DANH XƯNG NGƯỜI PHỐI NGẪU CỦA TÔI TỚ CHÚA
Trong bài viết nầy chúng tôi không có ý định viết về danh xưng của người hầu việc Chúa, tức là những người mục sư trong các Hội thánh, nhưng chúng tôi muốn đề cập đến việc thiếu thống nhất trong vòng các Cơ-đốc-nhân khi sử dụng danh xưng để gọi người phối ngẫu của các mục sư. Có người thì vẫn còn gọi họ là bà mục sư, hoặc ông bà mục sư, nhưng có người thì lập luận rằng vì cớ chỉ có các ông dâng mình hầu việc Chúa mà thôi nên phải gọi là ông mục sư và bà. Người khác thì ủng hộ cho cách gọi như vậy với lý do là để phân biệt với chức vụ mục sư của quý bà được tấn phong trong một số giáo hội Tin Lành. Mỗi người gọi theo cách mình cho là phải và dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất. Chúng tôi muốn dùng cơ hội nầy để trình bày về quan điểm của Kinh thánh trong việc dùng danh xưng cho xứng hiệp. Hội thánh không phải là đoàn thể của thế gian để chúng ta muốn hoạt động hoặc xưng hô thế nào cũng được. Hội thánh là đoàn thể của con cái Ðức Chúa Trời, được hướng dẫn bởi lời của Ngài trong Kinh thánh, là trụ và nền của Lẽ Thật, cho nên việc xem xét Kinh thánh để biết điều cần phải làm, lời cần phải nói, dầu là trong phương diện lớn nhỏ thế nào, thì đều là mẫu mực mà Cơ-đốc-nhân nên áp dụng luôn luôn.
Trong vòng khoảng một thập niên trở lại đây thì danh xưng ông bà mục sư đã bị thay đổi. Có người nhận xét rằng sau khi Cơ-đốc-nhân đã xuất ngoại nhiều đến các quốc gia Tây Âu, nhất là tại Hoa-kỳ thì các anh chị em ấy bắt chước cách xưng hô của người Mỹ để từ đó thay đổi cách xưng hô đã có từ trước đến nay khi gọi người hầu việc Chúa trong Hội thánh. Ở tại Hoa-kỳ người ta gọi vợ chồng mục sư của Hội thánh địa phương là Rev. and Mrs. Williams (có nghĩa là Mục sư và bà Williams). Ðó là cách dùng từ thông thường trong ngôn ngữ tiếng Anh, chớ không phải là mẫu mực để chúng ta dùng trong ngôn ngữ tiếng Việt. Mỗi một quốc gia có nền văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng, nhưng khi Cơ-đốc-nhân chúng ta muốn dùng từ ngữ cho chính xác thì đã có Kinh thánh để làm mẫu mực. Trong bài viết nầy chúng tôi không có ý phê bình cách dùng từ của người ngoại quốc, trong vòng họ sẽ có người góp ý về điều đó. Nhưng trong vòng Cơ-đốc-nhân Việt Nam thì dẫu chúng ta học được nhiều gương tốt từ những anh chị em trong đức tin gốc Hoa-kỳ nhưng không phải vì vậy mà chuyện gì họ làm chúng ta cũng bắt chước làm theo. Tất cả chúng ta đều có chung một quyển Kinh thánh nhưng đáng tiếc là có nhiều anh chị em cả Mỹ lẫn Việt không thích căn cứ vào đó để hành xử trong đời nầy.
Trước khi trình bày về lời Kinh thánh dạy dỗ chúng ta trong cách xưng hô đối với một cặp vợ chồng thì chúng tôi xin nhận định về quan điểm đã đề cập ở trên, là lý do khiến cho nhiều Cơ-đốc-nhân thay đổi cách xưng hô với người phối ngẫu của các tôi tớ Chúa.
Thứ nhất là về việc biện minh rằng chỉ có người chồng dâng mình hầu việc Chúa nên không thể gọi người vợ là bà mục sư được. Lập luận như vậy là cố tình cãi chối sự thật trước mắt. Nếu người vợ không đồng ý với việc người chồng dâng mình hầu việc Chúa thì họ đã không tiếp tục sống với nhau như vậy. Mặc dầu trên danh nghĩa là chỉ có người chồng dâng mình mà thôi, nhưng chúng ta phải thấy rằng người vợ có sự hiệp một trong quyết định của chồng, hoặc ít nữa cũng chấp nhận đó như là một thực tế không thể thay đổi để tiếp tục duy trì cuộc sống hôn nhân. Chúng tôi chưa trưng dẫn Kinh thánh tại đây để nhận định về lý do nầy, nhưng nếu trên mặt hành chánh và luật pháp xã hội đã công nhận họ là một cặp vợ chồng thì không lý nào Cơ-đốc-nhân lại dùng quan điểm cá nhân để xưng hô ngược với điều đó. Từ xưa dân gian Việt Nam vẫn gọi những cặp vợ chồng theo danh xưng của người chồng, chẳng hạn như ông bà bác sĩ, ông bà thẩm phán. Ngay cả khi người chồng là thầy giáo mà người vợ chỉ giữ việc nội trợ tại nhà, thì các học sinh và phụ huynh vẫn thường gọi là thầy cô. Tại sao Cơ-đốc-nhân lại xưng hô ngược lại với thói quen đó? Có những thói quen xấu của đời người mà Cơ-đốc-nhân cần phải tránh, nhưng việc dùng chức phận của người chồng để gọi chung luôn cả vợ không phải là điều xấu. Vả lại, người xưa Việt Nam có câu ‘của chồng, công vợ’ với ý nói rằng danh phận của người chồng mà thành đạt ngày hôm nay cũng có một phần công của vợ. Chắc hẳn chúng ta đều biết những câu ca dao như ‘một quan là tám trăm đồng, chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi’ để nói về công của những người vợ chăm chỉ ngày đêm giúp đỡ chồng học tập thành tài. Dùng danh phận của chồng để gọi luôn cả người vợ là cách mà chúng ta khích lệ những người phụ nữ ân cần đảm đang trong xã hội, đó là điều tốt, điều nên làm, tại sao Cơ-đốc-nhân lại vì tư tưởng của cá nhân mà trở thành dở hơn thói thường của người thế gian? Nếu quan điểm thông thường của thế gian mà các anh chị em kia còn chưa học được, thì hy vọng gì các anh chị em ấy học được từ lời của Ðức Chúa Trời?
Nói đi thì phải nói lại, mặc dầu có những người vợ không xứng đáng với danh phận của chồng, thì không phải vì cớ những người chưa xứng đáng mà phủ nhận công khó của những người khác xứng đáng hơn. Chúng ta thường thường dùng điều tốt, gương tốt để khích lệ mọi người, chớ có ai dùng gương xấu để làm nản lòng cả những người tốt? Dẫu rằng có những người phụ nữ, cả trong Hội thánh lẫn ngoài xã hội, đã không nâng đỡ chồng mà còn làm cho chồng nhiều khi thân bại danh liệt, nhưng không phải vì cớ đó hoặc vì cớ họ mà bỏ truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay. Nếu vì cớ người chưa xứng đáng để nhân cơ hội đó hành xử xấu, xưng hô sai trật thì lấy gì để hy vọng về sự phát triển của xã hội, của văn hóa? Ðáng lẽ Cơ-đốc-nhân, vốn là muối của đất, ánh sáng của thế gian, phải hiểu điều đó, cớ sao lại vì văn hóa khác biệt của ngoại quốc mà bỏ đi truyền thống tốt đẹp trong vòng dân Việt chúng ta?
Thứ hai, có người lý luận rằng gọi như vậy để phân biệt giữa vợ của mục sư và người phụ nữ đã được tấn phong làm mục sư (như trong một số các hệ phái của Tin Lành). Nhưng đây không phải là lý do có thể đứng vững được. Chúng tôi sẽ trưng dẫn Kinh thánh để làm rõ hơn về điều nầy. Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta phải nhớ rằng khi xưng hô với vợ chồng người tôi tớ Chúa thì không chỉ người trong Hội thánh nghe mà cả người chưa tin Chúa cũng nghe nữa. Thí dụ khi có một người chưa biết Chúa có mặt trong buổi gặp gỡ hoặc nói chuyện giữa chúng ta và vợ chồng của một mục sư, thì nếu chúng ta giới thiệu đây là ông mục sư A và bà B (hoặc giả có thể giới thiệu rằng đây là ông mục sư và bà Nguyễn văn A) thì người chưa tin có thể tưởng là ông mục sư đi chung với bà B (hoặc bà Nguyễn văn A) rồi từ đó sẽ dẫn đến thắc mắc, thậm chí hiểu lầm, rồi dẫn đến việc phải giải thích cho rõ ràng. Tại sao không thể giới thiệu chung là ông bà Mục sư Nguyễn văn A, có phải minh bạch hơn không?
Trong thực tế có trường hợp Cơ-đốc-nhân dùng cách xưng hô như vậy để gián tiếp trả thù vợ của người hầu việc Chúa. Một số người nghĩ rằng không nên đụng đến kẻ chịu xức dầu của Chúa (như lời Kinh thánh đã có phán trong 1Sa-mu-ên 24: 7. Về quan điểm nầy thì chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác) nên thường xoay sang đả kích người vợ của mục sư để hả cơn tức bực vì một chuyện mích lòng nào đó. Thế là họ tuyên bố ‘chỉ có ông mục sư dâng mình hầu việc Chúa thôi, còn bà thì không xứng đáng để chúng tôi gọi là bà mục sư’. Những người nói như vậy thường là mâu thuẫn với chính họ. Khi có chuyện giận hờn và được mục sư đến thăm để khuyên nhủ thì họ có thể nói: ‘Chuyện của tôi không cần ông mục sư xen vào’. Nhưng cuộc hôn nhân của tôi tớ Chúa thì họ ngang nhiên mà phê bình rằng người vợ của mục sư có thật đồng ý cùng chồng dấn thân hầu việc Chúa hay không và quyết đoán rằng người ấy có xứng đáng để được gọi là bà mục sư hay không. Tại sao các người đó lại mâu thuẫn đến như vậy? Chúng tôi hy vọng rằng đang viết bài nầy cho những người trưởng thành chớ không phải là cho trẻ thơ.
Bây giờ thì chúng tôi sẽ giãi bày Kinh thánh để chúng ta thấy rằng sự xưng hô bất nhất như thế là sai so với tiêu chuẩn mà Ðức Chúa Trời đã chỉ định. Khi đề cập đến hôn nhân thì nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là sự hiệp một của vợ chồng:
(Sáng thế ký 2: 24) Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.
Nguyên tắc nầy không chỉ áp dụng cho hai người bước vào cuộc hôn nhân mà còn cho cả gia đình hai bên, Hội thánh và xã hội bên ngoài nữa.
Chúng ta thử suy nghĩ đến câu chuyện về Na-ô-mi và Ru-tơ thì sẽ thấy được nguyên tắc hiệp một trong hôn nhân được bày tỏ rõ ràng như thế nào. Vì thương bà Na-ô-mi và ý thức được sự hiệp một mà Chúa đã chỉ định, nghĩa là sau khi đã thành hôn với con trai của bà thì Ru-tơ phải xem mẹ chồng như mẹ ruột, nên Ru-tơ đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng:
(Ru-tơ 1: 16) Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!
Không những Ru-tơ nhận biết như vậy mà Na-ô-mi cũng nhận biết nữa khi bà gọi hai con dâu là con gái của bà:
(Ru-tơ 1: 11-) Na-ô-mi đáp: Hỡi hai con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm chi? Mẹ há còn những con trai trong lòng có thế làm chồng chúng con sao? Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi đi; mẹ già quá mà lấy chồng nữa. Lại dầu bây giờ mẹ nói: Ta có lòng trông mong, từ chiều nay ta sẽ có chồng, dẫu ta sanh đẻ con trai đi nữa, chúng con há lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ.
Dầu vậy, bà vẫn để cho hai con dâu được quyền chọn lựa. Ọt-ba thì trở về với dân Mô-áp, nhưng Ru-tơ thì cương quyết giữ theo nguyên tắc mà Chúa đã chỉ định trong hôn nhân, nên theo mẹ chồng đi sang xứ Giu-đa. Quyết định của Ọt-ba là sai lầm nên đó là lần duy nhất tên của bà được đề cập đến rồi mất biệt vào trong lịch sữ loài người, nhưng quyết định của Ru-tơ đẹp lòng Ðức Chúa Trời nên bà trở thành người dự phần trong gia tộc của Ðức Chúa Jêsus.
Nếu các anh chị em kia cho rằng mình là người hiểu biết Kinh thánh để quyết định thay đổi cách xưng hô với người phối ngẫu của tôi tớ Ðức Chúa Trời, thì chắc phải biết ý nghĩa trong câu chuyện của Ru-tơ. Vậy thì tại sao các anh chị em ấy lại muốn làm ngược với ý muốn của Ðức Chúa Trời và từ chối chấp nhận sự hiệp một của họ trong hôn nhân, dẫu rằng chỉ qua ngôn từ xưng hô mà thôi?
Ngay từ ban đầu Ðức Chúa Trời đã dạy dỗ phương pháp mà những người nam người nữ sau nầy có thể tìm thấy được hạnh phúc trong hôn nhân, đó là sự hiệp một của hai đời sống. Sự hiệp một mà Chúa đã chỉ định không chỉ giới hạn về thể chất, mà cả trong phương diện tinh thần lẫn thuộc linh. Con người từ xưa đến nay thường không biết nguyên tắc nầy nên ít khi tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân. Một điều đáng buồn là ngay cả Cơ-đốc-nhân cũng xem thường nguyên tắc quan trọng nầy nên đời sống vợ chồng cũng không hơn gì người chưa biết Chúa. Cũng vì không chú ý đến nguyên tắc nầy nên một số Cơ-đốc-nhân mới có cách xưng hô tách biệt như chúng ta đang bàn thảo đây. Nếu hai người đã kết hợp làm một trong cả đời thuộc linh và thuộc thể thì tại sao danh xưng của họ lại bị chia xé ra?
Hiệp một trọn vẹn trong hôn nhân là sự chỉ định của Chúa và lời Ngài là luật pháp, là điều răn, không thể cãi chối, cũng không thay đổi được. Vậy mà lại có Cơ-đốc-nhân muốn phá bỏ sự chỉ định ấy qua cách xưng hô với người phối ngẫu của tôi tớ Ðức Chúa Trời. Chẳng những vậy thôi các anh chị em ấy lại tưởng rằng họ hiểu biết lời Kinh thánh hơn người khác. Dùng tư tưởng cá nhân hoặc du nhập xu hướng của thế gian vào đời sống Cơ-đốc-nhân, thậm chí làm ngơ, thay đổi nguyên tắc mà Ðức Chúa Trời đã chỉ định, dầu rằng chỉ trong sự xưng hô mà thôi, quý anh chị em nghĩ rằng như vậy đẹp lòng Ðức Chúa Trời?
Ngoài ra, quan trọng hơn nữa, thì sự hiệp một trong hôn nhân được Ðức Chúa Trời dùng làm hình bóng cho sự kết hiệp của Ðấng Christ và Hội thánh:
(Ê-phê-sô 5: 31-32) Vậy nên người đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt. Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội thánh vậy.
Lời của Chúa nhấn mạnh rằng ấy là một sự mầu nhiệm lớn, nghĩa là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong đời sống của Cơ-đốc-nhân giữa thế gian, vì qua cuộc hôn nhân của con cái Chúa mà người ta hiểu về tình yêu của Ðấng Christ đối với Hội thánh của Ngài. Cơ-đốc-nhân chúng ta là Hội thánh của Ngài và tình yêu của Chúa dành cho chúng ta thì hẳn là ai cũng biết. Tình yêu đó là tuyệt diệu hơn hết, bền chắc hơn hết:
(Rô-ma 8: 32-35) Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta. Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng?
Lời Chúa đã khẳng định rằng tình yêu của Chúa dành cho Hội thánh của Ngài vĩnh viễn không thể bị phân rẽ bởi bất cứ điều gì trong thế gian. Chính vì lẽ đó mà Ðức Chúa Jêsus đã nghiêm cấm không cho bất cứ ai được phân rẽ sự kết hiệp ấy, mà Chúa đã dùng cuộc hôn nhân của tôi con Ngài làm hình bóng cho thế giới loài người:
(Ma-thi-ơ 19: 6) Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!
(Mác 10: 9) Vậy, người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp.
Vậy thì những kẻ kia là ai mà dám trái mạng Ðức Chúa Trời, dám phân rẽ cuộc hôn nhân của người tôi tớ Chúa, dẫu chỉ qua lời xưng hô mà thôi? Các anh chị em muốn trở nên kẻ sai lầm như Ọt-ba? Các anh chị em nghĩ mình là ai mà dám làm ngược lại điều Ðức Chúa Trời đã chỉ định, dẫu chỉ qua ngôn từ mà thôi? Lời của Chúa đã phán tỏ tường rằng vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy thì khi chúng ta thấy người vợ tức là đang thấy chồng, mà khi thấy chồng tức là đang đối diện với vợ, vậy mà chúng ta muốn đổi cách xưng hô, xem họ như là hai người tách biệt? Cũng là Cơ-đốc-nhân mà sao các anh chị em kia khinh dễ lời Kinh thánh quá như vậy? Ðã thế lại còn dùng tư tưởng cá nhân, xu hướng của loài người để biện minh, lý luận nghịch lại nguyên tắc trong hôn nhân mà Ðức Chúa Trời đã truyền phán? Chúng tôi lo cho đức tin của các anh chị em, vì thiếu hiểu biết lời Kinh thánh trong những vấn đề căn bản như vậy.