêu thương thì câu hỏi thứ hai đây lại còn quan trọng hơn nữa. Đó là: Trong hai trường hợp, một là Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ để làm tôi tớ và hai là Ngài đã tạo dựng các thiên sứ để làm con cái của Ngài, thì sự tạo dựng nào bày tỏ tình yêu thương của Chúa lớn hơn?

Hỏi như vậy thì tức là chúng ta đã có câu trả lời ngay lập tức.

Trước đây, khi suy gẫm về sự tự hữu hằng hữu của Đức Chúa Trời thì chúng ta đã biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng. Ngài làm được tất cả mọi sự và không phải bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai. Vậy thì nếu Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng thì Ngài tạo dựng nên các thiên sứ như là đầy tớ để làm gì? Chúng ta cứ thử suy nghĩ mà xem, Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương lớn lao tuyệt đối thì có lẽ nào Chúa lại thực hiện một điều gì đó để bày tỏ tình yêu thương của Ngài một cách nhỏ bé hơn, giới hạn hơn?

Chúng ta cũng hãy thử lấy thí dụ sau đây để hiểu thêm về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Thí dụ nầy cũng có hai trường hợp: Một là có người kia đi đến trại mồ côi để xin một đứa bé về làm đầy tớ và trường hợp thứ hai là xin trẻ mồ côi về để làm con và để yêu thương nó, thì trường hợp nào đáng khen hơn.

Trong thực tế của cuộc đời thì người ta thường chê bai, thậm chí rủa sả những người đi xin trẻ mồ côi về, ngoài miệng thì nói là để đem về làm con nuôi nhưng thực ra là để làm người giúp việc không lương ở tại nhà. Người ta xem những kẻ như vậy là gian ác, nhẫn tâm. Con mồ côi đã không cha không mẹ nhưng nếu không thương xót nó đã đành, mà lại còn bắt nó về làm đầy tớ nữa thì có gì ác nhơn cho bằng.

Nói như vậy thì tức là chúng ta đã hiểu rằng việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ để làm con cái của Ngài thì bày tỏ tình yêu của Chúa lớn hơn, bao la hơn. Chúa đã tạo dựng họ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài, vì Chúa là tình yêu thương.

Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, chẳng lẽ nào Đức Chúa Trời yêu thương, công bằng và khôn ngoan lại có thể một ngày nào đó nghe các thiên sứ than thở rằng: Thà Ngài đừng tạo dựng con thì hơn, chớ tạo dựng con làm đầy tớ đời đời thì có ý nghĩa gì?

Chúng ta cứ suy nghĩ sâu xa về điểm ấy thì sẽ hiểu được sự tạo dựng từ ban đầu của Đức Chúa Trời và địa vị của các thiên sứ trong Thiên đàng. Điều nầy thì tôi đã có giải thích qua trong bài giảng trước đây về Cơ-đốc-nhân và Thiên sứ, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Còn ở tại đây sáng hôm nay thì tôi chỉ nhắc lại một điểm căn bản: Ấy là mặc dầu địa vị của các thiên sứ đều là con của Đức Chúa Trời, nhưng tâm tình của họ đối với Ngài thì như là tôi tớ. Tâm tình đó thì cũng giống như tâm tình của Cơ-đốc-nhân chúng ta đây, như lời Kinh thánh đã có chép trong…

Ê-PHÊ-SÔ 6: 6 – không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.

Và một câu khác trong…

RÔ-MA 6: 22 – Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.

Và một câu nữa trong…

1CÔ-RINH-TÔ 7: 22 – Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha. Cũng một lẽ ấy, ai đang tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ.

Theo như lời của Chúa trong các câu Kinh thánh nầy thì mặc dầu Cơ-đốc-nhân đã được kể là con cái của Chúa nhưng cũng phải biết làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như là một kẻ tôi tớ hết lòng vâng phục chủ.

Bởi đó cho nên chúng ta hiểu rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng công bằng không bao giờ thay đổi cho nên tiêu chuẩn dành cho Cơ-đốc-nhân thì cũng là tiêu chuẩn dành cho thiên sứ ở tại Thiên đàng, và ngược lại, thì tiêu chuẩn cho các thiên sứ ở tại Thiên đàng cũng là tiêu chuẩn dành cho Cơ-đốc-nhân đang còn ở trong thế gian, bởi vì Thiên đàng là nơi mà chúng ta sẽ đến trong tương lai cho nên phải học tập trước để sau nầy có thể làm theo giống như các thiên sứ. Bởi vậy cho nên Đức Chúa Jêsus mới cho biết rằng khi chúng ta được sống lại thì sẽ giống như các thiên sứ, nghĩa là không những giống cả về hình dạng bên ngoài, về đời sống thánh khiết, mà còn là giống về tâm tình bên trong nữa, như lời của Chúa đã có phán và đã có ghi lại trong…

MA-THI-Ơ 22: 30 – Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.

Các chữ được gạch dưới cho chúng ta thấy rằng điều đó cũng có nghĩa là cả thiên sứ và Cơ-đốc-nhân đều là con cái của Chúa và cả hai đều phải có tâm tình vâng phục trọn vẹn như của một tôi tớ.

Bởi vì các thiên sứ là con cái của Chúa cho nên khi họ ra mắt Đức Chúa Trời tại Thiên đàng thì Kinh thánh đã dùng chữ các con trai của Đức Chúa Trời để mô tả về họ, như đã có chép trong…

GIÓP 1: 6 – Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.

Khi chúng ta để ý thì sẽ thấy rằng vì Sa-tan đã từng được kể là sao mai, tức cũng là con trai của Đức Chúa Trời cho nên khi các thiên sứ ra mắt Chúa thì đương nhiên nó cũng được phép có mặt. Đó là sự nhơn từ của Chúa, và điều đó cũng đã được nhắc đến lần thứ hai trong…

GIÓP 2: 1 – Xảy ra một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng có đến trong vòng chúng đặng ra mắt Đức Giê-hô-va.

Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng các thiên sứ ngay từ ban đầu đã được tạo dựng nên để làm con cái của Đức Chúa Trời, tức là làm đối tượng cho tình yêu của Chúa, và Sa-tan cũng là một trong những thiên sứ ấy, bởi vì nó cũng được gọi là sao mai giống như danh hiệu của các thiên sứ và của những người được cứu sau nầy.

Bởi lẽ đó chúng ta cũng có thể hiểu rằng Đức Chúa Trời chẳng hề tạo dựng nên điều gì xấu xa cả. Bởi vì Chúa là Đấng chân thiện mỹ cho nên Ngài không hề tạo dựng nên ma quỉ, mà chỉ có tạo dựng nên thiên sứ mà thôi, nhưng Sa-tan đã trở thành ma quỉ là vì bản tánh kiêu ngạo cũng như sự thiếu vâng phục trọn vẹn của nó đã làm cho nó phản nghịch lại với Đức Chúa Trời và từ đó trở thành ma quỉ.

Chúng ta cần phải biết như thế nầy, rằng một trong những lẽ thật căn bản quan trọng khác để chúng ta có thể hiểu được lời của Chúa trong Kinh thánh là sự tự do mà Chúa đã ban cho các thiên sứ và cho loài người chúng ta. Tôi đã từng trình bày qua về vấn đề nầy trước đây nhưng sáng hôm nay thì tôi chỉ xin được nhắc lại rằng: Vì Đức Chúa Trời là Đấng trọn vẹn cho nên Ngài không hề muốn bắt buộc tạo vật của Ngài phải kính sợ Ngài. Chỉ có những kẻ độc tài gian ác trong đời nầy mới làm như vậy mà thôi. Ấy là bởi vì họ tự biết rằng họ là xấu xa, thấp kém và độc ác cho nên nếu không bắt buộc thì người ta sẽ không bao giờ chấp nhận họ làm lãnh đạo, bởi vậy cho nên họ phải dùng vũ lực để bắt người ta tôn sùng họ. Còn đối với Đức Chúa Trời thì bắt buộc như vậy là thấp kém, là không xứng đáng với sự cao cả tuyệt mỹ của Ngài. Vì vậy mà khi tạo dựng nên các thiên sứ và con người thì Đức Chúa Trời đã ban sự tự do cho cả hai để có thể kính yêu Chúa bằng tấm lòng tự nguyện chớ không phải bởi sự bắt buộc hoặc gượng ép.

Chúng ta hiểu được điều đó là vì đặc tánh không bao giờ thay đổi của Chúa. Khi chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người và ban cho con người sự tự do, thì chúng ta cũng nhờ đó mà biết rằng khi tạo dựng nên các thiên sứ thì Chúa cũng đã ban cho họ sự tự do để lựa chọn, nghĩa là có chịu hết lòng vâng phục và kính yêu Ngài hay không.

Với sự tự do đó thì hai phần ba các thiên sứ đã tự nguyện kính yêu Chúa đời đời, nhưng một phần ba còn lại thì lại theo Sa-tan để phản nghịch Chúa. Điều đó đã được lời của Chúa cho biết trong…

KHẢI HUYỀN 12: 3-4 – Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa, là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời đem quăng xuống đất. Con rồng ấy chực trước người đàn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi.

Khi lời của Chúa cho biết rằng con rồng màu đỏ đó từng ở trên trời thì điều đó có nghĩa là Sa-tan đã từng là một trong các thiên sứ, nhưng vì phạm tội phản nghịch Chúa mà nó bị đuổi khỏi Thiên đàng. Ngoài ra thì các chữ ĐUÔI KÉO MỘT PHẦN BA CÁC NGÔI SAO TRÊN TRỜI có nghĩa là một phần ba các thiên sứ đã theo nó, tức là theo đuôi Sa-tan để phản nghịch Đức Chúa Trời. Điều đó hoàn toàn tương ứng với lời của Chúa đã được trưng dẫn trước đây trong…

KHẢI HUYỀN 12: 9 – Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ. Nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.

Lời Kinh thánh không hề cho chúng ta biết là từ ban đầu Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên bao nhiêu thiên sứ, nhưng nhờ hai câu gốc nầy mà chúng ta biết rằng một phần ba các thiên sứ ấy đã theo Sa-tan để phản nghịch Đức Chúa Trời. Bởi vậy mới có nhiều dạng ma quỉ, và số của họ rất đông, như lời của Chúa đã có cho biết trong…

LU-CA 8: 29-30 – Vì Đức Chúa Jêsus đang truyền cho tà ma phải ra khỏi người đó mà nó ám đã lâu. Dầu họ giữ người, xiềng và còng chân lại, người cứ bẻ xiềng tháo còng, và bị quỉ dữ đem vào nơi đồng vắng. Đức Chúa Jêsus hỏi người rằng: Mầy tên gì? Người thưa rằng: Quân đội, vì nhiều quỉ đã ám vào người.

Như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng ma quỉ chính là Sa-tan cùng với các thiên sứ đã phản nghịch Đức Chúa Trời, chớ không phải là Ngài đã tạo dựng ra ma quỉ. Ngay từ ban đầu thì Chúa chỉ có tạo dựng nên các thiên sứ đẹp đẽ mà thôi.

Chính vì trước đây họ từng là các thiên sứ đẹp đẽ cho nên trong ngày sau rốt Sa-tan và các quỉ dữ có thể giả mạo làm thiên sứ sáng láng. Ấy là bởi vì họ vẫn còn giữ được dáng vóc mà Chúa đã tạo dựng nên họ từ ban đầu, như lời Kinh thánh có chép trong…

2CÔ-RINH-TÔ 11: 14-15 – Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công bình cũng chẳng lạ gì. Nhưng sự cuối cùng của họ sẽ y theo việc làm.

Như vậy đến đây thì quý Hội thánh đã có thể biết được là ngay từ ban đầu thì vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương cho nên Ngài đã tạo dựng các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài. Nhưng một phần ba các thiên sứ đã dùng sai sự tự do mà Chúa ban cho để theo đuôi Sa-tan mà phản nghịch lại với Đấng toàn năng. Chính bởi lẽ đó mà họ mới trở thành ma quỉ.

Vì thì giờ sáng hôm nay có hạn cho nên tôi xin tạm dừng lại ở tại đây. Lần sau thì tôi sẽ trình bày thêm nữa về những điều đã xãy ra trước khi loài người được dựng nên hầu cho quý Hội thánh có thể hiểu được lý do vì sao mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người, và vì sao mà có hai giống người sống lẫn lộn với nhau trong thế gian nầy.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục ban phước thêm cho chúng ta để khích lệ con dân Chúa trong việc tìm hiểu về chính mình Ngài và đường lối của Chúa dành cho cả thế gian. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ tiếp tục thêm sức cho chúng ta trong cố gắng nầy và cầu xin Đức-Thánh-Linh cứ soi sáng con mắt thuộc linh của chúng ta để có thể hiểu được lời Kinh thánh càng ngày càng rõ ràng hơn nữa. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *