ĐỨC CHÚA TRỜI BÀY TỎ TÌNH YÊU NGÀI

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN
ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀI

Kính thưa quý Hội thánh, sau khi chúng ta đã suy gẫm qua về nguyên nhân vì sao Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ từ lúc ban đầu thì hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về cách thức Đức Chúa Trời đã yêu như thế nào qua Chủ đề

ĐỨC CHÚA TRỜI BÀY TỎ TÌNH YÊU CỦA NGÀI

Phần Kinh thánh chủ đề của chúng ta là trong…

Khải huyền 1: 9-20

Và câu gốc nền tảng của chúng ta là trong…

KHẢI HUYỀN 10: 1 – Đoạn, tôi lại thấy một vị thiên sứ khác sức mạnh lắm, ở từ trời xuống, có đám mây bao bọc lấy. Trên đầu người có mống, mặt người giống như mặt trời và chân như trụ lửa.

Kính thưa quý Hội thánh, tất cả chúng ta đều đã biết rằng hễ có tấm lòng yêu thương thì nhất định phải có đối tượng để bày tỏ tình yêu thương ấy. Nguyên tắc nầy là lý do mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ từ ban đầu để Chúa có thể bày tỏ tấm lòng yêu thương bao la của Ngài đối với họ.

Như tôi đã có trình bày cùng với quý Hội thánh trước đây thì trong Kinh thánh không có chỗ nào đề cập gì đến việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ. Nguyên nhân cũng là vì quyển Kinh thánh đã được viết ra là cho loài người chúng ta chớ không phải cho thiên sứ. Nhưng dầu vậy thì trong lời của Chúa vẫn có nhiều câu gốc mà nếu được đem ra đối chiếu với những lẽ thật căn bản trong Kinh thánh thì vẫn có thể giúp cho chúng ta biết được cách thức thế nào Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ. Sáng hôm nay tôi sẽ trình bày những điều đó cùng với quý Hội thánh để chúng ta có thể thấy được Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài như thế nào từ lúc ban đầu.

Nhưng trước khi đi xa hơn và chi tiết hơn về sự sáng tạo ấy thì tôi xin được nêu ra những vấn đề và những thắc mắc có liên quan đến điều mà chúng ta đã học hỏi trong thời gian qua.

Trước nhất, ấy là có người đã thắc mắc rằng tại sao Hội thánh chúng ta không chịu suy gẫm đến những chủ đề quen thuộc mà Cơ-đốc nhân vẫn thường học hỏi đến mà lại suy gẫm đến sự sáng tạo của các thiên sứ làm chi. Cũng có một vài người thậm chí còn cho rằng chúng ta là một Hội thánh đi lạc đường vì nghiên cứu đến những đề tài mà cộng đồng Cơ-đốc-nhân từ xưa đến nay ít khi quan tâm đến.

Đối với những thắc mắc và nhận định như vậy thì tôi có câu trả lời như thế nầy. Thật tình mà nói thì đề tài về thiên sứ không phải là chưa từng được đề cập đến trong vòng Hội thánh chung. Một số các mục sư nổi tiếng trên thế giới đã từng có lúc giảng về những đề tài có liên quan đến các thiên sứ, thậm chí có một mục sư Hoa-kỳ rất nổi tiếng mà Cơ-đốc-nhân Việt Nam nào cũng biết đã từng viết sách về các thiên sứ, có quyển đã được dịch sang tiếng Việt nhiều năm trước.

Nhưng điểm đáng chú ý là chưa từng có ai đề cập đến việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ, nhất là tạo dựng họ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài. Nguyên nhân thứ nhất là vì Kinh thánh không có trực tiếop đề cập đến điều ấy. Còn nguyên nhân thứ hai là vì ít có người thấy được mối liên hệ giữa các thiên sứ và Cơ-đốc-nhân chúng ta là mật thiết như thế nào trong chương trình của Đức Chúa Trời. Bởi thế cho nên mà có rất ít người chịu khó tìm hiểu thêm về các thiên sứ và sự được tạo dựng nên của họ.

Sự liên hệ mật thiết giữa các thiên sứ và Cơ-đốc-nhân là một trong những lý do chính yếu mà tôi muốn cùng với quý Hội thánh suy gẫm về cách thế nào mà họ đã được tạo dựng nên. Nguyên nhân là vì sự sáng tạo đó là sự sáng tạo đầu tiên và cũng vì họ mà Đức Chúa Trời mới tạo dựng nên loài người chúng ta.

Nghe đến đây thì chắc quý Hội thánh rất ngạc nhiên vì lời tuyên bố như vậy là hoàn toàn mới mẽ và thậm chí còn đi ngược lại với quan điểm từ xưa đến nay của cộng đồng Cơ-đốc-nhân. Vì vậy tôi xin quý Hội thánh kiên nhẫn lắng nghe những phần giải thích kế tiếp sau trong thì giờ nầy.

Để cho quý Hội thánh có thể nhớ lại thì Chủ đề lớn của chúng ta là Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài. Như tôi đã từng thưa trình trước đây thì để hiểu biết thêm về Chúa và về chương trình của Ngài thì chúng ta phải suy gẫm về những sự kiện đã xãy ra từ lúc ban đầu rồi lần hồi mới đi đến thời đại của chúng ta ngày hôm nay và về những thời kỳ sau nầy nữa trước khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm để rồi chấm dứt với sự phán xét cuối cùng. Vì nếu không suy gẫm những sự kiện xãy ra từ ban đầu thì chúng ta sẽ không thể nào hiểu được chương trình của Chúa một cách chi tiết rõ ràng, và như vậy thì Cơ-đốc-nhân sẽ cứ tiếp tục theo Chúa trong sự hiểu biết thiếu sót như từ bấy lâu nay.

Đến đây thì tôi xin được đề cập đến một nguyên nhân quan trọng khác đã khiến cho Cơ-đốc-nhân ít thường chú ý đến các thiên sứ. Ấy là vì chúng ta thường có quan điểm rằng con người mới là trọng tâm duy nhất trong tình yêu của Chúa, còn tất cả những loài thọ tạo khác, ngay cả các thiên sứ, cũng đều là thứ yếu hết thảy. Sự suy nghĩ như vậy đã làm cho cộng đồng Cơ-đốc-nhân không muốn tìm hiểu nhiều về các thiên sứ và thậm chí cho rằng việc tìm hiểu về họ là đi sai lạc khỏi đường lối của đức tin. Sự suy nghĩ như vậy là thông thường lắm, nhưng lại là nguyên nhân chủ yếu làm cho Cơ-đốc-nhân không hiểu rõ ràng được đường lối của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại và cho chính mình.

Bởi vậy cho nên để có thể hiểu biết nhiều thêm về Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài thì chúng ta cần phải thay đổi và loại bỏ sự suy nghĩ như vậy, và chủ đề ngày hôm nay là nhằm giúp cho quý Hội thánh có thể thấy được rõ ràng về lý do tại sao cần phải có sự thay đổi ấy.

Bây giờ thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về sự sáng tạo của các thiên sứ. Nhưng trước hết thì tôi xin được đề cập đến các lẽ thật quan trọng cần phải liên hệ đến để làm nền tảng căn bản cho sự suy gẫm về Chủ đề nầy.

Lẽ thật thứ nhất là Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương. Lẽ thật thứ hai là Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi và Lẽ thật thứ ba là Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan biết trước hết được mọi điều.

Khi căn cứ vào 3 lẽ thật nầy và những lời của Chúa trong Kinh thánh thì chúng ta có thể biết được sự sáng tạo thiên sứ đã xãy ra như thế nào mặc dầu Kinh thánh không hề đề cập gì một cách trực tiếp đến điều ấy, rồi từ chúng ta sẽ thấy được cách thức mà Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài.

Đối với lẽ thật thứ nhất là Đức Chúa Trời là sự yêu thương thì lần trước chúng ta đã cùng nhau học biết rằng để có thể bày tỏ tình yêu thương bao la của Ngài thì Chúa đã tạo ra các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu ấy.

Chúng ta có thể nhận biết được sự thật đầu tiên nầy khi liên hệ đến các đặc điểm của tình yêu thương trong đời sống con người. Ấy là bởi vì khi yêu và khi muốn bày tỏ tình yêu thì người ta thường muốn thực hiện ngay, chớ không muốn trì hoãn. Điều nầy thì ai cũng biết vì nó là một thực tế. Và khi chúng ta biết rằng loài người được tạo dựng nên bởi Đức Chúa Trời và có mang trong mình những đặc điểm của Chúa trong tình yêu thì chúng ta sẽ có thể hiểu được ngay rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ từ ban đầu là để yêu thương họ, tức là để bày tỏ tình yêu của Ngài, chớ không phải là đợi đến khi tạo dựng nên con người rồi Ngài mới có thể bày tỏ tình yêu thương ấy.

Khi đọc Kinh thánh thì chúng ta đều có thể nhận biết rằng các thiên sứ đã được tạo dựng trước khi loài người được tạo dựng nên. Các bằng chứng về điều đó đã được bày tỏ ra trong lời của Chúa, chẳng hạn như việc A-đam và Ê-va bị cám dỗ.

Chúng ta có thể nhớ lại là khi A-đam và Ê-va còn ở trong vườn Địa đàng thì con rắn đã đến cám dỗ ông bà. Con rắn đó tức là Sa-tan, là một trong các thiên sứ đã phản nghịch lại với Đức Chúa Trời. Điều đó đã được ghi lại trong…

KHẢI HUYỀN 12: 9 – Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ. Nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.

Nhờ câu gốc nầy mà chúng ta biết con rắn là Sa-tan và các chữ CÁC SỨ NÓ có nghĩa là cũng có nhiều thiên sứ khác nữa đã theo Sa-tan mà phản nghịch lại với Đức Chúa Trời. Điều đó cũng có nghĩa là họ đã được tạo dựng nên trước A-đam và sự phản nghịch của họ cũng đã xãy ra trước khi ông A-đam và bà Ê-va được tạo dựng nên.

Bằng chứng thứ hai về việc các thiên sứ đã được tạo dựng nên trước A-đam và Ê-va là khi ông bà đã phạm tội và bị đuổi khỏi vườn Địa đàng thì Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Ngài cầm gươm đứng trước cửa vườn để ngăn không cho bất cứ người nào có thể trở vào đó nữa, như lời Kinh thánh đã được chép trong…

SÁNG THẾ KÝ 3: 24 – Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.

Hình ảnh các chê-ru-bin hay là các thiên sứ đứng cầm gươm canh giữ vườn Ê-đen cho chúng ta thấy rằng họ là những đấng trưởng thành có sức lực, hoặc nói một cách khác là có quyền năng, vì con trẻ không thể, cũng như không được phép để cầm gươm hoặc nhận lấy trách nhiệm như của một người lính gác. Tiêu chuẩn đó đã được Đức Chúa Trời quyết định và sau nầy thì đã có phán bảo với dân Y-sơ-ra-ên về việc những người nào có thể ra trận được để chinh chiến, như có chép trong…

DÂN SỐ KÝ 1: 3 – từ hai mươi tuổi sắp lên, tức là mọi người trong Y-sơ-ra-ên đi ra trận được. Ngươi và A-rôn sẽ kê sổ chúng nó tùy theo đội ngũ của họ.

Theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời thì Ngài chỉ kể những người có thể ra trận được mới là những người trưởng thành, tức là những người có thể cầm gươm, còn những người trẻ tuổi hơn thì bị kể như là con trẻ, như có chép trong…

LÊ-VI-KÝ 27: 3 và 5 – Nếu ngươi định giá về một người nam từ hai mươi đến sáu mươi tuổi, thì hãy định cho năm chục siếc-lơ bạc, tùy theo siếc-lơ nơi thánh… Nếu là một đứa con trẻ từ năm đến hai mươi tuổi, thì hãy định giá hai chục siếc-lơ cho một đứa trai, và mười siếc-lơ cho một đứa gái.

Các câu Kinh thánh được trưng dẫn cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời phân biệt rất rõ ràng về những ai được kể là trưởng thành và ai là con trẻ. Vì vậy mà hình ảnh của các thiên sứ cầm gươm lưỡi sáng lòa cho chúng ta thấy rằng họ là các các đấng trưởng thành đang hầu việc Đức Chúa Trời trong khi loài người thì chỉ mới được tạo dựng nên và chưa có ai được cứu cả. Việc các chê-ru-bin hay các thiên sứ đã hầu việc Đức Chúa Trời đang khi con người còn sống trên mặt đất thì đã được lời Kinh thánh đề cập đến nhiều lần, chẳng hạn như một câu trong…

2CÁC VUA 19: 15 – Ê-xê-chia cầu nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Ôi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên! Ngài vẫn ngự ở giữa các chê-ru-bin, chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời của các nước thế gian. Chính Ngài đã làm nên trời và đất.

Như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài trước khi loài người được dựng nên. Vì ngoài lý do đó ra thì không còn có lý do nào khác nữa, bởi vì như chúng ta đã biết thì Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng cho nên Ngài không cần phải lệ thuộc vào bất cứ ai để phải tạo dựng nên các thiên sứ mà phụ giúp Ngài.

Đối với quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ để làm đầy tớ của Ngài thì tôi đã có cùng với quý Hội thánh suy gẫm qua trong Chủ đề Đức Chúa Trời là Sự Yêu Thương để có thể thấy rằng quan điểm như vậy là sai lầm, là đi ngược lại hoàn toàn với mỹ đức yêu thương của Chúa. Bởi lẽ đó mà tôi mới thưa trình cùng với quý Hội thánh rằng một trong những lẽ thật căn bản giúp cho chúng ta hiểu biết về Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài là chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng Chúa là Đấng yêu thương và mọi việc Ngài làm đều đặt căn bản trên mỹ đức đó. Chúng ta cứ căn cứ trên lẽ thật ấy mà tìm hiểu về Đức Chúa Trời thì sẽ được hiểu biết một cách rõ ràng, chi tiết và đúng đắn hơn.

Ngoài ra thì chúng ta cũng phải cảnh giác về điều nầy. Ấy là trong cả Kinh thánh thì không có chỗ nào lời của Chúa đề cập đến việc các thiên sứ có hình dạng giống như trẻ em, nhưng loài người thì lại mô tả và vẽ tranh ảnh về các thiên sứ như là những trẻ em trai không có mặc quần áo. Sự suy diễn như vậy là xuất phát từ tâm lý bệnh hoạn của những người cứ muốn luyến ái với trẻ em, cho nên họ mới cho vẽ những bức tranh như vậy ở nhiều nơi, nhiều chỗ, vẽ ngay cả trên các bức tường của nhà thờ để khi họ nhìn vào các hình ảnh đó thì thỏa mãn được phần nào tham muốn xác thịt của họ. Sau nầy thì tôi sẽ trình bày thêm về tội lỗi ấy khi chúng ta nghiên cứu đến một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử loài người khi mà những người mạo danh là theo Chúa cầm nắm quyền hành trong thế gian.

Trở lại với việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ thì chúng ta có thể căn cứ vào những thứ tự mà Chúa đã tạo dựng nên loài người để từ đó biết được chi tiết hơn về việc Ngài đã tạo dựng nên các thiên sứ như thế nào và cũng nhờ đó biết được cách thức mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài.

Lẽ thật căn bản để có thể hiểu biết được điều đó là lẽ thật thứ hai mà tôi đã có đề cập đến khi nãy. Ấy là Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi.

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người thì Ngài tạo dựng nên mọi điều cần thiết cho sự sống của loài người trước rồi đến ngày thứ Sáu Chúa mới tạo dựng nên ông A-đam. Chúng ta có thể hiểu được tại sao Chúa lại làm như vậy khi suy nghĩ đến việc cha mẹ chuẩn bị để có con.

Ấy là trước khi con được sanh ra thì những người cha người mẹ chu đáo cẩn thận đều biết chuẩn bị trước nào là nôi nệm, áo quần, tả, sữa và mọi thứ cần thiết khác đâu đó cho thật sẳn sàng để khi con được sanh ra thì có mà sử dụng ngay để nuôi nấng đứa bé. Không một người cha người mẹ nào lại muốn tất bật thiếu thốn những nhu cầu và vật dụng cần thiết cho đứa con vừa mới chào đời, ngoại trừ là những người cha người mẹ sống tại các nước lạc hậu nghèo nàn thì đành phải chịu thiếu thốn mà thôi.

Cũng một thể ấy, vì Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan đầy tình yêu thương nên Chúa đã tạo dựng nên hết mọi điều cần thiết cho con người rồi sau đó Chúa mới tạo dựng nên ông A-đam. Và vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên chúng ta cũng có thể biết được rằng Ngài đã tạo dựng nên các thiên sứ theo cùng một cách như vậy, tức là tạo dựng nên vũ trụ trước rồi sau đó mới tạo dựng nên các thiên sứ để họ có thể được yêu thương và hưởng phước của Chúa đã dành sẳn cho.

Chẳng những thế thôi Đức Chúa Trời còn bày tỏ tình yêu của Ngài đối với các thiên sứ nhiều hơn thế nữa. Ấy là Ngài đã tạo dựng họ giống theo hình dáng của Ngài. Để có thể biết chắc được như vậy thì chúng ta chỉ cần xem xét lại các câu gốc có tường thuật về sự sáng tạo con người và về hình dạng của các thiên sứ thì sẽ hiểu được ngay.

Theo như lời Kinh thánh thì chúng ta đã biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người theo ảnh tượng của Ngài, như lời của Chúa đã có cho biết trong…

SÁNG THẾ KÝ 1: 26 – Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất.

Vì Chúa yêu thương loài người cho nên Ngài đã tạo thành con người theo ảnh tượng của Chúa, tức là A-đam có sự sáng láng đặc biệt đến nỗi ông không cần quần áo để che thân, nhưng dầu vậy sự con người giống với hình dạng của Đức Chúa Trời thì còn giới hạn lắm, vì con người là xác thịt mà Đức Chúa Trời là Chúa, là thần linh cao cả.

Nhưng khi Kinh thánh mô tả về các thiên sứ thì sự họ giống với Đức Chúa Trời là tuyệt đối hơn, chính xác hơn. Khi chúng ta so sánh vinh quang của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ với hình ảnh của các thiên sứ thì sẽ thấy được ngay đặc điểm nầy.

Chúng ta có thể nhớ lại là khi sứ đồ Giăng được nhìn thấy Đức Chúa Jêsus Christ trong khải tượng ở tại đảo Bát-mô thì hình ảnh của Chúa đã được mô tả như thế nầy:

KHẢI HUYỀN 1: 12-16 – Bấy giờ tôi xây lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì. Vừa xây lại, thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa những chân đèn có ai giống như con người, mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực. Đầu và tóc người trắng như lông chiên, trắng như tuyết, mắt như ngọn lửa, chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn. Tay hữu người cầm bảy ngôi sao, miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.

Đó là hình ảnh mà sứ đồ Giăng đã thấy về Đức Chúa Jêsus Christ. Khi so sánh với hình dạng và trang phục của các thiên sứ thì chúng ta thấy họ cũng không khác với Chúa bao nhiêu, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong…

KHẢI HUYỀN 10: 1 – Đoạn, tôi lại thấy một vị thiên sứ khác sức mạnh lắm, ở từ trời xuống, có đám mây bao bọc lấy. Trên đầu người có mống, mặt người giống như mặt trời và chân như trụ lửa.

Trong câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa cho biết là khi một thiên sứ từ trên trời giáng xuống thì có mây bao bọc lấy thiên sứ ấy. Hình ảnh như vậy thì cũng rất giống ới hình ảnh của Đức Chúa Trời khi Ngài giáng lâm, hoặc là giống với hình ảnh về Đức Chúa Jêsus khi Ngài tái lâm vào trong trần gian, như đã có chép trong hai câu Kinh thánh sau đây:

PHỤC TRUYỀN 33: 26 – Ồ Giê-su-run, không ai giống như Đức Chúa Trời, là Đấng oai nghi, cỡi trên các từng trời, trên những đám mây, đặng đến cứu giúp ngươi.

và một câu Kinh thánh khác về Đấng Christ trong…

MÁC 14: 62 – Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta chính phải đó. Các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ và các thiên sứ đều cỡi mây mà đi lại. Ngoài ra thì trong Khải huyền 10: 1 vừa trưng dẫn khi nãy thì lời Kinh thánh có mô tả diện mạo của thiên sứ cũng giống như diện mạo của Đức Chúa Jêsus Christ, tức là có sự sáng chói giống như mặt trời. Chân của thiên sứ ấy giống như trụ lửa, tức là cũng giống như chân của Đức Chúa Jêsus mà sứ đồ Giăng đã mô tả trong Khải huyền 1: 15 là như đồng sáng được luyện trong lò lửa.

Tất cả những điều đó giúp cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời yêu thương các thiên sứ lắm và cho họ được hưởng những điều tương tự như những điều thuộc về Ngài. Chẳng những thế thôi mà Kinh thánh còn mô tả về trang phục của các thiên sứ cũng giống như thiên phục của Đức Chúa Jêsus nữa, như đã có trưng dẫn khi nãy trong Khải huyền 1: 13 và trong…

KHẢI HUYỀN 15: 6 – Bảy vị thiên sứ cầm bảy tai nạn từ đền thờ đi ra, mặc áo gai trong sạch rực rỡ, và ngang ngực thắt đai vàng.

Để cho quý Hội thánh có thể dễ dàng thấy được sự giống nhau giữa hình ảnh của các thiên sứ so với Đức Chúa Trời và với Đức Chúa Jêsus Christ thì tôi đã có sẳn bản đối chiếu đơn giản sau đây:

Đức Chúa Trời
Đức Chúa Jêsus Christ Thiên sứ
– Ngự giữa đám mây mà đến – từ trời xuống có mây bao bọc
– Mặt như mặt trời – mặt giống như mặt trời
– Chân luyện trong lửa – chân như trụ lửa
– Thắt đai vàng trên ngực – ngực thắt đai vàng
– Sai khiến lửa – có quyền cai trị lửa

Kinh thánh còn cho chúng ta thấy là chẳng những các thiên sứ giống với Đức Chúa Trời và với Đức Chúa Jêsus Christ về trang phục, diện mạo, phương tiện đi lại mà còn giống với Đức Chúa Trời về quyền năng nữa, như lời của Chúa đã được chép trong các câu Kinh thánh sau đây:

THI THIÊN 148: 8 – Hỡi lửa mà mưa đá, tuyết và hơi nước, gió bão vâng theo mạng Ngài.

Ê-XÊ-CHI-ÊN 39: 6 – Bấy giờ ta sẽ sai lửa xuống trên Ma-gốc, và trên những kẻ ở yên ổn nơi các cù lao, và chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va.

Lời của Chúa cho thấy rằng Ngài có quyền sai khiến lửa và những hình trạng khác trong tự nhiên. Các thiên sứ cũng được Chúa ban cho quyền cai trị giống như vậy, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 14: 18 – Rồi một vị thiên sứ khác nữa có quyền cai trị lửa, từ bàn thờ đi ra, lấy tiếng lớn kêu vị thiên sứ cầm lưỡi liềm bén mà rằng: Hãy quăng lưỡi liềm bén của ngươi xuống và hái những chùm nho ở dưới đất đi, vì nho đã chín rồi.

Chúng ta có thể thấy được rõ ràng là thiên sứ cũng có quyền cai trị và sai khiến lửa giống như Đức Chúa Trời.

Như vậy khi suy gẫm đến đây thì chúng ta có thể thấy rằng các thiên sứ đã được Đức Chúa Trời yêu thương nhiều lắm, nhiều đến nỗi họ mặc dầu là loài thọ tạo nhưng lại được giống với Ngài trong tất cả các phương diện, từ gương mặt, hình dạng bên ngoài cho đến cách trang phục cũng vậy, cũng như là con cái giống với cha mẹ. Điều đó là bằng chứng để cho chúng ta hiểu được rằng các thiên sứ đã được tạo dựng nên để làm đối tượng cho tình yêu của Chúa trước khi con người được tạo dựng nên.

Một điểm đặc biệt khác mà chúng ta có thể biết được về tình yêu của Chúa dành cho các thiên sứ là họ được Ngài ban cho sự tự do để lựa chọn. Chúng ta biết được điều đó khi áp dụng lẽ thật Đức Chúa Trời là Đấng tuyệt mỹ, là Đấng công bình và là Đấng không bao giờ thay đổi.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên khi Chúa đã yêu loài người như thế nào thì Ngài cũng yêu các thiên sứ như thế ấy, bởi vì họ là đối tượng đầu tiên của tình yêu của Ngài. Cũng một thể ấy, vì Đức Chúa Trời là Đấng công bình cho nên khi Chúa ban cho con người, tức là A-đam, có sự tự do để lựa chọn thì chắc rằng Chúa cũng đã ban cho các thiên sứ sự tự do giống như vậy.

Và vì Chúa là Đấng tuyệt mỹ cho nên Ngài không bắt buộc các thiên sứ phải yêu Ngài. Họ có sự tự do để lựa chọn là có tự nguyện để kính yêu Ngài hay không. Điều nầy thì tôi đã có đề cập đến trước đây, chắc là quý Hội thánh còn nhớ. Ấy là chỉ có những kẻ gian ác, xấu xa, bất nhân và bất tài mới bắt buộc người ta đầu phục họ, mới dùng vũ lực để buộc người ta phải chấp nhận họ làm lãnh đạo, chẳng hạn như điều vẫn thường thấy tại một số các nước độc tài độc đảng trên thế giới. Còn những người thật sự có tài, có đức, có khả năng, có tấm lòng thì không cần bắt buộc gì hết thì người ta vẫn phục theo. Cũng một thể ấy, đối với Đức Chúa Trời, thì vì Ngài là Đấng tuyệt mỹ không ai có thể so sánh bằng cho nên Chúa không bắt buộc các thiên sứ phải kính yêu Ngài.

Bởi lẽ đó Đức Chúa Trời đã ban cho họ quyền tự do để lựa chọn giữa việc có tự nguyện yêu Ngài hay không. Còn việc bắt buộc họ phải yêu Ngài thì không xứng đáng với sự cao cả tuyệt đối của Chúa.

Như vậy ngay tại điểm nầy chúng ta học được một nguyên tắc quan trọng khác về tình yêu thương từ nơi Đức Chúa Trời, đó là trong tình yêu thật thì không có sự cưỡng ép hoặc bắt buộc. Tình yêu thương thật thì được bày tỏ qua sự tự nguyện để chân thành yêu mến nhau.

Trong thực tế đời sống thì những thí dụ điển hình về sự trái ngược của con người đối với nguyên tắc tự do nầy trong tình yêu thương thật thì nhiều lắm, mà tôi xin được dẫn chứng ra đây một chút để quý Hội thánh có thể hiểu được tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho các thiên sứ và sự tự do trong tình yêu thương thật là như thế nào.

Trong vòng những người Việt sống tại ngoại quốc thì có nhiều người bỏ vợ để về quê hương cưới những phụ nữ trẻ hơn, có khi sự cách biệt tuổi tác rất là lớn. Nhiều lần tôi đã tình cờ nghe được các cuộc nói chuyện của những người đó trong quán ăn, và trong câu chuyện thì họ thường chỉ vẽ cho nhau cách thế nào để giữ được vợ mới đem từ Việt Nam sang. Họ bảo nhau rằng đừng để cho những cô vợ mới cưới đó có điện thoại, đừng để cho vợ biết lái xe hơi hoặc là đừng để cho vợ có tài khoản ngân hàng riêng, cũng đừng cho vợ đi học tiếng Anh để khỏi có cơ hội quen biết với người nầy người kia. Thậm chí họ còn hướng dẫn nhau cách thế nào để đặt máy quay phim tại nhà để theo dõi vợ. Họ nghĩ là làm như vậy sẽ giữ được các cô vợ trẻ đó sống lâu năm với họ. Nhưng rốt lại thì họ bị thất bại nặng hơn, tức là bị vợ bỏ nhiều hơn. Thậm chí có trường hợp người vợ đang mang thai cũng bỏ chồng mà đi nơi khác vì chịu không nỗi cảnh giam hãm gián tiếp như vậy. Thế mà hình như những người đó vẫn không thay đổi cách đối xử với các cô vợ mới cưới từ Việt Nam sang. Tôi từng làm việc trong bộ Xã hội để giúp đỡ cho cộng đồng Việt Nam và mấy mươi năm nay vẫn thấy không có gì thay đổi trong cách đối xử như vậy. Những người đó nghĩ rằng sự trói buộc và giới hạn sẽ giữ được vợ, chớ đâu biết rằng nếu họ yêu thương thật lòng và dành cho nhau sự tự do thì kết quả sẽ khác hơn? Nếu người chồng thật sự hết lòng đối xử tốt với vợ thì ai lại ngu dốt đến nỗi bỏ người chồng tốt để đi kiếm một người khác chưa chắc đã tốt được như vậy?

Mấy năm trước có một người đã tìm đến tại Hội thánh chúng ta để gặp tôi và nói như thế nầy: Mục sư ơi, em thương vợ hết lòng mà nó vẫn bỏ em. Tôi hỏi rằng thương làm sao thì người đó cho biết là cả ngày chỉ biết đi làm, mà lại làm hai jobs nữa, lương hướng tiền bạc có được bao nhiêu thì đều đem về đưa hết cho vợ giữ, còn anh thì không giữ một đồng nào. Người vợ chỉ ngồi không tại nhà mà thôi, không cần phải làm gì cả, vậy mà cũng bỏ anh ta mà đi.

Khi quý Hội thánh nghe như vậy thì có tin được hay không? Có người vợ nào, dầu xấu tánh đến đâu đi nữa lại bỏ chồng là người đầu tắt mặt tối lao khổ để mình ngồi nhà hưởng phước như vậy hay không?

Riêng đối với tôi thì tôi biết rằng người đó đã dựng lên một cái cớ để lần sau có lý do mà ràng buộc người vợ mới khác mà thôi. Vì vậy khi anh ta nhờ tôi giới thiệu hoặc làm mai một người trong Hội thánh để anh có thể lấy vợ lần nữa, không biết là lần thứ mấy, thì tôi liền từ chối ngay. Lý do thứ nhất là vì anh ta không hiểu được tình yêu thương thật là gì, mà tôi có giải thích thế nào cũng không nghe. Lý do thứ hai là vì anh muốn lấy vợ thật trẻ so với tuổi của anh, tức là một thanh nữ hai mươi trong Hội thánh mà anh ta thì đã ngoài 50. Còn lý do thứ ba thì những cuộc hôn nhân kế tiếp nhau như vậy không được Chúa cho phép. Nhưng vấn đề đó thì tôi sẽ xin trình bày với quý Hội thánh trong một dịp khác.

Tại đây qua thí dụ nầy thì tôi chỉ muốn trình bày cùng với quý Hội thánh rằng trong tình yêu thương thật thì phải có sự tự do để người ta chọn lựa rằng có thật lòng yêu thương mình hay không, chớ không có sự bắt buộc, dụ dỗ hoặc lừa gạt nhau. Từ đó thì chúng ta hiểu được rằng ngay từ ban đầu vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương cho nên Ngài đã tạo ra các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài và Chúa cũng đã ban cho họ sự tự do để lựa chọn là có tự nguyện kính yêu Ngài hay không.

Nhưng cũng chính vì vậy mà Sa-tan, với tấm lòng kiêu ngạo của nó, đã lợi dụng sự tự do ấy mà phản nghịch lại với Chúa và muốn đem mình lên ngang hàng với Đấng toàn năng. Điều nầy thì chúng ta đã biết khi đọc đến sách tiên tri Ê-sai đoạn 14: 12-15.

Bởi lẽ đó mà một trong những tội lỗi nghiêm trọng mà Cơ-đốc-nhân cần phải tránh hầu cho có thể được cứu vào trong Thiên đàng mai sau là không bao giờ được có tấm lòng kiêu ngạo. Khi lời Kinh thánh cho biết rằng Sa-tan vì lòng kiêu ngạo của nó mà phạm tội với Chúa và bị đuổi khỏi Thiên đàng thì chúng ta cũng có thể hiểu được rằng không có một Cơ-đốc-nhân nào có lòng kiêu ngạo mà lại được cho vào nơi đó đâu. Lời cảnh cáo của Chúa đã có phán dạy tỏ tường về tội kiêu ngạo, như có chép trong…

CHÂM NGÔN 16: 5 – Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va. Quả thật nó sẽ chẳng tránh khỏi bị phạt.

Câu Kinh thánh nầy cho chúng ta thấy rằng sự kiêu ngạo là điều gớm ghiếc trước mặt Chúa và vì vậy mà bất cứ ai phạm sự gớm ghiếc như vậy đều không được vào Thiên đàng, như lời của Chúa đã có cho biết trong…

KHẢI HUYỀN 21: 27 – Kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành, nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con.

Đến đây thì quý Hội thánh đã có thể biết được là tại sao tội kiêu ngạo lại bị Đức Chúa Trời ghét đến như vậy, cho nên Cơ-đốc-nhân chúng ta phải hết sức cố gắng để tránh khỏi việc phạm đến tội lỗi ấy.

Còn như bây giờ thì quý Hội thánh đã biết được cách thức thế nào mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài. Đó là Ngài đã tạo dựng nên các thiên sứ để làm đối tượng cho tấm lòng yêu thương lớn lao của Chúa và vì tình yêu thương mà Ngài đã tạo dựng nên các thiên sứ giống theo ảnh tượng của Chúa, từ diện mạo, hình dáng bên ngoài cho đến cả cách trang phục nữa. Đức Chúa Trời cũng đã ban cho họ có quyền năng lớn lao tương tự như quyền năng của Ngài và cũng ban cho họ có sự tự do để lựa chọn, bởi vì những điều đó thỏa mãn mỹ đức yêu thương của Chúa.

Ngay cả khi Đức Chúa Trời biết trước rằng một phần ba các thiên sứ sẽ lợi dụng sự tự do đó để phản nghịch lại với Chúa thì Ngài vẫn để cho họ được tự do chớ không hề bắt buộc họ phải kính yêu Ngài. Chỉ có sự tự nguyện kính yêu Chúa mới làm đẹp lòng Đức Chúa Trời mà thôi.

Vì vậy khi chúng ta rao truyền về danh của Chúa và làm chứng cho người khác đến với Ngài thì Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng phải ghi nhớ luôn luôn đến nguyên tắc nầy, tức là chúng ta mời gọi người khác tự nguyện đến với Chúa chớ không được dẫn dụ, hứa hẹn hão hoặc sử dụng các mánh khóe khác kiểu của người thế gian.

Vào thời Trung cổ tại Châu Âu, khi Giáo hội Công giáo bắt buộc người ta phải cải đạo và theo đạo thì họ đã đi ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc tự do trong tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã đặt để và đã bày tỏ từ ban đầu. Bởi sự bắt bớ dữ tợn của họ mà các tín đồ Tin lành tại Châu Âu đã vượt biển để đến Hoa-kỳ với mong ước tìm được nơi chốn bình yên để có thể tự do mà thờ phượng Chúa theo như sự dạy dỗ của Kinh thánh. Bởi lẽ đó mà chúng ta hiểu được rằng sự tự do hay tự nguyện trong tình yêu thương là quan trọng như thế nào.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời cứ tiếp tục dạy dỗ chúng ta bước theo các nguyên tắc yêu thương của Ngài đã có từ ban đầu hầu để được đẹp lòng Chúa luôn luôn. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta để có thể yêu thương một cách bền lòng nhịn nhục như Ngài đã yêu, và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục mở mắt thuộc linh của con cái Ngài hầu cho chúng ta có thể học hiểu càng thêm về Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài dành cho cả thế gian. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *