ĐỨC CHÚA JÊSUS VÀ SỰ CHẾT

ĐỨC CHÚA JÊSUS VÀ SỰ CHẾT

Kinh thánh: Công vụ 26: 19-23

Câu gốc: CÔ-LÔ-SE 1: 18 – Ấy cũng chính Ngài là Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhất từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng.

Kính thưa quý Hội thánh, trong mùa Thương khó Phục Sinh năm nay chúng ta lại một lần nữa có cơ hội để suy gẫm về tình yêu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại qua sự chịu chết của Đức Chúa Jêsus Christ trên thập tự giá. Theo như điều mà chúng ta đã được nhắc nhở trong tuần vừa qua thì Đức Chúa Jêsus đã đến trong thế gian để cất tội lỗi đi, nghĩa là Ngài đã đến để chết thế cho nhân loại và giúp cho con người biết được cách thế nào để thoát khỏi sự ràng buộc của tội lỗi và có thể sống một đời bình an, vui mừng và thỏa lòng ở trong Chúa. Ngoài ra thì việc Đức Chúa Trời hiện thân thành người để vào trong trần gian cũng là vì muốn giúp cho con người biết phải đối diện với sự chết như thế nào. Tất cả nhân loại đều biết rằng cuối cùng rồi thì mọi người đều phải chết, không miễn trừ một ai. Kinh thánh cho biết là từ xưa đến giờ thì chỉ có hai người là không biết đến sự chết, đó là Hê-nóch và tiên tri Ê-li. Tất cả những người còn lại, tức là những người từng được sinh vào đời sống nầy thì đều phải kinh nghiệm sự chết. Đó là một điều chắc chắn không thể chối cãi cũng như không thể từ khước được. Kinh thánh lại cũng còn cho biết thêm là trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm thì những người đang sống mà được cứu thì sẽ được cất lên không trung để gặp Chúa và sẽ khônhg bao giờ biết được sự chết là thế nào. Ngoài ra thì tất cả những người khác đều sẽ phải nếm biết sự chết một lần trong đời sống họ.

Vì ngày tháng trần gian của con người phải đi dần đến sự chết là như vậy và vì đó là một điều chắc chắn không thể thay đổi được nên từ xưa đến nay vẫn có một câu hỏi quan trọng luôn luôn tồn tại trong trí não của con người, đó là sau sự chết thì sẽ có gì hoặc người chết sẽ đi về đâu. Câu hỏi nầy đã được các tôn giáo và ngay cả giới khoa học nữa tìm mọi cách để trả lời, nhưng cho đến ngày nay thì vẫn hoàn toàn không có gì chính xác. Nguyên nhân là vì không có ai thật sự đã từ cõi chết trở về để có thể trả lời một cách thỏa đáng và chính xác cho câu hỏi về sự chết của con người. Duy chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus là Đấng đầu tiên đã sống lại từ trong cõi chết và nhờ lời của Ngài trong Kinh thánh mà chúng ta có thể biết được sau sự chết có gì và sau sự chết thì người ta sẽ đi đâu. Sự việc Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đầu tiên sống lại đã được Kinh thánh xác nhận trong các câu gốc sau đây, và các câu gốc nầy cũng là lời làm chứng của Phao-lô cho cả người tin lẫn người chưa tin:

CÔ-LÔ-SE 1: 18 – Ấy cũng chính Ngài là Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhất từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng.

CÔNG VỤ 26: 22-23 – Song nhờ ơn Đức Chúa Trời bảo hộ, tôi còn sống cho đến ngày nay, làm chứng cho các kẻ lớn nhỏ, không nói chi khác hơn là điều các đấng tiên tri và Môi-se đã nói sẽ đến, tức là Đấng Christ phải chịu thương khó, và bởi sự sống lại trước nhất từ trong kẻ chết, phải rao truyền ánh sáng ra cho dân sự và người ngoại.

Chỉ có Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã từ cõi chết trở về thì mới có thể cho chúng ta biết được là có điều gì đằng sau cánh cửa cửa của sự chết. Vả lại, vì Ngài cũng là Đức Chúa Trời cho nên những điều mà Chúa có dạy dỗ trong Kinh thánh đều là trung thực và chính xác, và nhờ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể giải tỏa được sự thắc mắc của mình về một trong những câu hỏi quan trọng nhất của con người là Qua đời rồi thì sẽ đi đâu.

Nhưng trước hết thì chúng ta cần phải xem xét đến một số vấn đề có liên quan đến sự chết trước khi suy gẫm đến những bí ẩn trong cõi chết. Từ xưa đến nay thì các tôn giáo đều cho biết là thần tượng của họ đều có lời giải thích cho sự chết và thậm chí cũng đã có nhiều người từng tuyên bố rằng họ đã từng trãi qua kinh nghiệm của việc chết đi sống lại. Một vài người trong số họ còn viết sách để tường thuật về các kinh nghiệm đó một cách chi tiết và đã được nhiều người tin theo. Vì vậy mà chúng ta sẽ cùng nhau xem qua các lời dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh về sự chết để có thể thấy được rằng tất cả các lời tuyên bố của loài người về việc họ đã từng chết đi sống lại đều không đáng tin cậy.

Theo từ ngữ mà giới y khoa thường sử dụng, thì có nhiều người đã từng trãi qua sự chết lâm sàng, tức là sự ngừng hoạt động của cơ thể giống như tình trạng của người đã chết, nhưng chưa phải hoàn toàn là sự chết thực thụ, tức là việc linh hồn phải lìa khỏi xác và không trở lại nữa. Bởi lẽ đó mà trong nhiều trường hợp cấp cứu thì người ta đã có thể làm hồi sinh những người tưởng đã chết rồi và đó là một trong những lý do mà làm cho một số người tuyên bố rằng họ đã từng chết đi sống lại. Nhưng theo lời Kinh thánh thì sự chết thực thụ là việc linh hồn phải lìa khỏi xác và không trở lại nữa. Còn nếu linh hồn chưa thoát ra khỏi xác thì đó chưa phải là sự chết thực thụ. Những trường hợp như vậy là điều đã xãy ra trong thực tế hàng ngày và lời Kinh thánh cũng đã có đề cập đến trong Công vụ 20: 9-12.

CÔNG VỤ 20: 9-12 – Một gã tuổi trẻ tên là Ơ-tích, ngồi trên cửa sổ, ngủ gục trong khi Phao-lô giảng rất dài; và vì bị ngủ mê quá, nên từ tầng lầu thứ ba té xuống, lúc đỡ dậy đã thấy chết rồi. Nhưng Phao-lô bước xuống, nghiêng mình trên người, ôm lấy mà nói rằng: Chớ bối rối, linh hồn còn ở trong người. Phao-lô lại trở lên, bẻ bánh mà ăn, giảng luận lâu cho đến sáng mới đi. Còn gã tuổi trẻ người ta đem đi, thì được sống. Sự ấy làm cho mọi người đều được yên ủi lắm.

Trường hợp của người tuổi trẻ tên Ơ-tích kia là một thí dụ điển hình về sự chết lâm sàng, khi linh hồn chưa thoát ra khỏi xác. Còn về sự chết của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá thì đó là sự chết thực thụ theo như lời Kinh thánh đã mô tả trong Giăng 19: 30.

GIĂNG 19: 30 – Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.

Chính vì Đức Chúa Jêsus đã chết thực thụ trên thập tự giá nên khi lính La-mã dùng giáo đâm vào hông Ngài theo thói quen của họ lúc bấy giờ để thử xem các tử tội đã chết thật hay chưa, thì cơ thể Ngài không hề có phản ứng gì. Cách thức thử người chết tương tự như vậy đã thấy xãy ra suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, chẳng hạn như cách thức thủy táng của những người đi biển ngày xưa. Nếu trong vòng thủy thủ đoàn mà có người qua đời đang lúc thuyền của họ lênh đênh trên đại dương thì họ sẽ quấn xác người ấy vào trong vải cột buồm rồi may lại và quăng xác xuống biển. Điểm đáng chú ý là khi may lại thì đường kim cuối cùng sẽ phải đâm ngang qua lỗ mũi người đã chết để cho chắn chắn rằng người đó đã chết thật rồi. Còn nếu chưa chết hẳn, tức là linh hồn vẫn còn trong thân xác, thì cái xác ấy sẽ co giật vì đau và lúc đó thì người ta sẽ tìm cách để làm cho người đó hồi sinh lại.

Kinh thánh cho biết là sự sống chết của con người đều nằm trong tay của Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Phục truyền 32: 39.

PHỤC TRUYỀN 32: 39 – Bây giờ, hãy xem ta là Đức Chúa Trời, ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác. Ta khiến cho chết và cho sống lại, làm cho bị thương và chữa cho lành. Chẳng có ai giải cứu khỏi tay ta được.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa quyền năng và bởi đó mà Ngài nắm giữ sinh mạng của mọi loài, ngay cả sinh mạng của con người, nên nếu Ngài chưa cho phép thì người ta không thể chết được, ngay cả khi ma quỉ muốn giết chết người đó, như trong trường hợp của Gióp và đã được Kinh thánh mô tả lại trong Gióp 2: 4-6.

GIÓP 2: 4-6 – Sa-tan thưa lại với Đức Giê-hô-va rằng: Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ mạng sống người.

Vì Đức Chúa Trời không cho phép Sa-tan giết chết Gióp nên nó chỉ có thể hành hại ông bằng cách làm cho Gióp bị bệnh từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, nhưng chỉ tới đó rồi thôi, chớ nó không thể làm gì hơn được. Khi Cơ-đốc-nhân hiểu được nguyên tắc nầy thì sẽ có lòng bình an lớn trong Chúa, bởi vì nếu Chúa chưa cho phép thì sự sống của chúng ta vẫn còn được tiếp tục dài hạn ở trên đất và ma quỉ không làm gì được, cũng giống như lời phán của Đức Chúa Jêsus về đời sống của sứ đồ Giăng và đã được ghi lại trong Giăng 21: 20-22.

GIĂNG 21: 20-22 – Phi-e-rơ xây lại, thấy môn đồ mà Đức Chúa Jêsus yêu đến sau mình, tức là người đang bữa ăn tối, nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Lạy Chúa, ai là kẻ phản Chúa? Khi thấy người đó, Phi-e-rơ hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, còn người nầy, về sau sẽ ra thế nào? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ta muốn người cứ ở cho tới khi ta đến, thì can hệ gì với ngươi? Còn ngươi, hãy theo ta.

Qua lời phán của Đức Chúa Jêsus thì chúng ta có thể thấy rằng Ngài là Đấng có quyền ban cho con người cứ tiếp tục sống lâu bao lâu cũng được tùy theo ý muốn của Chúa. Bởi lẽ đó mà khi hiểu được rằng Đức Chúa Trời là Đấng cầm giữ sinh mạng của con người trong tay Ngài thì Cơ-đốc-nhân sẽ vui mừng và bình an lắm, vì nhận biết rằng chúng ta là những người may mắn nhất trong đời sống nầy, vì đã được làm con cái của Đấng toàn năng như vậy. Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là nhiều Cơ-đốc-nhân lại rất sợ bị xui xẻo nếu nghe người ta nói đến sự chết và thậm chí có người còn sợ ma nữa, cứ y như là bản tính của người chưa tin và những người thờ lạy thần tượng. Nếu Cơ-đốc-nhân thật lòng yêu mến Chúa và hiểu được rằng Ngài là Đấng quyết định sự sống chết của con người thì chúng ta đâu còn có điều gì nữa để sợ hãi trong trần gian nầy, ngoài việc sợ bị sa ngã, sợ phạm tội và làm buồn lòng Chúa. Nguyên nhân làm cho một số Cơ-đốc-nhân còn sợ ma và sợ xui khi nghe đến sự chết là vì các anh chị em ấy chưa có đức tin thật trong Chúa, chưa học hiểu lời Kinh thánh và chưa được dạy dỗ bởi lời của Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân phải hiểu rằng một trong những lý do chính yếu của việc đi nhà thờ là cần phải được nghe giảng dạy thật sự bằng lời của Chúa qua Đức-Thánh-Linh, chớ không phải là đến để nghe chuyện phiếm về ông nầy bà kia, hoặc là đến để nghe kiểu rao giảng bằng tư tưởng và lý lẽ của loài người.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng quyết định sự sống sự chết của con người và Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sống lại đầu tiên từ cõi chết cho nên bởi lời của Chúa mà chúng ta biết được sẽ có điều gì xãy ra khi con người rời khỏi đời sống nầy và lúc đó thì mỗi người sẽ đi về đâu. Theo như lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết thì sau khi qua đời rồi con người chỉ có hai chỗ để đi đến mà thôi, một chỗ được gọi là Ba-ra-đi và một chỗ được gọi là Âm phủ, hay nói một cách khác thì hai nơi đó được gọi là chỗ tạm giữ và tạm giam của những người đã qua đời. Theo như thực tế cho thấy thì nhiều Cơ-đốc-nhân vì không biết đến lẽ thật nầy nên cứ cho rằng sau khi qua đời thì con người sẽ lập tức được vào Thiên đàng hoặc là phải vào hỏa ngục. Họ nghĩ như vậy theo cách của những người chưa tin và của những người thờ lạy thần tượng. Nhưng lời của Chúa đã cho chúng ta biết về lẽ thật ấy là hoàn toàn khác hẳn với quan niệm của con người. Khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá thì Ngài có phán với một trong hai người tử tội cùng bị đóng đinh với Chúa là trong ngày hôm ấy thì ông sẽ được đến Ba-ra-đi cùng với Chúa, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong Lu-ca 23: 43.

LU-CA 23: 43 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.

Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải biết rằng nơi Ba-ra-đi đó không phải là Thiên đàng, vì mặc dầu Đức Chúa Jêsus đã đến đó sau khi Ngài chịu chết trên thập tự giá nhưng Chúa đã cho biết là Ngài chưa lên cùng Đức Chúa Trời, tức là chưa lên đến Đấng đang ngự trên Thiên đàng, như lời Đức Chúa Jêsus đã có phán với bà Ma-ri vào buổi sáng đầu tiên khi Ngài sống lại và được chép trong

GIĂNG 20: 17 – Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.

Thế thì theo như lời của Chúa thì Ba-ra-đi chỉ là nơi tạm giữ linh hồn của những người sẽ nhận được sự sống đời đời trong tương lai mà thôi, chớ không phải là Thiên đàng, bởi vì sau nầy thì họ còn phải sống lại trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, như lời Kinh thánh có chép trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 15-17.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 15-17 – Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: Chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống. Bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến, chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa. Như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

Theo ý nghĩa của các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể hiểu được rằng tất cả những người kính yêu Chúa mà đã qua đời trong những thời đại trước chúng ta đều sẽ được tạm giữ tại một nơi mà Đức Chúa Jêsus gọi là Ba-ra-đi. Chính vì vậy mà tại nơi đó đã có Áp-ra-ham, là tổ phụ đức tin của những người kính yêu Chúa, như lời Kinh thánh đã tường thuật lại trong Lu-ca 16: 22.

LU-CA 16: 22 – Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết, người ta đem chôn.

Vì Áp-ra-ham được xem là tổ phụ đức tin của những người kính yêu Chúa cho nên ông chắc chắn phải có mặt trong nơi Ba-ra-đi, là nơi mà Đức Chúa Jêsus Christ đã đến sau khi chịu chết trên thập tự giá. Vì vậy, qua các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng sau khi qua đời thì những người kính yêu Chúa chưa thể vào Thiên đàng được ngay bởi vì họ chưa kinh nghiệm sự sống lại. Chỉ khi nào Đức Chúa Jêsus tái lâm thì họ mới được sống lại trong ngày ấy mà thôi, rồi sau khi Chúa phán xét chung thẩm cả thế gian và phạt những kẻ tội lỗi gian ác vào trong hỏa ngục rồi thì tất cả con dân Chúa mới được vào Thiên đàng, như lời Kinh thánh đã có chép trong Ma-thi-ơ 25: 31-33 và câu 41, 46.

MA-THI-Ơ 25: 31-33, 41, 46 – Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra; để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả… Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó… Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.

Lời phán của Đức Chúa Jêsus về trình tự trong ngày phán xét cuối cùng hoàn toàn phù hợp với sự khải thị mà sứ đồ Giăng đã được Đức Chúa Trời cho thấy lúc bị giam trên đảo Bát-mô, như đã được ông ghi lại trong Khải huyền 20: 11-15 và Khải huyền 21: 1.

KHẢI HUYỀN 20: 11-15 và 21: 1 – Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên. Trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống. Những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên tên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa… Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa.

Theo nguyên tắc của Chúa thì nếu chưa có sự sống lại thì chưa được vào Thiên đàng của Ngài và bởi lẽ đó mà tất cả những người sẽ nhận được sự sống đời đời trong tương lai đều sẽ phải được tạm giữ tại Ba-ra-đi cho đến kỳ hạn Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Dầu là lời Kinh thánh đã rõ ràng như vậy nhưng vẫn có một số người, vì không hiểu được các lẽ thật nầy nên đã phủ nhận Ba-ra-đi là nơi chốn có thật trong cõi vô hình. Sự phủ nhận của họ đã dẫn dụ một số Cơ-đốc-nhân để tin theo quan điểm của con người hơn là tin vào sự chân thật của Kinh thánh. Đó là điều con dân Chúa phải thức tỉnh và cảnh giác. Chúng ta cần phải biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để cho những người kính yêu Chúa bị hoang mang về bất cứ điều gì trong cõi thuộc linh, nên đối với những thắc mắc về sự chết và cõi vô hình đời sau thì Chúa đều có câu trả lời và có sự giải thích rõ ràng trong Kinh thánh về Ba-ra-đi. Cũng bởi lẽ đó khi chúng ta biết rằng Ba-ra-đi là nơi tạm giữ linh hồn của những người có đức tin và kính yêu Chúa, thì Ngài cũng có một nơi để tạm giam linh hồn của những kẻ ác và người chưa tin để chờ cho đến ngày phán xét chung thẩm. Nơi đó được gọi là Âm-phủ như lời Kinh thánh đã được trưng dẫn khi nãy trong Khải huyền đoạn 22 và tôi xin được đọc lại câu 13 và 14.

KHẢI HUYỀN 22: 13-14 – Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng Âm-phủ không phải là hỏa ngục mà chỉ là nơi được dùng để tạm giam những linh hồn có tội cho đến ngày phán xét chung thẩm rồi sau đó họ mới thật sự bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Theo như nguyên tắc mà Đức Chúa Trời đã chỉ định mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì tất cả loài người đều phải được sống lại hoặc là để nhận phần thưởng đời đời hoặc là để chịu hình phạt đời đời, như lời Kinh thánh đã có chép trong Đa-ni-ên 12: 2.

ĐA-NI-ÊN 12: 2 – Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời.

Cũng theo lời Kinh thánh mà chúng ta đã suy gẫm qua thì những người kính yêu và vâng phục Đức Chúa Trời sẽ sống lại trước tiên để dự tiệc cưới Chiên Con khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm và sau đó sẽ đồng trị với Chúa trên mặt đất trong 1,000 năm bình an. Đến cuối những năm ấy thì mới có trận chiến cuối cùng và sự phán xét chung thẩm. Lúc bấy giờ thì những kẻ có tội mới được sống lại để chịu phán xét và nhận hình phạt đời đời. Bởi lẽ đó mà sau khi qua đời rồi thì tùy theo tấm lòng của mỗi người đối với Chúa mà người ta được ở tại Ba-ra-đi với Áp-ra-ham hay là phải nằm trong Âm phủ cho đến ngày phán xét.

Theo như điều mà chúng ta đã học qua thì vì linh hồn của con người là hơi thở sống của Đức Chúa Trời nên bởi lẽ đó mà linh hồn sẽ bất diệt, nghĩa là không bao giờ bị tiêu biến đi như lời rao giảng của một số người không hiểu lẽ thật, nhưng linh hồn của con người sẽ còn lại đời đời vì Đức Chúa Trời là Đấng đời đời. Chẳng những vậy thôi sự tồn tại đời đời của linh hồn sẽ được quyết định bởi việc người ta có kính yêu Chúa lúc còn đang sống trên trần gian hay không mà thôi. Bởi lẽ đó mà sự chết thứ nhất về phần thuộc thể chỉ được xem là một giấc ngủ dài, như lời Kinh thánh đã được trưng dẫn khi nãy trong Đa-ni-ên 12: 2 và như trong 1Cô-rinh-tô 15: 6:

1CÔ-RINH-TÔ 15: 6 – Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi.

Lời Kinh thánh cũng cho biết rằng một trong những nguyên nhân làm cho Hội thánh Cô-rinh-tô có nhiều kẻ đau ốm, tật nguyền và nhiều người qua đời sớm là vì họ đã không biết tôn trọng bữa tiệc thánh trong nhà của Chúa, như lời Kinh thánh đã được chép trong 1Cô-rinh-tô 11: 28-30.

1CÔ-RINH-TÔ 11: 28-30 – Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ.

Vì vậy, theo như lời của Chúa trong các câu Kinh thánh nầy thì bí quyết để cho Cơ-đốc-nhân được mạnh khỏe, tránh khỏi bệnh tật và được sống lâu ngày trên đất là việc biết tôn trọng tiệc thánh và tôn trọng thân thể của Chúa, chớ không phải là việc cố gắng tìm thầy thuốc giỏi để chữa bệnh mà trong khi đó lại bất kính với Chúa và xem thường việc dự tiệc thánh trong nhà của Ngài. Việc tôn trọng thân thể của Chúa và huyết của Ngài không chỉ liên quan đến việc tôn trọng thì giờ dự tiệc thánh mà còn được bày tỏ qua việc Cơ-đốc-nhân cần phải tránh xa tội lỗi và cố gắng sống xứng đáng để làm vinh hiển Chúa và tạo tiếng tốt cho Hội thánh, cho cộng đồng Cơ-đốc-nhân, tức là thân thể của Đấng Christ trong trần gian nầy, như lời Kinh thánh đã được trưng dẫn khi nãy trong Cô-lô-se 1: 18 và như trong Ê-phê-sô 5: 23.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 23 – Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh.

Như vậy thì việc kính yêu Chúa, biết tránh xa tội lỗi, biết sống một đời vâng phục Ngài và biết tạo tiếng tốt cho Hội thánh trong thế gian nầy đáng phải là mục tiêu hàng đầu của Cơ-đốc-nhân hầu cho khi còn đang sống thì con dân Chúa được mạnh khỏe, tránh được bệnh tật và được sống lâu ngày trên đất. Mục tiêu đó cũng là yếu tố quan trọng để giúp cho Cơ-đốc-nhân khi qua đời thì được có tấm lòng bình an vì biết điều gì đang chờ đợi mình đàng sau cánh cửa của sự chết. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết là sự qua đời như vậy là một phước lớn cho những người kính yêu Chúa và Phao-lô cũng nhận biết như vậy trong thư tín của ông viết cho Cơ-đốc-nhân tại thành Phi-líp như có chép trong Phi-líp 1: 20-21.

PHI-LÍP 1: 20-21 – Tôi có lòng trông cậy chắc chắn nầy, việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả, nhưng bao giờ cũng thế, tôi nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi. Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.

Nhưng có một thắc mắc mà tôi cũng muốn nhân tiện đây trình bày cùng với quý Hội thánh. Ấy là sau khi qua đời thì Đức Chúa Trời không cho phép bất cứ ai được trở lại trần gian, dầu là theo cách báo mộng mà những người thờ lạy thần tượng vẫn cho là có thật. Lời của Chúa đã xác định về nguyên tắc đi mà không trở lại đó của linh hồn như có chép trong Gióp 7: 9.

GIÓP 7: 9 – Mây tan ra và đi mất thể nào, kẻ xuống âm phủ không hề trở lên cũng thể ấy.

Trong câu Kinh thánh nầy thì chữ Âm phủ còn mang một ý nghĩa khác hơn là nơi tạm giam kẻ có tội. Tại đây thì chữ ấy có nghĩa là sự chết. Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ thì Đức Chúa Trời mới cho phép linh hồn của con người trở lại trần gian, như trong trường hợp linh hồn của Sa-mu-ên được trở lại để nói chuyện với Sau-lơ, như đã có chép trong 1Sa-mu-ên 28: 15.

1SA-MU-ÊN 28: 15 – Sa-mu-ên hỏi Sau-lơ rằng: Nhân sao ngươi quấy sự yên tịnh ta mà gọi ta lên? Sau-lơ đáp: Tôi bị hoạn nạn lớn; vì dân Phi-li-tin tranh chiến với tôi, và Đức Chúa Trời đã lìa khỏi tôi. Ngài không trả lời cho tôi, hoặc bởi các đấng tiên tri, hoặc bởi chiêm bao. Vậy, tôi đã vời ông lên, để ông bảo cho tôi biết điều tôi phải làm.

Các chữ Gọi ta lên mà Kinh thánh đã dùng ở đây là có ý nói đến việc Sa-mu-ên đang yên nghỉ trong giấc ngủ của ông để chờ cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Nhưng đây là vấn đề mà tôi sẽ xin được trình bày thêm trong phần thứ hai của Chủ đề nầy vào một dịp khác. Tại đây thì tôi chỉ đề cập đến câu chuyện nầy để giúp cho quý Hội thánh thấy rằng chữ Âm phủ được Kinh thánh dùng trong hai nghĩa chính yếu có hơi khác nhau: Một là tên gọi của nơi tạm giữ kẻ có tội sau khi qua đời và hai là muốn nói đến sự chết một cách tổng quát. Đặc điểm nầy thì chúng ta phải chú ý để khi suy gẫm về cõi vô hình để có thể phân biệt và hiểu được các lẽ thật một cách rõ ràng.

Bởi vì sự chết của thân thể nầy chỉ là một giấc ngủ dài mà thôi nên đang khi còn sống, nghĩa là còn thức giấc trong xác thịt thì Cơ-đốc-nhân phải cố hết sức kính yêu Chúa, tránh xa tội lỗi, tức là cố gắng đi trọn những bước cần thiết trên con đường theo Chúa, để một khi đến phiên mình nằm xuống mà tạm ngủ giấc rời xa trần gian nầy thì chúng ta có thể biết chắc rằng khi mở mắt thức dậy thì sẽ được sẳn sàng dự tiệc cưới Chiên Con trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng thêm sức cho Cơ-đốc-nhân để con dân Chúa có thể theo Ngài với lòng kính yêu một cách trọn vẹn suốt những tháng ngày trần gian nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời yêu thương luôn luôn gìn giữ bảo vệ con dân Chúa đang khi còn thức giấc trong xác thịt để Cơ-đốc-nhân có thể sửa soạn đầy đủ cho ngày được vào Thiên đàng trong tương lai. Và cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ sớm mau trở lại để nhiều người trong chúng ta không cần phải nếm trãi sự chết như những người khác trong thế gian. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *