ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH THÁNH
KINH THÁNH
ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH THÁNH
Đối với thế giới và trong tất cả các phương diện của đời sống, từ lịch sử của cả nhân loại, nguồn gốc loài người cho đến cuộc đời của từng cá nhân, thì quyển Kinh thánh có một giá trị vĩ đại mà không một điều nào trong trần gian nầy có thể sánh bằng.
Sự quan trọng của Kinh thánh được bày tỏ qua nhiều đặc điểm sau đây:
KINH THÁNH LÀ SÁCH DUY NHẤT MÔ TẢ VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI RÕ RÀNG VÀ RẤT CHI TIẾT
Trong tất cả các kinh sách của các tôn giáo trên thế giới thì quyển Kinh thánh là sách duy nhất mô tả về mọi điều có liên quan đến Đấng Vô Hình một cách chi tiết, đầy đủ, hợp lý, thống nhất và rõ ràng hơn hết.
Mặc dầu các tín đồ của các tôn giáo khác trên thế giới đều có cảm giác và nhận thức về một Đấng Vô Hình đang tể trị vũ trụ nầy, nhưng các kinh sách của họ mô tả về Đấng ấy một cách rất mơ hồ, mang đầy quan điểm địa phương của con người chớ không phải quan điểm của một Đấng tối cao.
Những lời trên của chúng tôi không phải là lời chỉ trích, nhưng là sự nhận định về những thực tế mà chúng tôi đã có được sau khi đọc và tìm hiểu qua một số các kinh sách của các tôn giáo khác. Nếu kiên nhẫn theo dõi các bài viết của chúng tôi thì quý bạn đọc sẽ thấy được lý do vì sao mà chúng tôi nhận định như vậy trong các phần kế tiếp.
Một trong những mâu thuẫn mà chúng tôi nhận thấy trong niềm tin của các tôn giáo trên thế giới là người ta thường thờ lạy các đấng có địa vị thấp hơn ngôi vị của Thượng Đế, và những lãnh tụ của các tôn giáo thường được mô tả là những vị hiền lương đi tìm chân lý để giúp đời. Nhưng Kinh thánh thì cho biết chính Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố rằng Ngài là Chân lý của cả vũ trụ nầy:
GIĂNG 14: 6 – Vậy, Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là Đường đi, Chân lý và Sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.
Trở lại vấn đề đang nói đến là tầm quan trọng của quyển Kinh thánh thì chúng tôi sẽ lần lượt trưng dẫn những câu gốc mô tả về Đức Chúa Trời để xác chứng cho điều chúng tôi đang thực hiện tại đây, đó là giúp cho bạn đọc thấy được rằng quyển Kinh thánh là sách duy nhất mô tả về Đức Chúa Trời một cách hợp lý và rất chi tiết.
Trong sách tiên tri của Ê-sai thì ông đã được Thần của Đức Chúa Trời cảm động để mô tả về Ngài là Đấng quyền năng, mạnh mẽ vô cùng:
Ê-SAI 40: 28 – Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò.
Vì Đức Chúa Trời là Thần và là Đấng Quyền Năng, nên Ngài không có những mệt mõi thông thường như loài người. Vì vậy mà một chỗ khác trong Kinh thánh cũng đã mô tả về Đức Chúa Trời cùng một cách như thế:
THI THIÊN 121: 4 – Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ.
Hơn thế nữa, Kinh thánh là sách DUY NHẤT mô tả về Ngài một cách đúng đắn. Trong cả thế gian nầy không hề có một kinh sách nào đạt đến được mức độ chuẩn xác như Kinh thánh. Bởi lẽ đó, nếu chúng ta không trân trọng, hoặc cố tình bỏ qua quyển Kinh thánh thì không còn có một điều nào trong cả thế giới nầy có thể trình bày về Đức Chúa Trời một cách rõ ràng như thế.
KINH THÁNH ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ĐỂ VIẾT RA
Đó là đặc điểm thứ hai của Kinh thánh. Nói cách khác thì những người viết ra các sách trong Kinh thánh đều được soi dẫn bởi Thần của Đức Chúa Trời:
2TI-MÔ-THÊ 3: 16-17 – Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.
Nhờ bởi sự soi dẫn của Đức-Thánh-Linh mà cả Kinh thánh, mặc dầu được viết ra bởi hơn 40 tác giả trong khoảng thời gian hàng ngàn năm thì vẫn không hề có một chỗ nào mâu thuẩn.
Bất cứ một nhóm người nào cố gắng thực hiện điều tương tự như vậy đều sẽ thất bại. Hàng chục người (dầu rằng sống chung một thời đại và có chung một mục tiêu) sẽ không thể nào thống nhất được trong cách hành văn, trong ngôn từ sử dụng và trong cách sắp xếp các thứ tự ưu tiên khác nhau như điều đã bày tỏ ra trong Kinh thánh, huống chi là họ sống trong những thời đại khác nhau và cách nhau cả ngàn năm.
Đức Chúa Trời đã xác định rằng ngoài Kinh thánh ra không còn có một quyển sách nào mô tả về Ngài một cách rõ ràng chi tiết như vậy. Trong lịch sử của con người, mặc dầu cũng có một vài sách vở do con người viết ra tự nhận rằng được mặc khải bởi Thượng đế, nhưng đều thua sút quyển Kinh thánh rất xa về về sự chuẩn xác và hợp lý khi mô tả Đấng Vô Hình tối cao trong cả trời đất.
Rất nhiều người trong thế gian không nhận biết sự hiện hữu của Đức Chúa Trời vì họ không chịu nghiên cứu Kinh thánh một cách chi tiết, nên cứ lầm tưởng rằng không có Đức Chúa Trời. Đây là thách thức lớn mà chúng tôi xin được đề ra với mọi người có quan điểm như vậy. Các bạn cứ thử nghiên cứu Kinh thánh một cách kỹ lưỡng theo từng câu, từng chữ, hoặc kiên nhẫn theo dõi các bài viết của chúng tôi về Ngài thì sẽ nhận ra được sự hiện hữu của Đức Chúa Trời trong vũ trụ nầy là điều hoàn toàn có thật.
Chính vì Đức Chúa Trời đã xác nhận rằng Ngài đã soi dẫn các trước giả để viết ra Kinh thánh nên khi một người muốn nghiên cứu các ý tưởng và sự dạy dỗ trong Kinh thánh thì không thể nào dùng ý riêng hoặc khả năng cá nhân (mặc dầu có học thức và trình độ cao đến bao nhiêu) để giải thích Kinh thánh, mà cần phải dùng chính Kinh thánh giải thích cho Kinh thánh. Vì Kinh thánh đã được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời thì chỉ có sự khôn ngoan của Ngài mới có thể giải thích Kinh thánh được (nghĩa là dùng các phần Kinh thánh khác nhau để giải thích cho nhau).
Chúng tôi xin dùng thí dụ sau đây để làm rõ hơn điều mà chúng tôi mới vừa trình bày: Giả sử như có một triết gia khôn ngoan và sâu sắc nổi tiếng thế giới viết một bài bình luận về cuộc sống của con người cùng những điều đang diễn ra trong trí não của nhân loại, thì một em bé lớp mẫu giáo chắc không thể nào hiểu được cặn kẽ bài viết ấy. Nếu có ai bắt em bé ấy phải hiểu thì chắc chúng ta sẽ chê cười rằng người đó thiếu khôn ngoan.
Nhưng lạ thay, khi Đức Chúa Trời, là Đấng Khôn Ngoan hơn hết trong cả vũ trụ nầy, là Đấng Hằng Hữu và sống đời đời, viết ra sách của Ngài, thì con người (với đời sống ngắn ngủi chỉ chừng vài mươi năm trên đất) lại tưởng rằng họ có thể hiểu được chỉ sau vài ba lần đọc qua quyển Kinh thánh. Bí mật của Quả đất nầy con người còn chưa dò biết hết được, vậy mà họ lại kiêu ngạo nghĩ rằng có thể dò thấu được chiều sâu của Kinh thánh, rồi từ đó tuyên bố là không có Đức Chúa Trời! Suy nghĩ ấy thật là tự mãn và ngây ngô biết bao nhiêu.
Nếu em bé học mẫu giáo kia cần phải được người triết gia giải thích từng phần nhỏ một cách chậm rãi và kiên nhẫn cho đến khi em hiểu được (chắc phải vài chục năm sau) thì cũng một thể ấy, loài người chúng ta không thể có đủ khả năng để tự giải thích Kinh thánh, nhưng phải dùng chính lời Kinh thánh để giải thích Kinh thánh.
Phương pháp nghiên cứu và giải thích Kinh thánh như vậy đã được nhắc nhở ngay trong Kinh thánh:
(2Phi-e-rơ 1: 20) Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được.
Nhiều anh chị em trong vòng Cơ-đốc-nhân đã lý luận với chúng tôi rằng câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên chỉ được áp dụng cho các lời tiên tri hoặc các sách tiên tri mà thôi, chớ không phải là toàn bộ quyển Kinh thánh. Sự lý giải như vậy là không đúng. Thứ nhất, nếu nói rằng chỉ không được lấy ý riêng để giải thích lời tiên tri mà thôi, thì chẳng lẽ những phần khác trong Kinh thánh chúng ta có thể lấy ý riêng giải thích được? Hỏi như vậy có nghĩa là đã trả lời, tức là không có một phần nào trong Kinh thánh (dầu là một câu, một chữ) được phép dùng ý riêng để giải thích.
Thứ hai, Kinh thánh cho biết là những trước giả khác, mặc dầu theo truyền thống không được xem là tiên tri, nhưng vẫn được Kinh thánh kể là tiên tri, chẳng hạn như trường hợp của Đa-vít, và mặc dầu các phần mà ông đã viết trong Kinh thánh được xem là phần văn thơ, thì vẫn được Kinh thánh kể là lời tiên tri:
(Công vụ 1: 16) Hỡi anh em ta, lời Đức Thánh Linh đã nhờ miệng vua Đa-vít mà nói tiên tri trong Kinh thánh về tên Giu-đa, là đứa đã dẫn đường cho chúng bắt Đức Chúa Jêsus, thì phải được ứng nghiệm.
Vua Đa-vít đã nói lời tiên tri nầy trong Thi thiên thứ 69 và 109 của ông:
Như vậy, theo như sự chỉ định của Chúa thì toàn bộ quyển Kinh thánh đều được kể là sách tiên tri, chớ chẳng phải chỉ một số sách hoặc một vài phần trong đó mà thôi. Và cũng từ đó chúng ta biết rằng không có một câu nào trong Kinh thánh mà loài người được phép diễn giải hoặc cắt nghĩa bằng sự hiểu biết cá nhân (bất kể là họ có bao nhiêu bằng cấp trong tay).
Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề nầy trong những phần sau một cách chi tiết hơn, với các câu Kinh thánh trưng dẫn, để các bạn đọc có thể thấy sự lạ lùng kỳ diệu trong sự hình thành quyển Kinh thánh, trong các ý tưởng của Kinh thánh và từ đó có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn.
KINH THÁNH ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO QUẢN
Một điều đáng ngạc nhiên là có nhiều học giả Kinh thánh, sau khi đã được con người cấp cho những mảnh bằng cao, thì lại vì đó tự mãn đến nỗi tuyên bố rằng Kinh thánh còn thiếu sót và có nhiều chỗ sai lầm.
Trước hết, thử đặt câu hỏi như sau để nhìn kỹ vấn đề hơn một chút. Nếu họ là Cơ-đốc-nhân, nếu họ biết rằng Kinh thánh là quyển sách duy nhất Đức Chúa Trời đã viết ra để tự bày tỏ chính Ngài cho loài người, và nếu họ thật sự tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, thì tại sao họ lại cho rằng quyển Kinh thánh còn thiếu sót? Nếu Kinh thánh có chỗ thiếu sót, thì căn cứ vào đâu để sửa lại? Có quyển sách nào ngang bằng với Kinh thánh để nhờ đó loài người có thể giúp Đức Chúa Trời sửa lại chỗ thiếu sót của Ngài? Hoặc giả họ nghĩ rằng họ có đủ sự khôn ngoan để bổ sung chỗ thiếu sót trong lời của Đấng Toàn Năng?
Đáng tiếc là vì có quan điểm như vậy trong vòng các học giả Kinh thánh từ xưa đến nay, nên Giáo hội Công giáo mới đưa quyền Kinh thánh xuống hàng thứ hai và xem những giáo điều do chính họ tự đặt thêm ra lên hàng thứ nhất. Làm như vậy tức là họ xem rằng Đức Chúa Trời, khi viết quyển sách duy nhất để bày tỏ chính Ngài, thì vẫn còn thiếu sót, nên họ mới giúp đỡ Chúa để bổ sung những chỗ như vậy. Tự mãn thay, kiêu ngạo thay khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời cần sự giúp đỡ của con người để được hoàn thiện, hoàn mỹ trong chính Lời của Ngài!
Vậy mà trong vòng các học giả Tin Lành cũng có nhiều người mắc phải tội kiêu ngạo giống như vậy, khi nghĩ rằng Kinh thánh còn có chỗ sai lầm. Có người giải thích rằng quyển Kinh thánh mà chúng ta có trong tay ngày hôm nay là do các tu sĩ học giả Công giáo gồm thu, chọn lựa và sắp đặt lại mà có. Vì lẽ đó mà quan điểm của các học giả Công giáo được rất nhiều người tín nhiệm và tin theo.
Nhưng nghĩ như vậy là sai với lời Kinh thánh. Sự bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền các sách trong Kinh thánh đến ngày hôm nay là công việc của Đức Chúa Trời, và Ngài dùng con người (mọi thành phần, mọi tầng lớp) theo ý muốn của Ngài. Được dự phần vào công việc Chúa không có nghĩa là có thẩm quyền để phê bình hoặc chỉ trích Kinh thánh, cũng không có thẩm quyền để thay đổi hoặc thêm thắt bất cứ điều gì vào trong Kinh thánh.
Chúng tôi xin dùng một số thí dụ trong Kinh thánh để minh chứng cho điều vừa bày tỏ ở trên. Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Trời đã dùng người ngoại (tức là những người không tin) để thực hiện công việc của Ngài theo chương trình và ý định mà Ngài đã lập sẳn. Trong sách tiên tri Giê-rê-mi thì Đức Chúa Trời đã cho biết là Ngài sẽ dùng dân Ba-by-lôn để làm sự trừng phạt cho các nước và cho dân Y-sơ-ra-ên về tội phản nghịch Ngài:
(Giê-rê-mi 51: 20) Ngươi làm búa và khí giới đánh giặc cho ta; ta sẽ dùng ngươi phá tan các dân và diệt các nước.
Điều đó đã thật sự xãy ra khi người Ba-by-lôn xâm chiếm Y-sơ-ra-ên và bắt cả dân sự đi lưu đày. Nhưng khi Ba-by-lôn được Chúa sử dụng thì điều đó không có nghĩa là họ đúng trong cách đối xử tàn ác với các dân tộc khác, nhất là đồi với tuyển dân của Chúa:
(Ê-sai 47: 6) Ta đã nổi giận nghịch cũng dân ta, làm ô uế sản nghiệp ta, và phó hết chúng nó trong tay ngươi. Nhưng ngươi chẳng từng dùng sự thương xót đối với chúng nó; đã tra ách nặng trên người già cả.
Chính vì lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã tuyệt diệt dân Ba-by-lôn cho đến ngày nay, đến nỗi họ phải pha trộn với dân tộc khác, như đã thấy tại vùng Iraq.
Một thí dụ khác là việc Đức Chúa Trời sử dụng vua Si-ru, vua Đa-ri-út và vua Ạt-ta-xét-xe trong thời của E-xơ-ra để giúp việc xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ của Chúa tại đó:
(E-xơ-ra 1: 2) Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa.
(E-xơ-ra 1: 4) Hễ dân Giu-đa còn sót lại, mặc dầu ở đâu, thì bản dân của nơi họ ở, phải tiếp trợ họ bằng bạc, vàng, của cải, súc vật, không kể những của lễ lạc hiến về đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem.
(E-xơ-ra 7: 1) Vậy, ta là vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu truyền cho các quan cai kho ở bên phía kia sông rằng hễ vật gì E-xơ-ra, thầy tế lễ và văn sĩ, thạo biết luật pháp của Đức Chúa trên trời, sẽ cầu cùng các ngươi, các ngươi khá cần mẫn cung cấp cho.
(E-xơ-ra 1: 7-11) Vua Si-ru cũng trả lại những khí dụng của đền thờ Đức Giê-hô-va, mà Nê-bu-cát-nết-sa đã đem đi khỏi Giê-ru-sa-lem và để trong đền thờ của thần người. Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, truyền Mít-rê-đát, người thủ quỹ, lấy các khí dụng ấy ra, đếm và giao cho Sết-ba-xa, quan trưởng của Giu-đa. Nầy là số của các khí dụng ấy: ba mươi cái chậu vàng, ngàn cái chậu bạc, hai mươi chín con dao, ba mươi cái chén vàng, bốn trăm mười cái chén bạc thứ hạng nhì, một ngàn cái khí dụng khác. Hết thảy những khí dụng bằng vàng và bạc số là năm ngàn bốn trăm cái. Khi những người bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn được dẫn về Giê-ru-sa-lem thì Sết-ba-xa đem lên luôn hết thảy vật ấy.
(E-xơ-ra 6: 8-9) Nầy ta ra lịnh, truyền các ngươi phải làm gì đối với các trưởng lão dân Giu-đa, đặng giúp việc cất lại cái đền của Đức Chúa Trời: Hãy lấy thuế khóa thâu ở bên kia sông, vội cấp phát các tiền chi phí cho những người đó, để công việc chẳng bị dứt chừng. Phàm vật chi cần kíp, hoặc bò tơ đực, chiên đực hay là chiên con, để dùng làm của lễ thiêu dâng cho Đức Chúa trên trời; hoặc lúa mì, muối, rượu, hay là dầu, theo lời của những thầy tế lễ ở tại Giê-ru-sa-lem, khá giao cho họ mỗi ngày, chớ thiếu.
Mặc dầu Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời đã cảm động các vị vua đó để giúp cho công việc xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ được thành tựu, nhưng họ không có phần gì trong dân Y-sơ-ra-ên hay có thẩm quyền gì trong việc thay đổi lời của Chúa cả. Sau khi đã sử dụng họ thì Kinh thánh không còn đề cập gì về họ nữa. Họ trở thành bóng mờ của lịch sử con người, không hơn không kém.
Cũng một thể ấy, không phải vì cớ Đức Chúa Trời đã sử dụng các tu sĩ Công giáo để tập hợp và lựa chọn các sách vở đã viết ra để thành quyển Kinh thánh ngày hôm nay mà họ tự xem là có quyền chê bai Kinh thánh là thiếu xót và hoặc tự cho mình có quyền thêm thắt ý tưởng con người vào trong lời của Đức Chúa Trời (bằng các tín lý và giáo điều không có sự hậu thuẫn của Kinh thánh)
Ấy cũng bởi lẽ đó mà chúng tôi vẫn hằng cố khuyên con dân Chúa cùng những anh em đồng lao khác là tập trung thật kỹ lưỡng hơn nữa vào Kinh thánh, vì mọi câu trả lời cho các nan đề trong đời sống nầy, từ thuộc thể đến tâm linh, từ cõi vô hình cho đến cõi hữu hình, từ chính trị xã hội cho đến hôn nhân gia đình, đều đã có ghi lại hết trong Kinh thánh rồi.
KINH THÁNH LÀ CHÍNH XÁC VÀ KHÔNG MÂU THUẪN
Có nhiều người biện minh với chúng tôi là trong Kinh thánh có những phần mâu thuẫn với nhau và các từ ngữ trong Kinh thánh cũng có lúc dùng không chính xác.
Về việc Kinh thánh có mâu thuẫn hay không thì chúng tôi sẽ trình bày về vấn đề đó một cách kỹ lưỡng hơn trong phần kế tiếp, nhưng tại đây chúng tôi quả quyết rằng Kinh thánh không hề có mâu thuẫn. Quan điểm ấy xuất phát vì cớ co một số người không chịu khó nghiên cứu Kinh thánh theo cách so sánh từng câu từng chữ, nhất là so sánh với ý tưởng chính yếu của Đức Chúa Trời xuyên suốt trong cả quyển Kinh thánh. Nếu các anh chị em đó thử làm như điều mà chúng tôi đang khích lệ tôi con Chúa thực hiện thì sẽ thấy rằng không hề có một chỗ mâu thuẫn nào trong Kinh thánh.
Vấn đề tối quan trọng trong việc nghiên cứu Kinh thánh là phải so sánh từng lời từng chữ với nội dung chính yếu của Kinh thánh, là sự tự khải thị về chính Ngài của Đức Chúa Trời và chương trình cứu rỗi nhân loại mà Chúa đã thực hiện trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Về sự chính xác của Kinh thánh thì những từ ngữ khác biệt nhau trong Kinh thánh xuất phát từ việc phiên dịch Kinh thánh thành nhiều bản khác nhau. Những dịch giả Kinh thánh không phải là không có sai lầm trong việc chọn từ ngữ của họ để thay thế nguyên ngữ của Kinh thánh. Ấy cũng là vì trình độ, kiến thức và quan điểm của mỗi người khác nhau khi dịch những phần của Kinh thánh.
Về mức độ kiến thức và quan điểm của từng người thì chúng tôi không dám bàn sâu đến, vì điều đó liên quan đến đời sống cá nhân, mà trong thực tế thì chúng tôi không thật sự gần gũi để biết rõ họ, mà chúng tôi cũng không muốn lạm bàn về vấn đề ấy. Nhưng về sự hiểu biết Kinh thánh của họ thì chúng tôi xin trưng dẫn một thí dụ sau đây để cho thấy rằng mặc dầu phiên dịch Kinh thánh nhưng chưa chắc rằng có người thật sự nắm vững các tín lý quan trọng trong Kinh thánh.
Từ trước đến nay có nhiều học giả Kinh thánh và các nhà phiên dịch Kinh thánh cho rằng Pa-ra-di (Paradise) là Thiên đàng, và khi phiên dịch Kinh thánh hoặc giải nghĩa Kinh thánh, họ đều chú thích là như vậy.
Trong bản Kinh thánh truyền thống của tiếng Việt chúng ta, có một câu ghi lại lời Đức Chúa Jêsus hứa với một trong hai người tử tội bị đóng đinh cùng với Ngài, là ông sẽ được ở trong Pa-ra-đi với Chúa ngày hôm đó:
(Lu-ca 23: 43) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.
Các nhà phiên dịch Kinh thánh (không phải chỉ trong tiếng Việt mà thôi, nhưng cả trong một số bản dịch tiếng Anh nữa) đều chú tích rằng Pa-ra-đi là Thiên đàng. Hiểu như vậy là sai và không đúng với lời của Chúa trong một chỗ khác của Kinh thánh.
Mặc dầu Đức Chúa Jêsus cho biết rằng sau khi chết Ngài sẽ vào nơi Pa-ra-đi ngay ngày hôm ấy, nhưng nơi đó không phải là Thiên đàng, vì vào buổi sáng ngày Đức Chúa Jêsus sống lại (tức là ba ngày sau đó), khi bà Ma-ri Ma-đơ-len muốn chạm đến Ngài thì Chúa đã không cho phép bà làm như vậy, với lý do là Ngài chưa trở lại Thiên đàng, là nơi Đức Chúa Trời ngự:
(Giăng 20: 17) Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.
Như vậy, với thí dụ trên chúng ta có thể thấy rằng những người phiên dịch Kinh thánh, mặc dầu có kiến thức về ngôn ngữ, nhưng chưa chắc họ đã thật sự nghiên cứu Kinh thánh thật kỹ lưỡng. Vì nếu họ đã nghiên cứu Kinh thánh từng câu từng chữ thì chắc họ không thể nào bỏ sót câu Kinh thánh trong sách Giăng vừa trưng dẫn ở trên để lầm lẫn chú thích rằng Pa-ra-đi là Thiên đàng.
Cũng chính vì lẽ đó mà chúng tôi vẫn thường khuyên nhủ các anh chị em trong Chúa rằng đừng quá phụ thuộc vào quan điểm của con người, mặc dầu người đó có danh tiếng thế nào về các bằng cấp đã được, mà phải cẩn thận dò xét Kinh thánh cách kỹ lưỡng, vì là lời của Đấng Toàn Năng, và cũng vì muốn đẹp lòng Chúa khi trân trọng lời của Ngài trong Kinh thánh.
Khi viết đến đây thì chúng tôi nhớ đến lời phê bình của một số người, cho rằng chúng tôi là những con mọt Kinh thánh, chớ không phải là Cơ-đốc-nhân thật, vì, theo lời của họ, sống trong thời kỳ ân điển mà cứ lúc nào cũng tra xem Kinh thánh như người Pha-ri-si. Quả thật các anh chị em ấy coi thường Kinh thánh đến nỗi quên rằng Kinh thánh chính là yếu tố quan trọng có thể giúp một người được cứu hay không.
Vì Kinh thánh cho biết rằng chỉ có những người nên thánh mới thật sự được cứu, còn việc tin Chúa bằng lời và hình thức bên ngoài chẳng giúp được gì cho họ trong ngày Chúa trở lại
(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
Theo sự chỉ định của Đức Chúa Trời, qua chính lời của Đức Chúa Jêsus, thì một người chỉ được nên thánh bởi lẽ thật trong Kinh thánh mà thôi:
(Giăng 17: 17) Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.
(Giăng 17: 19) Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy.
Thử hỏi, nếu lẽ thật trong Kinh thánh mà nhiều người còn chưa biết, chưa hiểu, thì làm sao sống đạo theo tiêu chuẩn của Kinh thánh để được kể là có đời sống nên tháng? Và nếu không nên thánh đang khi theo Chúa trong đời nầy thì người đó làm sao có thể được gọi là người làm theo theo ý muốn của Đức Chúa Trời để còn lại đời đời?
(Ma-thi-ơ 7: 21) Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
(1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3-5) Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời.
(1Phi-e-rơ 1: 15-16) Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.
(Xin đọc thêm bài BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI)
KINH THÁNH LÀ SÁCH LUẬT PHÁP
Đây là phần giải thích mà chúng tôi ao ước được các bạn đọc, nhất là các anh chị em của chúng tôi trong đức tin, cần phải chú ý đặc biệt, hầu có thể nghiên cứu Kinh thánh một cách thành công và hiểu rõ ý muốn của Đức Chúa Trời.
Trong cả thời kỳ Cựu ước lẫn Tân ước thì Kinh thánh đều được gọi là sách luật pháp.
Trong thời kỳ của Giô-suê, mặc dầu chỉ có các sách do Môi-se viết ra (tức là 5 sách đầu tiên của Kinh thánh) và một vài sách khác, thì Kinh thánh đã được kể là sách luật pháp:
(Giô-suê 1: 8) Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.
Đến thời kỳ các sứ đồ thì những lời dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus được kể là luật pháp và được gọi chung là Kinh thánh:
(Gia-cơ 2: 8) Thật vậy, nếu anh em vâng giữ cho trọn vẹn luật pháp tôn trọng, theo như Kinh thánh rằng: Hãy yêu người lân cận như mình, thì anh em ăn ở tốt lắm.
Theo như câu Kinh thánh vừa trưng dẫn, thì Kinh thánh, vì là lời của Chúa, nên đã đề ra luật pháp đáng tôn trọng của Đức Chúa Trời và cần được Cơ-đốc-nhân tôn trọng, ghi nhớ và làm theo, đó là luật yêu thương. Điều răn rằng phải yêu kẻ lân cận như mình là do chính Đức Chúa Jêsus đã tóm tắt luật pháp của Đức Chúa Trời khi dạy dỗ đoàn dân đông:
(Ma-thi-ơ 22: 37-40) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.
Nếu chúng ta cẩn thận suy gẫm thì sẽ thấy rằng cũng theo ý tưởng trong lời phán của Đức Chúa Jêsus vừa trưng dẫn ở trên thì toàn bộ quyển Kinh thánh, tức là các mạng lệnh, điều răn và lời tiên tri đều là sự mở rộng của luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người. Nói tóm lại thì quyển Kinh thánh được kể là sách luật pháp.
Khi quyển Kinh thánh là sách luật pháp thì chúng ta phải nghiên cứu Kinh thánh như là đang nghiên cứu luật pháp vậy. Điều đó có nghĩa là nghiên cứu theo từng câu, từng lời, từng chữ của Kinh thánh. Đây là một trong những sự thiếu sót lớn của Cơ-đốc-nhân đối với việc học Kinh thánh.
Chúng ta biết là đối với luật pháp loài người thì tòa án xét rất cặn kẻ từng lời từng câu của cả bị cáo lẫn bị can, của cả công tố viên lẫn luật sư bào chữa, nhất là của nhân chứng, hoặc trong các trường hợp khác, là từng chữ từng câu trong bản hợp đồng bị phá vỡ. Chỉ có làm như vậy thì các thẩm phán mới có thể tuyên xử một cách chính xác các vụ án, bằng không thì sẽ có sự sai lầm, nhiều khi ảnh hưởng đến cuộc đời và sinh mạng của người trong cuộc.
Kinh thánh cũng phải được nghiên cứu một cách cẩn thận, từng lời, từng chữ cách như vậy, thậm chí còn nghiêm trọng gấp nhiều lần hơn điều đó nữa, vì những sự dạy dỗ trong Kinh thánh vốn liên quan đến linh hồn quý báu của con người, là điều quý hơn cả thế gian nầy:
(Ma-thi-ơ 16: 26) Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?
Nhưng tiếc thay, phần nhiều tôi con Chúa xem quyển Kinh thánh rất tầm thường, không hề quan tâm đến những điều đã chép ở trong. Riêng đối với những người nghiên cứu Kinh thánh thì cũng không có thái độ cẩn trọng tối đa khi dò xét các ý tưởng bao hàm trong các câu Kinh thánh. Đây không phải chỉ là lời nhận định suông, vì trong thực tế có quá ít các học giả Kinh thánh tin nơi thẩm quyền của Kinh thánh một cách tuyệt đối. Không phải chỉ có người chưa tin chỉ trích rằng Kinh thánh sai lạc mà ngay cả một số lớn học giả Kinh thánh cũng tự mãn để phê bình rằng Kinh thánh còn có nhiều chỗ thiếu sót.
Thử nghĩ mà xem, nếu Đức Chúa Trời ban cho loài người chỉ có một điều duy nhất để nhận biết Ngài, là quyển Kinh thánh, mà Ngài còn để cho Kinh thánh thiếu sót, thì thử hỏi những người kia làm sao có thể có đức tin thật để tuyên bố rằng họ tin nơi một Đức Chúa Trời toàn năng không bao giờ sai lầm hoặc thiếu sót?
Khi chúng ta nhận biết rằng Kinh thánh là sách luật pháp và được viết ra bởi sự khôn ngoan của Đấng Toàn Năng, thì ai là người trong trần gian nầy nghĩ rằng mình có thể tự hiểu được lời của của Chúa?
(Ê-sai 40: 28) Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò.
Việc nghiên cứu Kinh thánh, là sách luật pháp, theo cách tìm hiểu từng câu từng chữ, là điều mà Đức Chúa Jêsus đã nhấn mạnh trong sự dạy dỗ của Ngài:
Khi Đức Chúa Jêsus so sánh giữa trời đất và từng câu từng chữ trong Kinh thánh, thì điều đó giúp chúng ta hiểu rằng loài người đã làm ngược lại sự chỉ định của Đức Chúa Trời, ấy là họ dành nhiều nổ lực, công sức để nghiên cứu về thế gian, về Trái đất, về vũ trụ nầy mà thờ ơ, hoặc quá xem thường Kinh thánh.
Để nhấn mạnh đến việc Kinh thánh là sách luật pháp và phải nghiên cứu Kinh thánh như nghiên cứu luật pháp quan trọng đến sinh mạng con người, Đức Chúa Trời đã dùng nhiều người vốn quen thuộc với phương diện luật pháp để viết nên sách của Ngài, đó là Môi-se, Phao-lô, Đa-vít, Sa-mu-ên, Ê-sai. Họ là những người viết nên phần lớn của Kinh thánh so với những trước giả khác.
(còn tiếp)