ĐỨC CHÚA JÊSUS VÀ CÁC THÍ DỤ CỦA NGÀI

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 13: 24-30

Câu gốc: MA-THI-Ơ 13: 13 – Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong trần gian nầy không những để chịu chết đền tội cho nhân loại mà còn dùng thời gian của Ngài ở trên đất để dạy dỗ cho chúng ta nhiều điều về cõi vô hình và những yếu tố quan trọng khác trong đời sống đức tin, hầu cho Cơ-đốc-nhân có sự khôn ngoan thông sáng để hiểu biết về cuộc đời và biết thế nào để có thể sống đẹp lòng Chúa, để có thể làm sáng danh Ngài và làm chứng tốt cho người chưa tin. Thật ra thì sự dạy dỗ của Chúa không chỉ tóm gọn trong các sách Tin lành, nhưng vì Ngài chính là Đức Chúa Trời hiện thân thành người nên sự dạy dỗ của Chúa bao gồm trọn cả quyển Kinh thánh và rất thống nhất với nhau, không hề có một sự mâu thuẫn nào. Theo nguyên tắc chung thì vì cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn cho nên lẽ thật của Ngài đã được bày tỏ ra một cách trọn vẹn, đầy đủ và thống nhất từ đầu chí cuối, xuyên suốt từ Sáng thế ký đến Khải huyền. Bởi lẽ đó khi người ta thấy có chỗ nào mâu thuẫn trong lời của Chúa thì đó là do sự giải thích sai lầm của con người chớ không phải là bởi lời của Chúa không thống nhất với nhau. Từ xưa đến nay thì việc người ta giải thích một cách mâu thuẫn về lời của Chúa thì nhiều lắm, nhưng khi chúng ta cậy ơn của Chúa và được Đức-Thánh-Linh hướng dẫn thì sẽ không phạm phải những sai lầm như vậy. Bởi lẽ đó mà ngày hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về nội dung tổng quát của các thí dụ mà Đức Chúa Jêsus đã dùng để dạy dỗ đoàn dân đông ngày xưa hầu giúp đỡ cho việc tăng cường thêm niềm tin của chúng ta trong lời của Chúa và cũng để nhắc nhở đến việc Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận trong việc nghe người khác giải thích về lời của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh.

Chúng ta biết rằng khi Đức Chúa Jêsus giảng dạy cho các môn đồ và đoàn dân đông thì Ngài thường dùng nhiều thí dụ. Nguyên nhân mà Chúa đã dùng thí dụ thì cũng đã được chính Ngài bày tỏ ra cho các môn đồ, khi Chúa có phán điều đó và đã được ghi lại trong

MÁC 4: 11- Ngài phán rằng: Sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho các ngươi; nhưng về phần người ngoài, thì dùng cách thí dụ để dạy mọi sự.

Chỉ riêng ý tưởng trong câu gốc vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được hai lý do chính yếu mà Đức Chúa Jêsus đã dùng thí dụ để giảng dạy. Thứ nhất là vì Ngài muốn dùng thí dụ để bày tỏ sự mầu nhiệm của cõi vô hình, mà ở đây Ngài dùng từ ngữ là về nước Đức Chúa Trời. Vì cõi vô hình không thể thấy được bằng mắt thường nên Đức Chúa Jêsus đã phải dùng thí dụ của những điều mà con người có thể thấy được trong trần gian nầy để bày tỏ những sự sâu nhiệm về thế giới mà con người không thể thấy được. Còn lý do thứ hai là vì Ngài muốn dùng thí dụ để cho những kẻ không có đức tin hoặc chỉ có đức tin bề ngoài mà thôi không thể nào hiểu được, như lời giải thích của Chúa đã có ghi lại trong

MA-THI-Ơ 13: 13 – Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng, vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết.

Vì lúc bấy giờ các môn đồ của Chúa còn chưa có được đức tin mạnh mẽ nên đôi lúc chính họ cũng không hiểu được các thí dụ ấy một cách rõ ràng, vì thế mà Đức Chúa Jêsus phải giải thích riêng cho họ lúc đoàn dân đông đã rời đi, hoặc khi Chúa và các môn đồ đã vào trong nhà, như lời Kinh thánh đã có bày tỏ trong

MÁC 4: 34 – Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ; nhưng, khi ở riêng, Ngài cắt nghĩa hết cho môn đồ mình.

Các thí dụ mà Đức Chúa Jêsus đã dùng để giảng dạy thì có nhiều loại và không phải tất cả các thí dụ đều khó hiểu. Có một số thí dụ của Ngài thì đơn giản và trực tiếp, đến nỗi chính các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo cũng có thể hiểu ngay được lập tức là Ngài đang muốn nói về họ, vì vậy mà điều đó đã trở nên một trong những lý do chính yếu khiến họ muốn giết Đức Chúa Jêsus, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong

LU-CA 20: 19 – Chính giờ đó, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách giết Ngài, vì hiểu Ngài phán thí dụ ấy chỉ về mình; nhưng lại sợ dân chúng.

Điều đó cho thấy rằng không phải tất cả các thí dụ của Đức Chúa Jêsus đều ẩn bí và phải cần sự giải thích của Ngài hoặc của Đức-Thánh-Linh. Vì như chúng ta có thể thấy được qua câu gốc vừa trưng dẫn thì ngay cả người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, vốn là những kẻ bị Đức Chúa Jêsus gọi là giả hình, tức là những kẻ hoàn toàn không có Đức-Thánh-Linh thì vẫn có thể hiểu được ít nhiều một vài thí dụ mà Chúa đã phán. Nhưng khi Cơ-đốc-nhân được Đức-Thánh-Linh thăm viếng thì con dân của Chúa sẽ hiểu thấu đáo được những sự sâu nhiệm trong lời của Đức Chúa Trời, vì đó là điều mà Đức Chúa Jêsus đã khẳng định khi Ngài phán trước về sự giáng lâm của Đức-Thánh-Linh, như có chép trong

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Như điều mà tôi đã từng thưa trình với quý Hội thánh trước đây thì chữ mọi lẽ thật mà Kinh thánh đã dùng trong câu gốc nầy có ý nói là 100%, tức là việc hiểu lời của Chúa một cách hoàn toàn, bằng không thì Kinh thánh đã dùng chữ một vài lẽ thật hoặc một số lẽ thật chớ không dùng chữ mọi lẽ thật. Tất cả các bản Kinh thánh tiếng Anh cũng đều xác nhận cho chữ đó. Nhưng nếu con dân Chúa không chịu nhờ sự hướng dẫn của Đức-Thánh-Linh mà chỉ cậy vào khả năng và trí não của con người, thì chắc chắn sẽ có những lúc sự giải thích Kinh thánh của họ bị mâu thuẫn với lẽ thật của Chúa. Đã có rất nhiều trường hợp như vậy xãy ra từ thời các sứ đồ cho đến ngày nay, như lời của Phi-e-rơ đã tuyên bố trong

2PHI-E-RƠ 3: 16 – Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

Qua câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rằng sự dốt nát về thuộc linh và việc tin không quyết, có nghĩa là không tin nơi sự chân thật của Kinh thánh 100% đã dẫn đến việc người ta giải thích Kinh thánh một cách sai lạc và hậu quả của của nó sẽ là sự hư mất đời đời cho chính cá nhân người đó. Vì vậy để có thể hiểu được và giải thích Kinh thánh một cách chính xác và đúng đắn theo đường lối của Đức Chúa Trời thì con dân của Chúa phải tin nơi sự chân thật của Kinh thánh 100% từ đầu đến cuối. Đó là một trong những yếu tố bắt buộc phải có, không thể thiếu được. Sau nầy khi có dịp thì tôi sẽ cùng với quý Hội thánh suy gẫm lần lượt tất cả những thí dụ mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy để thấy được sự chân thật của các thí dụ ấy và sự thống nhất với các lẽ thật khác trong Kinh thánh là như thế nào. Nhưng hôm nay thì tôi chỉ xin được trình bày về nội dụng và ý nghĩa tổng quát của các thí dụ mà Đức Chúa Jêsus đã dùng để giảng dạy và đã có cho ghi lại trong Kinh thánh.

Theo lời tiên tri đã được báo trước từ thời vua Đa-vít thì khi Đức Chúa Jêsus đến trong trần gian để thi hành chức vụ cứu chuộc loài người của Ngài thì Chúa sẽ giảng dạy bằng những thí dụ, như lời Kinh thánh có chép trong

MA-THI-Ơ 13: 34-35 – Đức Chúa Jêsus lấy lời ví dụ mà phán những điều đó cùng đoàn dân. Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví dụ, để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri rằng: Ta sẽ mở miệng ra mà nói lời ví dụ, ta sẽ rao bảo những điều kín nhiệm từ khi dựng nên trời đất.

Trong hai câu gốc vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Jêsus đã dùng các thí dụ để bày tỏ cho chúng ta những sự mầu nhiệm kín dấu của sự tạo dựng nên trời đất mà con dân Chúa trước đây chưa từng biết. Và một điểm đặc biệt khác nữa mà 2 câu gốc nầy nhắc nhở chúng ta là các thí dụ mà Đức Chúa Jêsus đã dùng để dạy dỗ đều là có thật, chớ không phải là chuyện tưởng tượng như trong các câu chuyện ngụ ngôn hoặc thí dụ của loài người. Chnúg ta thấy rằng con người vì cớ có sự hiểu biết giới hạn nên có thể dùng những thí dụ không có thật hoặc chuyện tưởng tượng giống như chuyện cổ tích để nói về điều nầy điều kia, nhưng Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời hiện thân thành người, Ngài có sự khôn ngoan đời đời không gì so sánh được nên Ngài không cần phải dùng đến những chuyện tưởng tượng hoặc hư cấu để giảng dạy cho con người về lẽ thật của Đức Chúa Trời. Mặc dầu có một số các thí dụ hoặc sự giảng dạy của Ngài mang ý nghĩa hình bóng, nhưng đều là lẽ thật, là chân lý đời đời không thay đổi và không phải là chuyện tưởng tượng nên mà có. Bởi lẽ đó mà trong những phần Kinh thánh kế sau trong đoạn 13 của sách Tin lành Ma-thi-ơ thì Đức Chúa Jêsus đã kể thí dụ về lúa mì và cỏ lùng, là hai thứ cây có hình dạng giống nhau nhưng phẩm chất lại khác nhau để cho Cơ-đốc-nhân có thể nhờ đó hiểu được vì sao mà khoa học đã khám phá ra loại người tiền sử giống con khỉ hơn con người, như lời của Chúa đã được ghi lại trong

MA-THI-Ơ 13: 27-28 – Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng?

Qua hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng hai loại cây đó rất giống nhau, giống đến nỗi mà ngay cả các thiên sứ, tức là các đầy tớ và con gặt theo như trong thí dụ của Đức Chúa Jêsus, vẫn không thể nhận diện và phân biệt ra hết một cách hoàn toàn, và vì vậy mà Đức Chúa Trời không muốn họ nhổ lộn lúa mì lẫn với cỏ lùng. Dầu vậy bản tánh của cả hai giống đều có thể nhận biết được bởi sự soi sáng của Chúa. Chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết lúa mì là dòng dõi mà Đức Chúa Trời đã tạo nên, còn cỏ lùng là dòng dõi của ma quỉ. Điều đó là một thực tế chớ không phải là hình bóng của một chuyện ngụ ngôn do tưởng tượng mà có. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng người Pha-ri si là con cái của ma quỉ, như lời của Chúa đã được ghi lại trong

MA-THI-Ơ 23: 33 – Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?

Lời phán của Đức Chúa Jêsus trong câu gốc vừa được trưng dẫn đã cho thấy rằng sự hình phạt đời đời dành cho những người Pha-ri-si là chắc chắn, cũng như sự hình phạt dành cho ma quỉ là chắc chắn. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải để ý đến các chữ dòng dõi rắn lục khi Đức Chúa Jêsus gọi người Pha-ri-si. Chữ nầy hoàn toàn khác với chữ bị quỉ ám. Chúng ta có thể nhớ lại rằng mặc dầu người đàn bà trong Lu-ca đoạn 13 đã bị quỉ ám làm còng lưng suốt 18 năm, nhưng Đức Chúa Jêsus lại không gọi bà là dòng dõi của ma quỉ mà lại cho biết rằng bà là dòng dõi của Áp-ra-ham đã bị ma quỉ cầm buộc, như lời Kinh thánh có chép trong

LU-CA 13: 16 – Con gái của Áp-ra-ham nầy, quỉ Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, há chẳng nên mở trói cho nó trong ngày Sa-bát sao?

Thêm nữa, chúng ta đều nhớ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Nhân Từ hay thương xót nên Ngài thường cứu giúp những người bị quỉ ám bằng cách đuổi ma quỉ ra khỏi họ. Nhưng khi Đức Chúa Jêsus gọi những người Pha-ri-si là dòng dõi của ma quỉ thì Ngài lại không hề làm một phép lạ đuổi quỉ nào đối với họ. Ấy là vì họ là giống cỏ lùng do Sa-tan tạo ra, và chính Đức Chúa Jêsus đã xác nhận rằng họ là con cái của ma quỉ, như lời của Chúa đã có ghi lại trong

GIĂNG 8: 44 – Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.

Lời phán của Đức Chúa Jêsus cho chúng ta thấy rõ ràng rằng những người Pha-ri-si là do ma quỉ mà sanh ra, tức là được tạo nên bởi Sa-tan, chớ không phải là họ bị quỉ ám. Vì vậy chúng ta có thể thấy được sự khác biệt rõ ràng giữa những chữ bị quỉ ám và dòng dõi rắn lục, tức là những kẻ do ma quỉ sanh ra. Đó là lý do mà vì sao các nhà khảo cổ học đã khám phá ra được loại người tiền sử giống khỉ hơn giống người và sau thời gian dài tiến hóa thì đang sống lẫn lộn với con người mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng cho đến ngày hôm nay. Chúng ta cần nhớ lại rằng dòng dõi của A-đam và của Áp-ra-ham đã có sự cưới gã lẫn lộn với dân ngoại bang và những kẻ thờ lạy thần tượng từ hàng ngàn thế hệ trước, và điều đó đã được Đức Chúa Jêsus bày tỏ trong thí dụ của Ngài về lúa mì và cỏ lùng, rằng hai giống ấy sống lẫn lộn với nhau ở giữa thế gian và ngay cả trong vòng tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Sự lẫn lộn như vậy giữa hai loài giống nhau ở hình dạng bên ngoài mà khác nhau về tánh chất ở bên trong thì rất khó phân biệt, khó đến nỗi các thiên sứ cũng có thể bị lầm lẫn. Điều nầy thì tôi đã có đề cập đến trong bài giảng với Chủ đề Xuất Xứ và Sự Phản Nghịch Của Ma Quỉ mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua mấy tuần trước.

Vì Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời nên không hề có bất cứ sự mâu thuẫn nào và nhờ đó mà chúng ta có thể hiểu được lịch sử của Trái đất và của con người. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa không những giải bày cho chúng ta về những bí ẩn của quá khứ mà còn báo trước cho chúng ta biết về những sự mầu nhiệm trong tương lai, chẳng hạn như về Thiên đàng và về cõi vô hình. Nhưng có một số người, vì không nắm vững được các lẽ thật trong Kinh thánh nên cho rằng một số các thí dụ và lời giảng của Đức Chúa Jêsus chỉ là chuyện ngụ ngôn tưởng tượng ra chớ không phải là chuyện có thật và thậm chí họ còn nói thêm rằng là Cơ-đốc-nhân không cần phải tin hết hoặc làm theo những lời của Chúa đã phán, nhất là các thí dụ của Ngài. Họ đã đơn cử ra trường hợp của La-xa-rơ được ở trong Pa-ra-đi với Áp-ra-ham như là một bằng chứng về việc Đức Chúa Jêsus giảng dạy về những điều không có thật và thậm chí còn dùng lời của Đức Chúa Jêsus đã phán về việc chặt tay hoặc móc mắt mỗi một khi phạm tội để nói rằng không nhất thiết phải tin theo hết những lời dạy dỗ của Chúa hoặc không nhất thiết phải làm theo tất cả những điều mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy.

Những lời như thế rất nguy hiểm và tai hại cho đức tin của Cơ-đốc-nhân, và con dân Chúa phải hết sức cẩn thận để tránh xa những cách giải thích Kinh thánh như vậy để khỏi bị dẫn dụ mà đi tẻ tách khỏi lẽ thật của Đức Chúa Trời. Tôi xin được giải thích thêm để quý Hội thánh có thể hiểu được lý do tại sao mà tôi đã nói như vậy: Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Jêsus chính là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, như có chép trong

GIĂNG 1: 14 – Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.

Chữ Ngôi Lời trong câu Kinh thánh vừa trưng dẫn có ý nói đến Đức Chúa Jêsus là lời nói của Đức Chúa Trời, vì vì tôn trọng Ngài mà Kinh thánh đã dùng chữ Ngôi Lời. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thật, vì vậy mà lời của Ngài cũng là lời chân thật. Bởi lẽ đó mà Kinh thánh mới cho biết rằng Đức Chúa Jêsus, tức là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, đã trở nên xác thịt, đầy ơn lẽ thật, và chính Ngài cũng đã xác nhận thuộc tánh của Ngài như vậy, như đã được chép trong

GIĂNG 14: 6 – Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.

Thế thì khi Đức Chúa Jêsus giảng dạy, thì những lời của Ngài chắn chắn phải là lẽ thật và trung thực 100%, tức là có thật hoàn toàn, kể cả những thí dụ mà Chúa đã phán. Chúng ta thử suy nghĩ mà xem, nếu tuyên bố như những người kia rằng một số các thí dụ của Đức Chúa Jêsus chỉ là chuyện ngụ ngôn do tưởng tượng mà ra, chớ không có thật, thì chẳng lẽ Đức Chúa Jêsus dùng chuyện không có để giảng dạy lẽ thật cho con cái Ngài? Chúa là Đấng Khôn Ngoan đời đời thì chẳng lẽ Ngài không thể dùng cách nào khác hơn để giải bày lẽ thật trong Kinh thánh, mà phải dựng đứng chuyện, chuyện không nói có, chuyện có nói không để giảng dạy cho các môn đồ và đoàn dân đông, và cũng để dạy dỗ chúng ta ngày hôm nay về chân lý đời đời của Đấng Tạo Hóa? Chính Đức Chúa Jêsus đã phán dạy Cơ-đốc-nhân phải trung thực trong lời nói, thì chẳng lẽ chính Chúa lại nói chuyện không thành có hoặc đặt ra chuyện hư cấu để giảng dạy lẽ thật cho con cái Ngài? Chúng ta có thể đọc trong sách Tin lành Ma-thi-ơ để nhớ lại lời của Chúa đã phán về sự ngay thẳng và chân thật trong lời nói, như đã có ghi lại trong

MA-THI-Ơ 5: 37 – Song ngươi phải nói rằng: Phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra.

Như vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng khi Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ con dân Ngài rằng điều nào có thì nói có, còn điều nào không thì nói không, thì chẳng lẽ Chúa lại dựng đứng chuyện, chuyện không nói có, chuyện có nói không để làm thí dụ mà giảng dạy chân lý và lẽ thật của Đức Chúa Trời? Nếu Áp-ra-ham và La-xa-rơ không thật sự đang ở trong Pa-ra-đi thì tại sao Đức Chúa Jêsus lại lấy chuyện không mà nói thành có? Nếu những người ở Pa-ra-đi và Âm phủ không thể nói chuyện được với nhau theo như cách mà những kẻ kia đã giải thích lời Kinh thánh thì chẳng lẽ Đức Chúa Jêsus lại dựng đứng chuyện để nói chuyện không thành có mà dạy dỗ con người về cõi đời sau, và chẳng lẽ Đức-Thánh-Linh soi dẫn trước giả của các sách Tin lành để nói chuyện không thành có, dựng đứng chuyện để viết các sách Tin Lành? Những người cho rằng một số các thí dụ của Đức Chúa Jêsus và lời dạy dỗ của Ngài về La-xa-rơ và người giàu là những chuyện không có thật, thì họ là những kẻ đã dùng trí não hạn hẹp của con người để gìải thích một cách mâu thuẫn các lời của Chúa trong Kinh thánh. Vả lại, lời của Chúa đã dạy dỗ Cơ-đốc-nhân rằng chớ có giả ngộ tầm phào, nghĩa là chớ có nói chơi và chớ có nói những điều không đúng với sự thật, thì chẳng lẽ Đức Chúa Jêsus lại phạm đến điều mà chính Ngài đã dạy dỗ người khác? Vậy mà những kẻ kia lại cho rằng Đấng Chân Thật giảng dạy những thí dụ không có thật, chỉ là chuyện tưởng tượng mà thôi, giống như câu chuyện La-xa-rơ được để vào lòng Áp-ra-ham sau khi qua đời. Chúng ta đọc lại mạng lệnh của Chúa trong Ê-phê-sô thì sẽ thấy được sự dạy dỗ của Chúa về việc phải nói lời chân thật, chớ không được nói chơi, không được nói cà rỡn hoặc nói chuyện giả ngộ tầm phào, tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có, như đã có chép trong

Ê-PHÊ-SÔ 5: 4 – Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.

Rõ ràng là lời của Chúa đã cho biết là việc nói giả ngộ tầm phào, nghĩa là chuyện có nói không, chuyện không nói có là điều không đáng cho Cơ-đốc-nhân thực hiện, vậy mà những kẻ kia thì lại cho rằng Đức Chúa Jêsus lấy chuyện không có để làm thí dụ mà dạy dỗ con dân Chúa. Giải thích Kinh thánh như vậy tai hại cho đức tin của Cơ-đốc-nhân biết là dường nào.

Đã vậy họ còn lấy việc Đức Chúa Jêsus bảo phải móc mắt hoặc chặt tay mỗi một khi phạm tội để minh chứng rằng lời của Chúa không nhất thiết phải tin hoàn toàn hoặc làm theo. Những người đó đã dùng sự thiếu hiểu biết lẽ thật của họ, hoặc vì kiêu ngạo về tư tưởng cá nhân mà giải thích như vậy với các Cơ-đốc-nhân khác, vì rõ ràng là khi Chúa phán những lời ấy thì Ngài đang dùng loại văn thể nhấn mạnh để cho thấy sự nghiêm trọng của việc phạm tội, giữa việc mất một phần thân thể so với việc bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Còn khi Đức Chúa Jêsus giảng dạy bằng thí dụ thì đó là một loại văn thể khác, chủ yếu là để cho những người không có đức tin không thể nào thể hiểu được. Một bên là loại văn thể nhấn mạnh để cho mọi người có thể hiểu được, còn một bên là loại văn thể thí dụ chỉ dành riêng cho người có đức tin. Vậy mà những người kia vẫn có thể đem ra để so sánh và giải thích Kinh thánh cho con dân Chúa một cách sai lầm như vậy.

Chúng ta cùng đọc lại lời phán của Đức Chúa Jêsus về sự nghiêm trọng của việc phạm tội thì sẽ thấy rõ ràng hơn về loại văn thể mà Ngài đã sử dụng, như có chép trong

MA-THI-Ơ 5: 28-30 – Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi. Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể vào địa ngục.

Chữ thà mà Đức Chúa Jêsus đã phán trong những câu gốc vừa được trưng dẫn là dạng văn thể dùng sự so sánh để nhấn mạnh đến ý tưởng chính trong lời phán dạy của Ngài về sự nghiêm trọng của việc phạm tội. Hễ là người Việt Nam thì chắc chắn là chúng ta đều có thể hiểu được ý nghĩa của chữ thà. Ngoài ra như trong ba câu Kinh thánh mà chúng ta vừa đọc qua thì Kinh thánh cũng đã có ghi rõ ràng về lời của Đức Chúa Jêsus phán một cách nhấn mạnh bằng các chữ Song ta phán cho các ngươi biết. Chữ phán ở đây có nghĩa là công bố, chớ không phải là Chúa đang kể một thí dụ. Và ý của Chúa là muốn cho họ biết sự nghiêm trọng của việc phạm tội là như thế nào. Còn trong các thí dụ thì Chúa kể những điều ấy để họ không biết, như lời Kinh thánh đã xác nhận trong

MÁC 4: 11 – Ngài phán rằng: Sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho các ngươi; nhưng về phần người ngoài, thì dùng cách thí dụ để dạy mọi sự.

Qua các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Jêsus dùng thí dụ để cho những kẻ chẳng tin không thể hiểu được về sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời, nhưng khi Ngài phán về tội lỗi thì Ngài không dùng thí dụ nhưng lại phán một cách thực tế và nhấn mạnh hầu cho mọi người đều có thể hiểu được là sự phạm tội nghiêm trọng như thế nào, nghiêm trọng còn hơn là việc bị chặt tay, chặt chân và bị móc mắc nữa. Chữ thà không phải là một mạng lệnh mà là một lời so sánh để nhấn mạnh. Vì loài người cứ phạm tội thoải mái mà không hề nghĩ đến sự nguy hiểm của nó đối với linh hồn và cõi đời đời là nghiêm trọng như thế nào nên Đức Chúa Jêsus đã phải nhấn mạnh như vậy, vì quả thật một người tàn tật mà được sự sống đời đời còn hơn là kẻ lành lặn chân tay mà phải bị hình khổ đời đời. Thế mà những kẻ kia vì không hiểu biết lẽ thật trong Kinh thánh mà đã hạ thấp giá trị chân thật trong lời giảng dạy của Đức Chúa Jêsus cách như vậy. Chẳng những thế thôi họ lại còn chê bai những Cơ-đốc-nhân của các hệ phái khác là không có học Kinh thánh và không hiểu Kinh thánh giống như họ.

Tại đây tôi không muốn nhắc đến tên và hệ phái của những người ấy, vì không muốn niềm tin trong Chúa bị phân rẽ ra thêm nữa. Nhưng tôi chỉ muốn dùng cơ hội ngày hôm nay để nhắc nhở với con dân Chúa rằng mình phải cẩn thận về những điều đã nghe. Bất cứ khi nào có người nói rằng lời Kinh thánh không nên tin cậy hoàn toàn thì quý anh chị em phải cẩn thận, nhất là khi có người nói rằng lời của Chúa có sự mâu thuẫn. Đức Chúa Trời là Đấng Quyền Năng và Ngài đã giữ cho lời của Ngài được trung thực và thống nhất từ Sáng thế ký đến Khải huyền. Sự đúng đắn và trung thực là lẽ thật nằm xuyên suốt cả quyển Kinh thánh, chớ không phải là tùy theo bản dịch nầy hay bản dịch kia. Đối với tôi thì tất cả những người thật lòng tin Chúa đều là anh chị em của tôi trong đại gia đình của Đấng Christ, bởi vì vậy mà tôi không bao giờ dùng chữ quý vị để gọi các anh chị em của mình trong đức tin. Nhưng tôi không thể nào nín lặng được khi thấy có người, vì quan điểm riêng và sự kiêu hãnh về khả năng cá nhân lại giải thích Kinh thánh cách như vậy, trực tiếp hạ thấp giá trị lời của Cha Toàn Năng chúng ta. Lời của Chúa đã nhắc nhở rằng con dân của Chúa phải tin cậy nơi lời của Ngài 100% thì mới có thể hiểu được sự mầu nhiệm trong Kinh thánh, bằng không thì sẽ bị sai lạc và sẽ rất nguy hiểm cho linh hồn của chính cá nhân người đó, như lời Kinh thánh mà tôi đã có trưng dẫn khi nãy trong 2Phi-e-rơ 3: 16, và tôi xin được đọc lại tại đây để chúng ta có thể ghi nhớ

2PHI-E-RƠ 3: 16 – Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

Qua câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì quý Hội thánh đã có thể thấy rằng sự tin không quyết sẽ làm người ta giải thích một cách sai lầm các ý nghĩa trong lời của Chúa và ảnh hưởng đến sự cứu rỗi của chính cá nhân người đó. Vì vậy mà chúng ta là con dân của Chúa phải tin nơi lời của Đức Chúa Trời 100% chớ không phải là tin 99% và có 1% nghi ngờ. Dẫu chỉ là 1% nghi ngờ cũng không được. Và đó là một trong những bí quyết quan trọng để có thể hiểu được lời của Chúa một cách chính xác. Nếu đặt câu hỏi rằng Cơ-đốc-nhân có tin nơi lời Kinh thánh hay không thì tất cả con dân Chúa đều nói rằng mình tin, nhưng mức độ bao nhiêu phần trăm thì có khác nhau. Và đó là lý do mà chúng ta có quá nhiều hệ phái Tin Lành, có quá nhiều cách thức giải nghĩa Kinh thánh và cũng là lý do mà nhiều Cơ-đốc-nhân trẻ sau nầy bị hoang mang, không biết là tin vào Kinh thánh hay tin vào thuyết tiến hóa của người thế gian, rồi từ đó dẫn đến việc bắt đầu hồ nghi Kinh thánh, dầu là không nhiều, nhưng vẫn có những ảnh hưởng rất tai hại cho linh hồn.

Bởi vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta phải nhận biết rằng tất cả các thí dụ mà Đức Chúa Jêsus đã dùng để đạy dỗ đoàn dân đông thuở xưa đều là chân thật, và những sự kiện hoặc con người được đề cập đến trong các thí dụ đó đều có thật, không một điều nào dối hay là tưởng tượng nên mà ra. Nhờ nhận biết như vậy thì chúng ta sẽ thấu hiểu được những sự sâu nhiệm mà Đức Chúa Trời đã che khuất với người khác nhưng lại tỏ bày đầy đủ và rõ ràng cho con dân Ngài trong thời kỳ sau rốt nầy, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong

ĐA-NI-ÊN 12: 9 – Người trả lời rằng: Hỡi Đa-ni-ên, hãy đi; bởi vì những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối cùng.

Theo như câu Kinh thánh mà chúng ta vừa đọc qua thì sự mầu nhiệm về nước Đức Chúa Trời đã được đóng ấn cho đến kỳ cuối cùng, lúc bấy giờ thì ấn ấy sẽ được mở và con dân Chúa sẽ bắt đầu hiểu được các sự mầu nhiệm mà đã ẩn dấu khỏi loài người trong các thời kỳ trước chúng ta. Vì vậy khi chúng ta đã nhận biết rằng ngày tái lâm của Đức Chúa Jêsus gần lắm rồi, theo như điều mà tôi đã thưa trình cùng với quý Hội thánh qua các bài giảng với Chủ đề Khi nào Đức Chúa Jêsus trở lại, thì việc chúng ta chú ý đến các thí dụ của Chúa đã dạy dỗ là điều đáng nên làm và tôi tin rằng Đức-Thánh-Linh sẽ giải bày rõ ràng cho con dân Chúa khi chúng ta biết hết lòng tin cậy Ngài và tin nơi sự chân thật của Kinh thánh 100%.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời ban thêm cho con dân Chúa đức tin để Cơ-đốc-nhân có thể dẹp bỏ hết mọi nghi ngờ về lời của Chúa hầu có thể nhờ đó mà được soi sáng càng hơn bởi Đức-Thánh-Linh. Cầu xin Đức Chúa Trời cảm động lòng con dân Chúa để chúng ta sau khi đã hiểu được lời của Chúa thì có lòng vâng phục để làm theo một cách trọn vẹn. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng và giải bày lẽ thật cho con cái Ngài được hiểu biết càng hơn cho đến khi Đức Chúa Jêsus trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *