DÀNH NHIỀU THÌ GIỜ VỚI CON TRẺ

DÀNH NHIỀU THÌ GIỜ VỚI CON TRẺ

Kinh thánh: Thi thiên 128: 1-6

Câu gốc: THI THIÊN 128: 3 – Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu; Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve.

*******

Trong số các anh chị em có liên lạc với tôi để thăm hỏi thì có người muốn biết thêm về sự ứng dụng của Kinh thánh vào thực tế của đời sống hàng ngày để nhờ đó có thể được khích lệ để đọc Kinh thánh nhiều hơn. Vì vậy Chúa nhật hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về đề tài DÀNH NHIỀU THÌ GIỜ HƠN VỚI GIA ĐÌNH để thấy rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta có một đời sống sung mãn trong Ngài cả về phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể. Dầu vậy vì quyển Kinh thánh được Chúa dùng để dạy dỗ chúng ta về nhiều phương diện khác nhau của đời sống, mà trọng tâm là về đức tin và đời thuộc linh, nên không thể nào ghi lại một cách chi tiết về mọi điều cần phải làm, vì như vậy thì quyển Kinh thánh sẽ dày và to lắm, thành thử chính chúng ta phải liên hệ thêm với những điều đang xãy ra trong đời thường để có thể thấy được sự dạy dỗ của Kinh thánh rõ ràng là như thế nào.

Tất cả chúng ta đều biết rằng gia đình là nền tảng của xã hội, của một quốc gia. Gia đình có vững mạnh và yên ổn thì quốc gia mới thanh bình thịnh vượng. Trong phương diện thuộc linh thì gia đình cũng có một ảnh hưởng lớn lao giống như vậy. Nếu gia đình của Cơ-đốc-nhân ổn định, vui vẻ thì việc giữ đức tin cá nhân cũng như việc tăng trưởng đời thuộc linh cũng sẽ được kết quả tốt. Chính vì vậy mà chúng ta phải hết sức quan tâm đến sự vững mạnh của gia đình. Muốn được như vậy thì mỗi một thành viên trong gia đình, nhất là những bậc cha mẹ phải dành nhiều thì giờ với con cái để giúp đỡ và hướng dẫn con biết bước đi trung tín trong con đường tin kính Chúa.

Mặc dầu trẻ nhỏ có những thú vui riêng của con nít, và ở tại Hoa-kỳ nầy thì trẻ em có đủ mọi thứ đồ chơi và cũng có phòng ốc riêng biệt để không làm rộn cha mẹ, nhưng chúng ta phải dành nhiều thì giờ chuyện trò với con để giúp cho các cháu được cởi mở và tránh bị áp lực tâm lý.

Một trong những sai lầm lớn của các bậc phụ huynh trong xã hội ngày nay là thường nghĩ rằng con nít không có bị áp lực tinh thần giống như người lớn. Nhiều khi chúng ta cứ tưởng rằng trẻ nhỏ phải chờ đến lúc bước vào tuổi thiếu niên rồi mới bị áp lực tâm lý. Nhưng kết quả từ các cuộc nghiên cứu về sức khỏe của trẻ em đã cho biết sự thật hoàn toàn khác hẳn.

Một cuộc nghiên cứu tâm lý về hơn 2,000 trẻ em Trung tâm quốc gia Nghiên cứu về sức khỏe tinh thần của Người trưởng thành và Trẻ em tại tiểu bang Quebec của Canada đã cho thấy rằng các ấu nhi có sự lo lắng và bị áp lực tâm lý từ ngày đầu tiên bước vào lớp mẫu giáo. Tình trạng tinh thần nầy thấy xãy ra đối với hầu hết trẻ em từ 5 năm đầu tiên kẻ từ ngày mới sinh.

Tại Hoa-kỳ thì các chuyên gia về tâm lý của viện Đại học tiểu bang Michigan cũng cho biết là sự khám phá về tình trạng bị căng thẳng thần kinh trong vòng trẻ em là điều làm cho các nhà nghiên cứu cũng phải ngạc nhiên vì từ trước đến nay mọi người đều lầm tưởng rằng chỉ có người lớn và thanh thiếu niên mới bị tình trạng đó mà thôi, còn trẻ em trong tuổi ấu nhi thì đương nhiên là sống vô tư và không có lo lắng gì.

Nếu chúng ta chịu khó tra cứu và để ý vào lời Kinh thánh thì sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời đã có phán bảo về trạng thái tinh thần và thói quen của trẻ em từ ngàn xưa để các bậc phụ huynh có thể nhờ đó mà quan tâm dạy dỗ con cái của mình cho thật tốt, như có chép trong

CHÂM NGÔN 20: 11 – Công việc con trẻ làm, hoặc trong sạch hoặc chánh đáng, cũng đều tỏ bản tánh nó ra.

Khi nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thần kinh căng thẳng của trẻ em thì các chuyên gia của viện Đại học Tự do tại thủ đô Berlin và Hội đồng Y tế của Đức đã cùng cho biết là môi trường chung quanh có tác động rất lớn đến tâm trí của trẻ nhỏ. Khoảng 70% trường hợp căng thẳng thần kinh của trẻ em bắt nguồn từ nguyên nhân nầy, chẳng hạn như mất cha mẹ vì qua đời, hoặc vì ly dị nhau, hoặc là không có được mối liên hệ vui vẻ hài hòa với cha mẹ. Các chuyên gia cho biết là trẻ em ở trong độ tuổi ấu nhi không thể thích ứng được với những hoàn cảnh như vậy và vì thế mà bị áp lực tâm lý. Nếu không chịu khó để ý thì rất khó mà phát hiện vì các em sẽ tập trung vào các trò chơi để cố quên mà cha mẹ lại tưởng là các em còn vô tư.

Vì vậy họ cho biết là trẻ em trong các gia đình mà có cha mẹ ly dị, cũng như các gia đình mà trong đó cha mẹ cứ cãi vã nhau thường xuyên thì sẽ tạo nên tình trạng căng thẳng thần kinh cho con cái và các em sẽ lớn lên trong sự mất quân bình trong đời sống mặc dầu phải để ý lắm mới nhận thấy. Một điều đáng chú ý mà các chuyên gia tâm lý cho biết là nếu cha mẹ không chịu khó quan tâm đến trạng thái tinh thần của con cái của mình lúc nhỏ thì khi các em càng lớn thì càng có khả năng che dấu kỷ hơn, nhưng áp lực tinh thần thì vẫn còn đó và sẽ khiến các em có những thói quen hành động dường như là muốn chống đối với các bậc sinh thành của mình.

Những chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em đều có chung một nhận xét là nếu con trẻ lớn lên trong một gia đình thiếu hạnh phúc, thiếu sự hài hòa vui vẻ thì các em sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng tâm lý và mang vết thương nguy hiểm nhưng vô hình nầy suốt cả cuộc đời.

Các chuyên gia cho biết là để tránh tình trạng nầy thì các xung đột trong gia đình phải được mau chóng giải quyết hầu cho gia đình được thuận hòa, yên ổn hầu cho các em có thể lớn lên trong môi trường tràn đầy hạnh phúc và vui vẻ.

Vì vậy mà từ ngàn xưa Kinh thánh đã cho chúng thấy hình ảnh tươi đẹp của một gia đình hạnh phúc là như thế nào để Cơ-đốc-nhân có thể nhờ cậy sự giúp đỡ của Chúa mà xây dựng một mái ấm, một môi trường tốt cho con cái mình được lớn lên và phát triển một cách quân bình, như có chép trong Thi thiên:

THI THIÊN 128: 3 – Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu; Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve.

Trong câu gốc nầy thì lời Kinh thánh cho chúng ta thấy quan cảnh của một gia đình hạnh phúc và điểm đặt biệt là có nhắc đến cái bàn ăn. Thông thường thì khi đọc Kinh thánh Cơ-đốc-nhân chúng ta ít khi chú ý đến những chi tiết nhỏ nhỏ như vậy. Nhưng chúng ta có thể nhớ lại rằng Đức Chúa Jêsus đã từng phán rằng một chấm một nét của lời Ngài không bỏ đi được, thì điều đó có nghĩa là những chữ dường như không mấy quan trọng trong một câu gốc vẫn có ý nghĩa thiết thực với đời sống thường ngày của Cơ-đốc-nhân. Vì vậy chữ cái bàn ở đây cho thấy là một gia đình hạnh phúc thì thường quây quần với nhau trong các bữa ăn, nhất là bữa ăn tối, vì ban ngày thì các thành viên trong gia đình có thể đi học đi làm, nhưng khi tối về thì chắc chắn là sẽ có đủ mặt tại nhà.

Trong đời sống hiện đại ngày hôm nay thì chúng ta thường bị bận rộn quá đến nỗi ít có thì giờ cho nhau. Cha mẹ thì bận rộn công việc làm lo toan miếng cơm manh áo cho gia đình. Con cái thì bận rộn chuyện học tập để chuẩn bị cho tương lai. Thêm nữa, những khi rỗi rảnh thì chúng ta lại bị thu hút bởi bởi internet, nào là chat online, nào là e-mail, điện thoại, rồi mỗi người trong gia đình bận rộn xem Youtube, Facebook và theo dõi thời sự qua mạng internet hoặc xem phim bộ trên TV. Tất cả những điều đó làm cho cha mẹ và con cái không có thì giờ với nhau, nếu có thì chỉ là vài ba phút hỏi xem tình hình của nhau ngày hôm nay như thế nào rồi mạnh ai nấy làm chuyện riêng mình. Chính vì vậy mà mối tương quan liên hệ trong gia đình bị ảnh hưởng, đến nỗi cha mẹ không gần gũi và thông hiểu con cái, còn các em thì càng ngày càng thấy xa cha mẹ dần, không còn muốn nói chuyện nhiều nữa, chỉ nói khi thật cần thiết mà thôi.

Vì vậy, theo như lời Kinh thánh thì mỗi gia đình Cơ-đốc-nhân chúng ta nên cố gắng có thời giờ xum họp với nhau tại bàn ăn với tinh thần vui vẽ, vì đó là lúc chúng ta đáng được vui mừng, thỏa lòng và no bụng, là lúc để chúng ta không những thưởng thức món ăn ngon sau một ngày làm việc học tập mệt nhọc mà cũng là lúc để chuyện trò, cảm thông nhau trong những điều khó khăn, vui buồn xãy ra trong sinh hoạt của ngày hôm ấy.

Nếu chúng ta biết yêu quý và hết sức duy trì bữa ăn tối của gia đình trong tinh thần và không khí như vậy thì sẽ tránh được những hoàn cảnh đáng tiếc xãy ra và tạo cho con cái một môi trường hạnh phúc đầm ấm để các em có thể trưởng thành một cách trọn vẹn cả về đức tin, sức khỏe và tinh thần.

Theo các số liệu thống kê cho biết thì trong những thập niên gần đây khi dân chúng Hoa-kỳ càng ngày càng có nhiều người từ chối niềm tin trong Đức Chúa Jêsus thì mức độ tử tử đã tăng rất cao. Kể từ năm 1999 đến năm 2016 tỷ lệ tử tử của người dân Hoa-kỳ đã tăng 41%. Nếu chỉ tính riêng trong độ tuổi thanh thiếu niên thì cứ mỗi năm có khoảng 1,120,185 vụ trẻ em tìm cách tự tử, nghĩa là khoảng 3,069 vụ mỗi một ngày, trong đó có em còn chưa đến độ tuổi thiếu niên nữa. Người ta cho biết là mỗi năm số thanh thiếu niên tự tử nhiều hơn là số tử vong của bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh AIDS, bị hư thai, bị đột quỵ, chết vì bệnh cảm cúm và vì bệnh phổi cộng lại. Nhiều người có nhận xét chung là thanh thiếu niên Hoa-kỳ đã hoàn toàn mất phương hướng trogn cuộc sống và không còn thấy đời sống con người có ý nghĩa nữa.

Hai trong những thí dụ điển hình là trường hợp của em bé gái Allison Wendel tại Santa Ana thuộc tiểu bang California đã tự tử vào ngày 13 tháng Mười vừa qua khi mới chỉ 10 tuổi và em bé gái Mallory Rose Grossman tại tiểu bang New Jersey đã treo cổ tự tử vào năm 2017 khi mới vừa được 12 tuổi. Tôi không có thời gian để tường thuật chi tiết hai vụ tử tử nầy, quý Hội thánh có thể thấy tựa đề ở trên bảng và đọc thêm trên báo chí. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hai cái chết của các em là do cha mẹ quá ỷ y, nghĩ rằng con mình còn nhỏ tuổi chưa thể có những áp lực tâm lý nặng nề nên không quan tâm và không theo sát em để hỏi han và cảm thông.

– California girl, 10, commits suicide; police investigating whether bullying to blame.

– Cyberbullying on rise in US: 12-year-old was ‘all-American little girl’ before suicide

Theo các cuộc nghiên cứu và thăm dò quần chúng thì người ta thấy rằng có đến 69% cha mẹ cho biết là họ quá quan tâm đến những điều được thể hiện qua điện thoại di động đến nỗi không có thì giờ cho con cái của họ và vì vậy mà có nhiều ảnh hưởng tiêu cực xãy ra trong gia đình và đối với mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Hơn phân nữa những người được thăm dò trong cuộc nghiên cứu cho biết là đã nhiều lần con họ than phiền về việc họ quá chú ý đến cái điện thoại và đã yêu cầu cha mẹ phải bỏ cái điện thoại xuống để có thì giờ với các em. Những cha mẹ ấy cũng cho biết rằng họ bị bệnh ghiền điện thoại giống như người ta nghiện ma túy và các chuyên gia đã gọi điện thoại di động là điếu thuốc lá của nền văn kinh kỹ thuật ngày hôm nay.

Vì vậy, đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta, nhờ lời của Chúa nhắc nhở trong Kinh thánh thì chúng ta phải hết sức quan tâm đến con cái tại nhà ngay từ khi các em được sanh ra, vì đó là phần phước của Chúa ban cho cuộc hôn nhân của mình, như có chép trong Thi thiên:

THI THIÊN 127: 3 – Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.

Sự quan tâm của chúng ta cho con cái không chỉ là lo cho các con được đầy đủ về thực phẩm, quần áo, được đến trường học hành, mà phải quan tâm đến cả tinh thần của các các con nữa. Theo sự góp ý của các chuyên gia thì chúng ta cần phải dành nhiều thì giờ cho gia đình, nhất là cho con cái mà chúng ta đã được Chúa ban cho. Trách nhiệm nầy phải được cả cha lẫn mẹ thực hiện, chớ không phải chỉ có một người làm thế cho người kia như điều vẫn thường thấy xãy ra trong các gia đình. Ngay cả lời nói của chúng ta đối với các con, ngay cả là lời mà vợ chồng nói với nhau cũng phải cẩn thẫn nữa, để tinh thần của các em được ổn định vui vẻ khi thấy gia đình đầm ấm hạnh phúc. Câu Kinh thánh quen thuộc với chúng ta trong Gia-cơ có thể áp dụng một cách chính xác với cách chúng ta nói chuyện với con cái ở tại nhà:

GIA-CƠ 1: 19 – Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận.

Trong vai trò là cha mẹ thì chúng ta nên chịu khó lắng nghe con mình nói để hiểu các em hơn là bắt con cứ phải nín thinh để nghe mình nói. Các chuyên gia tâm lý cho biết là khi con trẻ không thể nói tự do ở tại nhà thì các em sẽ có khuynh hướng muốn rời khỏi nhà sớm để được tự do bày tỏ tâm ý của mình ơ nơi khác, hoặc sẽ không thèm nói gì nữa với cha mẹ. Sự nín lặng lâu ngày tại nhà sẽ làm cho các em bị áp lực tinh thần. Nếu chúng ta thử tự buột mình nín lặng tại nhà như vậy thì sẽ thấy tâm lý bị ảnh hưởng mạnh mẽ là thế nào. Ngoài ra thì chúng ta cũng chớ nên nổi giận khi con mình nói điều nào đó sai. Ai trong chúng ta cũng có sai lầm trong lời nói nên khi chúng ta là cha mẹ thì phải chịu khó kiên nhẫn và dịu dàng để sửa con lại, chớ không nên nổi giận. Việc la mắng chỉ làm cho các con nín lặng nhiều hơn mà thôi, sẽ làm cho con sợ, thậm chí ghét cả cha mẹ và sự nín lặng như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần của các em.

Và trên hết mọi sự đó là phải biết hướng dẫn các các con đi trong đường kính sợ Chúa để các em có mục tiêu xứng đáng và cao thượng cho đời sống cá nhân của các em khi trưởng thành, để các em được Ngài hướng dẫn, bảo vệ suốt cả đời, vì cớ chúng ta là cha mẹ sẽ không thể theo sát được với con suốt 24 tiếng đồng hồ, cũng như không thể tiếp tục sống hoài với các con. Vì vậy các bậc cha mẹ phải làm theo lời khuyên dạy của Chúa đã được chép trong Châm ngôn:

CHÂM NGÔN 22: 6 – Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.

Nói như vậy không có nghĩa là đưa con đến nhà thờ là đã đủ mà phải xem xét để biết con học được những điều gì để chúng ta có thể giúp đỡ và giải thích thêm tại nhà, để khích lệ và khuyên nhủ các con trong đức tin, vì đó là lợi ích của các em và cũng là lợi ích cho cả gia đình chúng ta nữa.

Cầu xin Chúa cho chúng ta có thể ghi nhớ lời của Ngài để dạy dỗ và hướng dẫn cho con cháu ở tại nhà, hầu cho các em được vui thỏa trong gia đình để chuẩn bị một cách đầy đủ cho những năm tháng tương lai khi các em lớn khôn, trưởng thành và phải tự mình đối phó với những nghịch cảnh trong cuộc sống của đời người giữa trần gian. Cầu xin Chúa ban phước cho gia đình của chúng ta, nhất là cho thế hệ trẻ của Hội thánh qua lời của Ngài. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *