ÐỨC CHÚA JÊSUS CHỮA BỆNH BẠI 1
Trong Kinh thánh có ghi lại câu chuyện Đức Chúa Jêsus chữa lành cho người đầy tớ của một đội trưởng thuộc trong quân đội La-mã. Câu chuyện nầy được ghi lại trong hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca, nhưng về phần chi tiết thì có nhiều điểm khác biệt. Đây không phải là sự mâu thuẫn trong Kinh thánh, nhưng chỉ là sự khác biệt trong cách tường thuật của trước giả mà thôi. Trong một dịp khác chúng tôi sẽ giải thích về vấn đề ấy, nhưng trong bài viết nầy chúng tôi chỉ muốn trình bày về những ý tưởng của Kinh thánh được bày tỏ qua sự tường thuật của Ma-thi-ơ đã được chép ở đoạn 8: 5-13 trong sách của ông.
Lời Kinh thánh cho biết rằng câu chuyện nầy xãy ra tại trong thành Ca-bê-na-um. Người đội trưởng La-mã đến gặp Chúa và xin Ngài chữa lành bệnh cho người đầy tớ đang nằm tại nhà (Trong sách Tin lành của Lu-ca thì ông ghi lại là người đội trưởng nhờ bạn bè đến gặp Đức Chúa Jêsus).
Điểm đầu tiên mà chúng ta để ý về người đội trưởng ấy là ông ta có lòng từ tâm đối với người đầy tớ của mình. Thông thường thì những người chủ giàu có không quan tâm gì đến hiện trạng của một đứa đầy tớ, miễn sao là nó mạnh khỏe để làm việc và phục vụ cho họ. Nhưng trong lời của người đội trưởng thưa với Đức Chúa Jêsus thì không những ông ta quan tâm đến căn bệnh của người đầy tớ mà còn mô tả cả nỗi đau của người ấy nữa. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng sự cách biệt giữa thân phận chủ và tớ chỉ có trên mặt thực tế nhưng không ngăn cản được mối quan tâm mật thiết giữa họ với nhau.
Đây là một trong những bài học thuộc linh mà chúng ta tìm thấy được trong câu chuyện nầy. Thông thường trong đời sống thì người ta rất quan trọng đến vấn đề bằng vai phải lứa, tức là có thân thế ngang hàng nhau. Ngay cả trong hôn nhân người ta cũng rất để ý đến vấn đề môn đăng hộ đối. Chính vì vậy mà trong xã hội thường có giai cấp và có sự bất đồng giữa những người ở những địa vị khác nhau trong xã hội. Ngay cả trong Hội thánh của Chúa cũng còn có sự phân biệt giai cấp. Trong một số Hội thánh thì những người giàu ít khi quan hệ với những người nghèo hơn họ, chắc có lẽ sợ những anh chị em ấy nhờ cậy họ trong những lúc khó khăn, túng thiếu. Chẳng những thế thôi, chúng tôi còn biết được một số trường hợp mà trong đó những người có học thức khinh dễ những anh chị em cùng đức tin có học vấn thấp hơn. Thậm chí chúng tôi còn biết có những trường hợp xãy ra tại Việt Nam mà vào ngày đầu năm mới Âm lịch, một số mục sư quản nhiệm Hội thánh cố tình sắp xếp các đội thăm viếng để làm thế nào họ chỉ đi thăm những gia đình giàu có thế lực trong Hội thánh mà thôi, còn các gia đình nghèo khó thì để cho các đội khác thăm viếng. Có một lần chúng tôi tận mắt chứng kiến được cảnh của một mục sư và ban trị sự của một Hội thánh kia đến làm lễ cầu nguyện cho đám tang của một gia đình con cái Chúa nghèo khó. Vừa làm xong lễ là đi thẳng ra về lập tức, ly nước của chủ nhà mời cũng không thèm uống. Những tình trạng như vậy thật không nên có trong Hội thánh của Chúa. Cơ-đốc nhân ngày nay nhiều khi đáng phải hổ thẹn khi so sánh với tâm tình của người đội trưởng La-mã ngày xưa.
Điểm thứ hai mà chúng ta có thể nhận thấy được nơi người đội trưởng La-mã là sự khiêm nhường của ông trước mặt Chúa. Sau khi ông bày tỏ ước muốn được Chúa ban phước để chữa lành căn bệnh cho người đầy tớ và được Đức Chúa Jêsus đồng ý để đi đến tận nơi, chỗ người đầy tớ đang nằm, thì người đội trưởng thưa với Chúa rằng nhà của ông không xứng đáng để đón tiếp Chúa.
Theo từ ngữ trong Kinh thánh thì người đội trưởng nầy là người đứng đầu một đơn vị có 100 lính. Như vậy thì ông ta phải là một người có địa vị (dầu rằng không cao lắm) trong quân đội La-mã. Lại nữa, ông là người có tiền bạc đủ để mướn (hoặc mua) đầy tớ về làm việc trong nhà. Như vậy thì căn nhà của ông không phải là nhỏ hẹp, cũng không phải là căn nhà bẩn chật, vì nếu như thế thì cần mướn đầy tớ là chi? Nhưng đối với Chúa thì ông tự xem là căn nhà của mình không đủ xứng đáng để đón rước một Đấng đáng tôn trọng như Đức Chúa Jêsus.
Tấm lòng nhu mì khiêm nhường là điều đẹp lòng Chúa, như đã nhiều lần được chép trong Kinh thánh:
(Mi-chê 6: 8) Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?
Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng người đội trưởng nầy, vì có tấm lòng yêu thương chân thật đối với kẻ chẳng bằng vai phải lứa với mình, nên nhờ đó cũng có được sự nhu mì trong cách ứng xử, vì điều đó là kết quả chắc chắn phải nảy sinh:
(1Cô-rinh-tô 13: 4) Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.
Điểm thứ ba mà chúng ta có thể nhận thấy được nơi người đội trưởng La-mã và cũng bởi cớ ấy mà ông được Đức Chúa Jêsus khen ngợi một cách đặc biệt khi so sánh với đức tin của dân Y-sơ-ra-ên, đó là việc ông có một đức tin mạnh mẽ và đúng đắn nơi quyền năng của Chúa. Ông nhận biết Đức Chúa Jêsus là Đấng đến từ Đức Chúa Trời nên ông thưa với Ngài rằng Chúa chỉ cần phán một lời thì người đầy tớ sẽ được lành, cũng giống như từ ban đầu Đức Chúa Trời chỉ dùng lời phán của Ngài mà tạo thành vũ trụ và mọi loài, mọi vật.