ÐẤNG CHRIST VÀ LUẬT PHÁP
Vì được một số anh chị em hỏi thăm về vấn đề dâng một phần mười và trưng dẫn luật pháp của Chúa trong Kinh thánh để giải thích lý do tại sao họ không chịu tuân thủ luật pháp của thời kỳ Cựu ước, nên chúng tôi cũng xin góp phần để cùng nhau hiểu biết về chân lý và lẽ thật của Chúa nhiều hơn.
Trước hết, chúng tôi muốn trình bày về vấn đề vâng giữ luật pháp trong thời kỳ ân điển để làm nền tảng cho việc giải bày mạng lệnh của Chúa liên quan đến vấn đề dâng phần mười trong Hội thánh ngày hôm nay.
Trong vòng Cơ-đốc-nhân chúng ta có nhiều người lầm lẫn về việc Ðức Chúa Jêsus vào trần gian để làm trọn luật pháp. Họ cho rằng vì Chúa đã dâng chính thân Ngài trên thập tự giá để chuộc tội loài người nên từ đó trở đi những ai tin Ngài đều không bị ràng buột bởi luật pháp nữa. Nhưng hiểu như vậy là chưa đúng với sự giải bày mà Ðức-Chúa-Trời đã có cho ghi lại trong Kinh thánh.
Cơ-đốc-nhân chúng ta cần nên phân biệt hai lẽ thật quan trọng liên quan đến Ðấng Christ như thế nầy:
– Ðức Chúa Jêsus vào trần gian chịu chết để làm trọn chương trình cứu rỗi loài người của Ðức-Chúa-Trời.
– Ðức Chúa Jêsus vào trần gian để làm trọn vẹn (bổ sung cho đầy đủ) luật pháp của Cựu ước.
Khi Ðức Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá thì đó là của lễ cuối cùng dâng cho Ðức-Chúa-Trời để từ ấy đến nay loài người, nhất là người Y-sơ-ra-ên, không cần phải dùng đến tế lễ nào khác để được sự tha tội từ nơi Ðức-Chúa-Trời:
(Hê-bơ-rơ 9: 12) Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.
(Hê-bơ-rơ 7: 27) Không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ.
Như vậy, sự hy sinh của Ðấng Christ trên thập tự giá đã làm trọn chương trình cứu rỗi loài người của Ðức-Chúa-Trời. Chúng tôi tin rằng tất cả các Cơ-đốc-nhân đều hiểu về lẽ thật nầy. Nhưng lẽ thật thứ hai liên quan đến Ðấng Christ và luật pháp thì lại có nhiều người lầm lẫn. Họ cho rằng Ðức Chúa Jêsus đã làm trọn luật pháp nên Cơ-đốc-nhân sống trong thời kỳ ân điển không còn bị bắt buột tuân theo luật pháp nữa, nhất là luật pháp có từ thời Cựu ước. Những người nầy hiểu chữ trọn nghĩa là chấm hết, chấm dứt. Nhưng thật ra chữ trọn mà Ðức Chúa Jêsus phán trong câu nầy có nghĩa là được đầy đủ hơn:
(Ma-thi-ơ 5: 17) Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.
Một trong những nguyên tắc suy gẫm Kinh thánh là nghiên cứu từng chữ, nhất là những chữ có liên quan với nhau, sau đó so sánh với những câu khác trong Kinh thánh để làm cho rõ nghĩa, thì như vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta mới thấu suốt được ý nghĩa trong lời của Ðức-Chúa-Trời.
Ðối với lời phán nầy của chính Ðức Chúa Jêsus, thì khuyết điểm của Cơ-đốc-nhân là chỉ suy nghĩ đến phần sau của lời phán ấy, mà lại bỏ qua phần đầu, là phần có mối liên quan rất hệ trọng.
Khi Ðức Chúa Jêsus phán rằng Ngài không phải đến trần gian để phá bỏ luật pháp thì điều đó có nghĩa là ngay trong thời kỳ ân điển mà Cơ-đốc-nhân chúng ta đang sống đây, luật pháp vẫn còn có hiệu lực trong nếp sinh hoạt thường ngày của chúng ta, từ phương diện thuộc linh đến phương diện thuộc thể. (Vì nếu không có luật pháp thì làm sao Cơ-đốc-nhân biết sống đạo như thế nào cho đúng?)
Dầu vậy tại chỗ nầy có sự khác biệt giữa luật pháp của hai thời kỳ:
Luật pháp của Cựu ước dẫn người ta đến chỗ có đức tin trong Ðấng Christ:
(Ga-la-ti 3: 24) Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình.
Ðiều đó có nghĩa là luật pháp thời Cựu ước giúp cho con người nhận biết rằng tự họ không thể sống trọn vẹn theo luật pháp để nhờ đó được sự cứu rỗi, nên khi Ðức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong trần gian thì loài người phải nhờ Ngài (tin nhận Chúa) mới có thể được kể là công bình. Nhưng khi đã có đức tin nơi Ðức Chúa Jêsus rồi thì Cơ-đốc-nhân phải biết sống theo luật pháp (nhờ nơi năng lực mới của sự tái sanh mà Chúa ban cho) để làm chứng tốt về Ðức-Chúa-Trời và luật pháp trọn vẹn của Ngài cho những người chưa tin. Chính vì lẽ đó mà Kinh thánh cho biết rằng Cơ-đốc-nhân là những người làm vững bền luật pháp:
(Rô-ma 3: 31) Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.
Vì vậy Kinh thánh mới gọi luật pháp của Cựu ước là luật pháp của việc làm, còn luật pháp trong thời kỳ ân điển là luật pháp của đức tin:
(Rô-ma 3: 27) Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin.
Nói một cách khác, mặc dầu đã tin Chúa rồi nhưng Cơ-đốc-nhân vẫn phải vâng giữ luật pháp và điều răn, vì nếu không thì người ấy kể như chưa có đức tin thật:
(1Giăng 3: 24) Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta, là nhờ Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Lời Kinh thánh đã khẳng định rằng dẫu tin Chúa nhưng một người chỉ được kể là ở trong Ðức-Chúa-Trời và Ðức-Chúa-Trời ở trong người ấy khi chính họ biết vâng giữ, biết làm theo luật pháp và điều răn của Ngài.
Vì vậy nếu Cơ-đốc-nhân cho rằng vì mình đang sống trong thời kỳ ân điển nên không còn bị ràng buột bởi luật pháp nữa thì điều đó chứng tỏ rằng người ấy hoặc là người nói dối (vì cố tình hiểu sai chân lý trong lời của Chúa) hoặc chưa được Ðức-Thánh-Linh soi dẫn nên không hiểu được lẽ thật của Ngài:
(1Giăng 2: 4) Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.
Chính Phao-lô cũng đã xác nhận rằng ông vẫn ở dưới luật pháp của Ðấng Christ, nghĩa là ông vẫn phải vâng giữ luật pháp của Chúa:
(1Cô-rinh-tô 9: 21) Với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp.
Ðể cho dễ hiểu chúng tôi xin có một thí dụ minh họa thế nầy: Có một người ngoại quốc đến Việt Nam sinh sống và vì mong được hội nhập với xã hội nên anh bị bắt buột phải sống theo văn hóa của người Việt Nam, nhưng trong lòng anh có nhiều lúc thấy khó chịu, không được vui. Nếu anh thật sự trở thành người Việt thì văn hóa phong tục của Việt Nam không còn là điều làm anh khó chịu hoặc cảm thấy nặng nề nữa.
Cũng một thể ấy, luật pháp và điều răn trong Kinh thánh là do Ðức-Chúa-Trời đặt ra để chuẩn bị con người cho cuộc sống mai sau trong Thiên đàng. Vì muốn được cứu rỗi, muốn được vào Thiên đàng nên con người bị bắt buột phải vâng giữ luật pháp ấy, là điều trái ngược với bản chất tội lỗi của họ, nên thấy nặng nề, khó chịu, luôn có cảm giác như bị ràng buột. Nhưng khi một người tin nhận Ðức Chúa Jêsus để được tha thứ tội lỗi cũ đồng thời được tái sanh trong Chúa và được Ðức-Thánh-Linh thêm sức cho thì việc vâng giữ luật pháp không còn là gánh nặng khó chịu nữa, mà là điều họ tự nguyện vâng phục vì yêu Chúa và vì đã được kể là công dân của Thiên đàng, là con trai con gái của Ðức-Chúa-Trời Toàn năng, là hoàng tử và công chúa của Vương Quốc Ðời Ðời:
(1Giăng 5: 3) Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.
Chúng tôi có thể tóm tắt thế nầy: Ngày trước chúng ta bị bắt buột phải vâng gìữ luật pháp mà xác thịt chúng ta không muốn; nhưng sau khi đã được tái sanh trong Chúa thì chúng ta vâng giữ luật pháp một cách tình nguyện vì yêu Chúa và vì muốn làm sáng danh Ngài bằng đời sống mẫu mực của chúng ta. Ngày trước khi chưa được tái sanh chúng ta bị luật pháp ràng buột, nghĩa là ở dưới luật pháp, phải làm điều chúng ta không muốn làm. Ngày nay khi chúng ta đã tái sanh thì luật pháp không còn ràng buột chúng ta nữa, nhưng chúng ta ở trên luật pháp vì lấy lòng tự nguyện và vui mừng mà vâng giữ luật pháp ấy. Vì thế Kinh thánh mới gọi luật pháp của thời kỳ ân điển là luật pháp của sự tự do:
(Gia-cơ 1: 25) Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.
Luật pháp trọn vẹn là luật pháp của thời kỳ ân điển, nhờ sự dạy dỗ của Ðức Chúa Jêsus mà được trọn vẹn. Kinh thánh gọi luật pháp ấy là luật pháp của sự tự do, nghĩa là luật pháp mà Cơ-đốc-nhân thực hiện bằng lòng tự nguyện vì đã được tái sanh, được đổi mới. Sự giữ luật pháp ấy là bằng chứng, là kết quả của một đời sống có đức tin thật. Vì vậy đức tin giúp cho chúng ta được cứu rỗi và việc vâng giữ luật pháp giúp Cơ-đốc-nhân được phước.
Trong thời Cựu ước thì luật pháp đi trước hầu có sự cứu rỗi theo sau (nhưng người ta không đạt được). Còn trong thời kỳ ân điển thì đức tin đi trước, việc vâng giữ luật pháp theo sau vì là kết quả của một đời sống tái sanh (nhiều người đạt được vì tin nhận Cứu Chúa Jêsus Christ và được ơn ban của Ðức-Thánh-Linh).
Chúng ta có thể liên tưởng như thế nầy để hiểu rõ hơn về việc vâng giữ luật pháp trong Kinh thánh: Vì chúng ta là con dân Việt Nam nên văn hóa phong tục Việt Nam không thể là điều nặng nề đối với chúng ta. Cũng một thể ấy khi Cơ-đốc-nhân chúng ta được tái sanh và được kể là công dân của Thiên đàng thì luật pháp của Ðức-Chúa-Trời (là Ðấng đang ngự nơi Thiên đàng) không còn là điều nặng nề đối với chúng ta nữa. Chúng ta vâng giữ luật pháp ấy một cách dễ dàng với lòng tự nguyện nhờ sự thêm sức của Ðức-Thánh-Linh hầu có thể sống đẹp lòng Ðức-Chúa-Trời và để làm gương sáng cho mọi người.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, chẳng lẽ nào một vị hoàng tử, một cô công chúa lại đi phạm luật pháp của chính vương quốc mình? Trái lại, họ càng tôn trọng và vâng giữ luật pháp ấy cẩn thận hơn để làm gương cho người khác. Cũng một thể ấy, Cơ-đốc-nhân chúng ta đã là con cái của Ðức-Chúa-Trời, được kể là hoàng tử và công chúa của Thiên quốc, thì việc vâng giữ luật pháp của Thiên đàng phải là đức tính hàng đầu trong đời sống chúng ta. Ấy đó là lý do tại sao trong thời kỳ ân điển Cơ-đốc-nhân vẫn phải vâng phục luật pháp của Ðức-Chúa-Trời trong Kinh thánh. Và đó cũng là lý do mà Ðức Chúa Jêsus đã tuyên phán rằng Ngài đến để làm trọn luật pháp, tức là bổ sung và làm cho luật pháp thời Cựu ước được trọn vẹn hơn trong thời kỳ ân điển nầy.
Chúng ta chỉ cần xem xét về các lời dạy dỗ của Ðức Chúa Jêsus thì sẽ thấy ngay ý nghĩa của chữ làm trọn mà Ngài đã phán. Trước kia, trong thời kỳ Cựu ước thì một người chỉ bị kể là phạm tội khi bị bắt quả tang hoặc phải có hai ba người làm chứng:
(Phục truyền 19: 15) Chứng độc chiếc không đủ cớ định tội cho người nào, bất luận gian ác, tội lỗi nào mà người đã phạm; cứ theo lời của hai hay ba người chứng, thì sự mới định tội được.
Ðiều đó có nghĩa là dẫu một người phạm tội, nhưng nếu không bắt được quả tang hoặc không có ai làm chứng để buột tội thì trước mặt luật pháp người ấy vẫn được xem là vô tội. (Ðây là căn bản luật pháp cho loài người trong thế gian).
Nhưng đến thời kỳ ân điển thì dẫu không bị bắt quả tang hoặc không có người làm chứng, một người vẫn bị kể là phạm tội khi có tư tưởng bất khiết trong đầu:
(Ma-thi-ơ 5: 27-28) Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.
Lời phán trên của Ðức Chúa Jêsus minh chứng cho công tác làm trọn luật pháp của Ngài. Trước kia luật pháp tùy thuộc vào điều người khác có biết hay không, còn ngày hôm nay luật pháp tùy thuộc vào việc cá nhân có nhận biết tội lỗi của chính mình hay không.
(Gia-cơ 2: 12) Hãy nói và làm dường như phải chịu luật pháp tự do đoán xét mình.
Cho nên, để kết luận, thì lẽ thật trong Kinh thánh bày tỏ rằng trong thời kỳ ân điển tất cả các Cơ-đốc-nhân đều phải vâng giữ luật pháp và điều răn có ghi trong lời của Ðức-Chúa-Trời. Việc vâng giữ luật pháp một cách miễn cưỡng hay tự nguyện bày tỏ đời sống người ấy có được tái sanh hay chưa. Việc một người chịu vâng giữ luật pháp hay không cũng bày tỏ được tấm lòng yêu mến Chúa của người đó và đức tin đang ở mức độ nào.
Chính Ðức Chúa Jêsus đã nhấn mạnh rằng luật pháp của Ngài không được bỏ qua, mà phải được vâng giữ luôn luôn:
(Ma-thi-ơ 5: 18) Vì ta nói thật cùng các ngươi, đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.
Chữ mọi sự được trọn có nghĩa là dầu sự đổ huyết của Ðức Chúa Jêsus đã thực hiện trên thập tự giá nhưng sự cứu chuộc Hội thánh của Ngài vẫn chưa được hoàn thành, vì vậy phải chờ cho đến ngày Chúa tái lâm và đoán xét cả thế gian thì mọi sự mới được trọn. Chúng ta cần nên nhớ là sự cứu rỗi có hai chiều: Về phần của Ðức-Chúa-Trời thì Ngài đã thực hiện trọn vẹn giao ước của Ngài đối với con người trên thập tự giá (vì vậy mà trước khi trút hơi Ðức Chúa Jêsus mới tuyên bố là mọi sự đã được trọn), nhưng về phần con người thì Ngài vẫn đang chờ đợi để họ biết ăn năn mà quay về (đó là lý do mà Chúa đã phán rằng khi nào Tin Lành của Ngài được giảng ra khắp đất thì sự cuối cùng sẽ đến).
Vì Chúa đã làm trọn luật pháp để Cơ-đốc-nhân chúng ta vâng giữ và làm theo, nên Ngài mới nhấn mạnh rằng:
(Ma-thi-ơ 5: 20) Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.
Người Pha-ri-si giữ luật pháp (bề ngoài) rất cẩn thận, thì Cơ-đốc-nhân phải giữ luật pháp (cả bề trong lẫn bề ngoài) cẩn thận hơn mới có thể được cứu. Ðiều nầy hoàn toàn không có gì mâu thuẩn với việc được cứu bởi đức tin, vì đức tin thật là đức tin biết vâng giữ luật pháp.
(Gia-cơ 2: 17) Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.
Nếu chỉ tin mà không có việc làm phù hợp với luật pháp để bày tỏ ra như là kết quả của một đức tin thật và một đời sống đã tái sanh, thì sự tin Chúa như vậy chẳng giúp cho chúng ta thấy được Thiên đàng đâu. Mong rằng quý anh chị em cẩn thận với những người hô hào tín lý không cần phải sống theo luật pháp trong thời kỳ ân điển. Vì nếu chúng ta là muối mà không có chất mặn của một đời sống đạo theo như mẫu mực của luật pháp trong Kinh thánh thì chỉ còn bị giày đạp và bị ném bỏ mà thôi. Cầu xin Chúa đừng cho sự nầy xãy ra với bất cứ anh chị em nào trong chúng ta. A-men.