ÐỒNG MỘT TIẾNG NÓI
Trong Kinh thánh sách Sáng thế ký đoạn 11 cho biết là sau cơn nước lụt loài người thời bấy giờ muốn xây một cái tháp cao đến tận trời để làm rạng danh cho chính họ (Sáng thế ký 11: 1-4)#. Nhưng Ðức Giê-hô-va không đẹp lòng ý định nầy nên Ngài đã ngự xuống, làm lộn xộn tiếng nói của loài người và từ đấy công việc xây dựng tháp bị bỏ dỡ. Vì nguyên do đó mà người ta gọi tháp nầy là tháp Ba-bên (Sáng thế ký 11: 5-9)#.
Nhân câu chuyện trên chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa loài người trong thế gian và con cái Ðức Chúa Trời về việc có đồng một tiếng nói. Con người có chung một tiếng nói khi muốn làm rạng danh cho chính họ, nhưng Cơ-đốc-nhân lại không có chung một tư tưởng khi được yêu cầu phải làm rạng danh Ðức Chúa Trời.
Tháp Ba-bên được khởi công xây dựng vì con người thời bấy giờ nói chung một thứ tiếng nên dễ dàng truyền đạt mục tiêu mà họ muốn thực hiện. Họ có sự thống nhất trong vấn đề nầy đến nỗi chính Ðức Chúa Trời phải nhận xét rằng: ‘Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đang khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được’ (Sáng thế ký 11: 6). Mặc dầu nhờ việc nói chung một thứ tiếng mà người thế gian thời bấy giờ có thể hợp sức nhau xây tháp Ba-bên, nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng họ có sự đoàn kết và hiệp nhất trong cùng một mục tiêu. Theo như lời Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên cho biết thì sự kết hiệp trong cùng một mục tiêu của con người thời bấy giờ chặt chẽ đến độ Ðức Chúa Trời phải nhận xét rằng không có điều gì trong thế gian có thể ngăn cản được ý định của họ, và chính Ðức Chúa Trời phải dùng quyền năng Ngài để phân rẽ họ ra.
Thử nhìn lại cộng đồng Cơ-đốc-nhân thì chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng. Mặc dầu Cơ-đốc-nhân có chung một quyển Kinh thánh, nghĩa là có chung một ngôn ngữ của Ðức Chúa Trời và một mục tiêu hàng đầu là làm vinh hiển danh Ðức Giê-hô-va, nhưng trong phương diện nầy dường như Cơ-đốc-nhân không hề có sự hiệp một chút nào.
Chúng ta thử cùng nhau phân tích vấn đề nầy một cách chi tiết hơn thì sẽ thấy được tường tận sự thiếu thống nhất cách kỳ lạ trong vòng con dân Chúa.
Bất cứ một Cơ-đốc-nhân nào cũng biết mạng lệnh mà Kinh thánh đã phán dạy về việc cần phải tôn sự vinh hiển cho Ðức Giê-hô-va, như có chép trong 1Cô-rinh-tô 10: 31 rằng ‘Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm’.
Mạng lệnh nầy có nghĩa rằng trọn đời sống một Cơ-đốc-nhân, việc tôn cao vinh hiển Chúa phải là trọng tâm và là mục tiêu hàng đầu hơn tất cả những điều khác. Nói cho dễ hiểu thì Cơ-đốc-nhân phải dành 100% đời sống mình để dâng vinh hiển cho Chúa trong mọi khía cạnh, mọi phương diện, mọi giây phút, mọi hành động, cử chỉ, lời nói, việc làm, ngay cả trong tư tưởng nữa! Nhưng mức độ nầy dường như chưa bao giờ thấy có trong đời sống của Cơ-đốc-nhân chúng ta trong thời đại hiện nay.
Ðã có người, khi nghe chúng tôi trình bày như trên thì giẩy nẩy và tuyên bố rằng như thế là quá đáng! Thậm chí có người còn cho rằng chúng tôi cố tình diễn giải lời của Chúa sao cho trở thành gánh nặng trong đời sống Cơ-đốc-nhân!
Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh suy xét thì sẽ thấy được điều mà chúng tôi đang viết ra đây hoàn toàn được Kinh thánh ủng hộ và không có một sự mâu thuẫn nào so với các chân lý và lẽ thật trong lời của Chúa.
Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy: Ðối với Ðức Chúa Trời toàn năng của chúng ta, là Ðấng có một không hai, thì loài người chúng ta cần phải cố gắng đến mức độ nào để có thể dâng vinh hiển cho Chúa? Lời Kinh thánh khuyên chúng ta rằng phải tôn sự vinh hiển của Ðức Giê-hô-va một cách xứng đáng với danh Ngài (1Sử ký 16: 29)#. Vậy thì cách nào, mức độ nào mới được xem là xứng đáng cho sự vinh hiển của Chúa?
Nếu một Cơ-đốc-nhân nói rằng chỉ cần cố gắng 90% của đời sống mình để dâng vinh hiển cho Chúa thì 10% còn lại chúng ta cố gắng cho ai? Có ai trong đời sống nầy xứng đáng đủ để chia xẻ một phần sự cố gắng mà đáng lẽ chúng ta phải dâng cho Chúa? Chẳng lẽ Ðức Chúa Trời toàn năng chỉ xứng đáng với 90% cố gắng của loài người chúng ta mà thôi? Hoặc giả có người nghĩ rằng 10% còn lại là để tìm vinh hiển cho chính mình, hay để dâng vinh hiển cho một ai đó, một thần tượng nào đó trong đời sống nầy?
Một trong những nan đề lớn trong đời sống của chúng ta là từ chối làm theo lời của Chúa có ghi trong Kinh thánh, hoặc nếu có làm theo, thì cũng là nữa chừng, năm bảy phần mà thôi. Giống như lời của Ðức Chúa Jêsus đã phán dạy đoàn dân đông, Cơ-đốc-nhân chúng ta có khuynh hướng muốn theo Chúa trên con đường rộng và khoản khoát, không cần phải cố gắng nhiều. Bất cứ một Cơ-đốc-nhân nào cũng muốn dâng vinh hiển cho Chúa, nhưng đó chỉ là cố gắng vài chục phần trăm của đời sống mình, chớ không phải là toàn bộ, trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.
Có hai cách biện minh mà chúng ta vẫn thường dùng để từ chối làm theo ý muốn của Chúa một cách đầy đủ trọn vẹn, ấy là nghĩ rằng mình làm không nổi và hai là nghĩ rằng người khác áp đặt Kinh thánh không đúng chỗ để khiến đời sống mình phải bị ràng buột nặng nề.
Ðã nhiều lần có người nói với chúng tôi rằng chắc Kinh thánh không đòi hỏi Cơ-đốc-nhân phải sống đến mức độ đó đâu, vì không có ai làm nổi những điều như vậy. Ðối với việc tôn cao vinh hiển cho Chúa cũng được nhận xét theo cách ấy.
Nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta biện minh như vậy thì quý anh chị em có thấy sự mâu thuẫn và sự thiếu hụt lẽ thật của chính mình trong vấn đề nầy hay không? Chúng ta đều tin rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn Năng, là Ðấng Khôn Ngoan, là Ðấng Biết Hết Mọi Ðiều, nhưng khi Ngài tạo dựng nên chúng ta thì Ngài lại không hiểu được khả năng của chúng ta ở mức độ nào? Tại vì Ngài không biết rõ khả năng của chúng ta cho nên Ngài mới phán dạy Cơ-đốc-nhân phải làm những điều mà chúng ta làm không nổi?
Người đời có câu thành ngữ rằng ‘Biết con không ai bằng cha mẹ’, nhưng theo quan điểm của Cơ-đốc-nhân ngày nay thì Ðức Chúa Trời, mặc dầu là Cha Thiên Thượng, là Ðấng tạo dựng nên loài người, lại không biết được khả năng của Cơ-đốc-nhân cho nên những điều Ngài dạy trong Kinh thánh và muốn Cơ-đốc-nhân làm theo chỉ là những ảo tưởng mà thôi chớ thực tế thì không ai làm nổi?
Khi nghe chúng tôi thắc mắc như vậy thì cũng có người phân bua rằng không phải Cơ-đốc-nhân có ý nói Ðức Chúa Trời không biết khả năng của con người, nhưng vì chúng ta còn sống trong xác thịt, vả lại cũng thường bị ma quỉ cám dỗ nên không làm nổi điều Ðức Chúa Trời muốn con cái Ngài phải thực hiện, nhất là trong việc sống mẫu mực, thánh khiết để dâng vinh hiển cho Ðức Chúa Trời và làm chứng tốt cho nhiều người.
Nhưng chính tại chỗ nầy lại có một nan đề khác cần nói đến, ấy là khi Cơ-đốc-nhân biết mình không làm nổi điều Ðức Chúa Trời phán dặn cần thực hiện, thì chúng ta biết như vậy rồi… thôi! Nghĩa là biết làm không nổi nên đành… bỏ cuộc. Ở đây chúng tôi không có ý nói đến việc từ bỏ đức tin trong Chúa, nhưng muốn nói đến việc Cơ-đốc-nhân thường có thái độ đầu hàng, chỉ còn giữ lấy danh bên ngoài là người tin Chúa mà thôi.
Trong Kinh thánh Phao-lô đã cho chúng ta biết bí quyết thành công của Cơ-đốc-nhân là ‘tôi làm được mọi sự nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi’ (Phi-líp 4: 13) nhưng trong thực tế thì Cơ-đốc-nhân không làm nổi điều Chúa muốn chúng ta thực hiện và không thể sống mẫu mực theo tiêu chuẩn của Kinh thánh. Lý do là vì chúng ta dường như cầu nguyện với Chúa chưa đủ để được Ðức-Thánh-Linh thêm sức hầu có thể cố gắng sống cuộc đời xứng đáng để dâng vinh hiển cho Ðức Chúa Trời. Cũng có Cơ-đốc-nhân không hề cầu nguyện gì hết. Chính bởi lý do nầy mà Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày nay không có cùng chung một tư tưởng trong việc cố gắng hết sức mình để dâng vinh hiển cho Ðức Chúa Trời.
Cách biện minh thứ hai mà Cơ-đốc-nhân chúng ta vẫn dùng để từ chối việc cố gắng hết sức tôn sự vinh hiển cho Chúa là nghĩ rằng mục sư nầy hoặc mục sư kia áp đặt lời Kinh thánh khiến cho đời sống con cái Chúa trở nên nặng nề chớ thực ra Kinh thánh không có dạy như vậy.
Như điều chúng tôi đã trình bày ở trên, Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải cố gắng đến bao nhiêu để bày tỏ tấm lòng chúng ta yêu mến Chúa, biết ơn Ngài và dâng vinh hiển cho Ðức Giê-hô-va? 70%, 80% hay 99.9% là đã đủ? Chúng ta có thể dùng điều gì để so sánh với huyết quý báu của Chúa đã đổ ra trên thập tự giá vì cớ chúng ta? Chẳng lẽ chúng ta cho rằng huyết ấy chỉ xứng đáng với 99.9% sự cố gắng của chúng ta? Vì 0.1% còn lại phải dành cho cá nhân mình cùng với những ước muốn và nhu cầu xác thịt khác?
Lời Kinh thánh đã cho chúng ta thấy điều mà Ðức Chúa Trời muốn con cái Ngài phải thực hiện vì danh Ngài, như có chép rõ ràng trong:
(Ma-thi-ơ 22: 37) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
(Mác 12: 30) Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.
(2Cô-rinh-tô 5: 9) Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa.
Khi lời của Chúa dạy rằng Cơ-đốc-nhân chúng ta phải hết lòng, hết ý, hết sức, thậm chí hết linh hồn mà yêu mến Chúa, thì đó có phải là 100% cố gắng của trọn cuộc đời chúng ta hay không? Hoặc giả có người nói rằng tôi đồng ý là Cơ-đốc-nhân phải yêu mến Chúa 100% nhưng chỉ cần cố gắng 99% để dâng vinh hiển cho Chúa cũng đủ rồi?
Ở điểm hết lòng hết sức nầy thì tôi chắc rằng bất cứ con cái Chúa nào cũng đồng ý, nhưng vì cứ muốn chạy chối khỏi việc phải sống xứng đáng mẫu mực để tôn vinh hiển cho Chúa nên có người nói rằng người mục sư nầy hoặc người mục sư kia còn chưa thực hiện nổi điều Chúa dạy thì làm sao lại bảo người khác phải sống theo tiêu chuẩn của Kinh thánh? Theo cách biện minh nầy thì điều đó có nghĩa là nếu tôi tớ Chúa chưa thực hiện được thì đừng bảo con cái Chúa phải làm theo!
Nhưng nếu lẽ thật là điều mà Kinh thánh đã bày tỏ thì có lý nào chúng ta lại phải căn cứ vào đời sống của người khác để có nên làm theo hay không? Chẳng lẽ vì cớ đời sống của một mục sư nào đó chưa được nên thánh mà chính cá nhân mình đành chịu vĩnh viễn không được thấy mặt Ðức Chúa Trời? (theo Hê-bơ-rơ 12: 14)#
Việc tôi tớ Chúa phải sống mẫu mực hơn hết mọi người để làm gương cho con cái Chúa trong Hội thánh là một trong những tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của chức vụ hầu việc Chúa, nhưng Cơ-đốc-nhân cũng không vì cớ những mục sư chưa xứng đáng mà từ chối việc chính mình phải cố gắng hết sức sống mẫu mực để dâng vinh hiển cho Ðức Chúa Trời.
Chúng tôi xin dùng thí dụ sau đây để làm sáng tỏ thêm ý tưởng mà chúng tôi đang trình bày.
Có người kia mướn một người giúp việc về nhà để chăm sóc cho các con của mình. Khi người ấy đến thì công việc mỗi ngày của anh, ngoài việc chăm sóc lo lắng cho các con của chủ, còn có việc nhắc nhở các con của chủ phải hiếu thảo với cha mẹ của họ. Vì lẽ đó một trong các người con đi sang nhà láng giềng than thở với bạn như thế nầy:
– Người giúp việc mà cha tôi mướn về cứ nhắc chúng tôi phải hết sức hiếu kính cha mẹ và tìm mọi cách, cố gắng 100% để làm cho cha mẹ tôi được rạng danh với xóm giềng. Nhắc hoài có một chuyện làm tôi bực cả mình. Chính anh ấy còn chưa hiếu kính đủ với cha mẹ tôi mà cứ bảo tôi phải hiếu kính cha mẹ tôi là thế nào? Anh ấy chưa làm nổi thì làm sao tôi làm nổi. Anh ấy chỉ chất gánh nặng lên mình chúng tôi mà thôi.
Nếu chúng ta nghe lời than thở như vậy thì chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào về người con ấy?
Mặc dầu người mục sư cũng là con cái Chúa như bao nhiêu Cơ-đốc-nhân khác, nhưng để cho chúng ta dễ hình dung được qua cách thí dụ trên thì chúng ta có thể nhớ rằng Kinh thánh gọi người hầu việc Chúa là tôi tớ, nhưng Cơ-đốc-nhân thì lại là con cái của Ðức Chúa Trời. Thế thì không thể vì một mục sư thiếu tận tâm, một mục sư hầu việc Chúa vì danh vì lợi mà Cơ-đốc-nhân lại có thể từ chối lời Kinh thánh khuyên dạy là phải hết lòng hết sức kính yêu Chúa và cố gắng trong mọi phương diện của cuộc đời mình để tôn sự vinh hiển cho Ngài. Cơ-đốc-nhân thực hiện điều đó vì Ðức Chúa Trời là Cha của chúng ta, bất kể người nhắc nhở là ai, và đời sống họ xứng đáng đến mực độ nào.
Ðể cho một người khác nhắc nhở cá nhân mình phải hiếu kính cha mẹ thì đã là điều đáng hổ thẹn rồi, mà Cơ-đốc-nhân lại còn đổ thừa cho người nầy người kia để từ chối hết lòng vì Chúa thì chúng ta đáng hổ thẹn lắm so với những người đã đồng tâm hiệp lực với nhau xây tháp Ba-bên ngày xưa.
Ngay cả việc biết người hầu việc Chúa là anh em của mình trong cùng đức tin thì cũng không vì đời sống họ còn sai sót mà chúng ta từ chối hết lòng dâng vinh hiển cho Ðức Giê-hô-va. Các tôi tớ Chúa cũng đừng vì chúng tôi viết bài nầy mà nghĩ rằng có người binh vực cho quý anh em sống thiếu gương mẫu giữa Hội thánh. Ðức Chúa Trời là Cha chung của mỗi chúng ta thì đáng lẽ mỗi người đều phải ý thức được việc hết lòng, hết sức, hết ý, đồng một tiếng nói mà dâng vinh hiển cho Chúa chớ không phải chờ có ai đó nhắc nhở mình điều nầy rồi mới làm. Thậm chí có người đã được nhắc nhở rồi cũng còn chưa muốn làm hoặc không thèm để ý tới, nói chi là cố gắng để thực hiện.
Thế thì, nếu loài người của thế gian xưa còn có sự hiệp một trong việc làm rạng danh vinh hiển của họ, thì Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày nay, vì đã có Kinh thánh và đã nhận biết Ðức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng và là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, thì nhất định phải có đồng một tiếng nói, một tâm tình trong cố gắng dùng 100% cuộc đời chúng ta trong việc làm rạng danh Ðức Chúa Trời giữa đời sống nầy. Cầu xin Chúa thêm sức và ban phước cho mỗi chúng ta trong cố gắng hết lòng, hết ý, hết sức, hết linh hồn tôn cao danh vinh hiển của Ðức Giê-hô-va. Amen.