ĐỨC CHÚA JÊSUS ĐÃ GIÁNG SINH KHI NÀO?

ĐỨC CHÚA JÊSUS ĐÃ GIÁNG SINH KHI NÀO?

Kinh thánh: Lu-ca 2: 1-14

Câu gốc: LU-CA 2: 8 – Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên.

Trong thời đại thông tin vượt bậc ngày hôm nay thì có nhiều người đã thắc mắc rằng không biết là Đức Chúa Trời đã giáng sinh một cách chính xác vào ngày nào năm nào. Sự thắc mắc như vậy không phải là của người chưa tin, mà là của nhiều Cơ-đốc-nhân. Tất cả con dân Chúa đều tin rằng sự giáng sanh của Đức Chúa Jêsus là thật, nhưng cũng muốn biết là Chúa đã giáng sinh khi nào, vì trong Kinh thánh không có ghi lại chính xác ngày đó. Ngoài ra thì cũng có nhiều người biết rằng ngày giáng sinh mà chúng ta có hiện nay là do Giáo hội Công giáo đã lựa chọn từ năm 354 dựa vào ngày Đông chí và lễ hội thờ lạy thần mặt trời của người ngoại chớ không phải là căn cứ hoàn toàn vào lời Kinh thánh. Bởi lẽ đó mà ngày hôm nay đã có một vài phong trào đòi tẩy chay ngày giáng sinh, tức là đêm 24 tháng Chạp và ngày 25, để chọn một ngày khác mà thế vào. Thậm chí còn có người đi xa hơn vậy nữa mà kết án rằng nếu Cơ-đốc-nhân cứ mừng Chúa giáng sinh vào đêm 24 tháng Mười Hai thì sẽ bị kể như là đang thờ lạy thần tượng. Vì vậy trước ngày lễ giáng sinh tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm qua về vấn đề nầy để được tỏ tường hơn hầu trong tương lai khi có người nào thắc mắc thì chúng ta có thể giải thích cho họ hiểu.

Chúng ta có Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai mỗi năm là do kế hoạch của giáo hội Công giáo vào năm 354 sau Công nguyên, khi họ muốn xóa bỏ truyền thống cúng bái thần mặt trời của các dân tộc vùng châu Âu vào ngày Ðông chí, tức là từ ngày 20 cho đến 22 tháng Chạp. Theo như cách tính lịch dựa vào thiên nhiên của nhân loại từ những thời kỳ rất xa xưa thì ngày Đông chí là ngày mà có thời gian mặt trời soi sáng mặt đất ngắn nhất trong năm, và ở tại vùng Bắc bán cầu thì thường xãy ra vào ngày 21 hoặc 22 tháng Chạp, nhưng theo lịch xưa của người La-mã thì ngày Đông chí xãy ra vào ngày 25 tháng Mười Hai. Đó là ngày mà các dân tộc dã man vùng Bắc Âu dùng làm ngày lễ tế thần mặt trời vì cảnh tượng mặt trời lại hiện ra sau một ngày ngắn nhất trong năm và họ cho đó là biểu tượng của sự tái sanh. Cho đến thế kỷ 21 nầy thì ngày hội Đông chí vẫn còn được tổ chức tại một số nơi trên thế giới như tại Anh quốc, tại các nước vùng Bắc Âu, tại Iran, Iraq, tại Ấn độ và một số nước khác thuộc vùng Địa trung hải. Riêng về lý do tại sao phải chọn ngày Đông chí làm ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus thì trên thế giới có rất nhiều quan điểm và lời giải thích. Đối với những người ủng hộ ngày 25 tháng Chạp thì họ cho đó là ngày thích hợp nhất để đánh dấu sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus vì khi mặt trời soi sáng trái đất trong thời gian ngắn nhất trong năm thì đó là biểu tượng rằng Đức Chúa Trời hạ mình xuống vì con người. Sau ngày Đông chí, khi thời gian mặt trời soi sáng mặt đất được kéo dài dần dần lên thì đó là biểu tượng cho sự trở lại địa vị cao cả của Ngài. Những lý thuyết ấy còn dài dòng hơn nữa nhưng tôi cố gắng đơn giản hóa tại đây để cho dễ hiểu. Ngoài ra thì họ còn trưng dẫn Kinh thánh để cho thấy rằng việc dùng mặt trời làm biểu tượng cho sự giáng sinh của Chúa là đúng đắn, vì Kinh thánh có ví Ngài như là mặt trời công nghĩa, như có chép trong (Ma-la-chi 4: 2).

MA-LA-CHI 4: 2 – Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy nhót như bò tơ của chuồng.

Việc trưng dẫn câu Kinh thánh nầy để làm lý do mà chọn ngày Đông chí để làm ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus thì hoàn toàn không chính xác, vì dẫu câu gốc nầy làm hình bóng về Ngài nhưng chọn ngày Đông chí thì lại hoàn toàn là quan điểm của con người, chớ không phải đặt căn bản trên những lời khác trong Kinh thánh. Điều nầy thì tôi sẽ giải thích thêm trong phần sau để quý Hội thánh được rõ.

Còn về phía những người chống đối thì họ cho rằng việc Giáo hội Công giáo chọn ngày lễ tế thần mặt trời để làm ngày giáng sinh là một trong những cách dẫn dắt con dân Chúa đi sai lạc khỏi đường lối chính đáng của Kinh thánh. Thậm chí có người còn tuyên bố rằng đó là mưu chước của ma quỉ để làm cho con dân Chúa lạc đường và dẫn dụ Cơ-đốc-nhân thờ lạy thần tượng mặt dầu bề ngoài thì có vẻ như đang theo Chúa. Chính vì lẽ đó mà có một số giáo hội đã không công nhận ngày 25 tháng Mười Hai là ngày giáng sinh và cũng không cử hành một nghi lễ nào, chẳng hạn như Giáo hội Thanh giáo và Giáo hội Chứng nhân Giê-hô-va.

Cũng chính vì hai trường phái chống đối và ủng hộ như vậy mà một số Cơ-đốc-nhân thắc mắc rằng không biết ngày sinh của Đức Chúa Jêsus là ngày nào và việc sử dụng ngày 25 tháng Mười Hai làm ngày giáng sinh thì có đúng đắn hay không. Bởi lẽ đó mà tôi xin được cùng quý Hội thánh suy gẫm về vấn đề nầy sáng hôm nay. Trước khi nói đến vấn đề nên hay không trong việc sử dụng ngày 25 tháng Mười Hai như là ngày giáng sinh thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm qua những phần Kinh thánh có liên quan đến sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus. Vì Cơ-đốc-nhân có lời của Chúa để làm căn bản cho niềm tin của chúng ta trong Đấng Christ cho nên chúng ta cần phải dùng những sự kiện lịch sử đã được ghi lại trong Kinh thánh để ước tính khoảng thời gian mà Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh

Sự kiện thứ nhất mà chúng ta cần nên để ý là việc Hoàng đế Âu-gút-tơ đã ra chiếu chỉ phải lập sổ bộ của cả đế quốc để giúp cho chính quyền La-mã có thể căn cứ vào đó mà thu thuế của dân, như có chép trong (Lu-ca 2: 1).

LU-CA 2: 1 – Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ.

Vị hoàng đế nầy là nhân vật có thật mà lịch sử cho biết là đã cai trị từ năm 31 trước Thiên Chúa giáng sinh cho đến năm 14 sau Công nguyên. Kinh thánh cũng cho biết thêm là việc lập sổ dân nầy được ban hành và thực hiện khi Qui-ri-ni-u đang làm tổng đốc xứ Sy-ri, tức là bao gồm cả vùng Palestine và xứ Giu-đa của dân Do-thái, như có chép trong (Lu-ca 2: 2).

LU-CA 2: 2 – Việc lập sổ dân nầy là trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri.

Theo như các khám phá của khảo cổ học sau nầy về lịch sử của đế quốc La-mã và hiện nay đang còn được lưu trữ tại các viện bảo tàng của Ý-đại-lợi và Anh quốc thì Qui-ri-ni-u đã làm tổng đốc xứ Sy-ri hai lần. Lần thứ nhất là vào năm thứ 6 đến thứ 4 trước Thiên Chúa giáng sinh và lần thứ hai là vào năm 6 đến năm thứ 9 sau Thiên Chúa giáng sinh. Việc lập sổ bộ lần thứ hai dưới quyền của Qui-ri-ni-u đã được sử sách La-mã ghi lại chính xác là vào năm thứ 7 sau Thiên Chúa giáng sinh, ứng với lời Kinh thánh trong sách (Công vụ 5: 37).

CÔNG VỤ 5: 37 – Kế hắn thì có Giu-đa, người Ga-li-lê, dấy lên, về thời kỳ tu sổ dân, rủ nhiều người theo mình; nhưng rồi cũng chết, bao nhiêu kẻ theo phải tan tành.

Thông thường thì việc lập sổ hộ tịch chỉ diễn ra khoảng 5 năm hoặc 10 năm một lần, hoặc khi có một tổng đốc mới đến nhậm chức. Theo như lời Kinh thánh cho biết trong Lu-ca 2: 1 thì việc lập sổ dân khi Đức Chúa Jêsus Christ sanh ra là lần thứ nhất, vì Kinh thánh đã dùng chữ trước hết. Như vậy thì khi việc lập sổ dân lần thứ hai được lịch sử ghi lại một cách chính xác là vào năm thứ 7 sau Công nguyên thì sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus có thể đã xãy ra vào trong khoảng thời gian giữa năm thứ 4 trước Công nguyên và năm thứ 2 sau Công nguyên, tức là cách kỳ lập sổ dân lần thứ hai khoảng 10 năm. Mặc dầu lịch sử ghi lại rằng Qui-ri-ni-u chỉ làm tổng đốc lần thứ nhất tại xứ Sy-ri cho đến năm thứ 4 trước Công nguyên mà thôi, nhưng chúng ta cũng có thể biết rằng sự thay đổi nhiệm sở thì không phải xãy ra ngay lập tức. Vả lại vì ngày xưa đường xá không được tốt nên sự cách trở có thể làm cho việc thay đổi người cầm quyền bị trì hoãn một thời gian, vì vậy mà khi Đức Chúa Jêsus giáng sanh thì có lẽ Qui-ri-ni-u vẫn còn tạm thời lưu giữ chức vụ và đang lập lại sổ bộ để chuẩn bị bàn giao sổ sách cho vị tổng đốc mới sắp sửa đến cầm quyền tại xứ Sy-ri. Như vậy đây là sự kiện thứ nhất mà chúng ta có thể biết được khoảng năm nào mà Đức Chúa Jêsus đã giáng sanh khi đối chiếu những lời đã được viết ra trong Kinh thánh với những ghi chép trong lịch sử còn lưu lại cho đến ngày hôm nay.

Sự kiện thứ hai mà người ta có thể căn cứ vào đó để ước tính thời gian Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh là việc vua Hê-rốt ra chiếu chỉ phải giết hết các trẻ em từ lúc mới sanh cho đến 2 tuổi, như có chép trong (Ma-thi-ơ 2: 16).

MA-THI-Ơ 2: 16 – Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết.

Theo sử sách ghi lại thì vua Hê-rốt nầy, tức là Hê-rốt đại đế, đã cai trị từ năm thứ 37 đến năm thứ 3 trước Công nguyên, và ông chính là người đã ra lệnh giết các em bé của vùng Bết-lê-hem. Lệnh nầy chắc đã ban bố vào khoảng những năm cuối đời của Hê-rốt, vì sau khi Giô-sép và Ma-ri đem Ðức Chúa Jêsus trốn qua xứ Ê-díp-tô thì chỉ một thời gian ngắn sau đó thì đã nghe được tin vua Hê-rốt băng hà, như lời Kinh thánh có ghi lại trong (Ma-thi-ơ 2: 19-20).

MA-THI-Ơ 2: 19-20 – Nhưng sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, tại nước Ê-díp-tô, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ đã chết rồi.

Khác với trường hợp của tổng đốc là chức vụ có nhiệm kỳ nhất định, thì trong trường hợp của vua Hê-rốt thì chỉ khi nào một vị vua qua đời thì một người khác mới được lên nối ngôi mà thôi. Vì vậy khi sử sách ghi lại chính xác rằng vua Hê-rốt qua đời vào năm thứ 3 trước Công nguyên thì điều đó thích ứng với khoảng thời gian mà lời của Chúa đã có đề cập đến trong 2 câu Kinh thánh nầy. Bởi lẽ đó khi đem cả hai sự kiện lịch sử về tổng đốc Qui-ri-ni-u và thời kỳ cầm quyền của vua Hê-rốt mà kết hợp lại với nhau thì các sử gia ước tính rằng Ðức Chúa Jêsus đã giáng sinh trong khoảng thời gian giữa năm thứ 4 và năm thứ 3 trước Công nguyên. Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng niên lịch mà chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay trễ hơn thời gian mà Đức Chúa Jêsus giáng sinh là khoảng 4 năm, hay nói cách khác là chúng ta có thể nhận biết rằng Ngài đã giáng sinh cách nay được 2024 năm rồi.

Sự kiện thứ ba mà chúng ta có thể sử dụng để tính khoảng thời gian nào trong năm mà Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh là việc các mục đồng thức đêm chăn giữ bầy chiên của mình, như có chép trong (Lu-ca 2: 8) và cũng là câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay.

LU-CA 2: 8 – Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên.

Theo như lời Kinh thánh cho biết và theo như phong tục tập quán của người thời bấy giờ được ghi lại trong sử sách thì việc các kẻ chăn giữ bầy súc vật của họ giữa đồng nội vào ban đêm chỉ xãy ra vào những tháng mùa hè mà thôi. Vào mùa Ðông, khi tiết trời ban đêm lạnh lẽo, thì những kẻ chăn chiên thường giữ bầy của mình trong những nơi kín gió, chẳng hạn như chuồng trại, có khi còn giữ bầy chiên ngay cả trong nhà mà họ đang ở để được ấm áp cho chính họ và cho cả bầy. Lời Kinh thánh cho biết là mùa Đông tại xứ Ca-na-an có khi rất lạnh và cũng thường có tuyết, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong (2Sa-mu-ên 23: 20).

2SA-MU-ÊN 23: 20 – Lại có Bê-na-gia ở Cáp-sê-ên, con trai của Giê-hô-gia-đa, là một người mạnh bạo, nổi tiếng vì các công lớn của mình. Người đã giết hai người Mô-áp mạnh bạo hơn hết. Trong một ngày tuyết kia, ấy cũng người nầy đi xuống một cái hầm chứa nước, có con sư tử, và giết nó đi.

Trong câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã cho chúng ta biết một chút khái quát về mùa Đông và những ngày có tuyết tại xứ Ca-na-an. Trong những ngày như vậy thì nước ở trên mặt đất có thể bị đóng băng cho nên người ta mới trữ nước trong những cái hầm hoặc gọi là hố, như trong 1Sử ký 11: 22 để mà có nước dùng qua mùa Đông. Bởi lẽ đó mà ngay cả loài vật khi khát nước cũng tìm đến những nơi như vậy để có nước uống và vì thế mà một trong những dũng sĩ của vua Đa-vít đã giết được một con sư tử tại một chỗ chứa nước giống như vậy. Nếu cần phải nói thêm một chút nữa thì chúng ta biết rằng vào mùa Đông thì nhiệt độ trong các hầm hố bao giờ cũng thường tha và ấm áp hơn là trên bề mặt của mặt đất, vì vậy mà thú dữ và các loài động vật khác muốn trú Đông thì cũng đều đào hang hố hoặc trốn vào lòng đất để duy trì sự sống cho đến khi mùa Xuân đem sự ấm áp trở lại.

Ngoài ra Kinh thánh cũng còn cho biết thêm là vào mùa Đông ngay cả khi không có tuyết thì trời cũng rất lạnh. Vùng Ca-na-an là xứ có khí hậu cận sa mạc, có nghĩa là biên độ nhiệt trong một ngày thì rất lớn. Vào buổi trưa thì nhiệt độ lên cao, nhưng khi buổi chiều đến và nhất là khi mặt trời vừa lặn thì nhiệt độ sụt giảm rất nhanh. Chính vì biên độ nhiệt lớn như vậy nên xứ Ca-na-an bị sa mạc hóa nhiều, tức là trình trạng gạch đá bị vỡ bởi sự biến đổi nhiệt độ đột ngột và cũng bởi đó mà làm tăng tỷ lệ đá sỏi và bụi bặm. Chúng thử làm một thí nghiệm nhỏ như thế nầy tại nhà thì sẽ hiểu được tình trạng sa mạc hóa vì sự biến đổi đột ngột của nhiệt độ là như thế nào. Khi chúng ta lấy một cục nước đá từ trong tủ lạnh và bỏ vào ly nước với nhiệt độ bình thường trong nhà thì chúng ta sẽ nghe được tiếng rạn nứt của cục nước đá khi nó tiếp xúc với nhiệt độ nước ấm hơn bản thân nó. Đó là điều đã xãy ra từ ngàn xưa tại các vùng có khí hậu sa mạc và cận sa mạc, vì vậy mà các xứ ấy có sỏi cát rất nhiều vì biên độ nhiệt lớn trong ngày làm cho các tảng đá cứ nứt ra dần dần cho đến khi chỉ còn là cát và bụi không mà thôi, như điều đã xãy ra tại sa mạc Sahara. Tại đó thì nhiệt độ ban ngày có khi lên đến hơn 52 độ C, nhưng ban đêm thì nhiều khi lại lạnh gần đến 0 độ.

Vì khí hậu và thời tiết của xứ Ca-na-an là như vậy nên lời Kinh thánh mới cho biết là dân Y-sơ-ra-ên vẫn thường đốt lò sưởi trong nhà để giữ ấm hoặc nhóm những đống lửa nhỏ ngoài sân trong trường hợp họ phải ở bên ngoài vào ban đêm, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong (Ê-sai 44: 16).

Ê-SAI 44: 16 – Họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no, hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! Nầy, ta sưởi đây, ta thấy ngọn lửa!

Câu gốc nầy thì mô tả việc dân Y-sơ-ra-ên dùng củi gỗ để sưởi cho ấm lúc ở trong nhà. Còn khi họ ở bên ngoài lúc trời lạnh thì cũng thường đốt một đống lửa để sưởi, như trong trường hợp của các quân lính trong đêm Đức Chúa Jêsus bị bắt. Chính Phi-e-rơ cũng đến đứng chung với những người lính ấy để được ấm áp giữa cái lạnh ban đêm ở ngoài trời, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong (Giăng 18: 18).

GIĂNG 18: 18 – Các đầy tớ và kẻ tay sai vì trời lạnh, nhúm một đống lửa, rồi đứng gần một bên mà sưởi. Phi-e-rơ đứng với họ, và cũng sưởi.

Theo như lời Kinh thánh trong các câu gốc mà chúng ta vừa đọc qua cho thấy thì việc sưởi ấm vào ban đêm là chuyện bình thường đối với dân Y-sơ-ra-ên và những người sống trong xứ Giu-đê. Nhưng trong phần Kinh thánh có đề cập đến chuyện tích giáng sinh thì lời của Chúa không hề nhắc đến việc các mục đồng có nhóm một đống lửa để sưởi ấm cho chính họ và cho bầy chiên. Như thế thì việc các mục đồng giữ bầy chiên của họ nơi đồng nội trống trãi mà không hề đốt một đống lửa nào để sưởi ấm thì đó không phải là hình ảnh của mùa Đông. Sự canh giữ bầy chiên nơi đồng trống như vậy chỉ có thể xãy ra vào cuối Xuân hoặc trong mùa Hè mà thôi. Theo phong tục tập quán của người chăn bầy trong xứ Ca-na-an thì chỉ khi nào mùa hè đã đến rồi, lúc mà thời tiết đã nóng nực và mặt trời lên sớm vào buổi sáng, thì họ mới giữ chiên ngoài đồng để được thoáng mát và để có thể mau chóng đi đến các bãi chăn khi bình mình vừa ló dạng, nhất là khi họ muốn đến đó sớm hơn những bầy khác để có phần cỏ tươi tốt nhất cho bầy vật của họ.

Ngoài ra thì lời của Chúa cũng cho biết thêm về thói quen và tập quán của người chăn chiên trong xứ Ca-na-an vào mùa Đông để nhờ đó chúng ta có thể biết chắc rằng sự giáng sanh của Chúa đã xãy ra vào lúc thời tiết ấm áp hơn là điều mà người ta đã tưởng bấy lâu nay. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì một trong những bổn phận của người chăn là cho chiên ăn. Điều nầy hoàn toàn khác với việc dẫn bầy chiên đến nơi đồng cỏ và thả cho chiên ăn tự do theo bảnh tánh của nó. Tôi xin tường thuật một cách vắn tắt như thế nầy: Vào mùa Xuân, khi các bãi cỏ và đồng ruộng còn có nhiều thức ăn cho chiên thì người chăn thường dắt chiên đến những nơi gần nhà. Chiên có thể ăn cỏ hoặc thóc lúa mà người ta bỏ sót lại sau vụ gặt và khi những người mót lúa sơ sót không nhìn thấy. Sau đó khi những nơi ấy không còn cỏ lúa cho chiên nữa thì họ mới dẫn chiên đến những nơi xa hơn. Theo địa dư của xứ Giu-đa thì vùng đồng trống mà những kẻ chăn thường chăn bầy chiên của họ là ở phía Tây của thung lũng sông Giô-đanh, hay còn gọi là trũng Giô-đanh. Vùng đó thấp so với các miền chung quang nên vì thế mà có nhiều nước vào mùa Xuân khi tuyết tan ra từ những nơi khác, nhất là từ các đỉnh núi và những ngọn đồi bao bọc chung quanh, bởi vậy mà tại đó có nhiều khu vực đầy cỏ non cho chiên trong mùa Xuân và khi mùa Hạ đến thì chúng trở thành cỏ khô đủ sức cung ứng cho nhu cầu của bầy chiên. Đây là một trong những lý do mà các người chăn chiên thường giữ bầy chiên của họ tại đó trong nhiều ngày để chiên có thể ăn thỏa mãn và dồn chứa lượng mỡ cần thiết trong cơ thể của chúng để chịu đựng sự khan hiếm thức ăn vào mùa Đông. Khu vực chính yếu để chăn bầy chiên tại đấy đã được Kinh thánh ghi lại trong (1Sử ký 4: 39).

1SỬ KÝ 4: 39 – Chúng sang qua Ghê-đô, đến bên phía đông của trũng, để kiếm đồng cỏ cho đoàn súc vật mình.

THI THIÊN 104: 10 – Ngài khiến các suối phun ra trong trũng, nó chảy giữa các núi.

Vì cớ trũng Giô-đanh là nơi mầu mỡ mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên nên trong Thi thiên 65 thì vua Đa-vít đã dùng hình ảnh ấy để cảm tạ Chúa về những ân điển mà Ngài đã ban cho loài người, nhất là cho con dân của Chúa, như có chép trong (Thi thiên 65: 13).

THI THIÊN 65: 13 – Đồng cỏ đều đầy bầy chiên, các trũng được bao phủ bằng ngũ cốc. Khắp nơi ấy đều reo mừng và hát xướng.

Câu gốc nầy cho thấy rằng những người chăn chiên thường đưa bầy của họ đến đó vào mùa Hè, vì vậy mà cả khu vực đều đầy bầy chiên như lời Kinh thánh đã mô tả. Nhưng khi mùa Đông đến thì vùng thung lũng hay trũng Giô-đanh sẽ lạnh sớm hơn những khu vực khác vì địa hình thấp và vì bị khuất bóng mặt trời sớm do các đồi núi bao bọc chung quanh. Bởi lẽ đó mà mùa Đông là thời gian mà các người chăn nhổ trại để đưa bầy chiên của mình trở về nhà. Mặc dầu lúc đó chiên đã có bộ lông dầy để chuẩn bị cho mùa Đông, nhưng vì cớ cỏ ngoài đồng sẽ trở nên khan hiếm cho nên các người mục đồng muốn giữ chiên trong nhà hoặc trong chuồng để chúng khỏi phải tiêu hao nhiều năng lượng bởi sự đi lại và cũng nhờ đó giữ được trọng lượng của chiên cho phiên chợ vào đầu Xuân, khi người ta đã ăn hết phần dự trữ lương thực của họ trong những ngày Đông giá rét. Vì vậy mà vào mùa Đông tại xứ Giu-đê và cả vùng Ca-na-an thì người và chiên thường ở chung với nhau trong một nhà. Chiên thì ở dưới đất, còn người ta thì ở tầng trên, giống như kiểu nhà sàn của người thượng du hoặc như nhà có gát lửng của Việt Nam chúng ta. Việc giữ chiên trong nhà thường xãy ra đối với những gia đình nghèo, khi không có đất đai nhiều để làm chuồng trại riêng cho chiên. Nhưng đặc biệt hơn nữa là họ cũng muốn dùng thân nhiệt của chiên để sưởi ấm cho nhà của họ. Theo nguyên tắc vật lý thì chúng ta biết khí lạnh bao giờ cũng có tỷ trọng nặng hơn khí nóng, vì vậy mà ở tại Mỹ đây vào mùa Đông thì tầng basement trong nhà chúng ta thường lạnh hơn là các tầng ở phía trên. Bởi lẽ đó mà khi người ta giữ chiên ở trong nhà và họ sống trên tầng gác lửng thì sẽ được ấm áp nhiều bởi thân nhiệt của bầy chiên sưởi ấm lên bên trên. Trong những thời gian như vậy thì chính các người chăn sẽ cho bầy chiên ăn, tức là chia sẻ lượng ngủ cốc mà họ đã dồn chứa trong nhà lúc còn là mùa Hè, như lời Kinh thánh có ghi lại trong (Ê-xê-chi-ên 34: 2).

Ê-XÊ-CHI-ÊN 34: 2 – Hỡi con người, hãy nói tiên tri nghịch cùng những kẻ chăn của Y-sơ-ra-ên. Hãy nói tiên tri và bảo những kẻ chăn ấy rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Khốn nạn cho kẻ chăn của Y-sơ-ra-ên, là kẻ chỉ nuôi mình! Há chẳng phải những kẻ chăn nên cho bầy chiên ăn sao?

Chữ cho bầy chiên ăn trong câu gốc nầy có nghĩa là cho chiên ăn khi mùa Đông, vì vào mùa Xuân và mùa Hè thì người chăn chỉ cần dẫn chiên đến nơi đồng cỏ rồi thả cho chúng tự ăn một mình. Nhưng khi mùa Đông đến thì người chăn phải cho chiên ăn để giữ sự sống của chúng cho đến năm sau đó. Thế thì, qua các sự kiện mà Kinh thánh đã bày tỏ thì chúng ta có thể thấy rằng hình ảnh của người chăn thức đêm canh giữ bầy của mình giữa đồng cỏ trống trải trong đêm giáng sinh không phải là hình ảnh tượng trưng cho mùa Đông, mà là điều chỉ có thể xãy ra trong mùa Hè ma thôi. Như vậy, căn cứ vào những phần Kinh thánh mà chúng ta vừa suy gẫm qua thì quý Hội thánh có thể hiểu được rằng Ðức Chúa Jêsus đã giáng sanh vào mùa hè của năm thứ 4 trước Công nguyên.

Biết được như vậy thì có lẽ quý Hội thánh sẽ thắc mắc rằng thế thì tại sao người ta lại chọn đêm 24 tháng Mười Hai để làm đêm Chúa giáng sinh. Đây là thắc mắc mà nhiều người đã từng đặt ra, không phải vì họ biết rằng Đức Chúa Jêsus đã không giáng sinh vào mùa Đông, nhưng vì họ biết rằng Kinh thánh không hề ghi lại ngày tháng Đức Chúa Trời hóa thân thành người nên vì vậy mà họ mới thắc mắc như vậy. Về nguyên nhân vì sao mà người ta lại chọn ngày 25 tháng Chạp thì điều nầy đã trở thành một trong những lý do khiến có sự tranh cãi giữa vòng Thiên Chúa giáo hàng mấy trăm năm nay. Ngay cả trong thời kỳ Trung cổ và ngay sau cuộc Cải chánh được phát triển tại châu Âu thì đã có một số hệ phái Tin Lành không đồng ý dùng ngày 25 tháng Mười Hai để mừng Đức Chúa Jêsus giáng sinh. Họ cho rằng lý do mà Giáo hội Công giáo đã chọn ngày tế lễ thần mặt trời của một số dân tộc vùng Bắc Âu để làm ngày Giáng sinh là vì giáo hội Công giáo muốn thờ phượng Chúa bằng hình thức chớ không bằng tấm lòng. Điều đó có nghĩa là ngoài miệng thì nói rằng họ theo Chúa, nhưng trong lòng thì tiếp tục cố tình giữ lại các thói quen của sự thờ lạy thần tượng của những ngày chưa tin. Cách thức thờ lạy như vậy là điều thường thấy trong các tôn giáo khác. Thực tế cho thấy là người ta thường thờ lạy bằng miệng mà tấm lòng thì hoàn toàn không có sự thờ lạy tương xứng, chẳng hạn như việc người ta dùng đậu hủ và mì căng để làm cho giống thịt heo quay hay thịt vịt quay, hoặc làm cho giống các món đồ mặn khác có thịt có cá. Họ làm như vậy để khi ăn vào thì miệng đang ăn chay mà tư tưởng và tấm lòng thì cứ nghĩ là mình đang ăn thịt. Ăn chay như vậy là ăn bằng miệng chớ không phải bằng tư tưởng và tấm lòng, hoặc nói một cách khác là tu bằng hình thức chớ tấm lòng không có tu. Cũng vì cách thức thờ lạy như vậy của con người mà một số các hệ phái Tin lành đã không dùng ngày 25 tháng Mười Hai để làm ngày giáng sinh của Chúa.

Nhưng bên phía những người ủng hộ việc lấy ngày 25 tháng Mười Hai làm ngày Giáng sinh thì lại cho rằng đó là cách cạnh tranh với thói quen đã có từ lâu đời của các dân tộc thờ lạy thần tượng để từ đó có thể dễ dàng đưa họ trở lại với Chúa. Điều đó có nghĩa là làm cho họ chỉ thấy có sự khác nhau về danh nghĩa và nghi thức thờ phượng mà thôi, còn ngày tháng thì không cần thay đổi để khỏi phá vỡ thói quen hàng bao nhiêu thế hệ của những người thờ lạy thần tượng.

Dầu là bằng cách nào hay quan điểm ra sao thì chúng ta đều biết rằng Kinh thánh không có ghi lại chính xác ngày giáng sinh của Chúa và như những phần Kinh thánh mà chúng ta vừa suy gẫm qua thì việc các mục đồng thức đêm canh giữ bầy chiên giữa đồng nội là hình ảnh của việc chăn bầy vào mùa Hè chớ không phải là vào mùa Đông. Nhưng sau hàng chục thế kỷ mừng Chúa giáng sinh vào mùa Đông thì chúng ta thấy rằng không phải là dễ dàng để thay đổi truyền thống ấy từ một ngày mùa Đông sang một ngày nào đó của mùa Hè. Vì nếu dẫu có đổi thì chúng ta sẽ căn cứ vào đâu để biết chính xác ngày nào Chúa đã giáng sinh? Nếu có đổi mà cũng không được chính xác thì tốt hơn hết là chúng ta cứ theo cách chung của cả thế giới để mừng Chúa giáng sinh vào tháng Mười Hai để ít nữa cũng có sự thống nhất trước mắt người ngoại.

Một trong những lý do chính yếu mà Đức Chúa Trời đã không cho ghi lại chính xác ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus là vì Ngài muốn chúng ta thờ phượng Chúa bằng tấm lòng chớ không phải bằng ngày tháng, như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã khẳng định và đã được ghi lại trong (Giăng 4: 23).

GIĂNG 4: 23 – Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha. Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.

Chữ giờ đến mà Đức Chúa Jêsus đã phán trong câu gốc nầy là Ngài ý muốn nói đến thời kỳ cuối cùng, tức là thời kỳ được bắt đầu khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh. Chính bởi lẽ đó mà Chúa mới phán rằng thời kỳ ấy đã đến rồi. Đây là điều mà tôi đã có trình bày qua trong Chủ đề Khi Nào Đức Chúa Jêsus Trở Lại. Sự thờ phượng Chúa bằng tâm thần lẽ thật đã được giải thích thêm trong (Rô-ma 12: 1).

RÔ-MA 12: 1 – Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.

Như vậy theo như câu gốc nầy thì Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể hiểu rằng sự thờ phượng Chúa và mừng ngày Chúa giáng sinh không phải đặt trọng tâm vào ngày tháng, mà là đặt trọng tâm trên tấm lòng đã được thay đổi bằng quyền năng của Đức-Thánh-Linh, và được thể hiện ra bên ngoài bằng việc sống theo các sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh. Vì nếu cần phải đặt trọng tâm trên ngày nào tháng nào thì chắc Đức Chúa Trời đã cho con dân Ngài biết chính xác Đức Chúa Jêsus đã giáng sanh khi nào. Nhưng chúng ta cần phải để ý là cả hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của nhân loại, là sự giáng sanh và sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus, thì Đức Chúa Trời đều không cho biết chính xác ngày tháng năm. Ấy là vì Ngài muốn Cơ-đốc-nhân phải tỉnh thức và luôn luôn thờ phượng Chúa bằng tấm lòng được thể hiện qua việc biết vâng phục lẽ thật, chớ không phải bằng hình thức bên ngoài, chẳng hạn như ngày tháng. Vì nếu có hình thức bên ngoài mà lại thiếu tấm lòng bên trong thì việc làm đó hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vì nếu Cơ-đốc-nhân biết chính xác ngày Chúa giáng sinh để thờ phượng Ngài thì có thể sẽ có nhiều người bị ru ngủ rằng mình đã có thờ phượng Chúa trong ngày đó rồi mà lại quên sửa soạn tấm lòng bên trong khi ra mắt Chúa. Chúng ta thử nghĩ đến việc cúng giỗ người qua đời thì sẽ thấy được điều đó. Nhiều người cho rằng việc cúng giỗ ông bà cha mẹ đã qua đời là để bày tỏ lòng hiếu thảo, bởi vì được tổ chức đúng ngày và nấu đúng các món ăn mà người qua đời đã từng thích. Nhưng có bao giờ chúng ta thấy một bữa giỗ nào mà người ta nhắc nhở về công ơn của người đã qua đời hoặc nhắc nhở cho con cháu về những lời giáo huấn tốt đẹp của người đã quá cố? Có bao giờ chúng ta thấy người ta họp con cháu đông đủ lại trong ngày giỗ để nhắc nhở và hỏi từng đứa rằng: Ông bà đã từng dạy dỗ phải sống thế nầy hoặc thế kia cho đúng đạo làm người mà trong năm qua có đứa nào sống giống như vậy hay không để tặng phần thưởng và đồng thời cũng để phạt đứa nào đã sống sai với lời giáo huấn đó và làm ảnh hưởng đến danh tiếng của ông bà đã qua đời hay không? Chắc chắn là không. Trái lại việc tổ chức cúng giỗ đúng ngày lại là cơ hội để người ta tự ru ngủ rằng họ đã bày tỏ được lòng hiếu thảo rồi để nhân cơ hội đó mà chè chén say sưa và sinh ra thêm những điều sai trái khác hoặc làm gương không tốt cho trẻ nhỏ trong nhà. Khi đề cập đến thí dụ nầy thì tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết là con dân Chúa không được cúng dỗ người đã chết, cho nên dầu là dưới bất cứ hình thức nào thì cũng không được phép tổ chức.

Trở lại với chủ đề mà chúng ta đang suy gẫm sáng hôm nay thì việc thờ phượng bằng hình thức bên ngoài của ngày tháng mà lại không có tấm lòng xứng đáng ở bên trong là lý do chính yếu mà Đức Chúa Trời đã không cho ghi lại chính xác ngày tháng năm sanh của Đức Chúa Jêsus hầu cho Cơ-đốc-nhân có thể thờ phượng Ngài bằng lẽ thật chớ không phải bằng hình thức và nghi lễ bên ngoài. Vì vậy, con dân của Chúa nên chú ý đến việc sửa soạn tấm lòng của mình cho thật xứng đáng trong mỗi một mùa giáng sinh thì hơn.

Nhưng cũng có một số người cứ khăng khăng cho rằng vì ngày 25 tháng Chạp là ngày những kẻ thờ lạy thần tượng dùng làm ngày tế thần mặt trời, nên vì vậy mà Cơ-đốc-nhân không được dùng ngày đó để mừng Chúa giáng sinh. Cách những người đó lý luận như vậy thì chẳng khác gì có cùng một quan điểm với một số người cực đoan khi cho rằng không được lấy bông vạn thọ mà chưng trong nhà thờ. Đó là những quan điểm rất sai lầm. Chúng ta cứ thử trả lời những câu hỏi sau đây thì sẽ thấy được sự sai lầm ấy là như thế nào. Lúc Đức Chúa Trời tạo dựng nên các loại bông hoa, thì Ngài có chủ ý tạo dựng riêng bông vạn thọ để cho những kẻ thờ lạy thần tượng dùng để chưng trong chùa miễu hay không? Chúng ta biết chắc chắn là không. Ngài dựng nên bông vạn thọ cùng tất cả những loại bông hoa khác là để làm đẹp thiên nhiên, làm lợi ích cho con người. Việc các tôn giáo khác dùng bông vạn thọ để chưng trong chùa miễu là chuyện của họ, đâu có liên quan gì đến bông vạn thọ để khiến chúng ta chê bai loại bông đó mà chỉ chưng các loại bông hoa khác. Làm như vậy là Cơ-đốc-nhân đang bất công với bông vạn thọ và mà cũng thiếu công bằng khi suy nghĩ về công việc sáng tạo thiên nhiên của Đức Chúa Trời. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời đâu có dựng nên ngày 25 tháng Mười Hai để dành riêng cho kẻ thờ lạy thần tượng dùng để tế thần mặt trời. Sự chọn lựa đó là ý riêng của họ, còn ngày tháng mà Đức Chúa Trời tạo dựng nên đều là tốt đẹp trong ý chỉ của Ngài. Vậy thì tại sao lại có một số Cơ-đốc-nhân kiêng kỵ ngày đó? Việc chúng ta dùng ngày 25 tháng Mười Hai để mừng Thiên Chúa giáng sinh là cố để thống nhất với các anh chị em khác trong đức tin và với toàn cả thế giới. Vấn đề quan trọng là tấm lòng của chúng ta như thế nào trong mùa Giáng sinh đối với Chúa và quan trọng hơn nữa là Ngài đã có thật sự giáng sinh vào đời sống của Cơ-đốc-nhân hay chưa. Còn ngày tháng chỉ là để tạo cơ hội nhớ đến Chúa mà thôi, không cần phải quá chú trọng rằng ngày nầy hay ngày kia. Bởi lẽ đó mà ngày sa-bát Chúa cũng không nhất định là ngày nào trong tuần lễ, nhưng chỉ bảo con dân Chúa đếm từ ngày đầu tiên mình trở lại làm việc cho đến ngày thứ sáu và sau đó dùng ngày thứ bảy để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa. Đó là lý do vì sao mà khi đa số chúng ta bắt đầu đi học và đi làm trở lại vào ngày thứ Hai thì sau sáu ngày làm việc con dân Chúa đã dùng ngày thứ bảy, tức là ngày Chúa nhật trong lịch của chúng ta để thờ phượng Chúa. Điều nầy thì tôi đã có trình bày qua trong Chủ đề Ngày Nào Là Ngày Sa-bát, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Còn nếu Cơ-đốc-nhân kiêng kỵ bông vạn thọ và ngày 25 tháng Mười Hai thì hóa ra là con dân Chúa đang đặt việc làm của những kẻ thờ lạy thần tượng lên trên cả ý muốn của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng nên thế gian nầy? Đó là những quan điểm sai lầm mà Cơ-đốc-nhân không nên giữ lại trong tư tưởng mình.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục soi dẫn cho con dân Chúa để Cơ-đốc-nhân có thể hiểu được ý nghĩa thật sự của ngày Giáng Sinh là tấm lòng của mình đối với Đức Chúa Trời khi Ngài đã vì yêu thương con người mà hạ sinh vào trong trần gian tăm tối nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục dạy dỗ bằng lẽ thật của Ngài để Cơ-đốc-nhân có thể biết được cách thế nào để có thể thờ phượng Chúa một cách hết sức đẹp lòng Ngài trong mùa Giáng Sinh năm nay và trong tương lai. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh ban phước dư dật đầy tràn trên con dân Chúa trong mùa Giáng Sinh để tấm lòng của chúng ta được vui mừng trọn vẹn mà chuẩn bị cho một năm nữa trên con đường theo Chúa cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Amen.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

2SA-MU-ÊN 3: 20 – Lại có Bê-na-gia ở Cáp-sê-ên, con trai của Giê-hô-gia-đa, là một người mạnh bạo, nổi tiếng vì các công lớn của mình. Người đã giết hai người Mô-áp mạnh bạo hơn hết. Trong một ngày tuyết kia, ấy cũng người nầy đi xuống một cái hầm chứa nước, có con sư tử, và giết nó đi.

1SỬ KÝ 4: 39 – Chúng sang qua Ghê-đô, đến bên phía đông của trũng, để kiếm đồng cỏ cho đoàn súc vật mình.

Ê-SAI 44: 16 – Họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no; hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! Nầy ta sưởi đây; ta thấy ngọn lửa!

MA-LA-CHI 4: 2 – Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy nhót như bò tơ của chuồng.

MA-THI-Ơ 2: 16 – Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết.

MA-THI-Ơ 2: 19-20 – Nhưng sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, tại nước Ê-díp-tô, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ đã chết rồi.

LU-CA 2: 1 – Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ.

LU-CA 2: 2 – Việc lập sổ dân nầy là trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *