ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG CÔNG BÌNH

Tất cả các Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết về những mỹ đức của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như Ngài là Đấng Yêu Thương, Nhân Từ, Ngài là Đấng Thánh Khiết và Ngài cũng là Đấng Công Bình. Theo lời của Đức Chúa Jêsus đã phán trong câu gốc nầy thì nếu con cái Ngài biết dành sự ưu tiên trong việc tìm kiếm sự công bình của Ngài thì Chúa sẽ ban phước thêm cho Cơ-đốc-nhân về những nhu cầu có cần trong đời sống. Điều đó cho thấy rằng Đức Chúa Trời yêu sự công bình và muốn Cơ-đốc-nhân phải tìm kiếm và làm sự công bình để xứng đáng được kể là con cái thật của Đấng Công Bình. Trong cả Kinh thánh thì đều có đề cập đến mỹ đức công bình của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như một câu trong (Gióp 37: 23).

Sự công bình của Đức Chúa Trời không những được ghi lại trong Kinh thánh mà còn được bày tỏ ra bằng thực tế đời sống mà Cơ-đốc-nhân có thể nhìn thấy được hàng ngày. Chẳng hạn như khi Ngài tạo dựng nên vũ trụ thì Chúa cũng đã bày tỏ sự công bình của Ngài qua các tạo vật mà Ngài đã dựng nên, hầu cho để mọi loài mọi vật có sự đối chiếu hay nói một cách chính xác hơn là có sự thăng bằng hay công bằng giữa các sự vật. Đức Chúa Trời đã dựng nên trời và đất, đã dựng nên mặt trời và mặt trăng để đối chiếu nhau. Ngài cũng đã dựng nên sự nóng và sự lạnh, sự mặn sự ngọt, ngày và đêm, mùa màng và thời tiết, Ngài đã dựng núi cao biển sâu và cũng đã dựng nên người nam và người nữ. Khi Cơ-đốc-nhân nhận biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng như vậy thì con dân Chúa cũng có thể hiểu được lý do tại sao mà Sa-tan luôn luôn tìm cách đảo ngược sự thăng bằng ấy hoặc làm rối loạn mọi sự để chống đối Chúa. Đó là một trong những phương pháp chính yếu để nhận diện công việc của ma quỉ.

Khi Cơ-đốc-nhân nhận biết được Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình và thấy được sự cân bằng trong công việc của Chúa thì chúng ta cần phải sống theo nguyên tắc công bình của Ngài để có thể đẹp lòng Đức Chúa Trời. Lời Kinh thánh có cho biết rằng Đức Chúa Trời yêu người làm điều công bình. Vì thế mà Ngài đoái xem và nghe lời cầu nguyện của họ (Thi thiên 34: 15).

Ấy bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy rằng khi Cơ-đốc-nhân muốn được phước trong Chúa thì trước hết phải cố gắng tìm kiếm cho được sự sống đời đời và làm những điều công bình đẹp lòng Chúa. Đây là nguyên tắc chính yếu để con dân Chúa được phước và được may mắn. Nhưng trong thực tế thì chúng ta đều biết rằng nói thì dễ nhưng thực hiện mới là điều khó khăn. Theo kinh nghiệm của đời sống cho thấy thì con người thường có khuynh hướng đòi hỏi sự công bình cho mình nhưng lại cư xử thiếu công bình đối với người khác. Đó là vì xác thịt và bản ngã ngăn trở chúng ta không làm được điều công bình mà Chúa muốn chúng ta phải thực hiện.

Sáng hôm nay thì tôi xin được trình bày về mỹ đức công bình của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh trước, để chúng ta có thể dùng làm nền tảng mà suy nghĩ đến những vấn đề công bình có liên quan đến cuộc sống thường nhật của con người. Vì những phương diện liên quan đến sự công bình thì nhiều lắm mà nếu Cơ-đốc-nhân không nắm vững được các nguyên tắc công bình trong lời của Chúa thì chúng ta dễ lắm mà hiểu sai sự dạy dỗ của Chúa cũng như lầm lẫn khi áp dụng những sự dạy dỗ ấy vào đời sống cá nhân mình.

Như điều mà tôi vừa đề cập đến khi nãy thì sự công bình của Chúa không chỉ bày tỏ ra trong thực tế của đời người và của vũ trụ thiên nhiên, mà còn bày tỏ ra rất rõ ràng trong lời của Chúa nữa. Khi chúng ta đọc Kinh thánh thì có thể thấy được các mạng lệnh của Chúa đều có hai phần tương ứng với nhau, chẳng hạn như khi Chúa hứa ban cho con dân Ngài những ơn phước quý báu thì Ngài cũng kèm theo đó những yêu cầu mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện. Điều đó bày tỏ ra luật công bằng của Chúa trong mọi vấn đề, trong mọi phương diện của đời sống, ngay cả trong các mạng lệnh và lời hứa của Ngài. Một trong những thí dụ điển hình là ân điển tha tội nhưng không của Chúa. Bất cứ một người nào muốn được kể là vô tội trước mặt Đức Chúa Trời thì người đó phải có lòng ăn năn thật về tội lỗi của mình trong quá khứ và phải tin nhận rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã chết thế cho mình trên thập tự giá. Mặc dầu Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Trời tha tội một cách nhưng không, nhưng người đến với Chúa ít nữa cũng phải bày tỏ tấm lòng của mình bằng sự ăn năn thật thì mới được tha thứ, chớ không phải nói rằng vì Đức Chúa Trời tha thứ cách nhưng không mà mình không cần có tấm lòng ăn năn cũng vẫn được tha.

Đây chỉ là một trong những bằng chứng để cho chúng ta có thể thấy được sự công bằng của Chúa bày tỏ xuyên suốt trong cả Kinh thánh. Vì vậy khi Cơ-đốc-nhân suy gẫm đến bất cứ một câu Kinh thánh nào thì chúng ta cũng cần phải nhớ đến nguyên tắc công bình nầy của Chúa để có thể hiểu được các ý tưởng trong các câu gốc một cách đầy đủ. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại câu gốc nền tảng sáng hôm nay thì sẽ thấy rõ được nguyên tắc công bình của Chúa trong lời phán của Ngài là thế nào.

Như chúng ta có thể thấy được trong câu gốc nầy thì mặc dầu Đức Chúa Trời biết nhu cầu của con cái Ngài là cần dùng những điều gì, nhưng theo luật công bình của Chúa thì Cơ-đốc-nhân phải trước hết biết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì sau đó Chúa mới ban cho một cách rời rộng những điều mà chúng ta cần dùng. Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nên Ngài có thể ban cho một cách dư dật mà không cần đòi hỏi Cơ-đốc-nhân phải làm một điều gì cả. Nhưng vì Chúa cũng là Đấng Công Bình, là Đấng thưởng phạt phân minh nên Ngài không thể ban cho khi người nhận lãnh không xứng đáng.

Nhưng khi nói đến sự ban cho của Đức Chúa Trời thì chắc có một số Cơ-đốc-nhân sẽ thắc mắc rằng người ngoại không biết Đức Chúa Trời và cũng không thờ phượng Ngài mà họ vẫn đầy đủ sung túc chớ đâu có thiếu thốn gì. Tôi đề cập đến vấn đề nầy vì đây là một trong những thắc mắc đã làm cho một số Cơ-đốc-nhân hoang mang và thậm chí có khi làm lay động đức tin của nhiều người nơi Đức Chúa Trời nữa. Chẳng những vậy thôi đây cũng là một trong những thắc mắc mà đã làm cho một số Cơ-đốc-nhân bất kể đến các sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh để cứ sống giống như người thế gian, vì nghĩ rằng người ta không có Chúa cũng sung túc ấm no, thì mình cần gì phải quá là cẩn thận trong việc làm theo lời của Chúa.

Nhưng nếu xem lại trong Kinh thánh thì chúng ta sẽ thấy rằng sự ban cho của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác với điều mà con người có được trong thế gian, như lời của Chúa đã được ghi lại trong (Châm ngôn 10: 22).

Sự khác biệt ở đây là người thế gian dầu được giàu có sung túc nhưng vẫn có những sầu muộn, đau khổ cặp theo, chính vì thế mà nhiều người mới cay đắng và ta thán bằng câu nói Giàu thì đổi bạn, sang thì đổi vợ. Còn khi Cơ-đốc-nhân sống đẹp lòng Đức Chúa Trời thì sự ban cho mà chúng ta nhận được từ nơi Ngài sẽ rất là hoàn toàn, có nghĩa là được thỏa lòng một cách toàn diện, không có sự đau buồn nào cặp theo.

Nhưng sự nhận thức như vậy vẫn tùy thuộc vào mức độ đức tin của mỗi một cá nhân, chớ không phải Cơ-đốc-nhân nào cũng có được sự nhận thức giống nhau. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải có đức tin mạnh mẽ để có thể kinh nghiệm được một đời sống sung mãn và thỏa lòng hoàn toàn trong Ngài.

Trở lại với nguyên tắc công bằng của Đức Chúa Trời trong lời của Ngài thì chúng ta có thể đọc thêm một số câu Kinh thánh khác để thấy rằng khi Chúa đã hứa ban ân điển và ơn phước dư dật cho Cơ-đốc-nhân thì Ngài luôn luôn kèm theo đó những yêu cầu và đòi hỏi mà chúng ta phải thực hiện để có thể nhận được điều mà Chúa đã hứa. Như câu gốc trong Thi thiên 34: 15 mà chúng ta vừa đọc qua khi nãy thì Đức Chúa Trời rất là quan tâm đến người công bình để bảo vệ họ cho họ được bình an, và Ngài sẳn sàng lắng nghe tiếng kêu cầu, nài xin của họ để mau chóng trả lời cho. Điều đó cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ đối xử ngược lại với những người sống thiếu công bằng hoặc thiên vị người nầy kẻ kia, và Ngài sẽ không nhậm lời những điều mà họ cầu xin.

Một điểm đáng chú ý là Cơ-đốc-nhân phải luôn luôn nhận biết sự công bình của Chúa khi suy gẫm lời của Ngài, tức là phải suy nghĩ đến cả 2 vế trong một câu gốc chớ không phải chỉ là một phần hoặc một chiều mà thôi. Suy gẫm lời của Chúa cách khiếm khuyết như vậy sẽ không đẹp lòng Đức Chúa Trời mà còn tai hại cho linh hồn của chính cá nhân mình nữa. Suy nghĩ phiến diện như vậy là cách ru ngủ bản thân, vì nghỉ rằng Đức Chúa Trời cũng sẽ bảo vệ người có đời sống thiếu công bình và cũng trả lời cầu nguyện của những kẻ sống thiên vị. Cũng một thể ấy, khi một người giải thích lời của Chúa thì cũng phải trình bày rõ ràng cả hai phần, tức là lời hứa của Đức Chúa Trời và yêu cầu của Ngài dành cho người muốn nhận được lời hứa ấy, chớ không phải chỉ giải thích về lời hứa không mà thôi. Giải thích phiến diện như vậy không những là thiếu công bằng đối với lời của Đức Chúa Trời, mà còn thiếu công bằng đối với người nghe, vì tạo cho người ta cảm giác được khích lệ một cách giả tạo trong việc sẽ nhận được ân điển của Đức Chúa Trời mà không cần phải sống đẹp lòng Ngài.

Nhưng trong thời đại ngày hôm nay thì sự giải thích phiến diện hay còn gọi là sự ru ngủ như vậy lại thấy xãy ra nhiều lắm, chẳng hạn như việc diễn giải cho Cơ-đốc-nhân biết là hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào nữa cho Cơ-đốc-nhân, trong khi đó thì lại không nhấn mạnh đến việc phải thật sự ở trong Chúa thì mới có thể nhận được điều đó, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong (Rô-ma 8: 1).

Như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì sự công bằng của Đức Chúa Trời cũng đã bày tỏ rõ ràng trong câu gốc nầy, đó là yêu cầu cần phải thật sự ở trong Đức Chúa Jêsus Christ thì mới nhận được ân điển tha thứ hoàn toàn của Đức Chúa Trời. Trong một dịp khác thì tôi sẽ trình bày chi tiết hơn với quý Hội thánh về câu gốc nầy, nhưng tại đây thì tôi chỉ dùng n để làm thí dụ về việc có một số người đã giải thích thiếu công bằng câu gốc ấy khi chỉ nói đến phần thứ nhất mà thôi, trong khi đó thì không hề đả động vì đến yêu cầu của Chúa trong phần thứ hai.

Cũng cùng một cách như vậy mà có một số người đã cho thân hữu biết rằng sau tin Chúa thì sẽ được phước, được may mắn và được sự sống đời đời, nhưng lại không hề giải thích cho thân hữu biết rằng tất cả những ơn phước tuyệt diệu đó chỉ có thể nhận được khi một người biết sống theo những yêu cầu mà Đức Chúa Trời đã chỉ định bởi sự công bình của Ngài, chẳng hạn như muốn được tha thứ thì phải ăn năn, như lời của Đức Chúa Jêsus đã có phán và đã được ghi lại trong (Lu-ca 13: 5).

Hoặc nếu một người muốn được may mắn trong Chúa thì phải biết siêng năng suy gẫm lời của Ngài và phải hết lòng làm theo mọi điều mà Chúa đã phán dạy trong Kinh thánh, như lời của Chúa đã được chép trong (Giô-suê 1: 8).

Hoặc nếu một người muốn nhận được sự sống đời đời thì bắt buộc phải tái sanh và phải tiếp tục sống trong đời sống mới một cách trung tín cho đến cuối cùng, như lời của Đức Chúa Jêsus đã phán và đã có ghi lại trong (Giăng 3: 3).

Lời của Đức Chúa Jêsus đã phán rõ ràng như vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng chỉ những người nào đã thật sự được tái sanh, tức là phải thật sự có sự thay đổi trong đời sống mình từ lời ăn tiếng nói hành động cử chỉ cho đến quan điểm thì người đó mới nhận được sự sống đời đời trong tương lai. Nhưng một số người thì lại ru ngủ Cơ-đốc-nhân và tân tín hữu rằng cứ cầu nguyện tin nhận Chúa là nhận được sự sống đời đời mà họ không bao giờ nhấn mạnh đến việc cần phải được tái sanh và nên thánh theo như lời của Chúa đã chỉ định trong Kinh thánh. Sự giải thích và khích lệ giả tạo như vậy chỉ làm cho Cơ-đốc-nhân bị ru ngủ là mình sẽ nhận được sự cứu rỗi nhưng trong khi đó thì chính Đức Chúa Jêsus lại cho biết là khi Ngài tái lâm thì số người có đức tin thật sự sẽ ít lắm, ít đến nỗi là dường như cả thế gian không có một người nào thật sự có đức tin cả, như điều mà tôi đã có đề cập đến trong phần thứ hai của Bài giảng với Chủ đề KHI NÀO ĐỨC CHÚA JÊSUS TRỞ LẠI.

Một điểm khác đáng đề cập đến tại đây là việc người ta thích nghe giải thích Kinh thánh cách như vậy, tức là muốn biết Đức Chúa Trời sẽ ban cho con người những ơn phước và ân điển tuyệt diệu như thế nào, trong khi đó thì lại không muốn mệt nhọc trong phương diện thuộc linh, nghĩa là không muốn mệt nhọc trong việc thực hành tin kính và sống đạo theo lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Đó là khuynh hướng tham nhàn trong tâm linh của nhiều người, hay nói một cách khác theo như lời của Đức Chúa Jêsus, là thích đi con đường rộng rãi và khoảng khoát trong phương diện tâm linh.

Như điều mà tôi đã đề cập đến từ lúc đầu rằng Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình nên ngay cả trong lời phán dạy và các mạng lệnh của Chúa cũng bày tỏ ra mỹ đức công bằng của Ngài. Nhưng nhiều khi Cơ-đốc-nhân thì lại theo Chúa bằng quan điểm của các tôn giáo trong thế gian, đó là mình chỉ cần làm đại khái một vài hình thức hay nghi lễ nào đó thuận lợi cho cá nhân mình, còn Đức Chúa Trời thì phải có bổn phận ban phước cho con người luôn luôn, thậm chí họ cũng nghĩ rằng Đức Chúa Trời phải luôn luôn tha thứ chớ không được lên án ai, giống như họ là chủ chớ không phải Chúa là Chủ. Chúng ta thử so sánh việc theo Chúa của Cơ-đốc-nhân và sự thờ lạy thần tượng của người thế gian thì sẽ thấy được điều đó.

Theo luật công bằng của Chúa thì hễ một người đã nhận ơn thì phải biết ơn, cho nên Cơ-đốc-nhân sau khi đã cầu nguyện tin nhận Chúa và được tha thứ hết mọi tội lỗi trong quá khứ rồi thì chúng ta cần phải thưa hỏi Chúa rằng chúng ta phải làm điều gì để đền đáp lại ân điển nhưng không của Ngài. Về vấn đề nầy thì tôi sẽ đề cập đến chi tiết hơn trong một lần khác, nhưng sáng hôm nay thì tôi chỉ xin nói một cách ngắn gọn rằng đã có nhiều Cơ-đốc-nhân hiểu lầm rằng ân điển nhưng không của Chúa là Ngài cứ tiếp tục ban phước luôn cho Cơ-đốc-nhân mà con dân Chúa chẳng cần phải làm gì lại cho Ngài, nhưng suy nghĩ như vậy là chưa đúng với lời của Chúa có ghi trong Kinh thánh. Ân điển nhưng không của Chúa là tha thứ cho những tội nhân đến với Chúa khi chưa làm một điều gì hết cho Ngài trong quá khứ, chẳng hạn như người tử tội bị đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng sau khi đã được tha thứ và được kể là công bình rồi thì Cơ-đốc-nhân phải sống xứng đáng với sự ban cho đó để tỏ lòng biết ơn, như lời Kinh thánh đã được chép trong (2Tê-sa-lô-ni-ca 1: 5).

Lời của Chúa trong câu gốc nầy cho chúng ta thấy rõ ràng rằng vì mỹ đức công bình của Chúa thì sau khi Cơ-đốc-nhân đã cầu nguyện tin Chúa rồi thì phải tái sanh, phải nên thánh để tập tành sống theo những mẫu mực của Kinh thánh để có thể xứng đáng với Thiên đàng trong tương. Vì vậy những người giải thích với Cơ-đốc-nhân về lời của Chúa mà thiếu đề cập đến những đòi hỏi đó thì họ đã thiếu công bình với lời của Ngài và cũng thiếu công bình đối với người nghe là con dân Chúa. Ngoài ra thì chữ chịu khổ trong câu gốc nầy cũng cho chúng ta thấy được rằng sự chịu khổ đó không những là vì sự bắt bớ của người ngoại đối với đức tin của chúng ta trong Chúa mà cũng là muốn đề cập đến việc Cơ-đốc-nhân phải chịu khó nhọc để sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời dành cho những người sẽ được ở tại Thiên đàng trong tương lai, như chính lời Phao-lô đã mô tả về cách sống như vậy trong (1Cô-rinh-tô 9: 27).

Sự nghiêm khắc đối với những tham muốn của xác thịt và bản ngã của cá nhân là thí dụ điển hình về việc cần phải đi con đường chật và vào cửa hẹp mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy cho con dân Ngài. Vì vậy việc Cơ-đốc-nhân cần phải có một đời sống đổi mới thì điều đó không chỉ là vì lợi ích của cá nhân chúng ta trong tương lai, mà cũng là vì muốn bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với ân điển và sự thương xót của Chúa khi chúng ta đang còn sống trong thế gian nầy, như câu gốc trong Cô-lô-se 3: 15 của phần Kinh thánh nền tảng mà chúng ta đang suy gẫm sáng hôm nay.

Chữ biết ơn mà sứ đồ Phao-lô đã được Đức-Thánh-Linh soi sáng để viết ra trong câu gốc nầy là có ý muốn đề cập đến việc Cơ-đốc-nhân phải thỏa mãn mỹ đức công bình của Chúa, nghĩa là sau khi được Ngài tha thứ tội lỗi của chúng ta trong quá khứ và nhận chúng ta làm con cái của Ngài, thì Cơ-đốc-nhân phải sống xứng đáng với tình yêu đó bằng cách cố gắng hết sức vâng phục và làm theo các mẫu mực mà Đức Chúa Trời đã có đòi hỏi trong Kinh thánh. Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải thực hiện điều đó như là cách để bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với Đấng đã tha thứ và sanh chúng ta ra một lần nữa để được làm con cái của Ngài trong đời nầy và cả cõi đời đời mai sau.

Sự hiếu thảo đối với Chúa như vậy là điều đẹp lòng Ngài cho nên ma quỉ mới tìm đủ mọi cách để làm cho con dân Chúa bất hiếu với Cha Thiên Thượng của chúng ta bằng cách chỉ nói về ơn phước của Chúa không mà thôi và chẳng bao giờ đả động gì đến những yêu cầu mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm. Bằng cách như vậy thì nó đã làm cho Cơ-đốc-nhân có đời sống thiếu công bằng, là chỉ muốn được về phần mình mà không bao giờ nghỉ đến việc báo ơn cho Đức Chúa Trời, hoặc nếu có báo ơn thì chỉ bằng những hình thức ở bên ngoài như dâng hiến hoặc làm công việc Chúa mà không hề nghĩ gì đến tấm lòng cung kính ở bên trong. Những hình thức báo ơn như vậy thì người trong các tôn giáo khác vẫn làm cho thần tượng của họ, chớ đâu phải chỉ có một mình Cơ-đốc-nhân làm cho Đức Chúa Trời mà thôi. Hình thức báo ơn như vậy cho Đức Chúa Trời chỉ có thể đẹp lòng Chúa khi chúng ta làm với tấm lòng cung kính, làm với một đời sống thật sự đổi mới theo ý muốn của Chúa, thì mới được nhậm và mới được thưởng. Ngoài ra thì những điều đó chỉ làm lợi cho kẻ dùng Kinh thánh để dẫn dắt sai Cơ-đốc-nhân cho tham muốn riêng của cá nhân họ.

Như tất cả chúng ta đều đã biết thì Đức Chúa Trời không những là Đấng Yêu Thương nhưng Ngài cũng là Đấng Công Bình nữa. Vì vậy sự yêu thương và sự công bình của Chúa cần phải được thỏa mãn cùng một lúc, nếu không muốn nói đến việc cần phải thỏa mãn luôn những mỹ đức khác của Ngài. Vì mỹ đức yêu thương mà Đức Chúa Trời đã giáng thế làm người, chịu sỉ nhục và chịu chết cho cả nhân loại. Nhưng cùng một lúc với việc bày tỏ mỹ đức yêu thương của Ngài thì Chúa cũng thỏa mãn mỹ đức công bằng của Ngài bằng cách đòi hỏi Cơ-đốc-nhân phải tập tành sống theo mẫu mực của Thiên đàng ngay khi còn ở trong thế gian nầy, bằng không thì mỹ đức công bình của Ngài trong việc thưởng phạt phân minh sẽ bị xúc phạm và sẽ bị những người trong các tôn giáo khác, nhất là những kẻ giả hình, sẽ lên tiếng phản đối trong ngày Chúa đoán xét cả thế gian. Ấy bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã khẳng định rằng con dân Chúa phải có đời sống công bình hơn họ thì mới được cứu, như lời của Ngài đã được chép trong (Ma-thi-ơ 5: 20).

Khi đọc lại các phần Kinh thánh có đề cập đến người Pha-ri-si thì Cơ-đốc-nhân có thể biết rằng họ là những kẻ chỉ hành đạo bên ngoài mà không có tấm lòng bên trong. Vì vậy mà khi Đức Chúa Jêsus phán rằng sự công bình của chúng ta phải trổi hơn sự công bình của họ, thì điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân không những cần phải sống đạo bằng hình thức bên ngoài mà cũng cần phải có tấm lòng bên trong nữa, bằng không thì sự theo Chúa của chúng ta sẽ trở nên hoàn toàn vô ích. Nếu nói một cách tổng quát thì tất cả Cơ-đốc-nhân đều biết rằng việc giữ đạo bên ngoài đã không phải là dễ, huống chi là việc giữ tấm lòng bên trong cho được trọn vẹn trước mặt Chúa. Thí dụ như việc thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật. Đây là một trong những nghi thức cần thiết mà tất cả các con dân Chúa cần phải làm, nhưng trong thực tế thì chúng ta có thể thấy được rằng không phải tất cả các Cơ-đốc-nhân đều giữ được sự trung tín trong việc thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật. Theo như Kinh thánh cho biết thì ngày xưa các người Pha-ri-si đã giữ ngày sa-bát rất là nghiêm túc, đến nỗi chính họ còn chất vấn cả đến Đức Chúa Jêsus về điều đó. Mặc dầu điều họ làm là sai vì không hiểu rõ ý nghĩa của ngày sa-bát, nhưng điều đáng nói tại đây là họ đã bày tỏ sự công bình bề ngoài của họ một cách rất là cẩn thận. Còn đối với Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay thì một số anh chị em lại viện cớ là mình đã có lòng với Chúa rồi nên cứ bỏ qua sự nhóm lại vào ngày Chúa nhật một cách rất thường xuyên.

Người đời còn biết nói rằng Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông, để cho biết rằng tấm lòng của con người mới thật sự quyết định được hành động bên ngoài, chớ không phải là những khó khăn ngăn trở của sự vật. Nhưng đối với một số Cơ-đốc-nhân thì điều đó hoàn toàn ngược lại, có nghĩa là các anh chị em ấy lấy cớ là vì mình đã có tấm lòng đối với Chúa rồi để tiếp tục bỏ việc nhóm lại thờ phượng Chúa. Ngay cả chính các thân hữu được mời đến với Chúa cũng phải ngạc nhiên trước sự thiếu tấm lòng sốt sắng của Cơ-đốc-nhân đối với nghi lễ thông thường và đặc trưng nhất của Cơ-đốc giáo. Vì thế mà đã có người nói rằng Thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật không khó, mà khó vì lòng Cơ-đốc-nhân không muốn nhóm lại mà thôi.

Nhưng để nói một cách công bằng thì việc không nhóm lại của Cơ-đốc-nhân còn bắt nguồn từ nhiều lý do khác nữa, cả trong phương diện chủ quan và khách quan và tôi sẽ xin trình bày về vấn đề đó một cách chi tiết hơn trong một dịp khác. Nhưng dầu là thế nào đi nữa thì chúng ta cần phải biết rằng ma quỉ luôn luôn cám dỗ con dân Chúa làm ngược lại với nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời trong mục đích làm cho chúng ta hụt mất ân điển của Chúa và làm lu mờ vinh hiển của Ngài ở trên đất nầy. Nó biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ làm ngược lại với nguyên tắc công bình của Ngài là thưởng phạt phân minh, nên nó không xúi dục Cơ-đốc-nhân bỏ Chúa mà nó chỉ cám dỗ Cơ-đốc-nhân sống thiếu công bình hoặc sai trật với nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời thì coi như nó đã thành công rồi.

Chẳng hạn như đối với câu gốc trong Ma-thi-ơ 5: 20 vừa được trưng dẫn khi nãy thì nếu con dân Chúa không hết sức cố gắng thực hiện một cách trọn vẹn những yêu cầu mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho Cơ-đốc-nhân thì đến ngày xét những người Pha-ri-si có thể sẽ lên tiếng chất vấn sự đoán định của Chúa rằng tại sao sự công bình bề ngoài của Cơ-đốc-nhân còn chưa được trọn vẹn như họ mà họ thì phải vào hỏa ngục trong khi đó thì Cơ-đốc-nhân lại được vào Thiên đàng. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem Đức Chúa Trời có bao giờ lại để cho những kẻ giả hình đó chất vấn mỹ đức công bình của Ngài cách như vậy hay không? Lời Kinh thánh đã cho biết rằng trong ngày phán xét thì mọi đầu gối đều phải quỳ xuống, mọi miệng đều phải ngậm lại và Đức Chúa Trời sẽ được xưng là công bình khi Ngài đoán xét cả loài người, như lời đã được chép trong (Thi thiên 119: 137).

Bởi lẽ đó mà khi Đức Chúa Trời đã chỉ định những tiêu chuẩn cho người sẽ được sống tại Thiên đàng trong tương lai thì con dân Chúa phải cố gắng đạt đến cho bằng được. Mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nhưng vì mỹ đức công bằng của Ngài mà Chúa không thể làm ngơ hoặc bỏ qua những tiêu chuẩn ấy để cho phép người ta vào Thiên đàng đâu. Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân phải thức tỉnh khi suy nghĩ về sự công bình của Đức Chúa Trời.

Vì vậy, cầu xin Chúa thêm sức cho con dân Chúa mỗi một ngày hầu cho chúng ta có thể cố gắng luôn luôn một cách bền bĩ trong việc thỏa mãn mỹ đức công bình của Cha thiên thượng chúng ta. Cầu xin Đức Chúa Trời nhắc nhở và khích lệ con dân Chúa trong việc sống một đời vâng phục theo các gương mẫu mà Chúa đã chỉ định. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh ở cùng chúng ta càng ngày càng đầy dẫy hơn để con dân Chúa có sức mới mà sống xứng đáng với tình yêu của Chúa theo như mỹ đức công bình Ngài của Ngài. Amen.

NHỮNG CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

GIÔ-SUÊ 1: 8 – Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.

GIÓP 37: 23 – Luận về Đấng Toàn năng, ta không tìm thấy đến Ngài được: Ngài vốn rất quyền năng, rất chánh trực và công bình cực điểm, không hề hà hiếp ai.

THI THIÊN 34: 15 – Mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người công bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ.

THI THIÊN 119: 137 – Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là công bình, sự đoán xét của Ngài là ngay thẳng.

CHÂM NGÔN 10: 22 – Phước lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào.

MA-THI-Ơ 5: 20 – Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.

MA-THI-Ơ 6: 33 – Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.

LU-CA 13: 5 – Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.

GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.

RÔ-MA 8: 1 – Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ.

1CÔ-RINH-TÔ 9: 27 – Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.

CÔ-LÔ-SE 3: 15 – Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn.

2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 5 – Đó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời, Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.

GIA-CƠ 1: 22 – Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *